Trang

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

176. MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN LÝ VĂN SÂM.

MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN LÝ VĂN SÂM.
                                                          (Trích Hồi ức của nhà thơ Xuân Bảo).
 NHỮNG NGÀY ĐẦU Ở HỘI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI
                                      ***
          “...Tôi đưa các anh đi thăm một vòng quanh Biên Hòa và sau đó thì ghé vào Văn phòng cơ sở sản xuất gỗ Đoàn Kết ở Hố Nai, do ông Vũ Thông Thường làm chủ .Dọc đường đi,  tôi có đề cập đến việc thành lập Hội Văn Nghệ tại Đồng Nai. Nhà văn Nguyễn Khải nói rằng Ủy ban Toàn quốc Các Hội Văn học- Nghệ thuật và Hội Nhà Văn Việt Nam cũng đã tính đến. Các anh nói để về bàn thêm với các đồng chí Bảo Định Giang, Lý Văn Sâm…về việc này
          Chừng non tháng sau khi tôi đang ngồi viết bài ở nhà ( Lúc này tôi làm ở báo Đồng Nai-cơ quan T
ỉnh đảng bộ Đồng Nai- phụ trách khối Công Thương ) thì được đón tiếp hai anh Lý Văn Sâm và Huỳnh Công Thức đến chơi .Anh Huỳnh Công Thức thì tôi đã quen biết  từ khi còn công tác ở Thủ đô. Khi đó anh làm việc tại Liên hiệp xã Tiểu Thủ công nghiệp Hà Nội. Còn nhà văn Lý Văn Sâm tôi chỉ biết anh qua các tác phẩm văn học chứ chưa bao giờ được diện kiến. Tôi vô cùng mừng rỡ và xúc động !
         Thì ra đây là nhà văn đường rừng với Ti-mô-phây và Kòn -trô...Mãi sau này tôi mới biết vì sao  trên lại đưa anh về Đồng Nai để thành lập Hội Văn Nghệ. Anh Lý Văn Sâm  mà anh em văn nghệ sĩ thường gọi một cách thân mật và kính trọng bằng cách xưng hô là anh Hai Lý. Anh sinh ngày 17 tháng 2 năm 1921, nhằm ngày 10 tháng Giêng năm Tân Dậu tại xóm Ông Linh, làng Tân Nhuận, quận Tân Uyên ( trước thuộc tỉnh Biên Hòa, nay thuộc tỉnh Bình Dương) trong một gia đình nghèo, dưới nếp nhà tranh cũ kỹ. Quê nội của anh  ở ấp Bình Ninh, làng Bình Long, tổng Phước Vĩnh hạ, tỉnh Biên Hòa, nay là xã Bình Long, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Nơi đây đúng là vùng địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra cho quê hương xứ sở những con người tài hoa: thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, nhà văn Bình Nguyên Lộc, nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà giáo Hoàng Minh Viễn, các nhà hoạt động chính trị Huỳnh Văn Lũy, nguyên Bí thư tỉnh ủy Biên Hòa,Tô Văn Của nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh tỉnh Biên Hòa. Tô Văn  Của cũng là người đầu tiên cùng anh Hai Lý đứng ra thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai hồi cuối năm 1979.
           Sau vài tuần trà, anh Chín Thức vào đề ngay. Anh nói rằng Trung ương đã có chủ trương và Lãnh đạo Tỉnh Đồng Nai cũng nhất trí cho phép thành lập Ban Vận động, tiến tới thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai. Hai anh đề nghị tôi giúp một tay. Tôi xăng xái nhận lời.
          Hai anh được Tỉnh ủy bố trí ăn ở tại Nhà khách 71. Riêng anh Hai Lý thì sáng thứ hai đầu tuần được xe đón từ nhà riêng của anh tại 16 Trương Quốc Dụng, quận Phú Nhuận, Sài Gòn lên Đồng Nai làm việc và chiều thứ bảy lại đưa về. Anh Chín thì ăn nghỉ tại Nhà khách. Vì tình thân thiết đã có từ trước và thương anh tuổi cao, nếu để anh sinh hoạt bếp ăn tập thể e rằng không bảo đảm sức khỏe .Nên nhớ rằng hồi đó chúng ta vẫn còn ăn cơm độn mà độn bobo thì rất khó nuốt, nhất là đối với người già. Tôi bàn với nhà tôi là nên mời anh Chín về ăn cơm tại nhà mình. Nhà tôi là con nhà tư sản bị cải tạo đưa vào công tư hợp doanh ngành ăn uống từ những năm 1958,1959. Đó là Cửa hàng Cơm Tám Giò Chả Tân Việt 60 Phố  Huế.  Những năm đó các văn nghệ sĩ thường hay lui tới thửơng thức món giò lụa Ước Lễ nổi tiếng mà nhà văn Nguyễn Tuân có lần đã suy tôn trong tùy bút Giò Lụa.Vợ chồng nhà thơ Vĩnh Mai, nhà thơ Trinh Đường, vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhạc sĩ Phan Thanh Nam và rất nhiều nhà văn, nhà thơ khác ở tại nhà tập thể 96 Phố Huế ( Khách sạn Lục Quốc cũ bị sung công từ khi tiếp quản thủ đô và bố trí cho văn nghệ sĩ ở )…thường ăn cơm tháng ở đây.Trong số đó có nhạc sĩ Nguyễn Bính, Phó trưởng đoàn Văn công Nam Bộ và các nghệ sĩ cải lương Ông Tú Lệ, Bích Thiện. Ông Tú Lệ vào vai Võ Thị Sáu trong vở cải lương "Người con gái Đất Đỏ" của soạn giả Phạm Ngọc Truyền. Tôi có dịp cùng anh Truyền trong chuyến ra thăm Côn Đảo năm 1977.”...
CÁI VIỆC ĐI XIN XE CON.
... "Còn cái việc đi xin xe con. Có một buổi tối, tôi chở anh Hai Lý trên chiếc xe Vespa Standard cũ mà gia đình chúng tôi vừa bán lứa heo nuôi theo hợp đồng vời Công ty Thực phẩm Đồng Nai được 1.000 đồng…Chúng tôi đến Ty Công an Đồng Nai. Tất nhiên là đã gọi điện cho ông Mười Vân tên thật là Nguyễn Hữu Giộc. Tôi còn nhớ như in: khi tôi và anh Hai Lý được một người mặc thường phục dẫn vào phòng làm việc của Mười Vân, tôi có cảm giác như  đi vào sào huyệt của tên trùm phát-xít Gơ-ben, thời Đức quốc xã. Căn phòng mờ mờ tranh tối tranh sáng. Hai con bec-giê nằm chinh ình hai bên cái bàn làm việc to đùng. Mười Vân đứng đậy bắt tay chúng tôi. Bàn tay không ấm cũng không đến nỗi lạnh. Anh Hai Lý nêu việc Hội cần một chiếc xe con để đi lại. Giám đôc Mười Vân vui vẻ chấp nhận và lấy ra một mảnh giấy bằng bàn tay viết mấy chữ : Gửi anh Hai Nai, Hậu cần xuất cho Ban Vận động Hội Văn nghệ 1 ( một ) chiếc xe con. Ký tên 10 Vân.   Mấy hôm sau cậu Lân mang về môt chiếc xe du lịch hiệu volskwagen còn khá tốt.Chiếc xe này tôi và Nguyễn Duy Thinh được dùng làm phương tiện đi lại trong những ngày chuẩn bị đại hội.
Tôi còn nhớ hồi này Ty Thông Tin Đồng Nai do anh Nguyễn Văn Sâm, thường gọi là Tám Sâm làm Trưởng ty, nhà nhiếp ảnh Phạm Minh làm phó ty. Các anh có cho xuất bản  Tập san Văn hóa - Văn nghệ. Anh Nguyễn Văn Hiệp được phân công làm biên tập. Anh Hiệp đã đưa vào Tập san bút ký ”Tiếng hát vẫn còn vang” của tôi. Anh Hai Lý xem và khen người viết có tay nghề. Chỉ có mấy tiếng khen đó thôi mà như có ma lực giúp cho tôi cố gắng vươn lên và trưởng thành. Khi viết những dòng này, tôi bùi ngùi nhớ tới nhà văn Lý Văn Sâm, nhớ từng giọng nói ấm áp, từng ánh mắt, nụ cười của người anh cả trong làng văn nghệ Đồng Nai.Tâm hồn anh là cả một tấm lòng rộng mở đối với tất cả anh chị em trong Hội chứ chẳng phải riêng tôi. Có một lần anh Hai và tôi thả bước đi dạo trên cầu Hóa An, thường gọi là Cầu Mới. Anh chỉ vào phía hạ lưu không xa mà rằng: nơi đó, cách đây không lâu là Cồn Gáo. Cồn có ba cây gáo cổ thụ. Đoạn sông  đã từng tắm mát cậu học trò Lý Văn Sâm của trường Tiểu học tỉnh lỵ ( tên Tây là Ecole primaire complementaire de BienHoa), bây giờ là Trường Tiểu học Nguyễn Du . Sau này khi tôi viết tùy bút Sông Xuân có nhắc lại chi tiết này.”...
VIẾT VĂN KIỆN ĐẠI HỘI.
          “...Hậu cần như thế là tạm ổn. Bây giờ thì yên tâm ngồi lại cùng nhau soạn  văn kiện. Anh Hai Lý chỉ đạo. Chương trình nghị sự có những văn bản sau đây : Tuyên bố lý do ( Xuân Bảo viết, anh Chín Thức đọc), Diễn văn khai mạc ( Xuân Bảo và Duy Thinh cùng soạn, Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết - ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy  đọc ). Lời bế mạc và cảm ơn (Xuân Bảo viết, anh Lý Văn Sâm đọc). Tôi còn được phân công thảo Giấy mời và trực tiếp đi mời các văn nghê sĩ và các báo, đài. Tôi đã lên một cái danh sách khách mời khá chỉn chu.
                                                ***
Các cơ quan truyền thông được mời gồm có: Anh chị Vũ Tuất Việt, Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng và nhà thơ châm biếm Cung Văn. Chị Tuệ Hà, ( vợ anh Tuất Việt ) phóng viên thường trú báo Nhân Dân phía Nam. Tạp chí Văn nghệ Quân đội có nhà thơ Thu Bồn. Báo Văn Nghệ thì có các nhà thơ Hoài Vũ, Nguyễn Duy, Tịnh Hà ( em ruột nhà thơ Xuân Diệu). Báo Lao Động có các anh Xuân Mai, Trưởng đại diện phía Nam và các nhà văn An Định, Nghiêm Đa Văn là phóng viên. Báo Công nhân giải phóng, sau đổi thành Báo Người Lao động Sài Gòn thì có các anh Tống Văn Công, Tổng biên tập và anh Nguyễn Duy Vượng, phóng viên. Báo Đại Đoàn kết có các anh Mai Đình, Lửa Mới. Bên Đài Phát thanh Truyền hình Việt Nam có các  anh An Sơn, Nguyễn Duẩn. Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh có anh Đinh Phong, chị Nguyễn Thị Tính…Đài Tiếng Nói thành phố có nhà văn Thanh Nha. Thông tấn xã Việt Nam có các anh  Hai Luận, Việt Thảo, Xuân Soạn, Tường Vi.. Báo, đài địa phương thì chỉ mời trong tỉnh Đồng Nai.
Các văn nghệ sĩ được mời khá đông: nhà thơ Bảo Định Giang, nhà văn Nguyễn Khải, nhà văn Hạ Mậu Nhai, nhà văn Anh Đức, nữ nhà văn Hồng Duệ... nhà thơ kiêm nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Các nhà thơ Đỗ Trung Quân, Chim Trắng, Viễn Phương, Trần Mạnh Hảo, Trần Nhật Thu, Trần Nhật Vy…đã về công tác hẳn ở Sài Gòn. Ở miền bắc có các nhà thơ Thanh Tịnh, Anh Ngọc, Vũ Ngàn Chi tức Phạm Ngọc Cảnh…và các nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, Triệu Bôn . .
Các anh, các chị văn nghệ sĩ và các cơ quan truyền thông đại chúng trên cả hai miền đất nước dù có khó khăn về phương tiện đi lại nhưng đã có mặt đông đủ trong ngày thành lập Hội Văn Nghệ  là một niềm vinh dự lớn cho Đồng Nai chúng ta. Thời gian sau này các anh Thu Bồn, Nguyễn Duy, Hoài Vũ, Diệp Minh Tuyền thường xuyên gắn bó với Hội Đồng Nai  như người nhà. 
Tôi còn nhớ: Vào khoảng tháng 9 hay 10 năm 1979 có Đoàn nhà văn quân đội sang thăm Campuchia về, có ghé nhà tôi chơi. Trong đoàn có  các nhà văn Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh, Triệu Bôn và các nhà thơ Thu Bồn, Nguyễn Duy. Đặc biệt có nữ nhà văn Nguyễn Thị Như Trang. Tôi còn nhớ nữ nhà văn Như Trang có nói một câu mà tôi cho là chí lý nhất. Chị nói ở bên K cái gì cũng giả, chỉ có máu của người chiến sĩ quân đội chúng ta là thật mà thôi. Ban ngày thì cầm súng của phe Pen Xô Van, ban đêm lại là người của Khơ-me đỏ. Vui chuyện nhà thơ Thu Bồn kể chuyện hai tiểu đội bộ đội phải bố trí canh gác cho Như Trang tắm. Một tiểu đội ôm súng chỉa ra phía ngoài, tiểu đội còn lại thì chỉa súng vào bên trong, nơi có cái lùm che tạm làm buồng tắm. Có đúng không đấy hay là ông bịa, hỡi Con chim Chơ-rao ?                                                                   
Tôi được anh Hai Lý giao nhiệm vụ in thẻ hội viên. Tôi đến Xí nghiệp In, trực thuộc báo Đồng Nai, lúc này chưa tách riêng, gặp anh Tư Bô, quản đốc và đặt vấn đề in thẻ. Anh Tư Bô đồng ý in ủng hộ , không lấy tiền. Tôi lên maquette và được cả hai anh Lý Văn Sâm và Huỳnh Công Thức nhất trí. Mẫu thẻ đó dùng để cấp cho những hội viên đầu tiên của Hội. Mặt trước đề : CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM. Dòng thứ hai đề HỘI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI, dòng thứ ba, cỡ chữ lớn hơn in ba chữ THẺ HỘI VIÊN, bên phía trái dùng để dán ảnh cỡ 3x4 cm. 5 dòng dưới đề Họ và tên, Bút hiệu. Ngày và nơi sinh. Địa chỉ. Bộ môn. Mặt  sau, phía trên cùng in : HỘI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI – 143, đường Cách Mạng Tháng Tám. Phía dưới đề: Biên Hòa, ngày…tháng…năm…Dưới đó một dòng in chữ TM.HỘI VĂN NGHỆ, dưới nữa là chữ Chủ tịch. Phía trái in Chữ ký của hội viên. Nền thẻ được in mờ những dòng chữ liên tục bằng chữ in thường hoivannghedongnaihoivannghedongnai…Thiếu sót của chúng tôi là thẻ không in số thứ tự. Những tấm thẻ hội viên đầu tiên do Chủ tịch Lý Văn Sâm ký.
Các anh phân công cho tôi và nhà văn Nguyễn Duy Thinh (đã quá cố) làm hai việc. Một là chuẩn bị văn kiện Đại hội, hai là chuẩn bị hậu cần. Tại nhà riêng của tôi, hằng ngày chúng tôi hội ý, hội báo và cùng nhau hoạch định những công việc cần làm. Có lần nhà văn Nguyễn Duy Thinh nói vui: Đây như là cái Trung tâm Văn bút Đồng Nai.”…
                                                          Nhà thơ Xuân Bảo





 .


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét