Trang

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

266. Nhàn du về đất võ Tây Sơn


4. NHÀN DU VỀ ĐẤT VÕ TÂY SƠN
(Tiếp theo)
Thăm Ghềnh Đá Dĩa. (Miền Bắc gọi là Đĩa)
Tới những địa danh tôi từng đi qua và về công tác nơi đó tôi thường nhắc cho hai vợ chồng Hương Nam và cháu Phạm Đình Long (Lôbô) biết.
Xe chúng tôi chạy thẳng một mạch từ Nha Trang, lên lại Quốc lộ 1A. Khi đến ngã ba Ninh Hòa rẽ trái lên Quốc lộ 26 đi Buôn Mê Thuột tôi bỗng nhớ nhiều lần đi trên con đường này. Con đường này không có những cái đèo nguy hiểm như đèo Ngoạn Muc (Quốc lộ 27) hay là đèo Măng Giang hay An Khê (Quốc lộ 19), đèo Bảo Lộc (Quốc lộ 20) hoặc đèo Lò Xo ở Kon Tum…Ở đây có một cái đèo dài tới 15 km mang tên đèo Phượng Hoàng, lượn lên lượn xuống qua những quả đồi thoai thoải trên cao nguyên Trung phần. Đèo Phượng Hoàng có rất nhiều quán tạm hai bên đường. Tôi đã viết cái phóng sự điều tra Những cô gái xách giỏ, nói về số phận những cô gái “bán hoa”, chủ yếu cho các bác tài lái xe tải từ xứ sở Cà phê Trung Nguyên về xuôi.
Lại có một kỷ niệm khác. Đó là khi tôi và đoàn cán bộ của Trung tâm Thông tin Nghiên cứu khoa học và Thư viện của Văn phòng Quốc hội về làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đác-Lăk. Xe chúng tôi đến Buôn Mê Thuột thì Nguyễn Thạch Toàn (cháu đích tôn của cố nhà văn Nguyễn Tuân, con trung tướng Trần Xuân Trường) đề nghị ghé một quán cà phê ngon đặc biệt để thưởng thức. Mọi người uống không sao, riêng tôi bị say cà phê. Nó cứ ngầy ngật rất khó chịu. Bữa cơm tối tôi không dự cùng các đại biểu Quốc hội Đác-Lắc. Văn phòng Đoàn Đại biểu tỉnh bố trí cho chúng tôi nghỉ tại khách sạn Cao Nguyên. Hôm sau, khi làm việc xong, phó Đoàn Đại biểu Quốc hội Võ An Bang biếu chúng tôi mấy cái ná (thu nhỏ) làm quà kỷ niệm.
Qua huyện Vạn Ninh là huyện giáp với Phú Yên. Gần trưa, chúng tôi đến thị trấn Đại Lãnh dưới chân Đèo Cả. Đây là một bãi biển rất đẹp, có mực Đại Lãnh rất ngon ngọt. Thị trấn đã được xây dựng khang trang. Song không hiểu vì sao cái khách sạn – nhà hàng Cholimex, từ thời ông Nghị Đoàn làm bí thư quận ủy Quận 5 nằm yên đã gần 40 năm còn trơ khung và hình như chủ nhân của nó đã bỏ phế?!
Bãi biển Đại Lãnh từng là nơi gợi tứ cho cố nhà thơ Thu Bồn viết cái ký Thiên hà mặt đất, đăng trên tạp chí Cửa Việt và hứng chịu nhiều tai tiếng? Tôi còn nhớ một lần ra Quảng Trị tới thăm tạp chí Cửa Việt của Hội Văn học-Nghệ thuật đóng tại thị xã Quảng Trị do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường làm tổng biên tập. Hoàng Phủ Ngọc Tường nói với nhà văn Nguyễn Quang Lập soạn cho tôi trọn bộ tạp chí Cửa Việt (bộ mới) từ số 1 đến số 17.
Trong những số tạp chí này tôi đọc có bài thơ Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ của Nguyễn Duy và có cái ký Thiên hà mặt đất của Thu Bồn.
***
Tới đầu hầm Cổ Mã, tôi bảo cháu Phan Vĩnh ghé xe vào chốt gác hỏi có được chụp ảnh không. Họ bảo không. Thế là xe qua hầm thứ nhất chỉ có mấy phút, bởi vì hầm chỉ dài có 500 mét rồi mới vào hầm chính. Tổng kinh phí xây dựng hầm Cổ Mã, đường dẫn và cầu trên tuyến (hình thức BT) 4.509 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư 539 tỷ đồng (phần vốn ngân sách nhà nước). Hầm xuyên núi Đèo Cả dài 4,1Km, theo hình thức BOT tổng vốn đầu tư là 10.555 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả.
Hầm đường bộ Đèo Cả là một hệ thống đường hầm thay thế cho Đèo Cả vốn rất hiểm trở và nguy hiểm. Đường hầm này nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, nằm trên tuyến đường Quốc lộ 1A huyết mạch của cả nước.
Hầm được khởi công ngày 18 tháng 11 năm 2013, hoàn thành và thông xe vào ngày 21 tháng 8 năm 2017. Đây là hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam và là hầm dài thứ hai trong cả nước, đứng sau Hầm Hải Vân.
Đoạn đường dẫn phía Nam kết thúc bằng nút giao hợp thể, một đường đi khu kinh tế Vân Phong, một đường nối tiếp Quốc lộ 1A.
Hầm đèo Cả do Nhật Bản thiết kế, chủ đầu tư là doanh nghiệp VN, sử dụng nguồn vốn vay trong nước, được thi công theo công nghệ làm hầm NATM của Áo. Ba nhà thầu của VN đảm nhiệm; tư vấn giám sát ban đầu cũng là Nhật, nhưng đến nay thì chỉ còn một số chuyên gia, còn đa số là người VN.
Về khu tái định cư, sẽ có 2 khu thuộc hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Khu tái định cư phía Phú Yên sẽ được xây dựng với kinh phí khoảng 120 tỷ đồng trên 8,5 ha, phục vụ cho 156 hộ dân bị ảnh hưởng. Còn ở phía Khánh Hòa, khu tái định cư sẽ nằm ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh phục vụ cho gần 200 hộ dân.
Đoạn đường qua Đèo Cả dài 12 Km và hiểm trở, nhiều khúc cua gấp với bán kính cong nhỏ, độ dốc dọc lớn, gây nguy cơ mất an toàn giao thông nhất là với các xe tải nặng, xe siêu trường, siêu trọng. Khu vực này cũng thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông do đất đá trên đèo bị sụt lở. Vì vậy việc đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác của Quốc lộ 1A là rất cần thiết.
Trạm thu phí BOT Hầm Đèo Cả thu xe 4 chỗ là 52.000 đồng. Điểm cửa hầm phía Bắc là thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đến Hảo Sơn, tôi lại nhớ năm 1998 lần về họp Kỷ niệm báo Người Đại biểu Nhân dân khi trở vào, đến chân đèo Cả thì xe gãy rơi mất ống pô. Chúng tôi không ghé gara nào dọc đường để hàn pô mà cứ thế thẳng tiến về Biên Hòa. Thiếu tá Hồ Viết Năng, bạn tôi đã từng là Trưởng đoàn Đoàn Văn công 559, bộ đội Vận tải Trường Sơn lái xe đi cùng tôi ra Hà Nội. Lúc chiếc xe cà tàng của tôi mang nhãn hiệu Nhật hẳn hoi mà đến thủ đô thì chỉ còn một bánh còn dính phanh, ba bánh kia thì không còn chút bố nào! Mấy tay thợ máy sửa chữa gọi chúng tôi là các bố già điếc không sợ súng!
Trên xe, cháu Hương Nam cứ lấy điện thoại thông minh ra dò đường bằng Maps Google. Thế mà đến vòng xoay cuối huyện, cháu lại chỉ nhầm đường cho nên phải quay lại Tuy Hòa. Tuy Hòa là thành phố tỉnh lỵ của Phú Yên.
Nhiều lần tôi về làm việc với tỉnh Phú Yên. Các anh ở Văn phòng Ủy ban tỉnh thường bố trí cho chúng tôi nghỉ ỏ nhà khách gần bờ biển. Ở đây tôi quen đồng chí Nguyễn Văn V, chánh văn phòng, người Quảng Trị. Buổi tối, dạo chơi trên bãi cát, chúng tôi gặp các cháu cũng ra chơi tại đây. Hỏi chuyện các cháu, các cháu thường trả lời có kèm theo từ “nẫu”. Mãi sau này chúng tôi mới hiểu ra cái từ “nẫu”.
Người Phú Yên thường được gọi là “dân xứ Nẫu” (họ, người ta).Có một câu đặc sệt phương ngữ xứ Nẫu: “Nẫu dzìa thì mược nẫu” mà phải dịch đến mấy lần chúng tôi mới hiểu rõ nghĩa, tức là Người về thì mặc họ. Dường như âm sắc rất nặng của người dân vùng duyên hải miền trung này cũng chất chứa gió biển và cát nóng, thể hiện đậm đà khí chất dân xứ Nẫu: cần mẫn, hiền lành, mà dí dỏm, phóng khoáng.
Thì ra cái gì cũng có nguồn gốc của nó. Hơn 400 năm trước, 3.000 lưu dân miền Thanh - Nghệ đã theo Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh – vào miền đất này. Cha ông thuở nào đã gửi gắm nguyện ước về một tương lai giàu có và yên bình vào những tên làng, tên xã nơi biên viễn trời nam. Rất nhiều tên làng ở đây được bắt đầu bằng chữ Phú, chữ An.. Dưới cấp huyện có cấp thuộc, dưới thuộc là các đơn vị hành chính như phường, nậu. Nậu là tổ chức quản lý của nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu nậu, ví như "nậu nguồn" là nhóm người khai thác rừng, "nậu nại" chỉ nhóm người làm muối... Sau này, các đơn vị hành chính đó bị xóa bỏ, khái niệm "nậu" chỉ dùng để gọi người đứng đầu một nhóm người. Vùng Bình Định - Phú Yên không phân biệt rạch ròi cách phát âm, vậy nên “nậu” được đọc thành “nẩu” và sau này biến thành “nẫu”. Ngôn ngữ xứ Nẫu có nhiều từ rất độc đáo, đặc trưng không lẫn vào đâu được, cứ nghe đến “nẫu”, "dzẫy ngheng" (vậy nhé), "dzẫy á" (vậy đó) phát âm nặng trịch, chỉ thoảng qua cũng đủ khiến những người xứ nẫu đi xa chất chứa niềm nhớ quê.
***
Tôi nhắc lại một kỷ niệm. Sau chiến thắng năm 1975, tôi được cùng anh Phạm Ngọc Châu, giám đốc Công ty Xây lắp Hóa chất (Tổng cục Hóa chất) về thăm quê anh tại La Hai, huyện Đồng Xuân. Đồng Xuân là huyện trồng mía đại trà nên đời sống đỡ chật vật. Tôi hỏi người nhà anh Châu điện lưới không thấy giăng mắc, dù là huyện miền núi xa xôi nhưng ở đây dân vẫn có điện dùng. Trả lời rằng: Đó là máy phát điện diésel của những ông chủ có tiền đầu tư và bán điện cho dân. Có điện, hầu như nhà nào cũng trồng nấm mèo và dùng điện vào việc kéo mía, chưng đường.
Lúc ở Hà Nội, tôi đã được nghe tin những vụ chính quyền Việt Nam cộng hòa trả thù những người kháng chiến cũ trong các chiến dịch tố cộng. Chúng tôi đi qua những nơi từng bị quân chính quyền Ngô tổng thống tàn sát vô tội vạ đồng bào ta. Đó là Ngân Sơn, đó là Chí Thạnh. Tôi nói với anh Phạm Ngọc Châu bảo cậu Tùng lái xe cho xe chạy chậm để nhìn cho rõ nơi từng đổ máu đồng bào ta và tôi được biết thêm về vụ thảm sát này.
Sau khi hiệp định Đình chiến ký ngày 20/7/1954, chính quyền Ngô Đình Diệm lần lượt đưa quân đội ra tiếp quản vùng Việt Minh kiểm soát trong Chiến tranh Đông Dương.
Chỉ sau 2 tháng Hiệp đinh Genève có hiệu lực, ngày 7/9/1954, ba đại đội thuộc tiểu đoàn 10 quân đội Quốc gia Việt Nam đến Ngân Sơn tiếp quản. Đại đội 1 đóng trên quốc lộ, đại đội 2 đóng ở phía đông trường tiểu học, đại đội 3 do đại úy Đê chỉ huy đóng tại trường học. Đại úy Đê đi ra sau trường, vào nhà ông Bành Liến thấy trên bàn thờ có ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh liền giật xuống. Vợ ông Bành Liến lúc bấy giờ đang quét sân, dùng chổi đánh viên sĩ quan này. Anh ta quay ra xô xát với chủ nhà. Cả nhà cùng tri hô. Nhiều người chạy đến, một lúc sau nhân dân các vùng Ngân Sơn, An Thạch, An Dân… kéo đến phản đối lính Quốc gia Việt Nam. Bất ngờ, đại úy Đê (sách Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị trấn Chí Thạnh viết là tên Võ Duy Đệ) ra lệnh cho lính bắn thẳng vào đám đông trong sân trường. Chín người trúng đạn chết ngay tại chỗ, mười người khác bị thương. Dân chúng vô cùng căm phẫn khiến lính Quốc gia Việt Nam vội vã rút vào Chí Thạnh. Cơ sở Đảng Lao động Việt Nam hoạt động bí mật ở Ngân Sơn vận động nhân dân khiêng những người chết, bị thương đi vào Chí Thạnh tiếp tục đấu tranh với chính quyền Quốc gia Việt Nam.
Lúc này nhân dân các xã An Ninh, An Định, An Cư… cũng rầm rộ kéo đến ủng hộ cuộc đấu tranh. Từ dốc Nhà Thương (nay là phía bắc khu phố Trường Xuân, thị trấn Chí Thạnh), lính Quốc gia Việt Nam đặt súng đại liên bắn thẳng vào đoàn người từ hướng An Ninh lên. Hàng loạt người đổ gục xuống ruộng. Nhân dân từ phía An Định kéo xuống cũng bị lính bắn chết, nhiều người khác cũng gục ngã tại chùa Trường Giác (nay thuộc khu vực sân vân động huyện Tuy An). Trong buổi chiều 7/9/1954 có 79 người chết, 76 người bị thương. Sự phẫn nộ của dân chúng ngày càng dâng cao.
Tôi kể lại chi tiết vụ thảm sát, thấy anh Châu lặng im, hai giọt nước mắt lăn dài trên gò má người lính già đã từng xông pha trong kháng chiến 9 năm tại quê hương Phú Yên!
Sau khi ghé thăm quê, chiếc xe U-oát dở chứng. Anh Châu vào huyện đội Đồng Xuân nhờ sửa chữa. Mấy anh lính thợ không sửa được vì không quen xe của Liên Xô. Anh Châu điện ra bắc bảo đội xe cho xe vào kéo ra.
***
Từ thành phố Tuy Hòa, xuôi theo quốc lộ 1A về hướng Bắc 30km, đến thị trấn Chí Thạnh rẽ phải về hướng Đông 12km chúng tôi đã đến với Ghềnh Đá Đĩa. Thắng cảnh nổi tiếng này nằm yên bình bên bờ biển thuộc địa phận xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Suốt trên đường đi, băng qua những làng mạc yên bình khi thì đồi núi trập trùng, lúc lại thấp thoáng làng mạc với những cánh đồng lúa đang thời con gái lên màu xanh tốt.
Ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ rộng khoảng 50m, dài 200m với những khối đá hình lăng trụ xếp liền nhau, một cách ngay ngắn cùng vươn mình ra biển khơi, tựa như có bàn tay của vị thần nào đó sắp đặt, mang đến món quà vô giá cho Phú Yên.
Bãi đá với hàng nghìn, hàng nghìn những phiến đá ấy, óng lên màu đen huyền bí nổi bật giữa nước biển xanh ngắt và những con sóng vỗ trắng xóa. Những trụ đá hoặc nghiêng nghiêng theo thế tiến ra biển, hoặc xếp thẳng đứng chồng chất lên nhau, cao thấp khác nhau tựa như những chồng dĩa được xếp ngay ngắn. Cũng bởi vậy, mà tên gọi Ghềnh Đá Đĩa vừa thân thuộc, vừa gần gũi.
Ghềnh Đá Đĩa được hình thành khi núi lửa phun trào dung nham xuống biển gặp nước lạnh đông cứng lại, cùng với hiện tượng di ứng lực nên toàn bộ khối nham thạch bị rạn nứt đa chiều tạo nên cảnh quan kỳ thú này.
Nơi đây cũng là một bến đỗ của những ngư dân. Những chiếc thuyền thúng nhỏ, chòng chành qua bàn tay điều khiển khéo léo như nét điểm tô thêm cho sức sống bao đời nay của vùng đất hiền hòa này.
Trên thế giới cũng có những danh thắng Ghềnh Đá Đĩa nổi tiếng như ở: bờ biển Đông Bắc Ireland với núi đá Giant’s Causeway, ghềnh đá Órganos ở đảo La Gomera nổi tiếng của Tây Ban Nha, hay trong hang động Fingal ở đảo Staffa, Scotland hay ở đảo JeJu của Hàn Quốc.
Thắng cảnh thì như vậy nhưng đầu tư khai thác còn rất yếu.
Một trong những hạn chế khiến du lịch Phú Yên chưa thể cất cánh đó là hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ. Trong đó, phương tiện hàng không là điều khiến nhiều đơn vị lữ hành, khu du lịch đau đầu khi vào mùa cao điểm và đón những đoàn khách số lượng lớn. “Nút thắt” này đang dần được mở khi Cảng hàng không Tuy Hòa sẽ được nâng cấp mở rộng, đón chuyến bay đêm, đặc biệt là sẽ có chuyến bay thẳng từ Nga đến Tuy Hòa.
PHÚ YÊN có những danh lam thắng cảnh mà nếu biết khai thác thì sẽ thành thế mạnh trong nền kinh tế của tỉnh. Đó là Đập Đồng Cam. Đó là Vịnh Vũng Rô. Đó là nhà thờ Mằng Lăng. đã từng là nơi dừng chân giảng dạy của giám mục Alexandre de Rhodes và đây cũng là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Đó là Cao nguyên Vân Hòa.
Đó là Tháp Nhạn nằm trên núi Nhạn, tháp được người Chăm xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 12. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao khoảng 23,5m. Bên trong tháp có một am nhỏ thờ bà Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi.
Đó là núi Đá Bia, tên chữ Thạch Bi Sơn, dân gian gọi là Núi Ông, là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả. Núi nổi tiếng vì tảng đá bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi mà cách xa vẫn có thể nhìn thấy Khánh Hòa. Tôi lại nhớ đến Chúa Tiên Nguyễn Hoàng khi Ngài sắp từ giã cõi trần đã cho gọi người con thứ VI Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) đến long sàng để căn dặn: “Đất Thuận Quảng, phía Bắc có Núi Ngang (Hoành Sơn) và Sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá, muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng”.
Và Gành Đá Đĩa, gành Đèn Nổi tiếng nhất ở Phú Yên độc nhất vô nhị chỉ có ở Việt Nam. Nhìn từ xa, gành Đá Dĩa như một tổ ong khổng lồ rộng khoảng 50m, dài 200m với những khối đá hình lăng trụ xếp liền nhau, ngay ngắn cùng vươn mình ra biển khơi. Bãi đá với hàng nghìn, hàng nghìn những phiến đá ấy, óng lên màu đen huyền bí nổi bật giữa nước biển xanh ngắt và những con sóng vỗ trắng xóa. Cách gành Đá Dĩa không xa là gành Đèn với ít người lui tới nhưng khung cảnh cũng kỳ vĩ không kém làm say lòng biết bao người khi đã từng chiêm ngưỡng.Đó là Bãi Xép. Đầm Ô Loan nằm dưới chân đèo Quán Cau, quốc lộ 1A. Đó là Vịnh Xuân Đài. Đó là Hải đăng Đại Lãnh. Mũi Đại Lãnh nằm ở huyện Đông Hoà, Đây là nơi đón ngày mới sớm nhất tại “ngọn hải đăng cực Đông” của Tổ quốc.
Đèo Cả là một trong những đèo lớn và hiểm trở tại miền Trung với khung cảnh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, Vực Phun nằm lọt thỏm trong dãy núi Đá Đen, giữa bạt ngàn rừng cây và đồi núi trập trùng, tạo thành cảnh quan rất thơ mộng. Đó là Hòn Nưa nằm ngay chân đèo Cả, thuộc vùng giáp ranh giữa Phú Yên và Khánh Hòa.
Danh lam thắng cảnh thì nhiều nhưng Phú Yên chưa khai thác triệt để và làm cho du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn.
(Còn tiếp)
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 27/3/2019
Nhà thơ Xuân Bảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét