Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

255. Cây chuyện thứ 12. Cậu Nghẹc bắn voi rừng


Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 12.
Cậu Nghẹc bắn voi rừng
Phường Sãi vốn thuộc làng Xuân An, tổng An Đôn, phủ Đăng Xương, Quảng Trị được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho theo vào Đàng Trong từ hồi 1558, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đem theo hàng ngàn binh mã bản bộ từ Gia Miêu ngoại trang vào trấn thủ Thuận Hóa. Đây là vùng duyên sơn, chỉ có đồi sim mua, trảng tranh, không có núi. Trước kháng chiến chống Pháp, vùng này có rất nhiều loại cầm thú, có rất nhiều loài chim: bìm bịp, nghịch, cuốc, chàng làng, sáo, cà cưỡng, tu hú, gà rừng, các loại cu gáy, cu ngói, cu kỳ…Từ điển bách khoa ghi rõ: cu kỳ là cu xanh. Sáng sớm mai cả khi rừng Lùm Miệu rộn rã tiếng hót của các loài chim như một bản hợp xuớng của núi rừng. Chim cu kỳ thiên di theo mùa, bộ lông của nó màu xanh lục rất đẹp, thân to như con bồ câu tây. Tiếng gù của cu kỳ nghe rất êm tai và thịt rất ngon.  Chúng thường đậu trên cành cao, lẫn vào đám lá nên rất khó phát hiện, nhưng chính tiếng gù của nó đã làm hại nó.
Sau ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, ông Nghẹc, người làng Đại Hào, tôi gọi bằng cậu – một chiến sĩ Vệ quốc đoàn – được đơn vị phân công đi săn bắn để kiếm thức ăn cho công binh xưởng của Chi đội Nguyễn Thiện Thuật, tiền thân của Trung đoàn 95 sau này, đóng ở làng Như Lệ. Lần theo tiếng gù, cậu bắn một phát đạn ria của khẩu súng hai nòng calipse douze (cỡ đạn 12 mm), vài ba con cu kỳ trúng đạn rơi xuống đất. Những đứa trẻ chúng tôi tranh nhau nhặt về làm bữa ngon lành.
.Voi tuy là động vật hoang dã nhưng đã được con người thuần dưỡng. Trong lịch sử giữ nước tượng binh là một binh chủng khá lợi hại, đã giúp quân ta dẫm nát quân thù. Voi nhà còn được dùng để vận chuyển gỗ từ rừng ra. Quê tôi, trước Cách mạng Tháng 8, người dân chưa biết đến các dân tộc ít người như Pa-cô, Vân Kiều…mà thường gọi chung là cà lơ. Trước mặt nhà ông ngoại tôi có con đường dẫn xuống sông Thạch Hãn. Chỗ bến lội qua sông, tôi thường thấy từng đoàn người cà lơ di dân bằng voi. Và nghe ông ngoại kể, họ có tài đem voi nhà dụ voi rừng về nuôi.
Thời kháng chiến chống Pháp, quân đội ta thiếu thốn mọi bề nên việc cậu Nghẹc tôi được phân công đi kiếm thực phẩm bằng cách săn bắn thú rừng là chuyện thường. Cậu thường đi vào vùng trảng tranh thật xa để tìm bắn thú rừng. Có lần cậu bắn được một con voi to tướng. Cậu thông báo cho các làng gần đó mang theo dao, rựa, triêng gióng (quang gánh) để vận chuyển thịt voi về làng. Tất nhiên là dân làng cũng phải làm nghĩa vụ đem thịt voi về cho Công binh xưởng của cậu. Tôi cũng mang theo dao rựa và triêng gióng theo đoàn người đi xẻo thịt voi. Lúc đi mạ tôi dặn cố gắng lấy cho được cái đợng voi. Đợng tức là cái gan bàn chân của voi. Đợng rất dày, có thể dày tới mười phân, đem về cạo sạch phần da ngoài, luộc chín mềm, cắt thành từng miếng nhỏ khoảng 3 phân vuông, phơi khô, gác lên giàn bếp. Khi có giỗ chạp hoặc ngày Tết thì đem xuống, lấy cát cho vào chảo rang lên cho tới khi nở bung đều, dùng vào việc nấu đọi canh cúng (giống bát canh bóng của người dân miền bắc nấu bằng da lợn rang bỏng). Chỉ có những nhà quyền quý thời thực dân, phong kiến mới có món canh đợng voi, còn đa phần thì dùng da heo.
Hồi trước Cách mạng, dân Quảng Trị thường khi nghe vua Bảo Đại đi săn voi thì hay kéo nhau đi coi. Và người dân phải è cổ ra đóng thuế để xây dựng một con đường giành riêng cho vua đi săn. Con đường đó mang tên là đường Vĩnh Thụy, điểm đầu nối với Quốc lộ 1 tại làng Lai Phước, song song với Đường 9 lên Cùa. Địa danh này cũng nổi tiếng vì vua Hàm Nghi đã chọn Tân Sở làm căn cứ địa chống Pháp và hạ chiếu Cần vương.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 21/12/2018.
Nhà thơ Xuân Bảo
         
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét