Trang

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

149C. VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG


149C. VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG.

           4. NGÔI CHÙA CÓ LÁ SEN TO BẰNG CÁI NỐ

Cụ già Nha Mân có tài kể chuyện hấp dẫn lôi cuốn người nghe. Chúng tôi còn muốn nghe nhiều chuyện nữa nhưng vì thời gian eo hẹp nên xin kiếu cụ để lên đường. Cụ nói: cứ theo con dường này, các vị đi chùng chục cây số nữa sẽ tới chùa. Kỹ sư Toán cho xe dừng lại bên này cầu vì cầu hẹp ôtô không qua được.Những người chạy xe ôm niềm nở hướng dẫn chúng tôi qua cầu. Hai mẹ con Thúy Ngọc được chở trên một xe, còn tôi và Toàn thì họ giao xe tự chở lấy khi nào kết thúc tham quan sẽ trả lại xe và tính tiền. Qua cầu đi khoảng một cây số thì đến chùa.

Chùa có tên là Phước Kiển tự. Song dân gian thì thường gọi là


Vợ chồng Xuân Bảo trước ao sen có lá to


chùa Lá Sen. Chùa nhiều lần bị giặc đốt phá. Mãi tới năm 1970, hòa thượng Thích Huệ Từ hồi cư và phát công dựng lại chùa. Chùa dựng với cột tre gai, mái lá. 
Phước Kiển là ngôi chùa nhỏ thuộc xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp),. Ở đó có một loài sen rất lạ, người đứng lên lá không chìm.
Một cái ao nhỏ trước cửa chùa và một ao khá rộng bên hông sau, loài sen lạ có những chiếc lá khổng lồ, to bằng cái nống, vành cong lên cả tấc tây trông rất đẹp mắt. Nếu không tận mắt nhìn thấy, chắc sẽ có người hồ nghi rằng, bên dưới lá sen khổng lồ kia, chắc có khung thép đỡ nên người nặng trên 50 cân mới đứng lên trên được.

Sư cụ Thích Huệ Từ, trụ trì chùa Phước Kiển đã ngoài 70 tuổi, còn rất khỏe mạnh. Ông kể cho chúng tôi nghe khá nhiều chuyện về loài sen vua, chim hạc quý và rùa thiêng từng ở chùa. Loài sen này xuất hiện ở đây từ năm 1992, không biết nguồn gốc  từ      đâu.Ao nước  ngày xưa là hố bom Mỹ.

Năm 1998, ao khô cạn nước làm chết sạch các loài sen, súng. Nhưng không ngờ, năm sau khi nước lên sen lại mọc và nở hoa. Hoa sen lạ này màu trắng, sau 12 giờ trưa hoa đổi sang màu hồng và chỉ nở trong 2-3 ngày thì tàn. Một dạo, các nhà khoa học từ Cần Thơ lên nghiên cứu định lấy giống sen này đi trồng ở nơi khác, nhưng không thành     công.
Có tài liệu nói thì đây là loài sen Victoria Regia mọc rất nhiều ở khu vực sông Amazon, Nam Mỹ. Có người đã nhìn thấy sen này tại công viên Thực vật Tây An- Trung Quốc, nó vốn được mang từ Paraguay sang dự triển lãm. Hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc cùng hai cậu con nhỏ ngồi trên lá sen từng gây xôn xao dư luận về một loài sen kỳ lạ.

Mặt trên của lá màu diệp lục, xếp chồng nhau theo hình vảy rồng, mặt dưới màu nâu đỏ, rất nhiều gân to và gai nhọn. Lớp gân và các “khung xương” nằm dưới to và dày bằng hai lóng tay tạo nên kết cấu khá vững chắc.
Thân và mặt dưới lá có rất nhiều lông và gai nhọn. Hạt sen nhỏ như hạt đậu ván, mềm, ăn khá ngon nên thổ dân da đỏ vùng sông Amazon gọi là “ngô trong nước”.

Sư Huệ Từ cho biết có chiếc lá đường kính trên 3 mét, vào mùa nước nổi sen no nước, mỗi ngày lớn trông thấy. Một du khách đến từ Rạch Giá –Kiên Giang hăm hở nhảy xuống lá sen, chấp tay niệm phật để làm mẫu chụp ảnh. “Ai nặng cỡ 60 kg trở xuống đứng lên chỉ làm lá lay động nhẹ thôi” 
 Sư Huệ Từ giải thích: Loài sen quý của Nam Mỹ đã mọc và sinh sôi nảy nở tại vùng đất Châu Thành - Đồng Tháp, dường như chưa gây sự chú ý của giới khoa học. Nên chăng nó cần được quan tâm nghiên cứu và nhân giống để loài sen lạ có thể đến được với nhiều địa phương trong cả nước.

Trong chùa Phước Kiển hiện còn thờ một con quy (rùa). Theo lời sư trụ trì thì đó là con quy rất chung thủy và có lòng hướng Phật. Con quy đã chết vài năm trước, nhưng được sư trụ trì giữ xác khô và để trong tủ kính cho khách du lịch dễ dàng chiêm ngưỡng. Theo lời sư trụ trì, vào năm 1948, một người bạn đã mang con quy đến chùa tặng sư. Lúc đó, sư còn là một chú tiểu. Lúc chưa vào chùa thì thức ăn của con quy là ốc, cá… Nhưng từ khi vào sống cùng sư thì con quy ăn chay, và chỉ ăn toàn trái cây như mít, táo, chuối, xoài…Lúc nào, quy cũng quanh quẩn bên sư. Hễ sư tụng kinh thì con quy cũng nằm một bên lim dim như đang tụng. Sư thấy thế nên đã khắc lên mai nó mấy chữ “Phúc Kiển tự Hòa Tân, vào chùa năm 1948”. Đến nay, những chữ ấy vẫn còn nguyên trên lưng cụ quy già.
Đến năm 1966, khi chùa Phước Kiển bị ném bom, con quy bị lạc. Một người dân ở cách chùa khoảng hơn 20 km bắt lại được và nuôi tại nhà, rồi khoan lỗ trên mai con quy và cho khóa bằng dây xích sắt. Nhưng sau đó, con quy thoát được và tìm về chùa vào một buổi sáng. Từ đó, con quy lúc nào cũng quẩn quanh bên sư trụ trì, không đi đâu xa.
Đến khoảng hai năm trước đây, trong chùa Phước Kiển lại xuất hiện con hạc. Theo lời trụ trì Thích Huệ Từ, chim hạc có sải cánh hơn 2 mét, lúc nào cũng quanh quẩn trong khuôn viên chùa và rất thích chơi cùng cụ quy.
Chim hạc hay đậu trên lưng cụ quy để đùa. Nhưng sau đó, chính quyền địa phương đưa ý kiến bắt chim hạc về khu bảo tồn vì đó là động vật hoang dã. Từ đó về sau, người ta không thấy chim hạc xuất hiện nữa. Sau khi chim hạc bay đi, cụ quy già cũng qua đời.

.

Chúng tôi vào nội điện chùa thắp nhang và cúng dường. Nhà chùa biếu chúng tôi cái đĩa DVD nói về sự tích chùa. Sau khi chụp ảnh hồ sen, có mấy cái là sen to khác thường đề làm kỷ niệm chuyến đi, chúng tôi quay về bên này cầu trả xe và thanh toán tiền gửi xe rồi cho xe chạy thẳng ra cầu Cần Thơ.
Lúc này trời đã về chiều. Đôi bờ sông Hậu nước vẫn cuồn cuộn thao thiết chảy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét