Trang

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

135. TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ VÕ NGUYỆN

     135. Nhân ngày Giỗ đầu (07/12/2013 – 07/12/2014)
.
                   TƯỞNG NHỚ  NHÀ THƠ TRÀO PHÚNG


VÕ NGUYỆN

                                    Nhà thơ Võ Nguyện phát biểu ý kiến
Lời giới thiệu ngắn:
Võ Nguyện là bút danh chính thống. Ngoài ra còn có nhiều bút danh khác như  Cá ngạnh,Lê Thị Cá Ngạnh, Dã Quỳ…Nhưng nổi bật nhất là bút danh Tú Thịt Hộp. Và càng đình đám hơn là cái blog Vanbienhoa mà Võ Nguyện là chủ. Tú Thịt Hộp và vanbienhoa đã làm nên một kỳ tích là đánh đổ được hai bố già cường hào văn nghệ - những người đã thao túng Hội VHNT Đồng Nai suốt hai nhiệm kỳ - Đó là N. N.N và Đ. C.V., chánh và phó chủ tịch Hội Đồng Nai.
Nhà thơ trào phúng Võ Nguyện sinh năm 1957 tại làng Văn Xá, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông đã có các tác phẩm được in. Đó là Một và Hai (Thơ), Mưa nắng Đồng Nai (), Tình Huế với Đồng Nai ( Sách văn xuôi, thơ và tản văn, đồng chủ biên với nhà thơ Xuân Bảo), Trấn Biên thi tuyển (Thơ Đường luật, Đồng chủ biên với nhà thơ Xuân Bảo). Trời Nam Thương Nhớ (Thơ nhiều tác giả. Đồng chủ biên với nhà thơ Xuân Bảo), Bưởi Biên Hòa (Thơ luật Đường).
Và những tác phẩm đã hoàn chỉnh bản thảo nhưng chưa có điều kiện in. Đó là Lòng quê (Thơ), Đất rang (Tập truyện ngắn), Cách phá Tam Giang (Truyện dài), Thâu tóm và chuyển giao quyền lực của vua chúa Việt Nam (Ký lịch sử).
Nhà thơ Võ Nguyện ra đi khi tuổi đời sắp trọn một hoa giáp. Ông bị đột quỵ lúc o giờ 55 phút khuya ngày 7 tháng 12 năm 2013, khi ông vừa viết xong tác phẩm Con lừa và bầy cừu. Tác phẩm cuối cùng của blog vanbienhoa. Lúc sinh thời, nhà thơ muốn nay mai khi có thời cơ thuận lợi sẽ cho xuất bản toàn bộ các tác phẩm đã poste lên mạng vanbienhoa, để ghi lại một thời không lấy gì làm vui của Hội VHNT Đồng Nai.
Hôm nay nhân ngày giỗ đầu của Võ Nguyện, tôi xin mạn phép nhà thơ – một người em, người bạn vong niên – đưa lên blog của tôi bài thơ Hội Nai Đồng ngâm khúc của Tú Thịt Hộp và một bài viết của tôi giới thiệu tập thơ Bưởi Biên Hòa (thơ Đường) của Võ Nguyện. Tôi coi đây là nén hương thắp cho nhà thơ.
 Viết thêm: Sáng nay 26/11/2014 nhằm ngày mùng 5 tháng 10 năm Giáp Ngọ, Dương Đức Khánh gọi điện cho tôi báo là gia đình Võ Nguyện làm giỗ đầu cho nhà thơ. Tôi hỏi Khánh: Nguyện mất ngày 7/12/2013 sao lại kỵ hôm nay. Khánh nói: Gia đình làm giỗ theo ngày ta. Năm nay có đến 2 tháng  Chín ta nhuận, cho nên làm đúng ngày âm lịch. Đáng lý bài viết này tôi chờ tới 7/12 nhưng nay đã giỗ rồi nên tôi đưa lên blog.của tôi cho kịp vậy.
______________________________________________
            
 Hội văn Đồng Nai ngâm khúc
                Thuở Nghệ Thuật nổi cơn gió bụi
                Hội Đồng Nai nhiều nỗi truân chuyên
                Xanh kia thăm thẳm tầng trên
                Vì ai gây dựng cho nên nỗi này

                            Súng CƯỚP CÒ lung lay bóng nguyệt
                            Lũ  NGỰA TRỜI mờ mịt thức mây
                            Mười năm ghé lại Đồng Nai
                            Vẫn còn ngồi đó một ngài Nam Ngu

               Anh  thợ vẽ  mắt mù, óc độn                 
               Biến văn phòng thành  chốn cho thuê
               Sứ trời sớm giục mau về
               Vẫn xin ở lại tiện bề lãnh lương

                            Áng công danh trăm đường vất vả
                            Hòa mà ham,  chí cả chưa vơi
                            Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai
                            Chồng  trong cánh cửa, vợ ngoài hành lang


               Báo Văn Nghệ  có chàng Khôi Vú
               Tránh đao binh  bỏ mũ xin chuồn
                Ðưa chàng lòng dặc dặc buồn
                Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền

                           Tổng Đăng Vàm chuyên quyền quyết định
                            Văn Nghệ chơi… thủng thỉnh mà chơi
                            Có người chết tuổi tám mươi
                            Viết trang cáo phó đưa lời: hưởng dương

                Cuộc thi thơ có nường Ka rỉn
                Đeo mặt mo lên lĩnh giải to
                Hội ta TỰ BIẾT thẹn thò
                Kinh thay triệu phú chơi trò nặc danh

                            Ban thẩm định chẳng rành thẩm định
                            Đứng tấn hoài  lại tính sờ voi
                            Ếch già đáy giếng trông trời
                            Chia phần Đại Lãi đi rồi thì dông

                Lão Tú Sừng vốn dòng hào kiệt
                Xếp bút nghiên theo việc đao cung
                Bao lần nổi giận đùng đùng
                Thước gươm đã quyết chẳng dung lũ hèn

                           Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
                           Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
                           Bớ Kim Trọng, thử nghe nào
                           THƠ  ĐAU  đăng  xuất, ào ào gió tru

                Cùng trông lại mà mù không  thấy
                Thấy đen đen những mấy thằng ươn
                Khoe khoang lục bát Minh Phương
                Thơ  Hăng Khán, háng Hồng Dương đỏ màu…

                            Ôi! ngày nào cùng nhau lập hội
                            Ước mai này chỉ lối đào bông
                            Nay đào đã nát gió Ðông
                            Ngàn  hoa Cứt lợn bên sông bơ sờ.

                                                          TÚ THỊT HỘP
          ______________________________________________________________
Nhà thơ Võ Nguyễn trong một lần trở lại Quảng Trị - Tháng 4 năm 2013, để biên soạn cuốn  “Gia phổ Chi 1 họ Nguyễn Ngọc bát phái “ của nhà thơ Xuân Bảo, làng  Đại Hào, Triệu Phong , Quảng Trị.

THƠ VÕ NGUYỆN, CHUYỆN XUÂN HƯƠNG

   (Cảm nghĩ của người Biên Trấn. Bài viết cho lần xuất bản đầu tiên tập thơ Bưởi Biên Hòa của Võ Nguyện. Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn- năm 2012)
                   Thơ luật Đường du nhập vào Việt Nam khá lâu, sau này dù đã Việt hóa bằng chữ Nôm nhưng vẫn là một thể thơ trang trọng.Tuyết-Nguyệt-Phong-Hoa kinh điển.
          Đến cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 xuất hiện một hiện tượng văn học lạ: Thơ Hồ Xuân Hương
        Chỉ với khoảng 50 bài thơ được lưu truyền, nhưng đó lại là môt di sản vô cùng quý báu của văn học cổ điển Việt Nam. Hồ Xuân Hương xứng dáng được hậu thế phong tặng danh hiệu: Bà Chúa Thơ Nôm.
        Bà Chúa Thơ Nôm đã vô cùng táo bạo và độc đáo – khi đầu tiên – dùng những hình ảnh phồn thực dân dã, kể cả chuyện riêng tư của mình  để đả kích châm biếm những thói hư tật xấu của xã hội. Thơ Bà thường có hai nghĩa, nghĩa nổi và nghĩa chìm theo kiểu đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục của dân gian. Trước đây nhiều người cho thơ Hồ Xuân Hương là “dâm thi”, chỉ gây cười.Nhưng rồi dần dần người ta mới hiểu ra “ nghĩa chìm” và thấy Hồ nữ sĩ là nhà thơ tiên phong đổi mới nội dung thơ Đường. Rõ ràng thơ Hồ Xuân Hương vừa có tính trữ tình vừa có tính châm biếm phê phán sâu sắc. Bà đã xắn váy quai cồng lội qua chỗ các vị đại diện cho một trật tự xóm làng,trật tự xã hội đang ngồi và phán truyền những lời giáo huấn sáo rỗng, giả nhân giả nghĩa và lừa lọc.
                                                        ***
        Những năm cuối thế kỷ 20, thơ luật Đường trỗi dậy. Hàng ngàn tác giả thơ luật Đường xuất hiện, trong đó có vài người làm theo giọng  điệu của Hồ nữ sĩ. Võ Nguyện là một trong số đã đi theo lối thơ Hồ Xuân Hương. Võ Nguyện là một trong những nhà thơ ít ỏi đó.
        Tập thơ luật Đường Bưởi Biên Hòa, Võ Nguyện đã sử dụng hình ảnh phồn thực của những Đá Chồng, Cồn Hến, Cái Vồn, Bưởi Biên Hòa…để nói lên cảm nhận về quê hương xinh đẹp và những vấn đề của nó trong xã hội hiện thời. Đặc biệt phần “nghĩa nổi” và “ nghĩa chìm” lại hòa quyện bổ sung cho nhau rất đa dạng, bất ngờ và thú vị. Một ví dụ nhỏ là vấn đề quy hoạch treo, ai cũng sợ:
        Cồn Hến của em nép dưới hà
        Lạy ông quy hoạch hãy rời xa.../(Đừng quy Cồn Hến)
Hay ở một bài khác:
        Xin hỏi ai quy hoạch Cái Vồn
        Mà nay hoang phế cái lò tôn?/(Đập Cái Vồn)
        Thật nực cười cho cái quy hoạch lung tung theo tùy hứng phong trào. Đến nỗi  “chỗ ấy” cũng không tha, gây ra không biết bao nhiêu chuyện oái oăm ta thán và mong mỏi:
        Ai người xả cảng cho thông nước
        Để ứ lâu ngày chịu nổi hôn?
        Đến nỗi có lúc cô gái Huế vốn dịu dàng thùy mị mà cũng phải chỉ tay vào “cồn hến của em” mà la lên:
        “Sơn hà cẩm tú”…dành anh đó
        Nỏ biết yêu thì hãy tránh ra./(Cồn Hến)
          Một đặc tính rất mở của thơ Đường là xướng họa. Đặc tính này đã cho phép độc giả “giao lưu trực tuyến”, bày tỏ chính kiến với tác giả, hết sức bình đẳng. Bưởi Biên Hòa đã dành trang để đăng phần họa thơ làm cho tác phẩm vô cùng phong phú. Hầu như bài nào cũng có người họa mà họa lại thường có ý tưởng trái chiều. Trong bài Đá Chồng, tác giả chỉ nhắc nhở việc bỏ phí danh lam thắng cảnh:

          Nha Trang hòn ấy làm du lịch
          Thu được bộn tiền có biết không?

Thì ngay tức khắc nhiều người lên tiếng. Hạnh Phương ở Đồng Nai “đóng vai bảo thủ”:
          Nha Trang có biển, so chi rứa
          Thủ phận Đồng Nai có khỏe không?
          Nguyễn Hữu Cần thì mỉa mai:

          Thời nay hốt bạc nhờ trò ấy
          Dựng đá tạo hình bán sướng không?
          .
          Nguyễn Văn Thâu và Lý Thế Bằng thì đồng tình:
          Trần gian cảnh ấy ai không thích
          Quý khách bỏ tiền chẳng mất không
Sầm Sơn  chưa ngắm đời thua thiệt
Dẫu cổ đầy vàng thế cũng không!
Còn Kiều Văn Phẩm thì thật thà phân vân:
Du khách tham quan thường thắc mắc
Tích xưa huyền thoại có hay không?
Và Xuân Bảo thì lo lắng:
Nữ sĩ Xuân Hương mà sống lại
Khối tình cọ mãi có mòn không?
Hay chỉ là hình ảnh “chiếc xe cũ” mà lại nhiều ý kiến khác nhau. Hạnh Phương yên tâm nhưng hơi quá đáng:
Mép đường dựng tạm không lo lắng
Góc chợ quẳng bừa chẳng ngai e
Huỳnh Tấn Cường lại thú thật lòng mình mà không nói ra thì không ai biết:
Nghĩ mình phận hẩm chơi xe cũ
Giấu diếm chi rồi nhớt cũng le
Nguyễn Văn Thâu thì vẫn chung thủy để còn:
          Cao hứng trèo lên khum cẳng đạp
          Tàn hơi tụt xuống bỏ tay đè
Thanh Trúc thì có vẻ già kinh nghiệm đã lên tiếng cảnh báo:
          Bảo dưỡng định kỳ máy khó rè
          Ngày đêm xả láng ắt hư xe
Và Lý Thế Bằng thì xứng đáng là tay thợ sửa chữa biết tiếp thị để thu hút khách hàng:
          Máy cũ về ta chắc hết rè
          Xoa mông nắn yếm đại tu xe
Và còn nhiều nữa, nhưng xin để độc giả tự khám phá những điều lý thú.
          Nói tóm lại Bưởi Biên Hòa đã góp phần làm cho mảnh đất Đồng Nai cây lành trái ngọt trở nên thêm nổi tiếng. Đó phải chăng là phần nghĩa chìm trong thơ Võ Nguyện viết theo lối Hồ Xuân Hương mà tác giả không nói ra.
          “Thơ Võ Nguyện, chuyện Xuân Hương” là rất có tác dụng.
                                                                             Nhà thơ Xuân Bảo
                            

                  


Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

134. Nguyên vẹn một lời thề (Thơ)

134.                NGUYÊN VẸN MỘT LỜI THỀ (Thơ)
(Thác lời người đã khuất)

Chúng tôi ra đi mang theo trái tim cháy bỏng
Tuổi thanh xuân ngày ấy giờ vẫn vẹn nguyên trai trẻ một  thời
Hơn bốn mươi năm qua chúng tôi nằm sâu trong lòng đất Mẹ
Dù không vào nghĩa trang như baođồng đội đồng chí
Chúng tôi vẫn nô đùa vẫn vui với Diêm vương
Ngài biết chúng tôi là một trung đội lẫm liệt kiên cường
Cho nên được đi tham quan chín tầng địa ngục
Có một tầng địa ngục nhốt các quan chức
Ở trên trần thường gọi chúng là lũ quan tham
Ăn đất, ăn rừng,ăn cả những án oan…
Gia đình gửi cho chúng nào ô tô, nào đô la, biệt thự
Tất cả là đồ mua ở phố Hàng Mã, chỉ là đồ âm phủ
Diêm vương ra lệnh những thứ ấy phải niêm phong
                                      ***\
Mấy hôm rày có bác nông dân đào ao,phát  rẫy, khai mương
Thấy chúng tôi nằm đó,chôn  trong cùng một hố
Mỗi đứa chúng tôi đều có hồ sơ lý lịch
Nằm gọn trong cái lọ pê-nê-xi-lin *
Những di vật kỷ niệm một thời chiến chinh
Dép râu, võng dù và những chiếc nhẫn
Cái bi đông đựng nước và dăm ba vỏ đạn
Ba mươi bộ hài cốt gói trong bọc ny-lông
Còn sáu người nữa mọi người đang cố kiếm tìm
Hồn chúng tôi quẩn quanh nơi quân thù giết chóc
Đây là nơi mô, xã Bảo Vinh hay là Bình Lộc?
Chúng tôi là những chàng trai mãi mãi tuổi hai mươi
Đứa ở Hà Giang, đứa Quảng Trị và những đứa Tháp Mười…
Có nhiều đứa chưa biết nụ hôn đầu mà chỉ biết cầm súng
Đứng trước người con gái vẫn còn e ấp thẹn thùng lúng túng?!
Nhưng trước họng súng quân thù, trước lúc chết
Còn kịp nói lời chia ly vĩnh biệt
Khóc làm chi đồng đội!Hãy cầm khẩu súng của tôi
Nhằm thẳng quân thù mà bắn, đồng chí ơi!
                                      ***
Xin cảm ơn! Những người quyền cao chức trọng
Quỳ trước linh vị chúng tôi và lầm rầm lời khấn
Mong cho chúng tôi siêu thoát về cõi Niết bàn
Hay về Nước Trời hưởng ân huệ Chúa ban
Mỗi đứa chúng tôi được khoác lên tiểu một lá cờ đỏ
Ô hay! Lá cờ không bay sao lại nằm im trong gió?!
Lá cờ ngày ấy chúng tôi trân trọng lúc xung phong
Giữa trận tiền bốn bề rền tiếng đạn bom
Lá  cờ thiêng liêng bay theo tiếng kèn xung trận
Chúng tôi xông lên không có gì lấn cấn
Và ngả xuống sau những loạt đạn của lũ quỷ mặt người
Trung đội chúng tôi có ba mươi sáu người
Ba mươi sáu trái tim tràn đầy nhiệt huyết của người lính trẻ
Vẫn vẹn nguyên lời thề của người chiến sĩ
“Độc lập hay là chết!” cho nước Việt thân yêu.
                                      ***
Xin cảm ơn quý vị!,xin cảm ơn tất cả!Duy chỉ có một điều
Chúng tôi muốn về lại quê hương nơi dặt dìu câu hát
Có cánh cò bay lả bay la, qua những cánh đồng bát ngát
Có chị Hai xinh đứng cạnh bụi trúc xinh
Có bông hoa gạo đỏ lựng sân đình
Có nhịp phách  lý lơi tiếng trống chèo rộn rã
Có cô Tấm áo nâu non ướm thử giầy hoàng tử
Có câu hò mái đẩy và khúc Dạ cổ hoài lang
Chúng tôi muốn về với mồ mả tổ tiên, với xóm làng
                                      ***
Mong sao quý chư vị, những người đương chức
Nể tình chúng tôi với lời nguyện  ước
Được về cố hương trong muôn vạn nhớ thương
Được như thế, ắt chúng tôi lòng  thấy vui hơn!
Biên Hòa, những ngày mưa cuối mùa
                                                          Tháng 10 năm 2014 – Xuân Bảo
                                                                    






Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

133. VỀ LẠI NƯƠNG RẪY (Truyện ngắn)

VỀ LẠI NƯƠNG RẪY


                                                          Truyện ngắn của Xuân Bảo

1.
Quảng Trị 1972!
81 ngày đêm. Bão lửa. Pháo ngoài biển bắn vào. Bom trên trời trút xuống. Giặc nống ra. Cố chiếm Thành cổ. Tư lệnh Vùng I Chiến thuật mất chức. Ngô Quang Trưởng thay Vũ Văn Giai.
Mùa hè đỏ lửa. Đại lộ kinh hoàng. Chạy loạn. Bom. Pháo. Đạn các cỡ thi nhau nhả đạn. Dân thường nháo nhác. Bà Kim tay dắt con. Vai gánh nặng áo quần. Có một bao cát mang theo. Bao cát công sự của đồn lũy. Trong đó có thông hóa đặc biệt và vàng.
Thắng Đào Quốc Đạt mới lên bốn. Chạy và chạy. Hỗn loạn. Sự sống và cái chết. Đạt sinh năm 1968. Đêm Tổng tiến công nổi dậy. Ba Đạt ghé nhà. Để lại giọt máu nối dõi tông đường. Ra trận. Hy sinh. Tin Trung đoàn báo về. Bà Kim khóc hết nước mắt. Từ nay Đạt thành đứa trẻ mồ côi cha. Khổ lắm!
Đường Thiên lý Bắc Nam bị cày xới. Cát Tiểu Trường Sa bị nung nóng. Mắt hoa. Chân phồng rộp. Thằng Đạt mếu máo. Gắng lên con! Bà Kim dỗ dành.

                                      ***

Một số ít dân chạy ra Vĩnh Linh. Miền độc lập nửa nước. Quảng Trị đau thương. Nửa nước bị chặt làm đôi. Hiền Lương trở thành con sông giới tuyến. Còn đau hơn cả hận Sông Gianh!
Mọi người lên xe. Xe nhà binh của Thiệu. Bỏ lại quê hương tiêu điều. Bỏ lại mồ mả tổ tiên ông bà. Bỏ lại cơ ngơi ruộng vườn. Mồ hôi và nước mắt. Mất hết, mất hết. Tiên sư cái cuộc chiến. Chiến tranh bao giờ cũng đáng nguyền rủa! Hết chin năm đánh Pháp. Lại hai mươi năm chống Mỹ. Có nơi nào trên Trái đất này chiến tranh liên miên như thế?


2.
       Đêm. Rừng rú rậm rịt. Mọi gia đình xuống xe. Ngơ ngác. Đây là đâu? Nghi ngờ ?! Hay là đem con bỏ chợ? Thiệu Kỳ nói hay lắm. Hãy chạy khỏi nanh vuố cộng sản. Hãy xây dựng một nền cộng hòa. Đừng nghe Việt Cộng nói. Nhìn Việt Cộng làm! Than ôi! Ông Thiệu ôi! Nền cộng hòa đệ nhị ôi!
       Sáng ra. Có một đoàn người đến. Mũ cao áo rộng. Ông linh mục ủy lạo Các con chiên hãy một lòng phụng vụ Chúa. Đây là Xuân Lộc. Đây là giáo phận Xuân Lộc. Đất địa đầu của Nam kỳ Lục tỉnh. Trước 1945 là xứ thuộc địa của Mẫu quốc Đại Pháp.
       Mỗi hộ gia đình được phát gạo ăn sáu tháng. Cho không hai chục tấm tôn fibro. Hai chục bao xi măng. Một bộ đồ làm rẫy gồm  cuốc rựa,một cái cưa lá liễu, một cái búa. Hàng Mỹ sản xuất. Sản phẩm có đúc chìm bốn chữ cái sơn màu đỏ:KHLA.Diễn dịch rà là Khai Hoang Lập Ấp.

                                                ***

       Tên làng xã thân yêu không còn. Những cái tên mới nghe lạ tai. Sặc mùi chiến tranh. Căn cứ 2, Căn cứ 3 cho đến Căn cứ 6. Bà con nhớ quê tự đặt tên mới: Xuân Đà, Trung Ngãi...Rừng nguyên sinh. Gỗ quý nhiều vô kể. Lim, sến, táu, vàng tâm.đàn hương… Rừng lá. Lá buông ngút ngàn.Đất đai màu mỡ.Người nông dân lai hoàn người nông dân. Chăm chỉ. Chuyên cần. Dầm mưa dãi nắng. Đốt rẫy. Làm nương. Chọc lỗ bỏ hạt. Đất không phụ người. Trái bắp to bằng cườm tay. Củ sắn nặng vài ba ký.Bầu bí mọc ven suối. Đến mùa cứ chở về
.
       Bà Kim giỏi việc nông tang. Khai hoang, Vỡ đất. Trồng tỉa. Mùa nào thức ấy. Chỉ sau hai năm cần mẫn. Bà có trong tay gần mười mẫu rẫy. Đầu năm 1973. Chủ nhà máy thuốc lá CAPSTAN. Đánh hơi thấy đất Xuân T. tốt. Bà Kim nhận thầu trồng thuốc lá. Giống Virginia sợi vàng thích hợp thổ nhưỡng. Công nghệ,quy trình, giống và phân bón nhà máy chuyển giao. Bà Kim và bà con trồng hàng chục mẫu và xây được tám lò sấy thuốc lá. Hai vụ thu hoạch có lãi bạc triệu. Bà nghĩ chắc ăn. Gửi tiền vào Ngân khố quốc gia của chính quyền Sài Gòn.

                                                
        Thằng Đạt được bà Kim kềm cặp. Dạy chữ. Bà dành tất cả tình thương cho nó với tấm lòng bao la dạt dào. Mong muốn Đạt thành tài để bù đắp cho sự thiệt thòi của cuộc đời mẹ góa con côi. Hắn ngoan và thông minh. Sáu tuổi đã đọc thông viết thạo. Làm được bốn phép tính. Đạt được gửi vào trường Dòng Mến Thánh Giá. Nhà thờ Công giáo mọc lên.Khắp nơi.

       3.
       Tháng Tư năm 1975.
       Giải phóng miền Nam. Hết chiến tranh. Mừng vui khôn xiết. Đạt vào học lớp 1. Học giỏi. Thẳng một mạch. Từ lớp đầu cho tới năm cuối. Đạt tốt nghiệp tú tài. Bây giờ có cách gọi mới. Tốt nghiệp Trung học phổ thông. Thi đại học nông lâm đỗ. Vào khoa chăn nuôi. Sau năm năm Đạt tốt nghiệp bằng đỏ. Trường muốn anh ở lại. Giảng viên đang thời kỳ hiếm. Đạt quyết về địa phương. Ty Nông nghiệp tỉnh. Làm việc tận tụy. Năng nổ. Nhiệt tình. Chẳng bao lâu Đạt vào Đảng. Rồi từ phó phòng lên trưởng phòng. Có chí. Đạt theo học cao học. 30 tuổi Đạt là thạc sĩ. Chuyên ngành. Đề tài nghiên cứu: Thuần hóa động vật hoang dã. Luận án được đánh giá cao. Còn thực tiễn. Đang nằm phía trước, Hãy chờ xem?!

       Bà Kim tuổi đã xế chiều. Muốn có cháu nội. Bế bồng. Chăm bẵm. Đạt là người con hiếu thảo. Nghe lời mẹ. Đạt cưới vợ. Vợ tên Hạnh. Học dưới Đạt hai lớp..Người cùng quê. Cùng hoàn cảnh bị xúc tát vô nam. Nhà neo người. Hạnh học hết phổ thông. Ở nhà giúp cha mẹ làm ăn. Nương rẫy, Cày cuốc. Nghề nông muôn thuở. Hạnh đẹp người đẹp nết. Bà Kim ưa. Đạt mến từ trước. Họ lấy nhau. Xứng đôi vừa lứa. Nhân duyên thành lương duyên!


       4.
       Đạt đệ đơn xin nghỉ việc. Ai cũng bất ngờ. Nhiều người nuối tiếc. Con đường phía trước. Thênh thang rộng mở. Tiền đồ thuận lợi. Lòng anh đã quyết. Muốn học và hành đi đôi.
       Về lại Xuân T. Đạt cùng mẹ xin chính quyền. Canh tác lại quả đồi. Đất trồng thuốc lá khi trước. Có lãi lời gì không? Đau đáu đề tài. Con vật hoang dã. Hãy thân thiện với người! Nhiều đêm miệt mài. Đồ án xây dựng. Trang trại phức hợp. Có Hạnh giúp sức. Động viên. An ủi. Hạnh hỏi: Liệu có thành công? Đạt nói: Quyết chí thì nên.
       Vốn? Nan giải là vốn. Bà Kim dốc cạn cái bao cát công sự ra. Lâu nay, bà đi rẫy thường mang theo. Mắc vào đầu cán cuốc. Tòong teeng. Ít ai biết có gì trong đó. Bà có tài ngụy trang. Đề phòng kẻ xấu. Trong bao cát có nhiều vàng. Đủ loại. Vàng miếng. Vàng trang sức và ngọc…Chao ơi! Nhiều lắm. Đến con cháu cũng chẳng biết. Nữa là!
       Đi Sài Gòn. Bà Kim mang giấy gửi tiền theo. Ngân hàng Cách mạng. Trụ sở ở Bến Chương Dương. Cùng đi có người bà con. Cán bộ cách mạng ở Bắc về. Hai người vào cơ quan. Bà Kim xuất trình cái giấy. Tám triệu đồng bạc Ngụy. Họ chỉ dẫn gặp lãnh đạo. Vị cán bộ giải thích ngắn. Đây là số tiền tiếp tay cho địch. Tiền này gián tiếp chống phá cách mạng. Tịch thu. Sung công. Thế là tắt một hy vọng.Không bị truy tố. Còn may. Thôi đành của đi thay người!
       Kim Lan,chị Đạt làm Sở Mỹ. Dành dụm lâu nay. Có ít đô-la. Có ít vàng. Giúp em . Coi như hùn vốn làm ăn. Ngân hàng Nông nghiệp hỗ trợ. Vay dài hạn. Lãi suất thấp.
                                                          

       Mười mẫu tây đất rừng. Có phần nào đất thục. Đạt xuống giống  bốn mẫu cà phê. Giới khoa học nói: Chồn khoái khẩu cà phê Robusta. Dày cùi. Ngọt. Nhưng cà phê Arabica- Cà phê chè ngon hơn. Đắt tiền hơn. Xen canh. Bắp, mì, khoai lang. Các loại họ đậu. Lấy ngắn nuôi dài.

       Với chiếc Honda 67. Đạt lên Đác Lắk. Qua Lâm Đồng. Đến Đắc Nông. Lại nhảy xe đò ra Quảng Trị. Núi rừng Trường Sơn. Chiến khu Ba Lòng. Khi xưa nhiều chồn. Đủ loại chồn. Chồn đèn. Chồn mực. Chồn hôi. Chồn bạc má…Đạt tìm con chồn hương. Cầy hương.
        Lại lên đường tìm cầy hương. Nghe người ta mách. Thanh Hóa còn nhiều động vật hoang dã. Cầm thú. Đoạn đi qua Tĩnh Gia. Quê hương họ Đào. Đào Duy Từ. Người dựng Lũy Thầy. Chống quân Trịnh. Đạt thầm nghĩ: có lẽ đây là quê gốc của mình chăng? May sao. Mua được một cặp. Đực và Cái.

                                                           ***

       Bà Kim nhắc chuyện xưa. Người làm công cho ông ngoại. Chú Đáo có lần vào độộng. Bắt được cả một ổ chồn hương. Có tới bốn chú. Ba đực, một cái. Ba con đực. Một con Cụ đem biếu tri phủ Triệu Phong. Dinh thự tri phủ. Làng Tri Bưu. Cạnh sông Thạch Hãn. Con thứ hai Cụ biếu nhạc phụ. Làng Đại Hào. Còn một con Cụ lấy xạ. Treo trước cổng. Ngày và đêm. Xạ hương tỏa. Thơm nức con đường làng.Vẫn theo bà Kim. Miền duyên sơn Quảng Trị cứt chồn hương quý đến thế sao? Chim chào mào đít đỏ. Ăn hạt hồ tiêu chin. Người dân Cùa có kinh nghiệm thu lại hạt tiêu thọ. (Nơi khác gọi là tiêu sọ). Thọ đây có nghĩa lâu bền.Dân xây cái bể cạn. Đặt ở góc vườn. Chim ăn no tiêu. Uống  đẫy nước. Ị ra những hạt trắng. Hót về rửa sạch, phơi khô. Dành làm thuốc. Đau bụng nhai dăm hột. Khỏi ngay. Nhà nào có nhiều tiêu thọ. Mang về chợ Đông Hà. Bán cho mấy chú Chệt. Hiệu thuốc bắc. Giá cao. Gấp chục lần tiêu đen.

                                                           ***

       Chồn có xạ. Hương thơm. Hấp dẫn. Nhưng hiếm. Một loài thú hiếm. Liệt vào sách đỏ. Đạt tìm mua sách nói về chồn. Lên mạng. Gõ google. Thấy rõ con chồn hương. Có nhiều tên: cầy vòi hương. Bộ ăn thịt Carnivora. Họ cầy Viveridea. Ở Việt Nam còn có tên Việt Mường: Tu côi. Tu hên. Hên bon. Cùng họ có vài giống khác. Không có túi xạ hương. Đó là cầy mực, cầy mèo, cầy giông, cầy vằn, cầy vòi đốm, cầy vòi mốc…Chỉ có con cầy vòi hương đực có túi xạ. Túi xạ nằm giữa hậu môn và dương vật. Giữa túi có hai lỗ thông. Trong túi có các tuyến xạ. Cái dạ dày của nó có enzyme đặc biệt.  Cầy đực trưởng thành. Tiết ra chất xạ hương. Sánh như mật ong. Màu nâu đỏ. Mùi thơm nồng. Để lâu dịu. Thành phần xạ có ammoniac. Tinh dầu. Muối khoáng. Và các chất hương hữu cơ. Đây là mùi dẫn dụ cầy cái. Vào mùa sinh sản. Trao tình xong. Đường anh anh đi. Để cầy cái nuôi con. Lẻ loi, đơn chiếc. Tội nghiệp!
       Nhiều đêm suy nghĩ. Đạt trắng mái đầu. Thuần dưỡng thú hiếm. Đâu dễ. Cái gì đến phải đến. Có công mài sắt. Có ngày nên kim! Đạt tự động viên. Có tình yêu nồng thắm của Hạnh. Vui cùng chồng. Buồn lo cùng chồng. Ca dao nói: Thuận vợ thuận chồng. Đúng thế. Nhiều lúc nản. Đạt muốn bỏ cuộc. Hạnh là ngọn đuốc. Là lửa ấm đêm đông.
                                                           
       5.
       Bốn năm trôi qua.
       Cà phê bói quả mùa đầu. Cặp chồn hương ngày nào. Sinh được sáu con.Giờ đây được gần hai trăm con, Cả đực cả cái.
       Hai vợ chồng Đạt Hạnh. Đêm nào cũng thức. Đọc nhiều sách Động vật học. Thú vị nhất là các con vật. Cái dạ dày là nơi ủ men. Ăn vào ị ra. Thế mà quý. Lạ chưa?
        Tỷ như chuyện Trung Hoa. Có chè “trảm mã trà”. Chè trồng núi Vu Sơn.Chân núi có suối Ô Long. Nước đặc sánh xác chè. Màu đen. Mã phu để ngựa đói hai ngày. Thả vào Vu Sơn. Ngựa no búp trà. Uống no nước suối Ô Long. Dong  ngụa về kinh đô. Vua truyền giết ngựa. Moi bụng lấy trà. Sao tẩm. Chế biến. Trà có hương và vị đặc biệt. Bổ thận. Tráng dương. Nhưng mà ác quá! Còn Việt Nam ta. Thời nhà Trần. Núi Ba Vì. Thờ Thánh Tản. Họ Nguyễn. Tên Tuấn. Có lão phu làm “Trảm mã trà”. Ông cho ngựa ăn no chẻ. Phần lớn trồng mạn Phú Thọ. Ngựa no búp chè. Chém đứt đầu. Mổ bụng moi trà. Để nguyên cái dạ dày. Ủ bảy ngày đêm. Rồi sao tẩm đem dùng. Nghe tin vua muốn gặp người làm Trà trảm mã. Chánh tổng Nguyễn Bính tâng công. Bí mật giết Lão phu. Đem trà dâng vua. Vua biết Bính không phải là người làm trà. Truyền chém.. Vua là người nhân đức,sáng suốt. Tự kết tội mình đã gây ra cái chết của Lão Phu. Chưa bao giờ vua khóc. Quần thần lo lắng. Hoàng hậu Ỷ Lan tâu:
-   Bẩm hoàng thượng! Lão Phu là kẻ ham cái hương vị của một chén trà. Coi rẻ mạng sống con ngựa. Ác lai, ác báo. Bị Nguyễn Bính giết. Y như Lão Phu đã làm với ngựa. Lão Phu gieo nhân nào. Để gặt quả nấy qua tay Nguyễn Bính. Thiếp xin tha tội chết cho Nguyễn Bính. Vua truyền:
-    Đem tất cả số trà trảm mã. Nấu thành nước. Đổ cả xuống sông. Chiêu hồn con ngựa! Và ra lệnh: Cấm dân gian không được chế biến trà kiểu này! Thật là một ông vua vĩ đại. Lòng khoan dung của vua. Sự thông thái của hoàng hậu. Để lại hậu thế muôn lời ca tụng.
                                                    ***
                      6.
              Gần bốn mươi tỷ VNĐ. Dốc vào trang trại. Hiện dần ra một khu du lịch. Đẹp. Khang trang. Hút khách mọi nơi. Khách ta, khách Tây nườm nượp. Phần đông đến xem. Ít người dám uống. Cà phê hương cứt chồn. Một ấm hai trăm ngàn đồng. Một ký hạt nhân khô:hai mưới triệu đồng. Cũng chưa phải là cao. Cà phê Kopi Luwak Indonésia. Có giá 600 USD/kg. Vẫn không đủ cho nhu cầu.
              Khách tham quan thích chụp ảnh với chồn. Qua gần thập kỷ. Nhờ huấn luyện tốt. Con cầy vòi hương được thuần dưỡng. Sinh sôi. Thân thiện với môi trường. Với con người. Công lao đó là của thạc sĩ Đào Quốc Đạt. Với sự động viên của Hạnh. Người vợ tảo tần chung thủy.Là công nuôi nấng của bà Kim.
              Giờ đây. Vợ chồng Đạt trả xong nợ. Đạt thưa với mẹ xin sửa lại ngôi nhà cũ. Làm ngôi từ đường. Và là nơi an dưỡng tuổi già của bà Kim. Trong núi. Nơi mười mẫu rẫy. Đạt quy hoạch thành Khu du lịch sinh thái. Chung quanh rào bắng các loại cây ăn quả. Có những loài cây mang từ Quảng Trị. Vả, bồ quân, thanh trà…Khu sinh thái này mang lại công ăn việc làm cho người tại chỗ. Cho bà con quê nhà. Gần một trăm lao động. Người nào việc đó. Nhiều bà con đã có cơ ngơi.Ăn quả nhớ người trồng cây. Mẹ con bà Kim giúp đỡ những người ngày đầu đến đây. Ngoài khoản thuế má đầy đủ. Vợ chồng Đạt chung tay xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn từ những con cầy vòi hương.
              Một ngôi biệt thự mọc lên. Một nhà hàng mọc lên. Một quầy đặc sản cà phê cứt chồn hương mọc lên. Hảo hạng, Đích thực! Có một họa sĩ vẽ chân dung khách bằng mầu nâu đậm của cà phê.
              Đạt bàn với Hạnh. Tìm tên thương hiệu. Tranh cãi. Bàn bạc. Nhất trí lấy tên: “TRANG TRẠI CÀ PHÊ CỨT CHỒN HƯƠNG HẠNH ĐẠT’.Cái logo vẽ con cầy hương chồm lên hai chữ cái HĐ. Chữ HĐ cách điệu thành hai hạt cà phê.

                                                      

              Đêm đến. Đèn điện sáng. Những con đường làng. Nhựa tráng phẳng lỳ. Trường Tiểu học lên Trung học. Bệnh xá khang trang. Bác sĩ Lương, ban học Đạt về. Chung tay góp sức. Tạo dựng cuộc sống mới.
              Xuân T. giờ đây đẹp lắm!

                                                                                    XUÂN BẢO
                                                                          Biên Hòa, 19 – 8 -2014