Trang

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

130.VỌNG PHU MỘT THỜI ÁC LIỆT

VỌNG  PHU  MỘT  THỜI  ÁC  LIỆT

Truyện ngắn  XUÂN  BẢO

            Đêm Bình Châu.
Biển lặng. Bầu trời đen kịt. Ngoài khơi xa, chiếc tàu Kilinski* rúc từng hồi còi dài.Đèn trên tàu nhấp nháy, lấp loáng trông như một thị trấn nhỏ.
           Bãi biển nhộn nhịp người. Đoàn người đưa tiễn đông.Thân nhân là các bậc cha mẹ, anh chị em và rất nhiều bạn bè.Những đồng đội đã cùng chiến đấu khắp chiến trường Đông Nam Bộ. Họ bịn rịn chia tay người thân lên đường tập kết ra Bắc. Có tiếng khóc nức nở. Có tiếng vỗ về: Đừng khóc! Hai năm sau, tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Anh về.
Các đại đội hàng ngũ nghiêm chỉnh.Từng tiểu đội nối đuôi nhau bước lên ca nô.Ca nô chiếc này đến chiếc khác chui vào màn đêm mất hút.
           Có một đôi trai gái tuổi còn rất trẻ. Chàng ngoài hai mươi. Nàng mười tám.Đó là Trần Kiêm Chính thường gọi là Hai Chính và Nguyễn Thị Ngọc Chanh thường gọi là Ba Chanh.Ba Chanh tiễn chồng mới cưới lên đường.
– Em ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe và chăm lo cho ba má và các em.
-  Dạ.Anh yên tâm.
-  Hai năm!Không lâu đâu em.
Hai Chính ghì sát môi vào má vợ hôn. Có tiếng hô: Đại đội 10 tập họp. Hai Chính vội buông tay Ba Chanh.Nước mắt Ba Chanh chảy dài trên hai gò má.
          
                                                           ***
.
          Trùng khơi xanh thẳm.Từng con sóng vỗ vào mạn tàu. Đàn hải âu bay lượn. Gió biển lùa vào tàu ngửi thấy vị mặn. Phía chân trời xa, nổi lên những đám mây trắng xốp như bông. Tiểu đội của Hai Chính kẻ nằm, người ngồi. Có nhiều đồng đội say sóng. Nhìn qua cửa sổ boong tàu, Hai Chính trầm ngâm nhớ lại.
           Ký ức hiện về như một cuốn phim quay chậm. Hình ảnh quê hương Bảo Vinh. Những quả đồi thoai thoải. Nương rẫy. Lúa khoai.Vườn tược.Chôm chôm, sầu riêng.Ba má và các em. Hình ảnh của ba mờ chồng xen lấn lên nương rẫy Bảo Vinh.
       Có lần, đã lâu lắm rồi, ba kể: Hai Chính sinh năm Ất Hợi. Cái năm mà kinh thành Huế, giữa trưa chính ngọ, một loạt đại bác nổ rền trời, mừng Nam Phương hoàng hậu sinh hạ hoàng tử Bảo Long. Nếu không có Cách mạng Tháng Tám thì Bảo Long Đông cung Thái tử sẽ nối ngôi của Đức kim thượng Bảo Đại rồi. Hoàng đế Bảo Đại trở thành công dân Vĩnh Thụy của một nước Việt Nam độc lập kể từ chiều ngày 25 tháng Tám năm 1945.Tại Cửa Ngọ Môn, nhà vua đọc chiếu thoái vị và trao ấn tín quốc bảo cho các ông Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận, thay mặt Chính phủ lâm thời của Cụ Hồ vào Huế tiếp nhận. Bản tuyên ngôn này do Vĩnh Cẩn, một cận thần trong triều đình soạn thảo và sau ngày Độc lập 2-9, Vĩnh Cẩn phò tá Vĩnh Thụy ra Hà Nội,ở số nhà 51 Trần Hưng Đạo cho đến ngày vua tôi Vĩnh Thụy đào tẩu, bỏ lại chức cố vấn chính phủ cho muôn dân nguyền rủa.Như vậy nhà Nguyễn tồn tại trong lịch sử Đại Nam, ở kinh đô Phú Xuân, thiếu 13 năm thì tròn 400 năm (1558-1945) với 9 chúa và 13 vua.
                            Mẹ Trần Kiêm Chính, họ Hồ Đắc, một dòng họ nổi tiếng của Huế, người làng Vĩ Dạ, học sinh trường Nữ sinh Đồng Khánh.Ba thi đậu Diplôme de barchelier (tú tài toàn phần).Năm 1931 Trần Kiêm Đính nhờ giỏi tiếng Pháp và có bằng tú tài Tây nên  được vào làm ngành hỏa xa. Thời gian này cũng là lúc người Pháp thông đường xe lửa răng cưa đoạn từ Phan Rang lên Đà Lạt.
Hai gia đình họ Trần và họ Hồ kết làm thông gia. Năm 1934 ba mạ làm lễ cưới. Mùa xuân năm 1935 thì Trần Kiêm Chính cất tiếng khóc chào đời.

                                                                 ***

           Ngày 23 tháng 9 năm 1945, được sự giúp sức của quân Anh - Ấn. thực dân Pháp gây    hấn Sài Gòn và chế độ Dân chủ Cộng hòa buộc phải đứng lên cầm súng chống lại chúng. Đầu năm 1947, giặc Pháp đổ bộ lên cửa biển Tư Hiền và cửa biển Thuận An. Mấy tháng sau thì chúng chiếm toàn bộ kinh thành Huế và còn nống ra Quảng Trị.
Thời gian này ông Trần KIêm Đính đang làm sếp ga Long Khánh.Pháp chiếm Biên Hòa Đường sắt bị Việt Minh phá hoại cắt đứt giao thông.Long Khánh tiêu thổ kháng chiến. Cả gia đình chạy giặc vào ấp Bảo Vinh A.Cùng tản cư, có gia đình ông Nguyễn Ngọc Bình, người Quảng Trị. Ông bà Bình có ba người con, một trai và hai gái. Nguyễn Ngọc Thanh là con đầu, thường gọi là Hai Thanh, cùng tuổi với Hai Chính. Ba Chanh là con gái, kế Hai Thanh.Ngọc Chanh bằng tuổi Diệu Lan em Chính, học cùng lớp và chơi thân với nhau từ tấm bé.
                        Hai miếng rẫy của ông Đỉnh và ông Bình cận kề nhau trên một quả đồi. Phía trước có một con suối nhỏ uốn quanh. Mùa nước nổi suối dâng cao và có nhiều cá. Cây cối um tùm. Chim muông và thú rừng nhiều lắm.
                  Bảo Vinh thời gian này vẫn còn rừng. Rừng bạt ngàn. Có một số đồn điền cao su của chủ Tây ở Bình Lộc, ở Hàng Gòn…bao quanh Long Khánh.Chính và Thanh được đi học chữ ở trường kháng chiến, học hết lớp 4 thỉ nghỉ vì không có lớp cao hơn. Sau trận lụt lịch sử năm Thìn 1952, Chính và Thanh bước vào tuổi thanh niên. Thanh niên Bảo Vinh nô nức vào rừng theo bộ đội của ông Tám Nghệ.
Ông bà Trần Kiêm Đính ngỏ ý muốn cưới Ngọc Thanh cho Kiêm Chính. Ông bà Bình lâu nay đã để ý đến Kiêm Chính, chàng trai xứ thần kinh vóc dáng cao ráo, khôi ngô tuấn tú, mặt mày sáng sủa và nhất là cử chỉ giao tiếp lễ độ, khiêm nhường.Rõ là con cái nhà gia giáo.Đến khi Hiệp định Genève được ký kết. Tưởng chừng đất nước không còn bom đạn chiến tranh nữa.Hai thông gia làm lễ cưới cho đôi trẻ. Ông bà nghĩ rằng đất nước đã không còn chiến tranh, cuộc sống sẽ thanh bình. Hai Chính được đơn vị cho nghỉ phép ba ngày về cưới vợ. Rạp cưới làm trước sân nhà ông bà Đính. Bà con chung quanh Bảo Vinh cùng đến chung vui. Đơn vị cử chính trị viên tiểu đoàn về dự. Cũng như nhiều đám cưới khác, không có mâm cao cỗ đầy, không có pháo lói, chỉ có nước trà quạu và thuốc rê.Sau đám cưới vài hôm thì Hai Chính và HaiThanh có lệnh đi tập kết ra bắc. Thế là hai anh em cùng một chuyến tàu.

                                                          ***

Ra bắc, Kiêm Chính chuyển khỏi quân đội và đi làm công nhân cầu đường khôi  phục đường sắt. Bởi có một lý do hết sức tế nhị; lý lịch của Kiêm Chính ghi là con của công chức thời Pháp thuộc. Còn HaiThanh là thành phần cơ bản vì gia đình là phu công tra cao su nên được chọn đi học sĩ quan ở Sơn Tây. Từ đó hai người thỉnh thoảng mới gặp nhau ở bờ Hồ Hoàn Kiếm, nơi một thời được  con em miền Nam tập kết thường gọi là hồ “tìm kiếm”và cả hai đều không nhận được tin tức quê nhà.
Mỹ Diệm ra sức phá hoại Hiệp nghị Genève. Việc tổng tuyển cử sau hai năm trở thành mây khói và miền Nam Việt Nam thành cái lò giết người khổng lồ. Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam tiến hành một cuộc chiến tranh tàn khốc hòng cứu vãn anh em nhà họ Ngô.
Hai Thanh lên đường đi B. Về lại miền Đông, Nguyễn Ngọc Thanh được phiên chế về Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác của vị chỉ huy tài ba Lê Bảy.Năm 1968, trong một trận đánh tàu giặc trên sông Lòng Tàu, đại đội trưởng đặc công thủy Nguyễn Ngọc Thanh hy sinh khi tuổi đời mới trên ba mươi, không tìm thấy hài cốt. Bia Đền tưởng niệm Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác và trong sách Một thời Rừng Sác có tên người anh hùng này với đầy đủ họ tên, quê quán,năm sinh, ngày hy sinh. Tiếc vô cùng là do tình hình chiến trường lúc đó quá ác liệt nên Hai Thanh chưa kịp về thăm gia đình thì anh đã vĩnh viễn nằm xuống trong dòng sông Đất Mẹ Việt Nam.
Học hết lớp 10 bổ túc, Hai Chính thi vào Đại học Văn hóa. Tốt nghiệp  hạng ưu nên được Bộ giữ lại công tác tại thủ đô Hà Nội.Vò võ mười năm trôi qua, vợ nam chồng bắc. Hai Chính gặp Bích Liên, con gái một nhà tư sản thuộc diện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Chính chấp nhận kỷ luật bị khai trừ khỏi đảng và cưới vợ. Cuộc tình này cũng gian nan lắm!

                                                                  ***

                   Nửa nước bị chia cắt. Sông Hiền Lương thành giới tuyến quân sự tạm thời.
 Ngô Đình Diệm từ Mỹ về. Quốc trưởng Bảo Đại bị phế bỏ. Diệm ra luật 10-59 lê máy chém đi khắp miền nam. Hắn điên cuồng trả thù những người kháng chiền cũ và thân nhân của họ.Hắn còn trắng trợn tuyên bố biên giới Hoa Kỳ kéo dài tới tận vĩ tuyến 17. Miền nam Việt Nam thành bang thứ 51 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ?!
Gia đình ông bà Bình, ông bà Đính và nhiều gia đình khác bị khép tội liên quan với Việt Cộng vì có con tập kết. Ông Bình bị bắt và vì không chịu chào cờ ba que và hát bài suy tôn Ngô tổng thống nên chúng bí mật thủ tiêu ở nhà tù Long Khánh.Mẹ Ngọc Chanh và các em bị  dồn vào ấp chiến lược và từ đó mất liên lạc với Ba Chanh. Sau này có người bà con cho biết Mạ và hai em trên đường lặn lội về quê thì bị Mỹ ngụy bắn chết trong một cuộc càn ở tỉnh Quảng Đức. Gia đình ông bà Đính và các em kịp lánh vào rừng Sông Ray. Sông Ray lúc này là căn cứ kháng chiến của tỉnh Bà Rịa-Long Khánh. Diệu Lan tham gia du kích Bảo Vinh ít lâu sau được bổ sung cho Đội Trinh sát vũ trang Long Khánh. Cùng với đồng đội, Diệu Lan tham gia nhiều trận đánh trong lòng địch.Với cách đánh mưu trí, táo bạo của Đội đã làm cho địch thất điên bát đảo và hoang mang cực độ. Diệu Lan đã anh dũng hy sinh trong trận tấn công địch ở quán Ngọc Hoa, khi chỉ còn vài ba tháng nữa thì Xuân Lộc- Long Khánh được giải phóng. Cậu Út Trần Kiêm Minh, chiến sĩ đặc công của trung đoàn đặc công 113, trong những ngày chốt giữ cầu Ghềnh đã anh dũng chiến đấu giữ cầu.Đại đội 1 của Tiểu đoàn 23 chỉ còn lại bốn người. Út Minh hy sinh trong ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Long Khánh Xuân Lộc được Nguyễn Văn Thiệu gán cho cái tên “ Cánh cửa thép phía đông  bắc Sài Gòn” và “Xuân Lộc mất thì Sài Gòn mất”.

                                                          ***

Tháng 11 năm 1963, lực lượng quân đội do các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn và Tôn Thất Đính làm đảo chính, Diệm Nhu bị giết. Tình hình tương đối êm, Ba Chanh đưa bố mẹ chồng về sinh sống tại thị xã Biên Hòa. Thời gian này Ngọc Chanh đã trở thành một thợ may giỏi, có tiệm may Hoài Bắc ở trước cửa chợ Bình Trước. Cái tên Hoài Bắc là có ý nhớ về bắc, nơi chồng cô đang sống.

Ba Chanh mang nhiều nỗi đau lớn: cha bị giết.Mẹ và các em thất lạc.Anh trai ra bắc không có tin tức gì.Người chồng yêu thương mới chỉ quen hơi bén tiếng mấy hôm thì lại đi xa.Ngọc Chanh cảm thấy vô cùng trống trải của đời mình. Cô dồn hết sức lực vào công việc làm ăn và ngày đêm lo chăm sóc cho bố mẹ chồng như lời hứa với Hai Chính năm nào trên bãi biển Bình Châu.Thời gian qua mau.Thế mà đã hơn mười mấy năm trời xa chồng.Nỗi nhớ ngày càng chồng chất, khó nguôi ngoai. Đêm về nỗi cô đơn khắc khoải tâm can. Nỗi mong đoàn tụ hãi hùng lắm! Ba Chanh cố nén vào tận đáy trái tim tưởng chừng như sẵn sàng rớm máu, sẵn sàng vỡ tan ra từng mảnh. Chanh thường kêu lên những lời thống thiết: “Anh thân yêu, giờ này anh ở đâu hở anh?Anh có nhớ tới em không? Ơi anh Kiêm Chính của em!” Đêm nào cũng như đêm nào khi nằm lên giường, Ba Chanh thao thức mãi. Và hai dòng nước mắt ướt đầm chiếc gối lẻ! Những giọt nước mắt chảy vào trong và biến thành những giọt kim cương! Nỗi đau chờ chồng da diết lắm, đau đớn lắm!
 ,        Tiệm may Hoài Bắc ngày càng đông khách. Từ hai cái máy may lúc đầu, nay đã có mười cái với hàng chục thợ.Ba Chanh nhận thêm đồ của Quân đoàn III, trang phục của lính sân bay Biên Hòa.Biên Hòa là nơi có nhiều sắc lính Mỹ - ngụy trú đóng. Tiệm may Hoài Bắc có cô chủ tuổi đã ngoài ba mươi nhưng còn rất tươi tắn, xinh đẹp, tính tình vui vẻ luôn nở nụ cười với khách hàng. Người đời đâu có biết cô chủ tiệm may này có một nỗi sầu đau lớn biết chừng nào mà cô cố giấu tận đáy lòng! Những tên sĩ quan, úy có, tá có mon men buông lời tán tỉnh cô chủ tiệm may, nhưng Ba Chanh đều phớt lờ.Có người hàng xóm tốt bụng thấy Ba Chanh ở vậy nên đã đánh tiếng muốn làm mai mối cho cô một tấm chồng. Nhưng cô luôn lựa lời từ chối khéo.
Khi đã có số vốn kha khá, Ba Chanh thưa với bố mẹ chồng, xin ý kiến ông bà Đính mua căn nhà trong hẻm Cây Me vốn dĩ lâu nay gia đình cô trả tiền thuê hàng tháng. Ngọc Chanh muốn để cho ông bà Đính đứng tên chủ sở hữu ngôi nhà, nhưng ông bà không chịu, viện lý do cha mẹ đã già rồi.Ông Đính giải thích: Con đứng tên là phải lẽ. Vì công lao sức lực của con đã làm ra kia mà. Ngôi nhà hẻm Cây Me được Ty Điền địa Biên Hòa cấp sổ địa bộ mang tên Nguyễn Thị Ngọc Chanh từ đó.Khuôn viên ngôi nhà hơn ba trăm mét vuông được tu sửa lại đẹp đẽ khang trang, có mảnh đất nhỏ để trồng rau và cây kiểng, có mấy cây xoài, cây lý đã có trái. Ba Chanh xin phép bố mẹ chồng được giành riêng một phòng nhỏ đặt bàn thờ thờ tổ tiên dòng họ Nguyễn Ngọc và cha mẹ mình.Phòng chính giữa đặt bàn thờ thờ tổ phụ dòng họ Trần Kiêm của gia đình nhà chồng. Mọi việc chỉnh trang lại ngôi nhà đều do Ba Chanh lo liệu và quán xuyến. Bà con lối xóm khen ngợi Ba Chanh vừa giỏi giang vừa đẹp người đẹp nết, hiếu thảo với bố mẹ và ăn ở hiền hòa với mọi người.
Năm 1972, ông Trần Kiêm Đính đã trên cái tuổi thất thập, tuổi già sức yếu cộng thêm bao sầu muộn vì đất nước bị chia cắt.Hai Chính ra Bắc không liên lạc được. Diệu Lan và thằng út đi kháng chiến không biết chết sống ra sao?  Súc tàn lực kiệt, chống chọi không nổi với căn bệnh hiểm nghèo nên đã quy tiên.Tiếp đến năm sau, năm 1973, bà Đính chưa kịp về thăm Huế khì đã có Hiệp định đình chiến Paris. Bà lâm bệnh nặng và theo chồng về bên kia thế giới. Hai cái đại tang dồn dập và nổi đau gia đình cha mẹ ruột tan tác,mất mát. Cộng với nỗi đau chờ chồng gần hai mươi năm đằng đẵng làm cho Ba Chanh gần như suy sụp hẳn. Cô chủ tiệm may Hoài Bắc nằm liệt giường mấy tháng trời. Cô sang tiệm may cho một người bạn vốn là người làm công trước đây.Và khi gượng dậy được, Ba Chanh suốt ngày quanh quẫn trong nhà. Công việc chính của cô lúc này là chăm lo hương khói cho hai ban thờ. Cô cho xây thêm một am thờ, thờ Đức Bà Quan âm   Ngày ngày, đêm đêm tiếng mõ và tiếng rì rầm kinh kệ nghe đến não lòng. Người giúp việc không nỡ rời xa cô chủ. Chin Tâm -tên người giúp việc -  tự nguyện ở lại đỡ đần Ba Chanh- người đã hết lòng cưu mang Chín Tâm từ ngày lưu lạc đến đây. Ba Chanh coi Tâm như người nhà. Chín Tâm tắt niềm mong ước về quê cũ ngoài Trung. Ở cái làng Mỹ Khê của Tâm đã bị giặc Mỹ tàn sát hàng loạt, đốt phá san phẳng xóm làng. Cha mẹ và bà con thân thích còn ai nữa đâu mà về! Hai trái tim cô đơn chia sẻ cùng nhau những nổi buồn vô tận.Song riêng Ba Chanh vẫn còn chút hy vọng là Hai Chính sẽ trở về. Một niềm hy vọng mong manh và đau đớn lắm!

                                                       ***

Sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975.
                   Thị xã Biên Hòa nhốn nháo. Chợ không họp.Trên trời vài ba chiếc máy bay quần thảo. Tiếng súng thưa dần. Lính Quân đoàn III tháo lui theo nhiều hướng về Sài Gòn.Khoảng giữa trưa thì yên ắng hoàn toàn. Cái sự yên tĩnh đến kỳ lạ. Một lúc sau cả thị xã vỡ òa trong niềm vui khôn tả. Nhân dân đổ ra đường chật ních phố phường. Cờ sao vàng nửa đỏ nửa xanh, cờ đỏ sao vàng đỏ rực. Và hoa, rất nhiều hoa. Những tiếng hoan hô như muốn vỡ toang lồng ngực: Nước Việt Nam độc lập thống nhất muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hoan hô Quân Giải phóng!Trung đoàn 113 được Bộ Tư lệnh chiến dịch phân công tiếp quản thị xã Biên Hòa.
Bà hàng xóm tốt bụng chạy sang nhà, báo tin mừng cho Ba Chanh: Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng.Tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng. Ba Chanh vui và trong lòng bừng dậy lên tia hy vọng. Lạy Trời, lạy Phật cho con được gặp lại chồng con! Ba Chanh thầm kêu: Anh Chính ơi! Anh có về trong đoàn quân giải phóng hôm nay không? Và Ba Chanh như nói với chính mình: Em đã đợi chờ anh trong khắc khoải, hy vọng, anh có biết không? Tuổi xuân cũng đã qua đi trong bao nỗi thương nhớ chờ mong đến cháy bỏng tim gan.
Năm 1976, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết Thống nhất đất nước. Đuòng xe lửa Bắc Nam được thông xe.Hai Chính tìm về Bảo Vinh. Hỏi thăm bà con sinh sống nơi này về tinh hình gia đình. Mọi người đều không rõ họ tản mác đi đâu từ cái dạo chiến dịch Tố cộng của Diệm ra đời. Có người cho biết đã lâu lắm, có lần gặp Ba Chanh ở Biên Hòa, làm nghề thợ may. Hai Chính đến những tiệm may ở Biên Hòa hỏi han tin tức Ba Chanh. Người ta mách có Ba Chanh chủ tiệm may Hoài Bắc ở đường gần chợ thị xã. Và Hai Chính, vai đeo ba lô, chân đi dép nhựa Tiền phong, gương mặt dày dạn phong sương … đã đến đó. Hai người mừng vui khôn xiết. Ba Chanh dặn Chín Tâm trông nom cửa tiệm và đưa Hai Chính về nhà.
Phút gặp gỡ thiêng liêng này làm cho Ba Chanh tưởng chừng như được sống lại những thời khắc hạnh phúc ban đầu, khi hai người đang tuổi hoa niên, những đêm ngắn ngủi sau khi cưới, rồi đến những nụ hôn nồng cháy trên bãi biển Bình Châu. Chao ơi! Thế mà đã  hai mươi mốt năm! Gần một phần tư thế kỷ chờ chồng. Có ít ỏi gì đâu?
 Hai Chính trong tâm trạng ngổn ngang, biết nói gì với người vợ thân thương! Cứ nghĩ là sau hai năm trở về, có ngờ đâu thời gian kéo dài đằng đẵng đến hơn hai chục năm mới gặp.Cay đắng quá! Đêm đó, hai người ngồi trên ghế sa lông ở phòng khách và nói chuyện với nhau về tất cả những gì đã diễn ra, Chỉ một mình Ba Chanh, giọng nhỏ nhẹ đều đều kể cho tới gần sáng. Hai Chính ngồi nghe thẫn thờ. Chín Tâm pha một phin cà phê và một bình trà nóng bưng lên. Chừng vài chục phút sau, Chín Tâm lại bưng lên hai tô bún bò Huế - món ăn quê hương mà ngày trước mẹ Hai Chính thường nấu.. Hai Chính nói với Ba Chanh rằng anh được điều động về công tác ở Đồng Nai. Sáng nay phải đến cơ quan nộp giấy tờ, hồ sơ. Ba Chanh thầm nghĩ: vợ chồng bao nhiêu năm xa cách biền biệt sao gặp lại nhau mà anh có vẻ lúng túng ngượng ngập? Sao anh lại không có những cử chỉ vồ vập yêu thương nhỉ?
Hai ngày sau – lại thêm hai ngày cộng với hai mốt năm – Ba Chanh lại khắc khoải chờ chồng. Ruột gan như bị cào xé bởi câu hỏi. Anh có còn là chồng của em nữa hay không? Hay là…Hai Chính trở lại ngôi nhà trong hẻm Cây Me. Ba Chanh mừng lắm, ríu rít thân thương. Hai  Chính nói rằng: anh phải trở về Bắc để lo thêm thủ tục giấy tở. Và lần đi này hơi lâu. Linh tính báo cho Ba Chanh biết rằng chồng mình chắc đã có vợ ngoài Bắc???
Sau bữa cơm trưa, Ba Chanh mang theo giấy chủ quyền nhà và cùng chồng lên Ủy ban nhân dân phường. Ba Chanh đề nghị chính quyền sang tên chủ quyền nhà cho ông Trần Kiêm Chính. Sau khi làm việc xong, Ba Chanh  nhận tờ giấy hẹn tuần sau lên nhận giấy chính thức.
Chiều hôm đó, Hai Chính bắt xe đò đi Hà Nội. Ba Chanh về nhà, gọi Chín Tâm nói chuyện, cho Chín Tâm một số vốn làm ăn và khuyên Chín Tâm nên trở về Quảng Ngãi. Dù không còn người thân, nhưng đây là quê hương cội nguồn, nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi còn mồ mả cha ông. Chín Tâm ôm Ba Chanh khóc nức nở. Mấy hôm sau Chín Tâm bịn rịn chia tay Ba Chanh về quê cũ.
Khi Chín Tâm đi rồi, ngôi nhà trở nên quá trống vắng, có phần lạnh lẽo. Ba Chanh một mình thui thủi vào ra. Bà hàng xóm tốt bụng thường hay sang chơi. Có khi bà nói chuyện với Ba Chanh suốt buổi tối. Ba Chanh coi bà là người hàng xóm tốt, ăn ở có nghĩa tình. Đúng một tuần sau, có một cán bộ của phường đến tìm Ba Chanh và trao cho cô tấm giấy chủ sở hữu ngôi nhà hẻm Cây Me, mang tên ông Trần Kiêm Chính.Ba Chanh ra chợ Biên Hòa, ép nhựa cứng các giấy tờ có liên quan tới ngôi nhà và mua một cái cặp ny lông  có khuy cài, bỏ tất cả giấy tờ vào đó. Chanh còn mua một ổ khóa mới to, chắc chắn đem về nhà.
Tối đến, Ba Chanh sang nhà bà hàng xóm tốt bụng mời bà sang chơi để cô nhờ chút việc. Bà hàng xóm tốt bụng nghe Ba Chanh có ý muốn gửi ngôi nhà và giấy tờ nhà cho bà thì bà dãy nãy lên. Không, không! Tôi không nhận đâu.Cô ở lại đây với chúng tôi, bà con chòm xóm với nhau lâu rồi. Chúng tôi rất quý mến cô. Chúng tôi không muốn cô đi đâu hết.Nhưng rồi, với sự cương quyết ra đi của Ba Chanh, bà hàng xóm đành nhận giấy tở, chùm chìa khóa.
Hai tháng sau, gần giáp Tết Bính Thìn, Hai Chính vể Biên Hòa mang theo vợ và hai đứa con. Thằng con trai  chừng bảy tám tuổi và cô con gái khoảng năm sáu tuổi.Cấp trên  bố trí cho gia đình Chính ở cư xá Mỹ (lầu 5 tầng) ngay góc đường Hà Huy Giáp ngày nay. Mấy hôm sau, cả nhà Chinh về thăm Ba Chanh, trong hẻm Cây Me. Đến nơi, cổng nhà khóa.Nhìn vào, Chính thấy sân đầy lá xoài rụng.Gọi cửa, bấm chuông mãi không thấy ai thưa. Bà hàng xóm tốt bụng vừa đi đâu về trông thấy Chính liền mời vào nhà. Bà nói rằng Ba Chanh bỏ nhà ra đi sau hai ngày kể từ hôm cái anh cán bộ phường đến trao cho Chanh tờ giấy chủ quyền nhà. Tôi hỏi: Đi đâu, cô Chanh không nói và trao cho tôi cái cặp hồ sơ nhà và chùm chìa khóa..Cô Chanh dặn tôi khi nào ông đến thì giao lại cho ông.Bà lật đật vào phòng trong và lấy ra cặp hồ sơ cùng với chùm chìa khóa trao lai cho Hai Chính.

                                                          ***

Cheo leo trên sườn núi Nghinh Phong có một ngôi chùa nhỏ mang tên Tâm Phước tự. Hàng ngày có một ni cô tuổi độ ba chín bốn mươi có gương mặt thánh thiện,nói tiếng miền Trung, thường ra quét dọn sân chùa. Phật tử nhiều người biết ni cô này có pháp danh là Ni sư Thích nữ Tâm Quang.
Tôi đặt câu hỏi: Phải chăng đây chính là Nguyễn Ngọc Thị Chanh, tự Ba Chanh quê gốc Quảng Trị ,vợ Trần Kiêm Chính tụ Hai Chính –người xứ Thần kinh,cố đô Huế đã cùng gia đình di dân vào Long Khánh từ đầu thế kỷ trước?!
          Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ!
                                                                             Xuân Bảo
                                      Biên Hòa, những ngày cuối tháng Mười 2014

Tác phẩm Dự Trai viết về đề tài Chiến tranh và Cách mạng của Hội VHNT Đồng Nai tổ chức tháng 11 năm 2014.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét