Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

304. Chúng tôi làm sách Trời Nam thương nhớ

 

 

 

   304, Chúng tôi làm sách Thơ TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ

Hồi ức của Nhà thơ Xuân Bảo  

    Chúng tôi những đứa con của Xứ Huế tìm về Xứ Nông Nại Đại phố để mưu sinh và cũng để làm trọn lời nguyền “ Làm trai cho đáng nên trai/Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.

     Song dù không có cái bùa hộ mệnh đó (LÀ CÁI CHÚNG TÔI MONG MUỐN  CÂU LẠC BỘ TRẤN BIÊN   ĐỒNG NAI ĐƯỢC ĐỨNG TRONG HỘI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI), thì chúng tôi vẫn tiến hành xuất bản cuốn Thơ mang tên Trấn Biên thi tuyển (Tập I). Tập Thơ đã được công chúng đánh giá cao.

Và số phận nghiệt ngã của CLB này không thể lớn lên được vì vấp phải một trở lực lớn từ người lãnh đạo Hội Văn học -  Nghệ thuật Đồng Nai. Đó là ông Nguyễn Nam Ngữ, một con người bất tài bị đặt nhầm chỗ. (Chúng tôi sẽ có một bài tham luận dành riêng cho mục với tiêu đề: Hãy chăm sóc và bồi dưỡng tài năng văn học từ những CLB Thơ ca quần chúng).

***

     Trước đó 2 năm, năm 2008, khi Trung ương có chủ trương các hoạt động Chào mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long, tôi và Võ Nguyện đã tổ chức, vận động những người yêu thơ trong và ngoài nước tham gia thi tuyển lấy tên là TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ.

    Vì tình yêu thiêng liêng đối với Thủ đô Hà Nội mà chưa đầy một năm chúng tôi đã nhận được hơn 1.000 bài thơ của gần 400 tác giả gửi tham gia Thi tuyển. Chúng tôi đã làm việc cật lực, tận tụy và đầy tinh thần trách nhiệm và đã hoàn thành cuốn sách thơ.

     Buổi lễ ra mắt CLB Thơ Trấn Biên Đồng Nai, cũng đồng thời là Lễ phát hành tập thơ Trời Nam thương nhớ. Trên hai bên cánh gà sân khấu, chúng tôi treo hai câu đối:

Đồng Nai nức tiếng ngàn đời tam gia thi xã

Biên Trấn lưu danh muôn thuở tứ hổ văn đàn

Tôi sáng tác 2 câu đối này là lấy ý tưởng từ Gia Định tam gia, gồm Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh và Lê Quang Định trong nhóm Bình Dương thi xã. Tứ hổ gồm 4 nhà văn, nhà thơ đương đại của đất Đồng Nai, lấy ý từ sách Biên Hòa –Đồng Nai 300 năm Hình thành và Phát triển, gồm 4 ông hùm xứ Đồng Nai thế kỷ 20: Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc -Tô Văn Tuấn, Lý Văn Sâm và Lương Văn Lựu.

Các nghệ sĩ diễn ngâm các bài thơ trong Trời Nam thương nhớ, gồm có Phương Lan, Đông Nhi…

 CLB đã được Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cử tổ Tạp chí Văn nghệ của Đài đến ghi hình và phát sóng. Được sự chỉ đạo của ông Huỳnh Văn Nam, con trai của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, giám đốc Đài, nhà thơ Bùi Thanh Tuấn dẫn đầu, đem theo xe Truyền hình, các biên tập viên, cameraman cùng các nhân viên kỹ thuật đến tận nhà riêng của tôi ( địa điểm ra mắt tập thơ Trời Nam thương nhớ). Các Đài Truyền hình TW cũng phát lại chương trình này nhiều lần.

CLB có mời Hội Văn Nghệ Đồng Nai và các báo, đài địa phương,nhưng không thấy ai đến!?

Sau đó, trên các tờ báo và tạp chí Trung ương liên tục đưa tin và bình luận về Tập thơ Trời Nam thương nhớ. Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, cơ quan của Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam dành hẳn một trang giới thiệu Trời Nam thương nhớ. Báo Đại biểu Nhân dân của Quốc hội, báo Du lịch Việt Nam và đặc biệt tờ Người Cao tuổi đã giới thiệu đầy đủ về cuốn sách này.

   Tập thơ Trời Nam thương nhớ là niềm tự hào không những của riêng Đồng Nai mà là của chung cả nước. Song cả nước thì đã biết đến, còn Đồng Nai thì chẳng chút tơ vương. Nghĩ mà buồn như chấu cắn!? Nghĩ mà tiếc hơn chục cuốn sách TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ đã biếu cho Hội Văn học- Nghệ thuật Đồng Nai.!

   Nhưng dù sao Trời Nam thương nhớ cũng được mọi người Việt Nam thông minh, nhân ái, có học biết đến. Thử hỏi Hội Văn Nghệ Đông Nai đã làm gì cho ngày Đại lễ nghìn năm Thăng Long? Trong lúc đó ông Nguyễn Nam Ngữ luôn tự nhận mình là người Hà Nội?

   Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bìa cuốn Trời Nam thương nhớ.

  

Kỳ sau sẽ có bài ngụ ngôn “ Lòng tự hào các vị để đâu ?

                                                                            Nhà thơ Xuân Bảo

(Bài đã đăng trên blog Nguyễn Xuân Bảo,ngày 3 tháng 8 năm 2012)

Trong Lời ngỏ, Ban Biên tập chúng tôi đã nói rõ:

Hơn 60 năm trước, tại chiến khu Đ- miền Đông gian lao mà anh dũng – thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đã viết:

Ai về Bắc ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Bài thơ đã được lưu truyền rộng rãi và sống mãi trong lòng người đọc. Bởi vì tác giả đã nói trúng nỗi niềm của con dân nước Việt, là luôn luôn nhớ về cội nguồn dân tộc, nhớ về thủ đô.

Hôm nay, năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong đoàn quân điệp trùng hướng về thủ đô, có nhiều người đi theo con đường THƠ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Câu lạc bộ Thơ Trấn Biên Đồng Nai đã kịp thời tập hợp bằng thi phẩm TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ.

Đây là một cuộc tập hợp ngẫu nhiên – vừa đi vừa nhập đoàn – của các thi nhân, đủ mọi thành phần ở khắp mọi miền đất nước nên không đưa ra một tiêu chí phân biệt gì. Tất cả đều có chung tấm lòng: “thăm lại non sông giống Lạc Hồng”.

Bởi thế, có giọng thơ sâu sắc, thâm trầm, nhưng cũng có lời thơ  mộc mạc, chân quê lần đầu tiên góp mặt thi đàn. Tất cả là một tràng hoa muôn sắc được kết bằng cỏ nội hương đồng khắp mọi miền đất nước, dâng lên mừng Thăng Long ngàn năm tuổi; dâng lên Thủ đô hòa bình, lương tri phẩm giá của nhân loại.

Ngày đi, tay chắc súng: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.Ngày về, túi đeo thơ ngợi ca sông núi trường tồn. Thật không có hình ảnh nào đẹp đẽ cho bằng.

Hai nhà thơ Xuân Bảo và Võ Nguyện trong Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Trấn Biên – Đồng Nai, đã tự nguyện đứng ra tổ chức tour về nguồn ngàn năm…Mặc dù đã làm việc nghiêm túc hơn một năm trời, nhưng chắc chắn không thể nào tránh được những thiếu sót. Chúng tôi mong được lượng thứ.

Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý Mạnh Thường Quân đã hết lòng ủng hộ tài chính; cảm ơn các thi hữu đã nhiệt tình cộng tác – nhập đoàn và tất cả các cơ quan, các cá nhân đã kịp thời giúp đỡ, động viên để thi tuyển được ra mắt kịp thời, nghìn năm có một.

Xin trân trọng cảm ơn và giới thiệu đến bạn đọc.

BAN BIÊN TẬP.

 

          Chúng tôi bàn với nhau là đất Thần kinh xứ Huế có rất nhiều nhà thơ, cần mời gọi tham gia thi tuyển. Đây là nét đẹp văn hóa không nơi nào có được. Con cháu hậu duệ của vua Tự Đức; các ông hoàng, bà chúa Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Nguyễn  Hàm Ninh, Mai Am, Huệ Phố…

Thuận Hóa tự hào với câu truyền ngôn:

Văn như Siêu , Quát vô Tiền Hán

Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường.

Ngoài Thư mời, chúng tôi gửi cho các thi hữu bản  Thiên đô chiếu của Vua Lý Thái Tổ, cả bản Quốc ngữ và bản phiên âm chữ Hán sang Việt ngữ dài 214 chữ. Ở đây, tôi không đưa bản phiên âm chữ Hán sang Việt ngữ.

Bản chữ Quốc ngữ:

CHIẾU DỜI ĐÔ

Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giầu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tốn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà  định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?

______________

Bản dịch sang tiếng Việt của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

*** 

Những nhà thơ cố đô tham gia rất nhiệt tình và rất đông. Ở Huế chúng tôi mời các nhà thơ Đó là: Nữ sĩ Nguyễn Thanh Song Cầm, Hàn Thi-Nguyễn Thị Mỹ Lý, Trần Như Lộc, Dzạ Lữ Kiều, Quốc Lương, Hoàng Chinh Nhân, Lâm Vũ Nhi, Kiều Trung Phương, Ngô Cang, Tê Hát, Nguyễn Nguyên An, , Hải Thụy, Ngàn Thương, Ngô Đình Tố, Trần Kiêm Đờ - ở Đồng Nai, Trần Hữu Lục, Hoàng Hương Trang, Bảo Cường - ở Sài Gòn,Trần Ngọc Trác - ở Đà Lạt…Nguyễn Tịnh Thọ- ở Đà Nẵng.

Nhà thơ Trần Như Lộc được tuyển chọn 3 bài. Bài 1. lục bát khoán thủ CHÀO MỪNG 1000 NĂM THĂNG LONG – HÀ NỘI. bài 2.  THƯƠNG NHỚ THĂNG LONG (họa bài Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ) có câu đề tặng: Thân tặng nhà thơ Xuân Bảo. Bài 3.NGÀN NĂM THĂNG LONG.

Hàng ngàn bài thơ hưởng ứng tới tấp gửi về cho Ban biên tập. Căn phòng làm việc của tôi trở thành Văn phòng Tòa soạn Trời Nam thương nhớ. Võ Nguyện, ngày ngày đi xe máy từ Sài Gòn lên Biên Hòa. Chúng tôi đọc tất cả bài vở gửi đến và chọn những bài có thể đăng, sửa chữa vài lỗi nhỏ. Võ Nguyện mang về Sài Gòn nhập liệu, in ra tờ A4. Sáng hôm sau thì đưa lại cho tôi, dò lại lần chót và sắp xếp trang mục. Bìa do tôi trình bày. Bìa 1 là tượng đài Đức Lý Thái Tổ, đặt taị vườn hoa Chí Linh, cạnh Hồ Hoàn Kiếm. Tôi đã chọn 2 con rồng thời Lý chầu vào nhau, dưới tên sách TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ. Bìa 4 là biểu tượng Hà Nội với bức vẽ Khuê văn các. Tôi trích bốn câu lời bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, được in màu trắng, trên nền màu thiên thanh:

                   Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây

                   Đây lắng hồn núi sông ngàn năm

                   Đây Thăng Long, đây Đông Đô

                   Đây Hà Nội,Hà Nội mến yêu…

          Sau khi tuyển chọn xong, chúng tôi lên maquettte và đưa đến Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, xin giấy phép ấn hành. Lúc này, nhà văn Hoàng Đình Quang làm giám đốc Chi nhánh phía Nam, đóng tại 371/16 đường Hai Bà Trưng, thành phố Hồ Chí Minh.

          Song, còn một vấn đề nan giải là tài chính. Lấy đâu ra một số tiền chi phí lớn cho việc xuất bản? Tự lực cánh sinh là chính. Cũng may là dịp đó, Công ty Du lịch Đồng Nai cần xây dựng khách sạn Sen Vàng Golden Lotus nên đã sang đặt vấn đề mua lại rẻo đất phía sau nhà tôi. Cái rẻo đất này tôi mua của bà chủ hiệu vàng Hồng Thành, tục danh là Nguyễn Thị Lót, vốn là cái ao bèo, với giá không đầy 1 cây vàng.

          Tôi bán cái rẻo đất này, với giá gần 3 tỷ 300 triệu. Tôi giữ lại 250 triệu đồng. Và các khoản cho các con, cháu. Cho cậu con trai cả, luật sư Nguyễn Triệu Quang, gần 2 tỷ 200 triệu đồng, để cậu cả mua nhà và làm văn phòng luật sư (có tên là Phan Nguyễn). Gia đình Nguyễn Triệu Quang đã phải ở nhà thuê gần 10 năm nay.

          Tôi tự nhủ lòng: Gái có công thì chồng nỏ phụ. Tôi cứ xuất tiền túi ra để làm cho tốt việc xuất bản tập thơ. Mà đúng thế thật! Ngoài các thi hữu gửi tiền mua sách, còn kèm tiền hỗ trợ. Và có một vài vị Mạnh Thường Quân giúp đỡ CLB một số tiền kha khá. Số tiền 72 triệu đồng, tôi bỏ ra cho việc in sách và chi phí cho buổi Lễ ra mắt được thu lại gần đủ. Còn số ít thì tôi chịu.

Nhà thơ Võ Nguyện – Tú Thịt Hộp nói: Anh thật là một con người cao thượng!

 

Bên bờ Phước Long Giang, ngày 31 tháng 7 năm 2020.

                                                        Nhà thơ Xuân Bảo

  

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét