Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

267. .Nhàn du về miền đất võ Tây Sơn.. 7 Thăm Tây Sơn Tam kiệt


7. NHÀN DU VỀ ĐẤT VÕ TÂY SƠN
                                                (Tiếp theo)

Thăm Tây Sơn tam kiệt
Ngày nay, nhân dân Việt Nam không ai là không biết về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung. Bất kỳ nơi đâu trên dải đất chữ S này đều có những công trình văn hóa tưởng nhớ vị vua mới 20 tuổi đầu đã cầm quân đánh sập 2 tập đoàn phong kiến ở Đàng ngoài và ở Đàng Trong. Hiển hách nhất là đánh tan 20 vạn quân Thanh với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và chiến công Rạch Gầm – Xoài Mút nhấn chìm 2 vạn quân Xiêm xâm lược, đem lại thống nhất bờ cõi.
Chúng tôi về làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, đến thăm Bảo tàng Quang Trung. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật về những chiến tích của vua Quang Trung và cũng là nơi trình diễn Nhạc võ Tây Sơn - một môn võ truyền thống của tỉnh Bình Định. Phú Phong cách  thành phố Qui Nhơn khoảng 45km về phía tây bắc,
Bốn chữ Tây Sơn Tam Kiệt để chỉ chung 3 anh em ruột lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bao gồm: anh cả Nguyễn Nhạc, anh thứ Nguyễn Lữ và em út Nguyễn Huệ.
Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc là người chịu trách nhiệm chung, Nguyễn Lữ là người chuyên lo hậu cần, còn Nguyễn Huệ, ngay từ đầu đã là người trực tiếp cầm quân.
Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt và các văn thần võ tướng của triều đại Quang Trung được xây dựng trên chính ngôi nhà thuở sinh thời của ba anh em nhà Tây Sơn. Nơi đây, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đã cất tiếng khóc chào đời.
 Đây cũng chính là nơi thờ thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn là Cụ ông Hồ Phi Phúc và Cụ bà Nguyễn Thị Đồng.
Quang Trung – Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự, ông còn là một nhà ngoại giao khôn khéo, một lãnh tụ có tầm nhìn xa trong việc cải cách và phát triển đất nước.   
Quang Trung đồng thời là một nhà văn hóa lớn, người có tinh thần dân tộc tiến bộ, một nhà lãnh đạo rất am tường về tâm lý quần chúng, biết trong dụng nhân tài cho đất nước, biết động viên để đoàn kết dân tộc thành một khối tiến hành những công cuộc cải cách sâu rộng .


 
Ảnh.  Tượng đài vua Quang Trung-Nguyễn Huệ tại bảo tàng Quang Trung-Bình Định.     .
Bảo tàng Quang Trung, hiện đang lưu giữ những hiện vật như trống trận, cồng chiêng, ấn tín, 18 loại binh khí thô sơ giúp nghĩa quân Tây Sơn đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác.
Trên các bức tường còn khắc ghi tên, tuổi, quê quán của các quan văn, quan võ dưới triều đại Tây Sơn. Sắc phục thời đó đã được lưu giữ hàng bao thế kỷ của các vị quan này.
- Ảnh. Một góc điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt tại Bảo tàng Quang Trung.
Trước sân rộng có cổng tam quan, tiếp đó là nhà bia ghi công lao của Quang Trung - Nguyễn Huệ viết bằng chữ quốc ngữ. Chính điện gồm ba gian, gian giữa thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ, có bức tranh ông cưỡi ngựa đặt trong khung kính, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi là ban thờ các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn như: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ…
 Hiện nay trong khu vườn cũ của gia đình anh em Tây Sơn vẫn còn lại hai di tích cực kỳ quý giá là cây me cổ thụ và giếng nước xưa, tương truyền có từ thời Hồ Phi Phúc. Cây me cổ thụ nằm bên trái điện Tây Sơn cành lá xum xuê che mát cả một góc vườn, có chu vi gốc cây tới 3,5m. Bên phải điện Tây Sơn là giếng nước, đường kính 0,9m, trước đây xây bằng đá ong và không sâu như bây giờ. Sau này dân làng vét sâu thêm và xây thành giếng cao hơn mặt đất 0,8m để làm giếng chung cho cả làng.


Ảnh. Cây Me cổ trong vườn nhà Tây Sơn Tam Kiệt.
.
 Năm 1788, ông thống lĩnh đại quân từ Phú Xuân (Huế) hành quân 35 ngày đêm ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long.
Và ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), tính đến nay vừa tròn 230 năm – Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa đánh dấu một mốc son lịch sử: Đất nước thống nhất toàn vẹn non sông. Ngày này, tại Gò Đống Đa Hà Nội trở thành ngày hội lớn của dân tộc. Ngày này, tại huyện Phú Phong đều diễn ra Lễ Kỷ niệm rất long trọng nơi quê hương của Người.
Tôi có bài thơ luật Đường ghi nhớ công lao của vị Anh hùng dân tộc Quang Trung.

Vẳng nghe trống trận Ngọc Hồi

Đến Tây Hồ nhớ những ngày qua
Thả bước thong dong dưới bóng tà
Quảng Bá quất vàng thơm trái ngọt
Nghi Tàm đào thắm ngát hương hoa
Chuông chùa Trấn Võ luôn vang vọng
Trống trận Ngọc Hồi mãi vẳng xa
Rồng hiện trời Nam từ độ ấy
Thăng Long thành rộn khải hoàn ca

Và vua Quang Trung cũng có một mối tình tuyệt đẹp với công chúa Ngọc Hân. Khi đoàn quân chiến thắng vào Thăng Long, chiếc áo bào của vua còn loang khói súng thì ông đã sai ngay cận thần mang cành đào Nhật Tân về kinh đô Huế để tặng vợ thay lời báo tiệp. Tôi cảm thán với 2 bài thơ:
Bài 1.
Văn hiến Thăng Long

Nghìn năm văn hiến chính là đây
Hoàn trả linh quy kiếm báu này
Lục thủy Đài Nghiên soi sóng nước
Thanh thiên Tháp Bút lộng trời mây
Quang Trung báo tiệp cành đào thắm
Lê Lợi bình Ngô vía giặc bay
Còn mãi Ba Đình lời Bác vọng
Thăng Long cất cánh vẻ vang thay!

Bài 2.
Thế đất rồng bay

Đại La thế đất dáng rồng bay
Hạo khí non sông tụ xứ này
Hổ phục uy nghi sau Núi Tản
Rồng chầu lẫm liệt trước Hồ Tây
Xuất quân Kỷ Dậu, Tàu tan tác*
Chiến thắng Năm Tư, Pháp chạy dài **
Giấc mộng Thăng Long rồng gặp nước
Diệu kỳ Hà Nội chính là đây.
*Kỷ Dậu 1789
**Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954

Bên bờ Phước Long Giang, ngày 10/4/2019
Nhà thơ Xuân Bảo




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét