Trang

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

162.NHỚ VỀ NGÀY 17/2/1979

NHỚ VỀ NGÀY 17 THÁNG 2 NĂM 1979

KHÚC BI HÙNG CHỐT MÁU PHA LONG.

Tráng ca
 Tưởng niệm 26 linh hồn người linh trẻ biên cương

                                                                  XUÂN BẢO.
Chương 1.Ngày 17 tháng 2 năm 1979 đen tối.

Pha Long, Pha Long
Mờ sáng, con chim rừng chưa thức
 gió mùa rít từng cơn lạnh buốt thấu xương.
trạm gác Lô Cô Chín  
Dưới mái lá tranh tre ghép tạm
Chiến sĩ ta chỉ có năm người
Đã rút sang cao điểm
Một sáu Chín Hai.
Chúng nó, hai trung đoàn bộ binh thầm lặng
Chẳng khác những tên khoét vách đục tường
vào nhà láng giềng như những tên ăn trộm.
Chúng bắn  xối xả hòng chiếm lĩnh điểm cao
Chính trị viên Trần Ngọc chỉ huy trận đánh
Lệnh điều quân lên phía bắc tăng cường
Cùng đồng đội   Cửa khẩu
Quyết cầm chân địch quanh pháo đài Lê Đình Chinh
Bộ Tư lệnh điều ba đại đội phối thuộc
Chốt máu Pha Long vang lời thề 
Hãy giữ yên từng tấc sông phân núi
!
Chương 2. Chúng đã quên đi lời ca nghĩa tình sâu đậm

Pha Long, Pha Long
Văng vẳng trong hàng quân lời bài hát
“Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông
Chung một biển đông, chung tình hữu nghị
Sáng như vầng đông...”
Chúng đã quên đi cửa ải Nam Quan
Được chính họ đổi tên thành Mục
Thế mà giờ đây chúng trơ tráo trở mặt
Xua quân sang suốt sáu tỉnh phía bắc nước ta
Còn đâu tiếng hát
Núi liền núi, sông liền sông ?!


Chương 3.”Bình nhất hà Việt Nam quốc thổ”

Pha Long, Pha Long
Bia trấn ải còn ghi rõ:
“Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non*
Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định
Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng
Tuyệt tuyệt long phụng bảo quốc an
Bình nhất hà Việt Nam quốc thổ” 

Đồn Pha Long giữa núi rừng Mường Khương
Bốn ngày đêm giữ chốt
Chúng có đủ hỏa lực
 có pháo tầm xa đến pháo bộ đi cùng
Bốn ngày đêm Pha Long làm nên kỳ tich
Lũ quân hèn bỏ xác tám trăm tên.
Máu chúng loang tanh tưởi cả miền biên ải.

Chương 4.Tổ quốc luôn vỗ về các anh

Pha Long, Pha Long
Ngả xuống nơi đây Hai mươi sáu người lính trẻ  
Bất khuất hai mươi sáu linh hồn
Tuổi mười tám đôi mươi trắng trong trinh tiết
Ngả xuống để đất nước trường tồn
Còn đó mãi mãi lời thề biên cương
Pha Long, Pha Long, Lời thề son sắt
Chốt máu kiên cường!  
----------------------
*Tạm dịch nghĩa:

“Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non

Núi Nam bốn cõi đã quy định trong sách trời

Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (điều đó).
(Có) rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy Tổ quốc
.
Đất Việt Nam yên bình nhất là  đây”

Bia Trấn ải với nội dung bi ký trên được dựng, bên cổng đồn Biên phòng Pha Long, do quân và dân tỉnh Lào Cai dựng từ tháng 3 năm 2013 để ghi nhớ chiến công oanh liệt của 9 chiến sĩ  Đồn  Pha Long và 3 đại đội tăng cường phối thuộc đã ngoan cường đánh trả 2 trung đoàn bộ binh của bọn xâm lược, trụ vững trong 4 ngày đêm từ sáng 17 đến 20 tháng 2 năm 1979. Bên địch hơn 800 tên bị tiêu diệt, Bên ta, 26 chiến sĩ hy sinh, tuổi đời còn rất trẻ.
                                                            -0-
                                                                                                                             XUÂN BẢO

            (viết bên bờ Phước Long Giang từ ngày 17 dến ngày 20 tháng 2 năm 2016)

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

161.Vị sơ tổ thiền phái Trúc Lâm

https://mail.google.com/mail/u/0/images/cleardot.gif
https://mail.google.com/mail/u/0/images/cleardot.gif
                    VỊ SƠ TỔ CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ.

           1.TƯỢNG ĐÁ AN KỲ SINH
            Cách đây đúng một năm, ngày 18 tháng Giêng năm Ất Mùi, gia đình chúng tôi hành hương về Yên Tử. Yên Tử là địa danh mà người đời sau vì kiêng húy tên của vua nên đã gọi chệch sang từ An sang Yên. Về sự tích vì sao có tên gọi địa danh Yên Tử thì ở đ
ây có pho tượng đá nguyên khối lạ kỳ nhất trên non thiêng Yên Tử. Bao năm qua người ta vẫn đến đây lễ bái, phụng thờ nhưng chưa ai thực sự hiểu được huyền tích ra đời của pho tượng. Theo sử sách, ngay từ thủa sơ khai, Yên Tử đã là một ngọn núi thiêng nổi tiếng khắp nước Việt. Chính vì vậy, vào thế kỷ thứ III trước CN đã có đạo sỹ tên An Kỳ Sinh - đạo sỹ giỏi nối tiếng xứ Trung Hoa đến đây tu luyện rồi hóa đá. Dấu tích xưa nay vẫn còn lại một pho tượng          đá cao 2m,hình người,đứng chắp tay hướng về phương Bắc.
                  Pho tượng đá An Kỳ Sinh (hay còn gọi là Yên Kỳ Sinh) tọa lạc ngay giữa đỉnh Yên Tử, đoạn từ chùa Vân Tiêu đi lên chùa Đồng. Là tượng đá nguyên khối, lại đứng giữa đất trời hàng nghìn năm nên rong rêu bám đầy. Nhiều người dân ở đây cho rằng tượng đá An Kỳ Sinh là một khối đá thiên tạo, dáng hình giống một nhà sư mặc áo chùng thâm, hai tay cung kính chắp trước ngực, nhà sư thanh thản đứng giữa đất trời, tà áo bay trong gió. Tượng được dựng đứng trên một khối đá hình nấm, dưới chân tượng được cố định bằng xi măng. Trước mặt tượng được xây một bệ thờ ba bậc, bằng xi măng và đặt một bát hương rất to. Bên phải có một bệ thờ nhỏ, cũng đặt một bát hương. Không ai biết đích xác đó là bệ thờ ai, chỉ nghe tương truyền đó là bệ thờ một vị đệ tử của đạo sĩ An Kỳ Sinh. Bên trái có một biển bằng xi măng cắm trên một cột bê tông hình chữ nhật, nét chữ sơn vàng ghi: "Tượng An Kỳ Sinh - di tích có giá trị, đã được xếp hạng bảo vệ, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm".




    Khi đi ngang qua tượng An Kỳ Sinh du khách thập phương thường kiên nhẫn đứng lại, chờ đến lượt mình được vào lễ bái.    

Thật lạ là trong khi đường leo núi, đoạn từ tháp 7 tầng đi lên chùa Đồng, đoạn nào cũng dốc, đá núi lởm chởm thì chỗ đặt tượng thờ An Kỳ Sinh lại bằng phẳng. Người ta quan niệm, tượng An Kỳ Sinh là một pho tượng kỳ lạ nên ẩn chứa trong đó nhiều phép màu huyền bí. Bởi vậy, khi đến đây người đi chùa thường lấy một tờ tiền mới, chà lên mình tượng để cầu phúc, cầu sức khỏe và tài lộc. Cũng có người cho rằng tượng là hiện thân của An Kỳ Sinh - một vị đạo sỹ tinh thông bách bệnh, từng luyện nên linh đan trường sinh bất tử nên khi nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa đã đến đây lập đàn cúng tế, xin cho bệnh tật tiêu tan, tai qua nạn khỏi đã rất linh ứng.
                Tương truyền đó chính là tượng An Kỳ Sinh và hai ngôi mộ là mộ hai học trò của ông. Tượng không phải là đá mọc tự nhiên mà là do con người dựng, chính vì thế dưới chân tượng mới có nhiều khối đá lớn như bệ để giữ cho tượng không bị đổ. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy ở phần ngực tượng có một khung hình chữ nhật khắc lõm, qua năm tháng đã bị mờ. Theo phỏng đoán của PGS Hinh thì đó có thể do ngày xưa khi đặt tượng người ta đã khắc tên An Kỳ Sinh như một cách yểm tâm tượng thường thấy trong dân gian. Đó cũng chính là dấu vết của một sự gia công. Gần tượng xưa còn có động Dược am và Thung am (am thuốc và am luyện thuốc).
         Đại đa số người dân qua nhiều thế hệ đều chỉ biết rằng tượng đá là hiện thân của thiền sư An Kỳ Sinh - vị thiền sư đầu tiên đến tu tập trên đỉnh Yên Tử. Yên Tử trong chữ Hán An và Yên đều viết giống nhau. Có truyền thuyết cho rằng kiêng húy tên vua có chữ An nên người Việt chuyển sang gọi là Yên.Yên Tử theo sách An Nam Chí của Cao Hùng Trưng ban đầu có tên là Tượng Đầu sơn.  
                   Sách "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú có dẫn bài thơ "Thủy văn tùy bút" của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bài thơ này đã nhắc đến Yên Kỳ Sinh như một vị tiên giả từng tu luyện linh đan trên đỉnh cao nhất của Yên Tử. Như vậy, ngay từ thời Trần trên núi Yên Tử đã có di tích An Kỳ Sinh và An Kỳ Sinh là đạo sĩ chứ không phải là thiền sư. Riêng về nguồn gốc của vị đạo sỹ này, trong sách "Liệt tiên truyện" của Trung Quốc cho biết rằng, An Kỳ Sinh là người Phụ Hương ở Lang Gia (vùng Chư Thành, tỉnh Sơn Đông ngày nay), chuyên bán thuốc ven biển Đông Hải, người bấy giờ gọi là Thiên Tuế Ông. Tần Thủy Hoàng đi tuần phương Đông đã từng nói chuyện với ông và tặng ông kim hoàng cùng ngọc bích nhưng đã bị ông bỏ lại trong đình Phụ Hương cùng một bức thư, một đôi giày bằng xích ngọc để báo đáp, bảo mấy năm sau Tần Thủy Hoàng hãy đến núi Bồng Lai tìm ông. Theo lời dặn, mấy năm sau Tần Thủy Hoàng sai Từ Thị (Từ Phúc), Lô Sinh đem mấy trăm người ra biển tìm ông nhưng chưa đến núi Bồng Lai thì gặp bão nên phải quay về. Tần Thủy Hoàng cho lập hơn 10 chỗ thờ ông ở đình Phụ Hương và ven biển Đông Hải. Nhà Tần mất, ông ở cùng người bạn thân là Khoái Thông. Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ từng mời ông ra làm quan, ông bèn đi nơi khác, không biết chết ở đâu. Trong một số thư tịch và sử liệu Trung Hoa cũ còn cho biết thêm, An Kỳ Sinh đã từng tìm được cây thạch xương bồ để cứu một người qua cơn thập tử nhất sinh và cũng chính nhờ uống loại cây kỳ diệu này mà trở nên trường sinh bất tử, sống đến nghìn năm.
         Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người trở nên thắc mắc, tại sao Trung Quốc nổi tiếng với vô số núi thiêng như Hoằng Sơn, Thiên Thai, Nga Mi, Vũ Ang, Ngũ Nhạc... sao An Kỳ Sinh lại không ở đó mà đến Yên Tử?
Sách "Đại Nam nhất thống chí" có ghi rõ ngay tại tỉnh Sơn Tây, huyện Tam Dương và Lập Thạch (thuộc vùng đất Quảng Ninh và Phú Thọ ngày nay) có cây thạch xương bồ mọc rất nhiều trên đỉnh núi. Như vậy có thể An Kỳ Sinh từng tìm đến Yên Tử tìm cây thạch xương bồ để cứu người hoặc luyện linh đan sau đó ở lại nơi đây tu luyện. "Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, đó là vấn đề quan hệ đi lại giữa Giao Châu với miền ven biển Đông Hải thời Tần Hán khá thuận lợi. Những di tích khảo cổ học thời Ân Thương ở Quảng Đông và nước ta đã chứng tỏ mối quan hệ khó tưởng giữa hai nước. Do vậy, khả năng Aên Kỳ Sinh đến Yên Tử vào thế kỷ III trước CN là có khả năng xảy ra".
                                                ***
                           2. NON THIÊNG YÊN TỬ

          Yên Tử - nơi cách đây hơn 700  năm -  vua Trần Nhân Tông nhường ngôi báu lại cho con là Trần Anh Tông để chuyên tâm nghiên cứu về Phật học. Ngài chọn vùng  núi Yên Tử để tu hành.
           Trần Nhân Tông tên húy là Trần Khâm, sinh ngày  11 tháng 11 năm Mậu ngọ nhằm  ngày 7 tháng 12 năm 1258. là con trưởng của vua Trần Thánh Tông, tên húy là Hoảng, mẹ là Hoàng thái hậu Nguyên Thánh. Ngài là cháu đích tôn của vua Trần Thái Tôn, tên húy là Cảnh. Năm 1274, Ngài 16 tuổi được lập làm Đông cung thái tử. Cũng trong năm đó Ngài kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh, trưởng nữ của Hưng Đạo đại vương. Năm 21 tuổi (1279) Ngài được vua cha truyền ngôi.
Trước họa xâm lăng của quân Nguyên – Mông, năm 1282 vị vua 24 tuổi này đã chủ trì Hội nghị Bình Than và sau đó 2 năm, năm 1284 Ngài chủ trì Hội nghị Diên Hồng.
           Chiến thắng Nguyên – Mông lần thứ nhất vào năm 1285 và chiến thắng Nguyên – Mông lần thứ hai vào năm 1288 là do toàn dân nhất trí một lòng diệt giặc bảo vệ non sông nước Đại Việt mà Ngài là vị thống soái.  Sau chiến thắng Ngài cùng với vua cha làm Lễ Hiến phù tại phủ Long Hưng (Thái Bình) có dẫn giải một số tù binh và những tên đầu sỏ Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ Ngọc dâng mừng Đại thắng. Trước lăng mộ Trần Thái Tông, vua Trần Nhân Tông đã đọc hai câu thơ cảm khái:

 “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”

(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng)


                            ***
Năm 1301, vua Trần Nhân Tông làm cuộc viễn du sang Chiêm quốc. Vua hứa gả con gái rượu của mình cho vua Chiêm. Chế Mân dâng Đại Việt hai châu Ô và Rý làm sính lễ cầu hôn. Về Chiêm Thành, Huyền Trân sinh được một hoàng tử. 11 tháng sau thì vua Chế Mân tịch và Huyền Trân đáng phải lên giàn hỏa nhưng đã được Trần Khắc Chung và Đặng Văn sang cứu về. Tôi có bài thơ Giọt lệ Huyền Trân viết hồi năm 2007 nhân kỷ niệm 700 năm Huyền Trân về làm hoàng hậu Chiêm Thành 1307 -2007.


                                       GIỌT LỆ HUYỀN TRẦN
                                       (Nước non ngàn dặm ra đi,mối tình chi…)
                                                                 Ca Huế
                     Cung vàng Chiêm quốc tím chiều hoang
           Vẵng khúc Nam Ai quá bẽ bàng
           Tình nghĩa trăm năm người cách trở
            Nước non ngàn dặm lệ tuôn tràn
Phụ hoàng…còn xót con lưu lạc !
Trần Khắc…thấu chăng thiếp lỡ làng ?
Chín vạn bông trời sao sáng nở
Thôi đành bội ước với tình lang !



*** 

  Vua Trần Nhân Tông  là một ông vua văn võ kiêm toàn. Ngài đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng. Rất tiếc nhiều thi tập như Việt âm thi tập, Trần Nhân Tôn thi tập, Đại hương Hải Ân thi tập,Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ ngữ, Trung Hưng thực lục, Truyền Đăng lục…phần lớn thất truyền. Thơ Trần Nhân Tông đạm bạc có hơi ấm của cuộc đời. Những bài tả mùa xuân, tả trăng, tả cánh đồng, tả chiều hôm…chứng tỏ là Trần Nhân Tông có một tâm hồn nghệ sĩ, thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên và nhìn vẻ đẹp đó dưới con mắt của người nhuốm tư tưởng thiền. Đặc biệt Ngài có một bài phú có tên là Cư trần lạc đạo phú. Đây là tác phẩm chữ Nôm đầu tiên của nước ta. Bài phú có 10 hội, mỗi hội số chữ dài ngắn khác nhau. Hội thứ nhất gieo vần bằng, hội thứ hai gieo vần trắc. Cứ thế các vần thay nhau bằng trắc cho đến hết 10 hội. Phần kết có bài kệ tứ tuyệt. Cư trần lạc đạo phú ca tụng cảnh tu hành ở nơi núi non, lời cổ kính nhưng rất đời và rất thực. Và bài phú này là chủ thuyết của Thiền Phái Trúc Lâm.
 Trần Nhân Tông là vị vua sáng lập ra dòng Việt Phật Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài là vị vua Phật đầu tiên ở đất nước Đại Việt với tôn hiệu “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”.
Theo sử cũ, Ngài xá báo an tường, thâu thần thị tịch ngày mùng 1 tháng 11  Mậu Thân (1308), thọ thế 51 năm. Trước khi nhập diệt, Ngài đã để lại bài kệ Pháp Thân Thường Trụ: “Nhất thiết pháp bất sanh. Nhất thiết pháp bất diệt. Nhược năng như thị giải. Chư Phật thường tại tiền. Hà khứ lai chi hữu”.  “(Tất cả pháp không sanh. Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vầy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi)”.
                                                             ***
           Tôi đã làm hai bài thơ theo thể Đường luật để bái vọng lên Ngài để tưởng nhớ một vị vua anh minh và vị Sơ tổ của nền Phật giáo Việt Nam.
.
           Bài thứ nhất:

MINH QUÂN – THÁNH CHÚA

Tìm về Yên Tử chốn quan san
Lập phái Trúc Lâm giữa đại ngàn
Trước diệt Nguyên Mông yên xã tắc
Sau xây Đại Việt vững âu vàng
Cửu trùng phổ độ rời ngôi báu
Vạn tuế chuyên tâm hướng Niết bàn
Điều ngự giác hoàng ngời chánh pháp
“Cư trần lạc đạo” sáng trời nam*

*Cư trần lạc đạo phú của vua Trần Nhân Tông,chủ thuyết của phái Thiền môn Trúc Lâm.

Bài thứ hai:

VỊNH CHÙA BA VÀNG, BẢO QUANG TỰ

Hai sườn xanh ngắt cánh rừng thông
Lưng dựa thế núi phía trước sông
“Ánh sáng quý” ngời ngôi cổ tự *
Bình minh lên rạng mặt trời hồng
Nơi đây hạ đoạn bình phong thủy
Kìa chốn  thượng môn mạch giếng nguồn
Hổ phục oai linh, thiêng đuốc tuệ
Rồng chầu hùng vĩ hướng Chùa Đồng

*Ánh sáng quý tức Bảo Quang Tự


                                     Nhà thơ Xuân Bảo

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

160.Kỷ niệm 1 năm về Hà Nội.

Ngày này năm ngoái, tội đi thăm lại những người ban cố tri. Nhân đây tôi đăng lên blog của tôi để nhớ về ngày ấy bài viết này.

             VÀO  CHÙA HÀ GẶP GỠ NGƯỜI TRONG MỘNG.

Sau Ngày Thơ Việt Nam ở Quốc Tử Giám, tức ngày 16 tháng Giêng Ất Mùi, lại nhằm vào ngày thứ 6, mùng 6 tháng 3 năm 2015. Sáng ra, vợ chồng tôi lên tận lầu 7 khách sạn để ăn sáng và uống cà phê. Nhìn ra sông Hồng, tôi thấy cầu Long Biên mờ mờ trong mưa bụi. Lòng bỗng thấy nôn nao nhớ về bài thơ Đưa em lên cầu Long Biên. Bài thơ này tôi viết trong một chiều rét ngọt cũng mưa, cũng lạnh như sáng nay, lúc tôi ngồi ở một quán cà phê cóc góc phố Ô Quan Chưởng.  Bài thơ đó như sau:

 Năm xưa
Anh cùng em
Đứng trên cầu Long Biên
Nhìn lên Bãi Giữa
Nương ngô mút mắt trời Chèm
Mạn Lương Yên ca nô tàu thủy
Tấp nập vào ra chật bến Phà Đen

            Con rồng thép uốn mình qua đôi bờ Hà Nội
Chở tuổi thanh xuân những cô gái chàng trai
Đi vào cuộc trường chinh đánh Mỹ
Còn đây những nhịp cầu gãy…
Chứng tích thương đau

Ta muốn nghe tiếng búa cạo rỉ
Của những người thợ sơn cầu
Như bản hòa tấu âm vang thế kỷ
Thao thiết chảy vào dòng sâu Nhĩ Hà

Chiều nay trời trở lạnh
Ta đưa em lên cầu Long Biên
Để nhớ về kỷ niệm
Nụ hôn đầu giữa trời đất mênh mang.

                   Ô Quan Chưởng, chiều rét ngọt 03-04-2007.

Bài thơ được đăng trên tờ báo văn nghệ của Hội Nhà Văn Hà Nội. Thời gian này nhà thơ Vũ Xuân Hoát làm tổng biên tập. Bài thơ cũng đã được in vào sách thơ Trăng Giêng của tôi do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2007.
Tháng 10 năm 2010, Hà Nội rầm rộ tổ chức Đại lễ mừng 1.000 năm Thăng Long. Từ thủ đô, Bích Hạnh gọi điện báo cho tôi biết bài thơ trên được Ban Tổ chức cho viết bằng thư pháp và trưng bày trong Festival Cầu Long Biên. “Hiện mẹ con em đang đứng trên cầu và đang xem bài thơ ấy”. Tôi nói: Em và con chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm và gửi vào cho tôi.
Tôi đang đưa hồn về dĩ vãng. Nhà tôi thấy vẻ mặt trầm ngâm của tôi bất giác nàng hỏi: Hôm nay anh có đi thăm Bích Hạnh không? Tôi giật mình thảng thốt: Có, nhưng trời đang mưa, anh ngại quá. Thúy Minh nói: Anh gọi taxi mà đi, ngại gì.
Tôi nhờ cô lễ tân gọi xe. Chỉ dăm phút sau là xe tới. Tôi tế nhị mời vợ cùng đi, nhưng nhà tôi cũng tế nhị: anh đi một mình đi, sáng nay em có hẹn bà Bảy, bà nội của Lôbô rồi.
Tôi bảo cậu lái xe: Hãy đi theo chỉ dẫn của tôi. Cậu cho xe chạy một vòng quanh Hoàng thành, bắt đầu từ Cửa Đông rồi chạy dọc phố Lý Nam Đế (phố Nhà binh theo cách gọi của nhà văn Chu Lai). Tôi muốn nhìn lại con đường chạy quanh Hoàng thành và nhớ về bài thơ tôi viết Đêm Hoàng thành. Hồi đó, Hà Nội đêm nguyệt thực nhưng vẫn báo động rồi báo yên, báo yên rồi báo động (do máy bay Mỹ vào). Tôi và em đã dạo một vòng hoàng thành xưa – nơi mà Bà huyện Thanh Quan đã than thở

 …Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…

Hoa sấu li ti rụng trắng mặt đường. Những ngọn gió bấc, những giọt mưa phùn. Trời thủ đô rét ngọt vào xuân. Đêm không trăng lại không đèn. Chỉ còn lại những ánh sao nơi xa lấp lánh, lấp lánh phản chiếu những giọt mưa trên vai em:

..Những vì sao xa nhấp nháy trong đêm
Đậu lên vai em tròn mịn dịu hiền…

Tôi muốn nhìn lại ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, nơi đặt cơ quan Phòng Văn nghệ Quân đội. Những năm tuổi trẻ khi bước vào làng văn tôi được làm quen với những cây đa, cây đề Từ Bích Hoàng, Thanh Tịnh, Nguyễn Trọng Oánh…
Xe lên đến phố Hoàng Diệu rồi tới Quảng trường Ba Đình. Tôi bảo lái xe dừng lại và nhờ chụp cho tôi bức ảnh trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Tôi muốn thăm lại Vườn Bách thảo - nơi mà cách đây 55 năm, những chàng trai ưu tú của thủ đô - đã hát cho Bác Hồ và các nhà lãnh đạo các đảng cộng sản và công nhân thế giới đến dự Đai hội Đảng lần thứ III nghe. Một giàn Đại hợp xướng hơn 1.200 ca sĩ và 114 nhạc công của Nhà hát Giao hưởng Việt Nam trình diễn những bài hát ca ngợi Đảng Lao động, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh …Trong giàn Đại hợp xướng đó có tôi ở bè trầm (basse). Và chính nơi đây đã lưu cho hậu thế tấm ảnh lịch sử “Bác Hồ bắt nhịp Bài ca Kết đoàn”. Bức ảnh này do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam Lâm Hồng Long chụp đêm Đại nhạc hội mùng 3 tháng 9 năm 1960.
 Sau này tôi gửi bài báo “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” cho tờ Đại biểu Nhân dân của Quốc hội và đã được đăng. Xe chạy lên đường Hoàng Hoa Thám rồi ngoặt sang Cầu Giấy lên Chùa Hà. Đến đúng trước khuôn viên Chùa Hà, tôi hỏi mấy anh xe ôm địa chỉ: ngõ 260, ngách 93, số nhà 12, phường Quan Hoa. Họ nhiệt tình chỉ dẫn. Tôi gọi điện thoại cho Bích Hạnh. Từ ban công trên lầu 5, Bích Hạnh bảo: Em nhìn thấy anh rồi, cứ men theo con đường nhỏ ấy mà đi thêm vài chục bước nữa là đến nhà. Em sẽ xuống mở cổng. Tôi nhớ lại từ ngày mẹ con Bích Hạnh rời ngôi nhà thân thương 54 Mã Mây đến nay đã mấy lần thay đổi chỗ ở. Từ Mã Mây lên Quảng An, từ Quảng An sang Xóm Mậu, từ Xóm Mậu tới đường Âu Cơ (cùng trong quận Tây Hồ) và nay là số nhà lắm ngõ, lắm ngách của quận Cầu Giấy.
Từ trong sân, Bích Hạnh đi từng bước một ra mở cổng. Đó chính là  người mà tôi đã mệnh danh cho nàng là một trong ngũ đại mỹ nhân của Hà thành, đã đưa vào tác phẩm Hà Nội cơn lốc tháng bảy. Bích Hạnh nói rằng lần sau anh có đến thì nhìn vào cái bảng điện cạnh cổng (có số thứ tự từ số 1 đến số 6), anh bấm vào con số 5 thì tự động cánh cổng sẽ mở ra, khỏi phải chờ người ra mở cổng. Tôi thầm nghĩ, giờ đây công nghệ xây dựng thật là hiện đại: theo dõi động tĩnh từ trong ra ngoài đã có camera, nay lại có thêm cái thiết bị mở cổng quá ư thuận tiện. Tôi thú nhận với Bích Hạnh, tôi là người lạc hậu, chưa biết đến cái văn minh của kiến trúc đô thị bây giờ. Bích Hạnh dẫn tôi vào thang máy. Nàng bấm số 5 và chúng tôi có một khoảnh khắc vô cùng quý báu là chỉ có hai người trong buồng thang máy. Nhưng tôi đã để cho khoảnh khắc ấy trôi đi! Nếu không trao cho nhau nụ hôn ngày nào như hồi ở trên cầu Long Biên giữa trời đất mênh mang thì chí ít cũng tay nắm trong tay. Nhưng tôi đã không làm như vậy! Bởi vì…
Vào phòng khách, chồng Huyền Anh đứng lên bắt tay tôi rồi vội vàng đến tủ rượu lấy chai rượu và hai cái ly. Hoàng Châu là con của nghệ sĩ nhân dân, kịch sĩ Hoàng Uẩn nổi tiếng một thời trong các vai diễn kịch nói những năm thập kỷ 60, 61 thế kỷ trước. Châu là anh lính “Bộ đội Cụ Hồ” thời chống Mỹ, là kỹ sư công binh. Sau khi xuất ngũ thì làm con rể Bà Hạnh. Tôi hỏi Đúc (tên thôi nôi của Huyền Anh lúc nhỏ): Con đã đỡ chưa? Và đi lại còn khó khăn không? Huyền Anh bị tai nạn giao thông nên phải điều trị rất nhiều ngày và lúc ra viện phải dùng xe lăn. Nay thì đi lại đã bình thường, nhưng Huyền Anh không đi xe máy nữa.
Tôi ngồi cạnh Huyền Anh và nhờ Hoàng Châu chụp ảnh hai bác cháu. Bích Hạnh ngỏ ý mời tôi ở lại dùng cơm trưa nhưng tôi từ chối do có hẹn với nhà văn Hoàng Quốc Hải. Hoàng Châu tiễn tôi ra cổng. Tự nhiên tôi thốt ra một câu mà cả tôi và Hoàng Châu đều thấy xót xa: Có lẽ đây là lần cuối bác cháu ta gặp nhau!
Trời càng mưa nặng hạt!
                                                                    ***





                           LÊN PHÁO ĐÀI LÁNG THĂM HOÀNG QUỐC HẢI.

Taxi chạy vào một cái sân rộng trước  chung cư Pháo đài Láng. Hoàng Quốc Hải tay cầm ô, đứng đợi tôi dưới một mái hiên. Xuống xe, tôi bắt tay bạn và cùng đội dù đi vào trong nhà. Hoàng Quốc Hải pha trà và chúng tôi bắt đầu những câu chuyện văn chương. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng gọi điện từ cơ quan về. Hoàng Quốc Hải đưa điện thoại cho tôi và nói: Hồng muốn nói chuyện với anh.Tôi chào nhà thơ và chúc sức khỏe. Hồng nói: Em xin lỗi, sáng nay có cuộc họp không thể vắng mặt nên để anh Hải một mình tiếp anh. Em băn khoăn lắm! Tôi bảo: không sao. Hiện bây giờ đã có cô Nga, con gái bác Hoàng Hữu Đản sang chơi và bắt tay vào việc làm bữa rồi. Hồng yên tâm đi.
Nhân có mặt Hoàng Bich Nga, tôi bất chợt nhớ tới một bài viết của nhà văn Hoàng Quốc Hải từ năm 2001 có nhan đề Hoàng Hữu Đản – nhà dịch thuật lão luyện.
       Nhà văn Hoàng Quốc Hải dù đã dốc nhiều tâm huyết vào bài viết nhưng cũng chưa nói hết được công lao và sự cống hiến của nhà dịch thuật trứ danh này. Theo tôi được biết, nhà văn Hoàng Hữu Đản vốn sinh ra trên mảnh đất Ô châu ác địa nghèo khó. Ông sinh ngày 3.4.1922 tại thôn Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông qua đời lúc 1h20 phút sáng ngày 26-3-2012 tại SàiGòn, hưởng thọ 90 tuổi. Ông là nhà văn với nhiều thể loại: Dịch thuật, sáng tác kịch, thơ, viết báo, tạp chí...Như lời Hoàng Quốc Hải thì “Thế nhưng lại có một số rất ít người bắt đầu sự nghiệp của mình từ lúc nhận thẻ hưu. Nhà giáo Hoàng Hữu Đản là một trong số những người ít ỏi ấy..,” Ông Hoàng Hữu Đản nghỉ hưu năm 1978. Và liên tiếp nhiều năm tiếp theo ông đã cho ra đời những tác phẩm dịch đồ sộ:
Bi kịch cổ điển Pháp (chung),Kịch vui GOLDONI (chung),(1983).Tuyển thơ VICTOR HUGO (chung) Song ngữ, (1985).Tuyển tập kịch CORNEILLE, (1987).Véronica, nàng là ai? (M. DEKOBRA). Di chúc tình yêu (CHR. ARNOTHY) (1990). Salammbo (GUSTAVE FLAUBERT), (1990). Nana (ÉMILE ZOLA), (1995). Paris - Saigon - Hanoi (PHILIPPE DEVILLERS) (1993). An Nam (CRISTOP BATAILLE), (1994). TAGORE (chung ) (1991). Bí mật vùng biển con, truyện thiếu nhi, (1989). David Crockett trở về nhà, truyện thiếu nhi, (1989). Promethee bị xiềng ( ESHlLE, Hy Lạp), (1982). Edipe làm vua (SOPHOCLE) (1983). Médée (EURIPIDE), (1984). Vinh quang của cha tôi (M .PAGNOL) (1996). Lâu đài của mẹ tôi (M. PAGNOL), (1996). Iliade (HOMERE) (1997). Odyssée (HOMERE) (2001). Con đường hoàng gia (ANDRÉ MALRAUX) (2001). Aristophane – hài kịch Hy Lạp. Bi kịch Hy Lạp.
          Những bản tiếng Việt và song ngữ Việt Pháp:
     Nụ cười Hollywood. (1992). Hoa hồng nhung, truyện, (1991). Bí mật vườn Lệ Chi, kịch lịch sử, (1992) và song ngữ Việt Pháp (2007). Người con gái Nguyễn Du.  Gặp gỡ tất yếu. Macrcel Pagnol, (1995). Ngụ ngôn La Fontaine, dịch, chú thích và bình luận, song ngữ. Quà muộn (Nguyên Hương), tập truyện ngắn song ngữ. Ánh trăng , tập thơ hiện đại của nhiều tác giả, dịch và giới thiệu. Vương quốc các loài hoa, Maurice Carême. Cái dải mũ POMPADOU R, Maurice Carême.Hòn bi thuỷ tinh, Maurice Carême.Từ LE CID của Corneille đến TUỒNG LỘ ĐỊCH của Thúc Gia Thị Ưng Bình.Thơ Bích Khê( từ tập 1 đến tập 17). Thơ Hàn Mặc Tử.
           Ở phần sáng tác và biên soạn tác giả Hoàng Hữu Đản cũng để lại một gia tài đồ sộ đó là: Tác phẩm Văn học Hy Lạp Cổ ( Dịch sang Tiếng Việt – từ 1 đến 5.và Kết. Những Kỷ niệm khó quên trên Văn Đàn Nước Bỉ .Về một cánh cửa của văn hóa. Phần lãng mạn trong tác phẩm của Honoré de Balzac.  Truyện Kiều và Tâm sự sâu kín của Nguyễn Du.  .Thơ Đường Luật Việt Nam. Cơ sở Cảm hứng của Thơ Ca trữ tình Phương Đông.
         Dịch giả Hoàng Hữu Đản còn có những biên khảo bằng tiếng Pháp: Đó là những cuốn -LA VERSICATION VIETNAMIENNE - Conférence à I’NALCO, Paris,1991. -COMMENT J’AI TRADUIT LE CID DE CORNEILLE - Conférence à L’ Université de Rouen, 1991. - VIETNAM, LE PAYS DU DRAGON BLEU (VIET NAM, đất nước Rồng xanh), phụ trách phần thơ, cùng với Martine Aepli phụ trách phần ảnh, NXB Hồng Kông 1995.
.
                                                        ***
          Cũng theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, năm 1991 nhà văn Hoàng Hữu Đản nhận được một học bổng dịch giả văn học của Chính phủ Pháp. Năm 2000, nước Cộng hoà Pháp đã tặng ông Huân chương Cành Cọ Hàn Lâm hạng Ba, và năm 2008 tặng ông Huân chương Cành Cọ Hàn Lâm hạng Nhì .
          Mới đây, tức đầu năm 2016 này, khi Hoàng Quốc Hải lên Lũng Cú chào cờ Tổ quốc, tôi gọi điện lên Hà Giang hỏi: Ở nước ta bác Hoàng Hữu Đản nhận được giải thưởng nào? Trả lời: Không có. Và anh còn cho biết thêm là Chính phủ Pháp có tặng cho dich giả Hoàng Hữu Đản huân chương Bắc đẩu bội tinh.

          Hoàng Bích Nga vừa làm cơm vừa lắng nghe anh em tôi bàn luận về bố mình. Nga bảo: xin mời các anh dùng bữa. Vẫn những món ăn truyền thống của người Hà Nội, có canh bóng, có đủ các thứ giò chả. Rượu thì ta có tây có. Tôi có ý mong nhà thơ Nguyễn Thị Hồng về chung vui bữa cơm thân mật đầu năm. Hoàng Quốc Hải biết ý bảo: Nhà tôi chiều mới về cơ. Anh rót ra 3 ly rượu và nâng ly chúc mừng năm mới!
          Ngoài trời dường như đã thôi mưa. Tôi bịn rịn chia tay Hoàng Quốc Hái và Hoàng Bích Nga.

Pháo đài Láng, ngày 6 tháng 3 năm 2015,

 sau tiết Nguyên tiêu một ngày, tức 16 tháng giêng Ất mùi
Xuân Bảo.

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

159. Bài thơ Nguyên tiêu của Bác vang vọng mãi ngàn sau

159.Bài thơ Nguyên tiêu vang vọng mãi ngàn sau.

                                   Tiểu luận của Xuân Bảo

Nhân Ngày Thơ Việt Nam, tôi cho đăng lại bài này để góp tiếng nói của mình vào dịp cả nước hân hoan đón chào Tết Nguyên tiêu Bính Thân. Mong rằng từ nay và mãi mãi về sau .Ngày Thơ Việt Nam sẽ là Ngày hội của nền thi ca Việt Nam
.

        Trong Lời Điếu của cố Tổng bí thư Lê Duẩn đọc trước quảng trường Ba Đình sáng 6-9-1969 có đoạn viết : “ Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta không những được nhân dân Việt Nam  tôn vinh là vị anh hùng dân tộc mà còn được cả thế giới ngợi ca. Đặc biệt trong Nghị quyết cùa Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã “ ghi nhận rằng năm 1969 sẽ được đánh dấu bằng Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn”.
Đúng như vậy, Người là một bậc đại nhân, đại trí và đại dũng. Và Người xứng đáng được tôn vinh là một nhà thơ lớn, một thi hào của Việt Nam. Trong kho tàng đồ sộ về văn hóa, Người đã để lại cho muôn đời sau có một bài thơ được liệt vào tác phẩm bất hủ, danh bất hư truyền là bài thơ Nguyên tiêu. Và giờ đây hàng năm bài thơ đó được lấy làm tâm điểm cho Ngày Thơ Việt Nam.
Bài thơ Nguyên tiêu ra đời trong hoàn cảnh nào ?
Tính từ đêm 19-12-1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra cho đến Tết Nguyên tiêu, tháng Giêng năm Mậu Tý (1948), nhân dân Việt Nam đã tiến hành công cuộc bảo vệ Tổ quốc bằng vũ lực đã được hơn 400 ngày. Với chiến thắng lẫy lừng Thu Đông năm 1947, với chiến thắng Lũng Mười, Mường Him đầu năm 1948 đã đưa cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta vào một giai đoạn mới, hết thời kỳ phòng ngự chuyển sang thời kỳ cầm cự để rồi tiến tới thời kỳ tổng phản công. Mà đỉnh cao chói lọi là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-1954).
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng đầu xuân Mậu Tý (1948) để nhìn lại hơn một năm chống Pháp, đồng thời đề ra mục tiêu mới cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Sau cuộc họp ấy, Bác trở về căn cứ trên một chiếc thuyền. Trời đã khuya lắm rồi. Trước cảnh sông nước mênh mang, ánh trăng rằm như dát vàng lên giang sơn cẩm tú Việt Nam. Nguồn thi hứng từ trong sâu thẳm trái tim của vị thống soái Việt Nam tuôn trào:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Bác bảo cho chúng ta biết : đêm nay, rằm tháng Giêng, trăng tròn., khi Người nhìn từ con thuyền lững lờ trên sông nước chiến khu nhìn lên bầu trời và thấy ông trăng ngời ngợi. Trăng của tháng đầu năm, trăng nguyên đán  và tròn trăng soi tỏ cảnh vật. Người thơ Hồ Chí Minh đã chuyển ý từ trăng sang xuân. Trăng khai xuân tràn đầy sức sống đã cho ta thấy rõ:
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
Sông xuân, nước xuân và trời cũng xuân. Xuân, mùa đẹp nhất trong năm. Tiết trời ấm áp. Cây cối đâm chồi nẩy lộc. Sức sống mãnh liệt bừng lên. Câu thơ thứ hai này làm cho ta cảm nhận được một tứ thơ gợi cảnh dồn dập bay vút từ dòng sông mênh mang lên tận trời cao. Bản chất cái đẹp đuợc phát hiện. Giữa trăng và xuân có sự giao hòa kết hợp thật mới lạ trong thơ của Người. Trăng xuân đó hòa quyện cùng đất nước, sáng bừng sắc màu hội họa dưới cái nhìn của nhà thơ lung linh tỏa sáng, diệu kỳ!
Nhưng Bác của chúng ta, Người Cha đẻ của lực lượng vũ trang Việt Nam không phải ngồi trên thuyền mịt mờ khói sóng để ngắm trăng, để an nhàn “thưởng nguyệt chiêm hoa” như bao nhà thơ khác. Ở đây, cuộc chiến đấu với quân thù để giành lại độc lập, tự do, thống nhất đã làm cho tứ thơ trở nên hiện thực. Ra trận, chàng Vệ quốc quân sau này trở thành anh lính bộ đội Cụ Hồ lại thấy “trăng treo đầu súng”. Trăng cũng vào trận đánh. Có gì đẹp hơn thế! Và nhà thơ Hồ Chí Minh đã nhân cách hóa ánh trăng, coi trăng là bầu bạn thân thiết khi : Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Việc quân đang bận xin chờ trăng ơi!

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Thì ra, vị Tổng tư lệnh tối cao đang bàn việc quân cơ. Trước đó trong bài Cảnh khuya, Người đã không sao ngủ được vì nỗi lo cho dân, cho nước trước hiểm họa xâm lăng của giặc Pháp. Dù vậy, người thơ Hồ Chí Minh vẫn nghe, vẫn thấy ánh trăng với vẻ đẹp huyền diệu, quyến rũ :
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Khói sóng trong thơ cổ điển thì đã có “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Thôi Hiệu – Hoàng Lạc Lâu) hoặc “ Yên ba thâm xứ hữu ngư châu” (Cao Bá Quát – Thú Nhàn). Ở đây “yên ba thâm xứ” của Hồ Chí Minh đã làm mới vẻ đẹp thơ cổ. Nơi xa xăm khói sóng không còn là nỗi buồn nhớ cánh hạc vàng không trở lại, không thấy con thuyền đánh cá (hữu ngư châu) buông xuôi thế sự mà yên ba thâm xứ của Bác là để bàn việc quân, để hành động. Vẻ đẹp đầy hiện đại, mặc dù Bác đã vận dụng thơ cổ điển.

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

Nữa đêm mới bàn xong việc quân. Nửa đêm mới trở về. Cảm hứng thơ lại dào dạt với ánh trăng, thật lãng mạn vô cùng: Trăng đầy thuyền. Con thuyền chở những người có phận sự là bàn việc nước thì giờ đây trở về chở đầy trăng. Ý thơ rất quen mà lạ. Và hết sức lạc quan vì cuộc chiến mới bước sang năm thứ hai. Trước mắt, còn những “ba ngàn ngày không nghỉ” để rồi có một Điện Biên Phủ lẫy lừng “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). Chúng ta đọc lại toàn bài để cảm thụ hết vẻ đẹp của bài thơ theo thể Đường luật. Chỉ có 4 câu nên có thể gọi là Tứ tuyệt Đường thi. Bài thơ mang vẻ đẹp và cốt cách Đông phương:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai  nguyệt mãn thuyền


Và bản dịch bài thơ Nguyên tiêu sang Việt ngữ của Xuân Thủy

Dịch thơ là một việc rất khó. Khó bởi vì đang từ một ngôn ngữ này chuyển sang một ngôn ngữ khác thì khó mà dịch đúng ý tứ của nguyên tác. Nhà thơ, nhà ngoại giao Xuân thủy - người học trò nhỏ của Bác - sau này là Bộ trưởng Ngoại giao của nước ta và tham gia đàm phán hội nghị Paris. Những năm ở Việt Bắc -Thủ đô gió ngàn – Xuân Thủy có vinh dự được ở gần Bác nên khi bài thơ Nguyên Tiêu ra đời thì tức khắc  được ông dịch ra tiếng Việt như sau:

Rằm giêng lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

Không biết có chính xác hay không mà Thư Trai trong tạp chí Thơ dẫn lời của Bác khen Xuân Thủy: “Dịch lưu loát, giữ được chất thơ, nhưng dòng thứ hai có ba chữ xuân hòa với nhau mà bản dịch chỉ có hai chữ xuân, thế là ý thì đủ mà chữ thì thiếu”. Tuy nhiên, bản dịch đã tồn tại hơn nửa thế kỷ qua và rất nhiều người biết đến. Đây là phần thưởng quý giá dành cho nhà thơ Xuân Thủy. Mặc dù (tôi còn nhớ rõ) sau ngày tiếp quân Thủ đô, những năm 1955,1956,1957 ở Hà Nội có rất nhiều nhà thơ dịch bài thơ Nguyên Tiêu của Bác, trong đó có bản dịch tương đối hoàn hảo của các nhà thơ Nam Trân, cụ Bùi Kỷ v.v..
Những năm Bác chưa đi xa vào cõi vĩnh hằng, cứ mỗi lần Tết đến Xuân về nhân dân cả nước mong ngóng được nghe Thơ Chúc Tết của Bác. Đó là một nét đẹp văn hóa của nhân dân ta và là tấm lòng kính yêu vô hạn dối với Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
Ngày nay, chúng ta đã có Ngày Thơ Việt Nam. Âu đó cũng là cách làm để tưởng nhớ đến nhà thơ cách mạng Hồ Chí Minh.
Nhà thơ là chiến sĩ
Chiến sĩ hóa nhà thơ
Bác của chúng ta là như vậy đó.

                   ( bên bờ Phước Long Giang, ngày 13 tháng Giêng Bính Thân)

                                                          Nhà thơ Xuân Bảo