Trang

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

140. Đến với bài thơ hay


140. Đến với bài thơ hay:
                                       NÉT XUÂN
                             Ánh dương rắc hạt sáng đường trần
`                           Én vẽ trời xanh nét nét xuân
                             Lạc bước thi nhân vào cõi mộng
                             Hài in lối cũ gót giai nhân
                                                                   Xuân Bảo
Lời bình của nhà thơ Hạnh Phương:
Thơ Đường luật anh viết không nhiều, nhưng những bài anh đã cho xuất bản, nhiều bài thực hay, đẹp:“Ánh dương rắc hạt sáng đường trần/Én vẽ trời xanh nét nét xuân/Lạc bước thi nhân vào cõi mộng/Hài in lối cũ gót giai nhân” (Nét xuân). Hai câu đầu của Nét xuân là một bức tranh xuân, mơn mởn một sức sống, rất mới. Hai câu sau của bài thơ thì nhà thơ đã lạc bước hoài niệm rất cổ điển, rất Đường thi…
Thơ Đường luật để là Đường luật của Việt Nam luôn đòi hỏi những bước đột phá, bứt phá, vượt thoát khỏi những hệ luy hình thái tư tưởng cổ điển...để biểu cảm cho tròn đầy cảm xúc đương đại, hiện đại, bây giờ.
Bước đột phá ấy đã thấp thoáng thấy trong Thơ Đường luật Xuân Bảo.





Đến với bài thơ hay:
                                      ANH LÀ CON SÓNG
                             Đã lâu lắm từ xa xưa
                             Sóng là của biển vỗ bờ ngàn năm                            
                             Biển là của sóng thủy chung
                             Sóng chồm lớp lớp mịt mùng biển em
                             Những lúc biển lặng êm đềm
Anh là con sóng dịu êm ngọt ngào
                             Ngô Thanh Xuân
 Lời bình của nhà thơ Xuân Bảo:
Nhân đọc tập thơ Hương quê của Ngô Thanh Xuân,NXB Hội Nhà Văn, tôi cảm được một điều rất rõ là: Không khí văn chương Hà Thành đã thấm đẫm vào dòng máu của nhà thơ. Ngô Thanh Xuân sinh ra tại làng Lộc Hà, tổng Hội Phủ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Nay là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nơi đó có con sông Đuống đã đi vào thơ ca bất hủ của Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm) và Ngô Thanh Xuân là người cùng làng và bà con gần với danh sĩ Ngô Tất Tố.
Nhà thơ rất đa tình khi nhìn thấy biển và sóng. Về đề tài này rất nhiều nhà thơ đã viết và viết rất thành công như Biển của Xuân Diệu . Biển của Xuân Quỳnh…Với Ngô Thanh Xuân thì Biển và Sóng trở thành “đôi tình nhân”. Sóng là của biển vỗ bờ ngàn năm/Biển là của sóng thủy chung…Nhưng phải nói rằng nhà thơ có cái nhìn rất táo bạo khi nàng viết: Sóng chồm lớp lóp mịt mùng biển em. Nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Diệu dù rất mãnh liệt trong tình yêu nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức: Nhớ em như một vết thương/Trong lòng như vỡ mảnh gương trong lòng. Dù dữ dội:sóng chồm lớp lớp mịt mùng biển em. Nhưng những lúc biển lặng, lúc tình yêu thăng hoa đến đỉnh điểm và lắng đọng thì: Anh là con sóng dịu êm ngọt ngào.

Có thể nói đây là một bài thơ tình hay, rất hay trong nhiều bài thơ tình của nhà thơ Ngô Thanh Xuân.

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

139.CLB Thơ ca Bình Đa ăn Tết sớm

             
139.CÂU LẠC BỘ THƠ CA BÌNH ĐA ĂN TẾT SỚM ẤT MÙI 2015
                                                         
CLB Thơ ca Bình Đa từ ngày thành lập tính đến nay (2015) vừa tròn 9 tuổi. Với sức vóc của một CLB cấp phường, trong 8 năm qua CLB đã vượt qua nhiều khó khăn chồng chất, nhất là về phương diện tài chính nhưng cũng đã xuất bản được 4 tập sách. Xuất bản định hình được 3 cuốn Âm vang Bình Đa 1, 2 và 3 khá dày dặn về số trang và có chất lượng về nghệ thuật. 

Nhân kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập phường Bình Đa (1-9-1988 – 1 -9- 2013), CLB cho xuất bản số Đặc biệt mang tên Về Bình Đa



                                Họp mặt mừng Năm mới 2015 và ăn Tết sớm Ất Mùi

Trong năm 2014, Ban Chủ nhiệm đã chủ trương xuất bản Tập san Trang Thơ Bình Đa, xuất bản đều kỳ 2 tháng 1 số nhằm đăng tải những tác phẩm mới sáng tác của hội viên. Và cứ đến ngày sinh hoạt thường kỳ, quy định rõ là ngày 5 tháng lẻ dương lịch thì phát cho hội viên.Ban Chủ nhiệm phân công nhà thơ Nguyễn Quốc Chấn,Phó chủ nhiệm viết trang phê bình đánh giá toàn bộ Trang Thơ Bình Đa phát hành trong kỳ. CLB đã tổ chức được 2 cuộc thi thơ. Thể loại chỉ gói gọn trong thơ truyền thống Lục Bát và Song Thất Lục Bát và ca khúc của hội viên.



Bà Chủ tịch UBND Phường Bình Đa Hoàng Thị Mai 
(người đứng bên phải) tặng Giấy khen cho hội viên

Được sự quan tâm của Ban Chủ nhiệm, có nhiều hội viên đã in riêng những tập thơ của mình như cuốn Thơ trào phúng của nhà thơ Minh Tuấn Ngô Đình Thuận (Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành năm 2013), cuốn Dung dị một loài hoa, thơ của Bằng Lăng – Nguyễn Thị Phấn (NXB Hội Nhà Văn,2013), ba cuốn Bước nhẹ vào trăng,Lối nhỏ và Cõi tạm của Hoàng Anh Vy – Phùng Thu Vân (NXB Hội Nhà Văn 2012,2013 và 2014), cuốn Hương Quê của Ngô Thanh Xuân (NXB Hội Nhà Văn 2011), cuốn Giai điệu bốn mùa của Lê Hoàng (NXB Hội Nhà Văn 2014) và rất nhiều cuốn thơ đã định hình bản thảo nhưng chưa có điều kiện ấn loát. Trong năm 2014 CLB có 2 hội viên được kết nạp vào Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai.




Những cuốn sách của CLB và hội viên đã được xuất bản

Ngày 5 tháng 1 năm 2015, CLB đã tổ chức Hội nghị tổng kết và mừng Năm mới 2015 và ăn Tết Ất Mùi sớm. CLB phát động hội viên sáng tác trong năm 2015 nhằm vào các sự kiện trọng đại của đất nước: 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 85 năm Ngày thành lập Đảng, 70 năm Ngày thành lập Nước và 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Phấn đấu trong năm này sẽ xuất bản tập thơ Âm vang Bình Đa 4.
                                                                  
                                                                       X.B lược ghi




Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

138.Hội VH-NT Đồng Nai kỷ niệm 35 năm thành lập


138.HỘI VĂN HỌC-NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
 KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP 22-12-1979 – 22-12-2014


Chiều ngày 22/12/2014, Hội Văn hoc- Nghệ thuật Đồng Nai đã tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm ngảy Thành lập tại Văn miếu Trấn Biên Biên Hòa Đồng Nai. Trước khi vào Lễ chính thức các văn nghệ sĩ đã làm lễ dâng hương trước tượng đức Vạn thế sư biểu Khổng Tử và tập trung nghe bài Chúc văn do phó chủ tịch Hội đọc trước Nhà Đại bái.Sau đó mọi người vào dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị sư tổ danh nhân Trịnh Hoài Đức,Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định, Võ Trường Toản…

Một chương trình giao lưu nghệ thuật được trình diễn xen kẽ với các bài phát biểu của chủ tịch Hội đương nhiệm nhiệm kỳ V, phát biểu của phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và các phát biểu của các hội viên. Những hội viên có mặt từ ngày đầu thành lập Hội được mời lên nhận hoa của BCH tặng.Số hội viên tròn 35 năm tuổi Hội còn không quá 10 người.


Trong chương trình giao lưu nhà thơ Nguyễn Quốc Hoàn đọc bài thơ Chào xuân 1967 của nhà thơ Tố Hữu. Tôi đọc bài thơ mới sáng tác nhân sự kiện Đồng Nai quy tập hài cốt và làm lễ truy điệu 36 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồn Hoàng Diệu ở thị xã Long Khánh  cách đây gần nửa thế kỷ. Trước khi đọc bài thơ này, tôi có đưa cho tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xem và ông đồng ý. Bài thơ có nhan đề là Nguyên vẹn  một lời thề (Thác lời người đã khuất).Tôi đã đọc bài thơ với tâm trạng thương xót những linh hồn bất tử trong không khí trang nghiêm và được người nghe chăm chú, xúc động.

Dưới đây là một vài hình ảnh trong Lễ kỷ niệm :


Lễ dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên 



Những hội viên ngày đầu 


 Với một hội viên mới Mai Sông Bé, giám đốc ĐNRTV



 Lớp hội viên mới