Trang

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

295. Ngày Kỵ Mạ tôi, Cụ Bà Nguyễn Thị Kim Dung

Ngày Kỵ Mạ tôi, Cụ Bà Nguyễn Thị Kim Dung

Mạ tôi, Cụ Bà Nguyễn Thị Kim Dung, sinh ngày 20 tháng Giêng, năm Bính Thìn, (1916). Tạ thế ngày 22 tháng Giêng, năm Mậu Tý (2008), hưởng đại thọ trần gian được 93 năm và 2 ngày.
Hôm nay, ngày 22 tháng Giêng, năm Canh Tý, nhằm ngày 15 tháng 2 năm 2020 là Ngày Kỵ Mạ tôi tròn 1 con Giáp, vợ chồng tôi làm Giỗ Bà.
Dự Lễ Kỵ có gia đình chúng tôi gồm 2 vợ chồng tôi. Tôi đã bước sang tuổi 85, nhà tôi bước sang tuổi 80; có cậu cả Nguyễn Triệu Quang (1961) và con Quang, cháu Nguyễn Triệu Vy; con gái thứ Nguyễn Thúy Ngọc (1964); con gái út Nguyễn Thúy Hương (1970).
Dự Kỵ còn có chú em tôi Nguyễn Xuân Đức, mới bay từ Hoa Kỳ về hôm 18 tháng Giêng ta và người tình tên Thúy, quê Quảng Bình.
Ngoài ra, có 2 anh công an Biên Hòa, 1 anh chủ thầu xây dựng là bạn đối tác làm ăn của luật sư Nguyễn Triệu Quang. Bạn của Thúy Hương ở Trung tâm Bóng đá Trẻ Văn Tâm Đồng Nai, vệ tinh của Bóng đá Viettel; có Phạm Hoàng Thanh, vốn trước đây là lái xe của tôi, nay đang công tác tại Vietcombank Đồng Nai.
Chúng tôi, cả chủ lẫn khách thành kính dâng hương lên bàn thờ Mạ Tôi.

Những Kỷ niệm về Mạ tôi.

Tôi trích đoạn những bài viết về Mạ tôi để ôn lại quá khứ vui lẫn buồn của thân thế Mạ tôi.
Sinh trưởng.
Mạ tôi sinh ngày 16 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, nhằm ngày 18 tháng 2 năm 1916, trong một gia đình điền chủ. gia giáo tại ấp Xuân Sơn, thường gọi là Phường Sãi thuộc làng Xuân An, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong tỉnh Quảng Trị .Ông ngoại tôi là một nhà nho, lương y nổi tiếng, thường được gọi là ông Khóa Cảm. Bà ngoại tôi quê làng Đại Hào, tổng An Cư, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Làng Đại Hào và làng An Cư thờ chung một  Ngài Khai khẩn có tên là Nguyễn Thông. Làng An Cư là quê hương của Đại thần Nguyễn Văn Tường, triều Nguyễn. Bà nội tôi là cháu của quan Đại thần Nguyễn Văn Tường.
Mạ tôi đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba. Đây là một vinh dự lớn cho gia đình chúng tôi.
Mạ tôi là một người đàn bà được nuôi dạy tốt trong một gia đình gia giáo. Cũng như những người con khác trong gia đình, Bà được ông bà ngoại cho đến trường học chữ. Học xong lớp Sơ đẳng thì ở nhà để lo chuẩn bị vào đời, tức là những bước chuẩn bị đi lấy chồng. Ngày đó những gia đình quyền quý có con gái thường được những gia đình môn đăng hộ đối để ý tới. Và đến tuổi cài trâm, tức là tuổi cập kê thì có người mai mối tới nói chuyện hôn nhân. Tính từ năm Bính Thìn (1916) đến năm Giáp Tuất (1934) mạ tôi bước lên thuyền hoa về nhà chồng vừa đúng 18 tuổi. Công việc chính của mạ tôi là lo tề gia nội trợ và chăm sóc nuôi dạy con cái.
Lấy chồng.
Năm 1934, ông mệ nội tôi làm lễ cưới cho ba tôi. Trước đó, gia đình ông mệ tôi đã dạm ngõ một người con gái họ Phạm. Chẳng hiểu vì lý do gì mà sau khi ba tôi ở Côn Minh về thì ông xin từ hôn và ông mệ tôi lại đi hỏi cưới mạ tôi cho ba tôi. Mệ ngoại tôi là người làng Đại Hào. Tôi nghe kể là đám cưới ba mạ tôi tổ chức đi rước dâu bằng thuyền. Đi từ con hói Chợ Thuận, ra sông Thạch Hãn rồi ngược lên Phường Sãi. Cả đoạn đường sông này dài gần hai chục cây số, đi về mất hẳn một ngày trời, kể cả thời gian làm lễ nghi đám cưới. Cưới xong ba mạ tôi vào Huế.
 Kỷ niệm ấu thơ thì còn nhiều, tôi xin trở lại bài viết về hai bài thơ của Ba tôi. Bài thứ nhất, Ba tôi viết trước khi ông đi Côn Minh, Trung Quốc có nhan đề là Liệu còn gặp gỡ.  Cuộc đời người lính ra sa trường sống chết trong gang tấc, nên Ba tôi viết bài thơ này, nếu trở về trùng phùng tái hợp thì tốt nhưng nếu có mệnh hệ nào thì mong cho Mạ tôi “gặp được chốn lửa hương”. Bài thơ như sau:
Lênh đênh anh tưởng là điều trân trọng
Ai hay chạnh nỗi niềm đôi ngả quan san
Lúc ra đi mỗi bước một ngừng
Con tàu chạy mỗi ga mỗi khuất
Mắt trông về Bến Sãi, (1) gan vàng thổn thức
Nhìn Chợ Hàn (2), lệ ngọc chứa chan
Gẫm tơ trời lắm nỗi đa đoan
Trách máy Tạo sớm đem đường thay đổi
Xưa những ước Thôi Trương (3) kỳ ngộ
Trước gió trăng sau lại đá vàng
Ai ngờ Ngưu Nữ đôi đàng (4)
Chưa sum họp vội vàng cách trở
Thôi thôi em đừng than đừng thở
Thôi thôi em đừng tưởng đừng trông
Xưa Mạnh Lệ Quân ở chốn không phòng
Cũng có khi Tương Như hội ngộ
Chị Thúy Kiều ghe phen tân khổ
Cũng có lúc Kim Trọng tái phùng
Huống chi em chút phận má hồng
Bền giữ dạ ắt Hoàng thiên nào phụ
Anh nguyện cùng Ngọc Hoàng Thiên Địa
Sớm cho em gặp được chốn lửa hương
Còn như anh gánh gãy giữa đường
Liệu cùng em còn có ngày gặp gỡ?
                                              Nguyễn Xuân Tập – 1933
   (1)  Chợ Sãi ở gần Thành Cổ Quảng Trị
   (2)  Chợ Hàn tức chợ ở thị xã Quảng Trị
   (3)  Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy, chuyện tình đẹp của Tàu.
   (4)  Tức Ngưu Lang và Chức Nữ

         Bài thơ này được mạ tôi đọc lại cho tôi ghi âm lúc 9 giờ ngày 18-6-1999 khi mạ tôi đã 84 tuổi. Nhưng đầu óc và tinh thần của bà vẫn còn minh mẫn.
Và đây là bài thơ thứ hai, theo thể thơ Đường luật, mạ tôi không nhớ tựa đề. Mãi mấy năm sau, khi đã cận kề cái tuổi gần đất xa trời, khi chúng tôi làm Lễ mừng Đại thọ cho bà thì Mạ tôi bỗng nhiên nhớ lại được và bảo tôi ghi lại. Đó là bài Nhắn nhủ cùng em:   
Thung DUNG yên ngựa bước du xuân
Học TẬP đắc thành sách Thánh nhân
         THUẬN nẻo đá nhào cơn bão tố           
         SÃI tay đánh bạt bước gian truân 
         Hạ nhật duyên ưa chưa tính được       
          Xuân xanh phận đẹp đã tới tuần       
          Nhắn nhủ cùng em người tri kỷ     
          Yêu nhau ta phải liệu cho xong

           Câu đầu, chữ thứ hai DUNG là tên mạ tôi Nguyễn Thị Kim Dung. Câu thứ hai, chữ thứ hai TẬP là tên ba tôi Nguyễn Xuân Tập. Chữ đầu câu thứ ba THUẬN là chợ Thuận, quê ba tôi. Chữ đầu thứ tư SÃI là Chợ Sãi, đối diện làng Xuân Yên là quê mạ tôi. Ngày xưa các cụ thường ghép tên làng quê với tên mình, tên người yêu để làm những câu thơ tặng nhau, bày tỏ tình yêu lứa đôi nhưng không quên cội nguồn gốc gác của mình. Đó là một cử chỉ đẹp và lãng mạn. Bài thơ này tôi đã đưa vào bộ phim Bài thơ về Mẹ mà tác giả kịch bản và viết Lời bình là tôi, nhà thơ Xuân Bảo.
Ở Huế
Vợ lính không phải lo đến cơm áo vì lương chồng cũng đủ sống. Không những thế Mạ tôi còn nuôi người giúp việc và ẵm bồng con nhỏ. Lúc tôi biết đi, Mạ thường cho tôi theo bà đi vãn cảnh chùa, thường thì hay đi chùa Từ Đàm hoặc chùa Thiên Mụ. Hai mạ con đi xe tay, một loại xe hai bánh có người kéo. Cái xe tay này cũng đã đi vào văn học sử với truyện ngắn Ngựa người và người ngựa của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đặc biệt hơn, cái xe tay này được Nguyễn Ái Quốc vẽ minh họa cho bài viết tố cáo thực dân Pháp thời chúng đô hộ nước ta.
Và ngày mười sáu tháng giêng năm Ất Hợi thì tôi chào đời. Theo Lịch Vạn Niên thì ứng với thứ 2 ngày 18 tháng 2 năm 1935. Bây giờ lý lịch và các loại giấy tờ đều ghi ngày sinh của tôi là ngày 16 tháng 1 năm 1935. Ghi như vậy là không đúng với thực tế. Nhưng mà thôi, gần tám mươi năm qua, tôi đã mang ngày sinh như thế thì cứ để thế. Có gì tuyệt đối đâu. Tôi nghĩ rằng nhiều, rất nhiều người cũng có ngày sinh không đúng vì qua hai cuộc chiến tranh, nhiều giấy tờ bị thất lạc. Khi tôi lên năm, đến tuổi đi học, vào lớp Đồng Ấu tương tự lớp Một bây giờ. Tôi được ba tôi dắt đến trường. Trường cũng nằm trong khuôn viên Trại Con gái Mang Cá. Vào lớp những học trò chúng tôi không hề mang sách vở. Khi ngồi vào chỗ ngồi thì trên mặt bàn đã để sẵn đó một cái tráp bằng gỗ mỏng, trong đó có mấy cuốn sách và mấy cuốn vở tập, một cây bút chì, một cây bút mực, một cục gôm (tẩy), một tờ giấy thấm, một cái thước kẻ. Cái gô-đê mực tím đặt lọt xuống lỗ hõm mặt bàn.
Lớp Đồng ấu có ài học đầu tiên là nhận dạng bảng chữ cái, bắt đầu từ chữ a, b, c. Chữ Việt gồm 23 chữ cái phụ âm và 11 chữ nguyên âm. Cùng lúc, học trò phải học luôn bảng alphabet francais gồm 26 chữ cái, so với tiếng Việt thì có thêm 4 chữ là f, j, w, z nhưng không có chữ đ và những chữ oe viết liền nhau, chữ i có hai dấu chấm trên đầu, chữ c có dấu ngoặc dưới đít. Sách giáo khoa thư tiếng Việt chỉ dẫn học hết vần bằng thì sang vần trắc. Vần bằng bắt đầu bằng chữ b, và 11 nguyên âm, đọc bê a ba, bê ă bă, bê â bâ…cho đến bê u bu, bê ư bư rồi sang phụ âm c tiếp theo. Vần trắc bắt đầu bằng chữ a, và 22 phụ âm đọc là a xê ác, ă xê ăc, â xê âc…Còn tập viết thì phải kẻ thước nghiêng 45 độ bằng bút chì và chữ cũng phải tập viết nghiêng. Tập viết nét đầu tiên là nét sổ, cứ theo nét bút chì kẻ trước cách một dòng thì xuống hàng, học trò chấm bút lá tre vào mực rồi vẽ theo. Tập nét sổ như vậy đến hai cuốn vở viết tập mới được tập viết theo chữ. Môn này gọi là écriture. Thầy dạy hết sức tận tình, đi từng bàn nắn bàn tay cho từng học trò khi tập viết. Vì thế nên những ai đã đi học thời đó đều có nét chữ hao hao giống nhau và nói chung là chữ rất đẹp. Nhờ khổ luyện tập viết mà sau này tôi đã nhận viết giấy khen, bằng khen cho các cơ quan, viết bằng bút rông (rond) những chữ lớn, bút sắt loại chữ thường.
Chương trình học lúc đó chia theo thời khóa biểu: Ngày học hai buổi sáng và chiều. Giữa giờ ra chơi 15 phút. Ngày thứ 5 chỉ học môn thủ công, ngày thứ 7 học buổi sáng, chiều nghỉ. Tôi còn nhớ như in cái trường nhà binh mà tôi bước đầu vào học. Trường có ba lớp, mỗi lớp khoảng ba mươi học trò. Lớp Đồng ấu (Enfantin), lớp Dự bị (Préparatoire), lớp Sơ đẳng (É1émentaire). Trên các bức tường của mỗi lớp đều có treo bản đồ Đông Pháp (Carte géographie de l’Indochine francaise), gồm ba nước: Việt Nam, Lào và Cao-mên. Trong cuốn Nouveau Petit LAROUSSE của Pháp xuất bản năm 1951 tại Paris, Đông Pháp chỉ có 5 xứ: Laos (Lào), Cambodge (Cao-mên), Tonkin (Bắc kỳ), Annam (Trung kỳ), Cochinchine (Nam kỳ), không có tên nước Việt Nam. Mặc dù chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 dõng dạc tuyên bố trước thế giới đã được 6 năm? Thực là láo toét! Ba nước này đều bị thực dân Pháp thôn tính và thống trị. Chúng đặt nền đô hộ do một tên toàn quyền người Pháp đứng đầu.
            Ba tháng nghỉ hè (vacance) thì được nghỉ hoàn toàn. Trường tổ chức cho đi nghỉ mát ở Thuận An - một bãi biển rất đẹp của Thừa Thiên - hoặc đi thăm các lăng tẩm, đền đài chung quanh thành phố Huế và nhiều nơi khác…Những ngày hè bọn trẻ chúng tôi được cha mẹ cho về thăm quê. Tôi rất ngỡ ngàng trước những cánh đồng lúa chín vàng và ngây thơ hỏi mạ: Cái hột ni là hột chi? Mạ tôi cười mà rằng: Cái hột con ăn hàng ngày đó. Tôi thấy hột gạo nấu cơm nó khác với hột lúa!
           Trại Con gái Mang Cá có nhiều dãy nhà. Mỗi dãy có tới mấy chục căn hộ. Căn hộ hai đầu dãy thì thông nhau, nhìn ra hai phía, dùng bố trí cho cấp bậc đội và đội sếp. Còn từ cai trở xuống thì chỉ ở những căn giữa. Căn hộ ba mạ tôi ở gần sân vận động. Trước mặt nhà về phía tây là nhà của ông đội sếp Nguyễn Văn Hinh. Ông này đặt tên con theo cái giờ nó được sinh ra. Còn tên thật theo giấy khai sinh thì khác. Thằng đầu cùng tuổi với tôi tên là À dix heures, tức Mười giờ. Bọn học trò chúng tôi thường chọc ghẹo nó, gọi nó là Thằng đít giơ theo tiếng Việt là thằng đít dơ (nhớp). Thằng em nó được đặt tên là À onze heures dix minutes, tức Mười một giờ mười phút. Chúng tôi lại gọi tên nó bằng tiếng Việt: thằng ông giơ đít mi nút. Ông Nguyễn Văn Hinh, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ lãnh đạo phe chống Ngô Đình Diệm và bị Diệm tiêu diệt nặng nề.
          Trong Trại này có một cái biệt thự riêng biệt, được đặt sau ngôi đền, từ ngoài cổng vào. Cụ quản Vương Đình Khoan (adjudant chef) ở cả gia đình từ Nghệ An vào. Thỉnh thoảng thấy cụ xuất hiện, đi xuống các dãy nhà, trong tay cụ lúc nào cũng có cây roi cặc bò. Lính tráng gặp cụ thì phải giơ tay chào kiểu nhà binh. Còn lũ trẻ chúng tôi gặp cụ thì phải đứng lại, vòng tay ra trước ngực “bẩm cụ”. Năm 1944, Cụ quản Khoan mãn hạn lính. Người thay thế là cụ quản Trang vào ở ngôi biệt thự đó.
          Cách cổng Trại Con gái chưa đầy ba trăm mét, phía tay phải là cổng đồn Mang Cá. Ngoài cổng có một dãy nhà của ông cai Thuyết cho thuê, kiểu như nhà trọ bây giờ. Nghe nói ông cai Thuyết khởi nghiệp chỉ có trong tay 5 xu tiền Đông Dương lúc bấy giờ. Thế mà 10 năm sau ông đã trở nên giàu sụ, có của ăn của để. Vào khỏi cổng phía tay phải có cái bót gác, vào bên trong chừng mươi mét có một tiệm cắt tóc. Tiệm cắt tóc có ba chiếc ghế cho khách ngồi. Trên trần nhà có ba cái quạt kéo bằng vải, giống như cái quạt giê lúa của nông dân. Khi có khách cắt tóc thì có một chú nhỏ khoảng trên 10 tuổi kéo dây cho quạt đung đưa qua lại trên chỗ khách ngồi cho mát.
          Vào một đoạn nữa là kho gạo. Cứ đến đầu tháng mạ tôi đem “bông”- một loại tem phiếu phát cho vợ lính - để lĩnh gạo mang về. Tiền mua gạo này được Trésorier (kho bạc) chiết trừ vào tiền lương hàng tháng của ba tôi. Đối diện với kho gạo là một cái nhà bàn rất to, (tức là nhà ăn tập thể), đủ chỗ ngồi cho cả một tiểu đoàn lúc tới giờ ăn.
          Muốn đi vào trong thành phải đi qua một cái cầu xi-măng hình bán nguyệt, bắc qua hào rồi đi qua cái cổng thành có cánh cửa gỗ to đùng ngày mở đêm đóng, có lính canh thường trực. Đây là cổng thành được gọi là Cửa Đông Bắc Kẻ Trài. Phía trong thành là nơi đóng quân của binh lính và sĩ quan. Có phòng làm việc, nơi ở, có câu lạc bộ, sân vận động bóng đá, sân bóng chuyền, bãi tập quân sự (thao trường). Đặc biệt có kermesse (theo nghĩa là chợ phiên), nhưng thực tế chỉ là cái cantine bán tạp hóa và thực phẩm cho binh lính. Mạ tôi thường hay được các chú lính mua giúp bia, nước ngọt và các thứ thực phẩm về dùng.
          Những ngày lễ lớn như Quốc khánh Pháp (14 tháng 7), Noel, Tết Tây (nouvel an), Tết Nguyên đán, Bộ Chỉ huy thường tổ chức ngày hội gồm nhiều trò chơi như leo cột mỡ, thi nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập om (một loại nồi đất) và nhiều trò chơi khác. Có lần tôi đập trúng cái om đựng đầy nước. nước bắn tung tóe, ướt hết mặt mũi quần áo. Vợ con binh lính được vào vui chơi trong thời gian mở hội.
          Kết thúc niên khóa 1943-1944, trường chúng tôi tổ chức cho học trò lớp sơ đẳng đi thi Sơ học yếu lược. Học trò phải có cái certifica d’identité (thẻ căn cước). Mạ tôi dẫn tôi lên hiệu ảnh gần chợ Đông Ba. Tôi được mặc áo lương đen và đội khăn đóng (khăn xếp) chụp hình để dán vào hồ sơ và sau này tôi thấy trong tấm bằng Yếu lược của tôi cũng dán bức hình này. Địa điểm thi là tại thị trấn Bao Vinh, huyện lỵ huyện Hương Trà. Từ sáng sớm, một chiếc xe nhà binh của đồn Mang Cá tới rước học trò đi thi. Cha mẹ học trò thì hoặc là đi bộ (từ Mang Cá xuống Bao Vinh cũng không xa lắm) hoặc là đi xe tay xuống nơi thi để động viên con em mình. Lớp chúng tôi được phân ra thi ở nhiều phòng thi khác nhau. Tôi để ý thấy trong phòng thi của tôi có cả những ông có râu và tuổi cũng cao như ba tôi. Sau này tôi mới được biết các ông này đi thi để lấy cái bằng Sơ học Yếu lược thì sẽ có nhiều quyền lợi như được triều đình ban phẩm trật, thường là cửu phẩm văn giai. Khi ra việc làng được ngồi chiếu trên, khi chia ruộng công thì được chia loại nhất hoặc nhị đẳng điền, khỏi đi phu phen phục dịch, không phải làm thằng mõ.
              Phía ngoài phòng thi có mấy ông cảnh sát (police) mặc quần áo màu vàng, cầm roi cặc bò đi lui đi tới. Sau phần thi buổi sáng gồm 2 môn ám tả và toán. Buổi chiều thi phần tiếng Pháp, có thi viết một đoạn văn ngắn (dictée francaise) và thi oral (vấn đáp). Tôi làm bài thi khá nhanh. Khi đang học ở trường, tôi thường được xếp hạng nhất nhì của lớp. Hàng tháng trên bảng Danh dự (tableau d’honneur) của lớp tên tôi luôn được xếp đầu tiên. Nộp bài thi xong thì được phép ra khỏi phòng thi để gặp thầy giáo và cha mẹ, nhưng không được làm ồn và đi lại lộn xộn. Cuộc thi kết thúc chúng tôi lại lên xe nhà binh trở lại Mang Cá. Khoảng hai tháng sau thì có kết quả. Tôi được xếp thứ 11 trong tổng số thí sinh dự thí. Bằng được gửi theo đường dây thép (bưu điện) về quê nội làng Đại Hào, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông nội tôi cho mổ bò khao làng. Thế mới biết việc khuyến học thời đó mới quý làm sao.
Chiến tranh
Năm 1944, đang trong Thế chiến thứ II nên việc đi lại bằng đường bộ hết sức nguy hiểm do Đồng minh thường xuyên ném bom hủy hoại đường giao thông. Ba mạ tôi rời khỏi Huế từ đầu năm 1944 vì ba tôi mãn hạn lính. Tôi ở lại, ở nhờ nhà bà sếp Thông chờ thi Yếu lược nên về sau. Đây là lần đầu tiên tôi được đi đò dọc từ Huế ra Quảng Trị. Khi chờ xuống đò ở Bao Vinh. Bao Vinh là một bến thuyền sầm uất. Tôi đứng nhìn các chiếc ghe bầu từ xứ Quảng ra buôn bán các loại hàng hóa, trong đó đường Quảng Nghĩa nổi tiếng. Họ có lối đếm rất độc đáo. “Một đôi, hai đắng, ba thìn, chín chăn, chẵn chục”. Thế là đủ một chục cái bánh đường.
Năm 1944, Mạ tôi, là thân mẫu và thân phụ của tác giả bút ký lịch sử này, cha tôi mãn hạn lính được về ở cùng cha mẹ vợ bức nương sát đường, cận kề mảnh đất cằn cỗi Khúc Mưng. Đất Khúc Mưng quanh năm không trồng tỉa cấy hái gì. Bức nương Mạ tôi mua rộng 6 sào với giá 2 vạn đồng Tài chính Trung Bộ. Người ký trên tờ giấy bạc lúc đó là ông Trần Văn Tấn, giám đốc Sở Tài chính Trung Bộ, chồng bà Công tằng Tôn nữ Lan Huê - thuộc dòng tôn thất triều đình Huế. Sau năm 1954 tác giả có gặp hai vợ chồng ông Tấn và bà Lan Huê ở Hà Nội
Năm 1948 là năm kinh hoàng nhất của gia đình chúng tôi.Trong Văn ai khóc mẹ tôi có viết:
… Có ngờ đâu
Độc lập chưa được bao ngày
Giặc Pháp mưu đồ gây hấn…
Đất nước muôn người như một, đứng lên kháng chiến trường kỳ
Trị Thiên một khối trường thành, lao vào mịt mù khói lửa
Ba ra đi theo bước trung đoàn
Mẹ ở nhà tảo tần lam lũ
…Xót thay!
Năm (19)48 bao nỗi kinh hoàng
Tháng 11 dập dồn tin dữ
Ông Nội bị Tây bắn thả xác xuống ao
Chú Tịch hy sinh gần làng Da Độ
Còn Ba, trung đoàn báo tử
Xuân Lộc em con thiếu thuốc đói cơm
Giã từ dương thế lúc tuổi còn nhỏ
Năm này Mẹ đẻ song sinh
Tháng ấy vào tuần ở cữ
Nguyễn Vô Danh “tử tại phúc trung”*…
______________
*Tử tại phúc trung là chết từ trong bụng mẹ.




                                                          ***

Thời 9 năm.

               Quảng Trị quê tôi là xứ “Ô Châu ác địa”. Quảng Trị nằm trên ngả ba của hai trục giao thông trọng yếu. Đường xuyên Việt bắc nam và đường xuyên Á đông tây. Đây là miền đất giao lưu và hội ngộ của những nền văn hóa lớn, có di chỉ đồ đá cũ, đồ đá giữa ở vùng suối Palu (cầu Đakrông), Hang Dơi (Cam Lộ). Có trống đồng với niên đạị 2500 năm, có dấu tích của nền văn minh Chămpa, có Dinh Cát - nơi Chúa Nguyễn Hoàng hạ trại đóng đại bản doanh khi mới bước chân đến trấn nhậm đất Thuận Quảng. Cố đô này tồn tại hơn 60 năm. Những đời vua nối tiếp coi là Cựu Dinh, có Tân Sở nơi vua Hàm Nghi dựng cờ Cần vương chống Pháp…Và, làm sao có thể kể hết những đau thương của thế kỷ 20, một thế kỷ oanh liệt hào hùng, một thế kỷ trĩu nặng ân tình của mảnh đất diện tích chưa đầy 4700 kilômet vuông, trong đó rừng núi chiếm gần phân nửa.
        Nói “Thời 9 năm” là để nói về cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, bắt đầu từ cái mốc Nam Bộ kháng chiến - ngày 23 tháng 9 năm 1945 - cho đến khi ký kết Hiệp nghị Genève, ngày 20 tháng 7 năm 1954.
Trong những năm chiến tranh chống Pháp, Mạ tôi đã tham gia kháng chiến tích cực: đi dân công tải lương, tải đạn, phá đường, rào làng chiến đấu, tham gia Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Mẹ  và Chị Chiến sĩ. Mạ tôi đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba. Đây là một vinh dự lớn cho gia đình chúng tôi.
                                                  ***
          
          Quê Mạ Phường Sãi của Mạ tôi được mệnh danh là vùng tiền chiến khu Ba Lòng, cũng có tên gọi là miền duyên sơn, chỉ nằm cách Quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt không đầy 5 cây số. Chỉ cần đi bộ khoảng một giờ đồng hồ thì đến thị xã Quảng Trị. Mặc dù là một miền quê nhưng người dân ở đây tiếp thụ được ánh sáng văn hóa đô thị khá đậm nét. Những đứa học trò sau khi học hết lớp Sơ đẳng (cours élémentaire) trường làng thì học tiếp lên lớp trên phải về học tại thị xã. Thị xã Quảng Trị ngoài trường công còn có một ngôi trường tư thục của ông đốc tờ Phan Văn Hy. Trường mang tên là Kỉnh Chỉ, bút danh của thầy thuốc kiêm nhà thơ Phan Văn Hy.
 Những người nông dân muốn bán nông sản mình làm ra cũng phải gánh gồng về chợ tỉnh để bán. Những vật dụng hàng ngày, những nhu yếu phẩm cho cuộc sống đều phải mua ở chợ thị xã Quảng Trị. Từng đoàn người gồng gánh vật phẩm ra đi từ tờ mờ sáng cho tới gần trưa mới về nhà. Cứ tưởng cuộc sống êm ả trôi qua tháng ngày của vùng quê thanh bình. Nhưng than ôi! Bọn giặc Pháp đang quay trở lại. Không thể làm kiếp người nô lệ lần thứ hai!
Gia đình ba mạ tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi rời Huế về Quảng Trị. Lương hưu của Ba tôi bị cắt từ hôm Nhật đảo chính Pháp. Mạ tôi đã xa rời cuộc sống nông thôn trên 10 năm, một nách bốn đứa con dại. Đồng bằng Triệu Phong là một vùng thuần nông. Làng Đại Hào quê nội cũng đói nghèo như nhiều nơi khác trong tỉnh. Ba mạ tôi xin ông mệ nội được đem đàn con về quê ngoại Phường Sãi. Dù sao ở đây vẫn có nhiều đất đai chưa khai thác hết. Rừng rú, khe suối thì sẵn sản vật có thể nuôi sống con người.
           Về quê ngoại vốn liếng của ba mạ tôi chỉ đủ mua bức nương của cậu Diêu Khuê mà thôi. Để làm được cái nhà tranh tre, ba mạ tôi phải tự đi vào Dốc Son cắt tranh về làm mái lợp. Tre thì đã có sẵn xung quanh nương mới mua. Bà con xúm lại giúp đỡ chỉ trong vòng tháng trời nhà đã dựng xong. Tôi lại được cắp sách tới trường. Trường công chưa có thì học trường tư tại thôn Thượng Phước. Tôi vào học lớp nhì nhất niên (cours moyen un) do thầy Trần Đình Khác dạy. Tôi còn nhớ có một lần điểm danh, khi thầy gọi đến tên Nguyễn Xuân Bảo thì tôi đã quen lối xưng hô thời trước, buột miệng trả lời “présent” làm cho cả lớp cười ồ lên. Tôi lại quen miệng nói “Pardon! Pardon!” Cả lớp lại ồn lên. Thầy Khác lấy thước kẻ đập xuống mặt bàn và nói “Silence!” tức là im lặng.  
          Để kiếm sống ba tôi phải vào rú (độộng) đốn củi gánh về chợ tỉnh Quảng Trị bán. Hình ảnh người cha còng lưng gánh gánh củi sim (củi chặt ra từ những cây sim có độ dài không tới một mét, được bó lại bằng những sợi dây chìu và dùng đòn xóc nhọn hai đầu xỏ xuyên qua lưng chừng bó củi), gánh bộ từ Phường Sãi đến chợ tỉnh dài hơn 5 cây số còn đọng mãi trong tâm trí tôi. Đâu rồi những ngày tháng sống trong sự sung túc ở Huế? Đâu rồi một bước đi chỉ có lên xe xuống ngựa?! Mạ tôi bắt đầu trở lại với công việc ruộng nương. Bức nương của ba mạ tôi có các loại cây lưu niên như mít, bồ quân, dâu gia, chè, chanh, cam, quýt, bưởi, thơm. Những thứ trái cây này khi vào mùa thu hoạch mạ tôi hái đem về chợ tỉnh bán. Phía góc nương gần Khúc Mưng có một cây dầu lai cổ thụ, năm nào cũng ra rất nhiều trái. Trái cây dầu lai này khi chín thì bóc tách bỏ lớp vỏ ngoài, lấy hạt (nhân) dùng để làm món muối trộn thay muối mè (vừng) hay muối đậu phụng (lạc) ăn với cơm hàng ngày. Chung quanh ba phía là lũy tre. Giữa nương có chừng hơn hai sào đất trống, Mạ tôi đã xuống giống trống khoai lang, môn và sắn. Gần nhà thì dựng mấy cây tre làm giàn trồng bầu, bí, mướp theo mùa nào thức ấy.
Tối đến Mạ tôi đi soi cá. Đuốc đốt lên không cháy thành lửa ngọn mà chỉ đỏ lửa than. Những bầy tép đi thành đàn cặp mép sông, bơi ngược dòng. Nước chảy xuôi nhưng tôm tép thì bơi ngược. Ngồi sáng đêm mạ tôi xúc được bộn tép, có khi được cả thúng. Ngoài số tép dùng cho các bữa ăn, số còn lại mạ tôi muối làm mắm để ăn dần. Dì Mão đã bắc sẵn lên bếp một nồi cháo gạo ít khoai nhiều. Dì xuống bến đến chỗ mạ đang xúc tép và lấy một mớ tép. Dì vợt những con tép đang nhảy tưng tưng trên mặt thúng cho vào thúng nhỏ đem lên, chỉ dội lại một lần nước và cho vào nồi cháo, chỉ cần nêm thêm vài muỗng muối là có món cháo rất ngọt ngon. Tôi múc một đọi to mang xuống bến cho mạ. Nhìn mạ sùm sụp trong chiếc áo tơi rách với cái nón mê trên đầu mải mê vợt tép để nuôi đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn, trong khi ba tôi còn đi chiến đấu bảo vệ quê hương. Tôi thấy thương mạ vô ngần!
Trừ những khi có lụt, còn lại là những đêm trời trong, mạ thường đi soi cá. Soi cá cũng dùng đuốc bằng cây sậy hoặc cây hóp chẻ nhỏ, phơi khô bó thành từng bó bằng cái cột nhà tre, dài chừng 2 mét. Tối đến đuốc được đốt ở bến nước, rồi lội xuống mép sông, một tay giữ cây đuốc trên vai, một tay cầm cái nơm, khi thấy cá đóng đèn, tức là đóng ánh sáng đuốc. Chúng đứng im một chỗ thì dùng nơm úp lên con cá, bó đuốc tạm thời bỏ lên bờ, thò tay vào nơm bắt cá, thường là loại cá chép, cá trôi, cá mè…có con nặng cả ký lô. Khi không dùng nơm thì dùng dao thái chuối, thấy cá đóng đèn thì lấy dao chém. Có con bị chém dứt làm đôi. Đi soi cá thường đi vào đầu hôm, cháy hết hai cây đuốc thì về nhà. Số cá thu được cũng kha khá, chừng vài ba ký, đủ dùng cho vài ngày.
Mạ tôi cũng đi gặt thuê, có hôm gặt xa tận đồng La Nghìn. Mặt trời lên chừng hai con sào thì người thợ gặt mới chọn những bông lúa mẩy hạt rải phơi lên giường ruộng (bờ thửa) để chiều về cuống rơm héo đi, khi bó sẽ được nhiều lúa. Bó lúa nhờ ông Đấu bó quá nặng so với sức vóc của một thiếu phụ nên đi được một đoạn, tới dưới dốc Cơn Thang thì Mạ tôi bỏ bó lúa xuống chia ra làm hai rồi dùng đòn xóc quảy về nhà
.
Tôi chép ra đây một đoạn trong Chúc thư của Mạ tôi viết ngày 2 tháng 2 năm 2004, khi Mạ tôi đã 89 tuổi để nói lên tình trạng bi đát của gia đình tôi lúc bấy giờ. Mạ tôi đã viết như sau:

“…Mạ nói cho các con biết: Lúc ông bà ngoại còn sống, ông bà đã cho ba mạ 2 mẫu ruộng, 5 sào đất vườn. Ông nói: Cha mẹ cho hai con chừng đó, đừng có tửu điếm trà đình, lo làm lo ăn. Cho các cháu học hành tới nơi tới chốn. Nay mai ba nó hưu trí về phụ thêm làm ăn, không đại gia chứ cũng tiểu phú, con không lo cực đâu, bổn mạng con tốt lắm!


“Các con ơi, thân má khổ lắm, ông bà ngoại mất rồi, ba đi công tác không thấy về, một mình má ôm đàn con dại biết cậy nhờ ai đây, nghĩ mình như chàng Thúc bó tay… tứ cố vô thân, biết nhờ ai đây? Má như cờ túng nước. Thôi, mai đi tìm việc làm đã. Mới nói thì cậu Diêu (tức ông Nguyễn Văn Xuân) ra nói: O còn nhớ cấy lúa không? – Còn nhớ chứ, cơm ăn bữa mà không nhớ sao được. – Mai vô sớm nghe! Má hỏi: Cấy ở đâu anh? Anh nói: Phúc Trèn. Các con ơi! Má gánh một gánh mạ, chân không có dép, bước lên sỏi đá chông gai. Lên tới đồng ruộng, má bước chân xuống bùn lầy, giá lạnh. Phúc Trèn hiu hắt đưa vào lòng má quá chua cay. Nước mắt, nước mưa trộn một, má tính bỏ ra về. Mà một mặt thì sợ cọp, một mặt sợ tối về không có chi cho các con ăn nên má cố làm cho tối ngày. Lúc về tới nhà thì đàn con đứa ngủ, đứa đang khóc, đứa thì trông mẹ về…”

Bản Di chúc này tôi đã cho đánh máy vi tính và in ra nhiều bản phân phát cho các em mỗi người giữ một bản vừa để làm tài liệu lưu trữ vừa để làm kỷ niệm.

Mạ tôi trở thành góa phụ lúc 32 tuổi đầu!

Tin đau đớn đối với mấy mẹ con tôi là khoảng tháng 11 năm 1948, có tin báo Ba tôi đã chết. Còn chết như thế nào thì không được nói rõ. Trong khi đó Mạ tôi chuẩn bị sinh đôi. Nguyễn Thị Kim Cúc và Nguyễn Vô Danh (chết trong bụng mẹ). Như vậy Kim Cúc khi sinh ra không được nhìn thấy mặt cha! Có đau buồn nào hơn đau buồn này chăng?
Như thế, Mạ tôi trở thành góa phụ khi tuổi đời mới trên ba mươi. Còn chúng tôi trở thành những đứa trẻ bồ côi cha!  Một mình Mạ tôi lam lũ làm thuê làm mướn nuôi 5 anh em chúng tôi. Cuộc sống vô cùng chật vật khó khăn. Còn đâu những ngày tháng sống trong nhung lụa ở đất Thần kinh Huế!
Sinh thời, trong những năm kháng chiến chống Pháp, không bao giờ Mạ tôi khóc vì thương nhớ Ba tôi trước mặt các con. Chỉ khi đêm về, Mạ tôi ngồi lặng lẽ khóc thầm bên bếp lửa. Lúc này tôi đã 13 tuổi, đã biết suy nghĩ về vai trò người con lớn trong gia đình. Tôi muốn giúp Mạ tôi một công việc gì đó để đỡ vất vả vật lộn với cuộc sống hàng ngày. Tôi xin Mạ tôi đi ở đợ! Câu ca:

 “Còn cha gót đỏ như son
Mất cha gót mẹ gót con đen sì”.
 Là như vậy đó!   

Đi tìm mộ Cha
Tôi viết cái Bút ký này là theo ước nguyện của Mạ tôi lúc sinh thời. Mạ tôi luôn đau đáu với niềm tin là trước sau cũng tìm thấy mộ phần của Ba tôi. Khi đưa được Ba tôi về quê nhà thì Mạ tôi không ra Quảng Trị kịp vì trắc trở tàu xe để nhìn thấy Ba tôi, dù chỉ là một nắm tro bụi thời gian. Mạ tôi có trách tôi thì tôi xin chịu tội. Theo tục lệ xưa nay vì không được phép để hài cốt Ba tôi ở lại trên trần gian.
Trong đoạn kết của bút ký Đi tìm mộ Cha, tôi đã viết:
Kính thưa hương hồn Mạ!
Như vậy là con đã hoàn thành sứ mệnh Mạ giao cho: Đưa được Ba con về với quê hương bản quán; được sum vầy cùng những người thân quá cố trong Lăng gia đình; thỏa mãn được lòng mong đợi tiếc thương người chồng vô cùng kính yêu của Mạ; thỏa lòng chúng con khỏi băn khoăn áy náy bấy lâu nay!
Nhân đây, thay mặt gia đình tôi tỏ lòng biết ơn thầy Nguyễn Bá Khai, người đã giúp chúng tôi tìm ra mộ Ba tôi; cảm ơn chính quyền thôn Minh Cầm; cảm ơn gia đình ông Trần Bá Ban; cảm ơn họ hàng thân bằng quyến thuộc và bè bạn đã đến dự Lễ Tưởng niệm Ba tôi!
Tôi cũng xin thành thật hoan nghênh Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người (UIA) được thành lập và đặt dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Trung ương Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã giúp nhiều nhà ngoại cảm tìm ra mộ liệt sĩ đã ngả xuống vì nước Việt thân yêu!


Bên bờ Phước Long Giang, ngày 22 tháng Giêng, năm Canh Tý, nhằm ngày 15/2/2020.
Nhà thơ Xuân Bảo, con trai  trưởng của Mạ cẩn bút

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét