Trang

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

174. Nhớ nhà thơ trào phúng Võ Nguyện

174.NHỚ NHÀ THƠ TRÀO PHÚNG VÕ NGUYỆN.

       Viết kỷ niệm ngày Giỗ lần thứ 3 của Võ Nguyện (07/12/2013-07/12/2016)

Võ Nguyện là bút danh chính thống. Ngoài ra còn có nhiều bút danh khác như  Cá ngạnh,Lê Thị Cá Ngạnh, Dã Quỳ…Nhưng nổi bật nhất là bút danh Tú Thịt Hộp. Và càng đình đám hơn là cái blog Vanbienhoa mà Võ Nguyện là chủ với cái tên khá hiện đại: Tú Thịt Hộp. 
Nhà thơ trào phúng Võ Nguyện sinh năm 1957 tại làng Văn Xá, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông đã có các tác phẩm được in. Đó là Một và Hai (Thơ), Mưa nắng Đồng Nai (), Tình Huế với Đồng Nai ( Sách văn xuôithơ và tản văn, đồng chủ biên với nhà thơ Xuân Bảo), Trấn Biên thi tuyển (Thơ Đường luật, Đồng chủ biên với nhà thơ Xuân Bảo). Trời Nam Thương Nhớ (Thơ nhiều tác giả. Đồng chủ biên với nhà thơ Xuân Bảo), Bưởi Biên Hòa (Thơ luật Đường). 
Và những tác phẩm đã hoàn chỉnh bản thảo nhưng chưa có điều kiện in. Đó là Lòng quê (Thơ), Đất rang (Tập truyện ngắn), Cách phá Tam Giang (Truyện dài), Thâu tóm và chuyển giao quyền lực của vua chúa Việt Nam (Ký lịch sử).
Nhà thơ Võ Nguyện ra đi khi tuổi đời sắp trọn một hoa giáp. Ông bị đột quỵ lúc o giờ 55 phút khuya ngày 7 tháng 12 năm 2013, khi ông vừa viết xong tác phẩm Con lừa và bầy cừu. Tác phẩm cuối cùng của blog vanbienhoa. Lúc sinh thời, nhà thơ muốn nay mai khi có thời cơ thuận lợi sẽ cho xuất bản toàn bộ các tác phẩm đã poste lên mạng vanbienhoa, để ghi lại một thời không lấy gì làm vui của Hội VHNT Đồng Nai.


Hôm nay kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 3 của Võ Nguyện,( 07/12/2013 – 07/12/2016) tôi xin mạn phép nhà thơ – một người em, người bạn vong niên –  đưa lên Fb một bài viết của tôi giới thiệu tập thơ Bưởi Biên Hòa (thơ Đường) của Võ Nguyện. Tôi coi đây là nén hương thắp cho nhà thơ.

THƠ VÕ NGUYỆN, CHUYỆN XUÂN HƯƠNG

   (Cảm nghĩ của người Biên Trấn. Bài viết cho lần xuất bản đầu tiên tập thơ Bưởi Biên Hòa của Võ Nguyện. Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn- năm 2012)

                   Thơ luật Đường du nhập vào Việt Nam khá lâu, sau này dù đã Việt hóa bằng chữ Nôm nhưng vẫn là một thể thơ trang trọng.Tuyết-Nguyệt-Phong-Hoa kinh điển.
          Đến cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 xuất hiện một hiện tượng văn học lạ: Thơ Hồ Xuân Hương
        Chỉ với khoảng 50 bài thơ được lưu truyền, nhưng đó lại là môt di sản vô cùng quý báu của văn học cổ điển Việt Nam. Hồ Xuân Hương xứng đáng được hậu thế phong tặng danh hiệu: Bà Chúa Thơ Nôm.
        Bà Chúa Thơ Nôm đã vô cùng táo bạo và độc đáo – khi đầu tiên – dùng những hình ảnh phồn thực dân dã, kể cả chuyện riêng tư của mình  để đả kích châm biếm những thói hư tật xấu của xã hội. Thơ Bà thường có hai nghĩa, nghĩa nổi và nghĩa chìm theo kiểu đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục của dân gian. Trước đây nhiều người cho thơ Hồ Xuân Hương là “dâm thi”, chỉ gây cười.Nhưng rồi dần dần người ta mới hiểu ra “nghĩa chìm” và thấy Hồ nữ sĩ là nhà thơ tiên phong đổi mới nội dung thơ Đường. Rõ ràng thơ Hồ Xuân Hương vừa có tính trữ tình vừa có tính châm biếm phê phán sâu sắc. Bà đã xắn váy quai cồng lội qua chỗ các vị đại diện cho một trật tự xóm làng, trật tự xã hội đang ngồi và phán truyền những lời giáo huấn sáo rỗng, giả nhân giả nghĩa và lừa lọc.

                                                        ***
        Những năm cuối thế kỷ 20, thơ luật Đường sống lại và trỗi dậy. Hàng ngàn tác giả thơ luật Đường xuất hiện, trong đó có vài người làm theo giọng điệu của Hồ nữ sĩ. Võ Nguyện là một trong số đã đi theo lối thơ Hồ Xuân Hương. Võ Nguyện là một trong những nhà thơ ít ỏi đó.
        Tập thơ luật Đường Bưởi Biên Hòa, Võ Nguyện đã sử dụng hình ảnh phồn thực của những Đá Chồng, Cồn Hến, Cái Vồn, Bưởi Biên Hòa…để nói lên cảm nhận về quê hương xinh đẹp và những vấn đề của nó trong xã hội hiện thời. Đặc biệt phần “nghĩa nổi” và “nghĩa chìm” lại hòa quyện bổ sung cho nhau rất đa dạng, bất ngờ và thú vị. Một ví dụ nhỏ là vấn đề quy hoạch treo, ai cũng sợ:

        Cồn Hến của em nép dưới hà
        Lạy ông quy hoạch hãy rời xa.../
(Đừng quy Cồn Hến)
Hay ở một bài khác:
        Xin hỏi ai quy hoạch Cái Vồn
        Mà nay hoang phế cái lò tôn?/
(Đập Cái Vồn)

        Thật nực cười cho cái quy hoạch lung tung theo tùy hứng phong trào. Đến nỗi “chỗ ấy” cũng không tha, gây ra không biết bao nhiêu chuyện oái oăm ta thán và mong mỏi:
        Ai người xả cảng cho thông nước
        Để ứ lâu ngày chịu nổi hôn?
        Đến nỗi có lúc cô gái Huế vốn dịu dàng thùy mị mà cũng phải chỉ tay vào “cồn hến của em” mà la lên:
        “Sơn hà cẩm tú”…dành anh đó
        Nỏ biết yêu thì hãy tránh ra./
(Cồn Hến)
          Một đặc tính rất mở của thơ Đường là xướng họa. Đặc tính này đã cho phép độc giả “giao lưu trực tuyến”, bày tỏ chính kiến với tác giả, hết sức bình đẳng. Bưởi Biên Hòa đã dành trang để đăng phần họa thơ làm cho tác phẩm vô cùng phong phú. Hầu như bài nào cũng có người họa mà họa lại thường có ý tưởng trái chiều. Trong bài Đá Chồng, tác giả chỉ nhắc nhở việc bỏ phí danh lam thắng cảnh:

          Nha Trang hòn ấy làm du lịch
          Thu được bộn tiền có biết không?

Thì ngay tức khắc nhiều người lên tiếng. Hạnh Phương ở Đồng Nai “đóng vai bảo thủ”:
          Nha Trang có biển, so chi rứa
          Thủ phận Đồng Nai có khỏe không?

          Nguyễn Hữu Cần thì mỉa mai:

          Thời nay hốt bạc nhờ trò ấy
          Dựng đá tạo hình bán sướng không?
          .
          Nguyễn Văn Thâu và Lý Thế Bằng thì đồng tình:

          Trần gian cảnh ấy ai không thích
          Quý khách bỏ tiền chẳng mất không
Sầm Sơn  chưa ngắm đời thua thiệt
Dẫu cổ đầy vàng thế cũng không!

Còn Kiều Văn Phẩm thì thật thà phân vân:

Du khách tham quan thường thắc mắc
Tích xưa huyền thoại có hay không?

Và Xuân Bảo thì lo lắng:

Nữ sĩ Xuân Hương mà sống lại
Khối tình cọ mãi có mòn không?

Hay chỉ là hình ảnh “chiếc xe cũ” mà lại nhiều ý kiến khác nhau. Hạnh Phương yên tâm nhưng hơi quá đáng:

Mép đường dựng tạm không lo lắng
Góc chợ quẳng bừa chẳng ngai e.

Huỳnh Tấn Cường lại thú thật lòng mình mà không nói ra thì không ai biết:

Nghĩ mình phận hẩm chơi xe cũ
Giấu diếm chi rồi nhớt cũng le

Nguyễn Văn Thâu thì vẫn chung thủy để còn:

          Cao hứng trèo lên khum cẳng đạp
          Tàn hơi tụt xuống bỏ tay đè

Thanh Trúc thì có vẻ già kinh nghiệm đã lên tiếng cảnh báo:

          Bảo dưỡng định kỳ máy khó rè
          Ngày đêm xả láng ắt hư xe

Và Lý Thế Bằng thì xứng đáng là tay thợ sửa chữa biết tiếp thị để thu hút khách hàng:

          Máy cũ về ta chắc hết rè
          Xoa mông nắn yếm đại tu xe

Và còn nhiều nữa, nhưng xin để độc giả tự khám phá những điều lý thú.

                                                ***
          Nói tóm lại Bưởi Biên Hòa đã góp phần làm cho mảnh đất Đồng Nai cây lành trái ngọt trở nên thêm nổi tiếng. Đó phải chăng là phần nghĩa chìm trong thơ Võ Nguyện viết theo lối Hồ Xuân Hương mà tác giả không nói ra.
          “Thơ Võ Nguyện, chuyện Xuân Hương” là rất có tác dụng.

                                                                             Nhà thơ Xuân Bảo
(Bên bờ Phước Long Giang những ngày cuối năm 2016)
                             

                   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét