Trang

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

132.Giới thiệu Thơ Lê Hoàng

Giới thiệu sách:
     Đôi dòng ghi nhận về tập thơ Giai điệu bốn mùa của Lê Hoàng.
                               NXB Hội Nhà Văn-2014.

TRẢ LẠI CHO EM NỤ HÔN…NGÀY NÀO

Ở vào cái tuổi “Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm…”Lê Hoàng lắng tiếng lòng quay về dĩ vãng, nhìn lại những năm tháng đầu đời bước vào tuổi yêu đương.
          Tập thơ Giai điệu bốn mùa của Lê Hoàng mang nặng nỗi niềm hoài niệm về bóng dáng những mối tình đầu đầy thơ mộng và lãng mạn.Giai điệu bốn mùa chỉ là cái cớ để ông gửi gắm những cung bậc tình cảm của tuổi trẻ khi bước vào tình trường…những câu thơ thật hay, thật xúc cảm mà người đọc cũng được chia sẻ, buồn lây. Mùa xuân, mùa đẹp nhất trong năm. Mùa của cây cỏ đâm chồi nảy lộc. Mùa của con ong đi hút mật và đàn bướm lượn quanh những đóa hoa.

                   Xuân tình réo gọi, say lòng bướm
                   Xao xuyến hồn hoa, ngây ngất ong…
Để rồi:
                   Loe lóe chút tình trong ánh chớp
                   Mưa hạ dần phai qua bóng câu…

Chỉ đến khi mùa thu tới, mùa thu của lá vàng bay, mùa của yêu đương vương vấn. Ta thấy nhà thơ đã gửi vào đó những lời của con tim, dường như Thần Ánh Sáng và Ả Hằng Nga cùng lúc xuất hiện, lồng vào nhau biết bao trìu mến. Có nụ hôn nào đẹp đến thế chăng?

          …Không chỉ mùa thu ta có nhau
          Ánh dương lồng nguyệt nụ hôn trao…
Thế rồi:

          …Suốt một mùa đông lạnh giá băng
          Hương nồng hòa quyện mộng ngàn năm

          Bốn mùa xuân hạ thu đông lần lượt xoay vần trong vũ trụ mênh mang. Sao lại mộng ngàn năm? Đúng như câu thơ của một nhà thơ Pháp:

                   …Ái tình là cánh đồng ma
                   Ai đi vào đó chẳng sa lệ sầu

          Nhà thơ đếm bước chân mình tha phương bên cõi trời Tây xa xôi, ngắm tuyết lạnh mà bồi hồi xao xuyến:

                   Đường tình xuôi ngược về đâu?
                   Lang thang đếm bước canh thâu mỏi mòn!

          Tôi gọi đây là một tập thơ tình, bởi vì trong 32 bài ở tập thơ này chỉ có một số rất ít bài viết về đề tài xã hội. Đó là Tình cô bán báo, tác giả thương và cảm thông với bao nỗi nhọc nhằn của cô gái nhỏ:

                   …Ruổi rong, con chữ trên đường
                   Liêu xiêu dáng nhỏ, chiều nương bóng dài.

          Tuổi thơ vất vả mưu sinh, em chỉ có một ước mơ, một ước mơ cháy bỏng để được như các em cùng trang lứa:

                   Ước mơ tuổi nhỏ tràn đầy
                   Bao giờ em có bạn, thầy kề vai?...

          Nhà thơ thương cho số phận những kiếp cầm ca trong Một thời của Sài Gòn phồn hoa ngày đó, khi tiếng Ngày xưa áo hát và những bước nhảy của ca nương. Xưa thì:
                   Ngày xưa áo lụa kiêu sa
                   Người đưa kẻ đón ngựa xe rộn ràng…

          Và giờ đây, khi hương sắc đã tàn úa:

                   …Lối về lẻ bóng chênh vênh
                   Thầm trong tiếng nấc, nỗi niềm chơi vơi

          Tuổi thơ của Lê Hoàng, trên quê nghèo Hải Lăng, Quảng Trị - nơi có những trận gió Nam, còn gọi là gió Lào -  tuốt lá tre và rang bỏng cát Tiểu Trường Sa chắc cũng như bao đứa trẻ khác nghèo đói có gì để phá cỗ Trung Thu? Nhà hơ đã có những câu thơ làm tim ta bật khóc:

                   …Trăng sáng đêm rằm soi nhân thế
                   Người thì vung vãi, kẻ lê thê…

          Dù chỉ có duy nhất một bài viết về Biển-Đảo nhưng nhà thơ đã gửi vào đó biết bao tâm tình với tình yêu Tổ quốc thiết tha. Lê Hoàng khẳng định:
                
                   Biển ta, ta bám
                   Đất ta, ta trồng…
                   ……
                   Tổ tiên ta hơn bốn nghìn năm dựng nước
                   Không bao giờ khuất phục bọn xâm lăng

          Những năm còn lại, khi tuổi đời đã nghiêng về phía hoàng hôn, ông muốn làm Lã Vọng:
                   …Ta thư thả bên bờ sông vắng lặng
                   Một cần câu ngang dọc khắp sông hồ

          Nhà thơ ung dung ngồi ngắm trăng bên Tĩnh Môn, để rồi:

                   …Giờ đây thiền bất động
                   Với Ngã là bản Không
                   Ta tìm ta trong bến
                   Không có cũng Không cùng

          Trong bài Hai đôi mắt trần gian, tác giả có cái nhìn rất lạ;

                   Khi tôi sinh ra
Trời cho tôi hai đôi mắt
Đôi mắt trước và đôi mắt sau

Điều lạ là đôi mắt sau khi đến tuổi qua thời để nhà thơ nhìn về quá khứ và định tương lai. Nhà thơ cho rằng:

          …Mắt là Ý, là Tâm là Diệc
          Bao phong trần, bỏ “nghiệp” chuyển “không”…

Một lần nữa, tôi khẳng định Giai điệu bốn mùa của Lê Hoàng là một tập thơ tình. Tình trẻ lúc thanh xuân và Tình già khi thấy mình tóc bạc da mồi. Bạc màu thời gian nuối tiếc, mặc dầu nhà thơ cố để cho Bụi phù du khỏa lấp một đời. Nhà thơ thảng thốt kêu lên và muốn níu thời gian lại:

          Thời gian ơi!
          Tuổi xuân đã qua rồi
          Thôi cứ mặc mái đầu sương trắng xóa…
Hoặc:
          …Anh về nơi xứ lạ
          Em một mình đơn côi
          Giờ đây đầu nhuốm bạc
          Sương trắng một khung trời…

Tôi lấy làm thú vị khi đọc hai bài thơ Lê Hoàng làm theo thể thơ Đường luật khá chỉn chu về niêm luật và không kém mượt mà, giàu nhạc điệu. Đó là bài Bâng khuâng và bài Tình lặng. Có gì ung dung tự tại hơn, dù nhà thơ đau đáu tiếc nuối duyên xưa;

          Đêm nằm lặng lẽ đếm sao rơi
          Tiếc nuối duyên xưa khổ một đời…

Khép lại Tập thơ tình này là bài thơ Người bỏ ta đi, tác giả trở về với Giai điệu bốn mùa:

          Người bỏ ta đi khi tuổi xuân tàn tạ
          Như mùa hạ chuyển sang thu
          Mùa đông thay lá trơ cành
                    Ta không còn gì ngoài mái tóc khô bạc trắng
                                      ***
Nhà thơ Lê Hoàng còn là người đam mê âm nhạc. Ông đã có nhiều ca khúc của một thời đi qua. Trong tập Giai điệu bốn mùa ông cho in những ca khúc riêng của mình như Hoài vọng, Qua cầu tìm em và một bài ông phổ thơ Nguyên Sa, bài Tương tư. Gàn đây, ông phổ nhiều bài của nhà thơ Hoàng Anh Vi như  Còn mãi nụ cườiNhớ Mẹ
Dẫu biết rằng Thơ là nguồn cảm hứng vô biên của người viết, tuy nhiên khi để ngòi bút trào lên trang giấy, đôi khi cũng có những khiếm khuyết nhất định. Mong độc giả thông cảm.
Xin trân trọng giới thiệu Giai điệu bốn mùa cùng bạn đọc.

                                                Nhà thơ Xuân Bảo

          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét