Trang

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

142.Một mũi chủ công tiến công Sài Gòn

142.MỘT MŨI CHỦ CÔNG TIẾN CÔNG VỀ SÀI GÒN

Xuân Bảo

Mãi mãi ngày 30 – 4 – 1975 đi vào lịch sử Việt Nam như một bài ca hào hùng bất tử. Chẳng có nơi nào trên trái đất này lại có một cuộc chiến kéo dài đến 30 năm, hết chống Pháp lại đuổi Mỹ. Đúng như lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Đánh cho Mỹ cút ngụy nhào/Bắc Nam sum họp  xuân nào vui hơn!
Mỹ cút và ngụy nhào đúng vào ngày cuối xuân năm Ất Mão.


                                                          1

Chiều 28 – 4 trong phòng Vàng (Dinh Độc lập), một cuộc lễ chuyển giao chức vụ  tổng thống của Trần Văn Hương (tổng thống một tuần lễ) cho Dương Văn Minh. Trước đó Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngày 21 -4 khi “cánh cửa thép đông bắc Sài Gòn” bị Quân giải phóng phá toang và Xuân Lộc – Long Khánh đã về tay cách mạng. Ngày này cũng là ngày chuẩn tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh sư 18 của ngụy được đề bạt lên thiếu tướng (qua lệnh điện thoại của tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên) để tử thủ Xuân Lộc.
 Hương chống ba-toong lê những bước chân mệt mỏi đến bục diễn đàn và nói như mếu. Minh thì ủ rũ như gà toi. Vừa dứt lời, Minh xây xẩm mặt mày khi nghe ngoài trời sấm dậy vang trời, chớp giật loằng ngoằng và có vái tiếng sét rất to. Trời Sài Gòn đổ mưa. Cơn mưa đầu mùa, báo hiệu điềm xấu cho ngụy Sài Gòn.
42 giờ sau khi Minh nhậm chức  (tổng thống 42 giờ), một trong năm cánh quân bộ đội ta khép lại vòng vây như những chiếc kìm sắt chẹn họng Quân lực cọng hòa (mà báo chí phương Tây gọi một cách văn hoa là năm cánh sen tiến về giải phóng Thành đô).
 Mũi đông bắc do Quân đoàn 2 phụ trách. 12 giờ ngày 29-4 quân ta đã chiếm gọn Căn cứ Nước Trong, Long Thành. Bọn địch vẫn ngoan cố chống cự nhưng rồi cuối cùng cũng phải tháo chạy trước sức mạnh vũ bão của quân giải phóng.
 Một đội xe tăng T54 có 7 chiếc, mang các số hiệu 843,872,380,389, 390,918,988. Đây là mũi nhọn đột kích rất sắc, đâm thẳng vào hang ổ đầu não cuối cùng của quân ngụy và chính quyền Sài Gòn.
Chiếc xe tăng T54 mang số 843 do đại đội trưởng C4, D4 thuộc Lữ đoàn xe tăng 203  Bùi Quang Thận chỉ huy là chiếc đầu tiên xông  vào cổng dinh Độc lập.
Đây có thể nói là giây phút thiêng liêng nhất của những người con chân trần chí thép, mang tất cả niềm tin và lòng căm thù của các chiến sĩ xe tăng – những người lính của “Bộ đội Cụ Hồ”tiến thẳng vào dinh lũy cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Cách cổng khoảng một trăm mét,cổng đóng, Thận ra lệnh cho lái xe Lữ Văn Hỏa: Tăng tốc độ, không dừng lại,cứ húc cổng mà vào! Vướng vào trụ sắt xe lùi lại một chút  rồi húc thẳng vào cổng.Cổng sập,Thận ra lệnh cho pháo thủ Thái Bá Minh: Khoan bắn, sẵn sàng. Nó chống cự thì bắn ngay! Ngay lúc đó chiếc T54 mang số 390 của đồng chí  Toàn, chính trị viên C4 cũng vào cổng bên phải. Chiếc xe này do Nguyễn Văn Tập lái, xạ thủ pháo là Ngô Sĩ Nguyên.
Thận tháo ăng-ten cắm cờ băng qua bãi cỏ chạy bộ vào dinh. Anh hỏi những người đang đứng lố nhố ở bậc thềm:Lên nóc cắm cờ đi lối nào? Họ chỉ cầu thang lên tầng hai. Thận gặp chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh và nói: Quân Giải phóng đây. Lên cột cờ đi đường nào? Hạnh gọi Vũ Quang Chiêm, chánh văn phòng tổng thống ngụy và bảo Chiêm đưa Thận vào thang máy. Cán cờ bằng cần ăng-ten dài quá, Thận phải uốn cong lại mới vào được. Cửa thang máy khép lại. Chiêm bấm nút. Đến nơi, thang máy mở cửa,Thận chạy ra sân thượng. Lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn còn đó.Cờ ngụy có nẹp vải trắng với hàng chục nút dây thép buộc vào dây kéo cờ.Để cho nhanh, Thận không tháo các nút buộc mà xé phăng lá cờ ngụy ra, vứt xuống sàn. Thận tháo lá cờ của quân ta ra khỏi cần ăng-ten và buộc vào dây, kéo cờ lên cao.Sau lá cờ của Thận là hàng chục lá cờ khác của các quân đoàn, sư đoàn, các lữ đoàn, trung đoàn bạn. Cờ được cắm thêm bên cạnh lá cờ đầu tiên của Thận ở ban công tầng hai.Cờ các đơn vị bạn được buộc vào cần tre và cắm vào bất kỳ nơi nào trong dinh: cắm ở cổng, cắm ở hàng rào sắt. Khuôn viên dinh Độc lập rực lên màu cờ xanh đỏ sao vàng và cả màu cờ Tổ quốc Việt Nam anh hùng.
Trời tạnh mưa. Nắng vàng trải khắp Sài Gòn – thành phố mang tên Bác Hồ - rực rỡ cờ hoa va tràn ngập nụ cười!

                                                          2

 Đơn vị bộ binh đầu tiên vào chiếm lĩnh dinh tổng thống ngụy là tiểu đoàn 7,trung đoàn 66, sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 2.Và chúng ta không quên chiến công đánh chiếm dinh Độc lập ngụy  của sư đoàn 367 bộ đội Đặc công mà người chỉ huy dũng cảm là anh hùng Tống Viết Dương. Đây là những phút giây lịch sử của anh hùng Tống Viết Dương trong khoảnh khắc đáng nhớ của ngày Đại thắng 30 Tháng Tư năm 1975.
 Trong tình hình nước sôi lửa bỏng của chiến dịch Hồ Chí Minh, Tống Viết Dương không may phải đi quân y viện để mổ bướu cổ. Từ đầu tháng 3 đến ngày 9 tháng 4 năm 1975 là thời gian mà Đoàn trưởng Đoàn 116 dặc công Tống Viết Dương bồn chồn, nóng ruột hơn lúc nào hết. Đại quân ta tiến về Nam như thế chẻ tre mà mình lại phải nằm một chỗ! Anh Ba Trần (Trần Văn Danh) đích thân cho xe đón Tống Viết Dương về Bộ Tham mưu Miền. Nhìn Dương còn quấn băng , người xanh xao do mất máu và sức còn quá yếu, anh Ba Trần hỏi: Bộ Tư lệnh giao cho đồng chí chỉ huy trưởng cánh Đông Sài Gòn, chuẩn bị vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ ngụy, liệu anh có làm nổi không? Tống Viết Dương đáp: Tôi xin hoàn thành nhiệm vụ!
 Sáng ngày 10 tháng 4 năm 1975, nhóm 3 người gồm chỉ huy trưởng cánh Đông Sài Gòn Tống Viết Dương ( lực lượng này gồm 3 trung đoàn 113,  116 và 10 của sư đoàn 2, tiểu đoàn 81 Đoàn Z22, 23 của sư đoàn 316 và tiểu đoàn 4 của Thành đội đang ở Thủ Đức), một đồng chí quân y sĩ và  một đồng chí cần vụ chạy xe Honda từ Dầu Tiếng đến Cây Gáo, bên bờ sông Đồng Nai. Trong lúc chạy từng chặng quá mệt, phải dừng lại để truyền huyết thanh cho Dương rồi lại tiếp tục chạy xe. Đêm 11 tháng 4 năm 1975 vượt qua Quốc lộ I, sáng ngày 12 đến trung đoàn 116 đang đóng tại Bình Sơn, huyện Long Thành.
Sáu ngày sau, đồng chí cùng đơn vị 367 vượt Quốc lộ 15 (nay là 51) qua khu vực Tam An, Tam Phước sát hạ lưu sông Đồng Nai. Đây là hướng chính cần phải đánh chiếm. Cánh này phối thuộc với Quân đoàn 2 của ta có nhiệm vụ chiếm giữ đầu cầu từ 1 đến 3 ngày để đại quân và xe tăng tiến vào phía trong. Ngày 26 tháng 4 năm 1975, Quân đoàn nổ súng chiếm được thị trấn Long Thành. Tối hôm đó, Trung đoàn 116 đánh chiếm khu vực Bến Gỗ và đầu cầu xa lộ Đồng Nai. Bến Gỗ được giải phóng. Trung đoàn 116 thu 80 súng các loại, bắt hàng chục tên địch, tiêu diệt 5 tên.
Mặc dù vết thương chưa khỏi hẳn, Tống Viết Dương vẫn kiên trì chỉ huy các lực lượng của mỉnh phối hợp tác chiến. 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 xe tăng lữ đoàn 203 của Quân đoàn 2 tới. Khi đã bắt được liên lạc, đến 6 giờ sáng Tống Viết Dương cho toàn bộ trung đoàn tiến về Sài Gòn, trừ đại đội 3 ở lại giữ cầu. Đồng chí lên xe tăng dẫn đường, đánh từng chặng một. Đến 11 giờ 15 phút chiếc xe tăng đi đầu đã húc đổ cổng sắt dinh Độc lập, Khi xe vào bãi cỏ, chiến sĩ xe tăng và chiến sĩ đặc công vác cờ chạy lên nóc dinh, vứt cờ ba que ngụy xuống, cắm cờ đỏ anh sao vàng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng  lên. Lúc này là 11 giờ 30 phút.Thời  khắc lịch sử đã ghi.
17 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, đồng chí Tống Viết Dương thu quân, tạm biệt đồng chí Tài lữ đoàn trưởng. đồng chí Minh chủ nhiệm chính trị,Lữ xe tăng 203, hành quân ngược về xa lộ Biên Hòa để làm nhiệm vụ quân quản.
Nhớ lại khi ngồi trong dinh Độc lập rồi mà vẫn như mơ. Tống Viết Dương sờ tay lên cổ, da non ở vết mổ đang kín dần.”
Xuân Bảo

Biên Hòa 28/4/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét