Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

184. Một chút gì để nhớ- nhớ Thơ Đường.

184.MỘT CHÚT ĐỂ NHỚ-NHỚ THỜI LÀM THƠ LUẬT ĐƯỜNG

Gửi nhà thơ Xứ Huế Trần Kiêm Đờ.

Có một thời sôi nổi trên thi đàn, nhà thơ Hoài Yên đã đánh thức Thơ Đường luật tưởng chừng đã chết. Ông cho xuất bản đến hàng chục cuốn sách của hàng ngàn thi hữu khắp trong và ngoài nước. Có đến hàng chục tập Bút Xưa nối tiếp nhau xuất bản và cũng có hàng trăm câu lạc bộ Thơ Đường luật ra đời. Ở Đồng Nai, quê hương của Gia Định Tam gia đã thành lập CLB Thơ Đường luật Trấn Biên, trực thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh.
CLB Thơ Đường luật Trấn Biên với thành phần Ban Chủ nhiệm là nhà thơ Xuân Bảo chủ nhiệm, nhà thơ Võ Nguyện, phó chủ nhiệm (đã quá cố) nhà thơ Hoài Như và một vài người khác. CLB đã xuất bản được thi phẩm đầu tay mang tên Trấn Biên thi tuyển. Năm 2010, kỷ niệm Hà Nội 1000 năm tuổi, CLB xuất bản ấn phẩm Trời Nam thương nhớ. CLB coi đây là một “công trình văn hóa” dâng lên Đức Lý Thái Tổ - người đã ra Thiên Đô Chiếu – từ Hoa Lư ra Đại La.
Hai năm qua, 2015-2016 tôi đã làm nhiều cuộc hành trình đi khắp mọi miền đất nước để viết Hành trình thiên lý ký sự. và sao nhãng đi công việc sáng tác thơ Đường. Nhà thơ Xứ Huế Trần Kiêm Đờ, trên Fb của mình nhắc tôi “làm Thơ Đường di anh!”
Tôi thân ái gửi Trần Kiêm Đờ bài thơ sau đây nói về Đệ nhất hùng quan của đất Thần kinh mà khi tuổi trời đã gần cuối. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã trăng trối lại cho người con thứ 6 Nguyễn Phúc Nguyên rằng: : “Đất Thuận Quảng, phía Bắc có Núi Ngang (Hoành Sơn) và Sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá, muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng”
.
HẢI VÂN ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN


Vượt ngàn dặm ngái tới nơi đây
Đệ nhất hùng quan thắng địa này
Bạch Mã suối rền hoài cố quận
Đỗ Quyên thác réo vọng đêm ngày
Sầu giăng Ô, Lý bào tâm khảm
Hận nuốt Đồ Bàn xót cỏ cây
Còn đó Hang Dơi cuồn cuộn sóng
Đèo Mây sừng sững khá thương thay.

Xuân Bảo-Tú Sừng

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

183.XUÂN ĐINH DẬU HÀ THANH DU KÝ.

183. XUÂN ĐINH DẬU HÀ THÀNH DU KÝ.

3.Thăm Bà ChúaThác Bờ.

          Nước ta hiện tại có 127 con đường với tổng chiều dài là 17.530 cây số được gọi là Quốc lộ. Quốc lộ số 6 từ Hà Nội, qua 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, tại điểm cuối ở thị xã Mường Lay, có chiều dài là 504 km. Con đường này có 10 đèo dốc lớn, trong đó đèo Pha Đin (Cổng trời) dài tới 32 km, từ km 360 đến km 392.
Quốc lộ 6 nổi tiếng trong chiến tranh chống Pháp với 2 trận tấn công cứ điểm Giang Mỗ (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) và chiến công của Anh hùng Cù Chính Lan. Còn đó, xác chiếc xe tăng mang nhãn hiệu USA.
Chiến dịch Hòa Bình, trong một trận phục kích trên đường số 6 tại Giang Mỗ ngày 7 tháng 12 năm 1951, do bị lộ trận địa, quân Pháp phản kích dữ đội. Cù Chính Lan là người đi sau cùng, dùng súng máy bắn kiềm chế đối phương cho đơn vị rút, rồi quay lại tìm người bị thương, đưa được ba đồng đội trở về đơn vị an toàn. Sáu ngày sau, ngày 13 tháng 12 năm 1951, đơn vị lại phục kích quân Pháp lần thứ 2 cũng tại Giang Mỗ. Có một xe tăng Pháp tiếp viện, bắn dữ dội vào đội hình, chặn đường rút và làm nhiều chiến sĩ ta thương vong. Cù Chính Lan nhảy lên xe tăng kề tiểu liên vào khe hở trên tháp xe bóp cò, nhưng không may tiểu liên bị hóc, chiếc xe vẫn vừa chạy vừa bắn. Cù Chính Lan hô anh em tập trung lựu đạn  cho mình rồi lại nhanh nhẹn nhảy lên xe, giật nắp quăng lựu đạn vào trong xe, lính tăng Pháp nhặt lựu đạn ném ra và hốt hoảng lái xe tăng chuyển hướng. Thời cơ diệt xe tăng ngay trước mắt, Cù Chính Lan dũng cảm mở chốt lựu đạn, chờ cho khói thuốc xì ra được một vài giây rồi mới ném vào buồng lái, lựu đạn nổ diệt hết lính  trong xe. Chiếc xe dừng lại tại chỗ, tạo điều kiện cho đồng đội hoàn thành nhiệm vụ. Do thành tích này, anh được tuyên dương trước đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc.
Ngày 29 tháng 12 năm 1951, đơn vị anh được lệnh đánh đồn Gô Tô (Hòa Bình). Tiểu đội anh được giao nhiệm vụ đột phá hàng rào cho đại quân tấn công. Dù bị thương nặng 3 lần, anh vẫn cố gắng tham gia chiến đấu cho đến khi tử thương do mất máu.
Di tích ghi dấu chiến công diệt xe tăng của Cù Chính Lan hiện nằm ở dốc Giang Mỗ cạnh đường 6A (cũ) thuộc địa phận xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình. Xác chiếc xe tăng, mang nhãn hiệu Mỹ: "B2885498USA", hiện vật chính của di tích nằm ở giữa khu đất có kè đá xung quanh. Trên tấm bia liệt sĩ Cù Chính Lan đặt ở nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hoà Bình được xây cất chu đáo, khang trang, giữa bia có một ngôi sao vàng năm cánh, vành ngoài bia ốp gạch màu nâu nhạt. Mặt trước bia trân trọng ghi dòng chữ màu trắng: "Liệt sĩ Cù Chính Lan, Anh hùng Quân đội".
Cuối năm 1956, đầu năm 1957, Trung ương tăng cường cho Khu Tự trị Thái Mèo một số cán bộ, giúp Tây Bắc xây dựng về mọi mặt. Tôi là một trong 200 cán bộ tăng cường đó.
Thời gian này, phần đất biên cương phía bắc chia làm 2 khu tự trị. Khu Tự trị Thái Mèo gồm các tinh Sơn La, Nghĩa Lộ và Khu Tự trị Việt Bắc.Khu Tự trị Thái - Mèo thành lập ngày 29/4/1955 cho đến năm 1965 thì đổi tên thành Khu Tự trị Tây Bắc (1965 - 1976). Diện tích: 67.300 km². Dân số đến năm 1975 có tổng cộng chưa đầy nửa triệu người, gồm các dân tộc Thái, Kinh, Mường, H'Mông, Dao...Lúc này tỉnh lỵ đặt tại thị xã Sơn La. Có 1 thị xã và 18 huyện.
Khu Tự trị Thái - Mèo (1955-1962) hay Khu Tự trị Tây Bắc (1962-1975), là một đơn vị hành chính cũ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một trong hai vùng lãnh thổ được hưởng quy chế tự trị thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
                            
                                                ***
Năm 1890 Auguste Pavie, lúc bấy giờ là đại diện của Pháp tại Luang Prabang (Lào) đề nghị  chính phủ Pháp công nhận Đèo Văn Trị, một thủ lĩnh người Thái Trắng ở châu Lai làm lãnh chúa xứ Thái vùng Sip Song Chau Tai. Họ Đèo được tập quyền cha truyền con nối.
Vào thập niên 1940 khi tình hình Chiến tranh Pháp-Việt ngày càng lan rộng, người Pháp quyết định tách xứ Thái ra khỏi Bắc Kỳ và chính thức thiết lập Khu Tự trị Thái vào tháng 7 năm 1948. Nằm trong đơn vị này là các sắc dân Lô Lô, Khơ-mú, Dao và H'Mông. Khu Tự trị Thái bao gồm tỉnh Lai Châu, Sơn La và Phong Thổ. Thủ phủ đặt ở thị xã Lai Châu cũ, nay là thị xã Mường Lay.. Tiếng Thái và tiếng Pháp là hai ngôn ngữ chính thức của xứ Thái.
Năm 1950 dưới chính thể của Quốc trưởng Bảo Đại, theo Dụ số 6 ký ngày 15/4 thì Khu Tự trị Thái được gom vào cùng 8 tỉnh khác ở phía bắc và Xứ Thượng Nam Đông Dương ở Cao nguyên Trung phần để thành lập Hoàng triều Cương thổ (tiếng Pháp: Domaine de la Couronne). Xứ Thượng Nam Đông Dương bao gồm các tỉnh Đồng Nai Thượng, Lang Biang, Pleiku, Darlac và Kon Tum. Theo đó thì Hoàng triều cương thổ có vị khâm mạng cai trị nhân danh hoàng đế Bảo Đại. Nhưng không thực hiện được đối với các tỉnh miền bắc vì chiến tranh. Còn ở Cao nguyên Trung phần thì do đại tá bá tước Pierre Didelot, con rể của Nguyễn Hữu Hào, chồng của Agnès Nguyễn Hữu Hào, chị của Nam Phương hoàng hậu làm khâm mạng.
Thực hiện chính sách lập khu vực tự trị của các dân tộc ở những vùng có điều kiện theo Nghị quyết của Quốc hội, ngày 29 /4 /1955, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 230/SL thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo.
Khu Tự trị Thái - Mèo phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây và phía nam giáp Lào, phía đông nam giáp vùng Mường Hoà Bình, phía đông có dãy núi Phan Xi Păng ngăn cách với các dân tộc tập trung ở lưu vực sông Hồng.
Khu Tự trị bao gồm 16 châu: Mường Tè, Mường Lay, Sình Hồ (nay viết là Sìn Hồ), Điện Biên, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Tuần Giáo, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Phù Yên (tức là toàn bộ hai tỉnh Sơn La, Lai Châu), Phong Thổ (thuộc tỉnh Lào Cai), Than Uyên, Văn Chấn (thuộc tỉnh Yên Bái). Dưới cấp khu chỉ có cấp châu và cấp xã, bỏ cấp tỉnh (Sơn La, Lai Châu). Điều này được hợp thức hóa trong Hiến pháp năm 1959, trong đó quy định Khu tự trị là đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Ngày 18 /10 /1955, lập thêm 2 châu Tủa Chùa và Mù Cang Chải.
Ngày 27 /10/1962, Quốc hội cho đổi tên Khu Tự trị Thái Mèo thành Khu Tự trị Tây Bắc và thành lập ba tỉnh trong khu: Tỉnh Lai Châu gồm 7 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Tè, Tủa Chùa, Mường Lay, Sình Hồ và Phong Thổ. Tỉnh Sơn La gồm 7 huyện: Quỳnh Mai, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Mộc Châu và thị xã Sơn La. Tỉnh Nghĩa Lộ gồm 4 huyện: Than Uyên, Mù Cang Chải, Văn Chấn và Phù Yên.
Đến cuối năm 1962, đầu năm 1963, 3 tỉnh nói trên được thành lập: Sơn La và Lai Châu là tái lập, còn Nghĩa Lộ là tỉnh mới.
Khu Tự trị Tây Bắc tồn tại cho tới ngày 27/12/1975 thì giải thể cùng với Khu Tự trị Việt Bắc, đồng thời những quy định trong Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 về cấp khu tự trị cũng bị bãi bỏ theo Quyết định của Quốc hội khóa V, kỳ họp thứ 2.

                                            ***

Sáng ngày 12/2/2017, vợ chồng cháu Kỳ Anh - Bích Phượng đánh chiếc Toyota Innova 7 chỗ xuống đậu ở đầu Ô Quan Chưởng. Kỳ Anh là con rể bà Bích, trước làm ở Đài Truyền hình Việt Nam, sau chuyển sang làm việc ở cơ quan đại diện EU tại Hà Nội. Bích Phượng là con gái bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, con gái cả của nhà tư sản Tân Việt, hoa khôi một thời và là nạn nhân của cái đám cưới 20 triệu đồng hồi năm 1957. Bố Bích Phượng là nhà báo Vũ Đình Thành – chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô – chuyển ngành, ông về làm Thư ký tòa soạn báo Thể thao. Bích Phượng làm việc ở Toyota Việt Nam.
Trong chuyến đi Hà Nội đầu năm 2015, chúng tôi cũng đã mượn chiếc xe này để đi Yên Tử và Đường Lâm. Chương trình thăm Thác Bờ là do con gái tôi Nguyễn Thúy Ngọc đề xuất.
Từ Hà Nội vào cây số đầu tiên khoảng hơn 10 km để gặp Quốc lộ 6, ngay tại cầu sông Nhuệ là km 00. Từ đây lên tới thành phố Hòa Bình là 63 km. Đến cây số thứ 28 đã thấy hiện ra sừng sững hai hòn núi đá vôi cao vút. Tôi nói với mọi người: chúng ta đã đi vào miền Tây Bắc rồi đó. Phạm Toản hát khe khẽ: Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa…. Khi sắp vào thành phố Hòa Bình, tại ngã ba Dốc Kẽm có tấm biến chỉ đường, mũi tên chìa ra bên trái: Sơn La 256 km, mũi tên chìa về bên phải: thành phố Hòa Bình 2 km. Thúy Ngọc và cháu Hà mải theo dõi bản đồ con đường lên Thác Bờ trên Map Google. Xe đi theo hướng Sơn La, mải tới khi qua Dốc Cun rồi Thúy Ngọc mới la hoảng lên: Nhầm đường rồi! Chúng tôi quay lại khoảng non chục cây số thì bên trái quốc lộ có tấm biển chỉ đường vào Thung Nai. Dốc Kẽm và dốc Cun tuy không dài lắm, nhưng khá nguy hiểm với những tay lái không quen đường. Tôi hỏi Thúy Ngọc: Điểm thăm thú hôm nay là nơi nào? Thúy Ngọc bảo là Thác Bờ. Vậy thì ta phải quay lại đường vào cảng Bình Thanh. Từ Quốc lộ 6 xe chạy hơn 20 km thì đến cảng Bình Thanh. Dọc đường thấy những tấm biển chỉ tên đường mang tên Tây Tiến. Tôi lấy làm lạ, Tây Tiến là tên một bài thơ của Quang Dũng nói về Sông Mã, chẳng dính dáng gì với sông Đà? Chẳng hiểu vì sao con đường này lại được đặt tên là đường Tây Tiến? Nhà thơ Nhân văn-Giai phẩm này viết bài thơ Tây Tiến từ năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, có những câu đậm chất bi hùng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xuân
    Áo bào thay chiếu anh về đất
    Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Nhưng phải đến hai câu này:
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
    Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm…
thì tai họa mới ập xuống cuộc đời của Quang Dũng. Đi chỉnh huấn về, nghệ sĩ đa tài (và cũng đa truân) Bùi Đình Diệm, tên thật của Quang Dũng lui về ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật. Ông ra đi trong âm thầm lặng lẽ ở tuổi 67! Cháu Thúy Hà dẫn bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng không sót một câu và nhắc một vài chi tiết trong bài tùy bút Sông Đà của cụ Nguyễn Tuân. Thúy Hà là sinh viên năm thứ 3 của Đại học Xã hội – Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.

                                                          ***
         
          Đến một ngã ba, phía tay phải là ra cảng Bình Thanh, phía tay trái là đến Khu Du lịch cảng Thung Nai. Thung Nai là một xã miền núi thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, có diện tích 36,38 km². Cái tên Thung Nai bắt nguồn từ thời hồng hoang, nơi đây là một thung lũng rộng lớn có rất nhiều hươu, nai sinh sống. Tên gọi Thung Nai ra đời từ đó. Xã Thung Nai giáp với các xã Bình Thanh, Bắc Phong của huyện Cao Phong, xã Ngòi Hoa và Trung Hòa của huyện Tân Lạc, xã Vầy Nưa của huyện Đà Bắc, dân cư chủ yếu là người Mường. Thung Nai cách thành phố Hà Nội hơn 100 km.
Với vẻ đẹp kỳ thú, Thung Nai được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên núi" khi sông Đà được chặn dòng để xây thủy điện. Nhờ hệ thống núi đá vôi rất đặc trưng của Hòa Bình, khi ngập nước, Thung Nai chẳng khác nào một Hạ Long thu nhỏ. Ở Thung Nai có rất nhiều địa danh để tham quan, khám phá như bản Mu, lòng hồ thủy điện Hòa Bình, đền Bà Chúa Thác Bờ, chợ nổi, hang Trạch, động Thác Bờ... Cảnh quan tại Thung Nai đẹp và hoang sơ với những đảo đá trên hồ và những khu rừng rậm rạp. Đến đây, du khách còn có dịp thưởng thức những món ăn ngon như cá thiểu hồ sông Đà hun khói, lợn Mường cắp nách.
Mới hơn 10 giờ, khi xe chúng tôi trên đường vào Thung Nai thì đã có rất nhiều xe rời Thung Nai. Từ ngoài đường đã thấy một cô gái chạy theo xe chúng tôi. Thì ra đây là vợ một chủ tàu tiếp thị. Vào đến cổng của Khu Du lịch, bên tay phải một bãi đậu xe ôtô đã kín chỗ. Sau khi mua vé xong thì xe chúng tôi được nhân viên hướng dẫn chỗ đậu xe gần bờ vực, xuống bến tàu.Trông mà thấy ghê ghê. Thúy Ngọc đồng ý thuê chiếc tàu này với giá 1.300.000 đồng để tham quan các điểm trên lòng hồ thủy điện. Tàu vỏ sắt, có hai tầng, mỗi tầng trải được hai chiếc chiếu đôi. Chủ tàu nhanh chóng bắc cầu cho khách xuống. Trên tàu đã có 2 nhóm người xuống trước. Tôi nghe loáng thoáng Thúy Ngọc thuê nguyên chuyến sao bây giờ lại có khách cùng đi. Do vậy, chủ tàu chỉ lấy một nửa tiền thuê tàu.
Bến cảng Thung Nai có rất nhiều tàu lớn tàu bé, đậu san sát. Khách du lịch đến đây rất đông. Có nhiều chiếc rời bến và cũng có nhiều chiếc đưa khách tham quan xong trở về.

Tại bến cảng Khu Du lịch Thung Nai, phía sau là lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi là Đền Chúa Thác Bờ.
Theo sử cũ, vào đầu thế kỷ 15, dưới thời nhà Lê. Bà Chúa vốn là người Mường. Chúa Thác Bờ tên thật là Đinh Thị Vân, con gái một gia đình tộc trưởng người Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình. Chúa xưa vốn là tiên nữ, giáng sinh vào nhà họ Đinh. Khi đất nước gặp cơn loạn lạc, bà đã tập hợp dân Mường liên kết với các dân tộc khác ở vùng đất này, đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Có một lần, khi vận chuyển lương thực cho nhà vua, thuyền của bà gặp nạn. Xác bà trôi về đây và hiển linh. Để tưởng nhớ công lao của bà, người dân đã lập đền thờ và vinh danh bà là Đức thánh Thác Bờ, là người cai quản cả một dọc Tây Bắc, các xứ Mường Hòa Bình, xứ Thái Sơn La, Lai Châu.
Cũng có thuyết cho rằng: Sau khi đã đánh đuổi được bọn ngoại xâm, bà được triều đình giao cho cai quản vùng đất Mường ở Hòa Bình. Tại đây bà giúp dân ổn định cuộc sống, dạy nhân dân lên rẫy làm nương, xuống sông Đà thả lưới đánh bắt cá. Chúa Thác còn là người giúp dân trị thủy, chế ngự con sông Đà cuồn cuộn sóng hung dữ. Khi thanh nhàn, chúa lại một mình trên chiếc thuyền độc mộc, chèo từ Bến Ngọc, Sông Đà đi du ngoạn khắp các thắng cảnh.
.Vào năm 1979, nhà nước quyết định đắp đập ngăn sông làm nhà máy thủy điện Hoà Bình, đền Thác Bờ xưa không còn nữa, một gia đình họ Quách đã phát tâm và nhờ sự đóng góp của thập phương qua 5 lần xây dựng và di chuyển đã xây dựng được đền Chúa Thác Bờ ngày nay.
Chúa được thờ ở rất nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất vẫn là đền Chúa Thác Bờ tại Thung Nai và đền Chúa Thác Bờ tại Vầy Nưa, Đà Bắc.
Chúa Thác Bờ rất hay ngự về đồng, Chúa ngự về đồng thường mặc áo trắng, quầy đen, đai xanh, bên hông có xà tích bạc. Sau khi chúa về khai chuông rồi một tay cầm chèo, một tay cầm mồi, bẻ lái dạo chơi trên sông Đà.
Đền Chúa Thác Bờ là địa danh thắng cảnh hàng năm được rất đông du khách đến chiêm bái, được lập ở thị xã Hòa Bình, ngay trên hòn đảo giữa dòng sông Đà, ngoài ra còn có một nơi còn lưu lại thánh tích rõ ràng nhất của Chúa Thác Bờ là Động Tiên_nằm sừng sững giữa dòng sông Đà cuộn sóng. Từ các địa danh này đi tới nhà máy thủy điện Hòa Bình rất gần và đều phải đi bằng ca nô mới tới được. Ngày tiệc của Chúa Thác Bờ là ngày 1/4 âm lịch (có người nói là 12/4 âm lịch).
Gốc tích 2 đền thờ Chúa Thác Bờ tại Thác Bờ.Trước đây tại xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc có một ngôi miếu và một ngôi đền đều thờ Chúa Thác Bờ. Ngôi miếu và ngôi đền đều có một thủ nhang riêng. Khi nhà nước đắp đập thủy điện Hòa Bình, thủ nhang ngôi miếu đưa miếu lên đất Thung Nai, Cao Phong và phát triển thành Đền Chúa Thác Bờ Thung Nai, còn thủ nhang đền cổ đưa đền lên đất Vầy Nưa, Đà Bắc và trở thành Đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa.
Đây chính là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm. Căn cứ sự nghiên cứu về lịch sử và di vật Đền Thung Nai và Đền Vầy Nưa thì Sở VHTT Hòa Bình đã xác định Đền Vầy Nưa là xuất phát từ ngôi đền cổ tại xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc xưa kia. Hiện đền Vầy Nưa còn có 2 bức tượng cổ về hai bà Chúa Thác Bờ và cái chuông cổ có trước đây mấy trăm năm là di vật của ngôi đền cổ. Mặt khác, cả hai bà chúa đều được sinh ra tại xóm Mó Né, Vầy Nưa, Đà Bắc. Như vậy Đền Vầy Nưa không chỉ là được xuất phát từ đền cổ mà còn chính là quê sinh của cả hai bà Chúa. 
Cả hai ngôi đền đều thờ Chúa Thác Bờ chứ không phải Đền Thung Nai thờ Chúa Thác Bờ còn đền Vầy Nưa thờ Cô bé Thác Bờ như mọi người lầm tưởng. Ngoài ra, có người cho rằng Đền Thung Nai là thờ bà chúa người Dao, còn bên Đền Vầy Nưa thờ bà chúa người Mường. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm, Bà Chúa Thác Bờ là sự hóa thân của cả hai bà người Dao và bà người Mường chứ không tách bạch là hiện thân của riêng bà nào. Ý kiến mỗi đền thờ một bà là trái với sắc phong của vua Lê Lợi và phá hoại tình cảm bền chặt lâu đời của cộng đồng người Dao, người Mường nơi đây.
Vậy đâu là đền thờ chính của Chúa Thác Bờ? Theo nghiên cứu của Sở VHTT Hòa Bình trên cơ sở lịch sử và các di vật còn lưu được (Tượng cổ của Chúa Thác Bờ và chuông cổ)  thì đã xác định Đền Vầy Nưa là xuất phát từ ngôi đền cổ. Nhờ đó đền Vầy Nưa đã được công nhận là di tích lịch sử và nhà nước đứng ra quản lý. Hiện đã có dự án trùng tu Đền Vầy Nưa. Như vậy, Đền Vầy Nưa là nơi thờ chính của Chúa Thác Bờ.
                                                ***
Nhà tôi và mấy cháu leo rất nhiều bậc tam cấp lên đền. Tôi ngồi lại bên một quày bán nước, thức ăn và cá nướng. Có 3 người đàn bà cũng ngồi tại đây. Thấy tôi loay hoay tìm chỗ ngồi, một cô chạy vào quán lấy ra miếng bìa cạc tông đưa cho tôi để lót chỗ ngồi. Tôi hỏi: mấy cô ở đâu tới? Bọn cháu ở Phú Thọ. Cô tên Kim Oanh, trạc tuổi bốn mươi, sinh sống ở thành phố Việt Trì. Nhà có cửa hiệu mặt phố nói: Chồng cháu bảo cháu nên đi du lịch một chuyến cho biết đó biết đây. Anh ấy chọn nơi tham quan là lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Thế là mấy chị em rủ nhau lên đây từ hôm qua. Chúng cháu nghỉ lại nhà ngôi nhà cổ Cối xay gió.
 Nhắc đến Việt Trì tôi lại nhớ hồi còn chiến tranh chống Mỹ, tôi thường đi viết về các nhà máy ở khu công nghiệp Việt Trì; nhà máy giấy, nhà máy đường, nhà máy mỳ chính… và xa hơn một chút là nhà máy thuốc trừ sâu. Tại nhà máy giấy, tôi quen biết và làm việc với giám đốc Lương Trọng Ngộ. Sau giải phóng anh về làm giám đốc nhà máy giấy Cogido Biên Hòa. Chúng tôi lại hội ngộ. Mỗi lần đi tầu hỏa lên Việt Trì, xuống ga tôi thấy một cây quéo cổ thụ mọc đơn độc trong sân ga, tỏa bóng mát một vùng. Quéo cùng họ với xoài nhưng quả nhỏ hơn và cực chua. Tôi hỏi Kim Oanh cây quéo trong sân ga Việt Trì có còn không? Cô ấy bảo: vẫn còn.
Tôi mua một khúc xúc xích làm bằng thịt heo Mường vừa nướng xong, rất thơm ngon để nhâm nhi với lon bia Halida. Kim Oanh mời tôi ăn bánh giò cũng mới vớt từ nồi luộc ra, đang còn nóng hôi hổi. Tôi từ chối, nhưng hai cô bạn kia lại bảo: Cụ cắn một miếng cho vui. Tôi đành xơi một miếng nhỏ và trả lại chiếc bánh cắn dở cho Kim Oanh.
                                                ***

Con tàu đã hú còi gọi khách trở về. Tàu đưa chúng tôi đến động Thác Bờ.
Động Thác Bờ thuộc xóm Bưng, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, động nằm ngay trên bến Ngọc ở sườn núi phía bắc, trong dãy núi Chủa bên bờ hồ Hòa Bình. Không chỉ gắn với quần thể di tích đền Bờ thờ Bà Chúa thượng ngàn có công giúp vua Lê Lợi dẹp loạn phương Bắc, đây cũng từng là nơi trú chân của nhiều cánh lái buôn ngược xuôi sông Đà khi qua đây gặp sóng to gió lớn.
Nhà nghỉ Cối Xay Gió, phong cách Hà Lan ở Thung Nai,mô phỏng câu chuyện Don Kihôtê
Do đó, động Thác Bờ từ lâu đã thu hút du khách thập phương đến bái vọng và du lịch. Không gian linh thiêng cùng những thạch nhũ kỳ ảo khiến động Thác Bờ là điểm đến thú vị dành cho những du khách thích khám phá trên hành trình du lịch Thung Nai mùa này.
Vào mùa nước cạn, du khách muốn tham quan động phải leo bộ gần 100 bậc đá từ chân núi đến cửa động. Mùa nước dâng, du khách đi từ thuyền sang nhà nổi, trên một bè ghép bằng tre bương chạy dài khoảng 50 m vào thẳng cửa động. Từ trên cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để thả hồn mình ngắm toàn bộ dải Đà giang kỳ vĩ, thưởng ngoạn những kiệt tác thiên nhiên của tạo hóa với núi non điệp trùng và vẻ đẹp của hang động huyền kỳ.
Động Thác Bờ được chia làm ba khu, ngoài lòng động với những khối nhũ đá còn có khu vực tiếp du khách, lên cao khoảng 50 m là khu thờ Phật. Khu vòm động này khá rộng, có không khí mát lành. Vào sâu trong động, nhìn thấy những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm nghìn năm, mới thấy sức sáng tạo của Mẹ thiên nhiên là vô cùng vĩ đại. Ta sẽ bắt gặp những hình thù kỳ lạ và khá sinh động, thỏa sức chiêm ngưỡng và tưởng tượng ra những hình thù khác nhau của nhũ đá như cá chép hóa rồng, cây vàng, cây bạc, ô trời, lọng trời, giàn đàn đá, giàn cồng chiêng Mường... Khối dưới đất mọc lên, khối từ trên sà xuống, vô cùng đa dạng.
Nơi đây, đặc biệt có cá Măng nướng sông Đà, và các đặc sản núi rừng như thịt gà hấp lá chanh, thịt lợn Mường nướng mật bày trên lá chuối, măng luộc, cơm gạo nương, rượu táo mèo, rau rừng đồ chấm lòng cá.


(Còn tiếp: Thăm Thủy điện Hòa Bình)

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

182. Hương Ước Lễ với 2127 năm dựng làng





182. XUÂN ĐINH DẬU HÀ THÀNH DU KÝ.

2. Hương Ước Lễ với 2127 năm dựng làng.
.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì cuối đời Hùng Vương trở lên Kỷ Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Mậu Tuất, cùng một thời với Đế Nghi, truyền đến cuối đời Hùng Vương, ngang với Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57 là năm Quý Mão thì hết. Cộng 2622 năm (2879-258 trước Công nguyên. Từ đây trở đi tác giả sẽ viết tắt là TCN). Kỷ nhà Thục. An Dương Vương Thục Phán ở ngôi được 50 năm, từ năm Giáp Thìn đến năm Quý Tỵ (257 – 208 TCN), đổi tên nước từ Văn Lang sang Âu Lạc.
 Do mất cảnh giác mà: “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”…(Thơ Tố Hữu). Một câu chuyện tình bi thiết truyền đời cho con cháu. Đó là câu chuyện Triệu Đà cầu hôn cho con trai Trọng Thủy lấy nàng Mỵ Châu, con gái vua Thục để rồi Thủy lừa vợ, lấy cắp lẫy nỏ thần. Trong những năm ở ngôi An Dương Vương cùng quân dân Âu Lạc đã anh dũng chống lại nhà Tần trong cuộc chiến không cân sức gần 20 năm.
Triệu Đà, họ Triệu, húy là Đà, người huyện Chân Định (Quảng Đông) nhân lúc nhà Tần suy loạn, giết trưởng lại, giữ lấy đất Lĩnh Nam, xưng đế năm 207 TCN), đối địch với nhà Hán, chiếm đất Lâm Ấp và Tượng Quận. Nhà Triệu làm vua nước Nam Việt ở miền Lưỡng Quảng, đối với nước Âu Lạc của ta thì đích thị là quân xâm lược. Thế mà sử cũ đều chép làm quốc triều nước ta?! Mãi đến thời Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ đời Lê mạt, tác giả sách Việt sử tiêu án mới bác bỏ chủ trương ấy. Nay, nhà nước ta đang cho làm lại bộ Quốc sử Việt Nam, tôi mong rằng những nhà làm sử hãy chú trọng chi tiết này, làm lại cho đúng sự thật khách quan!
Nước ta từ trước tới nay đã có nhiều bộ sử. Đó là sách Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu vâng mệnh vua Trần Thái Tôn chép bắt đầu từ Triệu Võ Đế đến Lý Chiêu Hoàng. Đó là bộ Đại Việt sử ký toàn thư do vua Lê Thánh Tông sai Lễ bộ tả thị lang kiêm Quốc tử giám tư nghiệp Ngô Sĩ Liên biên soạn (1479). Tiếp đến, vua Tương Dực, năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) sai Binh bộ thượng thư kiêm Quốc tử giám tư nghiệp kiêm sử quan đô tổng tài Vũ Quỳnh soạn bộ Đại Việt thông giám, chép từ Hồng Bàng thị đến 12 sứ quân…
Trong thời gian Triệu Đà xâm chiếm nước ta, sử chép là Kỷ nhà Triệu, có tới 5 đời vua: Triệu Vũ Đế, ở ngôi 71 năm, Triệu Văn Vương, ở ngôi 12 năm,  Minh Vương, ở ngôi 12 năm,  Ai Vương, ở ngôi 1 năm và Thuật Dương Vương, ở ngôi 1 năm. Tổng cộng 97 năm từ 207 đến 111 TCN. Đặc biệt Triệu Đà là người có tuổi thọ cao nhất thời ấy, sống được 121 năm và cũng là ông vua ở ngôi tới 71 năm!
                                                ***
Năm 111 TCN này là năm tể tướng Lữ Gia thất trận. Trong tác phẩm Hành trình thiên lý ký sự của tôi, sắp xuất bản, có một chương (chương I) nói về Tể tướng Lữ Gia. Lữ Gia hy sinh vào ngày 12 tháng 9 năm Canh Ngọ, tức năm Hán Nguyên Phong thứ 2, nhà Hán. Nếu tính theo Dương lịch thì đúng vào ngày 29 tháng 10 năm 111 TCN, cách đây đúng 2127 năm (2017). Để tưởng nhớ công lao của Ngài, vùng này có tới 72 làng tôn Ngài là Đức Thánh Thành hoàng.
Theo Thần phả làng Ước Lễ còn để lại ở đình làng thì Tể tướng Lữ Gia, húy là Lữ Húy Gia, người làng Thiên Phúc, nay là Đa Phúc, Phúc Yên. Ngài Lữ Gia làm tể tướng ba đời của nhà Triệu, đến đời thứ tư Triệu Ai Vương thì tịch. Trong cơn cuồng chiến của lũ giặc Tây Hán, Ngài bị giặc vây và bị chém đứt đầu. Khi Ngài phi ngựa về đến Bãi Gấu trước cổng làng Ước Lễ thì hóa.
 Ngựa của Ngài lồng chạy được dân Bảy làng La bắt về nuôi. Dân làng Phúc Lâm lượm được đầu Ngài đem về táng ở thềm đình. Dân làng Minh Thụy lượm được thân Ngài mang về chôn ở nền Miếu Minh. Còn dân làng Ước Lễ đến sau nên chỉ thấy còn lại những vệt máu bèn lấy lông gà vét những giọt máu của Ngài đem về vẽ thành tranh chân dung Ngài thờ ở hậu cung đình làng, tôn làm Thành hoàng.
Theo truyền thuyết: Vào những ngày lễ hội rước Thánh Thành hoàng, dân Ước Lễ rước kiệu bài vị Thánh Thành hoàng sang đình làng Phúc Lâm để trình, rồi lại hồi cung về đình làng mình làm lễ tế tự. Dân làng Phúc Lâm được tôn làm Dân Anh, còn dân làng Ước Lễ tự nhận mình là Dân Em. Tục lệ này đã có từ hàng nghìn năm nay.
Làng Ước Lễ là một làng cổ của đồng bằng Sông Hồng xây dựng theo truyền thống “tường cao, hào sâu”, có cây đa cổ thụ, có chợ búa, có đình làng, có cổng làng án ngữ từ hai đầu và cuối làng. Ước Lễ có nghề làm giò chả từ rất lâu. Cuối thế kỷ XIX lại có thêm nghề thợ may. Ước Lễ không xa thủ đô là mấy. Tính theo đường chim bay thì độ dài khoảng 12 -15 km. Từ ngày còn chế độ phong kiến, tên làng là hương Ước Lễ, tổng Tân Ước, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Cầu Đơ. Tên tỉnh Cầu Đơ mãi tới năm 1904, dưới thời Pháp đô hộ mới đổi thành tỉnh Hà Đông.
Hương Ước Lễ được vua Tự Đức năm thứ 33, nhằm vào năm Canh Thìn 1880 sắc phong Mỹ Tục Khả Phong, nghĩa là Phong tục tốt đẹp được ban tặng. Bốn đại tự đó vẫn còn nguyên vẹn trên gác cổng tiền của làng cho đến hôm nay. Gần đây, Hà Đông sáp nhập vào Hà Nội và trở thành một quận của thủ đô. Đây là một làng quê nhỏ bé thuần nông, có nhiều nét đặc trưng của một làng quê cổ đồng bằng Bắc Bộ. Câu ca xưa: “Ba làng Chảy, Bẩy làng La” là đúc kết từ những nghề truyền thống của một vùng quê. Ba làng Chảy là cụm ba làng xưa gồm Phúc Lâm,Thượng Thụy và Ước Lễ. Phúc Lâm và Thượng Thụy sau này sáp nhập thành làng Phúc Thụy. Bảy làng La (La là lụa) là các làng:La Cả, La Dương, La Nội, La Giang, La Phù, La Khê và La Tinh. Những làng này cặp theo bờ sông Nhuệ, nổi tiếng trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa.
Sử ký Tư Mã Thiên có đề cập đến thời kỳ này như sau: “Năm sau (năm 111 TCN) nước Nam Việt làm phản, Tây Khương xâm phạm cướp bóc ở biên giới. Nhà vua cho phía đông núi không đầy đủ lương thực, xá tội cho thiên hạ, dùng những thuyền lầu ở phương nam chở hơn hai mươi vạn quân đánh Nam Việt,” (Mục Bình chuẩn thư, trang 190).
Hãy nghe tướng Tế Bắc cũ là Hàn Thiên Thu hăng hái nói: “Một nước Việt cỏn con, lại có vương và thái hậu nước ấy làm nội ứng, chỉ một mình thừa tướng Lữ Gia làm loạn, tôi xin cấp cho 300 dũng sĩ, thế nào cũng chém được Gia để báo về”. Bấy giờ Hán sai Thiên Thu và em Cù thái hậu là Cù Lạc đem 2000 người tiến vào đất Việt. Lữ Gia mới hạ lệnh cho trong nước rằng: “Vua tuổi còn nhỏ, thái hậu vốn là người Hán, lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán, đem hết đồ châu báu của tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh; đem nhiều người đi theo đến Trường An, bắt bán đi làm đầy tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không nghĩ đến xã tắc họ Triệu, và lo gì đến mưu kế muôn đời”. Bèn cùng em đem quân đánh vua, giết vua và thái hậu, giết chết bọn sứ giả nhà Hán; sai người đi báo cho Tần Vương ở Thương Ngô và các quận ấp, lập con trưởng của Minh Vương là Thuật Dương hầu Kiến Đức làm vua.Vua bị giết đặt thụy là Ai Vương.
Như thế là Lữ Gia có công hay có tội với đất nước Nam Việt? Vì sao hậu thế lại ghi công tể tướng Lữ Gia nhiều đến như vậy? Hà Nội và nhiều nơi khác có đền thờ và tên đường mang tên Lữ Gia? Như thế có phải là ?…
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử thần Lê Văn Hưu bàn: Lữ Gia can ngăn Ai Vương và Cù thái hậu chớ cầu làm chư hầu nhà Hán, đừng triệt bỏ cửa quan ở biên giới, có thể gọi là biết trọng nước Việt vậy. Song can mà không nghe, thì nghĩa đáng đem hết bầy tôi đến trước triều đình, trước mặt vua trình bày lợi hại về việc nước Hán, nước Việt  đều xưng đế cả, có lẽ Ai Vương và Thái hậu cũng nghe ra mà tỉnh ngộ. Nếu lại vẫn không nghe theo, thì nên tự nhận lỗi mình mà lánh ngôi tể tướng, nếu không thế thì dùng việc cũ họ Y, họ Hoắc, chọn một trong hàng con của Minh Vương để thay ngôi cho Ai Vương được như Thái Giáp và Xương Ấp mà giữ toàn tính mệnh, như thế thì không lỗi đường tiến thoái. Nay lại giết vua để hả lòng oán riêng, lại không biết cố chết để giữ lấy nước, để cho nước Việt bị chia cắt mà vào làm tôi nhà Hán, thì tội của Lữ Gia giết chết cũng chưa đáng”.(Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Triệu, trang 106). Sử thần Lê Văn Hưu có quá nặng lời không?

                                                ***

Chú em nhà tôi, Nguyễn Viết Thọ thuê một chiếc xe khách 45 ghế để mấy anh chị em nhà Tân Việt về làng dự hội Chùa Sổ Rằm Tháng Giêng (đúng vào ngày 11/02/2017) và thắp nhang nhà thờ Tổ phụ, ra nghĩa địa viếng mộ ông bà tổ tiên. Hành trình xuất phát từ đầu Ô Quan Chưởng, dọc theo đê, xuống đến Vĩnh Tuy thì rẽ phải, sang làng Tám, gặp Giáp Bát, ra Quốc lộ 1A , chạy thẳng về Ngọc Hồi – nơi có chiến thắng lừng lẫy của vua Quang Trung năm Kỷ Dậu (1789). Xe qua Quán Gánh, quê hương của đặc sản bánh giầy.
Tương truyền vào đời vua Hùng thứ 6. Hoàng tử Lang Liêu đã được báo mộng để làm ra chiếc bánh giầy hình tròn, tượng trưng cho trời, còn bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất; hai thứ này được dùng để dâng lên vua cha trong ngày đầu xuân. Sự tích trên nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc và tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn minh lúa nước.
Nguồn gốc chữ Quán Gánh được nhiều người biết đến và sau thành tên gọi của địa danh này. Ga xe lửa Thường Tín cách ga Hà Nội 18 km. Thời trước, nơi đây thường có những người làm thuê gồng gánh hàng họ cho khách đi tàu.  
           Bánh giầy Quán Gánh là đặc sản truyền thống của mảnh đất trăm nghề của Hà Đông xưa, nay về Hà Nội, nổi tiếng từ rất lâu đời. Từ hàng trăm năm nay bánh giầy của làng luôn được xem là một món ăn dân dã mà thanh tao của ẩm thực Việt.
 Ven Quốc lộ 1 qua địa phận Quán Gánh, từng dãy bán bánh giầy xếp thành hai hàng dài, hàng nào cũng bày đều tăm tắp những gói bánh giầy được gói bằng lá chuối xanh rờn, như chào mời, níu chân khách qua đường.
 Chiếc bánh giầy Quán Gánh có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối, độ thơm ngậy của đậu, thịt được pha trộn cùng với những hương liệu khác mà chỉ có người Quán Gánh mới làm nên được hương vị đặc trưng đó.
Muốn có hương vị thơm ngon nguyên liệu làm bánh nhất thiết phải là gạo nếp nương vụ mới, nhiều khi nguyên liệu lại là gạo nếp cẩm - một loại gạo có màu tím sẫm, rất quý và thơm ngon. Gạo được giã thủ công hoặc trực tiếp ra từ thóc, còn nguyên vỏ lụa mỏng tang, sau đó xôi chín bằng chõ gỗ đục từ thân cây. Lúc đun phải chú ý cho đều lửa thì xôi mới dẻo thơm. Xôi chín đổ vào cối giã ngay khi còn nóng, đến khi hạt gạo quyện vào nhau thành vỏ bánh rất trong và dẻo.
 Đây là lúc các bà, các chị khéo léo tra nhân và nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời. Để bột khỏi dính vào tay, người ta xoa lòng đỏ trứng gà vào tay khi nặn bánh. Lá gói bánh là lá chuối đã được hơ qua lửa.  Bánh giầy Quán Gánh có ba loại nhân ngọt, nhân mặn và nhân chay. Bánh chay và bánh ngọt thường được dùng làm đồ tế lễ. Thực khách có thể kẹp bánh với giò hoặc chả. Cầu kì hơn thì bánh được cắt thành từng miếng nhỏ và chấm với mật ong rừng vàng sánh.Ngon tuyệt!
Đã từ lâu, cứ mỗi độ Xuân về, bánh giầy đã trở thành sản vật thiêng liêng không thể thiếu trên những mâm cúng dâng lên Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, mùng Mười tháng Ba Âm lịch..
Dù ai chồng rẫy, vợ chê
Bánh giầy Quán Gánh lại về với nhau
Ăn trước thì bảo người sau
Già ăn trẻ lại, gái mau đắt chồng!

Sản phẩm này bắt đầu từ làng Thượng Đình xã Nhị Khê. Nơi đây là quê hương thứ hai của đại thi hào Nguyễn Trãi. Quê chính của ông là làng Chi Ngại, phường Cộng hòa, thị xã Chí Linh, Hải Dương hiện nay. Nhị Khê còn đó câu chuyện huyễn hoặc “rắn báo oán” làm cho dòng tộc Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc. Người gây ra vụ án oan này là hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, triều Lê Thái Tông gây nên. Vụ án Lệ Chi viên còn trừng phạt cả Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, vợ của Nguyễn Trãi. Một vụ thảm án mà mãi 600 năm sau mới được giải oan.

                                                  ***

Xe chúng tôi qua thị trấn Thường Tín, lúc đến chân cầu Chiếc thì vì xe cao không chui qua thanh chắn được nên đành quay lại, dọc theo bờ trái sông Nhuệ tới chùa Đậu. Chùa Đậu đang vào mùa lễ hội. Chúng tôi thấy mấy cụ bà ngồi trước cổng, tay cầm cờ đỏ, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Mấy cụ tưởng nhầm chúng tôi về dự hội nên ra hiệu cho xe dừng lại và chỉ bãi đậu xe. Chúng tôi xin lỗi các cụ vì chúng tôi đang tìm đường về chùa Sổ. Hỏi người dân xe có qua cầu Là được không thì họ bảo chỉ có xe con mới được phép qua vì cầu hẹp và yếu. Thế là chúng tôi chia nhau thuê taxi để về làng. Cầu Là nằm ở xã Tân Minh, có làng La Phù mà dân Thanh Oai có câu truyền ngôn lâu đời rằng: Ba làng Chảy, bảy làng La. Đây là một làng quê nhỏ bé, song là một làng giàu có. Nhà cửa xây dựng khang trang, có nhiều nhà 2, 3 tầng, đường sá được bê-tông hóa sạch sẽ, phong quang. Cậu lái xe taxi cho biết: Tân Minh hiện có hơn 30 chiếc taxi. Những người lái xe ôm trước đây cũng đã bỏ nghề để sang lái taxi. Chiếc xe khách 45 chỗ được cho quay lại đầu cầu Chiếc nằm chờ. Một đoàn xe taxi nối đuôi nhau quay lại cầu Chiếc rồi dong thẳng về Ước Lễ. Cậu lái xe bảo: Từ Tân Minh đi Ước Lễ, đi theo hình chữ U cũng chỉ non 10 km. Đến đây, tôi lại nhớ về chú em Đặng Chí Hòa, chồng của cô em Mai Hương đã quá cố. Cách đây hơn chục năm, Đặng Chí Hòa và tôi về quê. Hòa đã chở tôi trên chiếc xe máy về đến Thường Tín thì rẽ trái qua chiếc cầu tạm, nay là cầu Là đã được xây kiên cố. Từ La Phù băng cánh đồng trên con đường đất mấp mô để về làng chỉ non 5 cây số.
Trên con đường liên huyện mới xây dựng, được trải nhựa phẳng lỳ. Xe về đến đoạn giữa làng thì rẽ vào làng. Cả nhà xuống xe. Ngôi nhà 2 tầng đầu tiên là nhà của vợ chồng Chí Hòa – Mai Hương. Sân rộng có thể đỗ được 4 chiếc xe con. Trong khuôn viên rộng hơn 1000 mét vuông, có vườn cây ăn quả, có nhà kho và có một ao cá lớn. Chung quanh ao có chừa ra một dải đất để trồng các cây lưu niên. Mảnh đất này được tạo dựng bằng chính công sức của hai vợ chồng cô Mai Hương, tích lũy được nhờ kinh doanh và sản xuất mặt hàng truyền thống giò chả Ước Lễ. Vì không có người trông coi, nên Mai Hương đã cho chú em của Chí Hòa thuê để mở xưởng may gia công. Xưởng đang trong quá trình thi công. Trước cổng nhà có tấm biển đề: Công ty C & H cần tuyển 50 thợ may.
 Cô Mai Hương đã chu đáo chuẩn bị mọi thứ: nhang đèn, trà rượu và thực phẩm cho chuyến hành hương. Cũng như mọi năm, gia đình chú em thúc bá Nguyễn Viết Phong được chị em nhà Tân Việt ủy nhiệm lo cỗ bàn, cúng kiếng.
Cả nhà đi bộ vào nhà thờ Tổ. Riêng bà Ngọc Bích – người con cả của ông bà Tân Việt, năm nay vừa tròn tuổi 80 - phải ngồi xe lăn vì bà bị tai biến đã mấy năm nay, không đi bộ được. Xe lăn chạy điện của Nhật Bản sản xuất, rất hiện đại, có số tiến số lùi, số rẽ sang trái sang phải, số dừng. Người dùng xe chỉ việc bấm nút điều khiển.
Nhà từ đường Tổ phụ Nguyễn Viết được sửa sang lại rất đẹp. Cái ao và lũy tre trước nhà đã được san lấp. Đoạn đường này còn một cái giếng cổ. Cái giếng này được chương trình Nước sạch của JICA Nhật bản xếp loại, là một trong 107 giếng cổ còn lại của đồng bằng Bắc Bộ.
Mấy bà con chúng tôi thắp nhang nhà thờ Tổ phụ xong thì được các cháu chở bằng xe máy ra nghĩa địa.Từ đây ra chùa chừng non cây số. Tôi và kỹ sư Toản đi bộ để còn chụp ảnh lấy tư liệu. Dọc đường làng, người ta bày bán la liệt giò chả, nem chua và các loại bánh. Có một ông ngồi nặn tò he để bán cho lũ trẻ. Khi ngang qua cổng cuối làng, phía tay phải là một cái bãi đỗ xe ôtô rất rộng. Mới hơn 10 giờ mà bãi đã chật kín xe. Đó là chưa kể những chiếc xe con đỗ vào các sân nhà. Có tới hơn 300 ôtô về dự hội. Xe bốn chỗ, xe bảy chỗ, xe mười hai, mười sáu chỗ. Những người con của Ước Lễ về dự hội khá đông. Trên đường ra nghĩa địa, phía tay trái có một cái giếng xây miệng giếng rất rộng, có bậc tam cấp lên xuống, gọi là giếng Đồng Bượng, nhưng không thuộc giếng cổ. Giếng xây từ thời nào thì giờ đây ít người biết.
Tôi và nhà tôi cùng các cháu vào thắp nhang các phần mộ thuộc dòng họ Nguyễn Viết. Người ta mang rất nhiều đồ vàng mã, có cả xe con, nhà lầu bằng giấy và tiền đô-la âm phủ để cúng. Cả một vùng nghĩa địa tràn ngập khói.
Đi bộ thấm mệt, tôi đang để mắt tìm xe ôm, thì có một anh chàng trạc độ trên dưới ba mươi nói với tôi: Mời cụ lên xe, con chở về! Tôi hỏi giá bao nhiêu? Cậu ta bảo: cụ cho bao nhiêu cũng được. Thế là thế nào. Anh ta nói: Con không phải là xe ôm. Con là công an thôn, được cử làm trật tự. Trên đường chở tôi về, anh ta tâm sự: Cụ thấy đấy, cả cái làng Ước Lễ này có rất nhiều nhà mới xây, có cái hai ba tầng nhưng chẳng có người ở. Như cái nhà của bà Mai Hương đây, mãi gần đây mới sửa sang lại để mở xí nghiệp may. Còn phần lớn nhà khác là để trống, cửa đóng then cài, năm thì mười họa mới có người về.
Vợ chồng chú em Nguyễn Viết Phong đã dọn xong cỗ bàn. Chúng tôi lần lượt châm mỗi người một cây nhang lên bàn thờ. Tôi nhìn thấy hai bức ảnh màu chụp chân dung cô và chú Vân treo trang trọng trên ban thờ. Tôi bỗng nhớ một kỷ niệm. Cách đây hơn ba chục năm, tôi về Hà Nội họp báo, anh Nguyễn Ngọc Thọ, tổng biên tập tạp chí Người Đại biểu Nhân dân của Văn phòng Quốc hội đã bố trí cho tôi một chuyến thăm quê vợ. Tôi được cậu Tường lái chiếc xe con, mang biển số 80…đưa tôi và chú em Nguyễn Viết An về Ước Lễ. Thời kỳ này bắt đầu có phim màu cuộn thay thế cho phim trắng đen.Tôi đã chụp cho cô chú Vân, mỗi người một kiểu ảnh chân dung. Sau này, khi cô chú mất đi, mỗi lần tôi về làng, Nguyễn Viết Phong đều nhắc tới hai bức ảnh này, coi đây là một kỷ niệm quý.
Bữa tiệc rất thịnh soạn, có đủ món ăn ngày Tết, nhưng theo truyền thống cỗ bàn của Ước Lễ thì món thịt cầy dựa mận bao lâu nay cũng được đưa vào thực đơn, không thể thiếu.
Chiều xuống, chúng tôi lên xe con của chú Chung ra cầu Chiếc. Xe 45 chỗ đang chờ. Chẳng mấy chốc về tới Hà Nội.


(Còn tiếp:Phần 3. Thăm Thác Bờ, thăm hồ thủy điện Hòa Bình.

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

181. Xuân Đinh Dậu Hà Thành du ký

181.XUÂN ĐINH DẬU HÀ THÀNH DU KÝ
                                                                                      Xuân Bảo
1.    Lại về với Hà Nội thân yêu.

Sân bay Tân Sơn Nhất không rộn rịp như báo chí đưa tin. Trên chuyến bay 236 Vietnam Airline . Chiếc Airbus 330 còn trống nhiều ghế, khởi hành lúc 12 giờ 3o .Vợ chồng tôi và cháu ngoại Phạm Nguyễn Thúy Hà lên đường ra Hà Nội để làm một hành trình         Xuân Hà Thành du ký.       
          Đến sân bay Nội Bài. Ngoài trời nắng chang chang. Chuyến xe khách Việt Thành tới đầu cầu Thăng Long, phía Đông Anh thì tắt máy. Hỏi tài xế thì được trả lời là hết dầu?! Hành khách có người nổi nóng. Tôi thì rất thích vì chưa bao giờ được ung dung ngắm cảnh dòng sông Hồng trên cao, giữa cầu, thỏa thích như chiều       nay.Tôi tranh thủ chụp ảnh.   
          Một lúc sau,chiếc Việt Thành thứ 2 lên cầu và mời hành khách sang xe. Một số ít hành khách do nóng ruột đã bắt taxi về.
          Những giàn cột quảng cáo hai bên đường trơ bộ khung sắt hoen rỉ. Tôi nhắc cháu Thúy Hà. Những bộ khung kia là của Quảng cáo Trẻ mà bố cháu (giám đốc Quảng cáo Trẻ Hà Nội Phạm Đình Vũ) đã dày công dựng nên, bây giờ thì như thế đó. Buồn        lắm!
         Đài Khí tượng báo: Ngày 9 tháng 2 có đợt không khí lạnh tràn về, nhưng sao giờ này vẫn chưa thấy? Xuống xe ở Cửa Nam thì bất ngờ từng đợt gió xoáy làm tung bụi mù. À ra thế, bây giờ mới thấy gió của Tập Cẩm Bình đến Việt Nam!
Taxi Hà Nội bây giờ sao nhiều hãng thế? Ba Sao, Thanh Nga,Phù Đổng, Bảo Yến...Chúng tôi vẫy mãi mới có một chiếc dừng lại. Cả nhà (ba người) lên xe. Và xe dừng lại ngay đầu ô Quan Chưởng, Số tiền phải trả là 22 ngàn VND. Nhà tôi đưa 30 ngàn đồng và không lấy tiền thối.
          Trời bắt đầu rét. Nhiệt độ hạ xuống 14 độ. Phải mặc thêm áo ấm. Cháu Thúy Hà đã gọi điện trước liên hệ đặt phòng với khách sạn Central Backpackers Hostel (14-16 phố Thanh Hà). Đây là nơi mà lần nào ra Hà Nội chúng tôi đều ở, vì nó gần nhà cô em Mai Hương của nhà tôi.
          Sáng hôm sau, Ngọc Kiềm cùng tôi đến thăm nhà văn Ngôn Vĩnh, Chủ tịch Chi hội nhà văn Công an. Ngôn Vĩnh có nhiều tác phẩm, nhưng nổi bật nhất là tiểu thuyết Cổng Trời. Chúng tôi quen nhau từ thời anh làm tổng biên tập báo Công an Nhân dân. Thời kỳ này tôi có nhiều bài điều tra về tệ nạn tham nhũng được báo này đăng tải. Ngôi nhà 100 phố Yết Kiêu là trụ sở của các tờ báo Công an Nhân dân, An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu và Văn nghệ Công an. Tôi bảo Ngọc Kiềm ghé vào phòng làm việc của trung tướng nhà văn Hữu Ước ở tầng 2. Rất tiếc là Hữu Ước đi vắng, cửa phòng khóa ngoài. Ngọc Kiềm trước đây đã từng là cầu thủ đá bóng của đội Công an. Khi đất nước đang còn đánh Mỹ. chúng ta có những đội bóng lừng danh như Thể công, Bưu điện, Đường sắt, Cảng Hải Phòng, Công an…Ngọc Kiềm rời đội bóng về làm Tờ tin Công an, tiền thân của báo Công an Nhân dân do đại tá Huỳnh Liễu làm tổng biên tập. Ít lâu sau khi tờ báo Du lịch và tạp chí Du lịch ra đời thì Ngọc Kiềm về du lịch. Thời gian này, Tổng cục Du lịch còn nằm trong Bộ Công an. Tôi và Ngọc Kiềm quen biết, thân thiết với nhau trên ba chục năm nay, khi anh từ vai trò phóng viên tiến tới Trưởng ban biên tập. Kiềm và tôi có nhiều chuyến đi ra nước ngoài để viết phóng sự chuyên đề du lịch. Tôi còn nhớ chuyến đi Cambodia năm 1991 với Kiềm. Chúng tôi sang Phnôm Pênh (đồi bà Pênh) và được Tổng cục Du lịch bạn bố trí nghỉ tại dinh thự của In Tam – chủ tịch Quốc hội dưới thời Lon Non. Giáo sư Nguyễn Đình Cao sang giúp bạn tổ chức đại học sư phạm, cùng được bố trí nghỉ tại đây. Chị Việt, phóng viên báo Du lịch, vợ giáo sư Nguyễn Đình Cao sang K trước chúng tôi 3 hôm cũng ở đây.
          Sáng hôm sau, tôi và Ngọc Kiềm được anh Xum Chum Bun, giáo sư Ngữ văn trường Đại học Phnôm Pênh dẫn đi thăm Tổng cục Du lịch. Tổng cục phó tiếp chúng tôi rất nồng hậu.
           
                                                ***
          Tiện thể, tôi nhờ Ngọc Kiềm đưa tới thăm anh bạn cố tri Nguyễn Huy Cam. Huy Cam năm nay tuổi cũng tròn bát thập. Hồi ở Hà Nội, tôi và Huy Cam cùng cơ quan. Sau đó tôi sang làm báo còn Huy Cam về Thành đoàn Thanh niên, phụ trách Câu lạc bộ Thanh niên Sinh viên. Anh quê ở làng Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cùng quê với nhà văn Lữ Huy Nguyên (Nguyễn Huy Lư). Mảnh đất Dương Đình, Phú Thị này đã sản sinh cho thủ đô yêu quý một nhà thơ lỗi lạc: Nguyễn Huy Lượng. Nguyễn Huy Lượng làm quan nhà Lê chức Phụng Nghi. Sau làm quan nhà Tây Sơn đã có nhiều công lao với chức Hữu thị lang Bộ Hộ, được phong tước Chương Lĩnh hầu. Năm 1802, triều Tây Sơn sụp đổ, ông bị bắt. Ít lâu sau thì nhà Nguyễn thu dụng cho làm tri phủ Xuân Trường. Sau đó ông bị giết trong một trường hợp bức tử vào năm 1808. Ông đã để lại cho đời và cho Hà Nội một bài phú nổi tiếng: Tụng Tây Hồ phú. (Độc vận Hồ). Đặc biệt trên văn đàn thời kỳ này có một sự kiện độc đáo là sau khi bài Tụng Tây Hồ phú ra đời, người dân Hà Thành đổ xô nhau tìm mua tác phẩm. Thậm chí có nhiều người chép tay đến nỗi giá giấy tự nhiên tăng vọt. Sự kiện độc đáo thứ hai là, nhà thơ Phạm Thái đã họa lại bài phú này với nhiều ý tứ phản bác để bày tỏ lòng trung của mình với nhà Lê. Đây có thể coi là một bài bút chiến nhưng không có đối thủ?!
Rất tiếc, trong quyển sách PHÚ VIỆT NAM KIM VÀ CỔ của hai tác giả Phong Châu và Nguyễn Văn Phú do Viện Văn học và Nhà Xuất bản Văn hóa, xuất bản tháng 10 năm 1960 đã loại bỏ Chiến tụng Tây Hồ phú với câu Cước chú thêm ở trang 155: Phạm Thái có bài “Chiến tụng Tây Hồ phú” phản lại bài này, nội dung thể hiện tư tưởng phản động chống lại cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, nên bỏ không in.

          Khi đi ngang qua Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam trên đường Đại La, tôi nhờ Ngọc Kiềm ghé vào để thăm nhà biên kịch Hoài Giang. Kiềm bảo tôi gọi điện báo cho Hoài Giang nhưng tôi lại không lưu vào máy nên không gọi được. Thế là chúng tôi về nhà Ngọc Kiềm ở phố Nguyễn Trãi. Nơi đây trước kia là nhà máy Cơ khí trung quy mô và bên kia đường là Khu công nghiệp Cao – Xà – Lá (Cao su Sao vàng, Xà phòng và Thuốc lá). Bây giờ các nhà máy này hoặc giải thể, hoặc di dời đi nơi khác nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát.
          Hà Nội thực sự có nhiều thay đổi sau hơn 40 năm thống nhất đất nước. Tuy nhiên, dù đã mở rộng thêm Hà Nội 2, Hà Nội 3 thì thủ đô vẫn luẫn quẫn trong vòng chật chội. Còn nhiều việc phải làm, nhất là lĩnh vực văn hóa. Ít thấy những tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao. Bản chất người Hà Nội xưa: thanh lịch, tao nhã còn lại rất ít. Chỉ một việc giản đơn là trong giao dịch thường ngày hiện nay vắng bóng lời xin lỗi và cảm ơn.Tôi còn nhớ, hồi Hà Nội mới giải phóng (10/10/1954) tôi đến thăm nhà người bạn, khi gặp các cụ, tôi đã chào “Thưa hai bác, con mới tới”. Các cụ đáp: “Không dám, xin chào ông!” Đi ra đường, tôi gặp một cụ già đang dừng lại chờ tín hiệu bằng tay của anh công an giao thông đứng trên bục để hướng dẫn lưu thông. Hồi đó chưa có đèn đỏ, đèn xanh như bây giờ. Tôi đã đưa tay dắt cụ qua đường. Qua hết khoảng đường giành cho người đi bộ, tôi chào tạm biệt cụ. Cụ già nói: “Xin cảm ơn ông!” Mặc dầu lúc đó tôi mới hơn 20 tuổi, nhưng các cụ vẫn xưng hô tôi là ông. Trong cách ăn mặc, người Hà Nội cũng rất kỹ tính. Hễ đã ra khỏi nhà thì đàn ông phải ăn mặc chỉnh tề. Mùa đông, ngoài là bộ complet, trong áo chemise tay dài cổ cứng, thắt chiếc cravat, nếu những ngày quá rét thì có thêm cái manteau. Phụ nữ ra đường thì phải mặc áo dài, nếu rét thì thêm áo choàng hoặc là len hoặc là áo bông chần hạt lựu. Tôi còn nhớ một bài học rất quý giá là khi tôi đi dạo phố cùng một ông công chức lưu dung. Trời hơi nóng nên tôi khoác cái áo veston lên hai vai, không xỏ tay vào ống tay áo. Bác đó đã hỏi tôi: “Anh có biết câu thành ngữ: phường giá áo túi cơm không?”Tôi trả lời có biết. Bác ấy lại bảo: Vậy thì anh hãy xỏ ống tay áo vào, đừng lấy hai cái bờ vai của mình làm cái giá áo. Thật là một bài học nhớ đời!
 

(Còn tiếp:Phần 2. Hương Ước Lễ với 2127năm dựng làng)