Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

301. Huế trong tôi

301. HUẾ TRONG TÔI

A.Ký sự.

Phần I. Đất Thần kinh

 

1.Tôi tìm lại vùng đất dựng nghiệp đế nhà Nguyễn


.

2.Chúa Nguyễn Hoàng - Người dựng nghiệp đế nhà Nguyễn.

3.Ái Tử - một vùng đất thiêng.

4. Nên tổ chức lễ hội mang tên Nguyễn Hoàng và Ái Tử.

5.Chữ Huế xuất xứ từ đâu ra

6.Vua Gia Long  – Người mở đầu triều đại nhà Nguyễn.

7.Vua Bảo Đại - Người kết thúc triều đại nhà Nguyễn.

8 Biệt lệ. Triều đình nhà Nguyễn không có ngôi hoàng hậu


A.            Ký sự. ĐẤT THẦN KINH.

 1.   Tôi tìm lại vùng đất dựng nghiệp đế nhà Nguyễn.

       Thực sự, tôi giật cái tít tiểu mục này hơi to tát. Vì rằng từ xa xưa đã có rất nhiều công trình viết về nhà Nguyễn – tính từ năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng (tức Chúa Tiên) – đem theo một ngàn binh mã bản bộ ở Tống Sơn, từ Gia Miêu ngoại trang, nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa vào trấn thủ đất Thuận Quảng – để tránh sự hiềm nghi và bức hại của người anh rể Trinh Kiểm, đến nay năm 2016 thì đã 458 năm trôi qua (thời điểm tôi đang viết cái bút ký này, thảng 3 năm 2016). Năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi có chuyến đi về thăm quê, ngang qua Ái Tử và đã có bài thơ Qua Ái Tử:

Nghĩa rằng Ái Tử mẹ yêu con

Trắng xóa lô nhô những cát cồn

Chúa cũ đâu rồi thời mở cõi?!

Nước đầy bẩy vại nặng tình son *

____________

*Khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Đàng Trong (1558) dân bản địa Quảng Trị mang 7 chum (vại) nước dâng Chúa để tỏ lòng quy phục.

Trong chương trình về Quảng Trị lần này tôi có đề ra mục tiêu là về Trà Liên để tìm hiểu về Ngài Nguyễn Ư Dĩ, cậu ruột của Nguyễn Hoàng – người có công nuôi dạy cháu từ lúc 2 tuổi – cho đến khi lập được sự nghiệp vẻ vang của một vương triều lừng lẫy chiến công mở đất. Tôi muốn tìm về nguồn cội về di tích một địa danh – mà ở đó đã là đất dựng nghiệp của một triều đại.

Theo sử sách, Thái phó Uy quận công Nguyễn Ư Dĩ, thấy cháu “tướng mạo khôi ngô, vai lân lưng hổ”, biết là “bậc phi thường” nên khuyên sớm kiến công lập nghiệp. Năm 1558, Nguyễn Hoàng khi ấy 34 tuổi được Nguyễn Ư Dĩ phò tá. Ngài là người được Nguyễn Hoàng tin cậy, thân chinh đến gặp Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm hỏi về vận nước. Trang Trình đã nói “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”. Nguyễn Hoàng đã chọn đất Ái Tử lập dinh trại. Nhờ danh tiếng của Nguyễn Ư Dĩ mà hào kiệt tìm về, biến vùng đất này thành nơi màu mỡ, trù phú.

         Ái Tử trở thành kinh đô đầu tiên của Đàng Trong trong suốt 68 năm (từ 1558 đến 1626), gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Hoàng và công lao của Ngài Nguyễn Ư Dĩ. Khi mất đi, Ngài được đúc tượng đồng để thờ.

Hàng thế kỷ nay, người dân thôn Trà Liên Tây (xã Triệu Giang, Triệu Phong, Quảng Trị) xem tượng đồng tạc Ngài Nguyễn Ư Dĩ là báu vật linh thiêng… Trải qua 400 năm, bức tượng vẫn tồn tại, trở thành linh vật của dân làng Trà Liên, nơi Ngài Nguyễn Ư Dĩ có công mở cõi. Tượng được đúc bằng đồng vào khoảng thế kỷ 17, ở tư thế ngồi ghế thấp, cao 0,62 m, phần vai rộng 0,3 m. Mặt tượng chữ điền, mũi cao, cằm vuông, râu dài, tai to, đội mũ quan hai lớp, chân đi hia để lộ phần mũi. Toàn thân được khoác tấm áo choàng rộng phủ từ vai xuống, vắt trên hai chân.

Thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng có ngôi chùa Liễu Bông với 3 gian thờ thì gian chính giữa thờ Nguyễn Ư Dĩ. Năm 1972, ngôi chùa bị tàn phá, nhưng bức tượng vẫn còn. Một năm sau, Hiệp định Paris được ký kết, bom đạn ngừng rơi, nên người dân dựng lại nhà thờ tạm bằng tre.

Bức tượng quý nhiều lần bị kẻ trộm nhòm ngó nhưng đều được phát hiện. Năm 1976, kẻ trộm khiêng tượng Ngài đi rồi vùi dưới cát bên bờ sông Thạch Hãn, đoạn gần làng. Người dân phát hiện tượng bị mất nên vô cùng nóng ruột, hò nhau đi tìm khắp làng. Lúc bấy giờ, mùa hè nước cạn, bà con thấy dấu vết ở bờ sông nên dùng thanh sắt chọc xuống, cuối cùng cũng tìm thấy. Bình thường thì 4 người gánh tượng Ngài không nổi, nhưng lúc đó tìm được tượng mừng quá, nên mọi người gánh băng băng đi nhẹ nhõm. Sau lần đó, dân làng mang tượng về đặt sát bên đình làng, xây gian thờ nhỏ kín 3 mặt, bên dưới quây thép đổ bê tông. Ấy vậy mà kẻ trộm còn dám cắt mũ quan, cưa hông bên trái vào 2-3 cm, nhưng rồi cũng không lấy trộm được.

Cách đây hơn 10 năm, một đoàn cán bộ văn hóa vào nghiên cứu bức tượng nhưng không thông qua dân làng, đập bỏ tường bao thì bị dân phát hiện, kiên quyết không cho làm. Ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị sau đó phải xin lỗi dân, bồi hoàn tiền để làm lại nhà thờ.

Về sự kỳ lạ của bức tượng, có câu chuyện những năm chiến tranh, có một đơn vị ra - đa về đóng quân gần nơi thờ cúng Ngài, nhưng ra - đa không hoạt động, bất chấp mọi nỗ lực khắc phục. Cuối cùng, đơn vị này phải chuyển đến làng kế bên mới hoạt động được.

 Tượng Ngài Nguyễn Ư Dĩ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh, được dân làng tôn thờ. Khoảng 6-7 năm trở lại đây, nhận thấy ý nghĩa của tượng Ngài trong giáo dục truyền thống, trường Tiểu học xã Triệu Giang nhận chăm sóc khuôn viên đặt bức tượng. Mỗi dịp khai giảng, tổng kết, nhà trường đều có những buổi nói chuyện về lịch sử địa phương và công lao của Ngài.

Về việc bảo vệ bức tượng quá mức, dân làng rất “áy náy” khi phải quấn chân Ngài bằng thép, đổ bê tông. Nhưng không làm thế thì dân làng rất sợ tượng bị trộm. Huyện Triệu Phong từng mở hội thảo lớn nói về công của Nguyễn Hoàng và Ngài Nguyễn Ư Dĩ. Riêng dân làng chỉ đề xuất được xây một nhà thờ to đẹp hơn để thờ cúng.

Ông Lê Đình Hào, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Trị nói: Tượng Nguyễn Ư Dĩ được xếp vào “10 báu vật” của tỉnh. Đơn vị này đang làm hồ sơ để đưa tượng trở thành bảo vật quốc gia, với hy vọng nhận được sự đầu tư, bảo vệ xứng đáng hơn.

2. Chúa Nguyễn Hoàng - Người dựng nghiệp đế nhà Nguyễn.

 Nguyễn Hoàng, sinh năm 1525, con thứ hai của Nguyễn Kim. Ông nội là Thái phó Nguyễn Hoằng Dụ từng giúp vua Lê Tương Dực lật đổ Lê Uy Mục (1509). Nhưng rồi hai ông vua họ Lê này số phận cũng chẳng ra sao. Chỉ còn hai đời vua Lê cuối cùng nữa thôi để rồi rơi vào tay nhà Mạc. Sử sách thường ghi: Thời Lê mạt.

Nguyễn Hoàng là em Ngọc Bảo, Ngọc Bảo lấy Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm thâu tóm hết mọi quyền lực, lấn át vua Lê, loại bỏ uy thế các em vợ: Nguyễn Uông bị hãm hại. Nguyễn Hoàng cáo bệnh giữ mình.

Nguyễn Hoàng nhờ chị gái Ngọc Bảo xin anh cho đi trấn thủ Đàng Trong, miền Thuận Quảng. Tuân chiếu vua Lê Anh Tông (1556-1573), năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Cùng đi có hàng ngàn binh mã bản bộ và họ hàng ở Tống Sơn, (bấy giờ là Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Hà Trung, Thanh Hóa); bây giờ làng Gia Miêu là quý hương của họ Nguyễn.  Đông đảo nhất có các họ tộc Nguyễn, Lê, Trương, Trần. Lúc đầu Nguyễn Hoàng đóng dinh tại Ái Tử, còn gọi là Dinh Cát, thuộc phủ Đăng Xương. Cùng với cậu ruột Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Hoàng vỗ về quân dân, thu dụng hào kiệt, khẩn hoang lập làng; tiếp tục đón nhận di dân từ Đàng Ngoài vào mà phần đông là dân nghèo ở các làng mạc của các trấn Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

 Khi nhà Mạc chiếm ngôi vua Lê. Nguyễn Kim đem con vua lánh sang Ai Lao, ở đây ông thu nạp hào kiệt. Năm Canh Tý (1540) ông đem quân về chiếm lại Nghệ An. Hai năm sau, năm 1542 cùng vua Lê ra Thanh Hóa chiếm lại Tây Đô – là thành lũy ở Vĩnh Lộc của Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly là người cướp ngôi nhà Trần trong biển máu, chiếm đoạt chính quyền bằng bạo lực tàn bạo nhất trong lịch sử, làm vua một năm rồi nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương (1400), xây thành Tây Giai sau đổi là Tây Đô và đổi Thăng Long ra thành Đông Đô. Nhà Hồ chỉ làm vua được hai đời, cộng 7 năm (1400-1407) rồi bị quân Minh bắt cả hai cha con về Trung Quốc. Đông Đô cũng chỉ tồn tại được 7 năm.

   Năm 1545 Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, thọ 78 tuổi. Từ đó quyền hành rơi vào tay con rể Trịnh Kiểm.

    Mặc dù ở Đàng Trong ngày càng lớn mạnh, nhưng Nguyễn Hoàng với ý thức trung quân vẫn làm tròn nghĩa vụ với nhà Lê. Hàng năm nộp 400 cân vàng bạc, 500 tấn lúa…Vua Lê đánh Mạc thiếu thốn quân dụng, lương thực. Nguyễn Hoàng đem của cải ra giúp vua và ở lại Bắc tới 7 năm. Nguyễn Hoàng có công lớn trong việc đánh dẹp các dư đảng nhà Mạc nên được phong nhiều chức tước quan trọng: Trung quân Đô đốc Thủ phủ, Tả Đô đốc Chưởng phủ sự, Thái úy Đoan Quốc Công. Năm 1599, Nguyễn Hoàng được phong làm Hữu tướng.

                                                         ***                                                   

   Đoàn người của Võ tướng Thái úy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng đổ bộ lên cửa sông Thạch Hãn, thường gọi là cửa Việt Yên, còn gọi là cửa Việt Khách, dựng trại ở Ái Tử thuộc huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong. Cùng đi có người cậu là Uy Quốc công Thái phó Nguyễn Ư Dĩ và hàng ngàn binh mã bản bộ từ quý hương Gia Miêu ngoại trang (Tống Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa). 

Theo Sùng Nham hầu Dương Văn An – (Sách Ô Châu cận lục) thì Nguyễn Hoàng dựng trại ở Ái Tử thuộc huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong. Đây là nơi bắt đầu khởi dựng cơ nghiệp của nhà Nguyễn. Năm 1570, Nguyễn Hoàng chuyển dinh trấn về Trà Bát (nay là làng Trà Liên). Những địa danh Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát đã mang một sứ mệnh lớn lao. Chính vì lẽ đó mà khi Phú Xuân trở thành kinh đô, các chúa, vua nhà Nguyễn đã không quên tôn vinh vùng đất ‘dung thân’ của các bậc tiên phụ trên đất Quảng Trị là Cựu dinh.

Ngày nay, chúng ta – những người đang sống hạnh phúc trên mảnh đất đã từng thấm máu và mồ hôi, nước mắt của các bậc tiên hiền, của những người đầu tiên đi mở đất – không thể không nhắc đến công lao to lớn của các chúa Nguyễn mà tiêu biểu và tiên phong là Đoan quốc công Nguyễn Hoàng.

Tôi muốn tìm về nơi đây để tìm nguồn cảm hứng cho ý tưởng sáng tạo nghệ thuật. Bắt đầu là “khơi nguồn dựng nghiệp”. Ngay cái việc dân bản địa dâng bảy chum nước khi Nguyễn Hoàng đến Ái Tử đã là một điềm lành.

Ngài Uy Quốc công Nguyễn Ư Dĩ đã khải tấu lên Chúa Tiên: “Đây là phúc trời cho đó.  Việc trời tất có hình tượng. Nay Chúa thượng mới đến mà dân đem “nước” dâng lên, có lẽ là điềm “được nước” đó chăng? Truyền thuyết về bảy chum nước ngọt mà người dân bản địa chắt chiu giữa hoang mạc này dâng lên Chúa là dâng cả tấm lòng thuần phục. Bởi vì Chúa biết vỗ về quân dân, thu dụng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục.

Lòng dân là như vậy, nhưng thế nước thì “nghìn cân treo sợi tóc”. Hạ Khê Hầu Nguyễn Hoàng 13 năm ở Tây Đô là 13 năm nơm nớp nằm trong tầm gươm của Trịnh Kiểm (1545-1558).

Cũng cần nói rõ thêm thân thế của Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm quê ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Kiểm mồ côi cha từ thuở nhỏ, rất có hiếu với mẹ. Nhà nghèo, nhưng mẹ Kiểm có sở thích rất oái oăm là chỉ thích ăn thịt gà luộc, mà chỉ ăn hai đùi và lườn. Không biết làm cách nào để có gà cho mẹ ăn, Kiểm phải đi ăn trộm gà của hàng xóm. Làng xóm bị mất nhiều gà, họ giận lắm quyết tìm cho ra thủ phạm. Sau cùng cũng tìm ra, chính thủ phạm là Trịnh Kiểm. Dân làng giải Kiểm lên công đường. Trịnh Kiểm làm một bài thơ trần tình. Không biết thơ hay đến mức nào mà quan thương tình tha cho Kiểm. Từ đấy, dân làng lại càng căm ghét mẹ con nhà Kiểm. Họ nghĩ rằng chỉ tại bà mẹ già trái tính, trái nết mà Kiểm phải đi ăn trộm gà. Một hôm, nhân lúc Kiểm vắng nhà, họ cùng nhau bắt bà vứt xuống một cái vực gần nhà, bị chết đuối. Kiểm về không thấy mẹ liền đi kiếm cho tới sáng. Khi ra chỗ vực, thấy mối đã đã đùn lên thành đống. Kiểm buồn lắm bỏ làng ra đi, vào nương nhờ và làm gia thần cho nhà quan Nguyễn Kim. Mặc dù không được học hành nhiều, nhưng Kiểm lại rất thông minh, can đảm và mưu lược. Nguyễn Kim mến tài nên đã đem con gái cưng là Ngọc Bảo gả cho Trịnh Kiểm làm vợ.

Trịnh Kiểm là người được vua Lê phong chức Thượng tướng. Năm 1569, Trịnh Kiểm bị bệnh nặng, dâng biểu xin trao binh quyền lại cho vua Lê. Vua Lê nhu nhược sai con trưởng Trịnh Kiểm là Trịnh Cối nắm lĩnh toàn bộ. Thời Vua Lê, Chúa Trịnh sinh ra từ đó.

  Cầm trong tay Trấn tiết của vua Lê Anh Tông như là đã có trong tay tấm bùa hộ mệnh.  Năm 1600, sau khi dẹp yên bọn nội loạn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khê xong, Nguyễn Hoàng giong thuyền ra biển về thẳng Đàng Trong, chỉ để lại con trai thứ năm là Hải và cháu nội là Hắc làm con tin.

3.   Ái Tử - một vùng đất thiêng.

Vì sao Chúa Tiên lại chọn cửa Việt Yên để đổ bộ lên Ái Tử mà không chọn cửa Tùng Luật để vào Minh Linh hay chọn Cửa Eo để vào Châu Hóa? Bởi Ái Tử, Trịnh coi là cửa Tử, còn Nguyễn Hoàng lại tìm ra được cửa Sinh.Vị Chúa 34 tuổi này đã thể hiện sự tinh thông binh pháp. Ái Tử được dòng sông Thạch Hãn ôm từ ba phía: Bắc, Đông và Nam. Rào Ái (sông Ái Tử) nằm ở phía Tây như một đường huyền. Vậy là bốn phía có bốn hào nước sâu đủ chặn bước quân thù để bảo vệ Nguyễn Hoàng đang trong cơn thất cơ lỡ vận, tìm đường sống!


Sông Thạch Hãn, đoạn chảy qua Ái Tử.

 Trịnh Kiểm biết rằng không bao giờ Nguyễn Hoàng vào cửa Thuận An để lên Hóa Châu, nơi đó đã có sẵn thành quách, dinh thự và quan lại của ông ta đang chờ?! Nguyễn Hoàng cũng không vào cửa Tùng Luật (Minh Linh) mà nơi đó đã có quân Trịnh chiếm giữ. Nguyễn Hoàng đã không bị sập bẫy. Dưới con mắt của Trịnh, Ái Tử là một địa điểm tầm thường. Nhờ vậy, 13 năm đầu, Nguyễn Hoàng tạm yên thân xây dựng tính hòa hiếu thủy chung với cư dân bản địa. “Bấy giờ chúa ở trấn hơn 10 năm. Chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở thành một nơi đô hội

Đến Ái Tử, định doanh 13 năm (1558-1570), Chúa lại dời đại bản doanh về làng Trà Bát đúng 30 năm (1570-1600). Rồi đến thôn Trà Liên với 26 năm Dinh Cát, (1600-1626).

68 năm định đô tại đây đã mang lại những tiền đề vô cùng lợi hại để dựng nên nghiệp đế. Nguyễn Hoàng với thiên tư dĩnh ngộ của một tài năng dời non lấp biển đã nhận ra con đường sống còn khi chọn Ái Tử để làm chốn nương thân.

Ái Tử là một vùng hoang mạc cát trắng nắng vàng trơ trọi. Tuy nhiên Đoan quốc công lại nhìn rõ thế tiến, thế lùi. Binh bộ đứng trên cồn cát làm điểm tựa cho Trấn thủ. Binh thuyền nép bên cửa sông phòng khi bất trắc. Sông Thạch Hãn chảy đến khúc quanh này thì dịu lại như bàn tay người mẹ hiền muốn ôm lấy Ái Tử.

Vua Minh Mạng đã cho khắc hình tượng sông Thạch Hãn cùng với dòng Vĩnh Định vào Thuần Đỉnh, đỉnh thứ sáu trong chín đỉnh đồng đặt trước sân Thế Tổ miếu trong Hoàng thành Huế.

 Với cặp mắt tinh tường của một nhà quân sự, với tài thao lược của một vị tướng, với cái tâm, cái tầm của một nhà chiến lược, Nguyễn Hoàng đã đặt nền móng cho Đại Việt tiến về phương Nam, mở rộng cương vực mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng một non sông gấm vóc trải dài từ Lũng Cú đến tận chót mũi Cà Mau, mang tên là nước Việt Nam yêu dấu!

Năm 1613, Nguyễn Hoàng đã gần 90 tuổi, biết mệnh trời đã đến lúc từ giã cõi trần, ông cho gọi con thứ 6 vào dặn: “Đất Thuận Quảng, phía Bắc có Núi Ngang (Hoành Sơn) và Sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá, muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng”.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mất ngày 3 tháng 6 âm lịch, nhằm ngày 10-7-1613, thọ 89 tuổi. Chúa Tiên là người đặt nền móng cho việc lựa chọn vùng Huế làm thủ phủ xứ Đàng Trong và là kinh đô của Việt Nam thời Nguyễn. Nguyễn Hoàng xứng đáng là vị khai canh của vùng đất Thuận Quảng và Nam Bộ. Ông có mười người con trai, trấn thủ Thuận Quảng 56 năm (1558-1613). Sau này triều Nguyễn truy tôn là Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế.

Con trai thứ 6 của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên đã 51 tuổi mới nối ngôi cha. Phúc Nguyên cũng được vua Lê ban hàm Thái bảo, tước Quốc công. Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng từ năm 1613, trấn thủ Thuận Quảng. Đây là ông chúa có bản lĩnh, bắt đầu là việc không thần phục chúa Trịnh, định quốc tính là Nguyễn Phúc. Từ đời này trở đi, vương triều Nguyễn có chữ đệm là Phúc. Không nộp thuế cống, trả lại sắc phong cho vua Lê.

4. Nên tổ chức lễ hội mang tên Nguyễn Hoàng và Ái Tử.

         Hiện nay trên toàn cõi Việt Nam, mỗi năm có tới hàng trăm lễ hội được tổ chức. Nào là lễ hội Hoa Đà Lạt, nào là Lễ hội Trái cây Đồng bằng sông Cửu Long, nào là Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên…Tính đến năm 2009, cả nước ta có 7966 lễ hội, chia ra như sau:  Dân gian có 7019 lễ hội, Tôn giáo có 544 lễ hội. 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương và Phú Thọ…Tính đến năm 2014, Việt Nam có gần 30 lễ hội được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong danh sách này, Quảng Trị chưa có tên một lễ hội nào.

         Quảng Trị năm 2015 có 2 lễ hội lớn. Đó là Lễ hội Thống nhất đất nước được tổ chức vào dịp 40 năm Ngày Toàn thắng 30/4/1975 – 30/4/2015, ngay tại địa điểm đầu cầu Hiền Lương và Lễ hội Hùng thiêng đất nước được tổ chức tại Thành cổ Quảng Trị, nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 hàng năm, (gọi chung là Lễ hội Đêm Thành Cổ - thiếu chữ Quảng Trị, NV)

         Tôi muốn nêu lên đây ý tưởng tổ chức lễ hội mang tên NGUYỄN HOÀNG VỚI ÁI TỬ hay là VÙNG ĐẤT THIÊNG DỰNG NGHIỆP ĐẾ NHÀ NGUYỄN. Lễ hội sẽ được tổ chức hàng năm hoặc vào ngày kỵ của Nguyễn Hoàng - ngày mùng Ba tháng Sáu Âm lịch hoặc một ngày khác không trùng với các lễ hội của tỉnh.

       Kịch bản và Lời bình có thể mời những văn nghệ sĩ, chuyên gia giỏi về nghề viết kịch bản; (như ở Quảng Trị có thể mời Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Đàm, nhà thơ Xuân Đức…và các nhà thơ trong và ngoài tỉnh, chủ yếu là lực lượng văn nghệ sĩ của Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Trị). Tôi thử phác thảo ra những chương như sau:

Chương Một – Khởi nguồn dựng nghiệp đế.

Chương Hai -  Ái Tử với 7 vại nước đầy.

Chương Ba – Mở rộng bờ cõi về phương Nam.

Chương Bốn (cuối) – Tổ quốc Việt Nam yêu dầu.

                                                         ***

         Chương Một. Khởi nguồn dựng nghiệp đế.

         Mở đầu (trên màn ảnh lớn) là hình ảnh một đoàn chiến thuyền vượt sóng to, gió lớn đổ bộ lên cửa Việt Yên. Đứng trước mũi thuyền lớn là hai vị: Võ tướng Hạ Khê hầu Đoan Quận công Nguyễn Hoàng và Uy Quốc công Thái phó Nguyễn Ư Dĩ.  Trên sân khấu lớn sẽ có những cảnh: đông đảo nhân dân bản địa mừng vui đón đoàn. Trong khi đó Lời thơ hào sảng ngân lên (trích thơ của nhà thơ…). Đồng thời có Lời bình đọc to lồng trong tiếng nhạc nền, có thề là những bài Lưu thủy hành vân hoặc một vài bài theo cổ thể.

        

     Chương Hai. Aí Tử với 7 vại nước đầy.

         Thay hình (trên màn ảnh lớn) là hình ảnh một vùng cát trắng hoang sơ, phủ đầy cỏ dại. Gió Nam thổi bay những độông cát mịt mù trắng xóa dồn dập tận chân trời. Một đoàn người chân trần, nón lá, áo tơi lầm lũi bước đi những bước đi nặng nhọc, mệt mỏi. Có người ngã vật ra do nóng và khát. Lời thơ não nề cất lên, tả rõ đây là vùng Ô châu ác địa, dân tình sống trong cực khổ nghèo nàn, có thể tả nỗi mong chờ một điều may mắn nào đó hoặc là một vị cứu tinh đến để mang lại cho họ cuộc sống đủ đầy, no ấm.

         Trên sân khấu lớn sẽ có những cảnh: Mặt trước đặt 7 chum nước (chum to và thật chứ không dùng đạo cụ). Một cụ già (dân bản địa) râu tóc bạc phơ, lưng trần, đóng khố tiến đến nơi đứng của 2 vị Nguyễn Hoàng và Nguyễn Ư Dĩ (chính giữa sân khấu) và tâu lên bài thơ Dâng Nước. Lời thơ vang lên trong tiếng nhạc bát âm và đoàn vũ công múa lượn. Trang phục là của dân bản địa thời đó.

         Chương Ba. Mở rộng bờ cõi về phương Nam.

         Sân khấu tái hiện những cảnh (quá khứ):1) Đám cưới của Huyền Trân công chúa với vua Chế Mân. Đoàn thuyền nhẹ của Trần Khắc Chung vào Chà Bàn cứu Huyền Trân sắp lên giàn hỏa. 2) Chúa Tiên sắp từ giã cõi trần cho gọi Chúa Sãi vào trướng nội với lời dặn (chạy chữ) “Đất Thuận Quảng, phía Bắc có Núi Ngang (Hoành Sơn) và Sông Giang (Linh Giang) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng”.3) Công nương Ngọc Vạn lộng lẫy trong y phục hoàng hậu Khmer, vợ vua Chet Chenta II. Đoàn người Đại Việt ào ạt đổ bộ xuống miền Mô Xoài. Những cánh rừng hoang vu đầy cọp beo, rắn rết. Cảnh dựng nhà cửa, phố xá tấp nập. Trên màn ảnh rộng sân khấu xuất hiện những cây thốt nốt và đồng bằng sông nước Cửu Long. Tiếng thơ Nhớ Bắc của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ vang lên trầm hùng, kết thúc Chương III.

         Chương IV. Tổ quốc Việt Nam mến yêu.

      Trên màn ảnh lớn bao trùm toàn bộ không gian phía sau là lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Cảnh trận thuyền chiến của Quang Trung đánh tan 2 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút. Cảnh đoàn người bị thực dân Pháp cưỡng bức lao động khai phá rừng U Minh. Cảnh nhà tù thực dân dựng khắp miền Nam. Các trận chiến đấu quyết liệt của Trương Định, của Nguyễn Tri Phuong...với giặc Pháp. Lời Văn tế chiến sĩ trận vong của Nguyễn Đình Chiểu. Trên màn ảnh lớn liên tục thay hình ảnh Huỳnh Văn Nghệ trên lung ngựa, hình Bình Tây đại nguyên soái, hình Nguyễn Tri Phương chỉ huy xây đồn Chí Hòa, xô đá cản dòng Đồng Nai.

 Cách mạng Tháng Tám thành công. Sử dụng tư liệu của các xưởng phim tài liệu và Đài Truyền hình Việt Nam.

Ở Chương IV “Việt Nam Tổ quốc yêu dấu” nên đưa những cảnh đẹp, danh thắng, di tích lịch sử như Non Mai Sông Hãn, Cụm di tích cầu Hiền lương, Cồn Cỏ, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Chiến khu Ba Lòng…

***

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi là Hoàng đế Gia Long. Ông đã thành công trong việc thiết lập việc kiểm soát của mình trên toàn bộ lãnh thổ, do đó làm cho Huế trở thành thủ đô đương thời. Huế được gọi là kinh sư. Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.

Đây là nơi vua Gia Long làm lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế, để tiếp tục sự nghiệp của Nguyễn Hoàng là người có công mở rộng bờ cõi phương Nam.

Kinh thành Huế hay Thuận Hóa kinh thành là một tòa thành ở cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn, mở đầu bằng việc Chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi với đế hiệu là Gia Long trong suốt 143 năm từ 1802, đến khi ông vua cuối cùng Hoàng đế Bảo Đại thoái vị vào năm 1945.

Trong thời Pháp thuộc, Huế thuộc Trung kỳ. Huế vẫn là kinh đô cho đến năm 1945, khi Bảo Đại thoái vị. Chính quyền mới lấy Hà Nội làm thủ đô.

                                                ***

Triều đại nhà Nguyễn kể từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt chân lên cửa Việt Khách, Quảng Trị đến Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy thì suy tàn, đúng 387 năm. Tuyên ngôn thoái vị của hoàng đế Bảo Đại đọc chiều 25 tháng 8 năm 1945 trước cửa Ngọ Môn, chấm dứt triều đại nhà Nguyễn với 9 chúa và 13 vua.

Bảo Đại có câu nói nổi tiếng: “Riêng về phần Trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là Dân tự do, trong một nước độc lập. Trẫm không để cho bất cứ ai được lợi dụng danh nghĩa Trẫm, hay danh nghĩa hoàng gia để gieo rắc sự chia rẽ trong đồng bào của chúng ta.” (Chiếu Thoái vị của Bảo Đại).

Nhưng rồi ông ta không giữ được lời nói tốt đẹp đó.

                                                ***

5.     Chữ Huế xuất xứ từ đâu ra?

 Phải nói rằng có từ Huế (chữ Hóa mà thực dân Pháp không phát âm được nên đã gọi chệch ra là “ué”). Trong mẫu tự của người Pháp chữ H, là chữ câm.

Nếu như năm 1301, vua Trần Nhân Tông không làm cuộc viễn du 9 tháng sang kinh đô Chiêm Thành để tăng thêm quan hệ hữu hảo láng giềng, sống hòa hiếu với nhau thì đâu có cuộc hôn nhân ngoại giao giữa người anh hùng chống Nguyên – Mông, thái tử Harijatti - khi lên ngôi là vua Jaya Shimhavarman III, tức Chế Mân với công chúa Trần Huyền Trân. Đầu năm 1305, Đoàn sính lễ do Chế Bồ Đài dẫn đầu đem theo hơn trăm người và vàng bạc châu báu cùng với lời cam kết dâng 2 Châu Ô và Châu Lý để cầu hôn.

Huyền Trân về Chiêm Thành, mặc dầu trước đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người xứ Java, nhưng nàng vẫn được tấn phong làm hoàng hậu với mỹ hiệu là Paramecvari. Nhân dân Châu Ái, Châu Hoan kéo nhau vào khai thác vùng Thuận Hóa, làm nên một cuộc đại di dân. Phú Xuân (Huế sau này) trở thành kinh đô Đại Việt.

Vua Trần Anh Tông tiếp quản vùng đất mới và đổi tên là Châu Thuận và Châu Hóa. Việc kết hợp hai châu này làm một và đặt tên phủ là Thuận Hóa được thực hiện dưới thời thuộc nhà Minh. Đến đời nhà Hậu Lê, Châu Thuận và Châu Hóa thành Thuận Hóa và trở thành một đơn vị hành chính. Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã bỏ cấp huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành cấp phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam.

 Thuận Hóa là vùng đất trải dài từ phía nam Đèo Ngang cho tới đèo Hải Vân. Năm 1626, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh đến làng Phước Yên (Phúc An) thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên và đổi dinh thành phủ. Năm 1636, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chọn làng Kim Long, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, làm nơi đặt phủ. Năm 1687, Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái, dời phủ chúa về làng Phú Xuân, thuộc huyện Hương Trà. Năm 1712, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu dời phủ về làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên. Năm 1738, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lên cầm quyền thì phủ chúa mới trở về lại vị trí Phú Xuân và yên vị từ đó cho đến ngày thất thủ về tay quân họ Trịnh.

Hiện chưa có nguồn thông tin nào khẳng định địa danh "Huế" chính thức xuất hiện lúc nào, theo một số thông tin thì: Vua Lê Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên nói đến địa danh Huế trong bài văn nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn. Trong đó có câu: "Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then".

Những tài liệu sử học cũ (ngoại trừ Quốc triều Chính biên Toát yếu) khi nói tới Huế, đều dùng tên Phú Xuân hoặc Kinh đô, hoặc Kinh, chứ không dùng tên Huế.

Bộ Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim là bộ sử đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, ngoài nguồn sử liệu truyền thống, tác giả đã sử dụng nguồn sử liệu của phương Tây, và tên Huế xuất hiện.

Trong hồi ký của Pierre Poivre, một thương nhân Pháp đến Phú Xuân vào năm 1749, cái tên Huế xuất hiện nhiều lần dưới dạng hoàn chỉnh là Hué.

Năm 1787, Le Floch de la Carrière đã vẽ bản đồ duyên hải Đàng Trong cho Bộ Hải quân Pháp, trong đó bản đồ đô thành Huế được vẽ một cách khá rõ và cái tên Huế đã được ghi như cách người Pháp thường viết về sau: HUÉ.

Châu Hóa gồm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên trở nên sầm uất. Mà trước đó, như nhận định của Sùng Nham hầu Dương Văn An * viết trong Ô Châu cận lục:  “Hoàng Việt ta dựng nước, sách trời đã định rõ phân giới. Ngoài 4 thừa tuyên nguời Ái Châu hào phóng chuộng nghĩa. Người Hoan, Diễn thuần túy hiếu học. Xưa nay đều thường nói như vậy. Hóa Châu ta tiếp đất Quảng, đất đai hẻo lánh, phong tục quê mùa, muôn vật thưa thớt không thể so với Ái Châu và Hoan Châu được. Từ khi có Đặng Tất nổi tiếng tướng giỏi. Dục Tài lừng danh khoa bảng thì quê ta phong thổ và nhân tài dần dần sánh ngang thượng quốc”.

_____________

*Sùng Nham Hầu, tác giả Ô Châu cận lục

 

                                                ***

Trong gần 150 năm, từ 1802 đến 1945 kinh đô Huế dưới bàn tay khéo léo của người thợ Việt Nam đã hình thành một hoàng thành nguy nga, tráng lệ. Huế được công nhận năm danh hiệu UNESCO ở Việt Nam: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

 

 

6.     Vua Gia Long  – Người mở đầu triều đại nhà Nguyễn.


Vua Gia Long- Nguyễn Phúc Ánh.

 

      Tôi mải suy nghĩ về thân phận của Nam Phương Hoàng hậu, xe lên cầu Mỹ Thuận từ lúc nào. Kỹ sư Toản nói: Bây giờ chúng ta đi thăm chùa Phước Kiển, còn gọi là chùa Lá Sen. Trước khi vào chùa sẽ ghé qua làng Nha Mân – nơi được coi là có nhiều phụ nữ đẹp nhất miền.Theo quốc lộ 80 chạy chừng bẩy cây số, tới thị trấn Cái Tàu Hạ. Chúng tôi ghé lại quán nước bên đường gặp một cụ già tuổi chừng bát tuần. Ông cụ có bộ râu dài trắng như cước và cái búi tó nằm gọn sau gáy, nét mặt hồng hào quắc thước.

       Tôi gợi chuyện: nghe thiên hạ đồn Nha Mân có nhiều người đàn bà đẹp có đúng như vậy không, thưa Cụ! Cụ già vui vẻ kể chuyện, không dấu nổi vẻ tự hào. Cụ kể rằng cách đây chừng hơn 250 năm chúa Nguyễn Phúc Ánh trên đường cầu viện quân Xiêm La sang giúp để chống lại nhà Tây Sơn. Một trận Rạch Gầm – Xoài Mút oai hùng đã nhấn chìm hai vạn quân Xiêm xuống dòng Tiền Giang.

 

         Nguyễn Phúc Ánh ngược sông Tiền chạy thoát thân. Chúa phải bỏ lại nhiều đoàn tùy tùng, trong đó có những cung tần mỹ nữ, phần lớn là gái của miền trung, của Thừa Thiên, Quảng Trị sắc nước hương trời, chim sa cá lặn!

      Theo sử sách xưa, trên đường bôn tẩu vào nam, Nguyễn Phúc Ánh đem theo nhiều đoàn tùy tùng, trong đó có các cung tần mỹ nữ. Để nhẹ gánh chinh phu, ông cho các cung tần ở lại. Phần lớn họ được gửi gắm cho đồng bào miền Sa Đéc. Đó là vùng Nha Mân, một ngôi làng nhỏ nằm nép bên bờ sông Tiền thơ mộng ở xã Tân Nhuận Đông.

Nguyễn Phúc Ánh còn để lại cho hậu thế một nỗi oán hờn bởi sự cạn tình phụ tử! Chuyện kể rằng: Năm 1783, sau khi thua trận Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh đưa vợ con và khoảng một trăm gia đình thuộc hạ chạy ra Côn Lôn. Để đánh lại quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh dự định gửi con trai cả của ông là hoàng tử Cảnh đi theo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến đã thuyết phục chồng: “Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, nếu thắng được Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau”. Nguyễn Phúc Ánh không những không nghe lời khuyên của bà mà còn nổi trận lôi đình, nghi ngờ bà có ẩn ý, thông đồng với quân Tây Sơn nên đã định giết bà. Nhờ sự can thiệp cùa quần thần, Nguyễn Phúc Ánh đã cho giam bà vào một hang động trên đảo nhỏ hoang vu. Về sau ngọn núi này được đặt tên là Hòn Bà.

       Khi quân Tây Sơn đánh đến đảo, Nguyễn Phúc Ánh bỏ chạy tiếp. Hoàng tử Cải, tức hoàng tử Hội An, con trai bà Phi Yến lúc đó mới 4 – 5 tuổi khóc lóc đòi mẹ. Trong cơn tức giận, Nguyễn Phúc Ánh đã ném đứa bé xuống biển. Xác của hoàng tử Cải trôi vào bãi biển Cỏ Ống. Dân làng chôn cất hoàng tử và lập miếu thờ gọi là Thiếu Gia miếu. Theo truyền thuyết, bà Phi Yến được một con vượn và một con cọp cứu ra khỏi hang và bà sống cùng dân làng để trông nom ngôi mộ hoàng tử Cải.

       Số phận đã an bài cho bà Phi Yến yên nghỉ tại làng An Hải. Dân làng đã lo việc tống táng và lập miếu thờ bà – “người phụ nữ trung trinh, tiết liệt”. Hàng năm cứ vào ngày 18 tháng 10 âm lịch, người dân Côn Đảo đều tổ chức giỗ bà rất long trọng và thường làm cỗ chay để tưởng nhớ.

 

                      An Sơn miếu thờ bà Phi Yến tại Côn Đảo

        Vào năm 1785, ở tuổi 25, nhan sắc đang thời tươi thắm, bà bị một tên đồ tể trong làng sàm sỡ. Để giữ vẹn mình trong sạch, giữ tròn danh tiết, bà Phi Yến đã quyên sinh.

       Dân lập miếu thờ bà Phi Yến (tên thường gọi là Lê Thị Răm) với tên gọi là An Sơn miếu lần đầu tiên được xây dựng vào năm 1785. Năm 1861, sau khi chiếm đảo, Pháp đã di chuyển toàn bộ dân cư vào đất liền để xây dựng nhà tù. Ngôi miếu dần dần xuống cấp.

       Năm 1958, người dân trên đảo xây dựng lại ngôi miếu trên nền cũ. Từ truyền thuyết trên, người dân Nam Bộ thường có câu ca dao:

Gió đưa cây Cải về trời

Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay.

        Nhưng rồi, Nguyễn Phúc Ánh không thể thực hiện lời hứa với các cung tần mỹ nữ đang ở Nha Mân vì đại sự nghiệp khôi phục ngai vàng đã trải qua 9 đời chúa Nguyễn trấn giữ Đàng Trong.

        Những người đẹp này đã ở lại với những con kênh, con rạch quen thuộc xứ này. Những chùa Ông Thiên, rạch Bà Chiêm, rạch Cầu Xoay, rạch Ông Đại…Từ thế hệ này sang thế hệ khác, thừa hường sắc đẹp trời ban, và được sống trên một vùng đất nằm giữa hai con sông, sông Tiền và sông Hậu khí hậu ôn hòa, mát mẻ và cảnh quan thanh bình, sông nước êm đềm một phần tạo nên vẻ đẹp hiếm có cho những người con gái Nha Mân. Trải bao thăng trầm của thời cuộc, bao biến thiên của cả một vùng sông nước, nhưng nhan sắc và vẻ đẹp mặn mà của người con gái Nha Mân thì mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Những cung tần mỹ nữ ngày ấy giờ đây đã trở thành cổ tích, trở thành huyền thoại. Sắc đẹp gái Nha Mân đã đi vào ca dao, truyền từ đời này sang đời khác.

                                  Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh

                                   Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.

 

 

Miếu hoàng tử Cải cạnh miếu bà Phi Yến ở Côn Đảo

         Có một chuyện tình bi thảm tuyệt vọng đã xẩy ra nơi đây, có cả nước mắt và cả máu. Đó là mối tình của một thầy giáo làng với người con gái Nha Mân xẩy ra vào những năm đầu của thế k 20.

Chuyện là như vầy: Ông bà Phủ Cưu có người con gái thứ năm tên là Ninh, thường gọi theo thứ là Năm Ninh. Chị Năm Ninh nhan sắc tuyệt trần, mắt phượng mày ngài, nước da trắng hồng, dáng đi uyển chuyển, giọng nói ngọt ngào đã làm xao xuyến trái tim bao chàng trai xa gần. Nhưng đến tuổi cập kê, chị đã đặt trái tim mình vào một người thầy giáo làng. Hai người yêu nhau tha thiết và được hai gia đình cho làm đám cưới.

         Lễ vu quy đang diễn ra thì có tên trung úy trưởng đồn giặc cho lính xông vào bắt Năm Ninh về đồn tận Sa Đéc. Thầy giáo phẫn uất ra cầu Nha Mân nhảy sông tự tử. Năm Ninh làm vợ bất đắc dĩ chừng dăm tháng thì trong một bữa tiệc của tên trưởng đồn, Năm Ninh lại lọt vào mắt xanh của một sĩ quan người Pháp. Tên cáo già thực dân này quyết chiếm bằng được người đẹp.

        Thúc thủ trước sự tàn bạo của tên Pháp, trong một đêm mưa gió, tự tay trung úy giết chết Năm Ninh và dẫn theo thuộc hạ thân tín tới tư dinh tên quan Pháp. Ngày hôm sau dân làng Nha Mân và những làng bên cạnh bàng hoàng chứng kiến cảnh ba mươi thi thể nằm chết trong sân đồn. Tên sĩ quan Pháp bị đập nát sọ, còn trung úy trưởng đồn thì đôi mắt vẫn mở trừng trừng, trong tay còn nắm chắc khẩu súng lục. Đây là một chuyện tình có thể gợi ý cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác với nhiều thể loại khác nhau.

Phần lớn người con gái Nha Mân vẫn an phận với cuộc sống đạm bạc nơi quê nhà. Họ vẫn giữ được nhan sắc trời cho nhưng vẫn cần cù theo nghiệp nông tang của cha ông từ bao đời. Cuộc sống cứ thế trôi đi nhưng cái đẹp của gái Nha Mân thì không bao giờ tàn phai.

 

        7. Vua Bảo Đại - Người kết thúc triều đại nhà Nguyễn.

         Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, tức Bảo Đại được đưa sang Pháp từ năm lên tám, giao cho một viên chức Pháp tên là Charle chăm nom. Charle từng làm Khâm sứ Trung Kỳ nhiều năm, có lúc kiêm Toàn quyền Đông Dương. Charle nuôi dạy Vĩnh Thụy 11 năm và khi Vĩnh Thụy lên ngôi hoàng đế hồi loan, Charle cũng trở qua Huế bám sát Bảo Đại. Chính Charle đã cùng với Pasquier sắp xếp cuộc hôn nhân này. Đây là cuộc hôn nhân lý trí (marriage de raison) liên kết triều đình với giới phú hào Thiên chúa giáo Nam Kỳ.

Trong một buổi dạ tiệc ở khách sạn La Palace tại Đà Lạt, hai người đã gặp nhau. Bảo Đai say mê Marie ngay tử buổi gặp đầu tiên này. Trong hồi ký Con rồng Việt Nam, Bảo Đại có nhắc: “Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế tổ Cao hoàng đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam”.

Khi hỏi cưới thì gia đình Nguyễn Hữu Thị Lan đưa ra 4 điều kiện: 1. Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong hoàng hậu chính cung ngay trong ngày cưới. (Đây là một biệt lệ đối với nhà Nguyễn, có 3 điều bất kh là Không có danh hiệu Hoàng hậu, không có tể tướng và không có trạng nguyên. NV). 2. Được giữ nguyên đạo Công giáo và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo Giáo luật Công giáo và giữ đạo. 3. Riêng Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo. 4. Phải được Tòa Thánh cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau.

Trong triều đình có nhiều người phản đối cuộc hôn phối này. Trước hoàng tộc, Bảo Đại đã tuyên bố: “Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới vợ cho cụ Tôn Thất Hân và triều đình”. Cụ Tôn Thất Hân (1854 – 1943) là Phụ chánh đại thần cho vua Duy Tân, là tác giả một số tác phẩm trong đó có sách Quốc sử diễn ca (Tiền Nguyễn toát yếu).

Năm 1934, Nguyễn Hữu Thị Lan tròn 20 tuổi. Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy 21 tuổi. Hôn lễ được tổ chức ngày 20 tháng 3 năm 1934 tại Huế. Đoàn đưa dâu đi bằng ô tô từ Sài Gòn đến đỉnh đèo Hải Vân. Đến đỉnh đèo hai họ hoan hỷ gặp nhau. Pháo và sâm-banh thi nhau nổ. Hai bên đàng trai và đàng gái chạm cốc chúc mừng tân lang và tân giai nhân.

 Ngay hôm sau, lễ tấn phong hoàng hậu được long trọng tổ chức tại điện Dưỡng Tâm. Hoàng đế phong hoàng hậu tước vị Nam Phương Hoàng hậu. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud).

Như vậy nhà Nguyễn duy nhất có 2 vị hoàng hậu được tấn phong khi tại vị. Đó là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, chính thất của Nguyễn Thế Tổ Gia Long, người lên ngôi hoàng đế đầu triều 1802 và Nam Phương Hoàng hậu, người vợ chính của Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, tức Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn, kết thúc 387 năm trị vì của 9 chúa và 13 vua của một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam, (1558 – 1945).

Bảo Đại là một ông vua có đến 6 người vợ và người tình, có 2 người ngoại quốc là bà Monique Baudot (Pháp, không có con), bà Mộng Điệp có 2 con trai, bà Phi Ánh có 2 con 1 trai 1 gái và Hoàng Tiểu Lan (Tàu lai Tây, có 1 con gái). Và ca sĩ vũ nữ Lý Lệ Hà, hoa khôi Áo lụa Hà Đông, cuộc thi lấy từ bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.

Vĩnh Thụy được mời làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông ta được bố trí nghỉ tại số nhà 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), được đem theo Vĩnh Cẩn, một người trong hoàng tộc và là cận thần đã cùng Bảo Đại thảo tờ Tuyên ngôn thoái vị.

 

 Hoàng đế Bảo Đại – Nguyễn Ph1 Vĩnh Thụy thời trẻ

         Trong những ngày lưu lại đây, Vĩnh Cẩn là người đã liên lạc với Lý Lệ Hà, đem cô vũ nữ này đến để cựu hoàng mất ngôi “vui vẻ”.  (Theo Phạm Khắc Hòe trong cuốn sách Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc). Cũng cần nói rõ thêm về Vĩnh Thụy. Theo cụ Vũ Đình Hòe, một trong những trí thức thời lập quốc Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ Hòe là Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục đầu tiên. Ngày 2 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho cụ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư Pháp.

Theo lời cụ kể: “Đầu năm 1947, Cụ Hồ lên chiến khu, ông Vĩnh Thụy là Cố vấn tối cao đã nhận lời của chính phủ lâm thời đi làm công tác ngoại giao với Trung ương đảng Quốc dân của Tưởng Giới Thạch. Thế nhưng Vĩnh Thụy lại đi Hồng Kông, nửa đường không về nước mà tìm cách đến với Pháp. Phong trào cách mạng trong nước yêu cầu xét xử ông Vĩnh Thụy tử hình vắng mặt. Việc này cũng bàn đi bàn lại trong chính phủ. Cụ Hồ không muốn mà Cụ tin nếu mình khéo quan hệ thì vẫn có thể đưa ông Vĩnh Thụy về lại chính nghĩa được”.

Nhưng Vĩnh Thụy với con người quen lối sống ăn trên ngồi trốc đã bỏ qua một cơ hội hiếm có trong lịch sử, cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp.

8.Biệt lệ: Triều đình nhà Nguyễn không có ngôi hoàng hậu

Nhà Nguyễn có 3 điều bất khả là:1. Không có danh hiệu Hoàng hậu.2.Không có tể tướng và 3.Không có trạng nguyên.

Hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn là Nam Phương hoàng hậu, tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, bố là Nguyễn Hữu Hào, mẹ là Lê Thị Bình – là cháu ngoại của cụ Lê Phát Đạt và cụ bà Neé Agnès Huỳnh Thị Tài, tín đồ Kitô giáo (tục gọi là Huyện Sỹ). Cụ Lê Phát Đạt quê tại Long An, sinh tại Sài Gòn. Cụ được một giáo sĩ người Pháp cho du học tại Pénang, sau đó sang Pháp. Trong dân gian có câu “nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch” là để chỉ 4 vị giàu có nhất Nam Kỳ thời đó. Huyện Sỹ học ở Pháp về, mở đồn điền trà và cà phê ở cao nguyên Trung phần, là người đã bỏ tiền xây dựng ngôi nhà thờ công giáo ở đường Bùi Chu cũ, nay là đường Tôn Thất Tùng, trước có tên là nhà thờ Chợ Đũi, nhưng dân gian thường gọi là nhà thờ Huyện Sỹ. Cụ còn xây dựng nhà thờ Hạnh Thông Tây và nhà thờ Chí Hòa.

                                 

                                    Nam Phương hoàng hậu

Ngày nay, trong nhà thờ Huyện Sỹ có một ngôi nhà mồ hết sức độc đáo. Trước mộ mỗi người đều có một bức tượng bán thân bằng thạch cao và trên nắp mộ là tượng toàn thân bằng đá hoa cương trắng nguyên khối trong tư thế nằm của hai cụ Lê Phát Đạt và Huỳnh Thị Tài. Còn ở nhà thờ Hạnh Thông Tây có 2 ngôi mộ cổ kiến trúc cũng không kém phần độc đáo của vợ chồng phú hộ Lê Phát An con và dâu của và ông bà Huyện Sỹ, cậu ruột của Nam Phương Hoàng hậu.

         Trước là mỗi mộ bia đều có tạc một pho tượng tuyệt đẹp. Mộ và tượng do 2 nhà kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng người Pháp là A. Contenay và Paul Ducuing. Paul Ducuing cũng là tác giả 2 bức tượng ở lăng Khải Định (Huế)  

Nguyễn Hữu Hào chỉ có 2 người con gái. Chị cả Agnès Nguyễn Hữu Hào, lấy chồng người Pháp là bá tước Didelot đã từng làm Khâm mạng Hoàng triều cương thổ. Nguyễn Hữu Thị Lan, tên thánh là Marie Thérèse, (có tài liệu ghi là Mariette Jeannette?), sinh ngày 14 tháng 12 tại huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường, nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 12 tuổi được gia đình cho sang Pháp học ở trường Couvent des Oiseaux. Năm 1932, Nguyễn Hữu Thị Lan 18 tuổi, đậu tú tài toàn phần (Diplôme bachelier).  Marie về nước trên con tàu D’ Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Vua Bảo Đại hồi loan cũng đi chuyến tàu này, tuy nhiên hai người chưa hề biết nhau. Nguyễn Hữu Thị Lan 3 năm liền đoạt giải Hoa hậu Đông Dương. Nàng nói tiếng Pháp như chính người Parisien. Bảo Đại đã viết lại trong hồi ký của mình “Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê”.

Cuộc tình giữa vua Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan là do sự dàn xếp của Pasquier, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương nhằm mục đích chính trị để lôi kéo vị vua trẻ này đi theo Pháp.

Nam Phương Hoàng hậu đã sinh cho nhà Nguyễn 5 người con, 2 trai và 3 gái. Đó là Nguyễn Phúc Bảo Long, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936, Phương Mai công chúa, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1937, Phương Liên công chúa, sinh ngày 3 tháng 11 năm 1938, Phương Dung công chúa, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1942 và Nguyễn Phúc Bảo Thắng, sinh ngày 9 tháng 12 năm 1943.

Hoàng hậu Nam Phương cũng là người tiêu biểu trong các bà mệnh phụ nhiệt tình với “Tuần lễ Vàng” do Việt Minh phát động tại Huế. Hôm ấy, ngày 17 tháng 9 năm 1945, bà là người đầu tiên đến bên một cái bàn trải khăn đỏ rồi từ từ tháo hết số hàng trang sức bằng vàng đang mang trên người. Sau đó bà được gắn một huy hiệu in cờ đỏ sao vàng. Viết đến đây tôi lại nhớ đến mẹ tôi. Trong “Tuần lễ Vàng” tại Quảng Trị, mẹ tôi cũng dã lột hết tư trang bằng vàng đang mang trên người ủng hộ cho Việt Minh.

Hoàng hậu Nam Phương là một con người thiết tha với đất nước. Theo sử gia Pháp Jean Renaud:

                   “Sau khi quân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh quốc để gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái chiếm thuộc địa Việt Nam. Lúc đó vua Bảo Đại đã thoái vị, bà Nam Phương đang ở tại An Định cung bên bờ sông An Cựu. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu hoàng hậu Nam Phương đã gửi một Thông điệp cho bạn bè ở Á Châu, yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp với lời lẽ như sau;

         “Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước chúng tôi.

         Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi”.

Nam Phương Hoàng hậu cùng với 5 người con rời Việt Nam sang Pháp ngày 1 tháng 1 năm 1947.

Những năm cuối đời Nam Phương Hoàng hậu sống trong lẻ loi. Bà sống lặng lẽ cùng các con tại Perche - một ngôi làng cổ của nước Pháp ở Chabrignac, tỉnh Corrèze. Bao nhiêu năm ở đây cựu hoàng Bảo Đại chỉ đến thăm hoàng hậu mấy lần. Trái tim người đẹp Gò Công ngừng đập khi ở độ tuổi 49, vào ngày 14 tháng 9 năm 1963. Không có một người ruột thịt nào của bà trong giờ phút lâm chung của cựu hoàng hậu, ngoại trừ 2 người giúp việc. Các con bà đang đi học hoặc làm việc ở Paris, còn Bảo Đại thì đang hú hý với người tình ở miền nam nước Pháp.

Đám tang của bà tổ chức một cách sơ sài, thưa thớt vắng vẻ, không tiếng khóc than, không lời ai điếu. Chỉ có 5 người con của bà đi cạnh linh cữu, không có một người bà con thân thích. Hai vị quan chức Pháp là quận trưởng các quận Brive la Gaillarde và Chabrignac đưa tiễn bà đến nơi yên nghỉ.

Nấm mộ đơn sơ của bà đặt trong nghĩa trang của nhà thờ công giáo tại Chabrignac, kém cả những ngôi mộ khác ở ngay bên cạnh. Tấm bia trên mộ chí của Nam Phương Hoàng hậu được khắc mặt trước bằng chữ Hán, mặt sau bằng chữ Pháp.

                   Than ôi! Thân phận một hoàng hậu nước Nam!

Tôi trộm nghĩ: Trong tổng kết lịch sử thời 9 năm chống Pháp nên chăng đưa hình ảnh và những hành động của bà Nam Phương Hoàng hậu vào mục “Những người Việt Nam yêu nước”. Có như thế mới thấy hết lẽ công bằng và chắc chắn người phụ nữ đa đoan này sẽ ngậm cười  nơi chín suối!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét