Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

183.XUÂN ĐINH DẬU HÀ THANH DU KÝ.

183. XUÂN ĐINH DẬU HÀ THÀNH DU KÝ.

3.Thăm Bà ChúaThác Bờ.

          Nước ta hiện tại có 127 con đường với tổng chiều dài là 17.530 cây số được gọi là Quốc lộ. Quốc lộ số 6 từ Hà Nội, qua 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, tại điểm cuối ở thị xã Mường Lay, có chiều dài là 504 km. Con đường này có 10 đèo dốc lớn, trong đó đèo Pha Đin (Cổng trời) dài tới 32 km, từ km 360 đến km 392.
Quốc lộ 6 nổi tiếng trong chiến tranh chống Pháp với 2 trận tấn công cứ điểm Giang Mỗ (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) và chiến công của Anh hùng Cù Chính Lan. Còn đó, xác chiếc xe tăng mang nhãn hiệu USA.
Chiến dịch Hòa Bình, trong một trận phục kích trên đường số 6 tại Giang Mỗ ngày 7 tháng 12 năm 1951, do bị lộ trận địa, quân Pháp phản kích dữ đội. Cù Chính Lan là người đi sau cùng, dùng súng máy bắn kiềm chế đối phương cho đơn vị rút, rồi quay lại tìm người bị thương, đưa được ba đồng đội trở về đơn vị an toàn. Sáu ngày sau, ngày 13 tháng 12 năm 1951, đơn vị lại phục kích quân Pháp lần thứ 2 cũng tại Giang Mỗ. Có một xe tăng Pháp tiếp viện, bắn dữ dội vào đội hình, chặn đường rút và làm nhiều chiến sĩ ta thương vong. Cù Chính Lan nhảy lên xe tăng kề tiểu liên vào khe hở trên tháp xe bóp cò, nhưng không may tiểu liên bị hóc, chiếc xe vẫn vừa chạy vừa bắn. Cù Chính Lan hô anh em tập trung lựu đạn  cho mình rồi lại nhanh nhẹn nhảy lên xe, giật nắp quăng lựu đạn vào trong xe, lính tăng Pháp nhặt lựu đạn ném ra và hốt hoảng lái xe tăng chuyển hướng. Thời cơ diệt xe tăng ngay trước mắt, Cù Chính Lan dũng cảm mở chốt lựu đạn, chờ cho khói thuốc xì ra được một vài giây rồi mới ném vào buồng lái, lựu đạn nổ diệt hết lính  trong xe. Chiếc xe dừng lại tại chỗ, tạo điều kiện cho đồng đội hoàn thành nhiệm vụ. Do thành tích này, anh được tuyên dương trước đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc.
Ngày 29 tháng 12 năm 1951, đơn vị anh được lệnh đánh đồn Gô Tô (Hòa Bình). Tiểu đội anh được giao nhiệm vụ đột phá hàng rào cho đại quân tấn công. Dù bị thương nặng 3 lần, anh vẫn cố gắng tham gia chiến đấu cho đến khi tử thương do mất máu.
Di tích ghi dấu chiến công diệt xe tăng của Cù Chính Lan hiện nằm ở dốc Giang Mỗ cạnh đường 6A (cũ) thuộc địa phận xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình. Xác chiếc xe tăng, mang nhãn hiệu Mỹ: "B2885498USA", hiện vật chính của di tích nằm ở giữa khu đất có kè đá xung quanh. Trên tấm bia liệt sĩ Cù Chính Lan đặt ở nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hoà Bình được xây cất chu đáo, khang trang, giữa bia có một ngôi sao vàng năm cánh, vành ngoài bia ốp gạch màu nâu nhạt. Mặt trước bia trân trọng ghi dòng chữ màu trắng: "Liệt sĩ Cù Chính Lan, Anh hùng Quân đội".
Cuối năm 1956, đầu năm 1957, Trung ương tăng cường cho Khu Tự trị Thái Mèo một số cán bộ, giúp Tây Bắc xây dựng về mọi mặt. Tôi là một trong 200 cán bộ tăng cường đó.
Thời gian này, phần đất biên cương phía bắc chia làm 2 khu tự trị. Khu Tự trị Thái Mèo gồm các tinh Sơn La, Nghĩa Lộ và Khu Tự trị Việt Bắc.Khu Tự trị Thái - Mèo thành lập ngày 29/4/1955 cho đến năm 1965 thì đổi tên thành Khu Tự trị Tây Bắc (1965 - 1976). Diện tích: 67.300 km². Dân số đến năm 1975 có tổng cộng chưa đầy nửa triệu người, gồm các dân tộc Thái, Kinh, Mường, H'Mông, Dao...Lúc này tỉnh lỵ đặt tại thị xã Sơn La. Có 1 thị xã và 18 huyện.
Khu Tự trị Thái - Mèo (1955-1962) hay Khu Tự trị Tây Bắc (1962-1975), là một đơn vị hành chính cũ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một trong hai vùng lãnh thổ được hưởng quy chế tự trị thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
                            
                                                ***
Năm 1890 Auguste Pavie, lúc bấy giờ là đại diện của Pháp tại Luang Prabang (Lào) đề nghị  chính phủ Pháp công nhận Đèo Văn Trị, một thủ lĩnh người Thái Trắng ở châu Lai làm lãnh chúa xứ Thái vùng Sip Song Chau Tai. Họ Đèo được tập quyền cha truyền con nối.
Vào thập niên 1940 khi tình hình Chiến tranh Pháp-Việt ngày càng lan rộng, người Pháp quyết định tách xứ Thái ra khỏi Bắc Kỳ và chính thức thiết lập Khu Tự trị Thái vào tháng 7 năm 1948. Nằm trong đơn vị này là các sắc dân Lô Lô, Khơ-mú, Dao và H'Mông. Khu Tự trị Thái bao gồm tỉnh Lai Châu, Sơn La và Phong Thổ. Thủ phủ đặt ở thị xã Lai Châu cũ, nay là thị xã Mường Lay.. Tiếng Thái và tiếng Pháp là hai ngôn ngữ chính thức của xứ Thái.
Năm 1950 dưới chính thể của Quốc trưởng Bảo Đại, theo Dụ số 6 ký ngày 15/4 thì Khu Tự trị Thái được gom vào cùng 8 tỉnh khác ở phía bắc và Xứ Thượng Nam Đông Dương ở Cao nguyên Trung phần để thành lập Hoàng triều Cương thổ (tiếng Pháp: Domaine de la Couronne). Xứ Thượng Nam Đông Dương bao gồm các tỉnh Đồng Nai Thượng, Lang Biang, Pleiku, Darlac và Kon Tum. Theo đó thì Hoàng triều cương thổ có vị khâm mạng cai trị nhân danh hoàng đế Bảo Đại. Nhưng không thực hiện được đối với các tỉnh miền bắc vì chiến tranh. Còn ở Cao nguyên Trung phần thì do đại tá bá tước Pierre Didelot, con rể của Nguyễn Hữu Hào, chồng của Agnès Nguyễn Hữu Hào, chị của Nam Phương hoàng hậu làm khâm mạng.
Thực hiện chính sách lập khu vực tự trị của các dân tộc ở những vùng có điều kiện theo Nghị quyết của Quốc hội, ngày 29 /4 /1955, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 230/SL thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo.
Khu Tự trị Thái - Mèo phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây và phía nam giáp Lào, phía đông nam giáp vùng Mường Hoà Bình, phía đông có dãy núi Phan Xi Păng ngăn cách với các dân tộc tập trung ở lưu vực sông Hồng.
Khu Tự trị bao gồm 16 châu: Mường Tè, Mường Lay, Sình Hồ (nay viết là Sìn Hồ), Điện Biên, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Tuần Giáo, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Phù Yên (tức là toàn bộ hai tỉnh Sơn La, Lai Châu), Phong Thổ (thuộc tỉnh Lào Cai), Than Uyên, Văn Chấn (thuộc tỉnh Yên Bái). Dưới cấp khu chỉ có cấp châu và cấp xã, bỏ cấp tỉnh (Sơn La, Lai Châu). Điều này được hợp thức hóa trong Hiến pháp năm 1959, trong đó quy định Khu tự trị là đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Ngày 18 /10 /1955, lập thêm 2 châu Tủa Chùa và Mù Cang Chải.
Ngày 27 /10/1962, Quốc hội cho đổi tên Khu Tự trị Thái Mèo thành Khu Tự trị Tây Bắc và thành lập ba tỉnh trong khu: Tỉnh Lai Châu gồm 7 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Tè, Tủa Chùa, Mường Lay, Sình Hồ và Phong Thổ. Tỉnh Sơn La gồm 7 huyện: Quỳnh Mai, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Mộc Châu và thị xã Sơn La. Tỉnh Nghĩa Lộ gồm 4 huyện: Than Uyên, Mù Cang Chải, Văn Chấn và Phù Yên.
Đến cuối năm 1962, đầu năm 1963, 3 tỉnh nói trên được thành lập: Sơn La và Lai Châu là tái lập, còn Nghĩa Lộ là tỉnh mới.
Khu Tự trị Tây Bắc tồn tại cho tới ngày 27/12/1975 thì giải thể cùng với Khu Tự trị Việt Bắc, đồng thời những quy định trong Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 về cấp khu tự trị cũng bị bãi bỏ theo Quyết định của Quốc hội khóa V, kỳ họp thứ 2.

                                            ***

Sáng ngày 12/2/2017, vợ chồng cháu Kỳ Anh - Bích Phượng đánh chiếc Toyota Innova 7 chỗ xuống đậu ở đầu Ô Quan Chưởng. Kỳ Anh là con rể bà Bích, trước làm ở Đài Truyền hình Việt Nam, sau chuyển sang làm việc ở cơ quan đại diện EU tại Hà Nội. Bích Phượng là con gái bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, con gái cả của nhà tư sản Tân Việt, hoa khôi một thời và là nạn nhân của cái đám cưới 20 triệu đồng hồi năm 1957. Bố Bích Phượng là nhà báo Vũ Đình Thành – chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô – chuyển ngành, ông về làm Thư ký tòa soạn báo Thể thao. Bích Phượng làm việc ở Toyota Việt Nam.
Trong chuyến đi Hà Nội đầu năm 2015, chúng tôi cũng đã mượn chiếc xe này để đi Yên Tử và Đường Lâm. Chương trình thăm Thác Bờ là do con gái tôi Nguyễn Thúy Ngọc đề xuất.
Từ Hà Nội vào cây số đầu tiên khoảng hơn 10 km để gặp Quốc lộ 6, ngay tại cầu sông Nhuệ là km 00. Từ đây lên tới thành phố Hòa Bình là 63 km. Đến cây số thứ 28 đã thấy hiện ra sừng sững hai hòn núi đá vôi cao vút. Tôi nói với mọi người: chúng ta đã đi vào miền Tây Bắc rồi đó. Phạm Toản hát khe khẽ: Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa…. Khi sắp vào thành phố Hòa Bình, tại ngã ba Dốc Kẽm có tấm biến chỉ đường, mũi tên chìa ra bên trái: Sơn La 256 km, mũi tên chìa về bên phải: thành phố Hòa Bình 2 km. Thúy Ngọc và cháu Hà mải theo dõi bản đồ con đường lên Thác Bờ trên Map Google. Xe đi theo hướng Sơn La, mải tới khi qua Dốc Cun rồi Thúy Ngọc mới la hoảng lên: Nhầm đường rồi! Chúng tôi quay lại khoảng non chục cây số thì bên trái quốc lộ có tấm biển chỉ đường vào Thung Nai. Dốc Kẽm và dốc Cun tuy không dài lắm, nhưng khá nguy hiểm với những tay lái không quen đường. Tôi hỏi Thúy Ngọc: Điểm thăm thú hôm nay là nơi nào? Thúy Ngọc bảo là Thác Bờ. Vậy thì ta phải quay lại đường vào cảng Bình Thanh. Từ Quốc lộ 6 xe chạy hơn 20 km thì đến cảng Bình Thanh. Dọc đường thấy những tấm biển chỉ tên đường mang tên Tây Tiến. Tôi lấy làm lạ, Tây Tiến là tên một bài thơ của Quang Dũng nói về Sông Mã, chẳng dính dáng gì với sông Đà? Chẳng hiểu vì sao con đường này lại được đặt tên là đường Tây Tiến? Nhà thơ Nhân văn-Giai phẩm này viết bài thơ Tây Tiến từ năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, có những câu đậm chất bi hùng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xuân
    Áo bào thay chiếu anh về đất
    Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Nhưng phải đến hai câu này:
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
    Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm…
thì tai họa mới ập xuống cuộc đời của Quang Dũng. Đi chỉnh huấn về, nghệ sĩ đa tài (và cũng đa truân) Bùi Đình Diệm, tên thật của Quang Dũng lui về ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật. Ông ra đi trong âm thầm lặng lẽ ở tuổi 67! Cháu Thúy Hà dẫn bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng không sót một câu và nhắc một vài chi tiết trong bài tùy bút Sông Đà của cụ Nguyễn Tuân. Thúy Hà là sinh viên năm thứ 3 của Đại học Xã hội – Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.

                                                          ***
         
          Đến một ngã ba, phía tay phải là ra cảng Bình Thanh, phía tay trái là đến Khu Du lịch cảng Thung Nai. Thung Nai là một xã miền núi thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, có diện tích 36,38 km². Cái tên Thung Nai bắt nguồn từ thời hồng hoang, nơi đây là một thung lũng rộng lớn có rất nhiều hươu, nai sinh sống. Tên gọi Thung Nai ra đời từ đó. Xã Thung Nai giáp với các xã Bình Thanh, Bắc Phong của huyện Cao Phong, xã Ngòi Hoa và Trung Hòa của huyện Tân Lạc, xã Vầy Nưa của huyện Đà Bắc, dân cư chủ yếu là người Mường. Thung Nai cách thành phố Hà Nội hơn 100 km.
Với vẻ đẹp kỳ thú, Thung Nai được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên núi" khi sông Đà được chặn dòng để xây thủy điện. Nhờ hệ thống núi đá vôi rất đặc trưng của Hòa Bình, khi ngập nước, Thung Nai chẳng khác nào một Hạ Long thu nhỏ. Ở Thung Nai có rất nhiều địa danh để tham quan, khám phá như bản Mu, lòng hồ thủy điện Hòa Bình, đền Bà Chúa Thác Bờ, chợ nổi, hang Trạch, động Thác Bờ... Cảnh quan tại Thung Nai đẹp và hoang sơ với những đảo đá trên hồ và những khu rừng rậm rạp. Đến đây, du khách còn có dịp thưởng thức những món ăn ngon như cá thiểu hồ sông Đà hun khói, lợn Mường cắp nách.
Mới hơn 10 giờ, khi xe chúng tôi trên đường vào Thung Nai thì đã có rất nhiều xe rời Thung Nai. Từ ngoài đường đã thấy một cô gái chạy theo xe chúng tôi. Thì ra đây là vợ một chủ tàu tiếp thị. Vào đến cổng của Khu Du lịch, bên tay phải một bãi đậu xe ôtô đã kín chỗ. Sau khi mua vé xong thì xe chúng tôi được nhân viên hướng dẫn chỗ đậu xe gần bờ vực, xuống bến tàu.Trông mà thấy ghê ghê. Thúy Ngọc đồng ý thuê chiếc tàu này với giá 1.300.000 đồng để tham quan các điểm trên lòng hồ thủy điện. Tàu vỏ sắt, có hai tầng, mỗi tầng trải được hai chiếc chiếu đôi. Chủ tàu nhanh chóng bắc cầu cho khách xuống. Trên tàu đã có 2 nhóm người xuống trước. Tôi nghe loáng thoáng Thúy Ngọc thuê nguyên chuyến sao bây giờ lại có khách cùng đi. Do vậy, chủ tàu chỉ lấy một nửa tiền thuê tàu.
Bến cảng Thung Nai có rất nhiều tàu lớn tàu bé, đậu san sát. Khách du lịch đến đây rất đông. Có nhiều chiếc rời bến và cũng có nhiều chiếc đưa khách tham quan xong trở về.

Tại bến cảng Khu Du lịch Thung Nai, phía sau là lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi là Đền Chúa Thác Bờ.
Theo sử cũ, vào đầu thế kỷ 15, dưới thời nhà Lê. Bà Chúa vốn là người Mường. Chúa Thác Bờ tên thật là Đinh Thị Vân, con gái một gia đình tộc trưởng người Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình. Chúa xưa vốn là tiên nữ, giáng sinh vào nhà họ Đinh. Khi đất nước gặp cơn loạn lạc, bà đã tập hợp dân Mường liên kết với các dân tộc khác ở vùng đất này, đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Có một lần, khi vận chuyển lương thực cho nhà vua, thuyền của bà gặp nạn. Xác bà trôi về đây và hiển linh. Để tưởng nhớ công lao của bà, người dân đã lập đền thờ và vinh danh bà là Đức thánh Thác Bờ, là người cai quản cả một dọc Tây Bắc, các xứ Mường Hòa Bình, xứ Thái Sơn La, Lai Châu.
Cũng có thuyết cho rằng: Sau khi đã đánh đuổi được bọn ngoại xâm, bà được triều đình giao cho cai quản vùng đất Mường ở Hòa Bình. Tại đây bà giúp dân ổn định cuộc sống, dạy nhân dân lên rẫy làm nương, xuống sông Đà thả lưới đánh bắt cá. Chúa Thác còn là người giúp dân trị thủy, chế ngự con sông Đà cuồn cuộn sóng hung dữ. Khi thanh nhàn, chúa lại một mình trên chiếc thuyền độc mộc, chèo từ Bến Ngọc, Sông Đà đi du ngoạn khắp các thắng cảnh.
.Vào năm 1979, nhà nước quyết định đắp đập ngăn sông làm nhà máy thủy điện Hoà Bình, đền Thác Bờ xưa không còn nữa, một gia đình họ Quách đã phát tâm và nhờ sự đóng góp của thập phương qua 5 lần xây dựng và di chuyển đã xây dựng được đền Chúa Thác Bờ ngày nay.
Chúa được thờ ở rất nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất vẫn là đền Chúa Thác Bờ tại Thung Nai và đền Chúa Thác Bờ tại Vầy Nưa, Đà Bắc.
Chúa Thác Bờ rất hay ngự về đồng, Chúa ngự về đồng thường mặc áo trắng, quầy đen, đai xanh, bên hông có xà tích bạc. Sau khi chúa về khai chuông rồi một tay cầm chèo, một tay cầm mồi, bẻ lái dạo chơi trên sông Đà.
Đền Chúa Thác Bờ là địa danh thắng cảnh hàng năm được rất đông du khách đến chiêm bái, được lập ở thị xã Hòa Bình, ngay trên hòn đảo giữa dòng sông Đà, ngoài ra còn có một nơi còn lưu lại thánh tích rõ ràng nhất của Chúa Thác Bờ là Động Tiên_nằm sừng sững giữa dòng sông Đà cuộn sóng. Từ các địa danh này đi tới nhà máy thủy điện Hòa Bình rất gần và đều phải đi bằng ca nô mới tới được. Ngày tiệc của Chúa Thác Bờ là ngày 1/4 âm lịch (có người nói là 12/4 âm lịch).
Gốc tích 2 đền thờ Chúa Thác Bờ tại Thác Bờ.Trước đây tại xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc có một ngôi miếu và một ngôi đền đều thờ Chúa Thác Bờ. Ngôi miếu và ngôi đền đều có một thủ nhang riêng. Khi nhà nước đắp đập thủy điện Hòa Bình, thủ nhang ngôi miếu đưa miếu lên đất Thung Nai, Cao Phong và phát triển thành Đền Chúa Thác Bờ Thung Nai, còn thủ nhang đền cổ đưa đền lên đất Vầy Nưa, Đà Bắc và trở thành Đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa.
Đây chính là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm. Căn cứ sự nghiên cứu về lịch sử và di vật Đền Thung Nai và Đền Vầy Nưa thì Sở VHTT Hòa Bình đã xác định Đền Vầy Nưa là xuất phát từ ngôi đền cổ tại xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc xưa kia. Hiện đền Vầy Nưa còn có 2 bức tượng cổ về hai bà Chúa Thác Bờ và cái chuông cổ có trước đây mấy trăm năm là di vật của ngôi đền cổ. Mặt khác, cả hai bà chúa đều được sinh ra tại xóm Mó Né, Vầy Nưa, Đà Bắc. Như vậy Đền Vầy Nưa không chỉ là được xuất phát từ đền cổ mà còn chính là quê sinh của cả hai bà Chúa. 
Cả hai ngôi đền đều thờ Chúa Thác Bờ chứ không phải Đền Thung Nai thờ Chúa Thác Bờ còn đền Vầy Nưa thờ Cô bé Thác Bờ như mọi người lầm tưởng. Ngoài ra, có người cho rằng Đền Thung Nai là thờ bà chúa người Dao, còn bên Đền Vầy Nưa thờ bà chúa người Mường. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm, Bà Chúa Thác Bờ là sự hóa thân của cả hai bà người Dao và bà người Mường chứ không tách bạch là hiện thân của riêng bà nào. Ý kiến mỗi đền thờ một bà là trái với sắc phong của vua Lê Lợi và phá hoại tình cảm bền chặt lâu đời của cộng đồng người Dao, người Mường nơi đây.
Vậy đâu là đền thờ chính của Chúa Thác Bờ? Theo nghiên cứu của Sở VHTT Hòa Bình trên cơ sở lịch sử và các di vật còn lưu được (Tượng cổ của Chúa Thác Bờ và chuông cổ)  thì đã xác định Đền Vầy Nưa là xuất phát từ ngôi đền cổ. Nhờ đó đền Vầy Nưa đã được công nhận là di tích lịch sử và nhà nước đứng ra quản lý. Hiện đã có dự án trùng tu Đền Vầy Nưa. Như vậy, Đền Vầy Nưa là nơi thờ chính của Chúa Thác Bờ.
                                                ***
Nhà tôi và mấy cháu leo rất nhiều bậc tam cấp lên đền. Tôi ngồi lại bên một quày bán nước, thức ăn và cá nướng. Có 3 người đàn bà cũng ngồi tại đây. Thấy tôi loay hoay tìm chỗ ngồi, một cô chạy vào quán lấy ra miếng bìa cạc tông đưa cho tôi để lót chỗ ngồi. Tôi hỏi: mấy cô ở đâu tới? Bọn cháu ở Phú Thọ. Cô tên Kim Oanh, trạc tuổi bốn mươi, sinh sống ở thành phố Việt Trì. Nhà có cửa hiệu mặt phố nói: Chồng cháu bảo cháu nên đi du lịch một chuyến cho biết đó biết đây. Anh ấy chọn nơi tham quan là lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Thế là mấy chị em rủ nhau lên đây từ hôm qua. Chúng cháu nghỉ lại nhà ngôi nhà cổ Cối xay gió.
 Nhắc đến Việt Trì tôi lại nhớ hồi còn chiến tranh chống Mỹ, tôi thường đi viết về các nhà máy ở khu công nghiệp Việt Trì; nhà máy giấy, nhà máy đường, nhà máy mỳ chính… và xa hơn một chút là nhà máy thuốc trừ sâu. Tại nhà máy giấy, tôi quen biết và làm việc với giám đốc Lương Trọng Ngộ. Sau giải phóng anh về làm giám đốc nhà máy giấy Cogido Biên Hòa. Chúng tôi lại hội ngộ. Mỗi lần đi tầu hỏa lên Việt Trì, xuống ga tôi thấy một cây quéo cổ thụ mọc đơn độc trong sân ga, tỏa bóng mát một vùng. Quéo cùng họ với xoài nhưng quả nhỏ hơn và cực chua. Tôi hỏi Kim Oanh cây quéo trong sân ga Việt Trì có còn không? Cô ấy bảo: vẫn còn.
Tôi mua một khúc xúc xích làm bằng thịt heo Mường vừa nướng xong, rất thơm ngon để nhâm nhi với lon bia Halida. Kim Oanh mời tôi ăn bánh giò cũng mới vớt từ nồi luộc ra, đang còn nóng hôi hổi. Tôi từ chối, nhưng hai cô bạn kia lại bảo: Cụ cắn một miếng cho vui. Tôi đành xơi một miếng nhỏ và trả lại chiếc bánh cắn dở cho Kim Oanh.
                                                ***

Con tàu đã hú còi gọi khách trở về. Tàu đưa chúng tôi đến động Thác Bờ.
Động Thác Bờ thuộc xóm Bưng, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, động nằm ngay trên bến Ngọc ở sườn núi phía bắc, trong dãy núi Chủa bên bờ hồ Hòa Bình. Không chỉ gắn với quần thể di tích đền Bờ thờ Bà Chúa thượng ngàn có công giúp vua Lê Lợi dẹp loạn phương Bắc, đây cũng từng là nơi trú chân của nhiều cánh lái buôn ngược xuôi sông Đà khi qua đây gặp sóng to gió lớn.
Nhà nghỉ Cối Xay Gió, phong cách Hà Lan ở Thung Nai,mô phỏng câu chuyện Don Kihôtê
Do đó, động Thác Bờ từ lâu đã thu hút du khách thập phương đến bái vọng và du lịch. Không gian linh thiêng cùng những thạch nhũ kỳ ảo khiến động Thác Bờ là điểm đến thú vị dành cho những du khách thích khám phá trên hành trình du lịch Thung Nai mùa này.
Vào mùa nước cạn, du khách muốn tham quan động phải leo bộ gần 100 bậc đá từ chân núi đến cửa động. Mùa nước dâng, du khách đi từ thuyền sang nhà nổi, trên một bè ghép bằng tre bương chạy dài khoảng 50 m vào thẳng cửa động. Từ trên cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để thả hồn mình ngắm toàn bộ dải Đà giang kỳ vĩ, thưởng ngoạn những kiệt tác thiên nhiên của tạo hóa với núi non điệp trùng và vẻ đẹp của hang động huyền kỳ.
Động Thác Bờ được chia làm ba khu, ngoài lòng động với những khối nhũ đá còn có khu vực tiếp du khách, lên cao khoảng 50 m là khu thờ Phật. Khu vòm động này khá rộng, có không khí mát lành. Vào sâu trong động, nhìn thấy những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm nghìn năm, mới thấy sức sáng tạo của Mẹ thiên nhiên là vô cùng vĩ đại. Ta sẽ bắt gặp những hình thù kỳ lạ và khá sinh động, thỏa sức chiêm ngưỡng và tưởng tượng ra những hình thù khác nhau của nhũ đá như cá chép hóa rồng, cây vàng, cây bạc, ô trời, lọng trời, giàn đàn đá, giàn cồng chiêng Mường... Khối dưới đất mọc lên, khối từ trên sà xuống, vô cùng đa dạng.
Nơi đây, đặc biệt có cá Măng nướng sông Đà, và các đặc sản núi rừng như thịt gà hấp lá chanh, thịt lợn Mường nướng mật bày trên lá chuối, măng luộc, cơm gạo nương, rượu táo mèo, rau rừng đồ chấm lòng cá.


(Còn tiếp: Thăm Thủy điện Hòa Bình)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét