Trang

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

294. NHỚ VỀ và KHẮC SÂU VÀO TIM- NGÀY 17 THÁNG 2 NĂM 1979



NHỚ VỀ và KHẮC SÂU VÀO TIM- NGÀY 17 THÁNG 2 NĂM 1979

KHÚC BI HÙNG CHỐT MÁU PHA LONG.
Tráng ca
 Tưởng niệm 26 linh hồn người lính trẻ biên cương

                                                                  XUÂN BẢO.

Chương 1.Ngày 17 tháng 2 năm 1979 đen tối.

Pha Long, Pha Long!
Mờ sáng, con chim rừng chưa thức
 gió mùa rít từng cơn lạnh buốt thấu xương.
trạm gác Lô Cô Chín 
Dưới mái lá tranh tre ghép tạm
Chiến sĩ ta chỉ có năm người
Đã rút sang cao điểm
Một sáu Chín Hai.
Chúng nó, hai trung đoàn bộ binh thầm lặng
Chẳng khác những tên khoét vách đục tường
vào nhà láng giềng như những tên ăn trộm.
Chúng bắn  xối xả hòng chiếm lĩnh điểm cao
Chính trị viên Trần Ngọc chỉ huy trận đánh
Lệnh điều quân lên phía bắc tăng cường
Cùng đồng đội Cửa khẩu
Quyết cầm chân địch quanh pháo đài Lê Đình Chinh
Bộ Tư lệnh điều ba đại đội phối thuộc
Chốt máu Pha Long vang lời thề:
Hãy giữ yên từng tấc sông phân núi!

Chương 2. Chúng đã quên đi lời ca nghĩa tình sâu đậm

Pha Long, Pha Long!
Văng vẳng trong hàng quân lời bài hát
“Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông
Chung một biển đông, chung tình hữu nghị
Sáng như vầng đông...”
Chúng đã quên đi cửa i Nam Quan
Được chính họ đổi tên thành Mục
Thế mà giờ đây chúng trơ tráo trở mặt
Xua quân sang suốt sáu tỉnh phía bắc nước ta
Còn đâu tiếng hát
Núi liền núi, sông liền sông ?!


Chương 3.  Bình nhất hà Việt Nam quốc thổ”

Pha Long, Pha Long!
Bia trấn ải còn ghi rõ:
Nguyên Thần bổn mệnh giữ núi non*
Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định
Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng
Tuyệt tuyệt long phụng bảo quốc an
Bình nhất hà Việt Nam quốc thổ”

Đồn Pha Long giữa núi rừng Mường Khương
Bốn ngày đêm giữ chốt
Chúng có đủ hỏa lực
 có pháo tầm xa đến pháo bộ đi cùng
Bốn ngày đêm Pha Long làm nên kỳ tích
Lũ quân hèn bỏ xác tám trăm tên.
Máu chúng loang tanh tưởi cả miền biên ải.


Chương 4.Tổ quốc luôn vỗ về các anh

Pha Long, Pha Long!
Ngả xuống nơi đây Hai mươi sáu người lính trẻ 
Bất khuất hai mươi sáu linh hồn
Tuổi mười tám đôi mươi trắng trong trinh tiết
Ngả xuống để đất nước trường tồn
Còn đó mãi mãi lời thề biên cương
Pha Long, Pha Long! Lời thề son sắt
Chốt máu kiên cường! 
----------------------
*Tạm dịch nghĩa:
“Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non
Núi Nam bốn cõi đã quy định trong sách trời
Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (điều đó).
(Có) rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy Tổ quốc
Đất Việt Nam yên bình nhất là  đây”

Bia Trấn ải với nội dung bi ký trên được dựng, bên cổng đồn Biên phòng Pha Long, do quân và dân tỉnh Lào Cai dựng từ tháng 3 năm 2013 để ghi nhớ chiến công oanh liệt của 9 chiến sĩ  Đồn  Pha Long và 3 đại đội tăng cường phối thuộc đã ngoan cường đánh trả 2 trung đoàn bộ binh của bọn xâm lược, trụ vững trong 4 ngày đêm từ sáng 17 đến 20 tháng 2 năm 1979. Bên địch hơn 800 tên bị tiêu diệt, Bên ta, 26 chiến sĩ hy sinh, tuổi đời còn rất trẻ.                                                                                                                                                         
___________

Những ngày này tôi có một kỷ niệm nhỏ với nhà thơ Nguyễn Duy.

          Thời gian này, nhà thơ Nguyễn Duy đang là Đại diện báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), đóng tại 43 Đồng Khởi, quận I, thành phố Hồ Chí Minh. Nghe tin Tàu xua 60 vạn quân sang xâm lược 6 tỉnh biên giới phía bác nước ta, Anh xin phép được xông ra mặt trận với tinh thần “Quyết chiến” của anh lính Bộ đội Cụ Hồ. Anh đến chiến tuyến Lạng Sơn. Anh gặp nhà báo cộng sản Nhật Tanako. Tanako đã bị những viên đạn bất nhân của bè lũ bành trướng bắn trúng và hy sinh ngay tại mặt trận. Kết thúc chiến dịch, Nguyễn Duy có thu được chiến lợi phẩm là cái túi đựng nước uống của bọn Tàu.
          Khoảng tháng 6 năm 1979, theo gợi ý của tôi, nhà văn Lý Văn Sâm đồng ý cho tôi đứng ra mời các anh: nhà văn Nguyễn Khải, nhà thơ Hoài Vũ và nhà thơ Nguyễn Duy lên Biên Hòa chơi và gặp gỡ anh Hai Lý, anh Chín Thức – đang được Tỉnh ủy Đồng Nai cho phép thành lập Ban Vận động thành lập hội Văn Nghệ. Mọi việc tiếp đón do tôi lo liệu.
Nguyễn Duy tự lái chiếc xe con cũ kỹ, nhãn hiệu Renaul Pháp do ta thu được trong chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng 30 tháng Tư. Sau cuộc gặp gỡ với các anh ở Đồng Nai, chúng tôi gồm có Nguyễn Khải, Hoài Vũ, Nguyễn Duy và tôi đi thăm thú vài nơi ở Biên Hòa, trong đó có Cơ sở sản xuất đồ gỗ Đoàn kết do anh Vũ Thông Thường làm chủ cơ sở. Đoạn văn này tôi đã viết trong Hồi ức Những ngày đầu thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai.
Trên xe, nhà thơ Nguyễn Duy khoe cái túi chiến lợi phẩm, được đựng đầy rượu. Rượu do anh tự nấu lấy (lúc này gia đình anh cùng một số văn nghệ sĩ khác như Trần Mạnh Hảo…được bố trí ở Cư xá 190 Nam kỳ khởi nghĩa), rượu không phải chỉ để uống với bạn bè mà chủ yếu là bỏ mối cho các tiệm nhậu. Sau này, khi nhà thơ dời về 264 M Lê Văn Sỹ, Duy còn làm thêm cái nghề mà dân nhậu ai cũng thích. Đó là món tiết canh vịt. Tiết canh vịt Nguyễn Duy thì ngon hết ý!
Gia đình tôi, ngoài việc chăn nuôi heo theo hợp đồng với công ty Thực phẩm cũng tổ chức sản xuất tự túc để bù đắp vào đồng lương ít ỏi. Tôi và Nguyễn Đình Hoàng, giám đốc xí nghiệp Mạch nha Biên Hòa, tổ chức nấu kẹo mè xửng. Hoàng cho gọi 2 cậu người Huế, quê vợ, có tay nghề nấu kẹo vào làm. Kẹo sản xuất ra cũng bỏ mối cho các cửa hàng tạp hóa. Đặc biệt, có nữ nhà văn Hồng Duệ, nhà ở tận Thủ Đức cũng ngày ngày đạp xe đạp lên nhà tôi để lấy kẹo về bán kiếm lời!
Tôi nghĩ lại thấy quá ư tội nghiệp cho lớp nhà thơ, nhà văn chúng tôi thời đó, lương không đủ sống, phải làm thêm những nghề không phải thiên chức của văn nghệ sĩ!!!
Bên bờ Phước Long Giang, ngày chính thức khởi đầu cuộc chiến tranh biên giới với Tàu cọng cách đây 41 năm – ngày 17 tháng 2 năm 1979. Một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, kéo theo những tên Khmer Đỏ, vốn được dân ta cưu mang trong thời gian khổ nhất  của lịch sử đất nước Đế Thiên, Đế Thích. Cuộc chiến này hiện nay vẫn tiếp diễn bởi chúng ngang nhiên lấn chiếm Biển Đông?
Ôi thôi rồi! Ta lại nghe câu hát lời 2 của Nguyễn Duy:
Máu thì máu, chơi thì chơi, không thì thôi dứt tình hữu nghị!”

Nhà thơ Xuân Bảo































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét