Trang

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

264. Nhàn du về đất võ Tây Sơn


264. NHÀN DU VỀ ĐẤT VÕ TÂY SƠN

Sau Tết Kỷ Hợi 2019, tôi bỗng muốn về thăm quê hương  Người anh hùng áo vải Tây Sơn Quang Trung Nguyễn Huệ nên quyết định về thăm Bình Định. Trước đó, ngày mùng 5 tháng Giêng ta tôi đã có bài viết về 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi 1789 - 2019
KỶ NIỆM CHIẾN THẮNG ĐỐNG ĐA NGỌC HỒI
" Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.”
(Ai tư vãn - LÊ NGỌC HÂN)..

Dọc theo bờ biển
Lần đi này tôi đi cùng vợ chồng cháu ngoại Trịnh Ngọc Hương Nam - Phan Vĩnh. Lại có cả 2 đứa chắt ngoại Phan An Nhiên, thường gọi là bé Andy 5 tuổi và Phan An Như, thường gọi là bé Apple mới mừng sinh nhật 2 tuổi hôm 16 tháng 1 năm nay, cùng ngày sinh với ông cố Xuân Bảo. Chuyến đi này còn có cháu ngoại Phạm Đình Long,thường gọi là Lôbô đang là học viên của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Chuyến đi kết hợp đưa cháu ra CLB Bóng đá Bình Thuận (Hoàng Anh Gia Lai cho mượn thủ môn).
Chúng tôi đi qua Tuy Phong, huyện cuối của Bình Thuận. Tôi bỗng nhớ cách đây hơn 20 năm khi ra dự Lễ kỷ niệm 70 Ngày thành lập nhà máy Nước suối Vĩnh Hảo. Chúng tôi, đoàn nhà báo của tờ Người Đại biểu Nhân dân (của Quốc hội) được các anh lãnh đạo tỉnh mời dự. Đến nơi đây, chúng tôi được biết thêm một chi tiết thú vị. Đó là khi vua Chế Mân cùng hoàng hậu Huyền Trân đi thăm thú đầu nguồn con suối.Tại đây, Huyền Trân công chúa đã trả lời câu hỏi của chồng rằng con suối này có nguồn nước rất tốt. Chế Mân nói: Thế nên đặt tên cho con suối này là Vĩnh Hảo.
Chế Mân Jaya Simhavarman III, là vị vua thứ 34 của vương quốc Chiêm Thành (tức là vua thứ 12 của Triều đại thứ 11) vào thế kỷ 14. Trị vì từ năm 1288 đến năm 1307.
Trước đó, ông là thái tử với tước hiệu Bổ Đích tức Sri Harijit Po Devada Svor, là con của vua Indravarman V và hoàng hậu Gaurendraksmi. Ông vốn có tài thao lược, vào năm 1282, khi Hốt Tất Liệt với hơn 500 ngàn quân Mông Cổ tấn công Chiêm Thành, ông đã chỉ huy quân đội kháng chiến. Điều khiển 20 ngàn quân Chiêm, được Đại Việt yểm trợ ngăn chặn đường bộ quân Nguyên, ông chống cự lại được quân xâm lăng trong nhiều năm liền và sau đó quân Nguyên bỏ mộng xâm lược Chiêm Thành và Đại Việt.
Thái tử trở thành anh hùng dân tộc và năm 1288 lên ngôi nối nghiệp cha, lấy hiệu Sinhavarman III.  Chế Mân là một vị vua anh minh, lại thương dân và hiếu hòa, nên được nhân dân rất tôn trọng.
Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông của Đại Việt nhận lời mời du ngoạn vào Chiêm Thành, được Chế Mân tiếp đãi nồng hậu, có ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Trần Nhân Tông có hứa gả con gái là Huyền Trân cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất hoàng hậu Tapasi, người Java (Indonésia) ngày nay). Năm 1306, Jaya Sinhavarman III dâng hai châu Ô và châu Lý (cũng gọi là châu Rý) từ Quảng Bình đến Quảng Nam cho nhà Trần làm sính lễ cầu hôn với Huyền Trân công chúa.
Huyền Trân về Chiêm Thành, được phong làm hoàng hậu Paramecvari. Một năm sau đó, vừa sinh xong hoàng tử Chế Đa Đa, thì tháng 5 năm 1307, quốc vương Chế Mân qua đời. Vua Trần Anh Tông biết tin, sai Trần Khắc Chung sang viếng tang, tìm cách cứu Huyền Trân đem về.
Chiêm Thành coi sự việc này là quốc nhục và các vị vua Chiêm kế tiếp đã từng dùng vũ lực, vào các năm 1311, 1312,1317 - 1318, 1326 và 1353, nhằm đòi Đại Việt trao trả cho vương quốc này hai châu Ô, Lý nhưng không thành công.
***
Cuối huyện Tuy Phong mọc lên một chùm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Đèn điện sáng choang thấy rõ khói bụi than đang bay mù trời. Gió thổi từ biển vào liệu có mang theo bụi than đáp xuống đầu nguồn suối Vĩnh Hảo không nhỉ?
Sau khi Chủ tịch tỉnh Bình Thuận yêu cầu Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, phải có đề án “đầu ra”, xử lý và tiêu thụ tro, xỉ than, mới cho phép vận hành. Yêu cầu với nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là vậy, nhưng trên thực tế tại 2 nhà máy nhiệt điện than khác là Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, cũng không khỏi lo âu, khi đầu ra cho tro, xỉ than cũng bức bách không kém.  Tỉnh Bình Thuận yêu cầu Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 phải lập và phê duyệt “Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ”, trước khi đưa vào vận hành thương mại theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Trên tinh thần “xử lý, tiêu thụ tro, xỉ” , tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty cổ phần đầu tư Mãi Xanh đã có dự án “sản xuất gạch không nung” từ nguồn nguyên liệu tro, xỉ (công suất 4.500 tấn tro xỉ/ngày). Hiện Công ty Mãi Xanh đã hoàn thành các thủ tục về môi trường, đất đai, xây dựng và khởi công xây dựng từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án đến nay rất chậm.
Tới giữa tháng 8.2018, Mãi Xanh mới xây dựng xong 1/7 nhà xưởng và lắp ráp 3/28 dây chuyền. Dự án mới hoạt động một dây chuyền, trong khi khách hàng sử dụng gạch không nung từ tro, xỉ rất ít ỏi. Theo một cán bộ Công ty Mãi Xanh, nếu tro, xỉ được chở về TP HCM sẽ dễ tiêu thụ hơn; tuy nhiên, việc vận chuyển đường xa là không khả thi, gây ô nhiễm môi trường và tăng chi phí.
Trong lúc đó, Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân cho biết: Công ty đã làm việc với  tập đoàn INSEE (Siam City Ciment) về sử dụng tro bay của nhà máy Vĩnh Tân 2 để làm phụ gia xi măng của tập đoàn này, nhưng mọi thứ còn đang trên bàn đàm phán. Ngoài ra, Vĩnh Tân 2 cũng đang rốt ráo tìm kiếm đầu ra khác cho tro, xỉ như: cung cấp tro bay cho các nhà máy xi măng, xuất khẩu tro, xỉ; tìm đối tác cần tro, xỉ làm vật liệu san lấp mặt bằng.v.v…
Riêng tỉnh Bình Thuận cũng nỗ lực tạo điều kiện cho một nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng từ tro, xỉ. Nếu nhà máy này sớm hình thành sẽ xử lý được 56.000 tấn tro bay mỗi năm. Ngày 16.7.2018, Công ty THT đã thử nghiệm vận chuyển 2.500 tấn tro bay của nhà máy Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4,  xuất cho Công ty Hứa Gia, bằng tàu biển tại cảng Tổng hợp Vĩnh Tân.
Nếu cho việc tiêu thụ tro bay bằng đường biển thành công, cũng là một lối ra cho tro, xỉ than tại “chùm” nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận. Tuy nhiên đòi hỏi phải có tàu phù hợp để vận chuyển tro bay và phải trung chuyển bằng xe bồn từ nhà máy tới cảng. Mặt khác, chi phí thuê tàu và bến bãi rất cao cũng là nguyên nhân chính gây khó khăn trong việc tiêu thụ tro, xỉ.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng chưa ban hành tiêu chuẩn sử dụng tro, xỉ để làm vật liệu san nền và đường giao thông, cũng là hạn chế cho đầu ra của tro, xỉ từ “chùm” nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân…
Trong khi chờ Bộ Xây dựng ban hành bộ tiêu chuẩn tro, xỉ, thì trên thực tế, tro, xỉ thải ra từ các nhà máy Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 vẫn không ngừng tăng. Tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, lượng tro, xỉ tồn khá nhiều. Bãi tro đã cao ngất ngưỡng và sắp tới sẽ đạt cao trình 27m (hiện tại đã 16m)…Mặc dù Nhà máy Vĩnh Tân 2 đã nỗ lực san gạt, đầm nén theo quy định, tưới nước thường xuyên, làm các đường ống dẫn nước cố định để tưới phun trên nền đổ tro xỉ… Tuy nhiên, mỗi khi có gió thổi mạnh vẫn phát tán bụi bay… Nhà máy Vĩnh Tân 1 thì có bãi chứa rộng 59 ha.
Một chuyên gia về nhiệt điện cho biết: Với 2 nhà máy Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4 đang hoạt động và sử dụng bãi chứa tro, xỉ, có diện tích 38,3 ha, sức chứa gần 10 triệu m3. Với tốc độ chôn lấp tro, xỉ như hiện nay, nếu không có đầu ra xử lý tro, xỉ, thì đến 2021, bãi chôn lấp trên sẽ được lấp đầy và quá tải.
Nhân dân huyện Tuy Phong đã nhiều lần kiến nghị xử lý ô nhiễm từ bụi tro thanh và xỉ than.
Tôi tự hỏi và tự trả lời là chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước tinh khiết của Vĩnh Hảo! Còn tốt vĩnh viễn được không cho nước suối Vĩnh Hảo?
Khu vực này còn có hàng chục trụ điện gió. Người ta thường gọi là Cánh đồng điện gió Tuy Phong - Bình Thuận   Sau hơn 3 tháng khởi công xây dựng và lắp đặt, 14h30 ngày 21 tháng 8 năm 2009, tuyếc-bin điện gió đầu tiên công suất 1,5MW tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã khởi động an toàn và phát điện.
Đây là dự án phong điện có quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam, do Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) làm chủ đầu tư. Dự án nhà máy phong điện của REVN có tổng công suất là 120 MW với 80 tuyếc-bin sẽ hoàn thành vào năm 2011, được thực hiện theo nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 20 tuyếc-bin có chiều cao cột 85m, đường kính cánh quạt 77m, công suất 1,5MW, tổng trọng lượng tuyếc-bin là 89,4 tấn, cột tháp là 165 tấn. Toàn bộ thiết bị hiện đại của nhà máy do Fuhrlaender, một hãng chế tạo thiết bị phong điện nổi tiếng thế giới của CHLB Đức cung cấp và được cán bộ, kỹ sư và chuyên gia của Công ty cổ phần phong điện Fuhrlaender Việt Nam lắp đặt, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lớn tới 816 tỷ đồng.
Như vậy, Bình Thuận là tỉnh có 2 hình thức 4 nhà máy nhiệt điện, và một nhà máy phong điện.
                                                          ***
Chúng tôi ghé vào một nhà hàng mang tên Biển Vĩnh Hảo, cách Cà Ná 2 cây số dùng cơm tối. Thực đơn do Hương Nam chọn, các món ăn đều là hải sản của vùng biển này, tươi ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên giá cả thì không rẻ chút nào. Bữa cơm chỉ có mấy món cá, không rượu bia mà hóa đơn tính tiền lên hơn triệu mốt đồng.
Xe chúng tôi vào địa phận Phan Rang – Tháp Chàm, một tỉnh nghèo, đất đai khô cằn và ở đây quanh năm suốt tháng chỉ có nắng và gió! Tôi sực nhớ có lần đi với nhà văn Vũ Bão để viết cho tờ báo Đường Sắt Việt Nam. Cố nhà văn Vũ Bão đã tổng kết Ninh Thuận là tỉnh “3 ninh” và “1 rang”. 3 Ninh là ninh cho dừ gồm Ninh Sơn, Ninh Hải và Ninh Phước. 1 Rang là rang cho nóng bỏng, có thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Nền kinh tế Ninh Thuận chủ yếu dựa vào nuôi dê cừu và trồng nho. Đời sống của nhân dân còn rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn nước ngọt! Ninh Thuận cũng là quê hương của vị tổng thống Đệ nhị cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, tại làng Tri Chỉ, Ninh Chữ. Trước đây, khi ra làm việc với lãnh đạo Ninh Thuận, chúng tôi được đến thăm nơi này.
Gần 22h, xe đến Ba Ngòi thì rẽ tay phải sang sân bay Cam ranh. So với đầu năm 2016, khi tôi cùng mẹ con Bích Hạnh ra Nha Trang khi sân bay này đang còn là sân bay nội địa thì nay đã nâng tầm lên một sân bay quốc tế. Sân bay Cam Ranh có rất nhiều máy bay của các hãng hàng không quốc tế đậu đỗ, có đường bay thẳng đến các nước trên thế giới. Chung quanh khu vực sân bay đã mọc lên nhiều khối nhà building, có nhiều nhà cao tới 18, 20 tầng. Con đường ven biển từ Cam Lâm ra Nha Trang đã thành con đường hai chiều, rộng thoáng. Đoạn bờ biển gần vào thành phố đã dày đặc nhiều resort, khách sạn.
Tôi còn nhớ một kỷ niệm: Khi xe của đoàn nhà văn chúng tôi ghé bãi đậu xe cạnh bờ vực nhìn xuống vịnh thì trước đó chứng vài phút đã có một chiếc xe chở các ma-xơ dừng đỗ. Tôi bước xuống xe thì có 2 ma-xơ chạy đến và chào tôi "Con chào cha!". Tôi buột miệng" Cha ban phước lành cho các con!". Chắc vì biệt tôi không phải là linh mục nên các ma-xơ chạy đi!
Thành phố Nha Trang hiện ra trong sắc màu tươi tắn còn nguyên dạng những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Nha Trang cũng là thành phố du lịch nổi tiếng. Có rất nhiều, rất nhiều khách sạn, từ 3 sao đến 5 sao mọc lên không những ở ven biển mà còn tọa lạc cả trong nội ô.
Chúng tôi nghỉ lại tại Harvay hotel & Apartements. Giá phòng tương đối dễ chịu. Phòng đơn 700 ngàn đồng/phòng.
Sáng hôm sau, chúng tôi tham quan thánh phố, chủ yếu chạy dọc bờ biển. Đến đoạn đường Phạm Văn Đồng, tôi nhớ đến Nhà Sáng tác của Bộ Văn hóa và Hội Nhà văn, mà nhiều lần tôi đã tham dự Trại, nhưng tìm mãi không ra, nhiều nhà mọc lên thay đổi diện mạo đường phố này.
(Còn tiếp)
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 13/3/2019
Nhà thơ Xuân Bảo.


------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét