Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

308.Những kỷ niệm với nhà thơ Trần Như Lộc

 308. NHỮNG KỶ NIỆM VỚI NHÀ THƠ TRẦN NHƯ LỘC

Ghi chép của nhà thơ Xuân Bảo.

Về Huế lần này, tôi gặp lại phu nhân của nhà thơ Trần Như Lộc, bút danh Trần Hương Trà. Bà tên là Nguyễn Thị Hòa, cựu học sinh trường Đồng Khánh-Huế. Chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm ngày đầu mới quen nhau.
Cơ duyên tôi gặp được nhà thơ Trần Như Lộc là vào dịp chúng tôi, tôi và nhà thơ Võ Nguyện – Tú Thịt Hộp chủ trương xuất bản tập thơ Trời Nam thương nhớ để kỷ niệm 1000 năm, đức Lý Thái Tổ hạ chiếu dời chuyển kinh đô của nước Đại Cồ Việt, từ Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình ra thành Đại La, Hà Nội ngày nay..
Sau khi in xong, phát hành tôi và Võ Nguyện ra Huế. Và có cuộc gặp mặt một số nhà thơ góp bút trong Trời Nam thương nhớ, tại nhà nữ sĩ Song Cầm ờ khách sạn Song Cầm, 26 Trần Thúc Nhẫn. Trong đó có nhà thơ Trần Như Lộc. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu không khí cởi mở, thân tình và rất văn chương.
Tôi và Trần Như Lộc quen nhau từ đó. Có một sự kiện đáng nhớ là tôi và ông Trần Như Thố, anh con ông bác của nhà thơ, cùng tôi tập kết ra Bắc và cùng công tác ở Chi sở Mậu dịch Đặc biệt Thanh Hóa, đóng tại Bái Thượng, huyện Thọ Xuân. Ở cơ quan này còn có một nữ nhân viên, cũng là người Huế, tên là Công Tắng Tôn nữ Thanh Thủy. Có một chủ nhật mùa xuân, tôi và Thanh Thủy vào một khu rừng toàn cây mai trắng (bạch mai) đang độ nở hoa. Chúng tôi lót lá chuối rừng, ngồi ăn cơm nắm, nằm nghỉ và nhìn trời dưới tán lá rừng. Có một chú chim vàng anh đậu trên cành trung quân ngó ngó nghiêng nghiêng nhìn chúng tôi. Màu vàng óng bộ cánh chim vàng anh là màu vương giả của hoàng bào triều đình Huế.
Những lần ra Huế, bao giờ tôi cũng gọi điện cho Trần Như Lộc. Và đã cùng nhau dạo chơi một vài nơi ở Huế. Có lần, chúng tôi qua cầu Gia Hội, đến con đường mang tên nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Ở đây, nhiều quán xá mang tên những bài hát của Trịnh Công Sơn như Hạ Trắng, Diễm Xưa, Nối vòng tay lớn…
Sau này, nhiều lần nhà thơ cùng vợ vào Biên Hòa chơi, có ghé nhà tôi. Biên Hòa có gia đình người anh con ông bác tên là Trần Như Nguyện vào đây, sinh cơ lập nghiệp. Như Nguyện có một cái trang trại lớn dưới chân núi Chứa Chan, thuộc huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Có lần, Như Nguyện đã dùng xe du lịch, chở chúng tôi về thăm trang trại đó. Trang trại có trại chăn nuôi công nghiệp nuôi gần 300 con heo, gồm heo nái và heo thịt; một ao cá lớn, ngoài thực phẩm chế biến sẵn cho cá, trại còn dùng phân heo thải để nuôi, mỗi kỳ thu hoạch cũng được mươi tấn cá; một khu đất trồng cây lưu niên và chuối. Đặc biệt, Như Nguyện có nuôi một đàn chó. Nguyện kể với chúng tôi là thực phẩm cho chó ăn là những chú heo con mới sinh. Con nái sinh quá 8 con thì con thứ 9 trở đi, được nấu cho chó ăn.
Như Nguyện thông thuộc đường đi lối lại trong huyện Xuân Lộc. Như Nguyện nói: Hôm nay, con sẽ chiêu đãi hai nhà thơ một món đặc sản của núi rừng. Xe chạy qua ngã ba Ông Đồn, rồi tiến thẳng về xã Xuân Tâm. Khi đến chợ Xuân Đà thì ký ức tôi hiện về: Tôi kể cho hai anh em nhà Trần Như nghe. Cả một dải Căn cứ này (theo tên gọi của chính quyền Sài Gòn) từ Căn cứ 1, dưới chân Núi Le cho tới Căn cứ 6, khu Rừng Lá, giáp giới với tỉnh Bình Tuy, toàn là dân miền trung cư ngụ, từ năm 1972.
Vào năm 1972, trong “mùa hè đỏ lửa, trên đại lộ kinh hoàng” ở Quảng Trị. Mạ tui đã dắt díu đứa con trai tên là Xuân Đức, và gánh một đầu triêng (gióng) đứa con gái tên là Kim Oanh, chạy lui chạy tới từ thị xã Quảng Trị cho tới đầu cầu Mỹ Chánh. Thế rồi, xe nhà binh của ông Ngô Quang Trưởng tư lệnh Quân đoàn 1 của Quân lực cộng hòa bốc tất cả bà con chạy giặc, chở thẳng về đây. Hồi đó dân thường gọi cuộc chạy này với cái tên là xúc tát. Âp 3 Xuân Đà, phần lớn là dân Đà Nẵng và Quảng Trị, ấp 2 Trung Ngãi, phần lớn là dân Quảng Ngãi. Mạ tui ở ấp 3.
Tháng 5 năm 1975, tôi về gặp lại Mạ tui, sau 21 năm dài dằng dặc, đất nước bị chia cắt. Mạ tui kể, ông Thiệu cấp cho mỗi hộ gia đình 20 tấm tôn fibro, 20 bao xi-măng, một bộ đồ khai hoang lập ấp gồm cưa, rìu, cuốc, rựa. Trên mỗi món đồ đó có khắc dấu chìm KHLA (Khai Hoang Lập Ấp).
Thế là Mạ tui cùng với các con Xuân Bổng, Hương Mai, Kim Cúc, Xuân Đức và Kim Oanh có quê hương mới là xã Xuân Tâm, số nhà 317, ấp 3. Mạ tui mất năm 2008, thọ 93 tuổi, được an táng tại nghĩa trang giáo xứ Hiệp Lực, đối diện với chợ Xuân Đà.
***
Chúng tôi dùng bữa trưa tại một quán ăn đặc sản thịt rừng, trên đường vào Gia Ui, xã Xuân Tâm. Đặc sản là thịt heo rừng nướng và chim cu nướng mọi.
Khi rời trang trại, Như Nguyện sai người làm bắt biếu tôi một chú chó nhỏ, đen tuyền rất đẹp. Con đen đó nó vẫn sống cho đến ngày hôm nay, nhưng bộ râu mõm thì đã bạc.
Tối hôm đó, Trần Như Lộc nghỉ lại tại nhà tôi. Và nhà thơ đã đưa toàn bộ bản thảo tập thơ Ngựa chết lưng đồi cho tôi biên tập và viết Lời giới thiệu.
Hồi nhà thơ còn sống, khi đọc bài thơ này, tôi có dự cảm là sẽ có sự chia ly. Tôi bàn với Trần Như Lộc là không nên lấy tên Ngựa chết lưng đồi đặt tên cho tập thơ, mà tìm một cái tên khác, nhưng anh không chịu!
Trần Như Lộc mất ngày 28 tháng 3 năm 2018, nhằm ngày 12 tháng 2 năm Mậu Tuất. Mộ phần được an táng trên đồi Hương An, cách Hương Cần 9 cây số. Bà Hòa cùng các con đã cho dựng một tảng đá nặng trên 2 tấn để khắc bài thơ Ngựa chết lưng đồi dựng bên cạnh mộ nhà thơ Trần Như Lộc.
Ngày mai ngựa chết lưng đồi
Yên cương gãy vụn tàn hơi rủ bờm
Trông chiều chiều lặng thinh hơn
Cho ta uống cạn chén hờn trong thơ
Ngày mai ngựa chết lưng đồi
Em đi qua đó nụ cười còn đâu
Chiều xưa mây trắng qua cầu
Em về bên ấy bạc màu tóc anh
Ngày mai ngựa chết lưng đồi
Anh đi ra khỏi cuộc đời dở dang
Chiều nay còn sợi nắng vàng
Anh đi để lại trần gian một mối tình.
***
Chiều 22 tháng 7 năm 2020, trước khi lên tàu về Biên Hòa, tôi và cháu Thúy Hà cùng bà quả phụ Nguyễn Thị Hòa đi ăn bánh nậm tại Cung An Định. Nơi đây, có lần tôi cùng nhà thơ Trần Như Lộc đến thưởng thức những loại bánh đặc sản của Huế: bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc bọc tôm thịt…
Kỷ niệm với nhà thơ quá cố thì còn nhiều. Tôi viết bài này để tưởng nhớ Trần Hương Trà – một nhà thơ của Cố đô – có nhiều đóng góp cho nền thi ca đất Thần kinh.
…Ngày mai ngựa chết lưng đồi
Anh đi ra khỏi cuộc đời dở dang
Chiều nay còn sợi nắng vàng
Anh đi để lại trần gian một mối tình.
ảnh 1. Bộ bàn ghế đá được đặt cạnh mộ nhà thơ
Ảnh 2. Bài thơ Ngựa chết lưng đồi được khắc vào tảng đá nằm ngang
Ảnh 3. Bà quả phụ Nguyễn Thị Hòa hóa vàng cho ngày kỵ của chồng
.Bên bờ Phước Long Giang, ngày 1 tháng 8 năm 2020, nhằm ngày 12 tháng 6 năm Canh Tý.
Nhà thơ Xuân Bảo

Bình luận

  • Cám ơn nhà thơ Xuân Bảo anh đã viết về nhưng kỷ niệm với nhà thơ TNL , em rất xúc động khi đọc những trần tình của anh những tình cảm anh chị đối với vợ chồng em là kỷ niệm khó phai mờ trong em

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét