Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

182. Hương Ước Lễ với 2127 năm dựng làng





182. XUÂN ĐINH DẬU HÀ THÀNH DU KÝ.

2. Hương Ước Lễ với 2127 năm dựng làng.
.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì cuối đời Hùng Vương trở lên Kỷ Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Mậu Tuất, cùng một thời với Đế Nghi, truyền đến cuối đời Hùng Vương, ngang với Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57 là năm Quý Mão thì hết. Cộng 2622 năm (2879-258 trước Công nguyên. Từ đây trở đi tác giả sẽ viết tắt là TCN). Kỷ nhà Thục. An Dương Vương Thục Phán ở ngôi được 50 năm, từ năm Giáp Thìn đến năm Quý Tỵ (257 – 208 TCN), đổi tên nước từ Văn Lang sang Âu Lạc.
 Do mất cảnh giác mà: “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”…(Thơ Tố Hữu). Một câu chuyện tình bi thiết truyền đời cho con cháu. Đó là câu chuyện Triệu Đà cầu hôn cho con trai Trọng Thủy lấy nàng Mỵ Châu, con gái vua Thục để rồi Thủy lừa vợ, lấy cắp lẫy nỏ thần. Trong những năm ở ngôi An Dương Vương cùng quân dân Âu Lạc đã anh dũng chống lại nhà Tần trong cuộc chiến không cân sức gần 20 năm.
Triệu Đà, họ Triệu, húy là Đà, người huyện Chân Định (Quảng Đông) nhân lúc nhà Tần suy loạn, giết trưởng lại, giữ lấy đất Lĩnh Nam, xưng đế năm 207 TCN), đối địch với nhà Hán, chiếm đất Lâm Ấp và Tượng Quận. Nhà Triệu làm vua nước Nam Việt ở miền Lưỡng Quảng, đối với nước Âu Lạc của ta thì đích thị là quân xâm lược. Thế mà sử cũ đều chép làm quốc triều nước ta?! Mãi đến thời Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ đời Lê mạt, tác giả sách Việt sử tiêu án mới bác bỏ chủ trương ấy. Nay, nhà nước ta đang cho làm lại bộ Quốc sử Việt Nam, tôi mong rằng những nhà làm sử hãy chú trọng chi tiết này, làm lại cho đúng sự thật khách quan!
Nước ta từ trước tới nay đã có nhiều bộ sử. Đó là sách Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu vâng mệnh vua Trần Thái Tôn chép bắt đầu từ Triệu Võ Đế đến Lý Chiêu Hoàng. Đó là bộ Đại Việt sử ký toàn thư do vua Lê Thánh Tông sai Lễ bộ tả thị lang kiêm Quốc tử giám tư nghiệp Ngô Sĩ Liên biên soạn (1479). Tiếp đến, vua Tương Dực, năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) sai Binh bộ thượng thư kiêm Quốc tử giám tư nghiệp kiêm sử quan đô tổng tài Vũ Quỳnh soạn bộ Đại Việt thông giám, chép từ Hồng Bàng thị đến 12 sứ quân…
Trong thời gian Triệu Đà xâm chiếm nước ta, sử chép là Kỷ nhà Triệu, có tới 5 đời vua: Triệu Vũ Đế, ở ngôi 71 năm, Triệu Văn Vương, ở ngôi 12 năm,  Minh Vương, ở ngôi 12 năm,  Ai Vương, ở ngôi 1 năm và Thuật Dương Vương, ở ngôi 1 năm. Tổng cộng 97 năm từ 207 đến 111 TCN. Đặc biệt Triệu Đà là người có tuổi thọ cao nhất thời ấy, sống được 121 năm và cũng là ông vua ở ngôi tới 71 năm!
                                                ***
Năm 111 TCN này là năm tể tướng Lữ Gia thất trận. Trong tác phẩm Hành trình thiên lý ký sự của tôi, sắp xuất bản, có một chương (chương I) nói về Tể tướng Lữ Gia. Lữ Gia hy sinh vào ngày 12 tháng 9 năm Canh Ngọ, tức năm Hán Nguyên Phong thứ 2, nhà Hán. Nếu tính theo Dương lịch thì đúng vào ngày 29 tháng 10 năm 111 TCN, cách đây đúng 2127 năm (2017). Để tưởng nhớ công lao của Ngài, vùng này có tới 72 làng tôn Ngài là Đức Thánh Thành hoàng.
Theo Thần phả làng Ước Lễ còn để lại ở đình làng thì Tể tướng Lữ Gia, húy là Lữ Húy Gia, người làng Thiên Phúc, nay là Đa Phúc, Phúc Yên. Ngài Lữ Gia làm tể tướng ba đời của nhà Triệu, đến đời thứ tư Triệu Ai Vương thì tịch. Trong cơn cuồng chiến của lũ giặc Tây Hán, Ngài bị giặc vây và bị chém đứt đầu. Khi Ngài phi ngựa về đến Bãi Gấu trước cổng làng Ước Lễ thì hóa.
 Ngựa của Ngài lồng chạy được dân Bảy làng La bắt về nuôi. Dân làng Phúc Lâm lượm được đầu Ngài đem về táng ở thềm đình. Dân làng Minh Thụy lượm được thân Ngài mang về chôn ở nền Miếu Minh. Còn dân làng Ước Lễ đến sau nên chỉ thấy còn lại những vệt máu bèn lấy lông gà vét những giọt máu của Ngài đem về vẽ thành tranh chân dung Ngài thờ ở hậu cung đình làng, tôn làm Thành hoàng.
Theo truyền thuyết: Vào những ngày lễ hội rước Thánh Thành hoàng, dân Ước Lễ rước kiệu bài vị Thánh Thành hoàng sang đình làng Phúc Lâm để trình, rồi lại hồi cung về đình làng mình làm lễ tế tự. Dân làng Phúc Lâm được tôn làm Dân Anh, còn dân làng Ước Lễ tự nhận mình là Dân Em. Tục lệ này đã có từ hàng nghìn năm nay.
Làng Ước Lễ là một làng cổ của đồng bằng Sông Hồng xây dựng theo truyền thống “tường cao, hào sâu”, có cây đa cổ thụ, có chợ búa, có đình làng, có cổng làng án ngữ từ hai đầu và cuối làng. Ước Lễ có nghề làm giò chả từ rất lâu. Cuối thế kỷ XIX lại có thêm nghề thợ may. Ước Lễ không xa thủ đô là mấy. Tính theo đường chim bay thì độ dài khoảng 12 -15 km. Từ ngày còn chế độ phong kiến, tên làng là hương Ước Lễ, tổng Tân Ước, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Cầu Đơ. Tên tỉnh Cầu Đơ mãi tới năm 1904, dưới thời Pháp đô hộ mới đổi thành tỉnh Hà Đông.
Hương Ước Lễ được vua Tự Đức năm thứ 33, nhằm vào năm Canh Thìn 1880 sắc phong Mỹ Tục Khả Phong, nghĩa là Phong tục tốt đẹp được ban tặng. Bốn đại tự đó vẫn còn nguyên vẹn trên gác cổng tiền của làng cho đến hôm nay. Gần đây, Hà Đông sáp nhập vào Hà Nội và trở thành một quận của thủ đô. Đây là một làng quê nhỏ bé thuần nông, có nhiều nét đặc trưng của một làng quê cổ đồng bằng Bắc Bộ. Câu ca xưa: “Ba làng Chảy, Bẩy làng La” là đúc kết từ những nghề truyền thống của một vùng quê. Ba làng Chảy là cụm ba làng xưa gồm Phúc Lâm,Thượng Thụy và Ước Lễ. Phúc Lâm và Thượng Thụy sau này sáp nhập thành làng Phúc Thụy. Bảy làng La (La là lụa) là các làng:La Cả, La Dương, La Nội, La Giang, La Phù, La Khê và La Tinh. Những làng này cặp theo bờ sông Nhuệ, nổi tiếng trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa.
Sử ký Tư Mã Thiên có đề cập đến thời kỳ này như sau: “Năm sau (năm 111 TCN) nước Nam Việt làm phản, Tây Khương xâm phạm cướp bóc ở biên giới. Nhà vua cho phía đông núi không đầy đủ lương thực, xá tội cho thiên hạ, dùng những thuyền lầu ở phương nam chở hơn hai mươi vạn quân đánh Nam Việt,” (Mục Bình chuẩn thư, trang 190).
Hãy nghe tướng Tế Bắc cũ là Hàn Thiên Thu hăng hái nói: “Một nước Việt cỏn con, lại có vương và thái hậu nước ấy làm nội ứng, chỉ một mình thừa tướng Lữ Gia làm loạn, tôi xin cấp cho 300 dũng sĩ, thế nào cũng chém được Gia để báo về”. Bấy giờ Hán sai Thiên Thu và em Cù thái hậu là Cù Lạc đem 2000 người tiến vào đất Việt. Lữ Gia mới hạ lệnh cho trong nước rằng: “Vua tuổi còn nhỏ, thái hậu vốn là người Hán, lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán, đem hết đồ châu báu của tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh; đem nhiều người đi theo đến Trường An, bắt bán đi làm đầy tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không nghĩ đến xã tắc họ Triệu, và lo gì đến mưu kế muôn đời”. Bèn cùng em đem quân đánh vua, giết vua và thái hậu, giết chết bọn sứ giả nhà Hán; sai người đi báo cho Tần Vương ở Thương Ngô và các quận ấp, lập con trưởng của Minh Vương là Thuật Dương hầu Kiến Đức làm vua.Vua bị giết đặt thụy là Ai Vương.
Như thế là Lữ Gia có công hay có tội với đất nước Nam Việt? Vì sao hậu thế lại ghi công tể tướng Lữ Gia nhiều đến như vậy? Hà Nội và nhiều nơi khác có đền thờ và tên đường mang tên Lữ Gia? Như thế có phải là ?…
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử thần Lê Văn Hưu bàn: Lữ Gia can ngăn Ai Vương và Cù thái hậu chớ cầu làm chư hầu nhà Hán, đừng triệt bỏ cửa quan ở biên giới, có thể gọi là biết trọng nước Việt vậy. Song can mà không nghe, thì nghĩa đáng đem hết bầy tôi đến trước triều đình, trước mặt vua trình bày lợi hại về việc nước Hán, nước Việt  đều xưng đế cả, có lẽ Ai Vương và Thái hậu cũng nghe ra mà tỉnh ngộ. Nếu lại vẫn không nghe theo, thì nên tự nhận lỗi mình mà lánh ngôi tể tướng, nếu không thế thì dùng việc cũ họ Y, họ Hoắc, chọn một trong hàng con của Minh Vương để thay ngôi cho Ai Vương được như Thái Giáp và Xương Ấp mà giữ toàn tính mệnh, như thế thì không lỗi đường tiến thoái. Nay lại giết vua để hả lòng oán riêng, lại không biết cố chết để giữ lấy nước, để cho nước Việt bị chia cắt mà vào làm tôi nhà Hán, thì tội của Lữ Gia giết chết cũng chưa đáng”.(Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Triệu, trang 106). Sử thần Lê Văn Hưu có quá nặng lời không?

                                                ***

Chú em nhà tôi, Nguyễn Viết Thọ thuê một chiếc xe khách 45 ghế để mấy anh chị em nhà Tân Việt về làng dự hội Chùa Sổ Rằm Tháng Giêng (đúng vào ngày 11/02/2017) và thắp nhang nhà thờ Tổ phụ, ra nghĩa địa viếng mộ ông bà tổ tiên. Hành trình xuất phát từ đầu Ô Quan Chưởng, dọc theo đê, xuống đến Vĩnh Tuy thì rẽ phải, sang làng Tám, gặp Giáp Bát, ra Quốc lộ 1A , chạy thẳng về Ngọc Hồi – nơi có chiến thắng lừng lẫy của vua Quang Trung năm Kỷ Dậu (1789). Xe qua Quán Gánh, quê hương của đặc sản bánh giầy.
Tương truyền vào đời vua Hùng thứ 6. Hoàng tử Lang Liêu đã được báo mộng để làm ra chiếc bánh giầy hình tròn, tượng trưng cho trời, còn bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất; hai thứ này được dùng để dâng lên vua cha trong ngày đầu xuân. Sự tích trên nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc và tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn minh lúa nước.
Nguồn gốc chữ Quán Gánh được nhiều người biết đến và sau thành tên gọi của địa danh này. Ga xe lửa Thường Tín cách ga Hà Nội 18 km. Thời trước, nơi đây thường có những người làm thuê gồng gánh hàng họ cho khách đi tàu.  
           Bánh giầy Quán Gánh là đặc sản truyền thống của mảnh đất trăm nghề của Hà Đông xưa, nay về Hà Nội, nổi tiếng từ rất lâu đời. Từ hàng trăm năm nay bánh giầy của làng luôn được xem là một món ăn dân dã mà thanh tao của ẩm thực Việt.
 Ven Quốc lộ 1 qua địa phận Quán Gánh, từng dãy bán bánh giầy xếp thành hai hàng dài, hàng nào cũng bày đều tăm tắp những gói bánh giầy được gói bằng lá chuối xanh rờn, như chào mời, níu chân khách qua đường.
 Chiếc bánh giầy Quán Gánh có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối, độ thơm ngậy của đậu, thịt được pha trộn cùng với những hương liệu khác mà chỉ có người Quán Gánh mới làm nên được hương vị đặc trưng đó.
Muốn có hương vị thơm ngon nguyên liệu làm bánh nhất thiết phải là gạo nếp nương vụ mới, nhiều khi nguyên liệu lại là gạo nếp cẩm - một loại gạo có màu tím sẫm, rất quý và thơm ngon. Gạo được giã thủ công hoặc trực tiếp ra từ thóc, còn nguyên vỏ lụa mỏng tang, sau đó xôi chín bằng chõ gỗ đục từ thân cây. Lúc đun phải chú ý cho đều lửa thì xôi mới dẻo thơm. Xôi chín đổ vào cối giã ngay khi còn nóng, đến khi hạt gạo quyện vào nhau thành vỏ bánh rất trong và dẻo.
 Đây là lúc các bà, các chị khéo léo tra nhân và nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời. Để bột khỏi dính vào tay, người ta xoa lòng đỏ trứng gà vào tay khi nặn bánh. Lá gói bánh là lá chuối đã được hơ qua lửa.  Bánh giầy Quán Gánh có ba loại nhân ngọt, nhân mặn và nhân chay. Bánh chay và bánh ngọt thường được dùng làm đồ tế lễ. Thực khách có thể kẹp bánh với giò hoặc chả. Cầu kì hơn thì bánh được cắt thành từng miếng nhỏ và chấm với mật ong rừng vàng sánh.Ngon tuyệt!
Đã từ lâu, cứ mỗi độ Xuân về, bánh giầy đã trở thành sản vật thiêng liêng không thể thiếu trên những mâm cúng dâng lên Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, mùng Mười tháng Ba Âm lịch..
Dù ai chồng rẫy, vợ chê
Bánh giầy Quán Gánh lại về với nhau
Ăn trước thì bảo người sau
Già ăn trẻ lại, gái mau đắt chồng!

Sản phẩm này bắt đầu từ làng Thượng Đình xã Nhị Khê. Nơi đây là quê hương thứ hai của đại thi hào Nguyễn Trãi. Quê chính của ông là làng Chi Ngại, phường Cộng hòa, thị xã Chí Linh, Hải Dương hiện nay. Nhị Khê còn đó câu chuyện huyễn hoặc “rắn báo oán” làm cho dòng tộc Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc. Người gây ra vụ án oan này là hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, triều Lê Thái Tông gây nên. Vụ án Lệ Chi viên còn trừng phạt cả Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, vợ của Nguyễn Trãi. Một vụ thảm án mà mãi 600 năm sau mới được giải oan.

                                                  ***

Xe chúng tôi qua thị trấn Thường Tín, lúc đến chân cầu Chiếc thì vì xe cao không chui qua thanh chắn được nên đành quay lại, dọc theo bờ trái sông Nhuệ tới chùa Đậu. Chùa Đậu đang vào mùa lễ hội. Chúng tôi thấy mấy cụ bà ngồi trước cổng, tay cầm cờ đỏ, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Mấy cụ tưởng nhầm chúng tôi về dự hội nên ra hiệu cho xe dừng lại và chỉ bãi đậu xe. Chúng tôi xin lỗi các cụ vì chúng tôi đang tìm đường về chùa Sổ. Hỏi người dân xe có qua cầu Là được không thì họ bảo chỉ có xe con mới được phép qua vì cầu hẹp và yếu. Thế là chúng tôi chia nhau thuê taxi để về làng. Cầu Là nằm ở xã Tân Minh, có làng La Phù mà dân Thanh Oai có câu truyền ngôn lâu đời rằng: Ba làng Chảy, bảy làng La. Đây là một làng quê nhỏ bé, song là một làng giàu có. Nhà cửa xây dựng khang trang, có nhiều nhà 2, 3 tầng, đường sá được bê-tông hóa sạch sẽ, phong quang. Cậu lái xe taxi cho biết: Tân Minh hiện có hơn 30 chiếc taxi. Những người lái xe ôm trước đây cũng đã bỏ nghề để sang lái taxi. Chiếc xe khách 45 chỗ được cho quay lại đầu cầu Chiếc nằm chờ. Một đoàn xe taxi nối đuôi nhau quay lại cầu Chiếc rồi dong thẳng về Ước Lễ. Cậu lái xe bảo: Từ Tân Minh đi Ước Lễ, đi theo hình chữ U cũng chỉ non 10 km. Đến đây, tôi lại nhớ về chú em Đặng Chí Hòa, chồng của cô em Mai Hương đã quá cố. Cách đây hơn chục năm, Đặng Chí Hòa và tôi về quê. Hòa đã chở tôi trên chiếc xe máy về đến Thường Tín thì rẽ trái qua chiếc cầu tạm, nay là cầu Là đã được xây kiên cố. Từ La Phù băng cánh đồng trên con đường đất mấp mô để về làng chỉ non 5 cây số.
Trên con đường liên huyện mới xây dựng, được trải nhựa phẳng lỳ. Xe về đến đoạn giữa làng thì rẽ vào làng. Cả nhà xuống xe. Ngôi nhà 2 tầng đầu tiên là nhà của vợ chồng Chí Hòa – Mai Hương. Sân rộng có thể đỗ được 4 chiếc xe con. Trong khuôn viên rộng hơn 1000 mét vuông, có vườn cây ăn quả, có nhà kho và có một ao cá lớn. Chung quanh ao có chừa ra một dải đất để trồng các cây lưu niên. Mảnh đất này được tạo dựng bằng chính công sức của hai vợ chồng cô Mai Hương, tích lũy được nhờ kinh doanh và sản xuất mặt hàng truyền thống giò chả Ước Lễ. Vì không có người trông coi, nên Mai Hương đã cho chú em của Chí Hòa thuê để mở xưởng may gia công. Xưởng đang trong quá trình thi công. Trước cổng nhà có tấm biển đề: Công ty C & H cần tuyển 50 thợ may.
 Cô Mai Hương đã chu đáo chuẩn bị mọi thứ: nhang đèn, trà rượu và thực phẩm cho chuyến hành hương. Cũng như mọi năm, gia đình chú em thúc bá Nguyễn Viết Phong được chị em nhà Tân Việt ủy nhiệm lo cỗ bàn, cúng kiếng.
Cả nhà đi bộ vào nhà thờ Tổ. Riêng bà Ngọc Bích – người con cả của ông bà Tân Việt, năm nay vừa tròn tuổi 80 - phải ngồi xe lăn vì bà bị tai biến đã mấy năm nay, không đi bộ được. Xe lăn chạy điện của Nhật Bản sản xuất, rất hiện đại, có số tiến số lùi, số rẽ sang trái sang phải, số dừng. Người dùng xe chỉ việc bấm nút điều khiển.
Nhà từ đường Tổ phụ Nguyễn Viết được sửa sang lại rất đẹp. Cái ao và lũy tre trước nhà đã được san lấp. Đoạn đường này còn một cái giếng cổ. Cái giếng này được chương trình Nước sạch của JICA Nhật bản xếp loại, là một trong 107 giếng cổ còn lại của đồng bằng Bắc Bộ.
Mấy bà con chúng tôi thắp nhang nhà thờ Tổ phụ xong thì được các cháu chở bằng xe máy ra nghĩa địa.Từ đây ra chùa chừng non cây số. Tôi và kỹ sư Toản đi bộ để còn chụp ảnh lấy tư liệu. Dọc đường làng, người ta bày bán la liệt giò chả, nem chua và các loại bánh. Có một ông ngồi nặn tò he để bán cho lũ trẻ. Khi ngang qua cổng cuối làng, phía tay phải là một cái bãi đỗ xe ôtô rất rộng. Mới hơn 10 giờ mà bãi đã chật kín xe. Đó là chưa kể những chiếc xe con đỗ vào các sân nhà. Có tới hơn 300 ôtô về dự hội. Xe bốn chỗ, xe bảy chỗ, xe mười hai, mười sáu chỗ. Những người con của Ước Lễ về dự hội khá đông. Trên đường ra nghĩa địa, phía tay trái có một cái giếng xây miệng giếng rất rộng, có bậc tam cấp lên xuống, gọi là giếng Đồng Bượng, nhưng không thuộc giếng cổ. Giếng xây từ thời nào thì giờ đây ít người biết.
Tôi và nhà tôi cùng các cháu vào thắp nhang các phần mộ thuộc dòng họ Nguyễn Viết. Người ta mang rất nhiều đồ vàng mã, có cả xe con, nhà lầu bằng giấy và tiền đô-la âm phủ để cúng. Cả một vùng nghĩa địa tràn ngập khói.
Đi bộ thấm mệt, tôi đang để mắt tìm xe ôm, thì có một anh chàng trạc độ trên dưới ba mươi nói với tôi: Mời cụ lên xe, con chở về! Tôi hỏi giá bao nhiêu? Cậu ta bảo: cụ cho bao nhiêu cũng được. Thế là thế nào. Anh ta nói: Con không phải là xe ôm. Con là công an thôn, được cử làm trật tự. Trên đường chở tôi về, anh ta tâm sự: Cụ thấy đấy, cả cái làng Ước Lễ này có rất nhiều nhà mới xây, có cái hai ba tầng nhưng chẳng có người ở. Như cái nhà của bà Mai Hương đây, mãi gần đây mới sửa sang lại để mở xí nghiệp may. Còn phần lớn nhà khác là để trống, cửa đóng then cài, năm thì mười họa mới có người về.
Vợ chồng chú em Nguyễn Viết Phong đã dọn xong cỗ bàn. Chúng tôi lần lượt châm mỗi người một cây nhang lên bàn thờ. Tôi nhìn thấy hai bức ảnh màu chụp chân dung cô và chú Vân treo trang trọng trên ban thờ. Tôi bỗng nhớ một kỷ niệm. Cách đây hơn ba chục năm, tôi về Hà Nội họp báo, anh Nguyễn Ngọc Thọ, tổng biên tập tạp chí Người Đại biểu Nhân dân của Văn phòng Quốc hội đã bố trí cho tôi một chuyến thăm quê vợ. Tôi được cậu Tường lái chiếc xe con, mang biển số 80…đưa tôi và chú em Nguyễn Viết An về Ước Lễ. Thời kỳ này bắt đầu có phim màu cuộn thay thế cho phim trắng đen.Tôi đã chụp cho cô chú Vân, mỗi người một kiểu ảnh chân dung. Sau này, khi cô chú mất đi, mỗi lần tôi về làng, Nguyễn Viết Phong đều nhắc tới hai bức ảnh này, coi đây là một kỷ niệm quý.
Bữa tiệc rất thịnh soạn, có đủ món ăn ngày Tết, nhưng theo truyền thống cỗ bàn của Ước Lễ thì món thịt cầy dựa mận bao lâu nay cũng được đưa vào thực đơn, không thể thiếu.
Chiều xuống, chúng tôi lên xe con của chú Chung ra cầu Chiếc. Xe 45 chỗ đang chờ. Chẳng mấy chốc về tới Hà Nội.


(Còn tiếp:Phần 3. Thăm Thác Bờ, thăm hồ thủy điện Hòa Bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét