Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

181. Xuân Đinh Dậu Hà Thành du ký

181.XUÂN ĐINH DẬU HÀ THÀNH DU KÝ
                                                                                      Xuân Bảo
1.    Lại về với Hà Nội thân yêu.

Sân bay Tân Sơn Nhất không rộn rịp như báo chí đưa tin. Trên chuyến bay 236 Vietnam Airline . Chiếc Airbus 330 còn trống nhiều ghế, khởi hành lúc 12 giờ 3o .Vợ chồng tôi và cháu ngoại Phạm Nguyễn Thúy Hà lên đường ra Hà Nội để làm một hành trình         Xuân Hà Thành du ký.       
          Đến sân bay Nội Bài. Ngoài trời nắng chang chang. Chuyến xe khách Việt Thành tới đầu cầu Thăng Long, phía Đông Anh thì tắt máy. Hỏi tài xế thì được trả lời là hết dầu?! Hành khách có người nổi nóng. Tôi thì rất thích vì chưa bao giờ được ung dung ngắm cảnh dòng sông Hồng trên cao, giữa cầu, thỏa thích như chiều       nay.Tôi tranh thủ chụp ảnh.   
          Một lúc sau,chiếc Việt Thành thứ 2 lên cầu và mời hành khách sang xe. Một số ít hành khách do nóng ruột đã bắt taxi về.
          Những giàn cột quảng cáo hai bên đường trơ bộ khung sắt hoen rỉ. Tôi nhắc cháu Thúy Hà. Những bộ khung kia là của Quảng cáo Trẻ mà bố cháu (giám đốc Quảng cáo Trẻ Hà Nội Phạm Đình Vũ) đã dày công dựng nên, bây giờ thì như thế đó. Buồn        lắm!
         Đài Khí tượng báo: Ngày 9 tháng 2 có đợt không khí lạnh tràn về, nhưng sao giờ này vẫn chưa thấy? Xuống xe ở Cửa Nam thì bất ngờ từng đợt gió xoáy làm tung bụi mù. À ra thế, bây giờ mới thấy gió của Tập Cẩm Bình đến Việt Nam!
Taxi Hà Nội bây giờ sao nhiều hãng thế? Ba Sao, Thanh Nga,Phù Đổng, Bảo Yến...Chúng tôi vẫy mãi mới có một chiếc dừng lại. Cả nhà (ba người) lên xe. Và xe dừng lại ngay đầu ô Quan Chưởng, Số tiền phải trả là 22 ngàn VND. Nhà tôi đưa 30 ngàn đồng và không lấy tiền thối.
          Trời bắt đầu rét. Nhiệt độ hạ xuống 14 độ. Phải mặc thêm áo ấm. Cháu Thúy Hà đã gọi điện trước liên hệ đặt phòng với khách sạn Central Backpackers Hostel (14-16 phố Thanh Hà). Đây là nơi mà lần nào ra Hà Nội chúng tôi đều ở, vì nó gần nhà cô em Mai Hương của nhà tôi.
          Sáng hôm sau, Ngọc Kiềm cùng tôi đến thăm nhà văn Ngôn Vĩnh, Chủ tịch Chi hội nhà văn Công an. Ngôn Vĩnh có nhiều tác phẩm, nhưng nổi bật nhất là tiểu thuyết Cổng Trời. Chúng tôi quen nhau từ thời anh làm tổng biên tập báo Công an Nhân dân. Thời kỳ này tôi có nhiều bài điều tra về tệ nạn tham nhũng được báo này đăng tải. Ngôi nhà 100 phố Yết Kiêu là trụ sở của các tờ báo Công an Nhân dân, An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu và Văn nghệ Công an. Tôi bảo Ngọc Kiềm ghé vào phòng làm việc của trung tướng nhà văn Hữu Ước ở tầng 2. Rất tiếc là Hữu Ước đi vắng, cửa phòng khóa ngoài. Ngọc Kiềm trước đây đã từng là cầu thủ đá bóng của đội Công an. Khi đất nước đang còn đánh Mỹ. chúng ta có những đội bóng lừng danh như Thể công, Bưu điện, Đường sắt, Cảng Hải Phòng, Công an…Ngọc Kiềm rời đội bóng về làm Tờ tin Công an, tiền thân của báo Công an Nhân dân do đại tá Huỳnh Liễu làm tổng biên tập. Ít lâu sau khi tờ báo Du lịch và tạp chí Du lịch ra đời thì Ngọc Kiềm về du lịch. Thời gian này, Tổng cục Du lịch còn nằm trong Bộ Công an. Tôi và Ngọc Kiềm quen biết, thân thiết với nhau trên ba chục năm nay, khi anh từ vai trò phóng viên tiến tới Trưởng ban biên tập. Kiềm và tôi có nhiều chuyến đi ra nước ngoài để viết phóng sự chuyên đề du lịch. Tôi còn nhớ chuyến đi Cambodia năm 1991 với Kiềm. Chúng tôi sang Phnôm Pênh (đồi bà Pênh) và được Tổng cục Du lịch bạn bố trí nghỉ tại dinh thự của In Tam – chủ tịch Quốc hội dưới thời Lon Non. Giáo sư Nguyễn Đình Cao sang giúp bạn tổ chức đại học sư phạm, cùng được bố trí nghỉ tại đây. Chị Việt, phóng viên báo Du lịch, vợ giáo sư Nguyễn Đình Cao sang K trước chúng tôi 3 hôm cũng ở đây.
          Sáng hôm sau, tôi và Ngọc Kiềm được anh Xum Chum Bun, giáo sư Ngữ văn trường Đại học Phnôm Pênh dẫn đi thăm Tổng cục Du lịch. Tổng cục phó tiếp chúng tôi rất nồng hậu.
           
                                                ***
          Tiện thể, tôi nhờ Ngọc Kiềm đưa tới thăm anh bạn cố tri Nguyễn Huy Cam. Huy Cam năm nay tuổi cũng tròn bát thập. Hồi ở Hà Nội, tôi và Huy Cam cùng cơ quan. Sau đó tôi sang làm báo còn Huy Cam về Thành đoàn Thanh niên, phụ trách Câu lạc bộ Thanh niên Sinh viên. Anh quê ở làng Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cùng quê với nhà văn Lữ Huy Nguyên (Nguyễn Huy Lư). Mảnh đất Dương Đình, Phú Thị này đã sản sinh cho thủ đô yêu quý một nhà thơ lỗi lạc: Nguyễn Huy Lượng. Nguyễn Huy Lượng làm quan nhà Lê chức Phụng Nghi. Sau làm quan nhà Tây Sơn đã có nhiều công lao với chức Hữu thị lang Bộ Hộ, được phong tước Chương Lĩnh hầu. Năm 1802, triều Tây Sơn sụp đổ, ông bị bắt. Ít lâu sau thì nhà Nguyễn thu dụng cho làm tri phủ Xuân Trường. Sau đó ông bị giết trong một trường hợp bức tử vào năm 1808. Ông đã để lại cho đời và cho Hà Nội một bài phú nổi tiếng: Tụng Tây Hồ phú. (Độc vận Hồ). Đặc biệt trên văn đàn thời kỳ này có một sự kiện độc đáo là sau khi bài Tụng Tây Hồ phú ra đời, người dân Hà Thành đổ xô nhau tìm mua tác phẩm. Thậm chí có nhiều người chép tay đến nỗi giá giấy tự nhiên tăng vọt. Sự kiện độc đáo thứ hai là, nhà thơ Phạm Thái đã họa lại bài phú này với nhiều ý tứ phản bác để bày tỏ lòng trung của mình với nhà Lê. Đây có thể coi là một bài bút chiến nhưng không có đối thủ?!
Rất tiếc, trong quyển sách PHÚ VIỆT NAM KIM VÀ CỔ của hai tác giả Phong Châu và Nguyễn Văn Phú do Viện Văn học và Nhà Xuất bản Văn hóa, xuất bản tháng 10 năm 1960 đã loại bỏ Chiến tụng Tây Hồ phú với câu Cước chú thêm ở trang 155: Phạm Thái có bài “Chiến tụng Tây Hồ phú” phản lại bài này, nội dung thể hiện tư tưởng phản động chống lại cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, nên bỏ không in.

          Khi đi ngang qua Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam trên đường Đại La, tôi nhờ Ngọc Kiềm ghé vào để thăm nhà biên kịch Hoài Giang. Kiềm bảo tôi gọi điện báo cho Hoài Giang nhưng tôi lại không lưu vào máy nên không gọi được. Thế là chúng tôi về nhà Ngọc Kiềm ở phố Nguyễn Trãi. Nơi đây trước kia là nhà máy Cơ khí trung quy mô và bên kia đường là Khu công nghiệp Cao – Xà – Lá (Cao su Sao vàng, Xà phòng và Thuốc lá). Bây giờ các nhà máy này hoặc giải thể, hoặc di dời đi nơi khác nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát.
          Hà Nội thực sự có nhiều thay đổi sau hơn 40 năm thống nhất đất nước. Tuy nhiên, dù đã mở rộng thêm Hà Nội 2, Hà Nội 3 thì thủ đô vẫn luẫn quẫn trong vòng chật chội. Còn nhiều việc phải làm, nhất là lĩnh vực văn hóa. Ít thấy những tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao. Bản chất người Hà Nội xưa: thanh lịch, tao nhã còn lại rất ít. Chỉ một việc giản đơn là trong giao dịch thường ngày hiện nay vắng bóng lời xin lỗi và cảm ơn.Tôi còn nhớ, hồi Hà Nội mới giải phóng (10/10/1954) tôi đến thăm nhà người bạn, khi gặp các cụ, tôi đã chào “Thưa hai bác, con mới tới”. Các cụ đáp: “Không dám, xin chào ông!” Đi ra đường, tôi gặp một cụ già đang dừng lại chờ tín hiệu bằng tay của anh công an giao thông đứng trên bục để hướng dẫn lưu thông. Hồi đó chưa có đèn đỏ, đèn xanh như bây giờ. Tôi đã đưa tay dắt cụ qua đường. Qua hết khoảng đường giành cho người đi bộ, tôi chào tạm biệt cụ. Cụ già nói: “Xin cảm ơn ông!” Mặc dầu lúc đó tôi mới hơn 20 tuổi, nhưng các cụ vẫn xưng hô tôi là ông. Trong cách ăn mặc, người Hà Nội cũng rất kỹ tính. Hễ đã ra khỏi nhà thì đàn ông phải ăn mặc chỉnh tề. Mùa đông, ngoài là bộ complet, trong áo chemise tay dài cổ cứng, thắt chiếc cravat, nếu những ngày quá rét thì có thêm cái manteau. Phụ nữ ra đường thì phải mặc áo dài, nếu rét thì thêm áo choàng hoặc là len hoặc là áo bông chần hạt lựu. Tôi còn nhớ một bài học rất quý giá là khi tôi đi dạo phố cùng một ông công chức lưu dung. Trời hơi nóng nên tôi khoác cái áo veston lên hai vai, không xỏ tay vào ống tay áo. Bác đó đã hỏi tôi: “Anh có biết câu thành ngữ: phường giá áo túi cơm không?”Tôi trả lời có biết. Bác ấy lại bảo: Vậy thì anh hãy xỏ ống tay áo vào, đừng lấy hai cái bờ vai của mình làm cái giá áo. Thật là một bài học nhớ đời!
 

(Còn tiếp:Phần 2. Hương Ước Lễ với 2127năm dựng làng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét