Trang

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

316. Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 18. Chúng tôi làm báo

 

 

316. Chuyện nhỏ làng quê.Câu chuyện thứ 18, Chúng tôi làm báo

  Lúc này xã Triệu Sơn đã có trường cấp II. Tổ học sinh Thượng Phước gồm có tôi, Trần Đức Long, Trần Đức Dục, Bùi Hữu Tưởng, Trần Trọng Chấm. Lê Ngọc Châu, Trần Thị Hồng. Lại có thêm trò Phan Hiền người làng Nhan Biều, ở trong vùng tạm chiếm của Pháp, gia đình tản cư, ở tại xóm Mộ được ghép vào tổ học sinh Thượng Phước.

Trường cấp II Triệu Sơn được đặt tại Khe Bội (sau này có tên là Phúc Khê). Đầu niên khóa 1951-1952, thầy Du, người Hà Tĩnh được Sở Giáo dục Khu Bốn điều vào làm hiệu trưởng. Tôi còn nhớ, tiếp theo là thầy Triết. Đến năm 1953 thì thầy Đặng Bá Đệ về làm hiệu trưởng. Thời gian này, ngành giáo dục nước ta đã đi vào thế ổn định. Hệ phổ thông gồm có 9 lớp. Cấp I có 4 lớp (1, 2, 3 và 4), Cấp II có 3 lớp (5, 6 và 7) và cấp III có 2 lớp (8 và 9). Tiếp theo là 2 năm Dự bị đại học, rồi vào đại học. Không có thi lấy bằng như thời Pháp thuộc. Nhà trường căn cứ điểm 2 học kỳ và điểm cuối cấp để xét cho học sinh lên cấp, không như thời Pháp thuộc, hệ thống giáo dục chia làm 3 cấp học. Học 3 năm đầu từ lớp 1 đến lớp 3, gồm lớp 1 là lớp Đồng ấu, lớp 2 là lớp Dự bị, lớp 3 là lớp Sơ đẳng, rồi thi Sơ học yếu lược. Tiếp đến là vào học lớp nhì nhất niên, rồi lên lớp nhì nhị niên. Rồi đến lớp nhất. Cuối cấp này thì thi Primaire. Như thế trong khoảng 6 năm, học trò thời đó đã phải học 6 năm mới tốt nghiệp cấp II. Tiếp theo là 4 năm học lên các lớp: Première année (đệ nhất niên), rồi Deuxième année (đệ nhị niên), Troixième année (đệ tam niên), Quatrième année (đệ tứ niên) rồi đi thi lấy bằng Thành chung, tiếng Tây thì gọi là Diplôme de bachelier (bằng tú tài).

Trường có Hiệu đoàn học sinh, sinh hoạt từng tổ theo địa dư thôn. Hiệu đoàn trường hoạt động theo ngành dọc, có cấp trên là Hiệu đoàn tỉnh Quảng Trị chỉ đạo và lãnh đạo theo tôn chỉ, mục đích chung. Quy chế và kỷ luật của Hiệu đoàn học sinh khá nghiêm và chặt chẽ.

Tôi còn nhớ hè 1953, Hiệu đoàn học sinh cấp II Triệu Sơn chúng tôi ra tờ Đặc san mang tên Ngày Mùa. Khổ tờ đặc san na ná như những tờ báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên ngày nay (28x41cm). Tôi được phân công làm chủ bút. Trần Đức Long và Trần Trọng Chấm làm biên tập. Bài vở thì do các đoàn viên của toàn Hiệu đoàn góp bút. Tôi đã viết một bài xã luận cho Đặc san. Bài này được ông Lê Đình Hiên, phó Trưởng ty Giáo dục tỉnh khen một câu làm tôi rất phấn khởi. Ông xem xong bài xã luận rồi nói: Hồ Chí Minh con! Hồ Chí Minh con! Khi tập kết ra Hà Nội, ông tham gia vào Hội Nhà văn Việt Nam với bút danh là nhà thơ Tân Trà. Tờ Đặc san Ngày Mùa, in tại nhà in VIETBANGTAY”, tức là Viết bằng tay, chứ không phải là báo in typo hay offset như sau này. Viết bài thì dùng mực tím hàng ngày, đựng trong cái lọ thường mang theo đến trường. Tờ báo cũng có tranh vẽ nhiều màu: màu vàng là củ nghệ, màu tím là hột mùng tơi chín, màu xanh là lá trầu xanh, màu đỏ và màu xanh nước biển thì dùng cây bút chì xanh đỏ hai đầu (nhờ mua từ trong thị xã). Trần Đức Long còn nhớ bức tranh của đặc san vẽ một người cầm cái dao phay rượt đuổi một người với câu chú thích: Liệu mà cao chạy xa bay/ Thịt xương chỉ có ngần này mà thôi. Câu lẩy Kiều này vốn dĩ 2 chữ đầu câu 8 là Ái ân. Và Trần Trọng Chấm có bài thơ chân dung nói về Xuân Bảo. Tôi không nhớ và cả Chấm cũng không nhớ toàn bài, chỉ nhớ vài câu “Đôi má phinh phính chứa đầy xã giao”.

Tổ học sinh Thượng Phước hoạt động rất xôm tụ. Mỗi chúng tôi đều được phân công công tác. Nhóm Thông tin - tuyên truyền, nhóm dạy Binh dân học vụ, nhóm Canh gác báo động khi có Tây lên càn. Tôi được phân công vào nhóm Thông tin tuyên truyền và dạy Bình dân học vụ. Ít lâu sau, dượng Hứa bố trí cho tôi được làm gia sư. Lớp được đặt tại nhà dượng Hứa và học trò là các con của dượng và con ông Trần Đình Thứ, có Kế và Thế. Kế đã hy sinh trong chống Mỹ. Thế hiện sống cùng vợ con, con cháu tại quê nhà và vài đứa nữa. Sau, lớp học này dời vào nhà thôn đội trưởng Lê Văn Ngữ tại xóm Mộ. Ở đây, có thêm 3 học trò nữa là Lê Duy Tính, thường gọi tục danh là Oạc, con ông Ngữ và 2 người con của xã đội trưởng Lê Trường Lữ là Lê Thị Trương và Lê Trường Cầu. Tôi được dạy nửa ngày còn nửa ngày đi học. Gia đình có con học đã cùng nhau góp lúa trả công cho “thầy”. Tôi còn được phân công sáng tác thơ ca, hò vè phục vụ cho Đội Tuyên truyền Địch vận làm nhiệm vụ vận động binh lính ngụy phản chiến. Có một lần, tôi được o Trần Thị Quy, tổ trưởng tổ Địch vận cho đi theo xuống bốt Cầu Bàu Vịt để hò. Du kích đi theo bảo vệ và có nhiệm vụ đào hầm để người hò nấp. O Quy mang theo chiếc loa tay làm bằng thiếc (chế từ thùng sắt tây đựng dầu hỏa). Câu đầu tiên, nói: Hỡi anh em binh lính! Trên chòi cao lô-cốt (hồi này bọn Pháp chưa xây lô-cốt ngầm), chúng bắn một băng tiểu liên vào tổ hò. Chiếc loa bị vài lỗ thủng, nhưng người thì không sao. Chỉ huy ra lệnh rút. Đêm hò này coi như thất bại. Khác với những lần hò trước, lính trong bốt yên lặng lắng nghe. Và sau đó, có một lính mang súng lên chiến khu. Anh ta nói rằng nghe hò thì lòng xốn xang lắm, gợi nhớ đến mẹ già, vợ dại với con thơ và da diết nhớ quê nhà. Sau này, tôi có viết một hồi ức có nhan đề là Nhớ giọng hò o Quý đăng trên tạp chí Văn nghệ Cửa Việt là để nhớ một giọng hò thướt tha, trữ tình của người con gái làng Thượng Phước. Tên o Quy được thêm dấu sắc thành Quý.

Có thể nói tổ học sinh Thượng Phước có nhiều hoạt động xã hội được nhà trường nhiều lần biểu dương và dân làng yêu mến. Tổ phân chia ra nhiều nhóm và hoạt động có hiệu quả, Những học sinh có tuổi đời từ 17, 18 như tôi và Trần Đức Long, Bùi Hữu Tưởng được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc, tiền thân của Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh, sau đổi là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Chúng tôi tham gia vào dân quân du kích. Bùi Hữu Tưởng xung phong đi bộ đội. Chừng 6 tháng sau thì Tưởng hy sinh trong trận đánh Chợ Cạn. Tuy mới chỉ 17, 18 tuổi nhưng Tưởng đã biết yêu. Tưởng đã viết một cuốn sách nhỏ nói về tình yêu của mình với o Vẹ, người con gái họ Trần, có mái tóc quăn rất đẹp.

Mấy đứa chúng tôi được lên lớp 7. Nhưng phải lên trường Lê Thế Hiếu ở Cùa để học. Tổ học sinh Thượng Phước chỉ có mình tôi được học bổng. Học bổng mổi suất là 27 ký lúa. Tôi phải lên Trấm (Kho lúa của huyện Triệu Phong) để lĩnh. Trấm là nơi có bến đò dọc để chở người lên Bơng, lên Chả Cá và chiến khu Ba Lòng. Nhà thơ Lương An có bài thơ Chị lái đò, được đưa vào sách giáo khoa.

Đò em lên xuống Ba Lòng

Chở người cán bộ qua vùng chiến khu”…

Có một lần, chúng tôi gánh lúa về đến xóm Chuối thì nghe tiếng máy bay. Chúng tôi nhìn thấy một chiếc B26 đang bay theo dọc đường số 1 bỗng nhiên quay ngoắt 90 độ lên Trấm, Chiếc máy bay này chỉ thả bom ở Trấm rồi quay về. Nhưng chẳng có ai thương tích gì.

Bên bờ Phước Long Giang, ngày 30/9/2020

Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét