Trang

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

141B-Bắc Hà ký sự (Phần 2)

141B.BẮC HÀ KÝ SỰ (Phần 2)

Xuân Bảo
1.    NGÀY THƠ VIỆT NAM Ở VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM.

                                               Nhà thơ Hữu Thỉnh khai mạc Ngày Thơ

   Hà Nội hôm nay vẫn lắc rắc mưa phùn nhẹ. Chung quanh Văn miếu Quốc tử giám, từ phố Nguyễn Thái Học vòng qua phố Hàng Bột đã đông nghịt người.Cổng chính vào Khuê Văn các, từng đoàn người già trẻ trai gái trang phục chỉnh tề. Nhiều cụ già khoác cả áo bành tô.Phần lớn những người đứng tuổi mặc complet, thắt cà vạt, Các cụ bà mặc áo dài và khoác lên người áo choàng len hoặc áo bông chần hạt lựu. Nam nữ thanh niên phần nhiều ăn mặc theo thời trang hiện hành, đủ màu sắc, đủ kiểu dáng.Các cháu thiếu niên, nhi đồng tung tăng theo cha mẹ,ông bà vào Văn Miếu.
Có lẽ trên trái đất này chưa có đất nước nào tạo cho mình một nét văn hóa độc đáo như Việt Nam: Ngày Thơ.Nước láng giềng Trung Hoa có một nền thơ ca lừng lẫy với những thi hào, thi bá như Khuất Nguyên,Thôi Hiệu,Lý Bạch…và nước Nga với những đại thi hào Puskin, Lermontov…và nước Pháp với những trường phái thi ca nổi tiếng giữa kinh đô Ánh Sáng với Arthur Rimbaud,Pierr de Ronsard,Molière, Anaton France…Và rất nhiều nước, nhiều vùng lãnh thổ có rât nhiều nhà thơ nổi tiếng thế giới. Nhưng họ chưa có Ngày Thơ cho dân tộc mình.Tự hào biết mấy Ngày Thơ Việt Nam!Và hãnh diện biết bao khi được làm nhà thơ Việt Nam!

Năm nay, Ngày Thơ Việt Nam còn có sự tham gia của hai lực lượng: BộTư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Biên phòng, góp phần làm đậm nét chủ đề của Ngày thơ Hướng về biển đảo. Các nhà thơ mang đến Ngày Thơ nhiều tác phẩm hay viết về biển đảo để giới thiệu tới bạn bè quốc tế cùng đông đảo người yêu thơ trong nước. 



Tại Sân thơ truyền thống diễn ra lễ khai mạc trọng thể, các hoạt động đọc thơ, trình diễn nghệ thuật và thả thơ truyền thống. Với chủ đề: Hướng về biển đảo Tổ quốc, bài thơ “Tổ Quốc là tiếng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến được cất lên mở đầu cho phần trình diễn và đọc thơ của các nhà thơ. Bài thơ thể hiện niềm tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của đất nước, về tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của bao thế hệ người Việt Nam, đồng thời, thể hiện ý thức về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo và niềm hi vọng về thế hệ trẻ hôm nay.
 Xen kẽ với các tiết mục văn nghệ mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, các nhà thơ quốc tế và nhà thơ Việt Nam đã lần lượt thể hiện các sáng tác văn học của mình. Tiêu biểu là nhà thơ nữ Neeva Mukova (Slovakia) đọc thơ Hồ Xuân Hương, thơ Hữu Thỉnh bằng tiếng Việt, nhà thơ Indra Wossou (Nam Phi),nhà thơ Graham Mort (Anh), nhà thơ Martha Collins (Hoa Kỳ), Burne Sambun (Mông Cổ)… thể hiện bài thơ mới sáng tác về Việt Nam, đồng thời giới thiệu về đất nước mình tới bạn bè Việt Nam. Các nhà thơ Y Phương, Hữu Việt, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Thị Mai, Phạm Hồ Thu, Trương Nam Hương cùng các dịch giả là Việt kiều cũng thể hiện cảm xúc của mình qua những vần thơ.!
Sau khi đọc bài thơ Hy vọng của mình, Chủ tịch Hội Nhà văn Sudan Gadour Omer.Ông bày tỏ: “Việt Nam là đất nước của những người anh hùng và thơ ca”.Thay mặt Đoàn khách quốc tế,nhà thơ M.Salmawy,Tổng Thư ký Hội Nhà văn Á Phi,Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập đã chia sẻ một câu chuyện ông tưởng tượng thú vị: “Giấc mơ vị thần thi ca Ai Cập của mình. Vị thần ấy là đại diện của cái đẹp, tình yêu, nghệ thuật…Và tại đất nước của thi ca, hòa bình và tình  yêu bao la như đất nước Việt Nam, vị thần ấy đã không muốn quay trở về Ai Cập”. Chủ tịch Hội Nhà văn Nga nói: “ Tình yêu đối với Thơ Ca là khởi nguồn của tình yêu cao thượng và nói lên sự phát triển của cả một dân tộc. Ở những nơi Thơ Ca không được  chú  ý thì lập tức cuộc sống xã hội sẽ đi xuống. Thơ Ca còn là nền tảng của văn hóa, của quốc gia. Thơ Ca kết nối tâm hồn văn hóa giữa các quốc gia để xây dựng nên một thế giới hòa bình, nhân ái…Tôi đánh giá cao những Ngày Hội Thơ Ca của dân tộc Việt Nam và chúc dân tộc Việt Nam giữ được truyền thống tốt đẹp này.”


  Chiều  ngày 5 tháng 3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi gặp mặt 150 đại biểu đại diện các nhà văn, nhà thơ quốc tế dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan Thơ Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2 tại Hà Nội.Nhiệt liệt chào mừng các nhà văn, nhà thơ quốc tế, Chủ tịch  nước khẳng định trong lịch sử hình thành phát triển, Việt Nam được biết đến là một dân tộc anh  dũng trong đấu tranh giải phóng dân tộc và cũng là dân tộc cần cù trong xây dựng đất nước. Việt Nam còn kế thừa nền văn hóa lâu đời hết sức đặc sắc và đa dạng với sự hòa quyện, phát triển từ các nền văn hoá của 54 dân tộc anh em…Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong công cuộc đổi mới,thơ văn giữ vai trò hết sức quan trọng. Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển của đất nước.Đặc biệt, trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, rất nhiều bạn bè quốc tế đã, đang và tiếp tục ủng hộ Việt Nam. Sư hiện diện của các nhà văn, nhà thơ là các sứ giả trên lĩnh vực văn hóa gắn chặt hơn mối quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa các nước…
                                                        ***
Điểm khác biệt của Ngày Thơ năm nay là chỉ tổ chức 2 sân thơ lớn: sân Thơ truyền thống và sân Thơ Quốc tế. Tại Lầu Bát giác có sân chơi Thơ của các Câu lạc bộ Thơ, trong đó có gần 30 CLB Thơ của Hà Nội,8 CLB Thơ các tỉnh và 6 trường đại học cũng gây ấn tượng không kém phần sôi nổi.
2.NGÀY THƠ NGUYÊN TIÊU TRÊN CẢ NƯỚC
Những Câu lạc bộ Thơ Ca trong cả nước đã hào hứng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam.Tại Đồng Nai, có nơi tổ chức sớm như CLB Thơ Ca Trấn Biên Đồng Nai làm từ ngày mùng mười , tháng giêng ,Âm lịch. Có nơi làm đúng vào đêm Nguyên tiêu như Hội Văn học-Nghệ thuật Đồng Nai. Và cũng có nhiều nơi, do hoàn cảnh và điều kiện thì tổ chức muộn hơn.Tất cả những CLB ấy đều lấy chủ đề chính là Hướng về biển đảo Tổ quốc.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó trưởng ban Tổ chức Ngày Thơ Việt Nam đúng vào đêm Nguyên tiêu Ất Mùi đã có hơn 100 địa điểm  khắp đất nước Việt Nam tổ chức Ngày Thơ Việt Nam.
Bài thơ Nguyên Tiêu của Bác Hồ vang vọng khắp non sông.
Nguyên Tiêu
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba giang thượng đàm quân sự
Dạ bán quy lai, nguyệt mãn thuyền
Và đây, bản dịch của nhà thơ Xuân Thủy:
Rằm tháng giêng
Rằm giêng lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
                                      ***
 Hưởng ứng Ngày Thơ Việt Nam, tôi đã có những bài tiểu luận nghiên cứu về bài thơ Nguyên Tiêu của Hồ Chủ tịch như Bải Thơ Nguyên Tiêu vang vọng mãi ngàn năm, bài Trăng trong Thơ Hồ Chủ tịch…Và đã cho in tập thơ Trăng Giêng, trong đó có bài:

 Khấn Nguyên Tiêu
          Xin dâng lên một nén hương trầm
          Khấn nguyện Nguyên Tiêu dạo khúc ngâm
          Thơ Bác nghìn sau vang vọng mãi
          Non sông ngời ngợi ánh trăng rằm
                                                Trấn Biên, ngày 21/3/2015
Nhằm Ngày mùng Hai Bính Thân,Tháng Hai Kỷ Mão, Tiết Xuân phân,năm Ất  Mùi.


                                                                             Xuân Bảo

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

141.bắc hà ký sự(Phần 1)

                         141.BẮC HÀ KÝ SỰ ( Phần 1)
                                                                        Xuân Bảo
1.    VỀ BẮC

Chiều Sài Gòn nắng nhẹ. Cơn gió nồm nam đã xua dần đi cái nóng gay gắt ban trưa. Sân bay Tân Sơn Nhất ầm ì máy bay lên xuống. Nhiều nhất là máy bay của Hãng Hàng không Vietnam Airline. Kế đó là máy bay của các hãng hàng không nội địa.Có dăm ba chiếc của các hãng hàng không nước ngoài như Asia Airline,Air Lufthansa, Air France…
Vợ chồng tôi cùng cháu ngoại Phạm Nguyễn Thúy Hà lên chuyến bay chiều của hãng Hàng không JETSTAR, khởi hành lúc 15 h 35  từ sân bay Tân Sơn Nhất về tới sân bay Nội Bài lúc gần 18 h  ngày 2 tháng 3 năm 2015, nhằm ngày 12 tháng giêng Ất Mùi. Lúc máy bay hạ cánh bầu trời Hà Nội nhiều mây và có mưa phùn nhẹ.Trước đó mấy hôm, cô em ruột nhà tôi tên là Nguyễn Thị Liên Hương, con út của ông bà Tân Việt, ở 9 phố Thanh Hà, gần Ô Quan Chưởng đã đặt phòng ở Hostel Central Ha Noi.Khách sạn này mới khai trương vài tháng.Giá phòng tương đối rẻ. Phòng chúng tôi ở giá 450 ngàn đồng ngày/đêm.Xe của Hàng không chỉ đưa về số 1 phố Quang Trung.Từ đây, chúng tôi đi taxi về nhà.Đến cuối phố Hàng Chiếu xuống xe và chúng tôi ghé vào một quán ăn.Quán này có bán mì xủi cảo tôm tươi.Món ăn mà những ngày Hà Nội đánh Mỹ tôi rất thích.Tôi nhớ lại hiệu mì ông Xây, người Tàu ở 92 phố Huế.Ông Xây nấu món này rất ngon.Tiếng gõ vào cái hũ nhỏ đựng tiêu của ông cũng rất điệu đàng.Cóc, cóc,cóc…cóc và sau đó mùi hạt tiêu lan tỏa khắp cửa hiệu, rất hấp dẫn. Chiều hôm sau, ngày 3 tháng 3, con gái thứ hai của chúng tôi tên là Nguyễn Thúy Ngọc sang Hàn Quốc thăm con gái Đặng Thái Thảo đang học bên đó từ trước Tết, bay từ Séoul  về.  Thúy Ngọc nghỉ tại nhà cô Mai Hương, tên thường gọi của Liên Hương.
                                                ***

2.LÀNG ƯỚC LỄ - QUÊ VỢ.

Làng Ước Lễ thuộc tổng Tân Ước, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Cầu Đơ.Năm 1904 Cầu Đơ mới đổi thành tỉnh Hà Đông.Nay là thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.Đây là một làng quê nhỏ bé thuần nông, có nhiều nét đặc trưng của một làng quê cổ đồng bằng Bắc Bộ.Câu ca xưa: “Ba làng Chảy, Bẩy làng La” là đúc kết từ những nghề truyền thống của một vùng quê. Ba làng Chảy là cụm ba làng xưa gồm Phúc Lâm,Thượng Thụy và Ước Lễ.Phúc Lâm và Thượng Thụy sau này sáp nhập thành làng Phúc Thụy. Còn Bảy làng La (La là lụa) là các làng:La Cả,La Dương,La Nội,La Giang,La Phù,La Khê và La Tinh.Những làng này cặp theo bờ sông Nhuệ, nổi tiếng trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa.
Theo con đường liên xã đi từ thị trấn Thường Tín vào qua Cầu Chiếc,bắc ngang dòng Nhuệ Giang,rẽ tay trái qua làng Tri Lễ là đến làng Phúc Thụy và vào đầu làng Ước Lễ.
Tôi nhớ lại, hồi chưa giải phóng miền Nam, mỗi lần về Ước Lễ thì có nhiều con đường đi: Nếu đi tầu hỏa từ ga Hàng Cỏ, tức là ga Hà Nội xuống đến ga Thường Tín rồi đi bộ về làng.Để về làng trên con đường ngắn hơn, cũng đi tầu hỏa thì xuống ga Tía. Từ ga Tía đi dọc con đường tỉnh Phú Xuyên – Vân Đình. Tỉnh lộ 71 này còn có tên gọi là đường Biên Hòa khi tỉnh Hà Đông kết nghĩa với tỉnh Biên Hòa trong thời gian kháng chiến chống Mỹ. Đi một đoạn đến làng Trừ thì rẽ phải đi bộ về làng.Còn có đến ba con đường về Ước Lễ nữa.Đó là khi qua khỏi thị xã Hà Đông đến ngã ba Ba La-Bông Đỏ thì rẽ trái theo quốc lộ 21B, qua Thạch Bích,Bình Đà (nổi tiếng làng pháo một thời),đến Kim Bài- huyện lỵ Thanh Oai.Khi đến làng Phương Trung, còn gọi là làng Chuông nổi tiếng nghề chằm nón rồi rẽ trái men theo con đường qua làng Do Động về Tri Lễ, xuống Ước Lễ.Nếu cứ thẳng hướng đi Chùa Hương khi đến ngã tư Vác lại rẽ trái, theo con đường liên xã qua các làng Dân Hòa, An Khoái,Quế Sơn rồi qua Tri Lễ về Ước Lễ.

                                                ***

3.THẦN TÍCH LÀNG ƯỚC LỄ.

Theo Thần phả làng Ước Lễ còn để lại ở đình làng thì Tể tướng Lữ Gia, húy là Lữ Húy Gia, người làng Thiên Phúc nay là Đa Phúc, Phúc Yên.Ngài Lữ Gia làm tể tướng ba đời của Nhà Triệu, đến đời thứ tư Triệu Ai Vương- năm 111 trước công nguyên thì tịch.Trong cơn cuồng chiến của lũ giặc Nam Hán, Ngài bị giặc vây và bị chém đứt đầu.Khi Ngài phi ngựa về đến Bãi Gấu trước cổng làng Ước Lễ thì hóa.Ngựa của Ngài lồng chạy được dân bảy làng La bắt về nuôi.Dân làng Phúc Lâm lượm được đầu Ngài đem về táng ở thềm đình.Dân làng Minh Thụy lượm được thân Ngài mang về chôn ở nền Miếu Minh.Còn dân làng Ước Lễ đến sau nên chỉ thấy còn lại những vệt máu của Ngài, bèn lấy lông gà vét những giọt máu của Ngài đem về vẽ thành tranh chân dung Ngài thờ ở hậu cung đình làng Ước Lễ, tôn làm Thành hoàng.
Theo truyền thuyết: Vào những ngày lễ hội rước Thánh Thành Hoàng, dân Ước Lễ rước kiệu bài vị Thánh Thành Hoàng sang đình làng Phúc Lâm để trình, rồi lại hồi cung vế đình làng mình làm lễ tế tự.Dân làng Phúc Lâm được tôn làm Dân Anh, còn dân làng Ước Lễ tự nhận mình là Dân Em.Tục lệ này đã có từ hàng ngàn năm qua.
Người anh hùng dân tộc Tể tướng Lữ Gia hy sinh vào ngày 12 tháng 9 năm Canh Ngọ. Nếu tính theo lịch Công giáo thì đúng vào ngày Thứ Hai, 29 tháng 10 năm 111 trước Công nguyên, cách đây đúng 2126 năm (tính đến thời điểm tôi viết Bắc Hà ký sự này).Để tưởng nhớ công lao đó có tới 72 làng tôn Ngài là Đức Thánh Thành hoàng làng.Trước đây,do công việc ngày mùa bận rộn (thu hoạch vụ mùa) nên dân làng nhất trí dời ngày Việc làng giỗ Thánh trước 1 tháng, tức là ngày 12 tháng 8 âm lịch.


4. SỰ TÍCH CÁI CỔNG LÀNG

Cổng làng nhìn từ ngoài có ba chữ Hán đề Ước Lễ Môn.Hai bên tả hữu là hai câu đối bằng chữ Hán.Phiên âm sang Quốc ngữ là:
Thâm nghiêm kín cổng cao tường thượng cổ nguyện tàng kỳ thị;
Xôn xao trước thầy sau tớ mã xa phục quá thử kiều.
Dịch nghĩa:
Thâm nghiêm kín cổng cao tường bán buôn nguyện tàng chợ búa;
Xôn xao trước thày sau tớ ngựa xe qua lại cầu này
Cầu này xây từ lâu lắm rồi.Cầu xây bằng gạch đặc, cong cong hình bán nguyệt.Hai bên lan can cầu, mỗi bên có bốn trụ.Cầu rộng hơn hai mét,dài khoảng mười mét, bắc sang một con hào.Con hào này xưa kia là thành lũy theo truyền thống “thành cao hào sâu” để bảo vệ dân làng khỏi bọn trộm cướp.Thành cao được thay thế bằng lũy tre gai dày đặc, một con chim sẻ khó bay lọt.Phía tả có một cái cột bằng đá xanh có khắc hai chữ Hán: Hạ Mã (tức là Xuống ngựa) Thời phong kiến các quan bất kể là ai từ lý trưởng,chánh tổng, tri huyện, tri phủ, lãnh binh, án sát, tuần vũ, tổng đốc, kể cả các vị đại thần của triều đình khi về đến làng là phải xuống ngựa đi bộ.Lâu ngày cái trụ Hạ mã không còn nữa.Trên gác cổng có bức đại tự cũng bằng chữ Hán: Mỹ Tục Khả Phong, nghĩa là Phong tục tốt đẹp được ban tặng.Đây là sắc phong của vua Tự Đức, ban vào năm Tự Đức thứ 33 nhằm vào năm Canh Thìn 1880.Năm đó,nhà vua đi kinh lý qua nhiều nơi ở Bắc Hà, nhận thấy nhiều làng có phong tục hay cần phổ biến rộng cho thần dân noi theo.Ước Lễ là một trong sáu làng được vua Tự Đức ra chiếu sắc phong cho danh hiệu đẹp đó.Qua khỏi cổng làng, phía tay phải là Đình Ước Lễ, phía tay trái là chợ. Cái chợ này thời trước là chợ lớn nhất vùng. Cứ 5 ngày chợ phiên nhóm một lần,thu hút nhiều mặt hàng các nơi tụ về.Chợ họp ở dưới gốc đa to, ngày nay cây đa vẫn còn,tỏa bóng khắp một vùng và giờ chỉ còn lại một cái chợ xép thôn quê.

 5. NGHỀ TRUYỀN THỐNG: THỢ MAY VÀ GIÒ CHẢ.

Làng này có hai nghề truyền thống. Đó là nghề thợ may và nghề làm giò chả.Nhưng nghề làm giò chả là nổi tiếng nhất.Từ xa xưa, những con dân của làng đã tìm về thủ đô ngàn năm văn vật để mưu sinh bằng nghề truyền thống của cha ông.Ước Lễ chỉ cách Hà Nội không đầy hai mươi cột số lô mét.Nếu tính theo đường chim bay thì chỉ hơn 10 kilômet.
Giò chả có nhiều loại như giò thủ, giò hoa, giò bì,nem chua,chả lụa, chả quế mà đặc biệt là cái giò lụa.
Giò chả Ước Lễ đã góp phần vào nền văn minh lúa nước của đồng bằng Sông Hồng và làm phong phú nền văn hóa ẩm thực của Hà Thành.
Những năm thập kỷ 60 thế kỷ trước tôi có may mắn được làm giai tế làng Ước Lễ, làm con rể của ông bà Nguyễn Viết Điền và Nguyễn Thị Tỵ. Ông bà có cửa hiệu Cơm tám giò chà Tân Việt nổi tiếng ở số nhà 60A phố Huế.Dân Hà Nội quen gọi tên ông bà là ông bà Tân Việt, ít khi gọi đúng tên cúng cơm của ông bà.   
Nơi đây, tôi đã được thực mục sở thị cách làm giò chả.Bắt đầu là cái cối giã giò. Cối làm bằng đá xanh, một loại đá có rất nhiều ở núi rừng nước ta.Và đôi chày tay làm bằng gỗ mít hay gỗ nghiến không có mùn và có trọng lượng đủ để giã thịt lợn nhuyển ra. Chày có hình dạng như một quả tạ tập tay, hai đầu hình thành hai khúc , ở đoạn giữa khoét lõm vào làm tay cầm đủ cho một bàn tay nắm.Phải là những người có sức khỏe tốt mới nhấc nổi cái chày tay này.Nhất là khi thịt trong cối bắt đầu nhuyễn.Thịt dính chặt vào đầu chảy. Người giã phải lấy một miếng mo cau bằng bàn tay để gạt thịt xuống lòng cối. Giã giò là một nghệ thuật.Và thợ giã giò phải là người tinh thông, nhìn miếng thịt nào là có thể gói giò, miếng thịt nào phải loại ra.  Giã không ngơi tay và nhất thiết không để thịt lợn rời rạc, không quánh dẻo.
Đầu thế kỷ trước, bác Xuyên của vợ chồng chúng tôi mang cái văn minh giò chả Ước Lễ về tận đất cảng Hải Phòng để kiếm sống.Cũng như cụ Đoàn Văn Ty, hiệu Chả cá Lã Vọng, rời bỏ Xứ Đoài Sơn Tây ra bến Sáu Kho lập nghiệp và làm nên món chả cá lừng danh.Bốn giờ sáng khi cả thành phố hoa phượng đỏ còn đang ngủ yên là cả nhà bác Xuyên đã thức dậy. Bác Xuyên gái ra thịt, lọc loại nào ra loại đó.Bác Xuyên trai lót dạ bằng  một tẩu thuốc phiện nhỏ, chiêu vài ngụm nước chè Tân Cương và bắt đầu ngồi vào chiếc ghế gỗ,gần kề miệng cối.Tiếng chày nện đều đều, không nhanh cũng không chậm. Nghe tiếng giã giò, người sáng tác bài hát có thể có nhiều cảm hứng để viết nên một khúc nhạc trầm.Dù bác không phải là người tráng kiện cho lắm nhưng bác vẫn làm giò năm này qua năm khác.Cho đến những năm Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, giò chả của bác Xuyên vẫn có mặt trên các sạp chợ Thành Tô.Bác ít khi ốm đau. Có lẽ nhờ vào cái khói của ả phù dung ấy chăng mà bác có được sức khỏe dẻo dai lạ thường? Người trong nghề và có lương tâm nghề nghiệp không bao giờ dùng thịt bã để gói giò.
Thịt lợn nạc là nguyên liệu chính.Phải là thịt lợn mới mổ, thớ thịt còn nhảy, sờ vào miếng thịt còn hơi nong nóng.Miếng thịt tuyền nạc là miếng thịt không còn một tý mỡ, không còn gân bầy nhầy bạc nhạc.Cái lá chuối tươi là thứ không thể thiếu để bó một cái giò lụa. Bởi vì cái mùi và mầu đặc trưng của lá chuối: mùi thơm chát ngậy và và mầu lá xanh non bao quanh khúc giò mới hấp dẫn làm sao! Thiếu mùi và mầu của lá chuối tươi thì không còn là cài giò lụa Ước Lễ nữa!
Đề bó giò phải có lạt giang. Cây giang thuộc họ tre, có rất nhiều ở mạn rừng tỉnh Hòa Bình.Giang được chẻ mỏng, to bản.Khi bó bao giờ cũng phải chừa một đoạn lạt để xoắn cái dây treo giò lên con sào cho ráo nước.Ở hai đầu cái giò lụa được các cụ tổ đặt cho cái tên nghe hay hay: đầu dày! Người sành ăn thích thưởng thức cái đầu dày phía trên, nơi có sợi lạt buộc treo giò.Lát đầu dày này vừa khô, vừa giòn. Câu ca xưa: “thanh lan chị không bằng bánh dày em”. Thanh lan là cái đầu dày giò lụa đó.Thanh lan đầu dày ngon bởi vì nó tụ hết hương vị lá chuối và gia vị vào. Gia vị là loại nước mắm ngon mà chỉ có Hãng  nước mắm Vạn Vân ở phố Trần Nhật Duật,nhìn ra cột đồng hồ, gần chân cầu Long Biên mới là thứ chính hiệu.Nước mắm Vạn Vân vừa thơm vừa đủ độ đạm.Nước mắm Vạn Vân không dùng chai nhựa và thủy tinh mà dùng cái chĩnh bằng gốm. Miệng chĩnh rộng chừng năm phân nhô lên trên bầu chĩnh to tròn gấp đôi quả bóng đá. Nước mắm rót vào chĩnh và được khằng lại bằng thứ xi, chắc và bền hơn cả xi-măng.Hà Nội có phố Hàng Chĩnh là nói về cái chĩnh nước mắm này.Hồi đó không ai đem bột mì chính pha làm giò chả. Khúc giò lụa, khi cắt ra theo chiều ngang, không ai bổ dọc,có ít lỗ bằng hạt ngô sót lại trên bề mặt thì mới thực ngon.Các cụ ta xưa thường dùng chiếc tăm tre xiên qua miếng giò để nhâm nhi với loại rượu ngang Đỗ Động, Tốt Động hay là rượu Trương Xá hay Nàng Vân.

                                                          ***








6..ĐI BÁN RONG GIÒ CHẢ.

Nhạc mẫu của tôi, bà Nguyễn Thị Tỵ được sinh ra tại Hà Nội.Nhà các cụ ngoại ở đầu ô Cầu Dền, số nhà 11 phố Bạch Mai. Hà Nội xưa có năm cửa ô: Ô Cầu Dền,ô Chợ Dừa, ô Quan Chưởng,ô Cầu giấy và ô Đống Mác.
 Cửa Ô Đống Mác từ ngả Hà Đông vào, ghi dấu chiến công hiển hách của Hoàng đế Quang Trung, kết thúc bằng trận Ngọc Hồi Đống Đa, đánh tan 20 vạn quân Thanh vào đầu năm 1789.Nơi đây còn lưu lại câu chuyện tình tuyệt đẹp giữa công chúa Ngọc Hân với nhà vua. Khi chiếm lại được Hà Thành vào sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung sai ngay cận thần tức tốc phi mã mang cành đào Nhật Tân vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân.Đây là cành đào báo tiệp mừng thắng lợi toàn vẹn non sông.Một cử chỉ rất lãng mạn của người anh hùng áo vải.Và Ngọc Hân cũng đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam một giai phẩm văn chương tuyệt cú.Đó là tác phẩm Ai Tư Vãn.
Cửa Ô Cầu Giấy, từ phía Sơn Tây xuống. Nơi còn đó cái mả không đầu của tên quan Năm Tây Hạm trưởng Henri Laurent Rivière bị quân Cờ Đen của tướng Lưu Vĩnh Phúc chém chết khi hắn cố tình đánh chiếm Hà Thành.Trong bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao khi khởi nghĩa Cách mạng thành công, có những câu:
Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/…Năm Cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/… Hà Nội bừng Tiến quân ca…


                                                




Khi còn là một thiếu nữ, bà nhạc tôi theo bố mẹ làm nghề giò chả.Có lần bà kể cho con cháu nghe cái thời bà đi bán rong giò chả khắp 36 phố phường.Bước chân của bà thông thuộc mọi đường ngang ngõ tắt.Cũng như nhiều người bán rong giò chả khác, không bao giờ nghe tiếng rao của họ như những người bán rong các mặt hàng khác.Hồi đó, Hà Nội ít tiếng ầm ầm, ồn ả của động cơ ô tô, bình bịch.Những tiếng rao đêm đã thấm vào từng viên đá lát, từng mái ngói rêu phong và hằn sâu vào ký ức mọi người. Tôi có ý định viết cái tùy bút “Tiếng rao đêm” của Hà Thành.Này đây tiếng rao: “Phơ ơ ơ ơ”kéo rền con ngõ nhỏ Phất Lộc. Gánh phở này sau này làm ăn khấm khá đã trở thành một hiệu phở đắt khách. Này đây tiếng rao “lục tào xá…á a!”,”bánh khúc đê…ê ê”,”lạc rang húng lìu đê…ê”…Lại có chú Tiều chuyên bán cái thứ quà trẻ con rất thích với tiếng rao như một khúc nhạc: “bi doong doong, bi dòong  dòong”. Tiếng rao đi kèm cái lục lạc reng reng nghe rất vui tai.Người Hà Nội ít ai quên bóng dáng ông xẩm mù với chiếc chiếu đơn kẹp nách,một cái chuông đồng nho nhỏ và chiệc gậy dò đường.Gần nửa đêm ông mới lò dò đi từ đầu phố Hàng Đào lên chợ Đồng Xuân. Lúc này các bà chủ hiệu tơ lụa Hàng Đào, Hàng Ngang và các bà chủ các cửa hàng bánh kẹo Hàng Đường và các bà tiểu thương chợ Đồng Xuân đã ổn định việc buôn bán tất bật trong ngày, cần thư giãn gân cốt, cần đấm bóp cho lưu thông mạch máu nên phải nhờ đến cái món tẩm quất. Đầu tiên người ta nghe rao tiếng “tẩm” cùng với tiếng chuông nhỏ kéo dài đến một chục bước chân mới buông tiếng “quất” ra, nghe rất buồn. Tiếng rao “tẩm…quất”.vang lên trong đêm Hà Nội sao nghe da diết quá!
Trong cái thúng đội trên đầu của bà nhạc tôi có đủ các loại giò và chả.Giò gương to bảy phân, mười hai phân, có những khoanh chả quế vàng ươm, thơm phức và những cái bánh dày còn thơm mùi nếp cái hoa vàng của làng Nhị Khê, Thường Tín – nơi có câu chuyện “Rắn báo oán” huyễn hoặc – đã làm cho gia tộc Ức Trai tiên sinh chịu cái án oan tru di tam tộc do hoàng hậu Nguyễn Thị Anh gây nên. Vụ án Lệ Chi Viên mãi gần đây (tức là 600 năm sau mới được giải oan).Đền thờ nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ được nhân dân Hà Nội dựng tại làng Khương Thượng, bên cạnh lăng Nguyễn Trãi.Ở tỉnh Thái Bình, tại làng Tân Lễ, còn gọi là làng Hới, quê hương của Nguyễn Thị Lộ cũng đã xây đền thờ thờ Bà.
Nhạc phụ của tôi là ông Nguyễn Viết Điền, người cùng làng với nhạc mẫu tôi ra Hà Nội làm ăn từ đầu thế kỷ 20.Ông rất giỏi nghề thợ may Tây, có cửa hiệu ở phố Tràng Tiền mang tên Hiệu may Cát Thịnh. Tràng Tiền trước đây còn mang tên tên toàn quyền Paul Bert (rue Paul Bert)là con phố sang trọng nhất, đi thẳng từ bờ hồ Hoàn Kiếm đến Nhà hát lớn.Trên dãy phố này còn có một ngôi nhà 6 tầng, cao nhất Hà Nội lúc bấy giờ. Đó là nhà in IDEO, sau này là nhà in báo Nhân Dân.Góc phố ngã tư phía Hàng Bài, thời Pháp thuộc có tên là Boulevard Dong Khanh. Cửa hàng mang tên Gô – Đa chiếm cả ba mặt tiền: Tràng Tiền, Hàng Bài và phố Hai Bà Trưng. Sau giải phóng thủ đô, Thương xá Gô – Đa được Sở Thương nghiệp Hà Nội bố trí làm cửa hàng Bách hóa tổng hợp to nhất Hà Nội.
Ông nhạc tôi trông coi hiệu may Cát Thịnh.Hà Nội còn có những hiệu may âu phục nổi tiếng như Tiến Thành phố Lê Thái Tổ, Anh Quân, Bùi Huy Nhượng… ở phố Hàng Trống và các hiệu may áo dài, áo cánh ta, áo bông chần hạt lựu…thì nằm rải rác ở phố Lương Văn Can và phố Hàng Quạt.
 Bà nhạc tôi thì quản lý hiệu Cơm tám giò chả ở 108 phố Huế, đối diện với rạp cinéma Đại Nam bên kia đường.Ngôi nhà này thông sang phố Mai Hắc Đế.Nhà được nhượng lại cho Bà Anh Phương và bà đã mở hiệu sách Anh Phương.  Ông bà Tân Việt tậu ngôi nhà 60A phố Huế và mở hiệu ăn Cơm tám giò chả Tân Việt, vừa sản xuất giò chả vừa bán hàng cơm.Cũng chính vì ông bà Tân Việt có hai cửa hàng lớn nằm ở vị trí đắc địa của trung tâm Hà Nội nên Ban Cải tạo đã đưa vào danh sách cần cải tạo nhà tư sản dân tộc Nguyễn Viết Điền Nguyện Thị Tỵ.Cho đến lúc tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh (thời gian từ năm 1956-1960) thì đưa vào công tư hợp doanh với lợi tức thường niên được chia lãi là 3 đồng 3 hào tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa! Cái tên Cơm tám giò chả Tân Việt được thay tên mới là Cửa hàng ăn uống 60 phố Huế (thuộc công ty Ăn uống  khu Hai Bà).
                                                ***



7. CHUYỆN CÂY ĐA BÀ TỀ.
 Tôi còn nhớ như in, khoảng giữa năm 1961 vợ chồng chúng tôi về Ước Lễ dự Hội Chùa Sổ.Từ phía làng Trừ lên,khi ngang qua cánh đồng ta bắt gặp một cây đa to mọc đơn độc giữa đồng,có tên là cây đa Bà Tề, rồi vào làng. Gọi là cây đa Bà Tề vì quán nước Bà Tề dựng tựa vào gốc đa này.Tôi đã tò mò hỏi chuyện và giờ đây xin kể lại để hầu bạn đọc.Vợ chồng chúng tôi đi bộ thấm mệt. Lúc này nhà tôi có mang đứa con đầu lòng.Đó là cháu Nguyễn Triệu Quang.Người đàn bà bụng mang dạ chửa mà phải đi bộ một quãng đường khá xa, gần 4 kilômet là điều không nên. Chúng tôi bèn vào nghỉ một lúc ở quán Bà Tề, ngồi trên một chiếc ghế băng làm bằng những đoạn tre ghép lại.Trên chõng có cái ấm giỏ đựng nước vối và vài ba chiếc bát ăn cơm Bát Tràng để rót nước cho khách.Phía bên trong là một cái giường tre, ngăn với bên ngoài là một chiếc chiếu rách thủng nhiều chỗ. Có đến năm sáu đứa trẻ tuổi chừng một hai cho tới sáu bảy tuổi.Mặt mũi đầy rãi nhớt, đen nhẻm.Có đứa khóc, có đứa cãi nhau chí chóe. Ông Tề, khoảng trên 30 tuổi nhưng trông già như gần 50.Người gầy nhong nhỏng cao, nước da sạm nắng, rót nước cho chúng tôi. Tôi tò mò hỏi: -Hai bác có mấy cháu?.-Dạ sáu đứa.-Làm sao mà đẻ lắm thế? - Không dấu gì anh chị.Nhà chúng tôi nghèo nên phải tất bật làm ăn.Tôi thì đi làm thuê.Ai thuê làm gì thì tôi làm việc đó. Gánh phân, làm cỏ, bổ củi và nhiều việc không tên khác.Nhà tôi trông coi cái quán nước này, thu nhập không đáng kể.Thằng nhớn hiện đi mò cua bắt ốc ngoài đồng chưa về.Tuy cháu mới 7 tuổi nhưng cũng đã đỡ đần cho bố mẹ được nhiều việc.Có nhiều đêm trằn trọc mãi không sao ngủ được.Cái để chóng quên đi cuộc đời nghèo khó này là rượu nhưng tôi lại không uống được rượu. Vậy nên vỡ kế hoạch triền miên, liên tiếp ba năm đôi!Tuy nghèo nhưng vợ chồng chúng tôi vẫn yêu thương nhau.Đói no có nhau.Chúng tôi cũng không trách trời cao đất dày. Cái số mình nghèo thì đành chịu vậy!
Nghe ông Tề kể mà lòng chúng tôi thấy xót xa, ngậm ngùi.Tôi thật không sao hiểu nổi hoàn cảnh của ông bà Tề. Hình như họ không có liên hệ gì với thế giới văn minh của loài người.Không những ông bà Tề không biết chữ. Đến như các cháu đáng lẽ phải vào mẫu giáo hoặc cắp sách đến trường thế mà chúng chỉ quẩn quanh gốc đa.Lớn lên một chút thì làm bạn với con cua, con ốc!!!
Giờ đây cây đa và quán nước Bà Tề không còn nữa.Con đường đất xưa thay thế bằng con đường bê-tông thẳng vào cuối làng. Một khu đất rộng cạnh cổng cuối làng là bãi đậu xe hơi.Có tới hơn mấy trăm chiếc xe cùa những người con xa quê ở khắp mọi miền đất nước và cả ỏ hải ngoại tìm về quê cha đất tổ trong những ngày đầu xuân này.Nhìn dòng người tấp nập ra viếng chùa và đặt hương hoa lên các ngôi mộ, bất giác tôi nghĩ đến mấy câu thơ của Đỗ Trung Quân:
Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một Mẹ thôi/Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người…

                                                ***

8.THẮP HƯƠNG NHÀ THỜ TỔ PHỤ
Xe dừng trước cổng nhà của vợ chồng cô Mai Hương.Chồng Mai Hương là cựu chiến binh Đặng Chí Hòa, con trai thứ của cụ Đặng Gia Xá, người làng Ước Lễ. Cụ Đặng Gia Xá ra Hà Nội lập nghiệp bằng nghề thợ may Tây từ những năm đầu thế kỷ 20, ở tại phố Lý Quốc Sư gần Nhà thờ lớn Hà Nội.Hòa không may bị bệnh nặng, qua đời lúc 55 tuổi cách đây ba năm. Cơ ngơi của vợ chồng Hòa Hương   khá rộng, chừng hơn 1000 mét vuông, có ngôi nhà 2 tầng thoáng mát, có khoảng sân rộng đủ chỗ đỗ cho 4 chiếc xe con và một bức vườn trồng những loại cây ăn quả: bưởi,na,khế…Một cái ao cá to, mỗi mùa tháo khoán cũng được hơn tấn cá các loại.
Từ đây,tất cả chúng tôi đi bộ vào nhà thờ tổ phụ để dâng hương. Ngôi từ đường này là nhà của các cụ tổ sinh sống từ đời này qua đời khác của dòng họ Nguyễn Viết.Trong khuôn viên từ đường hiện có nhà của người con bác Cả Nguyễn Viết Sửu tên là Nguyễn Viết Toàn ở để tiện bề hương khói thờ phụng. Chúng tôi qua nhà người em tên là Nguyễn Viết Phong, con ông chú ruột thắp nhang cho cô chú Vân rồi mới đi ra chùa Sổ. Nghĩa địa làng  tọa lạc ngay trước mặt chùa.  
Bên cạnh cổng cuối làng, phía tay phải là Đài tưởng niệm, nơi thờ các anh hùng liệt sĩ của làng. Làng Ước Lễ tuy nhỏ, dân số ít nhưng đã cống hiến cho hai cuộc chiến tranh vệ quốc đánh Pháp và đuổi Mỹ những người con thân yêu của mình. Trên tấm bia lớn đặt trang trọng chính giũa đền ghi rõ tên tuổi hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lượng và Nguyễn Thị Cát. Tiếp đó là danh sách 70 liệt sĩ với đầy đủ ngày tháng năm sinh, ngày hy sinh.Khuôn viên tuy nhỏ nhưng người dân Ước Lễ cũng trang trí nhiều cây cảnh đẹp, có ghế đá cho khách nghỉ chân. Đứng trước anh linh các liệt sĩ, lòng mình tự nhiên thấy rưng rưng, bồi hồi xúc động nhớ về những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Và dù đã qua đi gần 40 năm, những ký ức cuộc chiến vẫn hiện về rõ mồn một trong tôi.Tự hào biết mấy mình cũng đã từng được làm anh lính “Bộ đội Cụ Hồ”!
           
Lễ hội Chùa Sổ năm nay không tổ chức lớn vì chùa đang được   trùng tu.Mọi người dâng hương trước tượng Phật Bà Quan âm và cúng dường vào hòm công đức ngay trước cổng chùa.Chúng tôi ra nghĩa địa và thắp nhang mộ tổ, mộ các cụ nội ngoại và bố mẹ cùng những người thân thích trong dòng tộc đã về cõi vĩnh hằng.
Một nét rất đặc biệt của làng Ước Lễ là ngay sau khi ở chùa, ở nghĩa trang về.Bữa tiệc của nhiều gia đình, ngoài các món giò chả, thịt gà, trên mâm cơm đều có món thịt cầy dựa mận.Nếu gia đình nào không mổ cầy thì ra chợ nhỏ đầu làng mua về.Chợ vẫn là trên nền chợ ngày xưa. Cây đa tỏa bóng trùm lên một khoảnh đất rộng. Gốc đa nhiều rễ và dưới gốc ngày trước có rất nhiều ông bình vôi.Con đường chính xuyên qua làng Ước Lễ từ đầu làng đến cuối làng khá rộng, đã được bê-tông hóa.  Ôtô  con có thể lưu thông dễ dàng.
                                       Hà Nội, Nguyên tiêu Ất Mùi(5-3-2015)
                                       Biên Hòa,Ngày 22 tháng Giêng,Ất Mùi -Ngày giỗ Mẹ-Bà Nguyễn Thị Kim Dung lần thứ 7.(12-3-2015)
                                                                             Xuân Bảo