Trang

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

280. 65 năm Hiệp định Geneve.


KỶ NIỆM 65 NĂM HIỆP NGHỊ GENÈVE.
Hồi ức của nhà thơ Xuân Bảo

TÔI TẬP KẾT RA BẮC

 Ngày 19 tháng 7 năm 1954 về trước quê nhà chúng tôi vẫn còn nằm trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, sau thất bại nặng nề ở chiến trường Điện Biên Phủ, bọn Pháp ở chiến trường Bình Trị Thiên co cụm lại, chúng ít đi càn và ruồng bố. Nhân dân thì háo hức chờ nghe kết quả của Hội nghị Genève.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, mặc dù bên trời Tây, Hội nghị Genève đã kết thúc, nhưng vì phương tiện thông tin lúc đó khó khăn: báo chí không, đài phát thanh không. Nhân dân quê tôi vẫn trong tư thế sẵn sàng chạy giặc.
 Tôi còn nhớ, trưa ngày 21 tháng 7 năm 1954, tiếng mõ báo động Tây lên lùng. Cả làng chạy giặc vào Xóm Mộ, vào hác Sủng Moong, vào rú Cầu Đất. Khoảng một giờ sau thì mõ báo yên. Mọi người trở về nhà và ùa ra bờ sông Thạch Hãn để xem ca nô của Tây lên. Ca nô cắm cờ trắng.
Thôn đội trưởng Lê Văn Ngữ cho liên lạc mang loa chạy từ đầu làng đến cuối làng thông báo hiệp định đình chiến Đông Dương đã được ký kết. Cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp “ba ngàn ngày” tạm thời ngưng tiếng súng! Máu của đồng bào tạm thời ngừng chảy! Mừng ơi là mừng!
Những học sinh cấp 2 chúng tôi đang kỳ nghỉ hè. Nửa tháng sau, xã đội trưởng Lê Trường Lữ cho người mang giấy báo cho tôi tập trung, chuẩn bị đi tập kết. Cái danh từ này hơi lạ tai. Một số ít trong đám học sinh được phiên chế vào hàng ngũ quân đội. Chúng tôi thuộc đại đội bộ đội địa phương huyện Triệu Phong, mang phiên hiệu là đại đội 235.
Bộ đội điạ phương 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên hành quân bộ. Sau 2 tháng kể từ ngày 20/8/1954 là ngày khóa tuyến chúng tôi đến huyện Nghi Xuân (quê hương đại thi hào Nguyễn Du) vào tháng 10  thì dừng lại, thành lập 2 trung đoàn chính quy có phiên hiệu là trung đoàn 271 và trung đoàn 270. Chúng tôi được nghe phổ biến tường tận quá trinh diễn biến của Hội nghị Genève.
 Ngày đó, bộ đội chúng tôi đã được đón tiếp phái đoàn chính phủ về thăm. Tôi nhớ trong đoàn có Bộ trưởng không bộ Bồ Xuân Luật (ministre sans portefeuille), bà Hà Thị Quế, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ông Lê Nam Thắng, tư lệnh Liên Khu IV và vài thành viên khác tôi không nhớ  hết.  Đặc biệt trong đoàn có nhạc sĩ Tô Hải. Đoàn về, nhạc sĩ ở lại dạy chúng tôi bài hát (tôi không nhớ tựa đề) có những câu: Hôm qua thắng trận Điện Biên, chiến hào xuất kích, đồi Him Lam ta tiến vào, đột phá tiên đao ta tiến vào… Đi mở đường thắng lợi, ba tháng đổ mồ hôi, ta tới đây quyết diệt cho hết quân thù…
Những học sinh đang học cấp 2, cấp 3 thì được chọn cho đi học các lớp đào tạo cấp tốc. Sau khi tốt nghiệp, tôi và một số anh chị em được điều về Chi sở Mậu dịch đặc biệt, đóng ở Bái Thượng, Thanh Hóa. Chi sở này giải tán, tôi được điều về Ty Lương thực Thanh Hóa. Đầu năm 1955 tôi được đi học ở Hà Nội. Ra trường, tôi được bổ sung cho Khu Tự trị Thái Mèo, là một trong số 200 cán bộ tăng cường đó.

HIỆP ĐỊNH LẤY SÔNG HIỀN LƯƠNG LÀM GIỚI TUYẾN.





Cầu Hiền Lương cũ và mới

 Theo “Ô Châu cận lục” của Sùng Nham Hầu Dương Văn An thì châu Minh Linh phía tây có núi Cổ Trai, phía đông có ngọn Thần Phù, tức đảo Cồn Cỏ. Giờ đây Cồn Cỏ đã thành một huyện của Quảng Trị. Có cửa biển Tòng Luật, ngày nay thường gọi là Cửa Tùng. Cửa Tùng đón nhận nguồn nước từ hai con sông: sông Hiền Lương chảy từ thượng nguồn về khoảng 60 cây số thì hợp lưu với sông Sa Lung từ hướng tây bắc đổ vào thành ngả ba sông. Đứng trên cầu Hiền Lương nhìn theo hướng tây thấy rất rõ cái bán đảo này. Cả hai con sông này đều chảy qua làng Minh Lương nằm ở bờ bắc và làng Xuân Hòa ở bờ nam. Sông Hiền Lương thực ra có tên là Minh Lương. Thời vua Minh Mạng, do kiêng húy chữ Minh nên cả tên làng, tên sông đều đổi thành Hiền Lương. Sông dài hơn 70 cây số, chỗ rộng nhất 200 mét, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy dọc vĩ tuyến 17 từ tây sang đông, ranh giới giữa 2 huyện Vĩnh Linh và Do Linh rồi đổ ra biển Đông tại cửa Tùng Luật.
Con sông này còn có tên là Bến Hải. Thực ra chữ Bến Hải là do người Pháp đọc chệch ra từ địa danh Bến Hai, bến thứ hai từ thượng nguồn sông. Ngoài ra, sông còn có nhiều tên gọi khác. Đoạn thượng nguồn có tên là Rào Thanh, đoạn cuối có tên là sông Cửa Tùng hay Tùng Luật. Hồi chúng tôi tập kết ra Bắc qua đoạn sông rất hẹp mà ở đó có một cây rừng đổ ngang từ bờ nam sang bắc, bộ đội leo lên thân cây sang sông thì gọi là sông Hói Cụ. Sông còn có tên gọi là sông Hồi. Trong kháng chiến chống Mỹ nhà văn Nguyễn Tuân sáng tạo ra cái tên mới là sông Tuyến khi đất nước bị chia cắt bởi Hiệp định Genève năm 1954.
Những năm mới ra Hà Nội tôi thường được nghe và được hát bài hát “Câu hò bên bến Hiền Lương”. Lời bài hát như cào xé tâm can của những người con miền Nam đang sống trên đất Bắc. Một thời khi mà chúng tôi nghĩ là chỉ xa quê hương trong vòng hai năm để rồi sẽ có ngày tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, sẽ có ngày đoàn tụ gia đình. Bài hát của một thời chia cắt đứt ruột đứt gan. Thời của Bắc di cư Nam tập kết. Mẹ xa con, anh lạc em, vợ lìa chồng. Thời của hận thù nồi da xáo thịt.
Tôi lại hồi tưởng hơn mấy trăm năm trước cũng tại dải đất hẹp Quảng Bình nơi có con sông Gianh đã là nơi chia cách trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Như vậy khúc ruột miền trung này đã hai lần bị xẻ làm đôi. Trước là hận sông Gianh nay là hận sông Hiền Lương.
Đêm đến lòng bồi hồi da diết nhớ quê tôi đã làm bài thơ có nhan đề:
Nhớ nhà
Quạnh quẽ đêm nay ta với bóng
Bồi hồi nhớ mẹ nơi quê nhà
Đầu non sương lạnh trăng mờ khuất
Eo óc thôn xa mấy tiếng gà
Bên bờ Phước Long Giang, sáng 19/7/2019. Còn 1 ngày nữa thì tròn 65 năm nước ta bị xẻ làm đôi: 20/7/1954 – 20/7/2019 bởi Hiệp định Genève.
Nhà thơ Xuân Bảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét