Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

314. Kỷ niệm ngày mất của Hồ Chủ tịch

             314. KỶ NIỆM NGÀY MẤT CỦA HỒ CHỦ TỊCH.

Năm 1969, Hà Nội đang trong tình trạng chống “chiến tranh phá hoại” của Mỹ. Nhân dân ta chịu biết bao khó khăn. Hạt gạo làm ra phải xẻ làm tư, một cho chiến trường miền Nam, thường gọi là chiến trường B, một cho chiến trường C (Lào), một cho chiến trường K (Campuchia). Phần ít ỏi còn lại cho miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hà Nội lúc này chưa có truyền hình (TV). Đài Truyền thanh Hà Nội chỉ phát thanh bằng đường dây trực tiếp. Nơi công cộng thì có loa, công suất lớn, vừa để nghe tiếp âm của Đài Tiếng nói Việt Nam, vừa thông tin tin tức thời sự của thủ đô, vừa làm nhiệm vụ thông báo khi có máy bay địch xâm phạm bầu trời Hà Nội. Mỗi hộ dân đều được gắn một cái loa ga-len không có nút tắt mở. Đến giờ thì tự động phát, hết giờ thì tự động tắt. Thường ngày, nhạc hiệu của Đài Truyền thanh là bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi.
Sau lễ mừng Quốc khánh, tôi không nhớ rõ là ngày 3 hay 4 tháng 9 thì từ buổi phát thanh buổi sáng phát đi bản tin. Nhưng lạ thay, không phát bài Người Hà Nội mà mở đầu bằng bài Chiêu hồn tử sĩ. Bài hát này có từ hồi năm 1945, sau này lấy làm nhạc hiệu cho những buổi lễ long trọng trong phần nghi thức. Đầu lễ là Quốc ca, thứ đến là bài Ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh rồi đến phút mặc niệm thì tấu lên bản nhạc Chiêu hồn tử sĩ.
Tiếng người phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam dường như bị đứt quãng, nghẹn ngào. Sau nhạc hiệu của Đài là đến bản Chiêu hồn tử sĩ. Phát thanh viên đọc bản Thông cáo đặc biệt.
Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vô cùng đau đớn báo tin để toàn Đảng và toàn thể nhân dân Việt Nam biết: đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã từ trần hồi 9 giờ 47 phút ngày 3-9 năm 1969, sau một cơn đau tim đột ngột rất nặng, thọ 79 tuổi.
Tôi xúc động nói với nhà tôi: Thế là Bác Hồ đã ra đi. Hai cháu Triệu Quang và Thúy Ngọc cùng thức dậy và cùng khóc. Mấy gia đình cán bộ bên cạnh cũng khóc. Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà 59 Hàng Đào. Trên đường tới cơ quan, khi ngang qua bờ hồ Hoàn Kiếm tôi thấy rất đông đồng bào ta tụ tập quanh những chiếc loa công cộng để theo dõi tin tức Hồ Chủ tịch từ trần.
Nhiều tiếng khóc! Nhiều dòng nước mắt tuôn chảy, trong khi trời vẫn mưa.
***
Sau ngày tang lễ 9/9/1979, các báo đăng nhiều bài thơ tưởng nhớ Người. Đặc biệt, hầu như những tờ báo lớn như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới đều đăng bài thơ Bác ơi của Tố Hữu. Bài thơ mở đầu bằng những câu:
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…
Nhà thơ Thu Bồn ở tận trong Nam cũng khóc Bác:
Có người thợ dựng Thành Đồng
Đã yên nghỉ tận sông Hồng mẹ ơi!…
Bài thơ của tôi Để Người đi cho lòng được thảnh thơi cũng được đăng báo ngày ấy và sau này được đưa vào sách Khúc hát những dặm đường do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành:
Đại bác nổ từng hồi đưa tiễn Bác
Tiếng súng rền như xé ruột xé gan
Bác đi rồi ơi nửa nước miền Nam
Hai mươi năm trời chỉ lo đánh giặc
Quét sạch thù cho chóng ngày gặp mặt
Nỗi nhớ mong đếm từng phút từng giây!
Đau thương nào sánh được nổi đau này
Ta không khóc mà lòng đầy nước mắt
Ngọn cờ Bác trao cùng nhau giữ chặt
Để Bác đi cho lòng được thảnh thơi
Người đi rồi cả thế giới buồn đau
Bầu bạn tiếc thương, quân thù kính phục
Hỡi những ai còn kiếp đời tủi nhục
Đưa tiễn Người chớ để lệ tràn mi
Ơi anh em Âu – Á – Mỹ - Úc – Phi
Giờ phút này xiết chặt thêm đội ngũ
Trước mặt ta bao mưu thù còn đó
Đoàn kết lại cả bốn biển năm châu
Để Người đi cho lòng nhẹ nỗi đau
Đại bác nổ từng hồi đưa tiễn Bác.
Hà Nội 9-1969
Bên bờ Phước Long Giang, 9 giờ 47 phút ngày 2/9/2018.
Đăng lại vào sáng hôm nay, ngày 3 tháng 9 năm 2020
Nhà thơ Xuân Bảo.
Phap Nguyen, Phạm Đình Long và 4 người khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét