Trang

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

160.Kỷ niệm 1 năm về Hà Nội.

Ngày này năm ngoái, tội đi thăm lại những người ban cố tri. Nhân đây tôi đăng lên blog của tôi để nhớ về ngày ấy bài viết này.

             VÀO  CHÙA HÀ GẶP GỠ NGƯỜI TRONG MỘNG.

Sau Ngày Thơ Việt Nam ở Quốc Tử Giám, tức ngày 16 tháng Giêng Ất Mùi, lại nhằm vào ngày thứ 6, mùng 6 tháng 3 năm 2015. Sáng ra, vợ chồng tôi lên tận lầu 7 khách sạn để ăn sáng và uống cà phê. Nhìn ra sông Hồng, tôi thấy cầu Long Biên mờ mờ trong mưa bụi. Lòng bỗng thấy nôn nao nhớ về bài thơ Đưa em lên cầu Long Biên. Bài thơ này tôi viết trong một chiều rét ngọt cũng mưa, cũng lạnh như sáng nay, lúc tôi ngồi ở một quán cà phê cóc góc phố Ô Quan Chưởng.  Bài thơ đó như sau:

 Năm xưa
Anh cùng em
Đứng trên cầu Long Biên
Nhìn lên Bãi Giữa
Nương ngô mút mắt trời Chèm
Mạn Lương Yên ca nô tàu thủy
Tấp nập vào ra chật bến Phà Đen

            Con rồng thép uốn mình qua đôi bờ Hà Nội
Chở tuổi thanh xuân những cô gái chàng trai
Đi vào cuộc trường chinh đánh Mỹ
Còn đây những nhịp cầu gãy…
Chứng tích thương đau

Ta muốn nghe tiếng búa cạo rỉ
Của những người thợ sơn cầu
Như bản hòa tấu âm vang thế kỷ
Thao thiết chảy vào dòng sâu Nhĩ Hà

Chiều nay trời trở lạnh
Ta đưa em lên cầu Long Biên
Để nhớ về kỷ niệm
Nụ hôn đầu giữa trời đất mênh mang.

                   Ô Quan Chưởng, chiều rét ngọt 03-04-2007.

Bài thơ được đăng trên tờ báo văn nghệ của Hội Nhà Văn Hà Nội. Thời gian này nhà thơ Vũ Xuân Hoát làm tổng biên tập. Bài thơ cũng đã được in vào sách thơ Trăng Giêng của tôi do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2007.
Tháng 10 năm 2010, Hà Nội rầm rộ tổ chức Đại lễ mừng 1.000 năm Thăng Long. Từ thủ đô, Bích Hạnh gọi điện báo cho tôi biết bài thơ trên được Ban Tổ chức cho viết bằng thư pháp và trưng bày trong Festival Cầu Long Biên. “Hiện mẹ con em đang đứng trên cầu và đang xem bài thơ ấy”. Tôi nói: Em và con chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm và gửi vào cho tôi.
Tôi đang đưa hồn về dĩ vãng. Nhà tôi thấy vẻ mặt trầm ngâm của tôi bất giác nàng hỏi: Hôm nay anh có đi thăm Bích Hạnh không? Tôi giật mình thảng thốt: Có, nhưng trời đang mưa, anh ngại quá. Thúy Minh nói: Anh gọi taxi mà đi, ngại gì.
Tôi nhờ cô lễ tân gọi xe. Chỉ dăm phút sau là xe tới. Tôi tế nhị mời vợ cùng đi, nhưng nhà tôi cũng tế nhị: anh đi một mình đi, sáng nay em có hẹn bà Bảy, bà nội của Lôbô rồi.
Tôi bảo cậu lái xe: Hãy đi theo chỉ dẫn của tôi. Cậu cho xe chạy một vòng quanh Hoàng thành, bắt đầu từ Cửa Đông rồi chạy dọc phố Lý Nam Đế (phố Nhà binh theo cách gọi của nhà văn Chu Lai). Tôi muốn nhìn lại con đường chạy quanh Hoàng thành và nhớ về bài thơ tôi viết Đêm Hoàng thành. Hồi đó, Hà Nội đêm nguyệt thực nhưng vẫn báo động rồi báo yên, báo yên rồi báo động (do máy bay Mỹ vào). Tôi và em đã dạo một vòng hoàng thành xưa – nơi mà Bà huyện Thanh Quan đã than thở

 …Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…

Hoa sấu li ti rụng trắng mặt đường. Những ngọn gió bấc, những giọt mưa phùn. Trời thủ đô rét ngọt vào xuân. Đêm không trăng lại không đèn. Chỉ còn lại những ánh sao nơi xa lấp lánh, lấp lánh phản chiếu những giọt mưa trên vai em:

..Những vì sao xa nhấp nháy trong đêm
Đậu lên vai em tròn mịn dịu hiền…

Tôi muốn nhìn lại ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, nơi đặt cơ quan Phòng Văn nghệ Quân đội. Những năm tuổi trẻ khi bước vào làng văn tôi được làm quen với những cây đa, cây đề Từ Bích Hoàng, Thanh Tịnh, Nguyễn Trọng Oánh…
Xe lên đến phố Hoàng Diệu rồi tới Quảng trường Ba Đình. Tôi bảo lái xe dừng lại và nhờ chụp cho tôi bức ảnh trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Tôi muốn thăm lại Vườn Bách thảo - nơi mà cách đây 55 năm, những chàng trai ưu tú của thủ đô - đã hát cho Bác Hồ và các nhà lãnh đạo các đảng cộng sản và công nhân thế giới đến dự Đai hội Đảng lần thứ III nghe. Một giàn Đại hợp xướng hơn 1.200 ca sĩ và 114 nhạc công của Nhà hát Giao hưởng Việt Nam trình diễn những bài hát ca ngợi Đảng Lao động, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh …Trong giàn Đại hợp xướng đó có tôi ở bè trầm (basse). Và chính nơi đây đã lưu cho hậu thế tấm ảnh lịch sử “Bác Hồ bắt nhịp Bài ca Kết đoàn”. Bức ảnh này do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam Lâm Hồng Long chụp đêm Đại nhạc hội mùng 3 tháng 9 năm 1960.
 Sau này tôi gửi bài báo “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” cho tờ Đại biểu Nhân dân của Quốc hội và đã được đăng. Xe chạy lên đường Hoàng Hoa Thám rồi ngoặt sang Cầu Giấy lên Chùa Hà. Đến đúng trước khuôn viên Chùa Hà, tôi hỏi mấy anh xe ôm địa chỉ: ngõ 260, ngách 93, số nhà 12, phường Quan Hoa. Họ nhiệt tình chỉ dẫn. Tôi gọi điện thoại cho Bích Hạnh. Từ ban công trên lầu 5, Bích Hạnh bảo: Em nhìn thấy anh rồi, cứ men theo con đường nhỏ ấy mà đi thêm vài chục bước nữa là đến nhà. Em sẽ xuống mở cổng. Tôi nhớ lại từ ngày mẹ con Bích Hạnh rời ngôi nhà thân thương 54 Mã Mây đến nay đã mấy lần thay đổi chỗ ở. Từ Mã Mây lên Quảng An, từ Quảng An sang Xóm Mậu, từ Xóm Mậu tới đường Âu Cơ (cùng trong quận Tây Hồ) và nay là số nhà lắm ngõ, lắm ngách của quận Cầu Giấy.
Từ trong sân, Bích Hạnh đi từng bước một ra mở cổng. Đó chính là  người mà tôi đã mệnh danh cho nàng là một trong ngũ đại mỹ nhân của Hà thành, đã đưa vào tác phẩm Hà Nội cơn lốc tháng bảy. Bích Hạnh nói rằng lần sau anh có đến thì nhìn vào cái bảng điện cạnh cổng (có số thứ tự từ số 1 đến số 6), anh bấm vào con số 5 thì tự động cánh cổng sẽ mở ra, khỏi phải chờ người ra mở cổng. Tôi thầm nghĩ, giờ đây công nghệ xây dựng thật là hiện đại: theo dõi động tĩnh từ trong ra ngoài đã có camera, nay lại có thêm cái thiết bị mở cổng quá ư thuận tiện. Tôi thú nhận với Bích Hạnh, tôi là người lạc hậu, chưa biết đến cái văn minh của kiến trúc đô thị bây giờ. Bích Hạnh dẫn tôi vào thang máy. Nàng bấm số 5 và chúng tôi có một khoảnh khắc vô cùng quý báu là chỉ có hai người trong buồng thang máy. Nhưng tôi đã để cho khoảnh khắc ấy trôi đi! Nếu không trao cho nhau nụ hôn ngày nào như hồi ở trên cầu Long Biên giữa trời đất mênh mang thì chí ít cũng tay nắm trong tay. Nhưng tôi đã không làm như vậy! Bởi vì…
Vào phòng khách, chồng Huyền Anh đứng lên bắt tay tôi rồi vội vàng đến tủ rượu lấy chai rượu và hai cái ly. Hoàng Châu là con của nghệ sĩ nhân dân, kịch sĩ Hoàng Uẩn nổi tiếng một thời trong các vai diễn kịch nói những năm thập kỷ 60, 61 thế kỷ trước. Châu là anh lính “Bộ đội Cụ Hồ” thời chống Mỹ, là kỹ sư công binh. Sau khi xuất ngũ thì làm con rể Bà Hạnh. Tôi hỏi Đúc (tên thôi nôi của Huyền Anh lúc nhỏ): Con đã đỡ chưa? Và đi lại còn khó khăn không? Huyền Anh bị tai nạn giao thông nên phải điều trị rất nhiều ngày và lúc ra viện phải dùng xe lăn. Nay thì đi lại đã bình thường, nhưng Huyền Anh không đi xe máy nữa.
Tôi ngồi cạnh Huyền Anh và nhờ Hoàng Châu chụp ảnh hai bác cháu. Bích Hạnh ngỏ ý mời tôi ở lại dùng cơm trưa nhưng tôi từ chối do có hẹn với nhà văn Hoàng Quốc Hải. Hoàng Châu tiễn tôi ra cổng. Tự nhiên tôi thốt ra một câu mà cả tôi và Hoàng Châu đều thấy xót xa: Có lẽ đây là lần cuối bác cháu ta gặp nhau!
Trời càng mưa nặng hạt!
                                                                    ***





                           LÊN PHÁO ĐÀI LÁNG THĂM HOÀNG QUỐC HẢI.

Taxi chạy vào một cái sân rộng trước  chung cư Pháo đài Láng. Hoàng Quốc Hải tay cầm ô, đứng đợi tôi dưới một mái hiên. Xuống xe, tôi bắt tay bạn và cùng đội dù đi vào trong nhà. Hoàng Quốc Hải pha trà và chúng tôi bắt đầu những câu chuyện văn chương. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng gọi điện từ cơ quan về. Hoàng Quốc Hải đưa điện thoại cho tôi và nói: Hồng muốn nói chuyện với anh.Tôi chào nhà thơ và chúc sức khỏe. Hồng nói: Em xin lỗi, sáng nay có cuộc họp không thể vắng mặt nên để anh Hải một mình tiếp anh. Em băn khoăn lắm! Tôi bảo: không sao. Hiện bây giờ đã có cô Nga, con gái bác Hoàng Hữu Đản sang chơi và bắt tay vào việc làm bữa rồi. Hồng yên tâm đi.
Nhân có mặt Hoàng Bich Nga, tôi bất chợt nhớ tới một bài viết của nhà văn Hoàng Quốc Hải từ năm 2001 có nhan đề Hoàng Hữu Đản – nhà dịch thuật lão luyện.
       Nhà văn Hoàng Quốc Hải dù đã dốc nhiều tâm huyết vào bài viết nhưng cũng chưa nói hết được công lao và sự cống hiến của nhà dịch thuật trứ danh này. Theo tôi được biết, nhà văn Hoàng Hữu Đản vốn sinh ra trên mảnh đất Ô châu ác địa nghèo khó. Ông sinh ngày 3.4.1922 tại thôn Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông qua đời lúc 1h20 phút sáng ngày 26-3-2012 tại SàiGòn, hưởng thọ 90 tuổi. Ông là nhà văn với nhiều thể loại: Dịch thuật, sáng tác kịch, thơ, viết báo, tạp chí...Như lời Hoàng Quốc Hải thì “Thế nhưng lại có một số rất ít người bắt đầu sự nghiệp của mình từ lúc nhận thẻ hưu. Nhà giáo Hoàng Hữu Đản là một trong số những người ít ỏi ấy..,” Ông Hoàng Hữu Đản nghỉ hưu năm 1978. Và liên tiếp nhiều năm tiếp theo ông đã cho ra đời những tác phẩm dịch đồ sộ:
Bi kịch cổ điển Pháp (chung),Kịch vui GOLDONI (chung),(1983).Tuyển thơ VICTOR HUGO (chung) Song ngữ, (1985).Tuyển tập kịch CORNEILLE, (1987).Véronica, nàng là ai? (M. DEKOBRA). Di chúc tình yêu (CHR. ARNOTHY) (1990). Salammbo (GUSTAVE FLAUBERT), (1990). Nana (ÉMILE ZOLA), (1995). Paris - Saigon - Hanoi (PHILIPPE DEVILLERS) (1993). An Nam (CRISTOP BATAILLE), (1994). TAGORE (chung ) (1991). Bí mật vùng biển con, truyện thiếu nhi, (1989). David Crockett trở về nhà, truyện thiếu nhi, (1989). Promethee bị xiềng ( ESHlLE, Hy Lạp), (1982). Edipe làm vua (SOPHOCLE) (1983). Médée (EURIPIDE), (1984). Vinh quang của cha tôi (M .PAGNOL) (1996). Lâu đài của mẹ tôi (M. PAGNOL), (1996). Iliade (HOMERE) (1997). Odyssée (HOMERE) (2001). Con đường hoàng gia (ANDRÉ MALRAUX) (2001). Aristophane – hài kịch Hy Lạp. Bi kịch Hy Lạp.
          Những bản tiếng Việt và song ngữ Việt Pháp:
     Nụ cười Hollywood. (1992). Hoa hồng nhung, truyện, (1991). Bí mật vườn Lệ Chi, kịch lịch sử, (1992) và song ngữ Việt Pháp (2007). Người con gái Nguyễn Du.  Gặp gỡ tất yếu. Macrcel Pagnol, (1995). Ngụ ngôn La Fontaine, dịch, chú thích và bình luận, song ngữ. Quà muộn (Nguyên Hương), tập truyện ngắn song ngữ. Ánh trăng , tập thơ hiện đại của nhiều tác giả, dịch và giới thiệu. Vương quốc các loài hoa, Maurice Carême. Cái dải mũ POMPADOU R, Maurice Carême.Hòn bi thuỷ tinh, Maurice Carême.Từ LE CID của Corneille đến TUỒNG LỘ ĐỊCH của Thúc Gia Thị Ưng Bình.Thơ Bích Khê( từ tập 1 đến tập 17). Thơ Hàn Mặc Tử.
           Ở phần sáng tác và biên soạn tác giả Hoàng Hữu Đản cũng để lại một gia tài đồ sộ đó là: Tác phẩm Văn học Hy Lạp Cổ ( Dịch sang Tiếng Việt – từ 1 đến 5.và Kết. Những Kỷ niệm khó quên trên Văn Đàn Nước Bỉ .Về một cánh cửa của văn hóa. Phần lãng mạn trong tác phẩm của Honoré de Balzac.  Truyện Kiều và Tâm sự sâu kín của Nguyễn Du.  .Thơ Đường Luật Việt Nam. Cơ sở Cảm hứng của Thơ Ca trữ tình Phương Đông.
         Dịch giả Hoàng Hữu Đản còn có những biên khảo bằng tiếng Pháp: Đó là những cuốn -LA VERSICATION VIETNAMIENNE - Conférence à I’NALCO, Paris,1991. -COMMENT J’AI TRADUIT LE CID DE CORNEILLE - Conférence à L’ Université de Rouen, 1991. - VIETNAM, LE PAYS DU DRAGON BLEU (VIET NAM, đất nước Rồng xanh), phụ trách phần thơ, cùng với Martine Aepli phụ trách phần ảnh, NXB Hồng Kông 1995.
.
                                                        ***
          Cũng theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, năm 1991 nhà văn Hoàng Hữu Đản nhận được một học bổng dịch giả văn học của Chính phủ Pháp. Năm 2000, nước Cộng hoà Pháp đã tặng ông Huân chương Cành Cọ Hàn Lâm hạng Ba, và năm 2008 tặng ông Huân chương Cành Cọ Hàn Lâm hạng Nhì .
          Mới đây, tức đầu năm 2016 này, khi Hoàng Quốc Hải lên Lũng Cú chào cờ Tổ quốc, tôi gọi điện lên Hà Giang hỏi: Ở nước ta bác Hoàng Hữu Đản nhận được giải thưởng nào? Trả lời: Không có. Và anh còn cho biết thêm là Chính phủ Pháp có tặng cho dich giả Hoàng Hữu Đản huân chương Bắc đẩu bội tinh.

          Hoàng Bích Nga vừa làm cơm vừa lắng nghe anh em tôi bàn luận về bố mình. Nga bảo: xin mời các anh dùng bữa. Vẫn những món ăn truyền thống của người Hà Nội, có canh bóng, có đủ các thứ giò chả. Rượu thì ta có tây có. Tôi có ý mong nhà thơ Nguyễn Thị Hồng về chung vui bữa cơm thân mật đầu năm. Hoàng Quốc Hải biết ý bảo: Nhà tôi chiều mới về cơ. Anh rót ra 3 ly rượu và nâng ly chúc mừng năm mới!
          Ngoài trời dường như đã thôi mưa. Tôi bịn rịn chia tay Hoàng Quốc Hái và Hoàng Bích Nga.

Pháo đài Láng, ngày 6 tháng 3 năm 2015,

 sau tiết Nguyên tiêu một ngày, tức 16 tháng giêng Ất mùi
Xuân Bảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét