Trang

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

241. Mồ hoang Thơ Xuân Bảo viết về Nguyễn Du 2

241. MỒ HOANG


                 Thơ của Xuân Bảo


Lối cũ vườn xưa cỏ mọc đầy


Mồ hoang lạnh lẽo của ai đây?

-Đạm Tiên chủ hội Đoạn trường đó

Phận bạc hồng nhan, đau đớn thay!


*Lời bàn. Trong Truyện Kiều từ câu 53 đến câu 66 Nguyễn Tiên sinh cho ta biết có một cái mồ vô chủ trong tiết Thanh minh, tức là trong ngày tảo mộ. Người người nhà nhà đều ra nghĩa địa làm cỏ dọn rác, bồi đắp mộ, trồng hoặc cắm thêm hoa để tưởng nhớ người đã khuất. Tiết Thanh minh thường diễn ra trong những ngày xuân cho nên cũng trở thành một ngày hội.


Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh


Đạp thanh có nghĩa đen là giẫm lên cỏ xanh và nghĩa bóng là ngày hội chơi xuân. Thế mà, có một ngôi mộ không ra mộ chỉ là Sè sè nắm đất bên đường/Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh! Buồn lắm chứ, thương lắm chứ! Nguyễn Tiên sinh đã đặc tả ngôi mộ và để Vương Quan dẫn giải người nằm dưới mộ là một ca nhi tài sắc vẹn toàn, một cành thiên hương (hương thơm của trời). Đạm Tiên xấu số. Đạm Tiên có tên trong Sổ đoạn trường. Sổ ghi tên những người phụ nữ bạc mệnh. Tôi viết bài thơ Mồ hoang là nhân khi đọc Truyện Kiều tháy xót thương cho số phận Đạm Tiên từ đoạn thơ:


Bước lần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang

Sè sè nắm đất bên đàng

Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

-Rằng: “Sao trong tiết Thanh minh

Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”

Vương Quan mới dẫn gần xa:

-“Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi

Nổi danh tài sắc một thì

Xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh

Kiếp hồng nhan có mong manh

Nửa chừng xuân thoắt gảy cành thiên hương".

Chú thêm về hai chữ Đoạn trường.

Truyện Kiều lúc đầu được Nguyễn Du đặt tên là Đoạn trường tân thanh, nghĩa là: Tiếng nói mới đứt ruột. Được viết dựa vào một tác phẩm cổ của Thanh Tâm Tài Nhân, một tác giả sống vào đời nhà Thanh. Nội dung của Kim Vân Kiều truyện bắt nguồn từ một câu chuyện có thật xảy ra từ thời nhà Minh. Tại vùng quê phía Đông Trung Quốc, một toán cướp biển do Từ Hải cầm đầu thường xuyên đánh phá vùng Giang Đông. Triều đình cử quan Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến cầm quân đánh dẹp toán giặc biển này. Câu chuyện được Mao Khôn, một người trong quân đội Hồ Tôn Hiến ghi lại trong sách: Ký tiểu trừ Từ Hải bản mật. Câu chuyện này về sau được nhiều người viết đi viết lại. Đới Sĩ Lâm viết: Lý Thuý Kiều truyện; Dư Hoài viết: Vương Thuý Kiều truyện; Trần Thụ Cơ viết: Hồ Thiếu Bảo bình nguy tấu tích; Mộng Giác Đạo Nhân viết: Từ tạ Từ Hải Nghĩa.


Bên bờ Phước Long Giang,  sắp tới Ngày giỗ của Đại thi hào Nguyễn Du – 16/9/Mậu Tuất
Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét