Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

253 , Câu chuyện thứ 10. Cong múa ngày xuân


Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 10.
 Công múa ngày xuân
Cứ mỗi độ xuân tới, có một đôi chim công, một trống và một mái bay về sà xuống trước vạt đất, nơi ông tôi thường trồng lúa ngự. Riêng chữ “ngự” đã biểu hiện một cách cung kính, một loại gạo rất thơm, dẻo để thổi cơm cúng trong những dịp lễ tiết, giỗ, chạp. Tôi thường theo ông đi làm cỏ để nhổ những tép lúa màu tím lẫn trong khóm lúa. Ông bảo rằng: cây lúa màu tím đó sau này sẽ lổ ra hạt lúa mà lòng nó đỏ, các cụ xưa rất kiêng câu thành ngữ: Xanh vỏ đỏ lòng, cho nên không thể dùng để cúng bái được.
 Mặt trời lên chừng một con sào thì con công đực bắt đầu múa, lông đuôi xòe ra như cánh quạt lớn, sải đuôi có tới hơn một thước tây, màu sắc rất đẹp, nhất là màu lục diệp viền quanh lông đuôi những hoa văn mặt nguyệt. Chúng múa rất say sưa mãn nguyện. Thiên nhiên đã ban tặng cho muôn loài những màu sắc kỳ vĩ. Chủ yếu vẫn là màu xanh lục diệp của cây cối: cu kỳ màu xanh, két (vẹt) màu xanh, đến cả công lông cũng màu xanh ấy. Trời đất sẽ đơn điệu biết mấy nếu như tất cả các loài chim đều chỉ có một màu xanh! Vì thế con chim sáo phải là màu nâu như chim cu gáy…cà cưỡng thì vừa có bộ lông đen và trắng. Chèo bẻo và quạ thì đen tuyền. Chèo bẻo thân nhỏ, đuôi dài, rất hung dữ, có thể đánh bại mọi loài chim khác kể cả quạ. Quạ khoang để bắc cầu Ô thước trên sông Ngân cho Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau thì điểm xuyết màu trắng ở cổ. Cò thì trắng, thật là vạn vật muôn loài muôn màu sắc. Đó là bức tranh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban cho con người!     
          Đôi công múa rất đẹp, rất uyển chuyển trông thật vui mắt. Ông thường dạy bảo chúng tôi, những đứa trẻ tinh nghịch thích dùng ná để bắn chim, không được bắn chim công. Ná là một chạc cây như chữ Y in hoa, hai sợi dây cao su được buộc vào một miếng da dùng để bỏ viên bi hoặc đá sỏi có độ tròn trơn vào làm đạn bắn, hai đầu kia buộc vào hai bên càng ná. Viên bi được kẹp căng ra và thả cho trúng mục tiêu. Lũ chúng tôi thường dùng ná để bắn chim hoặc gà rừng.
Có một điều gì đó rất chi là bí ẩn, thiêng liêng ăn sâu vào tâm khảm mọi người nên hai con công rất dạn dĩ với người. Người xem công múa cũng thành kính như khi cúng bái, cầu nguyện. Sau tết Nguyên tiêu thì chúng bay đi đâu không rõ, đợi mùa xuân năm sau lại về múa cho dân làng xem.
Sau này khi sống ở Hà Nội, tôi có dịp được xem những tiết mục “múa công” của các nghệ sĩ Đoàn Ca múa Trung ương. Những dịp ra nước ngoài tôi cũng đã từng được xem “múa công” ở Trung Quốc, ở Thái Lan, ở Indonésia, Campuchia. Nhìn lên sân khấu thấy nghệ sĩ đeo lông công thật múa lượn, tôi bất giác nhớ đến ông ngoại, một thầy thuốc bắc giỏi nhất vùng và là một chủ điền trang giàu có nhưng không xa rời cái cuốc cái cày. Ông lao động như một lão nông dân tri điền. Nhưng sao tôi vẫn thấy nhớ đôi công thật ngày xưa múa đẹp hơn, thật hơn, dù không có nhạc nền
Giờ đây đi đường bộ qua đoạn Tĩnh Gia – quê hương của Đào Duy Từ – thấy cả một dãy dài hàng cây số bày bán các loại chim rừng mà lòng thấy xót xa. Con người sao nỡ đối xử với cầm thú tàn nhẫn đến vậy. Chúng ta thường nói đến quyền sống cho dù là của bất cứ một động vật nào, cao cấp cũng như cấp thấp. Đã biết rằng “chim trời, cá nước, ai bắt được nấy ăn” nhưng mà đem chúng về để thỏa mãn một thú vui, một kiểu trang trí cho ngôi nhà, cho vườn nhà để làm đẹp và khoe mẽ với thiên hạ rằng: Ta là người biết chơi, chịu chơi đây thì khác nào những tên trọc phú mà Molière đã viết trong vở kịch nổi tiếng Trưởng giả học làm sang (Le bourgeois gentilhome) mà thôi. Cái kiếp “cá chậu, chim lồng” là không thể chấp nhận. Hãy trả chúng về với thiên nhiên, cho chúng cái quyền được tự do, được sống.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 4/12/2018.
Nhà thơ Xuân Bảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét