Trang

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

159. Bài thơ Nguyên tiêu của Bác vang vọng mãi ngàn sau

159.Bài thơ Nguyên tiêu vang vọng mãi ngàn sau.

                                   Tiểu luận của Xuân Bảo

Nhân Ngày Thơ Việt Nam, tôi cho đăng lại bài này để góp tiếng nói của mình vào dịp cả nước hân hoan đón chào Tết Nguyên tiêu Bính Thân. Mong rằng từ nay và mãi mãi về sau .Ngày Thơ Việt Nam sẽ là Ngày hội của nền thi ca Việt Nam
.

        Trong Lời Điếu của cố Tổng bí thư Lê Duẩn đọc trước quảng trường Ba Đình sáng 6-9-1969 có đoạn viết : “ Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta không những được nhân dân Việt Nam  tôn vinh là vị anh hùng dân tộc mà còn được cả thế giới ngợi ca. Đặc biệt trong Nghị quyết cùa Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã “ ghi nhận rằng năm 1969 sẽ được đánh dấu bằng Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn”.
Đúng như vậy, Người là một bậc đại nhân, đại trí và đại dũng. Và Người xứng đáng được tôn vinh là một nhà thơ lớn, một thi hào của Việt Nam. Trong kho tàng đồ sộ về văn hóa, Người đã để lại cho muôn đời sau có một bài thơ được liệt vào tác phẩm bất hủ, danh bất hư truyền là bài thơ Nguyên tiêu. Và giờ đây hàng năm bài thơ đó được lấy làm tâm điểm cho Ngày Thơ Việt Nam.
Bài thơ Nguyên tiêu ra đời trong hoàn cảnh nào ?
Tính từ đêm 19-12-1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra cho đến Tết Nguyên tiêu, tháng Giêng năm Mậu Tý (1948), nhân dân Việt Nam đã tiến hành công cuộc bảo vệ Tổ quốc bằng vũ lực đã được hơn 400 ngày. Với chiến thắng lẫy lừng Thu Đông năm 1947, với chiến thắng Lũng Mười, Mường Him đầu năm 1948 đã đưa cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta vào một giai đoạn mới, hết thời kỳ phòng ngự chuyển sang thời kỳ cầm cự để rồi tiến tới thời kỳ tổng phản công. Mà đỉnh cao chói lọi là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-1954).
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng đầu xuân Mậu Tý (1948) để nhìn lại hơn một năm chống Pháp, đồng thời đề ra mục tiêu mới cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Sau cuộc họp ấy, Bác trở về căn cứ trên một chiếc thuyền. Trời đã khuya lắm rồi. Trước cảnh sông nước mênh mang, ánh trăng rằm như dát vàng lên giang sơn cẩm tú Việt Nam. Nguồn thi hứng từ trong sâu thẳm trái tim của vị thống soái Việt Nam tuôn trào:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Bác bảo cho chúng ta biết : đêm nay, rằm tháng Giêng, trăng tròn., khi Người nhìn từ con thuyền lững lờ trên sông nước chiến khu nhìn lên bầu trời và thấy ông trăng ngời ngợi. Trăng của tháng đầu năm, trăng nguyên đán  và tròn trăng soi tỏ cảnh vật. Người thơ Hồ Chí Minh đã chuyển ý từ trăng sang xuân. Trăng khai xuân tràn đầy sức sống đã cho ta thấy rõ:
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
Sông xuân, nước xuân và trời cũng xuân. Xuân, mùa đẹp nhất trong năm. Tiết trời ấm áp. Cây cối đâm chồi nẩy lộc. Sức sống mãnh liệt bừng lên. Câu thơ thứ hai này làm cho ta cảm nhận được một tứ thơ gợi cảnh dồn dập bay vút từ dòng sông mênh mang lên tận trời cao. Bản chất cái đẹp đuợc phát hiện. Giữa trăng và xuân có sự giao hòa kết hợp thật mới lạ trong thơ của Người. Trăng xuân đó hòa quyện cùng đất nước, sáng bừng sắc màu hội họa dưới cái nhìn của nhà thơ lung linh tỏa sáng, diệu kỳ!
Nhưng Bác của chúng ta, Người Cha đẻ của lực lượng vũ trang Việt Nam không phải ngồi trên thuyền mịt mờ khói sóng để ngắm trăng, để an nhàn “thưởng nguyệt chiêm hoa” như bao nhà thơ khác. Ở đây, cuộc chiến đấu với quân thù để giành lại độc lập, tự do, thống nhất đã làm cho tứ thơ trở nên hiện thực. Ra trận, chàng Vệ quốc quân sau này trở thành anh lính bộ đội Cụ Hồ lại thấy “trăng treo đầu súng”. Trăng cũng vào trận đánh. Có gì đẹp hơn thế! Và nhà thơ Hồ Chí Minh đã nhân cách hóa ánh trăng, coi trăng là bầu bạn thân thiết khi : Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Việc quân đang bận xin chờ trăng ơi!

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Thì ra, vị Tổng tư lệnh tối cao đang bàn việc quân cơ. Trước đó trong bài Cảnh khuya, Người đã không sao ngủ được vì nỗi lo cho dân, cho nước trước hiểm họa xâm lăng của giặc Pháp. Dù vậy, người thơ Hồ Chí Minh vẫn nghe, vẫn thấy ánh trăng với vẻ đẹp huyền diệu, quyến rũ :
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Khói sóng trong thơ cổ điển thì đã có “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Thôi Hiệu – Hoàng Lạc Lâu) hoặc “ Yên ba thâm xứ hữu ngư châu” (Cao Bá Quát – Thú Nhàn). Ở đây “yên ba thâm xứ” của Hồ Chí Minh đã làm mới vẻ đẹp thơ cổ. Nơi xa xăm khói sóng không còn là nỗi buồn nhớ cánh hạc vàng không trở lại, không thấy con thuyền đánh cá (hữu ngư châu) buông xuôi thế sự mà yên ba thâm xứ của Bác là để bàn việc quân, để hành động. Vẻ đẹp đầy hiện đại, mặc dù Bác đã vận dụng thơ cổ điển.

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

Nữa đêm mới bàn xong việc quân. Nửa đêm mới trở về. Cảm hứng thơ lại dào dạt với ánh trăng, thật lãng mạn vô cùng: Trăng đầy thuyền. Con thuyền chở những người có phận sự là bàn việc nước thì giờ đây trở về chở đầy trăng. Ý thơ rất quen mà lạ. Và hết sức lạc quan vì cuộc chiến mới bước sang năm thứ hai. Trước mắt, còn những “ba ngàn ngày không nghỉ” để rồi có một Điện Biên Phủ lẫy lừng “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). Chúng ta đọc lại toàn bài để cảm thụ hết vẻ đẹp của bài thơ theo thể Đường luật. Chỉ có 4 câu nên có thể gọi là Tứ tuyệt Đường thi. Bài thơ mang vẻ đẹp và cốt cách Đông phương:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai  nguyệt mãn thuyền


Và bản dịch bài thơ Nguyên tiêu sang Việt ngữ của Xuân Thủy

Dịch thơ là một việc rất khó. Khó bởi vì đang từ một ngôn ngữ này chuyển sang một ngôn ngữ khác thì khó mà dịch đúng ý tứ của nguyên tác. Nhà thơ, nhà ngoại giao Xuân thủy - người học trò nhỏ của Bác - sau này là Bộ trưởng Ngoại giao của nước ta và tham gia đàm phán hội nghị Paris. Những năm ở Việt Bắc -Thủ đô gió ngàn – Xuân Thủy có vinh dự được ở gần Bác nên khi bài thơ Nguyên Tiêu ra đời thì tức khắc  được ông dịch ra tiếng Việt như sau:

Rằm giêng lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

Không biết có chính xác hay không mà Thư Trai trong tạp chí Thơ dẫn lời của Bác khen Xuân Thủy: “Dịch lưu loát, giữ được chất thơ, nhưng dòng thứ hai có ba chữ xuân hòa với nhau mà bản dịch chỉ có hai chữ xuân, thế là ý thì đủ mà chữ thì thiếu”. Tuy nhiên, bản dịch đã tồn tại hơn nửa thế kỷ qua và rất nhiều người biết đến. Đây là phần thưởng quý giá dành cho nhà thơ Xuân Thủy. Mặc dù (tôi còn nhớ rõ) sau ngày tiếp quân Thủ đô, những năm 1955,1956,1957 ở Hà Nội có rất nhiều nhà thơ dịch bài thơ Nguyên Tiêu của Bác, trong đó có bản dịch tương đối hoàn hảo của các nhà thơ Nam Trân, cụ Bùi Kỷ v.v..
Những năm Bác chưa đi xa vào cõi vĩnh hằng, cứ mỗi lần Tết đến Xuân về nhân dân cả nước mong ngóng được nghe Thơ Chúc Tết của Bác. Đó là một nét đẹp văn hóa của nhân dân ta và là tấm lòng kính yêu vô hạn dối với Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
Ngày nay, chúng ta đã có Ngày Thơ Việt Nam. Âu đó cũng là cách làm để tưởng nhớ đến nhà thơ cách mạng Hồ Chí Minh.
Nhà thơ là chiến sĩ
Chiến sĩ hóa nhà thơ
Bác của chúng ta là như vậy đó.

                   ( bên bờ Phước Long Giang, ngày 13 tháng Giêng Bính Thân)

                                                          Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét