Trang

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

300. TÔI LÀM BÀI THƠ LỘC VỪNG HỒ GƯƠM



300. TÔI LÀM BÀI THƠ LỘC VỪNG HỒ GƯƠM

                                                          Hồi ức của nhà thơ Xuân Bảo

Tổng thống Mỹ Giôn-xơn lấy cớ tàu Madoc bị ta ngăn chặn ngoài khơi rồi la lối lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, kiếm chuyện đưa máy bay ra bắn phá miền Bắc. Ngày 5-8-1964 chúng tấn công vào Quảng Ninh. Một máy bay bị quân và dân ta bắn rơi và tên quan hai An-va-rêt bị bắt làm tù binh.
      Miền Bắc đi vào cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Hoa kỳ. Hà Nội khẩn trương chuẩn bị mọi mặt. Ông già bà cả, các cháu thiếu nhi, những người không có nhiệm vụ chiến đấu đều sơ tán về các vùng lân cận, có khi phải đi xa hơn. Chung quanh Hồ Gươm được đào hầm trú ẩn. Đặc biệt có cái hầm cá nhân tròn như cái cống, có nắp đậy hẳn hoi, được đào rất nhiều quanh hồ. Báo động thì nhảy xuống hầm đậy nắp lại. Hết báo động thì dở nắp ra nhảy lên. Có một chuyện cười ra nước mắt. Đó là khi còi báo động khẩn trương hú lên có một bà đầm đang dạo quanh Bờ Hồ vội vàng nhảy xuống hầm cá nhân thì ở dưới đó đã có người. Cái váy của bà đầm trùm lên như cái dù làm cho cậu ta tưởng là phi công Mỹ nhảy dù ?! Hà Nội dạo này người đi ngoài phố đều đội mũ rơm để tránh bom. Nhà máy điện Yên Phụ thì thả lên trời không biết cơ man nào là bong bóng để đề phòng máy bay Mỹ ném bom phá hoại.
     Máy bay địch cách Hà Nội 50 cây số thì đã có loa phóng thanh báo: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 50 cây số. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu!”. Nếu chúng vào thì còi nhà hát lớn hụ lên liên hồi và tiếng súng rộ lên khắp nơi. Nếu chúng chỉ lảng vảng rồi cút thì loa lại vang lên: “Đồng bào chú ý. Máy bay địch đã bay xa”. Mọi sinh  hoạt của thủ đô trở lại bình thường , người nào việc nấy. Hà Nội bình thản chống trả chiến tranh phá hoại của Mỹ như vậy đó.
          Trên đường Đinh Tiên Hoàng, trước nhà máy đèn, phía bên bờ Hồ Gươm có một cây lộc vừng chín gốc chờm ra mặt hồ. Lộc vừng mỗi năm ra hoa hai lần vào tiết xuân và sang kỳ thu phân lại cho hoa lần nữa. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân: hoa tía như kết chỉ tơ điều, đính vào những dây tua lọng thõng buông xuống từ lòng một cái tán tàn xanh đặc. Hoa lộc vừng trải xuống mặt hồ như một tấm thảm đỏ. Đến mùa thay lá thì lá rụng vàng một màu vàng vương giả khấp lối đi, nệm cỏ. Trẻ con nhặt lá vàng lộc vừng để chơi.
          Ngày đó, các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi và nhiều văn nghệ sĩ khác thường uống bia hơi quán ven hồ. Bia hơi Trúc Bạch được sản xuất tại nhà máy Bia Hà Nội, thời Tây thường gọi là bia Ô-mèn. Mỗi người chỉ được mua 3 cốc vại. Ngành ăn uống Hà Nội có sáng kiến dập dẹp cái nắp bia chai rồi đục lỗ ở giữa ( thường gọi là đồng xèng), rồi xâu dây thép vào. Một đầu để cạnh cô mậu dịch viên đong bia. Đầu kia ở ngoài quầy. Khách uống bia khi xếp hàng phải nắm lấy cái đồng xèng đó và đẩy dần đồng xèng đi theo kiểu xếp hàng thứ tự. Thương binh thì được ưu tiên mua trước. Chúng tôi thường được cậu Trương Tấn Nghĩa, cầu thủ của Đội bóng đá Thể Công mua giùm, khỏi phải chờ lâu. Không biết cậu ta lấy đâu ra cái "thẻ thương binh" mà luôn luôn có cái bìa màu đỏ dắt ở túi ngực. Sau này tôi mới vỡ lẽ cái bìa đó là quyển sách nhỏ, trước tác của Mao Trạch Đông mà Đại sứ quán Trung Quốc thường phát không cho độc giả. Tôi đoán chắc Nghĩa quen biết các nhà văn Nam Bộ, vì Nghĩa cũng là người miền Nam tập kết và rất có cảm tình và ngưỡng mộ  cụ Nguyễn Tuân.
Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng  ngồi dưới tán hoa lộc vừng đó để viết mấy chương tùy bút “Những ngọn đèn xanh…và những nhịp còi” từ cái hồi Đệ nhị Thế chiến. Dưới bóng cây lộc vừng  già kia sau gần ba chục năm ông lại ngồi suy ngẫm về trách nhiệm và vinh quang để rồi cho độc giả Hà Thành thấm thía hơn, tự hào hơn với Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi.( Tùy bút của Nguyễn Tuân).
Sau này, những khi đi công tác với Nguyễn Thạch Toàn, cháu đích tôn của nhà văn, tôi thường nhắc lại kỷ niệm này. Nguyễn Thạch Toàn là con của tướng Trần Xuân Trường, con trai cả của nhà văn Nguyễn Tuân. Tên thật của tướng Trần Xuân Trường trước khi gia nhập quân đội là Nguyễn Thạch Toàn, ông cho con trai mang tên ông.
Những chùm hoa lộc vừng bên Hồ Gươm



         Để nhớ về một nhà văn tài hoa của Hà Nội và của đất nước, tôi đã viết bài thơ Lộc vừng Hồ Gươm dưới đây:

                    Lộc vừng Hồ Gươm
                                           Kính Cụ Nguyễn Tuân
Soi mặt Hồ Gươm, bóng lộc vừng
Chuỗi hoa đèn thả sáng rưng rưng
Cây xanh bấy tuổi thêm bền chắc
Lá thắm bao năm vẫn ngập ngừng
Đón gió Tháp Rùa thì hạ chí
Vờn trăng Thê Húc tiết xuân hưng
Còn đây ghế đá người đâu vắng
Làn nước vô tình nỡ dửng dưng!
Xuân Bảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét