Trang

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

259. KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG CAMPUCHIA



KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG CAMPUCHIA.

NGÀY NÀY 40 NĂM VỀ TRƯỚC, NGÀY 7 THÁNG 1 NĂM 1979, NHÂN DÂN CAMPUCHIA ANH EM THOÁT KHỎI HỌA DIỆT CHỦNG CỦA BÈ LŨ KHMER ĐỎ.

Tôi ôn lại lịch sử bằng 2 ký sự. Một thoáng Phnom Pênh và Angkor ký sự để tưởng nhớ những ngừi lính tình nguyện của Việt Nam đã hy sinh vì tình hữu nghị cao cả của 2 dân tộc anh em.

1.MỘT THOÁNG PHNÔM – PÊNH
Đúng 6 giờ. Chiếc xe ca nhãn hiệu Hino mang cờ Campuchia bắt đầu chuyển bánh. Hai bên thành xe được kẻ bằng hai ngữ Việt Nam và Khmer: Thủ đô Phnôm-Pênh - Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong 12 chuyến xe khứ hồi của 6 ngày trong tuần, chạy giữa hai thành phố, được ngành du lịch hai nước thỏa thuận ký kết nhằm đưa đón khách. Ngày chủ nhật nghỉ.
Xe rộng thênh thang. Số khách không đủ số ghế 52 chỗ ngồi. Chúng tôi đếm được cả thảy 22 người gồm 4 người của nhà xe, 3 du khách là người Hà Lan đi du lịch hoang dã. Hành lý của họ là một chiếc ba lô đeo trước bụng, 6 vị khách Việt Nam. Còn lại là người đi buôn. Một phần ba xe phía sau chất đầy hàng hóa, đủ loại. Dưới gầm ghế cũng được xếp chật ních hàng, khách không còn chỗ để chân thoải mái.
8 giờ, xe chúng tôi tới cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Hành khách xuống xe và làm các thủ tục kê khai hải quan, thị thực xuất nhập cảnh, khám xét hành lý…của hai bên ta và bạn, mất đúng 4 tiếng đồng hồ!
Trưa hè, rất nắng và rất nóng. Đường biên giới chỉ là một con đê nhỏ đắp thành phòng tuyến hồi trước năm 1979. Vài ba bụi tre gai mọc lúp xúp. Nhìn sang đất bạn đã thấy bóng dáng những cây thốt nốt vươn lên giữa trời cao. Trong khi chờ đợi, những người bạn Hà Lan và chúng tôi cùng uống chung một vài lon bia với những chiếc trứng cút luộc, chụp ảnh chung. Qua trao đổi chúng tôi được biết trong ba người đó có một cặp vợ chồng. Họ đã tốt nghiệp đại học. Suốt hành trình, họ thường chăm chú đọc quyển từ điển Anh – Việt – Lào – Campuchia. Nơi nào xe dừng, họ tranh thủ ghi chép và chụp ảnh.
Những người bán hàng rong bên phần đất Việt Nam ngang nhiên chào mời khách mua thuốc lá ba số 5. Tôi hỏi một đồng chí hải quan: Sao ở đây bán thuốc lá ngoại công khai vậy? Trả lời: Thuốc lá lẻ, số lượng không đáng kể. Hỏi tiếp: Thế thì Quyết định 287 của Hội đồng Bộ trưởng có còn hiệu lực không? Nhân viên hải quan cười trừ thay cho câu trả lời! Tôi liên tưởng đến thị trường thuốc lá ngoại được tiêu xài gần như công khai tại Sài Gòn và nhói lên trong tim một nỗi xót xa. Cũng tại Mộc Bài này và suốt chiều dài biên giới đã diễn ra một cuộc chiến thực sự ác liệt giữa những chiến sĩ thi hành Quyết định 287 với bọn buôn lậu qua biên giới, có đồng chí đã hy sinh. Thế mà bây giờ …
Cổng chào và nhà cơ quan phía Việt Nam được kiến trúc bằng chất liệu bê tông cốt thép. Cổng chào phía bạn và cả những ngôi nhà của các cơ quan chức trách kiến trúc mô phỏng theo hình dáng những ngọn tháp Angkor Vat và mái ngói cong của các ngôi chùa Khmer. Phù điêu nàng Apsara được gắn trên các bức tường nhà làm việc. Bản sắc dân tộc Campuchia được thể hiện ngay nơi cửa khẩu. Dù khách bất kỳ nước nào đến đây đều hiểu ngay ra rằng: ta đã đến của đất nước của nền văn minh Angkor.
Hơn giữa trưa, xe chúng tôi mới đi vào phần đất của bạn, tỉiệtnh Svây Riêng mà dân ta quen gọi là tỉnh Xoài Riêng. Là tỉnh biên giới, Svây Riêng bị chiến tranh tàn phá nhiều. Nhà cửa phần lớn mới được dựng lại, nhiều và phổ biến là nhà tranh vách đất, thi thoảng mới có một vài nhà ngói. Người nông dân vẫn lam lũ với ruộng đồng. Trẻ em vẫn đầu trần chân đất, tha thẩn chơi đùa trước mảnh sân nhà nhỏ hẹp.
Đường xấu, xe xóc nhiều chiếc Hino đã phải ngừng lại sửa đến lần thứ ba. Đầu máy bị tháo tung. Điệu này nếu chờ sửa xe thì tối mịt. Một số khách không vướng hàng hóa đã phải chào “từ biệt” chiếc Hino chết tiệt để sang xe khác. Ba người Hà Lan và hai khách Việt Nam vẫy đón một chiếc xe du lịch đời mới, chưa đăng ký biển số. Chủ xe nhảy lên ngồi trên ca bô để nhường chỗ trong xe cho khách và họ thu 1000 riel (tiền Campuchia) mỗi người. Hai chúng tôi đón được một xe cứu thương và cũng phải chi ra 20.000 đồng tiền Việt Nam để được đi đến Phnôm Pênh.
Qua khỏi thị xã Svây Riêng thì trời đổ mưa. Xe chạy trong cơn giông gầm thét dữ dội. Mưa trắng trời và gió giật từng cơn. Người lái xe cứu thương còn rất trẻ, khoảng trên dưới 30 tuổi, mặc quân phục, có súng ngắn, không đeo lon nên không hiểu ở lực lượng vũ trang nào. Dù mưa to, anh ta vẫn cho xe chạy với tốc độ cao, bỏ lại phía sau nhiều xe khác kể cả xe du lịch. Đến bến phà Neak Loeung (ta thường gọi là Niết Lương) thì trời tạnh. Nắng hửng lên một chút, nhưng những đám mây đen vẫn vần vũ.
Niết Lương, nơi cách đây 12 năm đã chứng kiến bước chân của những đoàn quân tình nguyện Việt Nam vượt sông bằng cầu phao tiến vào giải phóng Phnôm Pênh, để làm nên ngày 7 tháng 1 năm 1979 lịch sử, chấm dứt chế độ diệt chủng Pôl Pốt – Iêng-Xary. Niết Lương hôm nay được xây dựng lại với những ngôi nhà cao tầng. Quán sá mọc lên san sát. Buôn bán sầm uất. Trong lúc chờ phà, chúng tôi ghé vào một quán cơm. Gạo thơm, thức ăn nhiều loại nhưng nấu nướng chưa thật khéo nên chưa ngon. Giá một suất cơm dĩa là 250 riel. Người dân ở đây tiêu cả hai loại tiền: đồng Ngân hàng Việt Nam và đồng Riel Campuchia. Tỷ giá hối đoái xấp xỉ trên dưới 1 ăn 10, nghĩa là cứ 1 đồng riel ăn 10 đồng Việt Nam. Có rất nhiều người làm nghề đổi tiền. Họ xách những túi tiền lớn nằn nì khách. Đổi cho người đến Campuchia thì giá riel cao. Đổi cho người rời khỏi đất nước bạn thì giá riel cũng lại cao hơn tiền Việt. Đằng nào thì họ cũng có lợi. Đó cũng là một cách làm ăn khá phát đạt.
Những chiếc phà có trọng tải lớn mang nhãn hiệu Hòa Bình (Peace) làm nhiệm vụ đưa các phương tiện vận tải và hành khách qua lại đôi bờ. Dòng Mêkông chảy xiết và đục ngầu phù sa. Các em bé trạc tuổi 10, 15 bán hàng rong, chào mời khách sang phà bằng cả tiếng Việt và tiếng Khmer. Hàng rong chủ yếu là gương sen và thuốc lá. Những hạt sen còn tươi nguyên, ăn vào có vị ngọt và bùi. Thuốc lá thì đủ loại: ba số 5, Pall Mall, Hero, Ruby…không thấy thuốc lá Việt Nam sản xuất. Thuốc lá Miên chỉ có mấy loại: 7 Janvier (7 tháng Giêng), Libération (Giải phóng) và Apsara.
Phà qua sông khá nhanh. Chỉ còn non trăm cây số nữa thì về Phnôm Pênh. Xe lên khỏi phà thì phóng như bay. Lại mưa to. Con đường trải nhựa cao như một con đê, cặp sát dòng Mêkông suốt chiều dài của tỉnh Kandal. Phum sóc nằm phía dưới. Đầu mỗi con đường vào phum đều có bốt gác làm kiểu nhà sàn, bốn mái lợp ngói đỏ, sạch sẽ, tươm tất.
Có một chiếc xe du lịch ngược chiều với xe chúng tôi mang nhãn hiệu Peugoet 404 đã cải hoán thành xe chở khách. Hàng hóa, xe đạp và cả người nữa ngồi trên nóc xe. Ca bô xe chẳng khác nào những chiếc xe lô Biên Hòa – Sài Gòn. Những cây xăng lẻ bán dọc bên đường, cũng chai lọ, bi-đông giống hệt Việt Nam. Giá 1 lít xăng là 200 riel.
Càng gần thủ đô, chúng tôi thấy càng nhiều xe honda lôi. Phần rơ-moóc thiết kế dài, có thể chở được vài chục người. Xe trang trí đẹp. Vì đường hẹp (đường làm từ thời Pháp thuộc) nên khi gặp xe tải, xe ca chở khách ngược chiều, xe chúng tôi phải nép vào vệ đường nhường cho xe lớn đi qua. Những ngôi nhà sàn làm phía bờ sông vì muốn làm ngang mặt đường nên đã phải dùng những bộ sườn cao lêu đêu, có nhà thì làm bằng bê tông cốt thép, cũng có nhà làm bằng bộ sườn gỗ, sườn nguyên cây. Những bộ gọng này có cái cao tới 10 – 15 mét, tùy chỗ nông sâu so với mặt đường, trông chênh vênh, ngất ngưỡng và có cảm giác dễ đổ. Nhưng không, nhà làm kiểu này cũng rất vững chãi. Sở dĩ phải làm cao lên như vậy vì đề phòng mùa nước nổi. Mùa khô, Campuchia là mùa nước kiệt, rất hiếm nước nhưng sang mùa mưa thì đồng bằng là cả một biển hồ mênh mông.
Khác với Svây Riêng hai tỉnh Prey Veng và Kandal mà chúng tôi đi qua có ruộng đồng bát ngát, vườn tược xum xuê cây trái và có rất nhiều nhà ngói, nhà xây. Chùa chiền cũng nhiều hơn. Chùa được xây trên những gò đất cao, thông thoáng, uy nghi, tráng lệ. Trước mỗi cổng chùa đều có tượng sư tử bằng đá nhe răng và rắn 7 đầu Naga. Tôi lại nhớ đến các ngôi chùa Việt Nam ẩn mình trong những lùm cây cổ thụ, thâm u, khiêm nhường và huyền ảo. Đạo Phật ở Campuchia được tôn vinh là Quốc giáo. Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng nhà thờ Công giáo, kể cả ở các thành phố.
Cách Phnôm Pênh chừng 10 cây số, nhà cửa hai bên đường đã thấy dày đặc hơn. Biển tên các cửa hiệu được kẻ bằng tiếng Khmer, Anh, Pháp, Trung Hoa. Vài ba cửa hiệu có phụ đề tiếng Việt.
Xe chúng tôi đến cầu Monivông, còn gọi là cầu Sài Gòn thì trời tạnh hẳn. Phnôm Pênh hiện ra trong vẻ đẹp mùa hạ. Đường phố chính rộng thênh thang, sạch sẽ. Suốt đại lộ Achar Mean, (Sơn Ngọc Minh) nườm nượp xe cộ đi lại, phần lớn là loại xe đời mới, kiểu mới, đủ các nhãn hiệu: Toyota, Mercedes, Peugoet, Renaul…Có chiếc đã mang đăng ký, cũng còn nhiều chiếc chưa có biển số. Và xe gắn máy thì nhiều vô kể. Phần lớn đều do Nhật mới sản xuất trong những năm gần đây. Các hiệu buôn mở rộng cửa. Rất nhiều mặt hàng được bày bán, từ chiếc máy kéo, ôtô…đến gói xí muội nhỏ xíu. Tất cả đều là hàng nhập khẩu. Đây là đường phố có các cơ quan trong và ngoài nước đóng, đồng thời là con phố có nhiều khách sạn lớn nhất.
Anh bạn lái xe đưa chúng tôi về tận cổng trường Đại học Tổng hợp Phnôm Pênh trên đại lộ Liên bang Xô viết (USSR boulevard). Chúng tôi vui vẻ chia tay nhau và hẹn gặp lại. Biết bao giờ mới gặp lại được nhỉ?
                                                ***
Anh Xum Chum Bun, cán bộ giảng dạy trường Đại học Tổng hợp suốt buổi chiều nay đợi đón chúng tôi tại bến xe, nhưng không gặp vì xe hỏng, chúng tôi sang xe về thẳng trường. Bun cũng vừa từ bến xe và vui mừng xiết chặt tay đón chúng tôi. Anh nói tiếng Việt khá sõi:
   - Xin chào các anh. Các anh đi đường có mệt lắm không?
   - Xin cảm ơn Bun nhiều. Mệt thì có mệt nhưng rất vui vì được đến thăm đất nước của bạn!
Bun năm nay 32 tuổi. Gia đình anh có hai thân nhân bị bọn Pôl Pốt giết hại. Khi mới giải phóng anh mới 20 tuổi và thoát chết nhờ các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam vào kịp thời. Từ đó, anh được nhà nước cho ăn học. Tốt nghiệp đại học, anh được ở lại trường làm cán bộ giảng dạy.
Bun được cử sang Việt Nam làm nghiên cứu sinh môn văn tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh là môn sinh của các giáo sư Nguyễn Đình Cao, Nguyễn Ngọc Phan, Mai Bình. Hai năm ở Hà Nội, anh đã có thể nói và viết ngữ Việt khá thành thạo. Để dồn sức lực và tâm trí vào việc học, Bun vẫn chưa lập gia đình. Trong những ngày chúng tôi ở lại Phnôm Pênh, anh là người bạn, người hướng dẫn chúng tôi thăm thú nhiều nơi và làm luôn thông dịch.
Chúng tôi được bố trí nghỉ tại khu chuyên gia Việt Nam đang giúp bạn làm công tác giảng dạy tại các trường đại học Phnôm Pênh. Đây là biệt thự nghỉ cuối tuần của cựu chủ tịch Quốc hội In Tam dưới thời Lon Nol. Biệt thự ngoại ô, kiến trúc đẹp nhưng đã bị chiến tranh và thời gian tàn phá nên xuống cấp nghiêm trọng. Bạn chưa có điều kiện tu sửa lại.
Các giáo sư Việt Nam, ngoài giờ đứng trên bục giảng, khi trở về nơi ở đều phải làm lấy mọi việc. Mỗi phòng là một tiểu táo. Tự túc đi chợ, tự túc nấu nướng, tự túc xách nước lên phòng riêng của mình. Lương danh nghĩa một tháng là 600 USD, chỉ hưởng 120USD, còn 480 USD được coi là viện trợ cho bạn. Chuyên gia Liên Xô được hưởng trọn 600 USD.
Giáo sư Văn, khoa Vật lý, Đại học Sư phạm Hà Nội được cử sang giảng dạy một “cua” ba tháng cũng sắp sửa về cùng chúng tôi. Anh tâm sự: Tuy số lương ít ỏi đó, cũng giành dụm mua được cái TV màu rồi. Như thế cũng thỏa mãn được với một chuyến công tác ngắn hạn ở nước ngoài. Ở nhà làm sao mua nổi! Anh Văn dặn chúng tôi: - Buổi tối chớ có ra sân vì ở đây có rất nhiều rắn, có cả trăn nữa. Nền nhà làm trên đồng lầy, đã sụt lở, tạo ra nhiều hang hố. Rắn tha hồ sinh sôi nẩy nở.
Chị Việt, phóng viên tạp chí Du lịch Việt Nam, vợ giáo sư Cao thết chúng tôi một bữa nem rán Hà Nội ngon lành, có cả rượu sâm. Chị nói thịt lợn ở đây rẻ, chỉ có 8.000 đồng tiền Việt một ký. Cá rẻ hơn nhiều, cá ngon chỉ khoảng 2 đến 3 ngàn đồng một ký. Bun cùng chung vui với chúng tôi. Anh kể chuyện thời thơ ấu cuả mình, chuyện người thân bị Pôl Pốt giết hại, chuyện học hành…
Cũng giống như ở Sài Gòn, Phnôm Pênh thường bị mất điện. Chúng tôi ngồi ăn và đàm đạo trong ánh đèn dầu tù mù, ánh sáng chập chờn của ngọn đèn hoa kỳ nhỏ xíu. 22 giờ đêm, chúng tôi chia tay nhau.
Đứng trên bao lơn của biệt thự có thể nhìn thấy toàn cảnh thủ đô Phnôm Pênh trong một đêm trăng mùng mười. Bầu trời như được gột sạch sau những cơn mưa ban ngày. Cây lá như được giát bằng thuỷ ngân. Bàng bạc sương đêm. Những vệt sáng dài do ánh điện hắt lên trên những con phố dài – những con đường quan trọng có cơ quan nhà nước đóng và khách sạn quốc tế.
Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát đi bản tin cuối ngày, loan tin bọn Khmer Đỏ sát hại gần 100 công nhân lâm nghiệp Việt Nam. Lòng chúng tôi se lại, quặn thắt!
Đêm Phnôm Pênh vẫn bình yên.
Ngày hôm sau, chúng tôi đến thăm Tổng cục Du lịch Campuchia (Général Direction of Tourist Cambodia). Cơ quan Tổng cục đóng tại ngôi nhà số 3, đại lộ Achar Mean. Đoàn chúng tôi có nhà báo Nguyễn Ngọc Kiềm, trưởng ban biên tập tạp chí Du lịch Việt Nam, chị Lê Thị Việt, phóng viên và tôi. Xum Chum Bun giúp làm phiên dịch.
Đồng chí Sam Promonea, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nồng nhiệt xiết chặt tay các bạn Việt Nam. Cùng tiếp khách có hai trợ lý, trong đó có một người đã được ngành du lịch Việt Nam đào tạo, rất rành tiếng Việt. Với tình hữu nghị anh em, đồng chí Sam trò chuyện với chúng tôi như những người thân, quen biết từ lâu. Đồng chí nói:
Rất hân hạnh được đón tiếp các bạn đã tới thăm Campuchia, thăm ngành du lịch chúng tôi. Năm ngoái, chúng tôi đã có dịp tới thăm Hà Nội, thăm Tổng cục Du lịch Việt Nam, được gặp đồng chí Tổng cục trưởng Quyền Sinh và đồng chí ấy có nhã ý mời chúng tôi đi bằng ôtô thăm suốt chiều dài đất nước các bạn. Rất tiếc vì thời gian eo hẹp nên chúng tôi không thực hiện được chuyến đi đó. Những người làm công tác du lịch rất biết ơn các bạn Việt Nam đã giúp chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm tổ chức ngành, giúp đào tạo cán bộ làm du lịch. Đặc biệt Vietnamtourism và Saigontourist đã ký hợp đồng với Du lịch Campuchia đưa đón khách. Hai công ty Du lịch Phnôm Pênh và Siem Reap cũng đã sang thăm và làm việc với Du lịch Việt Nam, Du lịch Hà Nội. Giữa hai ngành du lịch chúng ta đã có sự thỏa thuận cứ 3 tháng họp với nhau một lần để kiểm điểm kết quả công việc. Đầu tháng 1 năm 1991 đã có một cuộc họp như thế. Tháng 4 vừa qua, đáng lẽ phải tiến hành cuộc họp thứ 2, song vì trong tháng đó chúng tôi bận đón tết dân tộc nên đã điện cho Du lịch Việt Nam xin hoãn đến cuối tháng. Cho đến nay đã 2 tháng trôi qua mà chưa thấy các đồng chí sang.
Tình hình phát triển khách du lịch quốc tế 6 tháng đầu năm 1991 có tiến bộ hơn. Năm 1990, mặc dù có nhiều công ty nước ngoài ký hợp đồng đưa khách vào tham quan Campuchia, nhưng vì năm đó quân tình nguyện Việt Nam đã rút hết về nước nên họ cũng ngại, sợ tình hình chiến sự không ổn. Đó là tâm lý khách. Sang năm nay, ngoài các công ty cũ chúng tôi có thêm nhiều công ty đến ký hợp đồng, tổng số lên tới 51 công ty. Đáng kể, trong số đó có 2 công ty của Nhật và 1 công ty lớn của Đài Loan. Có thể nói, khách quốc tế đến Campuchia ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng tháng 1 năm 1991, số khách vào đã bằng cả năm 1990. Dự kiến kế hoạch năm 1991, Campuchia đón 3000 du khách, nhưng thực tế quý 1 vừa qua chúng tôi đã đón hơn 3600 người. Đó là điều đáng mừng nhưng đồng thời cũng là nỗi lo của ngành du lịch. Phía cơ quan Tổng cục do ra đời muộn, bộ máy chưa ổn định. Cán bộ thiếu, cơ sở vật chất thiếu, kinh nghiệm thiếu, vốn liếng chưa có bao nhiêu. Khó khăn chồng chất. Công việc ngày càng nhiều, đòi hỏi nhịp độ khẩn trương hơn. Thực sự, chúng tôi đang chạy đua với thời gian.
Hiện tai, Tổng cục chưa có một khách sạn nào. Cuối tháng 6 này Bộ Công Thương Campuchia sẽ bàn giao cho chúng tôi một khách sạn 4 sao. Khách sạn này đã mấy lần thay tên. Thời Sihanouk mang tên Royal, thời Lon Nol mang tên Le Phnom, nay khách sạn đang mang tên Samaki. Chúng tôi sẽ xin Hội đồng Bộ trưởng đặt lại tên cũ của nó: Royal hotel (khách sạn Hoàng gia).
Điều đáng mừng là nước ngoài xin vào đầu tư liên doanh với ngành du lịch rất nhiều. Thailand xin xây dựng một khách sạn 12 tầng. Một công ty Ấn Độ xin xây dựng 2 khách sạn, mỗi cái 75 phòng ở Siem Reap, nơi có danh thắng lịch sử nổi tiếng Angkor Vat. Cũng tại nơi này, một công ty của Pháp xin đầu tư một khách sạn 600 phòng. Công ty Punmal xin xây dựng một khách sạn 8 tầng, 200 phòng. Công ty Nava của Hungari xin đầu tư khu du lịch săn bắn ở tỉnh Pursat., một vùng có khí hậu Châu Âu về mùa hè. Công ty Mai Kiều dầu tư xây dựng một chợ mới 6 tầng, 3 tầng lầu trên là khách sạn, 3 tầng dưới là siêu thị, có vườn hoa, có bể bơi, sân thể thao. Công trình này dự kiến hoàn thiện trong vòng 24 tháng. Nhà nước chúng tôi đang nghiên cứu một dự án của Pháp xây dựng 1 khách sạn 8 tầng, 424 phòng theo kiểu dáng kiến trúc Bayon, hình 5 cánh, trong đó có 3 restaurant lớn, có phòng họp, hội thảo và ký kết các văn bản quốc tế.
Trước tình hình như vậy, hàng không là một vấn đề bức xúc cần được giải quyết. Trước đây, một tuần chỉ có 2 chuyến bay quốc tế, nay đã lên đến 7 chuyến /tuần. Trên đà này các chuyến bay sẽ tăng lên nhiều. Các hãng hàng không Singapore, Thailand, Nhật, Pháp, Bỉ, Đài Loan, Hồng Kông đã có cơ quan đại diện ở Phnôm Pênh. Air Liberté Pháp đang tìm tuyến bay mới nối Paris- Bangkok – thành phố Hồ Chí Minh. Phnôm Pênh sẽ là điểm đỗ trung chuyển cho tuyến bay này. Và còn nhiều hãng hàng không khác đang xin mở văn phòng đại diện ở thủ đô Phnôm Pênh.
Đồng chí Sam đưa ra một tấm bản đồ du lịch Campuchia in đã lâu và giới thiệu với chúng tôi. Hiện tại, ngành du lịch Campuchia có 8 công ty du lịch. Đó là Angkor tourist, Kompong Som tourist, Kompong Cham tourist, Kampot tourist, Préat Vihear tourist…Các tỉnh khác chỉ mới có phòng du lịch. Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức một công ty quốc gia, quản lý các công ty du lịch cấp dưới. Tôi thật sự không hiểu tại sao Việt Nam đang từ Tổng cục lại đổi sang Tổng công ty Du lịch?
Đồng chí Sam nói: Một chuyên gia Pháp gợi ý nên đề nghị chính phủ thành lập Bộ Du lịch. Như thế mới đảm đương được nhiệm vụ ngày càng to lớn và nặng nề của ngành du lịch. Hiện nay, Tổng cục Du lịch vẫn trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Campuchia.
Trong phương hướng phát triển ngành du lịch từ nay đến 1995, chúng tôi chia làm 3 giai đoạn 91-93-95. Đến 1995 thì khôi phục toàn bộ vùng biển. Các tỉnh ven biển Koh Kong, Kampot và thành phố Kompong Som rất có lợi thế. Du khách sau khi thăm thú các đền chùa và vùng núi ãnh đạosẽ đến với biển. Kompong Som đã có sẵn khách sạn 7 tầng, 4 sao, có suối nước ngọt, nhất là có bãi cát đổi mầu, chữa được nhiều bệnh. (Cát nơi khác thì mầu trắng nhưng khi chuyển về vùng Kép thì đổi sang mầu nâu nhạt. Có lẽ do tác động khí hậu của vùng này).
Kết thúc cuộc gặp, một lần nữa đồng chí Sam Promonea lại nói lên lòng biết ơn cuả lãnh đạo, của toàn thể cán bộ nhân viên ngành du lịch Campuchia đối với lãnh đạo và ngành du lịch Việt Nam; mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ du lịch giữa hai nước, giữa hai cơ quan du lịch Campuchia và Việt Nam. Đồng chí gửi lời hỏi thăm và chúc sức khỏe đồng chí Tổng cục trưởng Quyền Sinh. Xin chúc mừng đồng chí Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Việt Nam!
Qua các bạn Việt Nam trong cuộc gặp mặt hôm nay, xin chúc các đồng chí đang công tác ở tạp chí Du lịch Việt Nam sức khỏe, hạnh phúc! Chúc tạp chí Du lịch Việt Nam ngày càng phát triển, có nhiều đóng góp cho Du lịch hai nước chúng ta!
Đồng chí Sam gắn lên ngực áo chúng tôi huy hiệu ngành du lịch Campuchia  để kỷ niệm chuyến viếng thăm này.
Chúng tôi nồng nhiệt xiết chặt tay các bạn Campuchia và xin gửi lời chúc sức sức khỏe đồng chí Tổng cục trưởng Cheam Yeap, đồng chí Promonea và toàn thể cán bộ, nhân viên ngành du lịch Campuchia thu được nhiều thành tích hơn nữa trong việc phát triển ngành du lịch non trẻ của mình.

                              Phnôm Pênh – Biên Hòa, hè 1991.

 Bên bờ Phước Long Giang, sáng ngày 7/1/2019.
Nhà thơ Xuân Bảo.



9.