Trang

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

147. Hai bài thơ về Thiền Phái Trúc Lâm

147. Hai bài thơ viết về Thiền Phái Trúc Lâm

Nhân ngày Phật đản 15 tháng 4 Ất Mùi (nhằm ngày 1/6/2015)
.
VỊ SƠ TỔ CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ

Xuân năm nay gia đình chúng tôi có dịp hành hương về Yên Tử - nơi cách đây hơn 700  năm -  vua Trần Nhân Tông nhường ngôi báu lại cho con là Trần Anh Tông để chuyên tâm nghiên cứu về Phật học. Ngài chọn vùng núi Yên Tử để tu hành.
Nhân ngày Lễ Phật đản tôi viết bài này để tỏ lòng ngưỡng mộ một vị vua anh minh của đất nước.
Trần Nhân Tông tên húy là Trần Khâm, sinh ngày  11 tháng 11 năm Mậu ngọ nhằm  ngày 7 tháng 12 năm 1258. là con trưởng của vua Trần Thánh Tông, tên húy là Hoảng, mẹ là Hoàng thái hậu Nguyên Thánh. Ngài là cháu đích tôn của vua Trần Thái Tôn, tên húy là Cảnh.
Năm 1274, Ngài 16 tuổi được lập làm Đông cung thái tử. Cũng trong năm đó Ngài kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh, trưởng nữ của Hưng Đạo đại vương. Năm 21 tuổi (1279) Ngài được vua cha truyền ngôi.
Trước họa xâm lăng của quân Nguyên – Mông, năm 1282 vị vua 24 tuổi này đã chủ trì Hội nghị Bình Than và sau đó 2 năm năm 1284 Ngài chủ trì Hội nghị Diên Hồng.
Chiến thắng Nguyên – Mông lần thứ nhất vào năm 1285 và chiến thắng Nguyên – Mông lần thứ hai vào năm 1288 là do toàn dân nhất trí một lòng diệt giặc bảo vệ non sông nước Đại Việt mà Ngài là vị thống soái.  Sau chiến thắng Ngài cùng với vua cha làm Lễ Hiến phù tại phủ Long Hưng (Thái Bình) có dẫn giải một số tù binh và những tên đầu sỏ Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ Ngọc dâng mừng Đại thắng. Trước lăng mộ Trần Thái Tông, vua Trần Nhân Tông đã đọc hai câu thơ cảm khái:

 “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”

(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng)

Năm 1301, vua Trần Nhân Tông làm cuộc viễn du sang Chiêm quốc. Vua hứa gả con gái rượu của mình cho vua Chiêm. Chế Mân dâng Đại Việt hai châu Ô và Rý làm sính lễ cầu hôn. Về Chiêm Thành, Huyền Trân sinh được một hoàng tử. 11 tháng sau thì vua Chế Mân tịch và Huyền Trân đáng phải lên giàn hỏa nhưng đã được Trần Khắc Chung và Đặng Văn sang cứu về. Tôi có bài thơ Giọt lệ Huyền Trân viết hồi năm 2007 nhân kỷ niệm 700 năm Huyền Trân về làm hoàng hậu Chiêm Thành 1307 -2007.
  Vua Trần Nhân Tông  là một ông vua văn võ kiêm toàn. Ngài đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng. Rất tiếc nhiều thi tập như Việt âm thi tập, Trần Nhân Tôn thi tập, Đại hương Hải Ân thi tập,Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ ngữ, Trung Hưng thực lục, Truyền Đăng lục…phần lớn thất truyền. Thơ Trần Nhân Tông đạm bạc có hơi ấm của cuộc đời. Những bài tả mùa xuân, tả trăng, tả cánh đồng, tả chiều hôm…chứng tỏ là Trần Nhân Tông có một tâm hồn nghệ sĩ, thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên và nhìn vẻ đẹp đó dưới con mắt của người nhuốm tư tưởng thiền. Đặc biệt Ngài có một bài phú có tên là Cư trần lạc đạo phú. Đây là tác phẩm chữ Nôm đầu tiên của nước ta. Bài phú có 10 hội, mỗi hội số chữ dài ngắn khác nhau. Hội thứ nhất gieo vần bằng, hội thứ hai gieo vần trắc. Cứ thế các vần thay nhau bằng trắc cho đến hết 10 hội. Phần kết có bài kệ tứ tuyệt. Cư trần lạc đạo phú ca tụng cảnh tu hành ở nơi núi non, lời cổ kính nhưng rất đời và rất thực. Và bài phú này là chủ thuyết của Thiền Phái Trúc Lâm.
 Trần Nhân Tông là vị vua sáng lập ra dòng Việt Phật Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài là vị vua Phật đầu tiên ở đất nước Đại Việt với tôn hiệu “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”.
Theo sử cũ, Ngài xá báo an tường, thâu thần thị tịch ngày mùng 1 tháng 11  Mậu Thân (1308), thọ thế 51 năm. Trước khi nhập diệt, Ngài đã để lại bài kệ Pháp Thân Thường Trụ: “Nhất thiết pháp bất sanh. Nhất thiết pháp bất diệt. Nhược năng như thị giải. Chư Phật thường tại tiền. Hà khứ lai chi hữu”.  “(Tất cả pháp không sanh. Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vầy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi)”.
***
Tôi đã làm hai bài thơ theo thể Đường luật để bái vọng lên Ngài trong dịp Lễ Phật đản năm nay
.
           Bài thứ nhất:

MINH QUÂN – THÁNH CHÚA

Tìm về Yên Tử chốn quan san
Lập phái Trúc Lâm giữa đại ngàn
Trước diệt Nguyên Mông yên xã tắc
Sau xây Đại Việt vững âu vàng
Cửu trùng phổ độ rời ngôi báu
Vạn tuế chuyên tâm hướng Niết bàn
Điều ngự giác hoàng ngời chánh pháp
“Cư trần lạc đạo” sáng trời nam*

*Cư trần lạc đạo phú của vua Trần Nhân Tông,chủ thuyết của phái Thiền môn Trúc Lâm.

Bài thứ hai:

VỊNH CHÙA BA VÀNG, BẢO QUANG TỰ

Hai sườn xanh ngắt cánh rừng thông
Lưng dựa thế núi phía trước sông
“Ánh sáng quý” ngời ngôi cổ tự *
Bình minh lên rạng mặt trời hồng
Nơi đây hạ đoạn bình phong thủy
Kìa chốn  thượng môn mạch giếng nguồn
Hổ phục oai linh, thiêng đuốc tuệ
Rồng chầu hùng vĩ hướng Chùa Đồng

*Ánh sáng quý tức Bảo Quang Tự
Nhà thơ Xuân Bảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét