Trang

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

143. Bài phát biểu góp ý của Xuân Bảo


        143. ĐẤT NƯỚC ĐANG TRÊN ĐÀ ĐI TỚI
Tùy bút chính trị của Xuân Bảo
Bài phát biểu của nhà thơ Xuân Bảo  tại Hội nghị Góp ý các văn kiện         Đại hội Đảng XII do Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai triệu tập, họp vào sáng ngày 23/4/2015 tại Hội trường Tỉnh ủy Đồng Nai.

1. NHỮNG THÀNH QUẢ QUAN TRỌNG
Năm nay, tôi bước sang tuổi 81, nhưng được trời phú cho sức khỏe còn tốt, đầu óc còn minh mẫn, chỉ tội cái tai hơi bị nghễnh ngãng một chút.Vừa qua, tôi dã làm một chuyến về Bắc và đã viết xong cái ký sự Bắc Hà gồm 4 phần,kể lại những điều tai nghe mắt thấy trong hơn 2 tuần thăm thú nhiều nơi trên đất Bắc.
Tháng 10 năm 2010, tôi và nhà văn Võ Nguyện (đã mất từ năm ngoái-7/12/2013) hoàn thành công trình “Trời Nam thương nhớ” và đem về Hà Nội dâng lên Đức Lý Thái Tổ trong Ngày Hội lớn 1000 năm Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Thi Tuyển “ Trời Nam thương nhớ” đã có tiếng vang lớn trên Thi đàn.
          Nay, sau 5 năm tôi lại được trở về với Hà Nội thân yêu.Ký ức tôi còn hằn sâu những ngày mùa thu năm 1960.Dàn Đại hợp xướng của hơn 1200 thanh niên ưu tú của các trường đại học,các tổ chức thanh niên trong các cơ quan nhà nước…thuộc Thành đoàn Thanh niên Hà Nội đã cùng các nhạc công trong Nhà hát giao hưởng, Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Đại nhạc hội chào mừng Đại hội Đảng lần thứ III thành công tại vườn Bách thảo.Lúc bấy giờ, tôi được phân công vào bè basse của Đại hợp xướng. Nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Văn Vy,nguyên hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Đồng Nai, hiện còn sống tại Biên Hòa, lúc đó là người thổi kèn clarinet của Nhà hát giao hưởng.
Những bài hát được trình diễn trong Đại nhạc hội này gồm Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam, Ca ngợi Hồ Chí Minh,Bài ca Tháng Tám…Chúng tôi hát như muốn vỡ tung lồng ngực đến nỗi nhạc trưởng Nguyễn Hữu Hiếu không kìm nổi xúc động đã làm gãy đôi cái gậy chỉ huy (baguette) dàn nhạc,phải thay cái khác.
Bác Hồ đã bắt nhịp Bài ca kết đoàn trước các vị đại diện các đảng cộng sản và công nhân quốc tế tham dự Đại hội III. Và trước đó mấy hôm,trong đêm Hội diễn Văn nghệ quần chúng của thủ đô, trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội,tôi còn được đơn ca bài Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng.Thơ của nhà thơ Aragon (Đảng Cộng sản Pháp),Tố Hữu dịch ra Việt ngữ và Phạm Tuyên phổ nhạc.
Thế mà đã 55 năm trôi qua!
          Chiếc Air bus 321 hạ dần độ cao trong bầu trời Hà Nội nhiều mây.Phía dưới cánh bay là Hà Nội rực rỡ, lung linh trong ánh điện nhiều màu.So với 5 năm trước, sân bay Nội Bài dường như rộng hơn, đẹp hơn và nhiều máy bay hơn. Và chắc chắn rằng những “con chim sắt cánh bạc” kia đã tung cánh ra khắp muôn phương, vươn mình tới những chân trời bè bạn xa xôi trong cái quả địa cầu của chúng ta.Đây là một thành quả đáng mừng!
          Từ sân bay Nội Bài về Hà Nội hai bên đường mọc lên san sát những tấm pa-nô quảng cáo của các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước. Những công trình nhà máy xí nghiệp trong cụm công nghiệp Đông Anh có rất nhiều công ty của nước ngoài như Toyota…Qua khỏi cầu Thăng Long,đi vào địa phận huyện Từ Liêm – nơi ngày trước chỉ có vài ba trường đại học như Đại học Sư phạm, Đại học Ngoại thương - thì nay có tới hàng chục trường đại học, học viện.Trụ sở, nơi làm việc của các công ty, đơn vị kinh tế được xây dựng khá nguy nga,có ngôi nhà cao tới hai ba chục tầng. Hàng loạt khách sạn bốn sao, năm sao được xây dựng.Những ngôi nhà dân  cũng được xây mới đẹp đẽ khang trang hơn. Những thay đổi đó trong mấy năm gần đây đã chứng minh rất rõ một điều là Hà Nội đang thay da đổi thịt hàng ngày.Đây là một thành quả đáng khích lệ!
          Trong những ngày lưu lại miền Bắc,tôi đã được đi trên những chiếc cầu mới khánh thành như cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh… bắc qua sông Hồng. Đây là những chiếc cầu xây dựng theo công nghệ tiên tiến có sức chịu tải lớn. Tôi cũng đã được đi trên những con đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai, đường 5 Hà Nội – Hải Phòng, Quốc lộ 18 ra Uông Bí…Mạng lưới giao thông nông thôn cũng đã được cải thiện đáng kể.Hệ thống đường bộ thực sự là mạch máu tốt, góp phần phát triển của nền kinh tế quốc dân. Đây là một thành quả đáng biểu dương!
          Trên đây chỉ là những nhận xét chủ quan của tôi và cũng là những nét chấm phá mà thôi.Tuy nhiên, đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI(2011-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới thì theo thiển ý cá nhân tôi,tôi nhất trí với nhận định của “Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII là “ 5 năm qua đã đạt được những thành quả quan trọng” và đánh giá tổng quát 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được “những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử”trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.Đây là một thực tế lịch sử không thể chối cãi.Thế nên,chúng ta-những người đang sống trên mảnh đất của “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước”(Lời Hồ Chủ tịch)-có trách nhiệm đem hết sức lực và trí tuệ xây dựng một nước Việt Nam cường thịnh,dân chủ,công bằng và văn minh.
          Đất nước đang trên đà đi tới.Đó là chân lý và niềm tin!
                   2. CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG CON NGƯỜI.
          Là một nhà thơ,nhưng trước hết tôi là một công dân, vì vậy trách nhiệm xã hội và ý thức công dân được đặt lên hàng đầu. Trong Báo cáo chính trị (Dự thảo), mục VII có đề cập đến “Phát triển văn hóa, xây dựng con người”.Báo cáo nêu:Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện –mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn,dân chủ và khoa học.Văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
          Tôi xin đi vào những khía cạnh cụ thể về xây dựng con người để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
 Trách nhiệm của người nghệ sĩ nói chung và của các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, những nhà lý luận phê bình…mà đại diện của họ là bộ máy điều hành của họ nói riêng là hãy tạo ra những tác phẩm có giá trị như chúng ta đã từng có Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Dụ chi tỳ tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ) của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi,Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh và nhiều nhiều những áng thơ văn tuyệt mỹ.
Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp Các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam đã làm được những gì trong thời gian qua? Cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam anh hùng đã mang lại độc lập hòa bình và thống nhấtt non sông, tính đến hôm nay vừa tròn 40 năm. Thời gian dài ấy đủ để lắng đọng quay nhìn về quá khứ hào hùng của dân tộc. Song những văn nghệ sĩ Việt Nam đã có những thành tựu gì mang tính lịch sử cho nhân dân?
 Hiện chúng ta có một Hội Nhà văn Việt Nam với trên dưới một nghìn hội viên. Có một đội ngũ những người làm công tác văn học- nghệ thuật của các hội địa phương lên tới hàng vạn người.Với ngần ấy hội viên chỉ cần một phần mười có những tác phẩm có giá trị, phản ánh được một giai đoạn lịch sử trên tất cả các mặt đời sống xã hội sản xuất và chiến đấu thì đã quý hóa lắm! Huống chi, chúng ta đã qua 70 năm xây nền độc lập của Tổ quốc, chúng ta đã đánh thắng những tên xâm lược mạnh gấp hàng trăm lần chứng ta về trang bị vũ khí.Nhưng những tác phẩm văn học- nghệ thuật của nước nhà trong giai đoạn đánh Mỹ và cả 30 năm đổi mới  liệu đã có những tác phẩm nào để lại dấu ấn cho con cháu mai sau?!
Cơ quan Liên hiệp Các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam làm công tác lãnh đạo chỉ đạo 63 tỉnh thành.Ở mỗi tỉnh thành đều có Hội Văn học –Nghệ thuật hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Nhân dân vể mặt quản lý nhà nước và của Tuyên giáo Tỉnh ủy về măt chính trị tư tưởng. Các hội địa phương đều có trụ sở,có biên chế và ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động.Tất cả nguồn kinh phí này đều lấy từ thuế mà có. Thế nhưng những hoạt động của các hội này đã mang lại những kết quả gì?Đó là câu hỏi mà chúng ta phải tìm cho ra lời giải.
Tất cả những hoạt động của văn nghệ sĩ là nhằm góp phần tạo ra “con người Việt Nam toàn diện”; đúc kết và xây dựng giá trị chuẩn của con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất , tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật.
 Vì thế , trong Lời phát biểu tâm huyết hôm nay với Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương, tôi xin nêu vấn đề Chiến lược xây dựng con người Việt Nam mà trách nhiệm của văn nghệ sĩ là rất lớn.Tôi đề nghị nên nêu thêm vào Báo cáo Vai trò và trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với Nhân dân và Tổ quốc.
Chúng tôi tự nhận mình là Kẻ sĩ trước thời cuộc, nên có những lời tâm huyết này.Kính mong Đảng chấp nhận để Đại hội XII của Đảng thực sự là người dìu dắt những nhà thơ, nhà văn chúng tôi cùng nhân dân Việt Nam anh hùng tiến lên trên con đường xây dựng một nước Việt Nam “công nghiệp hóa, hiện đại hóa
theo hướng hiện đại”.

Biên Hòa, những ngày Kỷ niệm 40 năm dất nước     độc lập, thống nhất toàn vẹn non sông.
                                                                Nhà thơ Xuân Bảo
(Bài viết xong lúc 1 giờ sáng ngày 23/4/2015)
         

          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét