Trang

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

265,Nhàn du về dất võ Tây Sơn


2. NHÀN DU VỀ ĐẤT VÕ TÂY SƠN
                                      (Tiếp theo)


Đến Nha Trang nhớ một người.

 Có thể nói Nha Trang là một thành phố hiền hòa. Còn nhớ, những ngày tháng 4 năm 1975. Nha Trang là thành phố bỏ ngỏ. Quân đoàn 2 của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu rút bỏ từ ngày 2/4. Theo Lịch sử Đảng bộ Khánh Hòa thì: 17 giờ ngày 2-4-1975, sau khi đánh tan các chốt điểm của địch ở đèo Rọ Tượng, đèo Rù Rì, được sự hướng dẫn của lực lượng cốt cán (do Ban Cán sự nội thành cử ra Ninh Hòa đón quân Giải phóng), lực lượng binh chủng hợp thành của Sư đoàn 10 rầm rộ vượt qua cầu Xóm Bóng tiến vào thành phố Nha Trang. Nhân dân từ Đồng Đế đến nhà Thông tin đã đổ ra đường đón bộ đội cách mạng. Những tiếng hoan hô vang dội, vui mừng khôn xiết. Nhà nhà đều treo cờ Mặt trận, người người đều cầm cờ trên tay vẫy chào. Trời mưa tầm tã, nhưng đồng bào vẫn tấp nập tụ họp hai bên đường nô nức chào mừng đoàn quân giải phóng” trích Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930-1975).

Tôi có nhiều kỷ niệm với Nha Trang, bởi nơi đây lưu dấu bước chân tôi khá nhiều lần và nhiều ngày. Nhớ một người – người đó là Alerxandre Émile Jean Yersin. Theo bia ký trên mộ ghi là John.
Lần dự Trại năm 1998, tôi cùng cố nhà văn Nguyễn Duy Thinh được anh Nguyễn Thiết Hùng, chủ tich tỉnh Khánh Hòa bố trí cho chiếc xe con để đi viết về nhà máy sản xuất đường tại huyện Diên Khánh. Tôi đã có cái ký Khánh Hòa cây mía lên ngôi. Trong đó nêu bật công lao của giám đốc Đỗ Thanh Liêm, người có công tạo dựng cơ ngơi nhà máy từ hai bàn tay trắng làm nên. Sau này, anh Liêm trúng đại biểu Quốc hội khóa VIII.
Nhân chuyến đi này, trong chương trình chúng tôi có ghé viếng mộ A.É.J.Yersin ở Xóm Cồn để viếng.
Theo quốc lộ 1 từ Nha Trang xuôi về hướng nam khoảng 20km. Ngôi mộ hiện nằm tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa.Trước thuộc huyện Diên Khánh.
Ngày I tháng 3 năm 1943, Yersin từ trần tại nhà riêng ở xóm Cồn. Trong di chúc để lại, ông đã viết: "Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Hãy chôn tôi nằm úp xuống. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm".         
Không kèn trống, không điếu văn, đám tang của ông diễn ra lặng lẽ, giản dị.. Đoàn người đưa tang dài đến hơn ba cây số.
Ông được chôn theo đúng ý nguyện. Thi hài ông nằm sấp, đầu quay về biển như muốn ôm trọn mảnh đất Khánh Hòa vào lòng mình. Ông thương Việt Nam, yêu Nha Trang và đã có những công trình, sự nghiệp to lớn nhằm giúp Việt Nam phát triển hơn.
Ngoài y học, ông còn góp công lớn vào phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, thám hiểm, khí tượng. Quần thể mộ Yersin ở Suối Dầu cùng thư viện Yersin ở Viện Pasteur Nha Trang được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Mộ nằm trên ngọn đồi thoai thoải có tên là đồi Núi Một. Dốc được lót đá chẻ kè xi măng chạy dài đến tận mộ ông. Mộ ông hình chữ nhật, đơn giản như bao ngôi mộ bình thường. Không bia, tên ông được ghi ngay trên mộ: Alexandre Yersin (1863 - 1943).
Chúng tôi thắp lên nhiều nén nhang để tưởng nhớ công ơn của tiền bối - người đã đóng góp biết bao công sức cho Việt Nam và nhân loại...
Khuôn viên ngôi mộ trồng nhiều loại cây khác nhau trong đó có cây Quinquina (Canhkina), tên khoa học là Cinchona. Đây là loại cây được ông tìm ra dược liệu điều trị bệnh sốt rét.
Tình cảm của Alexandre Yersin là thứ tình cảm cao cả của người thày thuốc “Thày thuốc như mẹ hiền”!
 Ông viết thư về cho mẹ: “Con rất vui thú khi tiếp chuyện những người đến hỏi ý kiến nhưng con không muốn hành nghề bác sĩ, nghĩa là con không bao giờ có thể đòi hỏi bệnh nhân trả công khi săn sóc cho họ. Con xem ngành y như là một thiên chức, tương tự vai trò của mục sư. Đòi tiền công săn sóc bệnh nhân, như có phần nào nói với người ấy: tiền hay cuộc sống. Con biết không phải tất cả các đồng nghiệp của con đều chia sẻ những ý nghĩ này, song đấy vẫn là những điều con nghĩ và sẽ khó lòng mà từ bỏ chúng”.

Năm 1895, Yersin thành lập viện Pasteur ở Nha Trang và điều chế huyết thanh chữa bệnh dịch hạch. Bảo tàng A. Yersin đặt trên tầng hai ngôi nhà nằm bên trái cổng chính vào Viện Pasteur Nha Trang ở số 10 đường Trần Phú. Trong căn phòng rộng khoảng 100 m2 còn lưu giữ khoảng 1.200 quyển sách cùng hơn 50 đồ vật thân thiết nhất của bác sĩ A. Yersin trong suốt hành trình hơn nửa thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu, phát triển nền y học thế giới và gắn bó với Việt Nam.
Trên Quốc lộ 1A, Suối Dấu cách thành phố Nha Trang 20 cây số về phíá nam, có cột số mang số 1473, cách Biên Hòa 397 km.
Ông khai phá vùng Suối Dầu- thành lập một trại chăn nuôi và trồng trọt. Ông lao vào nghiên cứu huyết thanh trị bệnh dịch hạch cho trâu bò.
Năm 1897, ông bắt đầu trồng cao su ở Suối Dầu. Quan tâm đến phương pháp trồng, khai thác và chế biến cao su, ông đã thiết lập một phòng thí nghiệm nông hóa. Tại đây, những biện pháp chọn giống, cạo mủ và làm đông mủ cao su được nghiên cứu có hệ thống đã giúp rất nhiều cho những người trồng cao su ở Đông Dương.
Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Lúc bấy giờ, Hà Lan chiếm độc quyền sản xuất Quinine-phương thuốc duy nhất chữa bệnh sốt rét. Yersin gieo thử hạt Canh ki na ở Suối Dầu nhưng thất bại.
Năm 1917, Yersin trồng cây Canh ki na ở Hòn Bà- một ngọn núi gần Suối Dầu. Lúc đầu cây tăng trưởng tốt nhưng chết vì đất đai không thích hợp.
Tháng 7-1923 những cây Canh ki na tốt nhất ở Hòn Bà được đem lên trồng ở Dran và thu được kết quả tốt. Ông tiếp tục trồng trên cao nguyên Langbiang nhỏ và Di Linh.
Đến năm 1992, sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia, một tấm bia đá tạc ghi công trạng của bác sĩ Yersin bằng song ngữ Việt - Pháp mới được đặt tại đây.

          Bia ghi tiểu sử và sự nghiệp của ông bằng song ngữ Việt – Pháp
.
Năm 1936, cây Canh ki na được trồng quy mô lớn ở Lán Tranh và Di Linh.Từ đó, viện Pasteur Nha Trang chuyên bào chế thuốc, nghiên cứu về bệnh sốt rét và các loại vi trùng, ký sinh trùng gây bệnh cho người, súc vật và thảo mộc.
Ngày 28-6-1935, trường trung học Yersin được khánh thành ở Đà Lạt. Yersin trở về Đà Lạt lần cuối cùng trước khi mất. Nhân dịp này, đáp lại lời phát biểu của một học sinh, ông đã trình bày cảm tưởng khi đặt chân lên cao nguyên Langbiang: “Không khí mát mẻ đã làm tôi quên đi mệt nhọc và tôi nhớ lại niềm vui được chạy hết tốc lực lên xuống những ngọn đồi như một học sinh trung học trẻ tuổi”.
Ngày 1-3-1943, Yersin thanh thản qua đời tại Nha Trang, hưởng thọ 80 tuổi. Trùng với ngày Ông lãnh trọng trách mở trường Thuốc đầu tiên tại Hà Nội, nay là trường Đại học Y Hà Nội. Hàng ngàn người dân Nha Trang đã đưa linh cữu ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Kết thúc một ngày làm việc cật lực, 19 giờ tối tôi bảo lái xe đưa đến tận Văn phòng Ủy ban để cảm ơn chủ tịch.  Anh Nguyễn Thiết Hùng vẫn ngồi chờ chúng tôi. Và một bữa cơm đạm bạc được mấy cô văn phòng dọn lên. Bữa cơm đầy tình đầy nghĩa của một vị quan đầu tỉnh với các nhà văn, nhà thơ.
(Còn tiếp)
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 18/3/2019
Nhà thơ Xuân Bảo.
--------------------------


3.     NHÀN DU VỀ ĐẤT VÕ TÂY SƠN
                                      (Tiếp theo)

Những bài thơ viết về Nha Trang

Năm ngoái, khi dự Trại Sáng tác Nha Trang, nhà thơ Hoàng Văn Bảy đã chọn một đề tài mà cả Trại không ai nghĩ đến. Mặc dù, những ngày ở đó trại viên luôn được tiếp xúc với cái tên thân thuộc- Yersin! Đường mang tên Yersin, bảo tàng Yersin, tượng đài Yersin…Tiếc thay! Và đây là bài thơ:

Về đây bỗng nhớ một người

Về đây bỗng nhớ một người
Tên Ông đi vào huyền thoại
Cả cuộc đời cho xứ này
Đất Việt còn ghi nhớ mãi

Yersin -Ông Năm xóm Cồn
Người tìm phố hoa Đà Lạt
Người tìm vi trùng sốt rét
Cao su cho cả Đông Dương

Nha Trang -Ông chọn quê hương
Di chúc Ông còn mãi mãi
Những điều cùng Ông ở lại
Tên Ông cho những con đường
Nha trang 11/2018
Hoàng Văn Bảy.

Tôi chọn bài thơ này vì ở Phần thứ 2 ký sự Nhàn du về đất võ Tây Sơn tôi đã giật cái tít Đến Nha Trang nhớ một người. Và cũng bởi vì
khi tôi viết những dòng này thì đúng vào ngày giỗ của nhà bác học lỗi lạc A.É.J. Yersin, mùng 1 thảng 3 năm 1943 – mùng 1 tháng 3 năm 2019.
Nha Trang không những là thành phố xinh đẹp, hiền hòa – thành phố du lịch nổi tiếng mà còn là nơi hội tụ nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi. Trong buổi ra mắt Chi hội Hội Nhà văn Khánh Hòa, tôi đã quen biết thêm nhiều nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Gia Nùng, Cao Duy Thảo, Cao Linh Quân, Quý Thể, Lê Khánh Mai…Dịp này, tôi biết nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, vợ nhà văn Hoàng Quốc Hải và trở nên thân thiết cho đến bây giờ.
Ở đây, tôi đã được nhà thơ Hữu Thỉnh nhờ một việc quan trọng. Đó là, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập. Không may, nhà văn bị đột quỵ phải cấp cứu tại bệnh viện Trung ương Đà Nẵng. Nhà thơ Hữu Thỉnh mang sứ mệnh đặc biệt là người được Nhà nước ủy quyền trao tặng huân chương. Hữu Thỉnh biết tôi có quen biết nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nên ngỏ ý nhờ tôi mượn chiếc xe con đi ngay ra Đà Nẵng, sợ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ra đi mà chưa được nhìn thấy tấm huân chuong cao quý này. Sau buổi lễ ra mắt, các nhà văn trong Chi hội Khánh Hòa đang vui liên hoan ở nhà hàng Mê Trang, có chủ tịch Nguyễn Thiết Hùng và chánh văn phòng tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Thường chung vui. Khi nghe xong câu chuyện, thời gian qúa gấp rút, đường thì xa, từ Nha Trang ra Đà Nẵng ngót nghìn cây số, máy bay thì cũng phải tới mấy ngày hôm sau mới có chuyến. Tôi nghĩ đừng bao giờ các nhà thơ mơ tưởng đến chuyện được đi chuyên cơ, ngoại trừ nhà thơ Azendé của Chi Lê! Làm sao đây? Tôi xin nói chuyện với anh Nguyễn Thiết Hùng về việc mượn xe. Anh Thiết Hùng trao đổi với anh Mạnh Thường. Anh Mạnh Thường gọi điện về văn phòng và chỉ chừng mươi lăm phút sau xe đã tới. Nhà thơ Hữu Thỉnh vội đứng lên chào anh Thiết Hùng và anh Mạnh Thường và toàn thể các vị có mặt tại buổi tiệc, vội vã ra xe ngay.
Có một buổi tối, Trại tổ chức giao lưu giữa Hội Văn học – Nghệ thuật Khánh Hòa với các trại viên dự Trại của Đồng Nai. Trong buổi gặp gỡ này, tôi bất ngờ được “mang lon trung tá của Quân lực Việt Nam cộng hòa”. Nữ nhà thơ Thiên Th. đến ngồi cùng bàn với tôi và nhắc lại câu chuyện khi nhà thơ còn là phóng viên của tờ Tiền tuyến (do tướng Cao Văn Viên làm chủ bút). Thiên Th. nói: Em nhớ mà, khi bọn em nhảy dù xuống mặt trận Đồi Charle, anh đã đón tiếp chúng em rất nhiệt tình và chu đáo. Tôi ngớ người ra, vì tôi chưa bao giờ là người lính của quân lực cộng hòa và cũng chưa bao giờ là người chỉ huy trên mặt trận Đồi Charle cả. Nhưng Thiên Th. thì cả quyết một mực tôi là “trung tá quân lực Việt Nam cộng hòa”. Bé cái nhầm!
Mấy hôm sau chúng tôi lại có dịp hội ngộ. Trong một đêm mưa gió, tôi và Thiên Th. ngồi trên bờ ngắm nhìn biển đêm Nha Trang. Tôi đã làm bài thơ Nha Trang đêm huyền ảo. Bài thơ này đã in vào tập Âm vang một dòng sông (NXB Hội Nhà Văn – 2009).
Nha Trang đêm huyền ảo
Gửi Hải Âu
Đêm tối đen mưa rơi
Mặt Hằng Nga đẫm lệ
Những ngọn núi chơi vơi
Bồng bềnh trôi trên biển

Nha Trang, em và tôi
Hòa vào đêm tan biến
Cùng những giọt mưa rơi
Ta về miền mộng ảo

Gió không còn mơn man
Ào ào dâng lên bão
Chao đảo giữa mây ngàn*
Đôi cánh chim không mỏi

Mưa rơi, mưa cứ rơi
Tay cầm tay hơi ấm
Truyền vào nhau đêm nay
Nồng nàn trong mưa lạnh
_________
*Thơ Thiên Thanh.
Lại có một buổi tối, tôi và Khúc Tuyết Cầm, sinh viên năm cuối của Đại học Văn hóa Khánh Hòa. Tuyết Cầm học khoa hội họa, bộ môn điêu khắc. Đêm hôm đó Nha Trang bị mất điện, tôi và Tuyết Cầm ngồi trên bậc thềm Nhà Sáng tác, chỉ có ánh sao làm bạn.  Em thủ thỉ với tôi rằng ngày mai đã bước vào thực hiện đề tài khảo hạch cuối khóa mà trong tay không có lấy một đồng để làm bài.
Tôi hỏi: Em định làm luận án tốt nghiệp bằng chủ đề gì?
Em bảo: Muốn tôn vinh người đàn bà như thời Phục hưng của các họa sĩ nổi tiếng. Em đã học và biết rằng trong chính trị, Phục Hưng đã đóng góp vào sự phát triển những hiệp ước ngoại giao, và trong khoa học là một sự quan tâm lớn hơn tới quan sát thực nghiệm. Các sử gia thường lập luận những biến đổi về trí tuệ này là một cầu nối giữa Trung cổ và thời Hiện đại. Mặc dù Phục Hưng chứng kiến những cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực, cũng như những thay đổi chính trị-xã hội, nó vẫn được biết đến nhiều nhất bởi những thành tựu lớn lao về mỹ thuật và những cống hiến của những vĩ nhân đa tài như Leonardo da Vinci hay Michelangelo đã làm xuất hiện thuật ngữ Vĩ nhân Phục Hưng (“Renaissance Great Man”). Có một cuộc tranh luận kéo dài trong giới sử học về quy mô, phân kì của văn hóa và thời đại Phục Hưng, cũng như giá trị và ý nghĩa của nó. Bản thân thuật ngữ Renaissance, do nhà sử học Pháp Jules Michelet đặt ra năm 1855 cũng là đối tượng của những chỉ trích, rằng nó ngụ ý một sự mô tả thái quá về giá trị tích cực của thời kỳ này.
Tôi bảo, cần bao nhiêu để tôi hỗ trợ và vận động tài trợ.
Em bảo: Xin cảm ơn ông có lòng tốt đối với em!
Tôi nửa đùa, nửa thật nói với em: Em hãy ra mấy hiệu Fashion xin một cái ma nơ canh đem về rồi xúc đất sét trộn bùn trét lên chừng nào em thấy đủ độ “Phong nhũ phì đồn” (của Mặc Ngôn – Trung Quốc. Nobel Văn hoc 2015) thì dừng, rồi lấy ngón tay út rạch vào chỗ “quý”. Thế là xong. Em đem nộp cho trường. Tôi tin chắc luận án tốt nghiệp của Cầm sẽ đứng đầu!
Tôi chỉ cho Tuyết Cầm nhìn ra hai khối đá to nằm chồng lên nhau giữa biển, cách bờ không xa mấy. Hòn Chồng mờ mờ, ảo ảo hiện ra trước mặt chúng tôi. Và tôi đọc cho em nghe bài thơ Xứ Hòn Chồng. Đây là bài thơ họa của tôi, theo bài xướng Đá Chồng của nhà thơ Tú Thịt Hộp Võ Nguyện.
Xứ Hòn Chồng
Họa bài Đá Chồng của Võ Nguyện
Ta về thăm thú xứ Hòn Chồng
Bên biển Nha Trang lắm kẻ trông
Cổ tháp Lin-ga* bày cạnh núi
Khánh Sơn Yo-ní* trải bên đồng
Đồi trên mạnh bạo măng trồi mụt
Vườn dưới sum sê cải trổ ngồng
Nữ sĩ Xuân Hương mà sống lại
Khối tình cọ mãi có mòn không?
Tạm biệt cô sinh viên họ Khúc, quê Hải Dương! Tôi thầm mong đất nước ta sẽ có nhiều nhà điêu khắc nổi tiếng như các Cụ Phạm Bá Hạng, Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng.
Chúng tôi theo con đường mới phía bắc Nha Trang để về Đèo Cả.
(Còn tiếp)
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 20/3/2019
Nhà thơ Xuân Bảo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét