Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

292. NHỮNG NGÀY ĐẦU HỘI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI (Tiếp)

Tiến tới Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai
(22-12-1979 – 22-12-2019)
NHỮNG NGÀY ĐẦU HỘI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI
(Tiếp theo và hết)
Sau khi thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai chừng hơn năm thì đât nước ta có 2 sự kiện lớn:

Đó là Phạm Tuân bay vào vũ trụ và Đặng Thái Sơn đọat giải nhất về cuộc thi quốc tế piano lần thứ 10 mang tên nhạc sĩ thiên tài của nhân loại Chopin.
Phấn khởi trước những sự kiện này tôi đã làm bài thơ có nhan đề là Cảm tác và đựơc đăng trên nhiều báo và tạp chí trong và ngoài tỉnh.
Đây là bài thơ đã ra đời cách đây 31 năm. Xin ghi lại để hầu bạn đọc. Và cũng để nhớ lại môt chặng đường hào hùng của Văn Nghệ Đồng Nai.
Cảm tác
Thêm những đỉnh cao, biết mấy tự hào
Đảng chắp cánh ta bay vào vũ trụ
Dù tấm áo chưa sang, bữa cơm chưa đủ
Vẫn trọn tình người trong khúc nhạc Sô-panh.

MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN LÝ VĂN SÂM.

Năm 1999 – năm cuối của Thế kỷ XX và cũng là năm cuối Thiên niên kỷ I. Đồng thời là năm kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai, (22/12/1979 – 22/12/1999). Nhà văn Hoàng Văn Bổn, Chủ tịch Hội cho mời tôi và Nguyễn Duy Thinh tới Văn phòng. Anh Chín Bổn nói: “Hai ông là những người đầu tiên có mặt trong những ngày đầu thành lập Hội. Hãy viết những kỷ niệm về ngày Hội chúng ta mới ra đời.”
Tôi và Duy Thinh nhận lời viết cái hồi ức nho nhỏ này. Và giờ đây Duy Thinh đã đi xa. Tôi cho vào sách này toàn văn bài viết CHUYỆN NHỎ NHỮNG NGÀY ĐẦU LÀM BÁO VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI. Đây cũng là nén hương tôi thắp lên để tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Duy Thinh – người đã gắn bó với Hội nhiều năm – và là người bạn chí cốt của tôi. Viết nhân ngày giỗ của nhà văn Nguyễn Duy Thinh.
(In lại nguyên văn toàn bài đã đăng trên Tạp chí Sông Phố số 55, số Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội 1979 – 1999.)
***
Mới đó, mà hai chục năm đã đi qua. Những thành quả đã gặt hái bây giờ, làm chúng tôi bồi hồi nhớ lại những trăn trở quên mình “điếc không sợ súng” ngày đó.
NHỮNG BÀI BÁO ĐẦU TIÊN KHÔNG IN TRÊN BÁO.
Chiều tối, trước khi về Sài Gòn, anh Lý Văn Sâm còn ngoắc tôi lại bảo: “Cậu và Xuân Bảo ráng làm xong cái đó đi nhé”. Được anh Hai Lý cưng, tôi giỡn: “Cái đó là cái gì, thưa anh?”. “Là cái đó đó”. Anh Hai Lý cũng nói vui lại.
Thưa bạn đọc, “cái đó” mà nhà văn Lý Văn Sâm căn dặn chúng tôi là chuẩn bị toàn bộ các văn kiện cho việc thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai. Hai ngày sau, anh Lý Văn Sâm lại nhắc: “Nè, không có đứa nào giúp việc cho các cậu đâu. Làm cho ngon nghe!” Xuân Bảo tính ưa vui, bỗ bã quyết liệt: “Tự chúng tôi biết cách giúp việc cho chúng tôi! Thưa anh Hai”.
Trong thời kỳ Ban Vận động, trụ sở của Hội đang ở nhờ nhà số 1 Võ Thị Sáu. Nhưng ít khi anh Hai Lý, anh Chín Thức (Huỳnh Công Thức) và anh Tô Văn Của đến. Chỉ có một mình cô Đào Minh giữ “gôn”! Xe cộ không, thiết bị văn phòng không. Chỗ chúng tôi giúp việc lẫn nhau là ngay phòng khách tư gia của Xuân Bảo. Một cái bàn sắt lớn và một bộ sa-lông nan. Cũng may mà mặt bàn khá rộng tha hồ cho chúng tôi trải bản thảo. Có một cái ghế mềm xoay 360o giống như ghế của bác phó cạo, thì Xuân Bảo và tôi thay nhau ngồi “cạo giấy”.Còn cái máy chữ thì vui hết nói, mổ xuống một ngón thì nhảy lên dính chùm đến ba chữ. Vui nhất là kẹt chữ T. Tôi bàn với Xuân Bảo lấy chữ L thay chữ T, trông cũng khá giống. Xuân Bảo phì cười: “Cái thằng kỹ sư địa chất, nhà văn cấp phường này, vậy khi đánh tới…”Chúng tôi ôm nhau cười.
CHÚNG TÔI ĐI THỰC TẾ VỚI NHỮNG NGƯỜI LÁI MÁY BAY.
Khi Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai đã ra báo đến số thứ tư, nhà văn Lý Văn Sâm bảo chúng tôi: “Chúng ta (Đồng Nai) có may mắn ở gần sân bay. Vừa qua những người lái máy bay của sân bay Biên Hòa đã hỗ trợ tốt cho chiến trường bạn. Các cậu bố trí anh em đi viết về Không quân”.
Chúng tôi lại hứa với anh như lần trước. Tuần lễ sau, đã làm việc xong với anh hùng Nguyễn Văn Bảy, Tư lệnh của binh chủng Phòng không – Không quân. Anh Bảy giới thiệu chúng tôi với chủ nhiệm chính trị sư đoàn Không quân phía Nam. Chúng tôi được xe quân sự của Bộ Tư lệnh về đón tận sân bay Biên Hòa để lên sân bay Tân Sơn Nhất. Ở đây chúng tôi được tiếp đón như những người thân mới đi xa trở về. Chúng tôi từ chối phòng khách và xin được nghỉ cùng cùng với phòng các sĩ quan kỹ thuật.
Ngày đi nghe báo cáo, xuống phân xưởng sửa chữa, lên đài chỉ huy, ra phòng trực chiến. Lúc về phải đi qua dãy nhà sĩ quan dẫn đường (bay). Các chàng sĩ quan có bằng kỹ sư và hàm cấp tá nhưng còn rất trẻ, ưa hài hước. Họ nuôi một chú khỉ rất “ranh ma”. Các chiến sĩ nữ đi qua hãy coi chừng, nó phóng ngay lên vai, gở mũ và tháo dây nơ, kẹp tóc. Còn cánh đàn ông chúng tôi, nó cũng làm vậy và lấy thứ khác. Chúng tôi đi ngang qua và Xuân Bảo lãnh ngay cú “cẩu đầu vân” của chú khỉ. Xuân Bảo chỉ kịp kêu lên ối một tiếng thì “hậu duệ” của Tôn Ngộ Không đã ở trên ngọn cây và khoe cây viết vừa cướp được. Một sĩ quan dẫn đường bay vừa đi tới, huýt gió nghe chói tai và nói: “Thằng trời đánh sống 500 tuổi kia, trả ngay bút cho nhà văn”. Có thể đó lời nói của Đường Tăng, con khỉ ngoan ngoãn leo xuống trả bút cho Xuân Bảo.
Ngày hôm sau chúng tôi được anh Tám Đức (Mai Văn Đức, chỉ huy trưởng Đoàn bay lên thẳng (917) chiến đấu phía nam bố trí cho “bay thực tế” với các chiến sĩ lái. Vào ga-ra máy bay chúng tôi thấy hai người lái đang đẩy chiếc OV10, nhỏ như đồ chơi trẻ con. Chúng tôi nói cho bọn mình bay cái này cũng được. Hiền An Giang vốn yếu đuối nói thêm: “Có lẽ bay cái này an toàn hơn”. Những người lái trả lời chúng tôi là người lính chấp hành theo quân lệnh nên không thể chiều các đồng chí, vả lại cái này không có đủ chỗ ngồi.
Xuân Bảo cười vui: “Không sao. Vậy cho phỏng vấn nhanh. Các cậu có tham gia chiến trường bạn vừa qua không?” Người lái khoát tay nói giọng rất lính: “Suýt chết đấy “các cụ ạ”! Bọn mình chỉ điểm cho pháo cối bắn vào đội hình quân tháo chạy của địch, nhìn thấy cả đạn cối bay qua đầu, nói dại nó mà rớt trúng đầu thì tiêu. Còn lần khác đi thả truyền đơn ở Niết Lương, máy bay tự nhiên mất độ cao. Đành phải hạ cánh bắt buộc. Chúng tôi nhảy ra, tay lăm lăm khẩu K54 vừa tự bảo vệ vừa tìm sự cố kỹ thuật. Hú hồn, hóa ra có một tập truyền đơn kẹt vào cáp lái…Cái thứ này có lẽ cho các cháu ở vườn trẻ rồi!
Trước khi bay, chúng tôi được ăn sáng bếp tiểu táo của người lái: bánh mì patê gan, một quả trứng gà luộc, một ly càphê sữa nóng và mỗi người được trang bị một mũ chống tiếng ồn. Người lái chính bảo chúng tôi, lát nữa các anh sẽ được hưởng cái thú rơi tự do! Hiền An Giang mặt mày xanh lét ôm lấy tôi, bảo: “Cho tao xuống ngay”. Chúng tôi đành phải thả Hiền An Giang xuống giữa cánh đồng Củ Chi để anh ngồi đó. Hai mươi ba phút sau máy bay lại đỗ xuống đón Hiền An Giang.
Sau chuyến bay có một trong đời trên chiếc HU1A của Mỹ, chúng tôi về phòng chỉ huy của Đoàn trưởng Tám Đức. Anh kể cho chúng tôi nghe chuyện tập bay, chuyện anh cùng đồng đội bay cho Dầu khí và chuyện năm 1975 anh bay về thăm cha mẹ ở Cà Mau, quần đảo trên rừng dừa và tràm chim quê mình mà thấy lạ hoắc vì chiến tranh tàn phá!
***
Chúng tôi trở vế báo cáo với anh Lý Văn Sâm là sẽ có bài cho những số sau. Thế còn bây giờ, Tết đến nơi không có cánh bay trong báo như là Tết không có bánh tét.
Và chuyến đi thực tế xuống Hố Nai cũng đầy kỷ niệm. Chúng tôi xuống đó vì nghiệp vụ cần phải viết một điển hình. Giáo xứ Ngọc Đồng tổ chức thu mua heo vượt kế hoạch. Cùng đi có nhà văn Nguyễn Khải và nhà thơ Nguyễn Duy. Cha xứ Ngọc Đồng tiếp chúng tôi như một lão nông tiếp bạn cũ về quê. Ông hút thuốc lào với cái thú ngâm nga của người biết quý cái hương vị dân dã. Nhà thơ Nguyễn Duy cũng bắn điếu cày liên tục với phong cách rất lính. Hôm ấy Cha xứ nói trước đây đọc tiểu thuyết của Nguyễn Khải “Cha và con…” cứ tưởng ông Nguyễn Khải là người có đẳng cấp trong Giáo hội. Sau này nhà văn nói với chúng tôi: “Nói thật với các cậu, mình có thể làm lễ như một cha xứ có nghề”.Thế mới biết nhà văn Nguyễn Khải đã sống như thế nào để viết những trang viết được mọi độc giả ưu ái đến như vậy.
Nhà văn Lý Văn Sâm dặn chúng tôi biên tập kỹ và trao lại bài vở cho anh mang lên duyệt. Cuối thư, nhà văn còn bảo cho anh Chín Thức thuốc nhức đầu. “ảnh sụm rồi” (nguyên văn anh Lý Văn Sâm viết).
Hồi đó Duy Thinh cũng nhận được thư anh Lý Văn Sâm. Anh nhắc chúng tôi bố trí cho anh em đi thực tế và chọn một sồ bài để in chung với anh trong tập Bến Xuân.
Có lần giữa hội nghị anh Lý Văn Sâm cự tôi (Nguyễn Duy Thinh): Tại sao báo lần này không có bài ký nào cả? Tôi thưa không có ai gửi, đặt bài gấp quá họ không viết kịp. Anh bảo: Cậu có cái nào đưa đây. Tôi nói có. Nhưng tôi là biên tập lại biên tập cho chính mình, hơi kỳ. Anh lại la, thì cứ đưa đây, mình chịu trách nhiệm. Tôi đưa anh bài ký “Những tín hiệu từ ven sông Đồng Nai” viết về một nhóm phóng viên Thông tấn xã thường trú ở Đồng Nai. Xong hội nghị, anh trả lại bản thảo với bút phê: Được, đưa Hiền An Giang lên ma-két. Cái măng-sét Xuân Bảo thiết kế vẫn dùng. *
Nhân viết đến anh Lý Văn Sâm, xin Ban biên tập cho tôi viết thêm vài dòng nữa về nhà văn. Năm nay anh đã cao tuổi và còn sống với chúng ta. Trong bức thư nói ở trên kia, cuối thư anh viết: “…mình sẽ nghĩ lại, một kiểng đôi quê cực quá (vừa ở Hội Văn Nghệ Giải phóng, vừa ở Hội Văn Nghệ Đồng Nai). Nay vỏ xe Honda hư rồi…” Hồi đó tôi đã kiếm cho anh vỏ xe để có phương tiện đi lại. Nhưng tôi còn nợ anh, chưa viết xong bài ký anh vượt ngục ở Tân Hiệp – Biên Hòa tháng 12 năm 1956, với tựa đề dự kiến “Cùng vượt ngục với những người anh hùng”.
***
Hai mươi năm đã đi qua, tôi luôn luôn nói với chúng tôi: “Đã đành tre già măng mọc, nhưng măng có mọc thẳng hay không cần phải dựa vào tre già”. Riêng ở Đồng Nai, anh Lý Văn Sâm, anh Hoàng Văn Bổn chính là những cây tre già, “có mảnh áo cũng nhường cho con”, như Nguyễn Duy đã viết.
Thu 1999 XB và DT
Anh Hai Lý phân công Xuân Bảo vẽ cái măng-set báo Văn Nghệ Đồng Nai. Tôi có đoạn Hồi ký “Tôi vẽ măng – set tờ Văn Nghệ Đồng Nai”, đã in vào sách Truyện ngắn và Ký sự 1.
(Biên Hòa, Tháng 12 năm 2014 – Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai 22/12/1979 – 22/12/2014).
TÔI VẼ MĂNG-SET TỜ VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI
Anh Hai Lý phân công Xuân Bảo vẽ cái măng-set báo Văn Nghệ Đồng Nai. (Tôi có đoạn Hồi ký “Tôi vẽ măng – set tờ Văn Nghệ Đồng Nai”, đã in vào sách Truyện ngắn và Ký sự 1).
Ban Chấp hành phân công anh Hai Lý giữ chức chủ tịch, anh Chín Thức giữ chức Phó chủ tịch. Tôi còn nhớ mấy anh chị trong Ban Chấp hành mới gồm có anh Nguyễn Văn Sâm (Tám Sâm), Trưởng ty Văn hóa – Thông tin, anh Phạm Minh, Phó trưởng ty và một số người khác mà giờ đây tôi không nhớ rõ. Trụ sở Văn phòng đặt tại nhà số 1 dường Võ Thị Sáu (tên cũ là đường Công Lý), phường Quyết Thằng, đối diện khách sạn Hòa Bình. Cán bộ, nhân viên văn phòng chỉ có 3 người. Đó là cô Đào Minh, cậu Đào Thanh Chương và cậu Lân lái xe.
Sau Đại hội vài tuần, tôi được anh Chín Thức bảo sang Văn phòng bàn việc ra tờ báo của Hội. Tôi đề nghị 2 anh mời Nguyễn Duy Thinh cùng dự bàn. Trong cuộc họp này còn có anh Tám Sâm và anh Nguyễn Hiệp, cán bộ Ban biên tập tạp chí Văn hóa Đồng Nai. Mở đầu cuộc họp, anh Hai Lý nói rõ mục đích, ý nghĩa của việc xuất bản tờ báo. Báo Văn Nghệ Đồng Nai là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn nghiên cứu lý luận, phê bình, sáng tác của Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai. Tên tờ báo là Văn Nghệ Đồng Nai. Báo đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên huấn Tỉnh , ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Trưởng ban Tuyên huấn lúc này là ông Lê Quang Thành và ông Lê Tư Huyền, tên thật là Từ Đình Phiến là Phó trưởng ban, thường gọi là Tư Huyền. Tổng biên tập là nhà văn Lý Văn Sâm. Báo xuất bản nửa tháng một kỳ mà chúng ta thường gọi là bán nguyệt san. Tôi và Nguyễn DuyThinh được phân công tổ chức bài vở và lo việc in ấn. Trước mắt tôi được giao nhiệm vụ vẽ măng-sét báo. Tôi đã vẽ 3 phác thảo. Sau đó tại cuộc họp của Thuong72tru7c5 Hội để bàn bạc nhất trí thông qua. Làn họp này có thêm 2 họa sĩ là anh Đặng Sĩ Nguyên và anh Thanh Thanh. Một phác thảo của tôi được chọn thông qua và bắt tay vào việc xuấ bản. Nhà in được chọn là Xí nghiệp In của Ty Văn hóa – Thông tin do anh Ba Nhỏ làm giám đốc. Bài vở do tôi và Nguyễn Duy Thinh chọn và biên tập trước. Thường an hem tôi làm việc ngay tại nhà riêng của tôi, số nhà 100/23 Quốc lộ 1, nay là đường Hà Huy Giáp với số nhà 134/1/1.
Bài vở lúc này chủ yếu là những cây bút phần đông là giáo viên của Ty Giáo dục và các trường học trong tỉnh. Lớp người đầu tiên có tác phẩm đăng trên Văn Nghệ Đồng Nai là Nguyễn Sĩ Bá, Hoàng Trung Thủy, Trần Trung Phụng, Bùi Quang Tú, Tiêu Thanh Giang…Bên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có Đỗ Tiến Khải, Nguyễn Sĩ Trung Kỳ. Sư đoàn Không quân có Trần Hồng Thái, bút danh Thiên Hương và một vài người nữa, tôi không nhớ tên. Tôi đặt bài cho Trần Gia Minh, phóng viên báo Đồng Nai và sau đó 2 tác phẩm đầu tay của Trần Gia Minh được chọn đăng là Bạn của đất (Ký chân dung) và Người trở về (Truyện ngắn).
Báo Văn Nghệ Đồng Nai hồi đó in typo. Công nhân xí nghiệp gắp từng con chữ cho vào khuôn, sau đó đúc chữ chì. Bản in thử được dập ra 2 bản . Tôi một bản và Duy Thinh một bản. Chúng tôi sửa lỗi chính tả (morasse) và trình anh Hai Lý duyệt lần cuối, ký bông rồi chuyển lại cho nhà in.
VỀ MỘT BỨC ẢNH ĐỂ NHỚ VỀ ANH HAI LÝ (Lý Văn Sâm)
Người Anh Cả trong làng văn nghệ Đồng Nai.
Tấm ảnh này được chụp trước trụ sở Hội Văn nghệ Đồng Nai vào sáng ngày 22/12/1994. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội (22/12/1979 – 22/12/1994).
Thế mà đã trải qua 21 năm rồi!
Những nhân vật trong tấm ảnh này (Từ trái qua phải)
Người thứ nhất là nhà thơ Xuân Bảo, hiện đã ở tuổi ngoại bát tuần đang sống và viết tại thành phố Biên Hòa. Tác giả cũng vừa hoàn thành cuốn sách “Hành trình thiên lý ký sự 1” và đã cho ra mắt bạn đọc. Thời gian tới sẽ xuất bản Hành trình thiên lý ký sự 2, Truyện ngắn và Ký sự 2, Tôi đi tìm mộ Cha, Nhà thơ Xuân Bảo với Thơ Đường luật (Khảo cứu)
Người thứ 2 là Cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ, nguyên là phó Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai.
Người thứ 3 là Cố nhà văn Hoàng Văn Bổn, nguyên là Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai – Người nối tiếp sự nghiệp chủ tịch hội của anh Hai Lý, trong nhiều khóa tiếp theo.
Người thứ 4 là Cố nhà thơ Xuân Sách
Người thứ 5 là nhà thơ Vũ Xuân Hương, hiện đang sống và viết tại Sài Gòn.
Người thứ 6 là nhà văn – nhà lý luận Bùi Quang Huy, hiện là phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tỉnh Đồng Nai.
Người thứ 7 (Tôi không nhớ rõ)?
Người thứ 8 là Cố nhà văn Lý Văn Sâm, người đã có nhiều công lao xây dựng và phát triển Hội VHNT Đồng Nai, được anh chị em văn nghệ sĩ tôn vinh là người Anh Cả của làng Văn nghệ Đồng Nai, mọi người thường gọi với tên thân mật là anh Hai Lý.
Người thứ 9 là Cố nhà thơ Thu Bồn, người đã nhiều năm gắn bó với anh chị em Văn nghệ sĩ Đồng Nai.
Tôi cho đăng lại tấm ảnh này để nhớ về những người có mặt trong những ngày đầu ở Hội Văn Nghệ Đồng Nai và để kỷ niệm Ngày thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai, ngày 22 tháng 12 năm 1979.
Tôi lại xin mượn hai câu thơ cuối trong bài thơ Hội Văn Nai Đồng ngâm khúc của nhà thơ Tú Thịt Hộp để kết thúc mục này:
...Nay đào đã nát gió đông
Ngàn hoa cứt lợn bên sông bơ sờ.
Chú thích ảnh:
Ảnh 1 Phạm Tuân với Gorbatko bay vào vũ trụ trong chuyến bay đôi.
Anh 2. Đặng Thái Sơn - nghệ sĩ Piano
Ảnh 3. Các nhà văn, nhà thơ trong ngày Kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai
.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 10/11/2019
Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét