NHỮNG
NGÀY ĐẦU HỘI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI
Hồi ức của Nhà thơ Xuân Bảo
(Kỳ I)
…
“Ôi, ngày nào cùng nhau lập Hội
Ước mai rày chỉ lối đào bông …”
TÚ
THỊT HỘP
Tháng 6 năm 1979. Giặc phía Bắc đã tạm yên, Ôi thôi
rồi! Còn đâu “núi liền núi, sông liền sông”! Giặc Tây Nam đã chịu
buông súng. Nước bạn Campuchia thành lập Nhà nước dân chủ.Quân đội
Việt Nam lần lượt rút về nước.Nhân dân ta chịu đựng biết bao gian
khổ, thiếu thốn sau một cuộc trường chinh kéo dài ba chục năm trời
và giờ đây lại thắt lưng buộc bụng để hàn gắn vết thương chiến tranh
trên khắp thân mình Tổ quốc.
Mới
chỉ sau 4 năm hòa bình, thống nhất, bộ mặt đất nước đã có nhiều
thay đổi đáng mừng. Từ thành thị đến nông thôn nhân dân ra sức xây
dựng cuộc sống mới. Đường sắt đã khôi phục xong, nối liền một dải
từ Lạng Sơn cho tới Sài Gòn. Trước những thử thách mới, có một bộ
phận nhỏ ra đi tìm đến miền đất hứa?
Ai may mắn thì được sang tới bờ bên kia. Những số phận hẩm hiu
thì hoặc làm mồi cho biển cả hoặc phải vào nhà đá.
Đây
là lúc mà chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ trên mọi mặt đời sống
xã hội. Trong đó việc tổ chức đội ngũ văn nghệ sĩ có đủ năng lực
và tầm vóc trước đòi hỏi của đất nước được đặt ra khá cấp
bách. Một Hội nhà văn Việt Nam là
không đủ để đảm đương nhiệm vụ. Vì vậy vấn đề được đặt ra là mỗi
tỉnh phải có một Hội Văn học- Nghệ thuật để tập hợp văn nghệ sĩ
lại (bao gồm tất cả các chuyên ngành), cùng nhau đem tài năng, sức
lực, trí tuệ để làm cái chức năng là “người thư ký của xã hội.”
Nhà văn Lý Văn Sâm, Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn Nghệ Đồng Nai
Tôi còn nhớ vào khoảng tháng 6 năm đó, các nhà thơ Hoài Vũ, Trưởng đại diện cơ quan Báo Văn Nghệ phía Nam, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Nguyễn Khải lên nhà tôi chơi. Nguyễn Duy tự lái chiếc xe con, hiệu Renaul cũ kỹ, chắc là được sản xuất từ Đệ nhất Thế chiến? Và có mang theo chiếc túi đựng nước làm bằng vải nhựa, chiến lợi phẩm anh lấy được từ tay bọn lính bành trướng. Chiếc túi đó đựng rượu “cuốc lủi”do anh tự nấu lấy. Vào cái thời khó khăn ấy các văn nghệ sĩ làm thêm nhiều nghề kiếm sống. Nguyễn Duy nấu rượu lậu. Lúc này anh được bố trí ở chung cư 190 Nam kỳ khởi nghĩa tức là đường Công Lý cũ., cùng với một số văn nghệ sĩ khác. Tôi cùng với Nguyễn Đình Hoàng thì nấu kẹo mè xửng và nhà văn nữ Hồng Duệ bỏ mối kẹo mè xửng của bọn tôi làm ra…Hằng ngày chị đạp xe từ Thủ Đức lên Biên Hòa lấy hàng.
Nhà
thơ Nguyễn Duy.
Tôi đưa các anh
đi thăm một vòng quanh Biên Hòa và sau đó thì ghé vào Văn phòng cơ sở
sản xuất gỗ Đoàn Kết ở Hố Nai, do ông Vũ Thông Thường làm chủ. Dọc
đường đi, tôi có đề cập đến việc thành lập Hội Văn Nghệ tại Đồng Nai.
Nhà văn Nguyễn Khải nói rằng Ủy ban Toàn quốc Các Hội Văn học- Nghệ
thuật và Hội Nhà Văn Việt Nam cũng đã tính đến. Các anh nói để về
bàn thêm với các đồng chí Bảo Định Giang, Lý Văn Sâm về việc này.
Nhà thơ
Hoài Vũ
Chừng non tháng sau khi tôi đang ngồi viết bài
ở nhà (Lúc này tôi làm ở báo Đồng Nai-cơ quan Tỉnh đảng bộ Đồng
Nai- phụ trách khối Công Thương) thì được đón tiếp hai anh Lý Văn Sâm
và Huỳnh Công Thức đến chơi.Anh Huỳnh Công Thức thì tôi đã quen biết
từ khi còn công tác ở Thủ đô. Khi đó anh làm việc tại Liên hiệp xã
Tiểu Thủ công nghiệp Hà Nội. Còn nhà văn Lý Văn Sâm tôi chỉ biết anh
qua các tác phẩm văn học chứ chưa bao giờ được diện kiến. Tôi vô cùng
mừng rỡ và xúc động.
Thì ra đây là nhà văn đường rừng với Ti-mô-phây và Kòn-trô ...Mãi sau này tôi mới biết vì sao trên lại đưa anh về Đồng Nai để thành lập Hội Văn Nghệ. Anh Lý Văn Sâm mà anh em văn nghệ sĩ thường gọi một cách thân mật và kính trọng bằng cách xưng hô là anh Hai Lý.Anh sinh ngày 17 tháng 2 năm 1921, nhằm ngày 10 tháng Giêng năm Tân Dậu, tại xóm Ông Linh, làng Tân Nhuận, quận Tân Uyên ( trước thuộc tỉnh Biên Hòa, nay thuộc tỉnh Bình Dương ) trong một gia đình nghèo,dưới nếp nhà tranh cũ kỹ.Nhưng quê nội của nhà văn là ở ấp Bình Ninh, làng Bình Long,tổng Phước Vĩnh hạ,tỉnh Biên Hòa. Nay là xã Binh Long, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Nơi đây đúng là vùng nhân kiệt, đã sản sinh ra cho quê hương những người con tài hoa : thi tướng Huỳnh Văn Nghệ,nhà văn Bình Nguyên Lộc, nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà giáo Hòang Minh Viễn,các nhà hoạt động chính trị Huỳnh Văn Lũy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, Tô Văn Của, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính-Kháng chiến tỉnh Biên Hòa. Tô Văn Của cũng là người đâu tiên cùng với anh Hai Lý đứng ra thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai.
***
Sau
vài tuần trà, anh Chín Thức vào đề ngay.Anh nói rằng Trung ương đã
có chủ trương và Lãnh đạo Tỉnh Đồng Nai cũng nhất trí cho phép
thành lập Ban Vận động, tiến tới thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai.
Hai anh đề nghị tôi giúp một tay. Tôi xăng xái nhận lời.
Hai
anh được Tỉnh ủy bố trí ăn ở tại Nhà khách 71. Riêng anh Hai Lý thì
sáng thứ hai đầu tuần được xe đón từ nhà riêng của anh tại 16 Trương
Quốc Dụng, quận Phú Nhuận,Sài Gòn lên Đồng Nai làm việc và chiều
thứ bảy lại đưa về. Anh Chín thì ăn nghỉ tại Nhà khách. Vì tình
thân thiết đã có từ trước và thương anh tuổi cao, nếu để anh sinh
hoạt bếp ăn tập thể e rằng không bảo đảm sức khỏe .Nên nhớ rằng hồi
đó chúng ta vẫn còn ăn cơm độn mà độn bobo thì rất khó nuốt, nhất
là đối với người già. Tôi bàn với nhà tôi là nên mời anh Chín về ăn
cơm tại nhà mình.Nhà tôi là con nhà tư sản bị cải tạo đưa vào công
tư hợp doanh ngành ăn uống từ những năm 1958, 1959. Đó là Cửa hàng Cơm
Tám Giò Chả Tân Việt 60A Phố
Huế Những năm đó các văn nghệ
sĩ thường hay lui tới thửơng thức món giò lụa Ước Lễ nổi tiếng mà
nhà văn Nguyễn Tuân có lần đã suy tôn trong tùy bút Giò Lụa. Vợ
chồng nhà thơ Vĩnh Mai,nhà thơ Trinh Đường, vợ chồng nhà thơ Nguyễn
Xuân Sanh.,nhạc sĩ Phan Thanh Nam và rất nhiều nhà văn , nhà thơ khác
ở tại nhà tập thể 96 Phố Huế (Khách sạn Lục Quốc cũ bị sung công
từ khi tiếp quản thủ đô và bố trí cho văn nghệ sĩ ở)…thường ăn cơm
tháng ở đây.Trong số đó có nhạc sĩ Nguyễn Bính, Phó trửơng đoàn Văn
công Nam Bộ và nghệ sĩ cải lương Ông Tú Lệ, Bích Thiện. Ông Tú
Lệ vào vai Võ Thị Sáu trong vở cải lương Người con gái Đất Đỏ
của soạn giả Phạm Ngọc Truyền . Tôi có dịp cùng anh Truyền trong chuyến
ra thăm Côn Đảo năm 1977.
Anh Chín Thức là người đồng hương Bà Rịa
với nhạc sĩ Nguyễn Bính. Nhạc sĩ Nguyễn Bính lấy vợ người Hà Nội
và sau giải phóng anh chị về sống tại Biên Hòa. Anh tham gia vào Hội
Văn Nghệ Đồng Nai thời kỳ đầu và cũng đã phổ nhiều bài thơ của tôi.
Từ đó gia đình chúng tôi ngày
ngày được cùng anh Chín Thức vui vầy trong những bữa cơm đạm bạc,
được đàm đạo văn chương và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm bạn bè,
với những ngày tháng hào hùng sống trong lòng trái tim Tổ quốc yêu
dấu. Anh là thân phụ của nhà soạn giả cải lương Huỳnh Minh Nhị,công
tác tại Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.Anh Chín có nhiều vở
cải lương đã được Đoàn Văn công Nam Bộ dàn dựng. Quê anh ở Quận Đất
Đỏ,tỉnh Phước Tuy - nơi đã sản sinh ra cho đất nước người nữ anh hùng
Võ Thị Sáu- Người con gái đã hiên ngang đi ra pháp trường với một
bông hoa cài trên mái tóc. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã tuyên dương :
“…Gương dũng cảm của đồng chí Minh
Khai và của cháu Võ Thị Sáu luôn luôn sáng ngời để cho phụ nữ ta
học tập.”. Tôi còn nhớ vào năm 1959 khi Miền Nam ở vào cái thời
kỳ khốc liệt nhất để rồi sẽ có cái ngày “đồng khởi” thì giữa lòng Hà Nội vở
cải lương Người con gái Đất Đỏ đã làm nức lòng và gây nhiều xúc
động. Hình ảnh cuối cùng trên sân khấu
là người con gái mặc bộ đồ bà ba trắng sừng sững như một
tượng đài. Súng nổ. Tiếng hát. Phía sau lưng là màu cờ đỏ như dòng
máu người tử tù nhuộm đỏ.
Và
cái làng An Nhất của anh Chín có món đặc sản là bánh đa (bánh
tráng). Cạnh đó có làng Hòa Long nổi tiếng rượu ngon, đã thành câu
ca “Rượu Hòa Long ai đong người đó uống”, nhưng đặc biệt nhất là loại
rượu áp-xanh, khi uống phải pha với nước dừa non mới uống nổi. Thỉnh
thoảng gia đình gửi lên cho anh và chúng tôi cũng được dự phần. Quê
hương anh Chín đi vào lịch sử đất nước với bao chiến công huy hoàng: Chiến
khu Minh Đạm, Địa đạo Long Phước, Trận địa Núi Đất…
***
Các anh phân công cho tôi và nhà văn Nguyễn Duy
Thinh (đã quá cố) làm hai việc. Một
là chuẩn bị văn kiện, hai là chuẩn bị hậu cần.Tại nhà riêng của
tôi, (100/23 Quốc lộ 1, khu phố 1, phường
Quyết Thắng, Biên Hòa mà sau này đổi tên lại là đường Hà Huy Giáp),
hằng ngày chúng tôi hội ý, hội
báo và cùng nhau hoạch định những công việc cần làm. Lúc này Ban
Vận động chưa có trụ sở Có lần
nhà văn Nguyễn Duy Thinh nói vui : Đây như là cái Trung tâm Văn bút của
Đồng Nai.
NHỮNG NGÀY ĐẦU HỘI VĂN
NGHỆ ĐỒNG NAI
(tiếp
theo)
Anh
Nguyễn Duy Thinh có trong tay hai bằng đại học, Đại học Mỏ và đại
học Thương nghiệp.Anh có thêm một cái bằng quý giá nữa là tốt
nghiệp Khóa đầu tiên của Trường Viết văn Nguyễn Du . Những truyện
ngắn của anh đã được đăng trên nhiều báo và tạp chí ở Hà Nội trước
ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Và sau này tác phẩm của anh vinh
dự được in chung cùng nhà văn Lý Văn Sâm trong tập sách Bến Xuân. Tác
phẩm đầu tay của Hội Văn Nghệ Đồng Nai khi Hội vừa tròn tuổi thôi
nôi. Lúc bấy giờ anh đang là Trưởng
phòng Tổ chức cán bộ của Ty Thương nghiệp Đồng Nai, nơi người chú
ruột của anh – Anh hùng quân đội Nguyễn Trọng Tâm – làm Trưởng ty.
Nguyễn Duy Thinh có lợi thế là anh có tiêu
chuẩn đi xe con.Và anh cũng tự lái được. Chiếc xe du lịch nhỏ, mang
nhãn hiệu Citroen của Pháp, mui bằng vải bạt cũng là thứ chiến lợi
phẩm ta thu được trong những ngày chiến thắng 30-4 .Chúng tôi vạch kế
hoạch: Văn kiện thì viết tại nhà tôi. Hậu cần thì tôi và anh sẽ đi
đến những cơ quan hữu quan như gạo thì sang anh Ba Kích, giám đốc Công
ty Lương thực tỉnh. Heo thì đến Trại Chăn nuôi heo Phú Sơn. Trại này
của Ông Đặng Văn Cân bỏ lại để di tản. Trưởng trại, sau này mới có
chính danh là giám đốc xí nghiệp chăn nuôi do ông Trần Bửu Hiền làm giám đốc
mà sau này ông thăng tiến đến chức Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai. Giấy thì ra nhà máy COGIDO do anh Lương
Trọng Ngộ - tôi quen biết từ hồi anh làm giám đốc Nhà máy Giấy Việt
Trì - khi tôi làm ở báo Công nghiệp Hóa chất - và anh Phan Long, phó
giám đốc. Chúng tôi xin được ba tạ gạo. Sau khi Đại hội thành lập
xong số gạo còn lại thì đưa về Văn phòng Hội đóng tại số 1 đường
Võ Thị Sáu, giao cho cô Đào Minh. Bốn con heo loại thải, mỗi con trên dưới một tạ. Tôi còn nhớ
một kỷ niệm buồn: Đã là loại thải thì chúng không mắc bệnh này
cũng mắc bệnh khác.Nếu để cho các văn nghệ sĩ và quý khách xơi nhỡ
xảy ra ngộ độc thì nguy to. Khi đã nắm trong tay giấy duyệt rồi, tôi
mua hai bao thuốc lá Samit. loại thuốc lá sang của Thái Lan sản xuất
đang được tiêu thụ tràn lan.Tôi biếu cậu thủ kho và dặn cậu ta chọn
cho những con heo không bệnh. Có thể coi đây là một hành vi hối
lộ?! Sau này tôi được biết, cậu
thủ kho này đã đập què chân mấy con heo đang khỏe mạnh để xuất cho
chúng tôi. Thật là môt tội lỗi đáng thương! Mười ram giấy pơ-luya đủ
cho công việc giấy má. Còn tiền? Tôi không rõ tỉnh cho được bao nhiêu,
nhưng trên tinh thần tự lực cánh sinh thì chúng tôi phải chủ động lo
liệu sao cho được chu toàn. Anh Nguyễn Tám, giám đốc Xí nghiệp Trụ điện
bê-tông cho một cái trụ bê-tông loại 12 mét. Tôi nói đùa với anh rằng
Hội chưa có trụ sở nên không thể đem cái trụ bê-tông đó về làm cột
cờ được. Chúng tôi xin được biến ra thành tiền. Thế là Phòng Tài vụ
ghi vào tài khoản tài sản bán hộ được 300 đồng. Anh Mười , giám đốc
Bột Giặt Net biếu hai tạ bột giặt và chúng tôi giao cho cậu Lân mang
ra Chợ Sặt (Hố Nai) bán. Bán được bao nhiêu chúng tôi mang về nộp đầy
đủ, không thiếu một xu. Nghe đâu Quản lý thị trường có hỏi thăm, nhưng
Lân đã nói thật là quà biếu không thể dùng hết cho mấy con người ở
Hội cho nên họ cũng thông cảm tha cho. Còn cái việc đi xin xe con. Có
một buổi tối, tôi chở anh Hai Lý đến Công an Đồng Nai trên chiếc xe
Vespa standard cũ kỹ mà gia đình tôi vừa bán lứa heo nuôi hợp đồng cho
Công ty Thực phẩm được hơn nghìn đồng. Tất nhiên là chúng tôi đã gọi
điện cho ông Mười Vân, giám đốc công an tỉnh trước đó và ông ta đồng ý
tiếp. Tôi còn nhớ như in: khi tôi và anh Hai Lý được một người mặc
thường phục dẫn vào phòng làm việc của Mười Vân, tôi có cảm giác
như đi vào sào huyệt của tên trùm phát-xít Gơ-ben, thời Đức quốc xã.
Căn phòng mờ mờ tranh tối tranh sáng. Hai con bec-giê nằm chinh ình hai
bên cái bàn làm việc to đùng. Mười Vân đứng dậy bắt tay chúng tôi.
Bàn tay không ấm cũng không đến nỗi lạnh. Anh Hai Lý nêu việc Hội cần
một chiếc xe con để đi lại. Giám đôc Mười Vân vui vẻ chấp nhận và
lấy ra một mảnh giấy gằng bàn tay viết mấy chữ: Hậu cần xuất cho Ban Vận động Hội Văn
nghệ 1 (một) chiếc xe con. Ký tên 10 Vân. Mấy hôm sau cậu Lân mang về
môt chiếc xe du lịch hiệu Volkswagen còn khá tốt.
*
Lại
còn phải lo các món thức uống. Bia và nước ngọt thì chạy sang anh Tám Soái,chủ
nhiệm Công ty Ăn uống.Anh sẵn sàng cung ứng đủ cho nhu cầu đại hội.Chúng tôi xuống
Công ty Thương nghiệp Biên Hòa, gặp anh Ngô Trung Quốc, chủ nhiệm, đặt vấn đề
xin lụa để may cờ phướn và trang trí sân khấu. Anh nói: Cần bao nhiêu cứ cho
người sang lấy. Công ty anh cũng đang kinh doanh thuốc lá cho nên tôi đặt vấn đề
luôn.Tính ra mỗi người hút hết 2 bao trong những ngày đại hội thì số thuốc cần
lên tới 20 tút.Thời đó người ta hút thuốc nhiều lắm chứ không như bây giờ hút
thuốc là có hại cho sức khỏe.
Hậu
cần như thế là tạm ổn. Bây giờ thì yên tâm ngồi lại cùng nhau soạn văn kiện.Anh Hai Lý chỉ đạo. Chương trình nghị
sự có những văn bản sau đây : Tuyên bố lý do ( Xuân Bảo viết, anh Chín Thức đọc),
Diễn văn khai mạc ( Xuân Bảo và Duy Thinh cùng soạn, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết -
ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy
đọc). Lời bế mạc và cảm ơn (Xuân Bảo viết, anh Lý Văn Sâm đọc).Tôi còn
được phân công thảo Giấy mời và trực tiếp đi mời các văn nghê sĩ và các báo,
đài. Tôi đã lên một cái danh sách khách mời khá chỉn chu.
Vào
khoảng tháng 9 hay 10 năm đó có Đoàn nhà văn quân đội sang thăm Campuchia về,
có ghé nhà tôi chơi. Trong đoàn có các nhà văn Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh, Triệu
Bôn và các nhà thơ Thu Bồn, Nguyễn Duy.
Đặc biệt có nữ nhà văn Nguyễn Thị Như Trang.Tôi còn nhớ nữ nhà văn Như Trang có
nói một câu mà tôi cho là chí lý nhất. Chị nói ở bên K cái gì cũng giả, chỉ có
máu của người chiến sĩ quân đội chúng ta là thật mà thôi. Ban ngày thì cầm súng
của phe Pen Xô Van, ban đêm lại là người của Khơ-me đỏ. Vui chuyện nhà thơ Thu
Bồn kể chuyện hai tiểu đội bộ đội phải bố trí canh gác cho Như Trang tắm. Một
tiểu đội ôm súng chỉa ra phía ngoài, tiểu đội còn lại thì chỉa súng vào bên
trong, nơi có cái lùm che tạm làm buồng tắm. Có đúng không đấy hay là ông bịa,
hỡi Con chim Chơ-rao?
Các
cơ quan truyền thông được mời gồm có: Anh chị Vũ Tuất Việt, Phó tổng biên tập báo
Sài Gòn Giải phóng và nhà thơ châm biếm Cung Văn. Chị Tuệ Hà, (vợ anh Tuất Việt),
phóng viên thường trú báo Nhân Dân phía Nam.Tạp chí Văn nghệ Quân đội có nhà
thơ Thu Bồn. Báo Văn Nghệ thì có các nhà thơ Hoài Vũ, Nguyễn Duy, Tịnh Hà (em
ruột nhà thơ Xuân Diệu), Báo Lao Động có mời các anh Xuân Mai, Trưởng đại diện
phía Nam và các nhà văn An Định, Nghiêm Đa Văn là phóng viên. Báo Công nhân giải
phóng, sau đổi thành Báo Người Lao động Sài Gòn thì có các anh Tống Văn Công, tổng
biên tập và anh Nguyễn Duy Vượng, phóng viên. Báo Đại Đoàn kết có các anh Mai
Đình, Lửa Mới. Bên Đài Phát thanh Truyền hình Việt Nam có các anh An Sơn, Nguyễn
Duẩn. Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh có anh Đinh Phong, chị Nguyễn Thị
Tính…Đài Tiếng Nói thành phố có nhà văn Thanh Nha. Thông tấn xã Việt Nam có các
anh Hai Luận, Việt Thảo, Xuân Soạn, Tường
Vi. Báo, đài địa phương thì chỉ mời trong tỉnh Đồng Nai.
Các
văn nghệ sĩ được mời khá đông: nhà thơ Bảo Định Giang, nhà văn Nguyễn Khải, nhà
văn Hạ Mậu Nhai, Anh Đức, nữ nhà văn Hồng Duệ... nhà thơ kiêm nhạc sĩ Diệp Minh
Tuyền. Các nhà thơ Đỗ Trung Quân, Chim
Trắng, Viễn Phương, Trần Mạnh Hảo, Trần Nhật Thu, Trần Nhật Vy…đã về công tác hẳn
ở Sài Gòn. Ở miền bắc có các nhà thơ Thanh Tịnh, Anh Ngọc, Vũ Ngàn Chi tức Phạm
Ngọc Cảnh…và các nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, Triệu Bôn.

Nhà thơ Thu Bồn và nhà thơ Xuân Bảo
Các anh, các chị văn nghệ sĩ và các cơ quan truyền thông đại chúng trên cả hai miền đất nước dù có khó khăn về phương tiện đi lại nhưng đã có mặt đông đủ trong ngày thành lập Hội Văn Nghệ là một niềm vinh dự lớn cho Đồng Nai chúng ta. Thời gian sau này các anh Thu Bồn, Nguyễn Duy, Hoài Vũ, Diệp Minh Tuyền thường xuyên gắn bó với Hội Đồng Nai như người nhà.
Tôi
còn nhớ hồi này Ty Thông Tin Đồng Nai do anh Nguyễn Văn Sâm, thường gọi là Tám
Sâm làm Trưởng ty, nhà nhiếp ảnh Phạm Minh làm phó ty. Các anh có cho xuất bản
tập san Văn hóa- Văn nghệ. Anh Nguyễn
Văn Hiệp được phân công làm biên tập. Anh Hiệp đã đưa vào tập san bút ký “Tiếng hát vẫn còn vang” của tôi. Anh Hai
Lý xem và khen người viết có tay nghề. Chỉ có mấy tiếng khen đó thôi mà như có
ma lực giúp cho tôi cố gắng vươn lên và trưởng thành. Khi viết những dòng này, tôi
bùi ngùi nhớ tới nhà văn Lý Văn Sâm, nhớ từng giọng nói ấm áp, từng ánh mắt, nụ
cười của người anh cả trong làng văn nghệ Đồng Nai.Tâm hồn anh là cả một tấm
lòng rộng mở đối với tất cả anh chị em trong Hội chứ chẳng phải riêng tôi. Có một
lần anh Hai và tôi thả bước đi dạo trên cầu Hóa An, thường gọi là Cầu Mới. Anh
chỉ vào phía hạ lưu không xa mà rằng: nơi đó, cách đây không lâu là Cồn Gáo. Cồn
có ba cây gáo cổ thụ. Đoạn sông đã từng tắm mát cậu học trò Lý Văn Sâm Trường
Tiểu học tỉnh lỵ (tên Tây là Ecole primaire complementaire de BienHoa), bây giờ
là Trường Tiểu học Nguyễn Du. Sau này khi tôi viết tùy bút Sông Xuân có nhắc lại
chi tiết này.
NGÀY ĐẦU HỘI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI
(tiếp theo)
Hội trường được chọn làm nơi tiến hành Đại hội
là Nhà khách Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai. Nơi đây trước kia là câu lạc bộ của
sĩ quan quân đội Hoa Kỳ (Phái đoàn cố vấn quân sự) có tên là Bienhoa Club. Bienhoa Club án ngữ nơi ngã ba Nhà máy Cưa.
Đi vào khoảng 500 mét là Nhà Xanh – nơi ngày 7-7-1959 quân Giải phóng Miền Nam
đã táo bạo đột kích làm sát thương 2 tên cố vấn Mỹ. Bây giờ đã được công nhận
là Di tích lịch sử. Năm sau, ngày 31-10-1960, Pháo binh Miền (U80) tiếp tục dội
bão lửa vào sân bay Biên Hòa thiêu hủy nhiều máy bay và dụng cụ chiến tranh của
Mỹ-ngụy. Bác Hồ đã có thơ mừng:
Uy
danh lừng lẫy khắp năm châu
Đạn cối làm cho Mỹ bể đầu
Thành Đồng trống thắng lay Lầu Trắng
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu.
Ngày
Đại hội được chính thức khai mạc vào ngày 22-12. Tuy nhiên mấy ngày trước, từ
ngày 19-12-1979, các anh trong Ban Vận động đã thay nhau tới Hội trường để chỉ
đạo, đôn đốc công tác chuẩn bị. Ban khánh tiết đã trang hoàng phông màn sân khấu,
cờ xí, bục diễn đàn…Ban nội dung đã hoàn chỉnh các văn bản và phân công, phân
nhiệm rạch ròi từng phần việc. Ban hậu cần đã cũng đã chuẩn bị đâu ra đó.
Khoảng
hơn 8 giờ sáng ngày 22 tháng 12 năm 1979, các vị khách, đoàn khách đã lần lượt tới.
Các anh chị ở Sài Gòn lên khá đông đủ như giấy mời. Đài Truyền hình thành phố Hồ
Chí Minh đi thành 1 tổ, do chị Tính phụ trách. Số khách mời lên đến hơn trăm
người. Thật là điều đáng mừng!
Tôi
còn nhớ hồi đó đất nước ta còn nghèo, vẫn sử dụng nhưng chiếc máy đánh chữ cổ lỗ
sĩ. Cái diễn văn soạn cho chị Sáu Tuyết đọc, tôi viết bằng bút mực. Trong bản
viết tay đó có những từ bổ sung và những chỉ dẫn. Thí dụ: “chỗ này xuống hàng”,
hay là viết đến đoạn cần vỗ tay thì tôi
đã cẩn thận để trong dấu ngoăc đơn (vỗ tay). Cô đánh máy đánh nguyên si các từ này vào văn
bản. Khi chị Sáu đọc lại cũng đọc nguyên si như vậy làm cho cử tọa ngớ người ra
và được một mẻ cười. Tuy nhiên trong không khí trang nghiêm của buổi lễ nên ai
cũng nhịn cười, chỉ cười khúc khích nhỏ nhẹ mà thôi.
Các đại biểu tỉnh phát biểu. Các đại biểu Hội
Nhà Văn, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chào
mừng. Những tràng pháo tay nở rộ. Tâm hồn ai ai như được mở cờ vui lắm. Mà vui
lắm chứ. Kể từ hôm nay, Đồng Nai chúng ta có Hội Văn nghệ rồi. Đây là bước mở đầu
để những văn nghệ sĩ Đồng Nai thi thố tài năng, tiếp bước cha ông, những người
đã làm rạng rỡ Đồng Nai “từ thuở mang
gươm đi mở đất”. Và để xứng đáng là hậu bối của Gia định tam gia nữa chứ!
Tôi được
anh Hai Lý giao nhiệm vụ in thẻ hội viên. Tôi đến xí nghiệp In, trực thuộc báo
Đồng Nai, lúc này chưa tách riêng, gặp anh Tư Bô, quản đốc và đặt vấn đề in thẻ.
Anh Tư Bô đồng ý in ủng hộ, không lấy tiền. Tôi lên maquette và được cả hai anh
Lý Văn Sâm và Huỳnh Công Thức nhất trí. Mẫu thẻ đó dùng để cấp cho những hội
viên đầu tiên của Hội. Mặt trước đề : CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM. Dòng
thứ hai đề HỘI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI, dòng thứ ba, cỡ chữ lớn hơn in ba chữ THẺ HỘI
VIÊN, bên phía trái dùng để dán ảnh cỡ 3x4 cm. 5 dòng dưới đề Họ và tên, Bút hiệu.
Ngày và nơi sinh. Địa chỉ. Bộ môn. Mặt sau, phía trên cùng in: HỘI VĂN NGHỆ ĐỒNG
NAI – 143, đường Cách Mạng Tháng Tám. Phía dưới đề: Biên Hòa, ngày…tháng…năm…Dưới
đó một dòng in chữ TM.HỘI VĂN NGHỆ, dưới nữa là chữ Chủ tịch. Phía trái in: Chữ
ký của hội viên. Nền thẻ được in mờ những dòng chữ
liên tục bằng chữ in thường hoivannghedongnaihoivannghedongnai…Thiếu sót của chúng tôi là Thẻ
không in số thứ tự.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 9 tháng 11 năm 2019.
Nhà thơ Xuân Bảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét