Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

141D. Bắc Hà ký sự (Phần 4)

                          BẮC HÀ KÝ SỰ (Phần 4)
Xuân Bảo
1.     ĐƯỜNG LÊN XỨ ĐOÀI.

Sáng ngày 10 tháng 3, Thúy Ngọc lên nhà bác Nguyễn Thị Ngọc Bích-người con gái cả của ông bà Tân Việt - mượn chiếc xe du lịch của con gái bác, tên là Vũ Ngọc Phượng để đi Đường Lâm.

Nhắc đến Ngọc Bích, hoa khôi nức tiếng một thời khi thủ đô mới được giải phóng (10/10/1954), dân Hà Nội không ai là không biết cái đám cưới “20 triệu đồng” lúc bấy giờ. Soạn giả Trần Huyền Trân có vở cải lương “Ngược chiều”nói về sự kiện này.Ông Hiền Nhân,chủ bút báo Thời Mới cho đăng phóng sự nhiều kỳ (feuilletont) “18 ngày trăng mật” tường thuật chi tiết cuộc tình giữa một “cậu ấm kháng chiến” và tiểu thư khuê các con nhà tư sản Tân Việt.
Ra khỏi ô Cầu Giấy, thẳng Quốc lộ 32 một mạch về Xứ Đoài Sơn Tây.Ở miền Bắc, địa danh Đoài có rất nhiều nơi. Đoài có nghĩa là phía tây.Người ta thường nói: Trai thôn Đông lấy gái thôn Đoài.Trong thơ ca lại hay dùng: Trăng kia đã gác non đoài. Chữ Đoài này trở thành danh từ chung.
Dãy núi Ba Vì cũng ở về phía Đoài của kinh thành Thăng Long-Hà Nội.Trong “tứ bất tử”của kinh đô Đại Việt thì Tản Viên Sơn Thánh là một trong tứ bất tử đó. Vị Thần Núi Tản Viên (Ba Vì), núi tổ của các núi Việt Nam, nẳm ở phía tây. Tản Viên tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai. Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng nằm ở phía bắc, tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ.Chử Đồng Tử (Chử Đạo Tổ), tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân và sự giàu có sung túc. Liễu Hạnh công chúa hay Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Liễu Hạnh tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức, sự thịnh vượng văn thơ.
 Xe qua những địa danh mà những năm sống ở Hà Nội tôi đã từng đặt chân đến.Những Nhổn, Gạch, Chẽ… và nhất là làng Phượng Cách, Quốc Oai - nơi những năm chống chiến tranh phá hoại miền bắc cuả giặc Mỹ, nhà tôi và các cháu Triệu Quang, Thúy Ngọc, Thúy Hương sơ tán.Nơi có Chùa Thầy đã từng là nơi đóng đại bản doanh của Đài Tiếng nói Việt Nam trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống Pháp.

2.  ĐẾN SƠN TÂY, NHỚ QUANG DŨNG.

Bất giác tôi nhớ về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Bài thơ như một khúc ca bi tráng: “…Rải rác biên cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xuân/Áo bào thay chiếu, anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”
Tự nhiên tôi thấy nhớ Quang Dũng da diết, nhớ lớp nhà thơ đàn anh khi bước vào trận chiến trong túi chỉ có những mẩu bút chì và những tờ giấy vàng ố.Trên vai chỉ có cái ruột tượng gạo lép kẹp và chiếc áo trấn thủ màu nâu, chống chọi cả chín mùa mưa nắng, rét buốt.Quang Dũng còn có bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây, một bài thơ buồn nói về chiến tranh. Trong Đôi mắt người Sơn Tây có những câu đau đến xé lòng “…Từ độ thu về hoang bóng giặc/Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn/Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ/Em có bao giờ lệ chứa chan…”
 Hồi đó hầu hết đồng bào và cán bộ kháng chiến đều thuộc và nhớ đến Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Núi Đôi của Vũ Cao…
 Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, trước thuộc tỉnh Hà Đông nay thì về Hà Nội.Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài.Ông viết truyện ngắn, kịch, vẽ tranh sơn dầu, sáng tác bài hát và giọng hát rất hay.Nhưng dấu ấn để lại cho cuộc đời của ông là thơ. Đó là những bài Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ, Quán bên đường và Lính râu ria..
 Tôi còn nhớ những năm sau giải phóng thủ đô (10 tháng 10 năm 1954),Hà Nội bước vào ba năm đầu thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa. Trên văn đàn xuất hiện những tác phẩm văn học như Lời Mẹ dặn, thơ của Phùng Quán. Đống rác cũ, truyện của Minh Hoàng. Phất, tiểu thuyết của Bùi Huy Phồn, Ông Năm Chuột, truyện của Phan Khôi, Nhất định thắng (thơ) và Người người lớp lớp (tiểu thuyết) của Trần Dần…Hà Nội xuất hiện tờ báo Nhân Văn do học giả Phan Khôi làm chủ nhiệm, Trần Duy làm thư ký tòa soạn, nhà xuất bản Minh Đức (do Trần Thiếu Bảo) xuất bản. Nhà in Công tư hợp doanh Minh Sang in ấn. Ban biên tập gồm Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và Lê Đạt… Báo Nhân Văn ra được 5 số thì đóng cửa.Nhà thơ Quang Dũng được liệt vào danh sách nhóm Nhân Văn – Giai phẩm, được đưa đi chỉnh huấn.
 Tôi còn nhớ khi đó các nhà phê bình, có khi không phải là nhà lý luận phê bình cũng góp phần phê phán bài thơ Tây Tiến. Bởi vì Tây Tiến có những câu được cho là tiểu tư sản như: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”. Sau vụ Nhân Văn, Quang Dũng lui về ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật. Ông mất ngày 23 tháng 10 năm 1988 tại bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội trong âm thầm lặng lẽ, sau một thời gian dài đau ốm, hưởng thọ 67 tuổi.
                                                ***
Thấy vẻ mặt trầm ngâm của tôi, Thúy Ngọc nhắc mẹ đọc lại bài vè Cô gái Sơn Tây cho vui. Sơn Tây là quê của bà bạn thân của nhà tôi tên là Nguyễn Thị Xuân, năm nay đã hơn 77 tuổi. Bà lấy chồng là bộ đội miền Nam tập kết, người gốc Bến Tre.Cả hai vợ chồng được điều về Đồng Nai công tác từ những năm đầu giải phóng miền Nam.Ông Tư Thảng, chồng bà đã mất. Bà Xuân có hai người con trai. Người con đầu đã có gia đình. Người con thứ hai tính tình dở dở ương ương, năm nay đã trên bốn chục tuổi vẫn chưa có vợ. Bà Xuân hiện sống với người con trai thứ hai ở Biên Hòa. Cậu con thứ hai này không nghề nghiệp, không công ăn việc làm. Hai mẹ con sống  với đồng lương hưu ít ỏi của bà,chi dùng cho cuộc sống hàng ngày. Thỉnh thoảng cậu Thăng, hiện sống ở thị xã Sơn Tây, em ruột bà Xuân gửi vào phụ giúp cho chị dăm ba triệu. Nhà thì đi ở nhờ.
Tôi nhắc nhà tôi: Bà có nhớ bài vè tả hết chỗ chê “Cô gái Sơn Tây”không? Nhà tôi đọc không sót một câu làm mọi người trên xe được một mẻ cười. Bắt đầu là câu: Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày dần/Răng đen hạt nhót chân đi cù nèo/Tóc rễ tre, chải lược bồ cào/Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung… Và đoạn kết có những câu: Đêm nằm nghĩ ngợi gần xa/Giở mình một cái gãy ba thang giường. Xe chúng tôi không ghé thị xã, không ghé Thành cổ Sơn Tây, không ghé chùa Và, đi thẳng đến chùa Mía.

3.  LÀNG MÔNG PHỤ THỜ THÁNH TẢN VIÊN SƠN

 Anh Quách Văn Thêm, người gốc làng Cam Thịnh, nay đổi là thôn Văn Minh,  chồng chị Tân đón chúng tôi ở đầu làng Mông Phụ. Mông Phụ là một trong 9 làng của xã Đường Lâm cổ gồm Đoài Giáp, Đông Sàng, Cam Thịnh, Cam Lâm, Mông Phụ, (5 làng này được Nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia) và 4 làng khác là Hà Tân, Hưng Thịnh, Phụ Khang và Văn Miếu.Nói đến Đường Lâm người ta thường liên tưởng đến địa danh “Kẻ Mía”, “Một ấp hai vua”.
Xe dừng trước cổng làng Mông Phụ. Ở đây Ban Quản lý Di tích có đặt một cái bàn bán vé tham quan. Anh Thêm giải thích: Đây là gia đình người bạn ở trong Nam ra thăm chúng tôi.Người bán vé và mấy anh dân quân mời xe qua.
Tôi thấy cổng làng Mông Phụ khác với cổng làng Ước Lễ bởi vì cổng rất rộng, xe tải có thể đi lại dễ dàng. Cổng được làm theo kiểu “Thượng gia, hạ môn”, trên là nhà dưới là cổng. Cổng được xây bít đốc, có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành, rui, trên mái lợp ngói.Thượng lương có ghi dòng chữ khắc vào gỗ: “Thế hữu hưng nghi đại” có nghĩa là Cuộc đời muốn được hưng thịnh cần phải thích nghi. Đây là cái cổng làng cổ duy nhất còn lại trên đất nước ta.
Vào làng Mông Phụ là ta đã bước vào làng cổ Đường Lâm, địa danh có vị thế đắc địa theo thế “Tọa sơn, vọng thủy” tức là lưng tựa vào núi Tản, mặt ngoảnh ra sông Hồng.Đây cũng là vùng “Tứ giác nước” được bao bọc bởi sông Đà, sông Tích – một chi lưu nối với sông Đà, sông Đáy.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiệm, sinh năm 1949, quê ở xã Phong Vân, huyện Ba Vì là người sáng lập và là Chủ tịch Hội Người Họ Nguyễn Việt Nam vừa cho ra đời cuốn sách Lịch sử Họ Nguyễn Việt Nam.(Nhà Xuất bản Văn hóa-Thông tin,in xong và nộp lưu chiểu quý 3 năm 2014).Chương I, sách nói rõ: ÔNG TỔ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM LÀ ĐỨC THÁNH TẢN VIÊN có tên là NGUYỄN TUẤN. Ngài Nguyễn Tuấn được nhân dân tôn làm Tản Viên Sơn Thánh là con của ông Nguyễn Cao Hạnh và bà Đinh Thị Đen, quê ở động Lăng Xương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây, nay là xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Và theo truyền thuyết thì Sơn Tinh là người con rể của vua Hùng thứ 18, chồng của Mỵ Nương, người đã chiến thắng Thủy tinh.Hiện nay vùng Ba Vì có rất nhiều nơi lập đình và đền thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn, trong đó đình Mông Phụ ở làng cổ Đường Lâm là bề thế nhất.
Làng Mông Phụ có các xóm Đình Giang, xóm Hè, xóm Sủi, xóm Chim, xóm Sải, xóm Trại và xóm Trung Hậu. Đình Mông Phụ nằm ở vị trí cao nhất. Điều đáng quý là trải bao thăng trầm của lịch sử, của thời gian, của thiên tai và chiến tranh triền miên mà hiện nay đình vẫn còn gần như nguyên vẹn. Đình chính không có tường vách ngăn che.Tất cả đều để trống, chỉ có một lan can có chấn song hình con triện bao quanh ba mặt tường đến tường hậu cung.Đình được người xưa xây theo kiểu chữ Công (Hán tự). Hai bên tả hữu đình có hai cái giếng, dân dã gọi đây là hai con mắt rồng. Đình có sàn ở hai gian bên. Gian giữa có cửa võng hình lưỡng long chầu nguyệt sơn son thếp vàng. Một ban thờ lớn trang trí bằng tượng rồng, hổ phù ngậm chữ Thọ (Hán tự).Các họa tiết mây được điểm xuyết rất nhẹ nhàng, tinh xảo.Hậu cung chỉ có sườn gỗ bào trơn, có tường xây kín ba mặt. Bệ thờ có ngai và bài vị thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn.

4. CHÙA MÍA – SÙNG NGHIÊM TỰ

Chùa Mía, tên chữ là Sùng Nghiêm Tự tọa lạc trên gò đất cao thuộc thôn Đông Sàng. Làng cổ Đường Lâm có tới 36 quả đồi.Chùa được xây từ xa xưa, đến bây giờ người đời và thư tịch cổ cũng không biết được chùa xây vào thời gian nào? Vào đầu thế kỷ thứ 17, có người con gái đất Mía, đẹp người đẹp nết được Thanh Đô Vương Trịnh Tráng vời vào cung và được phong làm Nguyên phi. Đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Dong (Ngọc Diệu, Ngọc Dao). Sống trong nhung lụa - nơi lầu son gác tía – nhưng Bà đã không quên nguồn cội, nơi quê hương nghèo khó của mình. Bà đã phát tâm, đứng ra hưng công xây dựng chùa trên nền chùa cũ. Bà cũng cho mở Bến đò Mía, Chợ Mía.
Người xưa cho rằng chợ và chùa là một cặp phạm trù thống nhất.Chợ là nơi phàm trần của con người mà bản tính tham sân si là chủ đạo.Chùa là cõi Niết bàn trên cao với từ bi hỷ xả, phổ độ chúng sinh là cội nguồn của Đạo lợi Phật từ tâm.Ở Việt Nam chúng ta có nhiếu lắm nơi chợ gắn liền bên chùa.
Trước cửa chùa là một cái chợ quê, bán đủ thức ăn vật dụng cần cho con người. Đặc sản của vùng này là bánh tẻ bột gạo (gạo quê mùa mới và thịt lợn ỉ dân nuôi trong vùng). Nhân vẫn là thịt lợn băm trộn mộc nhĩ, hành lá thái nhỏ, hành củ chưng giòn. Khác với Hà Nội và nhiều nơi khác, bánh ở đây được gói trong lá dong, dài trên 20 phân, buộc dây cuộn theo chiều dài chiếc bánh. Có rất nhiều hàng bánh tẻ nấu bánh tại chỗ. Khách hành hương về đây ai cũng mua ít nhiều bánh tẻ này làm quà.
Cả nhà chúng tôi vào dâng hương chùa Mía. Qua khỏi cổng, phía tay phải là tòa Bảo tháp cửu phẩm liên hoa (chín tầng hoa sen).Mỗi tòa tháp xòe hình đầu rồng cong vút, chạm trổ công phu.Từ trong lòng tháp,khách thập phương có thể đi ra ngoài bằng 8 cửa vòng quanh thân tháp.
Cuối đường gạch là Bát nhã môn.Một khoảng sân rộng, trên đó có một non bộ thả sen. Nhà Tổ ngự bên hữu sân. Bước lên 7 bậc thềm là đến nhà Tiền đường. Nhà Tiền đường có những cột gỗ to tròn hơn vòng tay người ôm. Theo hướng thượng điện nhìn ra, bên trái là ban thờ Tam tòa Thánh mẫu. Hai bên ban thờ này là Lầu Cô, Lầu Cậu. Bên phải còn lưu giữ được tấm bia lớn đặt trên lưng rùa. Bước qua đường gạch thấp giữa hai giọt ranh là đến Tòa Đại Hùng Bảo Điện.
Cửa chùa nhìn về hướng nam, đối diện với Đình Tổng thờ Bố Cái Đại vương. Chùa Mía hiện thờ 287 pho tượng lớn nhỏ gồm 174 tượng Thổ, 107 tượng Mộc và 6 tượng đồng. Mỗi pho tượng đều mang dáng vẻ đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc. Các pho tượng ở đây lấy đề tài từ sự tích nhà Phật nhưng vẫn thể hiện rất hiện thực, rất sinh động, đậm nét con người Việt Nam.

2.     MỘT VÙNG ĐỊA LINH NHÂN KIỆT
.
Có thể nói làng cổ Đường Lâm là vùng đất địa linh nhân kiệt. Nơi đây đã sinh ra cho đất nước nhiều anh hùng tuấn kiệt, góp phần làm rạng rỡ non sông. Đường Lâm là vùng đất sinh vua, sinh chúa, sinh hậu, sinh mẫu, sinh quan văn, tướng võ danh thơm lưu giữ ngàn đời. Đây không những là quê của hai vị vua anh hùng dân tộc Phùng Hưng và Ngô Quyền mà xa hơn nữa, từ những năm đầu công nguyên, nơi đây còn là quê hương của Bà Man Thiện, thân mẫu của Hai Bà Trưng, người làng Nam Nguyễn,dưới chân núi Tản Ba Vì. Nhân dân địa phương lập đền thờ Bà Man Thiện đặt ở đây được gọi là Miếu Mèn. Đây cũng  là nơi sinh của sứ thần Giang Văn Minh (1582-1639),một nhà ngoại giao yêu nước; là quê của Khâm sai đại thần,phó thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phan Kế Toại; là nhà văn, Phó bảng  Giá Sơn Kiều Oánh Mậu…
                                                          ***
Bà Man Thiện vừa là mẹ vừa là nữ tướng của Hai Bà Trưng.Bà cùng với 10 nữ tướng khác đã giúp Hai Bà thu phục giang sơn, trả thù nhà đền nợ nước.Theo sử gia Lê Văn Hưu: Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng. Việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay.
Trưng Trắc là vị Nữ hoàng đầu tiên của Đại Việt, theo lịch công nguyên là vào năm 40 – 43 . Sau 3 năm tự chủ nước ta lại rơi vào tay nhà Hán.
 Để phục thù, Nhà Hán sai Phục Ba tướng quân Mã Viện sang đánh chiếm lại nước ta. Hắn dựng cột đồng với lời thề: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy thì Giao Châu diệt).
***.
Khí thiêng sông núi hội tụ nơi đây phát phúc và tỏa rạng sinh 2 vị anh hùng giải phóng dân tộc: Người đời thường ca tụng nơi này là nơi “một ấp hai vua”. Nhà Phùng Hưng (791- 800), người làng Đường Lâm, chiến đấu ngoan cường ròng rã 20 năm chống lại nhà Đường, được phong là Bố Cái Đại vương. Con trai Phùng An nối ngôi được 2 năm thì bị tướng vua Đường là Triệu Xương đánh bại. 139 năm sau cũng tại Đường Lâm này xuất hiện một vị cứu tinh dân tộc. Đó là Nhà Ngô (939 -965). Ngô Quyền là nha tướng đồng thời là con rể của Dương Đình Nghệ. Con gái họ Dương là Dương Thị Nga, em của Dương Tam Kha được triều đình Tiền Ngô Vương lập làm hoàng hậu. Sau khi giết tên loạn thần Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền tự lập làm vua. Ngô Quyền là ông vua có sức mạnh phi thường, có tài “nhấc vạc giơ cao”.Dưới sự chỉ huy tài giỏi của Ngô Vương Quyền,  trận Bạch Đằng Giang, với hàng vạn cọc nhọn bịt sắt đã nhấn chìm hàng ngàn chiến thuyền của quân Nam Hán. Hoàng Thao, con vua Hán bị giết tại trận. Vua Hán kinh hoàng phải khóc lên và thu nhặt tàn quân về nước.
 Ngô Quyền là người đã dẹp yên thù trong giặc ngoài, mở đầu thời kỳ tự chủ sau ngót ngàn năm Bắc thuộc.

                                                     ***
Và câu chuyện Cột đồng Mã Viện này lại được vua Hy Tông nhà Minh, (sau gần 1700 năm) ra vế xuất cho Thám hoa,sứ thần Giang Văn Minh:
“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”
Vế xuất này có ý nhắc lại việc Mã Viện dựng cột đồng để làm nhục sứ ta. Sứ thần Giang Văn Minh khẳng khái đối lại:
Đằng Giang tự cổ huyết do hồng
Nghĩa là:
 “Đồng trụ đến nay rêu đã phủ
Sông Đằng từ trước máu còn tươi”
Giang Văn Minh dùng điển cũ về việc quân Nguyên bại trận ở Bạch Đằng Giang để đối lại. Vua Minh nổi giận sai mổ bụng nhưng lại khen là người có tiết tháo bèn sai lấy thủy ngân ướp xác và cho ngậm nhân sâm rồi trả quan tài về nước. Khi quan tài về, vua Lê Thần Tông thân hành đến viếng và than rằng: Đi sứ không làm nhục mệnh vua thực là anh hùng thiên cổ, rồi truy tặng Tả thị lang Công bộ, tước Vinh Quận công lưu danh muôn đời.
Thật hiếm có một làng xã nào mà dấu tích lịch sử dày đặc như ở xứ Đường Lâm này! Người dân Xứ Đoài Sơn Tây rất lấy làm vinh dự và tự hào về quê hương mình.
                                                ***
Vợ chồng anh Thêm (là bạn của Thúy Ngọc) có một trang trại rộng hơn ba mẫu tại Cam Thịnh, nay có tên mới là thôn Văn Minh. Trên sườn đồi thoai thoải anh Thêm đã trồng được gần 300 cây bưởi, đã cho quả hai năm nay. Một ao cá lớn, mỗi vụ thu hoạch cũng được mươi tấn. Sau vườn bưởi có một dãy chuồng nuôi gà, có thể nuôi nhốt vài trăm con. Một ngôi nhà gần như biệt thự, đầy đủ tiện nghi.Chung quanh nhà là những luống hoa và cây cảnh. Và còn có những vạt rau xanh: cải xanh, xà lách, su hào và cây gia vị. Dọc tường rào là một dàn bầu và su su trĩu quả.
Anh Thêm là thượng tá công an đã nghỉ hưu. Anh chị Thêm có hai người con. Cậu con trai theo nghiệp bố, công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Cô con gái đang du học nước ngoài.




Anh chị đã thết chúng tôi một bữa cơm thịnh soạn bằng vật phẩm từ “cây nhà lá vườn”. Một con cá trắm nặng gần 4 ký được hấp cuốn bánh đa, một con gà đồi da vàng ươm luộc chặt miếng lớn rắc lá chanh.Rau sống và rau gia vị như húng, mùi, rau răm.tía tơ, kinh giới là những thứ có sẵn trong vườn. Anh Thêm mang ra một hũ rượu ngâm ba kích và mấy chai rượu ngoại. Trong bữa cơm, chúng tôi nghe anh chị muốn nhượng lại cái trang trại này để vào Sài Gòn sống với các con. Nhiều người ở đây cho biết,do đường sá bây giờ thuận lợi và nhất là không khí mát lành nên dân Hà Nội và nhất là các nhà giàu đã tìm lên Ba Vi để tậu đất, mua vườn cây xây dựng khu nghỉ dưỡng cuối tuần.
Đã quá ngọ, chúng tôi tạm biệt anh chị Thêm, tạm biệt một vùng quê yên ả và hẹn gặp lại Xứ Đoài – nơi có chùa Mía linh thiêng và miền đất “một ấp hai vua” đã để lại trong lòng chúng tôi những kỷ niệm đẹp.
Xe chúng tôi không về theo đường Quốc lộ 32 mà chạy thẳng ra cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng về Phúc Yên, xuống Sóc Sơn vào sân bay Nội Bài.
                                                ***
Chuyến bay chiều của Jetstar đưa chúng tôi trở lại Sài Gòn. Máy bay hạ cánh lúc 19 giờ. Tất cả những cái rét của gió mùa Đông bắc, những ẩm ướt của trời nồm, những mưa dầm gió bấc xin gửi lại miền bắc thân thương. Nhưng kỷ niệm chuyến về Bắc lần này đã lưu lại dấu ấn không thể nào quên trong lòng chúng tôi. Bởi vì ở đó là quê ngoại làng nghề giò chả Ước Lễ, một làng quê đã hơn hai ngàn năm tuổi;  là miền đất Phật linh thiêng Yên Tử, nơi phát tích của Dòng Thiền phái Trúc Lâm của một vị vua anh minh dù khi tuổi đời chưa cao lắm đã biết lui về ở ngôi Thái thượng hoàng, tin vào lớp trẻ có thể đảm đương việc nước;  là Xứ Đoài Sơn Tây – nơi đất “một ấp hai vua” và Kẻ Mía và Miếu Mèn - nơi  thờ thân mẫu Trưng Trắc, Trưng Nhị. Đây là vùng đất sinh vua, sinh hậu, sinh chúa, rất nhiều văn quan võ tướng. Đường Lâm đậm nét một làng cổ, vọng tiếng chuông ngân dưới bóng núi Ba Vì hùng vĩ.Và có thể nào không nhắc tới Hà Nội, thủ đô Hòa bình, của Lương tâm và Phẩm giá con người.Nơi được coi là Trái tim của Tổ quốc Việt Nam. Một ngàn năm đã đi qua và sẽ có một ngàn năm, hai ngàn năm nữa Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội mãi mãi trường tồn.

Cái ký sự này được viết xong lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng Tư năm 2015, đúng vào giờ khắc lịch sử 40 năm trước (30 tháng Tư năm 1975) giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Non sông Việt Nam thu về một mối.
                                                                   Nhà thơ Xuân Bảo





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét