Trang

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

263.Chúng tôi thăm Văn miếu Trấn biên Biên Hòa


263.CHÚNG TÔI THĂM VĂN MIẾU TRẤN BIÊN BIÊN HÒA

Lời tác giả.Danh xưng Văn miếu Trấn biên không chỉ dành riêng cho Biên Hòa mà còn có Văn miếu Trấn biên Vĩnh Long, Văn miếu Trấn biên Phú Yên, Văn miếu Trấn biên Phú Xuân…

Theo Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì: “…Ở địa phận thôn Bình Thành và thôn Tân Lại, huyện Phước Chánh, cách phía tây hai dặm rưỡi. Đời vua Hiển Tông năm Ất Mùi thứ 25,(1715), Trấn thủ Dinh Trấn biên là Nguyễn Phan Long, ký lục Phạm Văn Đức lựa chỗ đất xây dựng lên ban đầu, phía nam hướng ra sông Phước, phía bắc dựa theo núi rừng, núi sông thanh tú, cỏ cây tươi tốt. Năm Giáp Dần thời Trung hưng (1794) Lễ bộ Nguyễn Hồng Đô khâm mạng giám đốc trùng tu, giữa làm Đại thành điện và Đại thành môn, phía đông là Thần miếu, phía tây là Dục thánh từ, trước xây tường ngang, phía tả  có cửa Kim thanh, phía hữu có cửa Ngọc chấn, chính giữa sân dựng Khuê Văn các treo trống chuông trên đấy, phía tả có Sùng Văn đường, phía hữu có Duy Lễ đường. Chu vi bốn mặt ngoài xây thành vuông, mặt tiền làm cửa Văn miếu, phía tả phía hữu có 2 nghi môn, rường cột chạm trổ, quy chế tinh xảo, đồ thờ gồm có những thần bài, khám vàng, ve chén và đồ phủ quỹ biên đậu (đồ dùng đựng vật cúng tế) đều chỉnh nhã tinh khiết. Trong thành trăm hoa tươi tốt, có những cây tùng, cam, quýt, bưởi, xoài, chuối và quả hồng xiêm đầy rẫy sum suê, quả sai lại lớn, hàng năm hai lệ tế Xuân và Thu. Khâm mạng vua, Tổng trấn quan làm lễ, phân hiến hai bên thì dùng Trấn quan và Đốc học quan, kỳ dư đều đứng bồi tế, lễ đặt 50 lễ sanh và 50 phiếu phụ, đều lo làm chức phận…”
***
Nhân đám cưới của Nguyễn Triệu Phú, cháu đích tôn của vợ chồng tôi, cậu em ruột nhà tôi Nguyễn Viết Thọ và cháu Tép con của cậu em Nguyễn Viết An từ Hà Nội bay vào. Ông anh cả nhà tôi Nguyễn Viết Thanh và gia đình người con thứ của anh chị Nguyễn Viết Lợi cùng lên Biên Hòa dự lễ thành hôn.
Tôi muốn anh Thanh cùng cậu Thọ biết thêm vế một nét của “Xứ Đồng Nai khoai củ” nên mời đi thăm Văn miếu Trấn biên Biên Hòa. Cậu cả nhà tôi luật sư Nguyễn Triệu Quang lái xe đưa chúng tôi đi tham quan.
Một buổi sáng cuối năm Tây, trời se se lạnh, có những giọt mưa bụi. Chúng tôi vào cổng chính, nơi có Khuê Văn Các lộng lẫy, cao hơn so với Khuê Văn Các Văn miếu Quốc tử giám Thăng Long Hà Nội; thăm Nhà bia có bài bia ký của giáo sư – anh hùng lao động Vũ Khiêu viết theo thể phú tứ lục; thăm Thiên quang tỉnh có rất nhiều loại cá đang bơi lội…
Để có tư liệu, tôi vào văn phòng ban Quản lý di tích và hỏi xin (mua cũng được) sách hướng dẫn và tài liệu về di tích này. Cô nhân viên đưa cho tôi mấy tờ bướm Văn miếu Trấn Biên. Xem xong, tôi thấy rất tiếc là một công trình đồ sộ, nguy nga như vậy mà tờ giới thiệu lại không đầy đủ. Nhất là, mới đây Đồng Nai đã cho xây vườn tượng với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Điều đáng mừng là Đức Vạn thế sư biểu Khổng Tử không còn là một bức phù điêu mà đã xây một bức tượng toàn thân đồ sộ.


Ảnh. Nhà thơ Xuân Bảo và người anh cả Nguyễn Viết Thanh - của nhà tôi trước Nhà Bia Văn miếu Trấn Biên Biên Hòa.

            Chúng ta – những người Việt hôm nay – được sống trên mảnh đất hình chữ S này luôn ghi lòng tạc dạ công đức của các bậc tiên hiền như lời thơ hào sảng của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ:
          Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.


Ảnh. Nhà thơ Xuân Bảo trước tượng Đức Vạn thế sư biểu Không Tử.

          `Khổng Phu Tử. Sinh: 551 Trước CN, tại nước Lỗ và Mất: 479 Trước CN, cũng tại nước Lỗ, quê hương của Ngài.
Khổng Tử là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu hay Khổng Khưu tự Trọng Ni. Ông được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông. Và được tôn vinh là Người thầy của vạn đời sau: Vạn thế sư biểu.
Ở Văn miếu Quốc tử giám Thăng Long thờ Đức Khổng Tử cùng với người thày đầu tiên của Đại Nam quốc là Chu An, thường giọi là Chu Văn An – người đã dâng lên vua bức Thất trảm sớ nổi tiếng.



Ảnh. Con trai cả, luật sư Nguyễn Triệu Quang của nhà thơ Xuân Bảo cùng chú em nhà tôi Nguyễn Viết Thọ.

Học thuyết của Khổng Tử có đề cập đến “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Những ông vua của nước ta. Những ai thấm nhuần lời dạy này thì lấy được cả thiên hạ. Còn những ông vua dốt nát thì chỉ lo hoang dâm vô độ đến nỗi mất nước, mất cả cơ đồ!
Muốn tu thân thì phải Thành ý, Chính tâm, rồi mới tu thân. Đã tu được thân thì sẽ tề được gia, có tề được gia thì mới trị được nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh thừa hưởng tinh hoa của học thuyết này mà dạy cho cán bộ, đảng viên phải luôn luôn thực hành: Cần, Kiệm, Liêm, Chính Chí công vô tư.
Chúng tôi đến tham quan Văn miếu để rồi ngẫm nghĩ về thời cuộc. Chúng tôi muốn những ông quan thời nay gắng mà học lấy những gì mà những bậc tiên hiền đã dạy để bớt đi những tệ quan liêu, tham những. Có như thế đất nước này mới tiến bước vững vàng trên con đường độc lập, tự chủ.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 10/02/2019.
Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét