Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

302.HUẾ TRONG TÔI (tiếp theo)

302.Ký sự.

Phần II.Huế trong tôi.

1.     Phú Bài, nơi 75 năm trước, tôi đã từng sống.

2.     Những ngày thơ ấu của tôi,

3.     Thời 9 năm

4.     Kỷ niệm về 2 bài thơ của Ba tôi

5.     Ba tôi đưa tôi tới trường học.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.       Phú Bài, nơi 75 năm trước, tôi đã từng sống.

 

          Chuyến bay Vietjet.Air mang số hiệu VJ. 304 trên chiếc Airbus 321, đáng lý phải khởi hành lúc 6h20, ngày 7 tháng 3 năm 2016, nhưng phải trễ đến 30 phút. Nều không trễ thì chỉ bay khoảng 1 tiếng 20 phút. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Phú Bài hồi 8h10. Rời ga, đúng 8h30. Phan Quang Kỳ đã đứng sẵn ở lối ra. Kỳ mặc bộ complet khá chững chạc. Hai bác cháu ôm chầm lấy nhau và Kỳ đón lấy chiếc xe đẩy hành lý ra xe. Anh Nguyễn Hậu cùng đi với Kỳ lúc sáng sớm từ làng Thượng Phước, Triệu Phong, Quảng Trị. Tính ra khoảng cách từ nhà vào Phú Bài cũng non 80 cây số.

Phú Bài! Nơi đây trước năm 1945 là một vùng đất hoang vu, đầy cỏ dại và cát biển. Tôi còn nhớ, khi ba tôi còn ở trong quân ngũ của 5è.  Brigate (Sư đoàn 5 của quân đội viễn chinh Pháp), ông được bố trí cho cả vợ con ở trong Camp Marié, thường gọi là Trại Con Gái. Phú Bài lúc đó có rất nhiều bọ chét. Năm 1940, tôi chưa đến tuổi đi học. Năm sau, 1941 ba tôi được điều về đồn Mang Cá và tôi được cắp sách tới trường Nhà binh, đóng trong Trại Con Gái Mang Cá. Tôi vào học lớp Đồng ấu, học cùng một lúc cả tiếng Ta lẫn tiếng Tây. Lớp này gọi là cours Enfantin (lớp 5), học từ a bê xê (a, b, c,) rồi lên lớp Dự bị, tiếng Tây gọi là cours Préparatoire (lớp 4), rồi lên lớp Sơ đẳng, tiếng Tây gọi là cours Élémentaire (lớp 3). Kết thúc 3 năm học này thì đi thi để lấy bằng Sơ học Yếu lược. Cuối niên khóa 1943-1944, tôi đi thi ở trường Hương Trà. Và tôi đã đậu cao, thứ 11 trong 1600 thí sinh dự thí. Trát sức báo tin tôi đã đậu Yếu lược về làng Đại Hào, (lúc này thuộc tổng An Cư, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Ông nội tôi đã cho mổ bò khao làng. Thời gian này ông tôi đang làm lý trưởng, còn gọi là ông Xạ (Xã trưởng nhưng tiếng Quảng Trị hay đọc dấu ngã thành dấu nặng).

                                                         ***

          Tôi còn nhớ những năm thập kỷ 70, đồng bào Thượng từ bắc Quảng Trị đến nam Thừa Thiên, người Pakôh, người Vân Kiều và một vài bộ tộc khác đều lấy họ Hồ, họ của Cụ Hồ làm họ của mình. Thời gian này nhà văn Hồ Phương đi B, và đã viết thành công tiểu thuyết Kan Lịch, cháu của anh hùng Vai. Kan Lịch sau này  được tuyên dương Anh hùng Quân đội. Đồng bào ở đây rất thật thà chất phác. Họ thích đồng hồ đeo tay, nhưng phải là loại đồng hồ có “điện Phú Bài và 2 cửa sổ”. Đó là chiếc đồng hồ dạ quang, ban đêm trông rõ quầng sáng mặt trong và hai cửa sổ là lịch ngày và lịch thứ. Nếu đổi đài (loại radio bán dẫn) thì nhất thiết trong cái đài transitor đó phải có 2 nghệ sĩ Châu Loan và Hồng Lê (người Quảng Trị) ngâm thơ. Thành ra phải chờ tới đêm khuya, khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi tiết mục đọc chuyện đêm khuya thì mới có thơ ngâm của 2 nghệ sĩ này!   

Tôi bàn với anh Hậu ghé thăm cháu Minh Hiền, con gái anh Nguyễn Minh Tự (anh ruột anh Hậu), một trong ba chiến sĩ cộng sản đầu tiên của làng Thượng Phước – thời Tiền khởi nghĩa Tháng Tám, 1945). Minh Hiền cùng chồng là Lê Văn Nghệ (cán bộ kháng chiến chống Mỹ đã từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt của tỉnh trước và sau giải phóng), được Nhà nước bố trí ở Cư xá Đống Đa, trung tâm thành phố Huế, từ sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975). Căn phòng này hiện nay, vợ chồng Hiền Nghệ đã ngăn ra làm hai. Một bên cho thuê bán cà phê. Bên còn lại, phía trong có mấy phòng trọ cho thuê. Tôi hỏi Nghệ: Lương hưu của Nghệ được bao nhiêu? Nghệ bảo: Cũng bưa (bưa có nghĩa là đủ dùng). Nghệ còn cho biết thêm là Minh Hiền không có lương hưu!

          Anh Hậu và Kỳ uống cà phê. Tôi được cháu Hiền mua cho một tô bún bò Huế. Tôi gọi điện cho nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm. Song Cầm bận tiếp một giáo sư nước ngoài nên khất lại lần sau. 

     Ăn uống xong, chúng tôi đến thăm anh chị Trần Văn Hối. Anh Hối là người làng Thượng Phước, học sinh Quảng sinh Bình Trị Thiên, được gửi ra học ở Hà Tĩnh – một trong ba tỉnh bắc Liên khu 4 không bị giặc Pháp chiếm đóng. Đây là lớp người đào tạo sẵn cho ngày đất nước sạch bóng giặc. Anh Hối là giảng viên trường Đại học Sư phạm Vinh, cùng thời với giáo sư Nguyễn Duy Bình. Giáo sư Bình hồi đó là cán bộ Đoàn trường (khoảng năm 1956, 1957) đã lên sân khấu trao thẻ đoàn viên và huy hiệu Đoàn cho nữ sinh viên Hà Thị X. Sự kiện này được tờ Đất Mới, tờ báo xuất bản lậu của một nhóm sinh viên trường Đại hoc Tổng hợp Hà Nội ấn hành. Có chi tiết thày giáo Bình chạm tay hơi lâu vào ngực sinh viên X. Thời gian này cũng rộ lên các tờ báo Nhân văn và tạp chí Giai phẩm Mùa Xuân, Mùa Thu, Mùa Đông của nhóm Nhân văn -  Giai phẩm. Tờ Trăm Hoa của nhà thơ “Lỡ bước sang ngang” a dua theo trào lưu “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” của nhóm Đinh Linh, Tả Lâm bên Trung Quốc. Tận bên Đông Âu cũng lại dấy lên phong trào phản kháng chế độ của nhóm văn nghệ sĩ Câu lạc bộ Pêtophi - Hungari, vụ bạo loạn Pôznan ở Ba Lan… Cuối cùng thì tất cả những tờ báo và tạp chí đó (ở trong nước) đều bị đóng cửa. Nhà Xuất bản Sự thật đã cho ra mắt bạn đọc cuốn “Lên án bọn Nhân văn - Giai phẩm” để bóc trần và đập tan luận điệu vu khống xuyên tạc chủ nghĩa xã hội và củng cố niềm tin cho nhân dân và cán bộ. Văn nghệ sĩ là phải đi đúng hướng “Văn nghệ phải phục vụ chính trị”.  Và tính đảng trong văn nghệ là sợi chỉ đỏ có tính xuyên suốt cao nhất cần phải tuân thủ.

                                                          ***

          Đến đường Phan Bội Châu, tôi nhớ mang máng là anh chị Hối ở số nhà 254. Kỳ cho xe chạy quá gấn tới cầu Bến Ngự. Tôi xuống xe, hỏi một chị đi bộ; Nhà thầy Hối thì chị ta xăng xái dẫn tôi vào một con hẻm hẹp và gọi tên thầy Đối ra có người gặp, Tôi là một ông già tuổi trên tám mươi, tai bị nghễnh ngãng đã đành còn chị ta mới 55 tuổi, sao lại nghe Hối ra Đối được nhỉ? Thế là phải ra lại đường chính và hỏi người khác. Đến đúng số nhà anh Hối. Tôi gọi cửa, anh chị mừng rỡ đón vào nhà. Anh chị nhắc lại một vài kỷ niệm hồi chúng tôi ở phố Hàng Đào, Hà Nội. Có lần anh ra thủ đô cùng với giáo sư ngữ văn Nguyễn Việt Anh để biên soạn cuốn Văn học sử Việt Nam, anh đã nghỉ lại nhà tôi. Nhưng nhớ nhất là chúng tôi về dự đám cưới của anh chị. Hồi đó, chị Nụ là sinh viên năm cuối khoa ngữ văn, quê ở Yên Khánh, Ninh Bình. Đoàn đồng hương Quảng Trị chúng tôi gồm anh Phan Hào, chồng chị Đào, anh rể anh Trần Văn Hối. Anh Phan Hào đã từng làm bí thư Thị ủy Quảng Trị thời chống Pháp, anh Trần Đức Lương, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và tôi. Thời gian đó việc mua vé xe ca Hà Nội đi các tỉnh rất khó khăn, nên anh Hào (đang công tác tại Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải) phải lấy giấy giới thiệu của Bộ, bến xe mới ưu tiên bán vé cho.

          Tôi và anh Hậu đến anh Hối còn có một việc quan trọng. Anh Hối là một nhà trí thức tầm cỡ, có uy tín. Năm nay anh đã 86 tuổi và là một trong những trí thức còn lại của làng. Chúng tôi trình anh bản “Dự thảo Xây Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ, anh hùng của làng Thượng Phước”. Trong Lời đề dẫn, chúng tôi có đề cập đến một làng quê nhỏ bé như Thượng Phước, trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đánh Pháp và đuổi Mỹ ròng rã ba mươi năm trời đã cống hiến cho Tổ quốc gần 45 liệt sĩ và có tới 7 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Chưa kể đến những người dân yêu nước của làng đã bị quân thù mổ bụng, moi gan, chôn sống.

          Địa điểm để xây dựng Nhà bia là một quả đồi thường gọi là Cồn Cự, rộng chừng gần 4 hecta, nằm ngay khu vực trung tâm của làng. Mặt trước là con đường bằng bêtông, có khu dân cư hiện hữu và mé ngoài là con sông Thạch Hãn đưa nước từ thượng nguồn (có chiến khu Ba Lòng nổi tiếng) xuôi về biển Đông. Cồn Cự hiện có những ngôi mộ của các dòng tộc chôn cất người quá cố nằm rải rác, không theo một quy định nào. Phần lớn diện tích còn lại là trồng rừng keo lai. Công ty Thống Nhất Ninh Bình khi thi công con đường cứu hộ, cứu nạn từ đầu cầu phía bắc Thạch Hãn – nơi có tượng đài 19 giọt máu của trung đội anh hùng Mai Quốc Ca -  lên tới chân đập Trấm, thường gọi là công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, dài non chục cây số. Công ty đã ủng hộ làng một con đường rải đá cấp phối chạy quanh Cồn Cự. Như vậy, nếu lãnh đạo xã Triệu Thượng và Huyện ủy. Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Phong, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho phép xây Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thôn Thượng Phước thì Cồn Cự cũng sẽ thành công viên vĩnh hằng (hay gọi cách khác là Nghĩa trang Nhân dân) cho người dân nơi đây.

       Anh Hối chăm chú nghe tôi đọc bản Dự thảo. Nghe xong, anh nói: Hay lắm, không có gì hơn là chúng ta – những người còn sống đến hôm nay phải luôn luôn nhớ đến những đồng bào, đồng chí đã ngả xuống!

    Nhưng rồi anh cũng thấy nan giải bởi một câu hỏi giản đơn: Tiền xây dựng Nhà bia lấy ở đâu ra? Mặc dù trong “Dự thảo”, chúng tôi có đề cập đến phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng dân làm là chủ yếu”. Anh Hối nói vui: Xuân Bảo xung phong đóng góp 20 triệu đồng trước đi, rồi bà con sẽ noi theo mà góp công, góp của. Nếu “dự án” được tỉnh thông qua thì chắc chắn là làm được.

          Chị Nụ vừa làm bếp vừa lắng nghe câu chuyện của chúng tôi trao đổi. Chị nói: nếu được duyệt cho xây Nhà bia thì chị cũng sẵn sàng đóng góp. Một lúc sau, cháu Phong, con trưởng của anh chị đánh ôtô về. Cháu nói về rước các con đi học. Tôi nhờ Phong chụp cho mấy kiểu ảnh làm kỷ niệm. Anh chị mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa, nhưng chúng tôi xin khất lại lần sau.

Phan Quang Kỳ là một giám đốc xây dựng. Kỳ có quan hệ mật thiết với nhiều doanh nghiệp ở Huế. Kỳ cũng rất rành các nhà hàng ở đất thần kinh này. Tôi bảo Kỳ kiếm tiệm cơm nào ngon, có đặc sản Huế. Kỳ cho xe chạy lên ga Huế. Đến đây tôi lại nhớ về dĩ vãng. Ga Huế ngày xưa có tên là ga Trường Súng. Mỗi khi hè về, học sinh được nghỉ vacance, ba mạ tôi cho chúng tôi về quê Quảng Trị nghỉ và chơi trong mấy tháng hè, thường đi tàu lửa từ ga này về ga Quảng Trị rồi đi xe tay về làng (xe tay là loại xe do người kéo). Cơm nước xong  thì đã gần 2 giờ chiều, Chúng tôi thẳng tiến về Quảng Trị trên con đường thiên lý bắc nam mà bây giờ gọi là Quốc lộ 1A.

2. Những ngày thơ ấu của  tôi

Năm 1934, ông mệ nội tôi làm lễ cưới cho ba tôi. Trước đó, gia đình ông mệ tôi đã dạm ngõ một người con gái họ Phạm. Chẳng hiểu vì lý do gì mà sau khi ba tôi ở Côn Minh về thì ông xin từ hôn và ông mệ tôi lại đi hỏi cưới mạ tôi cho ba tôi. Mệ ngoại tôi là người làng Đại Hào. Tôi nghe kể là đám cưới ba mạ tôi tổ chức đi rước dâu bằng thuyền. Đi từ con hói Chợ Thuận, ra sông Thạch Hãn rồi ngược lên Phường Sãi. Cả đoạn đường sông này dài gần hai chục cây số, đi về mất hẳn một ngày trời, kể cả thời gian làm lễ nghi đám cưới. Cưới xong ba mạ tôi vào Huế.

Tôi được sinh ra năm Ất Hợi – ngày 16 tháng Giêng ta, nhằm vào ngày thứ hai 18 tháng 2 năm 1935 – trước hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Long đến gần một năm. Bảo Long sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936, nhằm ngày 10 tháng Chạp cùng năm Ất Hợi. Sinh thời, có lần nhà thơ Thu Bồn nói với tôi: Bà cụ thân sinh nhà thơ kể rằng Thu Bồn sinh trùng ngày sinh của Thái tử nên bà được triều đình ban phát 3 vuông lụa điều.

Bây giờ lý lịch và các loại giấy tờ đều ghi ngày sinh của tôi là ngày 16 tháng 1 năm 1935. Ghi như vậy là không đúng với thực tế. Nhưng mà thôi, gần tám mươi năm qua, tôi đã mang ngày sinh như thế thì cứ để thế. Có gì tuyệt đối đâu. Tôi nghĩ rằng nhiều, rất nhiều người cũng có ngày sinh không đúng vì qua hai cuộc chiến tranh, nhiều giấy tờ bị thất lạc.

Trong cuốn Nouveau Petit LAROUSSE của Pháp xuất bản năm 1951 tại Paris, Đông Pháp chỉ có 5 xứ: Laos (Lào), Cambodge (Cao-Mên), Tonkin (Bắc kỳ), Annam (Trung kỳ), Cochinchine (Nam kỳ), không có tên nước Việt Nam.

(Trước 1945, các văn bản giấy tờ và sách giáo khoa đều phiên âm Cambodge là Cao Mên, Laos là Ai Lao, Myanmar là Diến Điện, Thailand là Xiêm La, Singapore là Tân Gia Ba. Malaysia là Mã Lai, Indonesia là Nam Dương. Pháp (France) là Phú Lang Sa…NV)

 Mặc dù chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 dõng dạc tuyên bố trước thế giới đã được 6 năm? Thực là láo toét! Ba nước này đều bị thực dân Pháp thôn tính và thống trị. Chúng đặt nền đô hộ do một tên toàn quyền (gouvernement général) người Pháp đứng đầu.

 Ba tháng nghỉ hè (vacance) thì được nghỉ hoàn toàn. Trường tổ chức cho đi nghỉ mát ở Thuận An - một bãi biển rất đẹp của Thừa Thiên - hoặc đi thăm các lăng tẩm, đền đài chung quanh thành phố Huế và nhiều nơi khác…Những ngày hè bọn trẻ chúng tôi được cha mẹ cho về thăm quê. Tôi rất ngỡ ngàng trước những cánh đồng lúa chín vàng và ngây thơ hỏi mạ: Cái hột ni là hột chi? Mạ tôi cười mà rằng: Cái hột con ăn hàng ngày đó. Tôi thấy hột gạo nấu cơm nó khác với hột lúa.

                                                ***

Trại Con gái Mang Cá có nhiều dãy nhà. Mỗi dãy có tới mấy chục căn hộ. Căn hộ hai đầu dãy thì thông nhau, nhìn ra hai phía, dùng bố trí cho cấp bậc đội và đội sếp. Còn từ cai trở xuống thì chỉ ở những căn giữa. Căn hộ ba mạ tôi ở gần sân vận động. Trước mặt nhà về phía tây là nhà của ông đội sếp Nguyễn Văn Hinh. Ông này đặt tên con theo cái giờ nó được sinh ra. Còn tên thật theo giấy khai sinh thì khác. Thằng đầu cùng tuổi với tôi tên là À dix heures, tức Mười giờ. Bọn học trò chúng tôi thường chọc ghẹo nó, gọi nó là Thằng đít giơ theo tiếng Việt là thằng đít dơ (nhớp). Thằng em nó được đặt tên là À onze heures dix minutes, tức Mười một giờ mười phút. Chúng tôi lại gọi tên nó bằng tiếng Việt: thằng ông giơ đít mi nút.

 Ông Nguyễn Văn Hinh, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ lãnh đạo phe chống Ngô Đình Diệm và bị Diệm tiêu diệt nặng nề.

                         Trong Trại này có một cái biệt thự riêng biệt, được đặt sau ngôi đền, từ ngoài cổng vào. Cụ quản Vương Đình Khoan (adjudant chef) ở cả gia đình từ Nghệ An vào. Thỉnh thoảng thấy cụ xuất hiện, đi xuống các dãy nhà, trong tay cụ lúc nào cũng có cây roi cặc bò. Lính tráng gặp cụ thì phải giơ tay chào kiểu nhà binh. Còn lũ trẻ chúng tôi gặp cụ thì phải đứng lại, vòng tay ra trước ngực “bẩm cụ”. Năm 1944, Cụ quản Khoan mãn hạn lính. Người thay thế là cụ quản Trang vào ở ngôi biệt thự đó.

                         Cách cổng Trại Con gái chưa đầy ba trăm mét, phía tay phải là cổng đồn Mang Cá. Ngoài cổng có một dãy nhà của ông cai Thuyết cho thuê, kiểu như nhà trọ bây giờ. Nghe nói ông cai Thuyết khởi nghiệp chỉ có trong tay 5 xu tiền Đông Dương lúc bấy giờ. Thế mà 10 năm sau ông đã trở nên giàu sụ, có của ăn của để. Vào khỏi cổng phía tay phải có cái bót gác, vào bên trong chừng mươi mét có một tiệm cắt tóc. Tiệm cắt tóc có ba chiếc ghế cho khách ngồi. Trên trần nhà có ba cái quạt kéo bằng vải, giống như cái quạt giê lúa của nông dân. Khi có khách cắt tóc thì có một chú nhỏ khoảng trên 10 tuổi kéo dây cho quạt đung đưa qua lại trên chỗ khách ngồi cho mát.

                         Vào một đoạn nữa là kho gạo. Cứ đến đầu tháng mạ tôi đem “bông”- một loại tem phiếu phát cho vợ lính - để lĩnh gạo mang về. Tiền mua gạo này được Trésorier (kho bạc) chiết trừ vào tiền lương hàng tháng của ba tôi. Đối diện với kho gạo là một cái nhà bàn rất to, (tức là nhà ăn tập thể), đủ chỗ ngồi cho cả một tiểu đoàn lúc tới giờ ăn.

                Muốn đi vào trong thành phải đi qua một cái cầu xi-măng hình bán nguyệt, bắc qua hào rồi đi qua cái cổng thành có cánh cửa gỗ to đùng ngày mở đêm đóng, có lính canh thường trực. Đây là cổng thành được gọi là Cửa Đông Bắc Kẻ Trài. Phía trong thành là nơi đóng quân của binh lính và sĩ quan. Có phòng làm việc, nơi ở, có câu lạc bộ, sân vận động bóng đá, sân bóng chuyền, bãi tập quân sự (thao trường). Đặc biệt có kermesse (theo nghĩa là chợ phiên), nhưng thực tế chỉ là cái cantine bán tạp hóa và thực phẩm cho binh lính. Mạ tôi thường hay được các chú lính mua giúp bia, nước ngọt và các thứ thực phẩm về dùng.

                         Những ngày lễ lớn như Quốc khánh Pháp (14 tháng 7), Noel, Tết Tây (nouvel an), Tết Nguyên đán, Bộ Chỉ huy thường tổ chức ngày hội gồm nhiều trò chơi như leo cột mỡ, thi nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập om (một loại nồi đất) và nhiều trò chơi khác. Có lần tôi đập trúng cái om đựng đầy nước, nước bắn tung tóe, ướt hết mặt mũi quần áo. Vợ con binh lính được vào vui chơi trong thời gian mở hội.

                         Kết thúc niên khóa 1943-1944, trường chúng tôi tổ chức cho học trò lớp sơ đẳng đi thi Sơ học yếu lược. Học trò phải có cái certifica d’identité (thẻ căn cước). Mạ tôi dẫn tôi lên hiệu ảnh gần chợ Đông Ba. Tôi được mặc áo lương đen và đội khăn đóng (khăn xếp) chụp hình để dán vào hồ sơ và sau này tôi thấy trong tấm bằng Yếu lược của tôi cũng dán bức hình này. Địa điểm thi là tại thị trấn Bao Vinh, huyện lỵ huyện Hương Trà. Từ sáng sớm, một chiếc xe nhà binh của đồn Mang Cá tới rước học trò đi thi. Cha mẹ học trò thì hoặc là đi bộ (từ Mang Cá xuống Bao Vinh cũng không xa lắm) hoặc là đi xe tay xuống nơi thi để động viên con em mình. Lớp chúng tôi được phân ra thi ở nhiều phòng thi khác nhau. Tôi để ý thấy trong phòng thi của tôi có cả những ông có râu và tuổi cũng cao như ba tôi. Sau này tôi mới được biết các ông này đi thi để lấy cái bằng Sơ học Yếu lược thì sẽ có nhiều quyền lợi như được triều đình ban phẩm trật, thường là cửu phẩm văn giai. Khi ra việc làng được ngồi chiếu trên, khi chia ruộng công thì được chia loại nhất hoặc nhị đẳng điền, khỏi đi phu phen phục dịch, không phải làm thằng mõ.

              Phía ngoài phòng thi có mấy ông cảnh sát (police) mặc quần áo màu vàng, cầm roi cặc bò đi lui đi tới. Sau phần thi buổi sáng gồm 2 môn ám tả và toán. Buổi chiều thi phần tiếng Pháp, có thi viết một đoạn văn ngắn (dictée francaise) và thi oral (vấn đáp). Tôi làm bài thi khá nhanh. Khi đang học ở trường, tôi thường được xếp hạng nhất nhì của lớp. Hàng tháng trên bảng Danh dự (tableau d’honneur) của lớp tên tôi luôn được xếp đầu tiên. Nộp bài thi xong thì được phép ra khỏi phòng thi để gặp thầy giáo và cha mẹ, nhưng không được làm ồn và đi lại lộn xộn. Cuộc thi kết thúc chúng tôi lại lên xe nhà binh trở lại Mang Cá. Khoảng hai tháng sau thì có kết quả. Tôi được xếp thứ 11 trong tổng số thí sinh dự thí. Bằng được gửi theo đường dây thép (bưu điện) về quê nội làng Đại Hào, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông nội tôi cho mổ bò khao làng. Thế mới biết việc khuyến học thời đó mới quý làm sao.

***

Năm 1944, đang trong Thế chiến thứ II nên việc đi lại bằng đường bộ hết sức nguy hiểm do Đồng minh thường xuyên ném bom hủy hoại đường giao thông. Ba mạ tôi rời khỏi Huế từ đầu năm 1944 vì ba tôi mãn hạn lính. Tôi ở lại, ở nhờ nhà bà sếp Thông chờ thi Yếu lược nên về sau. Đây là lần đầu tiên tôi được đi đò dọc từ Huế ra Quảng Trị. Khi chờ xuống đò ở Bao Vinh. Bao Vinh là một bến thuyền sầm uất. Tôi đứng nhìn các chiếc ghe bầu từ xứ Quảng ra buôn bán các loại hàng hóa, trong đó đường Quảng Nghĩa nổi tiếng. Họ có lối đếm rất độc đáo. “Một đôi, hai đắng, boa thìn, chín chăn, chẽng chục”. Thế là đủ một chục cái bánh đường.

Tôi còn nhớ những kỷ niệm thân thương về người cha của mình. Ông có dáng người cao lớn, khuôn mặt thông minh và nụ cười rạng rỡ. Hồi ở Huế, trong trang phục nhà binh, trông ông oai vệ không kém những tên quan Pháp. Những ngày nghỉ, ba tôi thường cho mạ, tôi và các em đi thăm thú các danh lam thắng cảnh của cố đô. Gia đình tôi đi xem cinéma, xem hát ở rạp Tân Tân. Có những đêm trăng đẹp, ba mạ và tôi được lên đò nghe ca Huế. Tôi còn nhớ cho tới bây giờ các điệu Nam ai, Nam bằng. Có những câu nghe ai oán: “Nước non ngàn dặm ra đi, mối tình chi?” Và những câu hò mái nhì nghe thống thiết làm sao! “Chiều chiều ra trước Phu Văn Lâu. Ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm, ai cảm, ai nhớ, ai thương. Thuyền ai thấp thoáng bên sông. Giọng hò mái đẩy chạnh lòng nước non.”

Trên sông Hương có rất nhiều đò cho khách thuê để dạo chơi và nghe ca Huế. Có những chiếc đò nhỏ bán chè đậu xanh, đậu ván, bán trứng vịt lộn và nhiều món ăn đêm khác. Họ chèo quẩn quanh các đò hát và cất tiếng rao lanh lảnh ngập tràn cả khúc sông. Trên bờ, đoạn trước cửa Ngọ Môn có một vườn hoa mang tên nhà vua Bảo Đại. Đêm đêm nơi đây có tổ chức nhảy đầm, có quán xá. Khách đến đây thường là các quan chức người Pháp và công chức, tư chức người Việt. Tuyệt nhiên không có khách là người nghèo hoặc thậm chí các ông xã xệ lý toét cũng không hề bén mảng.

               Tôi còn nhớ ngày đó ở chân cầu Thanh Long có một người ăn mày tên là Cụ Trâu. Mùa hè cũng như mùa đông, Cụ Trâu chỉ mặc độc chiếc quần đùi. Người cụ láng mượt một màu da nâu, đặc biệt tấm lưng trần như được bôi mỡ. Cụ nói lời ăn xin mà nghe như hát: “Lạy ông đi qua lạy bà đi lại…” Và cũng trên đoạn đường này có một tiệm hút thuốc phiện, ngoài cửa có treo tấm biển đề chữ OPIUM. Tôi nghe mạ tôi nói ba tôi thỉnh thoảng cùng những người bạn trong đồn đến nơi đây để hút thuốc phiện. Thuốc phiện được mở tiệm công khai. Các nhà cách mạng thì coi đây là một trong nhiều chính sách ngu dân của thực dân Pháp!

 

                                                          ***

3.Thời 9 năm.

Hè năm 1944, Ba tôi mãn hạn lính, Ba Mạ tôi dắt díu đàn con về quê. Làng Đại Hào là một làng nằm ở đồng bằng Triệu Hải, người dân chủ yếu làm nông, song ruộng đất ít, người đông cho nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Ba Mạ tôi xin Ông Mệ nội về quê ngoại ở Phường Sãi, thuộc làng Xuân An, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Dù sao, nơi đây còn có nhiều đất đồi chưa khai phá hết.

Tiền hưu của Ba tôi bị mất do thực dân Pháp bị Nhật đảo chính ngày 9/3/1945. Tôi còn nhớ hình ảnh người cha còng lưng gánh gánh củi sim từ làng xuống chợ tỉnh bán để lấy tiền nuôi con. Đoạn đường này dài trên dưới 5 cây số!  Hình ảnh này tương phản với bức ảnh Ba tôi chụp chung với các sĩ quan ở État Major, 5è Brigate ở Huế. Ba tôi mặc quân phục của quân đội viễn chinh Pháp với quân hàm Sergent chef, có ngù vai, có biểu trưng chữ V ở cầu vai và tay áo.

Tuy nhiên Ba tôi cũng đã được hưởng một lần ở ngôi tiên chỉ. Ba tôi được phong hàm lục phẩm thay cho người tiền nhiệm chỉ được phong là thất phẩm triều đình. Tôi còn nhớ cái Tết Ất Dậu (đầu năm 1945), sau khi Lễ tế Ngài Khai khẩn xong, thì Hội đồng làng Đại Hào đã cắt cái đầu bò và cho trai đinh khiêng về nhà Ông nội tôi ở xóm Đường quan. Đáng lẽ như những năm trước lộc tiên chỉ về thẳng đường từ miếu Ngài thẳng xuống xóm Chợ (thường gọi là chợ Thuận). Mấy người khiêng đầu bò đến đoạn cầu Đại Hào thì người chỉ huy hô “ tắc tắc” tức là rẽ phải để vào nhà Ông nội tôi. Tiên chỉ thì được đầu, còn thứ chỉ thì được noọng. Đó là lệ làng.

Sau cách mạng Tháng 8, Mạ tôi gom các thứ của thời thực dân, phong kiến như Thẻ ngà (dân thường gọi là Bài ngà) đi kèm với sắc phong Lục phẩm của triều đình Huế của Ba tôi; bằng Sơ học yếu lược của tôi và các bức ảnh có hình Ba tôi mặc quân phục Pháp đều được Mạ tôi đốt đi kẻo sợ Việt Minh!

Mạ tôi thì đi làm thuê, mùa nào việc nấy: cấy lúa, nhổ cỏ, gặt thuê…Tôi thì đi ở chăn trâu cho một nhà giàu làng Thượng Phước với tiền công một năm là 5 thúng lúa và 2 bộ áo quần cộc bằng vải to (một loại vải do người dân quê tôi tự trồng lấy cây bông vải, kéo thành sợi và dệt trên khung cửi thủ công).

 

 

4.Kỷ niệm về hai bài thơ của Ba tôi

 Tôi không rõ Ba tôi được sinh ra ngày tháng nào. Khi tôi có trí khôn thì Mạ cho biết Ba tôi sinh năm Mậu Thân (1908). Quê tôi là làng Đại Hào, tổng An Cư, phủ Đăng Xương, sau này đổi thành phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.         

 Dân Quảng Trị sớm hình thành bởi hai lần đại di dân. Lần thứ nhất là vào khoảng thế kỷ 14, khi Huyền Trân công chúa trở thành Hoàng hậu Paramecvari – vợ vua Jaya Shimhavarman III – tức vua Chế Mân. Dân Châu Ái, Châu Hoan đưa nhau vào khai khẩn miền đất mới với tên cũ là Châu Ô, Châu Lý (Rý), vốn là đất sính lễ của Chiêm quốc. Lần thứ hai, cũng không kém phần ồ ạt hơn. Đó là vào năm 1558, Chúa Nguyễn Hoàng sợ anh rể Trịnh Kiểm sát hại nên đã nói với chị Ngọc Bảo cho mình vào trấn thủ đất Thuận Quảng. Ngoài binh mã bản bộ thuộc Gia Miêu ngoại trang, quê Chúa Nguyễn thì có thêm hàng vạn hộ dân Thanh Hóa theo vào. Khi Nguyễn Hoàng vào tạm dựng Đại bản doanh tại làng Ái Tử, còn gọi là Dinh Cát. Dân bản xứ vào trước đã mang dâng Chúa 7 chum nước đầy để tỏ lòng quy phục.

Tính theo thời gian mà Phả ký Tộc Nguyễn Ngọc có hiện tại thì dòng họ này đến hiện nay là 16 đời, tương ứng với thời điểm Chúa Tiên vào đây. Làng Đại Hào có họ Nguyễn 8 phái mà phái Nguyễn Ngọc của tôi là lớn nhất. Chi của Ba tôi có nhiều người đỗ đạt.

 


 Hai bố con trước trụ sở Làng (thôn) Đại Hào.

 Ông nội tôi nhiều lần lều chõng vào kinh đô ứng thí nhưng không đỗ, đành về quê: Văn chương phú lục chẳng hay/Trở về làng cũ học cày cho xong… Thế nhưng, Triều đình dường như tiếc cái công lao dùi mài kinh sử nên cũng cho ông tôi làm lý trưởng đến gần chục năm. Lý trưởng còn được gọi là xã trưởng, (chức tương đương như chủ tịch phường, xã bây giờ).

Lúc còn nhỏ, những khi Ba Mạ cho về thăm làng, tôi  thường được Ông nội dạy bảo bằng những câu chữ Nho như ; nhân chi sơ vốn bản thiện, nhân bất học bất tri lý- ấu bất học lão hàn vi…Ông dạy tôi học chữ thánh hiền bằng những bài học vỡ lòng trong cuốn Tam thiên tự như Thiên trời địa đất. Cử cất tồn còn. Tử con tôn cháu. Lục sáu tam ba. Gia nhà quốc nước. Tiền trước hậu sau. Ngưu trâu mã ngựa…Ông còn dạy tôi viết chữ Hán. Ông đem ra cái mâm gỗ, lấy cát Tiểu Trường Sa (tức là loại cát lấy ở đoạn giũa cắt khúc đồng bằng và miền duyên sơn). Ở Quảng Trị ngày nay còn nhiều từ đoạn Thành Cổ đến các xã thuộc huyện Hải Lăng –đoạn này còn được gọi là Đại lộ kinh hoàng trong Mùa hè đỏ lửa năm 1972. Cát được đổ vào xâm xấp lòng mâm, sau đó dùng ngón trỏ viết tập. Thí dụ: Chữ Thiên  gồm hai nét ngang và một nét phẩy, một nét mác. Viết xong, lắc cái mâm cho cát trở về bằng phẳng như ban đầu. Ở cái thời đó, cách tập viết như thế quả là một sáng kiến vĩ đại, vừa tiết kiệm giấy lại vừa luyện cho nhuần nhuyễn quen tay. Đến khi nào thuần thục thì mới dùng bút nho viết lên giấy bổi.

 Tôi cũng thường được Ông cho theo ra đồng, Tuy là lý trưởng nhưng ông cũng phải lam lũ ruộng nương như những lực điền. Tôi còn nhớ như hằn sâu vào ký ức thơ ngây của tôi về cái cung cách làm việc của những công bộc của dân thời đó. Chuyện là như thế này: Ông tôi đang cày ruộng. Có một người dân cần lên quan có việc gì đó nên phải lặn lội ra đồng để tìm xã trưởng ký chứng vào đơn. Ông tôi họ (dừng) trâu lại và lên bờ gặp đương sự. Sau khi rút cây bút nho, thường dắt tai, Ông tôi mút vào miệng cho ướt đầu thấm mực, ký chứng vào đơn, Ông tôi lấy cái triện vận trong lưng quần ra, hà hơi cho ẩm hơi nước rồi kê lá đơn vào đầu gối ấn cái triện vaò, (triện, miền bắc gọi là con dấu, miền nam gọi là cái mộc) nơi có chữ ký của ông. Hồi đó dân ta không mặc quần dải rút hay lồng bằng dây thun như ngày nay mà mặc quần lưng vận.

   Ông tôi là người hay chữ. Chữ Nho Ông viết rất đẹp. Ông được dân làng rất mến mộ. Trong làng nhà nào có việc quan hôn tang tế đều đến xin Ông tôi cho đôi câu đối, hoành phi hoặc văn ai, văn điếu. Mặc dù làm việc nước, nhưng Ông tôi cũng phải lao động cật lực để nuôi sống gia đình. Khi việc làng, Ông được trọng vọng ngồi chiếu trên. Khi hết việc, Ông tôi chỉ làm người dân như mọi người. Nhũng ngày giáp Tết Nguyên đán, Ông tôi thường mang chiếu, tráp, giấy điều, mực nho ra ngồi dưới tán cây đa cạnh đình làng để viết thuê câu đối. Viết  đến đây tôi lại nhớ đến nhà thơ Vũ Đình Liên với bài thơ Ông đồ nổi tiếng. Vì thế tôi càng nhớ và thương Ông tôi da diết.

   Mệ nội tôi, quê làng An Cư, tổng An Cư cùng phủ Triệu Phong là cháu quan đại thần Nguyễn Văn Tường. Ngài sinh năm 1824, theo phái chủ chiến của Tôn Thất Thuyết nên bị thực dân Pháp bắt ông giam xuống tàu chở vào Gia Định, rồi chở ra đày ở đảo Tahiti và chết tại đó năm 1886.

Có một điều rất đặc biệt là hai làng Đại Hào và An Cư đồng thờ chung Ngài Khai khẩn tên là Nguyễn Thông. Chị ruột Mệ nội tôi được gả về làng Tường Vân, lấy chồng là vị quận công được Triều đình tấn phong tước Hồng lô tự khanh. Ông mệ tôi sinh hạ được sáu người con, hai trai bốn gái. Cha tôi là con  đầu. Học hết bậc tiểu học ở Trường Tiểu học Triệu Phong. Thời gian này ở tỉnh Quảng Trị chỉ có 3 trường: Trường tỉnh, trường Triệu Phong và trường Cam Lộ. Còn nếu học tiếp lên bậc Thành chung thì phải vào Huế.

 Cha tôi thi xong được cấp bằng Certificat d’ Études Primaire và ít lâu sau đó ông đăng lính vào 5è Brigade (Lữ đoàn thứ năm của quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương). Hồi đó thường gọi sắc lính này là lính khố đỏ. Đây là đội quân chủ lực do người Pháp chỉ huy và điều động. Bên Nam triều có hai sắc lính khác. Đó là lính khố xanh mà tỉnh nào cũng có (trừ Nam kỳ) do quan Lãnh binh người Việt chỉ huy. Phủ Tôn nhơn thì có lính khố vàng chỉ phục vụ cho nội bộ Triều đình. Sở dĩ gọi khố đỏ, khố xanh, khố vàng là mỗi sắc lính đều có trang phục khác nhau. Người dân chỉ phân biệt khi các anh lính đi ra đường có quấn cái xà cạp có màu khác nhau.

Quân đội Pháp đóng ở Huế. Cha tôi ở Tiểu đoàn cơ động nên ông đã được điều đi đánh Xiêm La do chúng quấy rối ở biên giới Cao Mên – Xiêm. Lúc bấy giờ 3 nước Việt Mên Lào đã bị thực dân Pháp thôn tính, được gọi chung là xứ Đông Pháp (L’Indochine Francaise). Không biết ông có bắn được thằng Xiêm nào không mà về đến Huế được Chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Chiến tranh (médaille de la guere). Tiếp theo đó, chẳng biết có quan hệ gì với chính quyền Trung Hoa, lúc này nhà Mãn Thanh đã sụp đổ, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc do Đại thống chế Tôn Trung Sơn nắm quyền bính mà tiểu đoàn này được điều sang Côn Minh.

Năm 1933, đây là thời điểm Ba tôi làm 2 bài thơ tặng Mạ tôi dù chưa làm lễ cưới. (hai bài thơ sẽ đăng phần cuối bài này).

 Nhờ có biết tiếng Pháp nên Ba tôi được điều về làm văn phòng tại cơ quan  tham mưu (État Major) của Lữ đoàn đóng tại nội thành Huế, phần đất Triều đình cắt nhượng cho Pháp theo Hiệp ước Patenôtre ký năm 1884. Các cơ quan chỉ huy của Lữ đoàn và các đơn vị lính đều đóng phía trong thành.

 Ngoài thành, đồn Mang Cá lớn chỉ có một Camp marié thường được gọi là Trại Con gái, nhưng thực chất là như một khu gia binh, dùng làm nơi ở cho vợ con binh lính.

Trong khu này có trường tiểu học, chỉ đến cours élémentaire, thi xong Sơ học yếu lược thì được chuyển lên học ở trường Queignec, gần cầu Thanh Long. Tôi còn nhớ thầy giáo của lớp ba của tôi tên là Phong. Lên lớp, thầy mặc đồ nhà binh mang lon đội, tiếng Tây thường gọi là Sergent. Từ ngoài cổng Trại vào có một cái đền thờ, thờ ai thì tôi không biết, hai bên tường đền có đúc nổi tượng hai ông được gọi là Ông Thiện, Ông Ác. Ông nào cũng cầm gươm, mặt mũi bôi xanh bôi đỏ trông rất dữ tợn. Bọn trẻ chúng tôi mỗi khi đi qua đoạn đường này thường chạy cho nhanh vì sợ. Bên cạnh trường có một cái nhà thương nhỏ, nó gần giống như trạm xá xã thời nay. Những đứa học trò chúng tôi dù không đau bụng cũng sang khai và xin các bà xơ cho thuốc trị bằng một cốc nước ngọt, ngọt như xi-rô. Trong trại còn có một cái sân vận động để bọn trẻ chạy nhảy nô đùa. Có những đêm lửa trại, thường thường là vào những ngày lễ như Quốc khánh Pháp (14-7), lễ Noel và nhất là dịp Tết Nguyên đán. Những người lính Thượng trong đồn Mang Cá cùng ra chung vui. Bọn trẻ thì hát những bài tiếng Pháp như bài Écoutez chanter flambe…, bài J’ai deux amours, mon pays et Paris… Các bác lính Thượng thì hát bài của dân tộc họ. Tôi còn nhớ được mấy câu nhưng không hiểu nghĩa : “ Ộn ề mà rào ê đệ. Ấy chan dinh dan ê ri ôn mầy.” Họ hát và nhảy múa quanh đống lửa trại, có cả cồng chiêng nhịp theo, rất vui. Cũng tại cái sân vận động này cứ mỗi sáng, có một thầy cai mang cái kèn tây ra đứng ở góc sân huơ huơ cái kèn lên trời như là múa, rồi thổi bài réveille matin (đánh thức ban mai). Nhạc điệu tôi còn nhớ như vầy: tọn tèn tèn tèn tọn, tọn tin tìn tin tọn…Và cứ chiểu thứ bảy lại có bài tập ắc ê với tiếng hô ắc ê  (nhịp bước một hai của lính ) và lại có bài kèn đi kèm. Tôi còn nhớ giai điệu: “ Mình ơi có đi Bờ Hồ, cùng ta  ăn kem kẹo dừa, có  đi là đi mình nhé ? Nếu mình ao ước cái chi”…hoặc theo điệu hành khúc (en marche ) mà bọn trẻ chúng tôi chế ra như sau : “Mụ đi mô tui bắt mụ lại tui không cho mụ về”. Dân Huế coi đây là những bài hát của lính Tẩy.

 

Kỷ niệm ấu thơ thì còn nhiều, tôi xin trở lại bài viết về 2 bài thơ của Ba tôi. Bài thứ nhất, Ba tôi viết trước khi ông đi Côn Minh, có nhan  đề là Liệu còn gặp gỡ.  Cuộc đời người lính ra sa trường sống chết trong gang tấc, nên Ba tôi viết bài thơ này, nếu trở về trùng phùng tái hợp thì tốt nhưng nếu có mệnh hệ nào thì mong cho Mạ tôi “gặp được chốn lửa hương”:

Lênh đênh anh tưởng là điều trân trọng

Ai hay chạnh nỗi niềm đôi ngả quan san

Lúc ra đi mỗi bước một ngừng

Con tàu chạy mỗi ga mỗi khuất

Mắt trông về Bến Sãi, (1) gan vàng thổn thức

Nhìn Chợ Hàn (2), lệ ngọc chứa chan

Gẫm tơ trời lắm nỗi đa đoan

Trách máy Tạo sớm đem đường thay đổi

Xưa những ước Thôi Trương (3) kỳ ngộ

Trước gió trăng sau lại đá vàng

Ai ngờ Ngưu Nữ đôi đàng (4)

Chưa sum họp vội vàng cách trở

Thôi thôi em đừng than đừng thở

 Thôi thôi em đừng tưởng đừng trông

Xưa Mạnh Lệ Quân ở chốn không phòng

Cũng có khi Tương Như hội ngộ

Chị Thúy Kiều ghe phen tân khổ

Cũng có lúc Kim Trọng tái phùng

Huống chi em chút phận má hồng

Bền giữ dạ ắt Hoàng thiên nào phụ

Anh nguyện cùng Ngọc Hoàng Thiên Địa

Sớm cho em gặp được chốn lửa hương

Còn như anh gánh gãy giữa đường

Liệu cùng em còn có ngày gặp gỡ ?

                                         Nguyễn Xuân Tập. 1933

Chú thích :

(1)  Chợ Sãi ở gần Thành Cổ Quảng Trị

(2)  Chợ Hàn tức chợ ở thị xã Quảng Trị

(3)  Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy, chuyện tình đẹp của Tàu.

(4)  Tức Ngưu Lang và Chức Nữ.

 

Bài thơ này được Mạ tôi đọc lại cho tôi ghi âm lúc 9 giờ ngày 18-6-1999 khi Mạ tôi đã 84 tuổi. Nhưng đầu óc và tinh thần của Bà vẫn còn minh mẫn.

Và đây là bài thơ thứ hai, theo thể thơ Đường luật, Mạ tôi chỉ nhớ được 4  câu đầu . Sau hơn một năm Mạ tôi lại nhớ thêm 4 câu cuối::

                  

Thung DUNG yên ngựa bước du xuâ

Học TẬP đắc thành sách Thánh nhân 

THUẬN nẻo đá nhào cơn bão tố            

          SÃI tay đánh bạt bước gian truân        

          Hạ  nhật duyên ưa chưa tính đưọc         

                Xuân xanh phận đẹp đã tới tuần        

                Nhắn nhủ cùng em người tri kỷ        

                Yêu nhau ta phải liệu cho xong.

 

 Câu đầu, chữ thứ hai DUNG là tên Mạ tôi Nguyễn Thị Kim Dung.

 Câu thứ hai, chữ thứ hai TẬP là tên Cha tôi Nguyễn Xuân Tập.

 Chữ đầu câu thứ ba THUẬN là chợ Thuận, quê Cha tôi.

 Chữ đầu thứ tư SÃI là Chợ Sãi,đối diện làng Xuân Yên là quê Mạ tôi.

 

Ngày xưa các Cụ thường ghép tên làng quê với tên mình, tên người yêu để làm những câu thơ tặng nhau, bày tỏ tình yêu lứa đôi nhưng không quên cội nguồn gốc gác của mình. Đó là một cử chỉ đẹp và lãng mạn. Bài thơ này tôi đã đưa vào bộ phim Bài thơ về Mẹ mà tác giả kịch bản và viết Lời bình là tôi, nhà thơ Xuân Bảo.

***

Có một ngày chủ nhật, Ba Mạ tôi cho tôi đến thăm chú Bí trong thành nội, lúc này chú làm thừa phái của bộ Lễ, tôi đã “thó” cuốn tự vị Pháp Việt của chú. Cuốn tự vị chỉ nhỏ bắng bao thuốc lá. Những năm thập kỷ 50,60,…tôi sống ở Hà Nội đến thăm chú (lúc này chú là nhà thơ Lương An nổi tiếng với bài thơ Cô Lái đò). Tôi đã thú nhận hồi ở Huế tôi đã “ăn cắp” cuốn tự vị của chú.  Chú chỉ cười và nói; Chắc nhờ cuốn tự vị đó mà cậu giỏi tiếng Tây nhỉ”!

Tôi không rõ có bà con thế nào mà mấy ông phán, ông nghè làng Tài Lương lại là vai em. Chú Bí là vai em của Ba tôi.

Sau này, khi Cách mạng về, o ruột tôi được gả cho chú Nguyễn Lương Khư, anh em thúc bá của chú Bí, nhưng chưa kết hôn thì o tôi mất..

 

5.Ba tôi đưa tôi đến trường học.

Tôi vào học cours Enfantin (Lớp Đồng ấu) niên khóa 1941-1942 tại trường Nhà Binh trong Trại Con gái – nơi ở cuả gia đình binh lính (Camp mariée) – thuộc Đồn Mang Cá khi tôi lên sáu.

Buổi sáng tựu trường, Ba tôi xin phép được nghỉ làm việc ở cơ quan Tham mưu Lữ đoàn 5 (État Major thuộc 5è Brigate) để đưa tôi đến lớp. Ông mặc quân phục lính Pháp, cấp Sergent (Đội) rất chỉn chu.

Ông trìu mến dắt tay tôi đi vòng qua sân vận động trong trại để đến trường. Trường đóng gần bờ hào, nhìn sang bên kia là bức thành cổ của Hoàng thành Huế. Cạnh trường là một cái vườn hoa nho nhỏ, trong đó có cái trạm xá, giống như trạm y tế xã bây giờ, cũng của nhà binh.

Lớp Đồng ấu có bài học đầu tiên là nhận dạng bảng chữ cái, bắt đầu từ chữ a, b, c. Chữ Việt gồm 23 chữ cái phụ âm và 11 chữ nguyên âm. Cùng lúc, học trò phải học luôn bảng alphabet francais gồm 26 chữ cái, so với tiếng Việt thì có thêm 4 chữ là f, j, w, z nhưng không có chữ đ và những chữ oe viết liền nhau, chữ i có hai dấu chấm trên đầu, chữ c có dấu ngoặc dưới đít. Sách giáo khoa thư tiếng Việt chỉ dẫn học hết vần bằng thì sang vần trắc. Vần bằng bắt đầu bằng chữ b, và 11 nguyên âm, đọc bê a ba, bê ă bă, bê â bâ…cho đến bê u bu, bê ư bư rồi sang phụ âm c tiếp theo. Vần trắc bắt đầu bằng chữ a, và 22 phụ âm đọc là a xê ác, ă xê ăc, â xê âc…Còn tập viết thì phải kẻ thước nghiêng 45 độ bằng bút chì và chữ cũng phải tập viết nghiêng. Tập viết nét đầu tiên là nét sổ, cứ theo nét bút chì kẻ trước cách một dòng thì xuống hàng, học trò chấm bút lá tre vào mực rồi vẽ theo. Tập nét sổ như vậy đến hai cuốn vở viết tập mới được tập viết theo chữ. Môn này gọi là écriture. Thầy dạy hết sức tận tình, đi từng bàn nắn bàn tay cho từng học trò khi tập viết. Vì thế nên những ai đã đi học thời đó đều có nét chữ hao hao giống nhau và nói chung là chữ rất đẹp. Nhờ khổ luyện tập viết mà sau này tôi đã nhận viết giấy khen, bằng khen cho các cơ quan, viết bằng bút rông (rond) những chữ lớn, bút sắt loại chữ thường.

Chương trình học lúc đó chia theo thời khóa biểu: Ngày học hai buổi sáng và chiều. Giữa giờ ra chơi 15 phút. Ngày thứ 5 chỉ học môn thủ công, ngày thứ 7 học buổi sáng, chiều nghỉ. Tôi còn nhớ như in cái trường nhà binh mà tôi bước đầu vào học. Trường có ba lớp, mỗi lớp khoảng ba mươi học trò. Lớp Đồng ấu (Enfantin), lớp Dự bị (Préparatoire), lớp Sơ đẳng (É1émentaire). Trên các bức tường của mỗi lớp đều có treo bản đồ Đông Pháp (Carte géographie de l’Indochine francaise), gồm ba nước: Việt Nam, Lào và Cao-Mên.

Trường chỉ có 3 lớp: Lớp Đồng ấu (cours Enfantin), lớp Dự bị (cours Préparatoire), lớp Sơ đẳng (cours Elémentaire). Mỗi lớp có khoảng 30 học trò. Các học trò lớp Đồng ấu không mang theo sách vở, học cụ. Sau khi chào cờ xong. Cờ là một lá cờ tam tài xanh trắng đỏ được mắc vào dây kéo treo sẵn trên cái cột dựng ở sân trường. Thầy giáo Phong, (tôi không nhớ họ) cũng mặc đồ nhà binh với hàm Sergent (Đội) đọc tên từng học trò và hướng dẫn vào chỗ ngồi. Lớp có 2 dãy bàn học, mỗi bên có 5 hàng ghế, ghế có 3 chỗ ngồi. Trên bàn học phía trước có 3 cái lỗ khoét sâu xuống để vừa cái gô-đê đựng mực, thường là mực tím. Dưới mặt bàn có 3 ô ngăn cách để học trò dùng đựng cái tráp sách bằng gỗ mỏng. Bảng đen được treo trên tường, gần bàn của thầy. Góc phía dưới có để một hộp phấn trắng và một cái khăn lau bảng. Tường hai bên và phía sau treo những bức họa vẽ về đề tài trẻ con, nhiều màu sắc và vui mắt.

Có một tấm bản đồ to xứ Đông Pháp treo gần bảng đen. Xứ Đông Pháp, tên Tây là Indochine-Française. Sau này lớn lên khi có trí khôn tôi mới biết đó là xứ Đông Dương, (Indochinoise) gồm 3 nước Việt Nam, Lào và Cao-Mên. Việt Nam thì có 3 kỳ: Bắc kỳ gọi là Tonkin. Trung kỳ gọi là Annam, Nam kỳ gọi là Cochinchine.

Mỗi học trò được phát một cái tráp, trong có quyển sách học vần a, b (bê) c (xê), một quyển vở kẻ ô ly để viết tập, một cái thước kẻ, một cây viết chì, một cây viết mực, một tờ giấy thấm và một cục gôm (tẩy). Học cụ, sách vở là của Tây cho không. Đặc biệt hồi đó tôi chưa bao giờ nghe 2 từ: học phí.

Sau khi vào lớp, ổn định chỗ ngồi rồi thì cha mẹ học sinh ra về. Hồi đó tôi cũng chưa từng nghe 4 từ: phụ huynh học sinh. Vào lớp, thầy hô: Tất cả lớp đứng dậy! Các trò đều răm rắp nghe theo. Thầy lại hô: Chào các trò! Cả lớp đồng thanh đáp lại: Kính chào thầy!

Và học trò bắt đầu học chữ theo quyển sách đánh vần. Thầy viết lên bảng 3 chữ a, b và c. Thầy cầm cái thước kẻ chỉ vào từng chữ. Chỉ vào chữ a, thầy nói a. Cả lớp đồng thanh aaa rõ thật to và thật dài. Cả một buổi sáng chỉ học có 3 chữ a, b và c.

Nghe tiếng còi trong thành hú 3 hồi dài. Đây là còi báo 11 giờ. Hết hồi còi thứ ba, thầy lại hô: Tất cả lớp đứng lên! Và thầy nói: Buổi học đầu tiên hôm nay kết thúc. Chào các trò!

Tất cả học trò ùa ra sân trường, ríu rít như một đàn chim non. Cha mẹ các trò đã chờ sẵn. Đứa thi được dắt tay, có đứa lại được cha hay mẹ bồng lên. Ba tôi đã thay bộ quân phục, thay vào đó là bộ đồ civil đón tôi về nhà.

Buổi học đầu đời của tôi là như vậy đó. Giờ đây, sau gần 80 năm khi Ba Mạ tôi đã về với ông bà, tổ tiên. Tôi năm nay cũng đã hơn tám chục tuổi. Và được nuôi dạy trong môi trường của một gia đình gia giáo. Tôi trưởng thành và trở thành nhà báo, nhà thơ cũng nhờ vào sự dạy dỗ của Ba Mạ tôi. Trong đó công lao lớn nhất dạy dỗ tôi để trở thành một người có văn hóa là công đầu của Ba tôi.

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét