Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

265. Theo Quốc lộ 1 .D


6. NHÀN DU VỀ ĐẤT VÕ TÂY SƠN
                             (Tiếp theo)
Quy Nhơn vươn mình lớn dậy.
Sau hơn chục năm tôi ít khi về Bình Định, hoặc những khi về Bắc thì cũng đi qua bởi tầu hỏa hay xe đò thường chạy express. Lần này thì tôi và nhà tôi cùng các cháu có cơ hội ngắm nhìn Quy Nhơn Bình Định kỹ càng hơn.
Hơn hai mươi năm về trước, tôi có dịp về Quy Nhơn làm việc. Tôi đã được các anh Tô Tử Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, nữ nhà thơ Lệ Thu, phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội, anh Nguyễn Trác, phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (đồng thời là nhà thơ) và nhiều đồng chí khác đã đón tiếp chúng tôi rất thịnh tình.
 Nhà thơ Lệ Thu biếu tôi cuốn thơ Chân dung tình yêu vừa mới xuất bản. Sau này tôi có làm một bài thơ đáp lại thịnh tình của nữ nhà thơ. Bài thơ như sau:
Một thoáng em
                 Tặng nhà thơ Lệ Thu
                 Tác giả tập thơ “Chân dung tình yêu
Nỗi phiền muộn - có em đời dịu bớt
Tình yêu đốt trong em ngọn lửa anh
Kẻ lữ hành đêm đông dài rét mướt
Ôm trọn vòng tay cháy sáng lung linh
                                    Quy Nhơn 1996
Cũng dịp này, sau khi thăm Trại Phong Quy Hòa tôi đã có bài thơ:
Biển Quy Nhơn đêm nay lặng sóng
Dãy Phương Mai lãng đãng trong mây
Dốc Mộng Cầm còn đây in bóng
Hàn Mặc Tử rao bán trăng này*
*2 bài thơ này đã được in vào  tập thơ của tôi Tập Chiều nghiêng tím đậm do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn cấp phép ấn hành năm 2013
Bây giờ nhìn Quy Nhơn thì thấy khác xa những năm về trước. Nhờ có  quy hoạch chặt chẽ có tầm nhìn xa, nên khi mở rộng, thành phố vẫn duyên dáng, vẫn đẹp một cách hài hòa.
 Đêm về, đứng trên con đường mới Quốc lộ 1.D nhìn xuống thành phố rực rỡ ánh đèn. Quy Nhơn hiện ra vẻ đẹp thần tiên của một thành phố tráng lệ. Có núi, có biển và có những ngọn gió không ngớt từ xa khơi biển thẳm thổi về làm cho con người Quy Nhơn trở nên hiền lành, lịch lãm. Ngày nay không còn “Eo nín thở” nữa, mà nơi đây đã là một bãi biển đep .Thành phố sạch  và đẹp nhờ ý thức baỏ vệ môi trường sinh thái cùa người dân.
Tôi cho rằng Quy Nhơn là một thành phố Văn hóa. Cuối những năm 70 thế kỷ trước, Quy Nhơn đã có trường sư phạm - nơi đào tạo rất nhiều thế hệ giáo viên cho cả khu vực miền Trung. Bây giờ, Quy Nhơn lại có Trung tâm khoa học quốc tế, nơi hàng năm tụ hội những trí tuệ hàng đầu thế giới, những nhà khoa học được giải Nobel.
Quy Nhơn giờ đây lại thêm một hình thái du lịch mới: du lịch trí tuệ, du lịch khoa học, du lịch tri thức, du lịch giáo dục. Người ta không thể nào quên nghệ thuật tuồng, nghệ thuật bài chòi Bình Định và Quy Nhơn đã thành di sản phi vật thể thế giới.
Quy Nhơn giờ đây đã có nhiều nhiều cao ốc.
Hòa Bình thi công dự án cao nhất ở Quy Nhơn. Dự án TMS Luxury Hotel & Residence Quy Nhon là tổ hợp dự án khách sạn và căn hộ du lịch 5 sao có quy mô 42 tầng nổi, 01 tầng hầm, sau khi đưa vào hoạt động sẽ trở thành tòa tháp cao nhất Quy Nhơn sở hữu tầm nhìn panorama 360 độ ngắm trọn bờ biển và toàn cảnh thành phố, cùng với tổng hòa hơn 30 dịch vụ tiện ích hiện đại tiêu chuẩn quốc tế.
Và các dự án Tân Hoàng Mai có quy mô gần 20 ha là tổ hợp chung cư cao cấp, biệt thự liền kề và shophouse; dự án Nguyễn Thị Minh Khai có quy mô 19 tầng cao và 6 tầng hầm.
Và FLC Lux City Quy Nhơn. Với đường bờ biển dài uốn lượn hình bán nguyệt, Đầm Thị Nại mênh mông, Eo Gió hùng vĩ và Kỳ co đẹp hoang sơ… vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của thành phố Quy Nhơn làm mê đắm lòng người. Nhìn thấy tìềm năng phát triển du lịch tại “vị trí chiến lược trên biển Quy Nhơn”, FLC Group đã chi số vốn cực khủng để sở hữu 1,7ha đất vàng tại mặt tiền biển tuyệt đẹp này.
Nhưng Quy Nhơn cần những tầm cao trí tuệ, những sự lan tỏa cảm xúc, những ngọn lửa sáng tạo từ rất nhiều lĩnh vực đời sống. Chính quyền nơi đây vẫn ưu tiên những địa điểm đẹp, mảnh đất vàng dành phát triển không gian chung như thảm cỏ ở Quảng trường Trung tâm Thương mại, Quảng trường Nguyễn Tất Thành; hệ thống công viên, hoa viên kéo dài từ Mũi Tấn tới cuối đường An Dương Vương (phường Ghềnh Ráng); khu vui chơi cho người dân ven biển, phố đi bộ…
Khu trung tâm nội thành gồm 12 phường, đến nay thành phố đã hình thành các đô thị mới: đô thị phía Tây đường An Dương Vương, đô thị xanh Vũng Chua, đô thị dịch vụ - du lịch hồ Phú Hòa, đô thị Hưng Thịnh, đô thị khoa học Quy Hòa...; triển khai đồng bộ xây dựng nhiều khu dân cư mới, khu tái định cư mới: Khu dân cư phía Ðông đường Nguyễn Trọng Trí, Khu dân cư  phía Bắc Làng trẻ em SOS phường Nhơn Bình, Khu dân cư  phía Ðông Viện Sốt rét - Ký sinh trùng... Các công trình trọng điểm đã và đang hoàn thiện như Trung tâm hành chính thành phố, Trung tâm văn hóa tỉnh, Trung tâm Quốc tế Khoa học & Giáo dục liên ngành, Tổ hợp không gian khoa học, các trung tâm thương mại, hệ thống hồ sinh thái Ðống Ða, Bàu Sen, Phú Hòa; công viên biển Xuân Diệu; các tuyến đường nội thị mở rộng và phát triển.
***
Tối đến từ khách sạn Hải Âu, tôi bách bộ ra Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Đây là nơi đặt Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2017), Vũ Đại Bình và Công ty TNHH một thành viên Bảo tồn Di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) thực hiện. Tượng cao 10,8 m bằng chất liệu đồng, đặt trên bệ cao 4,7 m bằng bê-tông cốt thép bọc đồng.
       Tượng đặt: Cụ Nguyễn Sinh Sắc đứng phía bắc, Nguyễn Tất Thành đứng phía nam; cả hai cùng nhìn ra hướng Biển Đông; một tay người cha đưa ra phía trước, tay kia đặt nhẹ sau lưng con trai. Nguyễn Sinh Sắc mang phong thái của bậc nho sĩ với áo dài, khăn xếp, chân đi guốc mộc, vầng trán cao và dáng vẻ khoan thai. Nguyễn Tất Thành dáng dấp thư sinh với áo sơ-mi dài tay, quần âu; chăm chú nghe cha dặn dò, khuôn mặt toát lên vẻ thông minh, rắn rỏi, cương nghị.
        Phía sau tượng đài là tấm phù điêu lớn bằng đá xanh dáng vòng cung, dài 76 m, thể hiện năm nội dung chính trong hành trình dấn thân tìm đường cứu nước theo chiều dài đất nước từ bắc vào nam. Đó là: Hình ảnh quê hương Nam Đàn nơi Bác sinh ra và lớn lên có ngôi nhà lá đơn sơ, dòng sông Lam, đầm hoa sen...; Huế, nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành từng sống và học tập với hình ảnh Trường Quốc học, cầu Trường Tiền, sông Hương, phong trào biểu tình chống thực dân...; Bình Định với địa điểm gặp gỡ của hai cha con ở huyện Bình Khê, đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, những khung cảnh thiên nhiên, văn hóa - nghệ thuật truyền thống...; hình ảnh di tích tháp Chăm vùng Nam Trung Bộ nơi Nguyễn Tất Thành từng qua và Trường Dục Thanh nơi Người đến dạy học một thời; hình ảnh Sài Gòn những năm tháng thực dân Pháp đô hộ với bến cảng Nhà Rồng và con tàu (Latouche Tréville), những người lao động bị bóc lột đã góp phần hun đúc thêm lòng quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ...
      Tượng đài đặt giữa không gian rộng 3.125 m2, trong tổng thể khuôn viên quảng trường rộng lớn trung tâm thành phố Quy Nhơn, có diện tích 11.000 m2 với các hạng mục sân vườn, đường dạo bộ, bồn hoa, cây xanh, điện chiếu sáng...
     Tượng đài hướng ra phía biển, đón ánh nắng mặt trời mỗi sớm mai,
   Kể từ khi rời Bình Định, Bác Hồ không có dịp trở lại nơi đây, nhưng mảnh đất giàu khí phách này luôn ở trong tim Người, và hình ảnh Người cũng sống mãi trong lòng nhân dân Bình Định.
(Còn tiếp)
Bên bờ Phước Long Giang, ngày Chủ nhật 7/4/2019
Nhà thơ Xuân Bảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét