Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

305. Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 6. Tôi kéo bè đưa bộ đội sang sông

 

305. Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 6. Tôi kéo bè đưa bộ đội sang sông

          Tôi là người được thôn đội phân công kéo bè đầu tiên. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Đây cũng là công tác kháng chiến, tham gia kháng chiến, ngoài công việc đi gác khi Tây lên lùng thì đánh mõ báo động để dân làng chạy vào độộng. Vì nhà ở gần bến bè nên lãnh đạo thôn giao cho tôi kéo bè. Có ít tiền phụ giúp Mạ tôi nuôi các em trong lúc Ba tôi đi bộ đội vắng nhà.

         . Đoạn sông này không có đò ngang nên thôn đội trưởng Lê Trường Ngữ cho phép đóng bè để chở bà con, bộ đội, cán bộ đi lại từ Thượng Phước sang Như Lệ và ngược lại. Trong lúc chờ bè, cả tiểu đội ngồi nghỉ trên một “khúc gỗ”. Được một lúc chiến sĩ này nói chiến sĩ kia “Sao cậu cứ lấn mình thế?”. Cho tới lúc mọi người thấy nhột nhột dưới đít và tuột cả xuống đất. Tiểu đội trưởng bấm đèn pin soi vào “khúc gỗ”. Chao ôi! Đây chính là thân con trăn núi, bị sức nặng cả một tiểu đội ngồi lên, chịu không thấu nên đã trườn vào rừng. Có phải chính con trăn này đã từng nuốt một con bê của nhà ông Đóm? May mà nó không quay đầu lại. Thật hú vía!

          Cũng cần nói qua để bạn đọc đời sau có thể hình dung ra thời kỳ cha ông mình tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc (cả thời chống Pháp và chống Mỹ) đã sáng tạo muôn vàn cách đánh để thắng được hai đế quốc to như thế này? Bè làm bằng thân cây chuối lá (miền nam gọi là chuối hột), nặng phải hai người lớn mới vác nổi. Chuối chặt bỏ gốc và ngọn. Thân được xếp trở đầu đuôi, khoảng mười cây. Dùng 4 cây hóp, một loại tre không gai, vót nhọn đóng xuyên qua thân chuối, lấy dây chạc chìu, loại dây rừng rất dai và bền nuộc chặt lại, cưa bỏ phần nhọn cây hóp. Dây kéo bè thì dùng loại tre hèo non bánh tẻ, chẻ làm hai vót thật trơn. Hai đầu tre được hơ lửa cho thêm dẻo rồi buộc lại theo lối chữ nhân đoạn này nối đoạn kia, chừng nào đủ chiều dài ngang sông thì thôi. Một đầu dây kéo buộc vào một thân cây lớn phía bắc, gần Lùm Miệu trên, (Lùm Miệu trên là của làng Thượng Phước thờ một vị phúc thần, cách Lùm Miệu dưới của Phường Sãi chừng 500 mét). Đầu phía nam buộc vào một thân cây tre to đóng xuống bãi cát, thật sâu và chắc. Thế là có một sợi dây chăng qua sông Thạch Hãn. Người đưa bè, sau khi ổn định chỗ ngồi cho khách, từ từ lần theo sợi dây, từng bước tay một, bè được trôi đi theo hướng người kéo bè về phía trước. Mỗi lần chỉ chở được khoảng năm, sáu người, nếu có hàng như chuối, mít, sắn khoai hay ba lô, súng đạn thì chỉ chở được tối đa là năm người. Có thể nói đây là chiếc bè tự giác. Người sang sông không phải trả tiền đi bè mà tùy vào lòng hảo tâm, có thể cho người kéo bè 5 xu, 1 hào (tiền Tài chính lúc bấy giờ) hoặc củ sắn, trái bắp cũng xong. Còn bộ đội qua sông thì tuyệt nhiên không được lấy tiền kéo bè, phục vụ là chính.

            Tôi có một kỷ niệm buồn về việc kéo bè này. Hôm đó nước sông Thạch Hãn lên to. Một tiểu đội hành quân gấp sang sông. Tôi nói rằng bè chỉ chở được 5 người và 1 người kéo bè mà thôi. Các chú bộ đội nói: Để các chú tự kéo bè sang, rồi chốc nữa có ai về thì họ kéo trả bè lại. Tôi đã ngăn đến lần thứ ba nhưng các chú không nghe, tự ý xuống bè tất cả. Lúc đầu bè cũng theo dây kéo ra được hơn chục mét. Đến chỗ nước xiết mũi bè chúi xuống càng ngày càng sâu. Mọi người nhốn nháo vì bè đã chìm và người kéo bè thả cho trôi tự do. Nhiều chú bộ đội không biết bơi và lúc này trên lưng đeo nặng ba lô, súng đạn, ruột tượng gạo cho nên chới với một lúc rồi bè chìm, người bị nước cuốn đi và chết đuối. Mấy ngày sau ở bến Cồn Kết, xóm dưới, chiếc bè mắc lại, còn xác người thì nổi ở cầu Thạch Hãn, còn gọi là cầu Ga. Bọn Pháp huênh hoang rằng bọn chúng đã bắt được một tiểu đội Vệ quốc đoàn và bắn chết cho trôi sông?!

           Trần Quốc Tiến, phóng viên báo Vệ quốc quân Phân khu (thuộc Liên khu 4 cũ), một chi nhánh của báo Quân đội Nhân dân sau này, quê làng An Lưu, gần Chợ Cạn, nơi có bài thơ Tiếng cây dương Mỹ Thủy nổi tiếng của nhà thơ Dương Tường, Trưởng nhóm Văn nghệ Nguồn Hàn, sau này là tổ chức Văn nghệ Quảng Trị. Ông Tiến còn có bút danh Tấn Hoài khi ông làm thơ, nay sống ở Biên Hòa, nhớ lại đã có lần đi trên chiếc bè này do Xuân Bảo kéo.

            Bãi Soi phía làng Như Lệ bờ nam sông Thạch Hãn là một bãi bồi rộng hơn 10 mẫu. Theo ông ngoại tôi kể lại lúc bọn tôi còn nhỏ thì cách đây mấy trăm năm, cũng có thể là hàng ngàn năm? rào Thạch Hãn đổi dòng, do địa chấn hoặc núi lửa phun trào. Quảng Trị có cả một vùng đất bazan từ Cùa lên Hướng Hóa ra tận Thủy Ba (Vĩnh Linh). Trước đó dòng chảy thẳng từ phường Đá Đứng. Chữ Phường này khác nghĩa với chữ Phường, một đơn vị hành chính cơ sở hiện nay, mà là một danh xưng bởi những người cùng làng ở miệt đồng bằng hoặc duyên sơn thiếu đất canh tác nên đến một nơi khác, thường là ở miền sơn cước, để khai hoang như Phường Sãi của làng Xuân An, phường Nại Cửu của làng Nại Cửu. Chữ Phường này là chỉ địa danh, nhưng cũng có chữ Phường để chỉ nghề như phường hát, phường chèo, phường cấy, phường săn…

          Phường Đá Đứng, cách Phường Sãi khoảng non ba cây số, do một vài dòng họ làng Thượng Phước đến đây khai hoang vỡ đất, trong đó phái Trần Đức là lớn nhất. Cụ Trần Đức Hạp có những người con làm rạng danh tổ tiên. Đó là ông Trần Đức Lương, nhà báo, phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, ông Trần Đức Duệ, đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Trần Đức Khâm, Viện phó Viện qui hoạch Quản lý nước – một nhà khoa học tầm cỡ về công tác thủy lợi - và những người họ Lê, họ Bùi khác cũng nổi danh một thời. Dòng chảy đang chảy như một cái dấu \ (huyền) xuống tận vực Như Lệ, đối diện với bến Phường Sãi sau này. Đất Bãi Soi này trước là của làng Thượng Phước, do sông đổi dòng nên xô sang làng Như Lệ.

 

 


Đã có những cuộc tranh chấp mẻ đầu sứt trán giữa hai làng Thượng Phước và Như Lệ. Cuối cùng thì Thượng Phước thắng.
Chữ Phường này khác nghĩa với chữ Phường, một đơn vị hành chính cơ sở hiện nay, mà là một danh xưng bởi những người cùng làng ở miệt đồng bằng hoặc duyên sơn thiếu đất canh tác nên đến một nơi khác, thường là ở miền sơn cước, để khai hoang như Phường Sãi của làng Xuân An, phường Nại Cửu của làng Nại Cửu. Chữ Phường này là chỉ địa danh, nhưng cũng có chữ Phường để chỉ nghề như phường hát, phường chèo, phường cấy, phường săn…
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 8 tháng 8 năm 2020.
Nhà thơ Xuân Bảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét