Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

315. Chuyệ nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 16. Thanh niên hy vọng tương lai đạo

       315. Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 16.

Thanh niên hy vọng tương lai đạo

Đến khi chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời thì Phường Sãi được sát nhập với thôn Thượng Phước. Mọi sinh hoạt của người dân và các đoàn thế đều được tham gia một cách bình đẳng. Đã hết rồi cái “thời phân biệt ngụ cư”. Người Thượng Phước coi người Phường Sãi bằng nửa con mắt? Cách mạng về xóa đi cái ranh giới giàu nghèo và người ngụ cư.
Trong ba chiến sĩ cộng sản Tiền khởi nghĩa ở đây gồm các ông Lê Luyện, Bùi Hồng Sa, Nguyễn Minh Tự thì ông Tự là người Phường Sãi, làng Xuân An. Ông Nguyễn Minh Tự là con trai trưởng của Cụ Nguyễn Văn Xuân, cháu đích tôn của Cụ Nguyễn Văn Cảm. Ông tham gia Việt Minh, cướp chính quyền tại phủ Triệu Phong và đi suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, ông được bố trí ở lại miền Nam để tổ chức lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ ở quê nhà. Khi mất, ông đang giữ chức vụ Chánh văn phòng Khu ủy Miền Tây Trị Thiên.
Vợ ông Tự, người làng Nhan Biều, nhưng gốc lại là làng Tân Phổ, sinh sống tại phường Tân Phổ, tên là Hồ Thị Thí cũng là một chiến sĩ cách mạng, tham gia khởi nghĩa và xây dựng chính quyền từ những ngày đầu. Họ Hồ có nhiều chiến sĩ cộng sản hoạt động thời kỳ bí mật. Bà Hồ Thị Thí sau này sống với con gái Nguyễn Thị Minh Hiền tại Huế (đã mất).
Người con thứ hai của Cụ Nguyễn Văn Xuân tên là Nguyễn Tính, sau đổi thành Nguyễn Chẩm được ông Bùi Hồng Sa, dìu dắt vào nhóm Thiếu niên Cách mạng.
Ông Bùi Hồng Sa muốn lấy ý tưởng của tổ chức Hướng Đạo Sinh –một tổ chức do Huân tước R.B. Powell sáng lập năm 1907 ở Anh. Ngày 7 tháng 2 năm 1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép Hội này hoạt động theo quy định mới. Ngày 31-5-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm Hội trưởng danh dự Hội Hướng Đạo Việt Nam.
Nhóm Tương lai đạo này tuổi từ 15 -16 và được huấn luyện làm các việc nhỏ như tuyên truyền phổ biến chủ trương của Việt Minh, canh gác cho các cuộc họp, học hát, học ngâm thơ, độc tấu, học võ, biểu diễn văn nghệ, trang trí địa điểm bầu cử và cổ động cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa I (tháng 1 năm 1946).
Nhóm này có các ông Lê Hoa, Lê Ngọc Quỳnh, Trần Văn Hối, Nguyễn Chẩm, Trần Trọng Tư, Lê Ngọc Bích và Trần Đức Đệ và được ông Bùi Hồng Sa đặt tên theo lời một bài diễn ca yêu nước thời bấy giờ. Câu ca đó như sau: “Thanh niên hy vọng tương lai/ Đạo làm trai gánh nặng hai vai…”
Nhóm Tương lai đạo này có bảy người được đặt tên theo 7 chữ: Thanh niên hy vọng tương lai đạo. Thanh là mật danh của Lê Hoa, sau này là đại tá, bí thư riêng của Đại tướng Văn Tiến Dũng.Niên là mật danh của Lê Ngọc Quỳnh, sau này là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp). Hy là mật danh của Trần Văn Hối, sau này là nhà giáo,giáo sư Chủ nhiệm Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Vinh trong những năm chống Mỹ và khi nước nhà thống nhất ông được điều về giảng dạy ở Đại học Sư phạm Huế, hiện còn sống ở cùng vợ con tại thành phố Huế. Vọng là mật danh của Nguyễn Chẩm, ( vừa mất năm 2018) sau này là kỹ sư lâm nghiệp. Ông đã từng là giảng viên Trường Trung cấp Lâm nghiệp Nghệ An và sau này về công tác ở Sở Lâm nghiệp Lâm Đồng, hiện sống cùng vợ con tại thành phố Biên Hòa. Tương là mật danh của Trần Trọng Tư, ( đã mất) sau này là cán bộ Cục Điện ảnh, sống cùng vợ con tại thành phố Hải Dương. Lai là mật danh của Lê Ngọc Bích, sau này là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện sinh sống tại Hà Nội. Đạo là mật danh của Trần Đức Đệ, đã nghỉ hưu và mới mất tại Hà Nội.
Những thiếu niên đó, sau này đều trưởng thành và có nhiều đóng góp cho cách mạng.
Bên bờ Phước Long Giang, sáng ngày 24 tháng 8 năm 2020.
Nhà thơ Xuân Bảo

Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét