Trang

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

152. VỀ VỚI DÒNG DÔNG YEU THƯƠNG, DÒNG DÔNG ĐAU THƯƠNG


              152.Về với Dòng sông yêu thương – dòng sông đau thương



                                                                    Bút ký của Xuân Bảo

(Viết nhân chuyến đi Quảng Trị ngày 12  đến 19/6/2015 ,thăm lại dòng Hiền Lương, nhân ngày ký kết Hiệp nghị Genève 20/7/1954 – nơi cách đây hơn 60 năm tác giả tập kết ra Bắc và dự  việc Họ , việc Chi ở làng Đại Hào,Triệu Phong) 
        
1.     DẠO MỘT VÒNG ĐỒNG BẰNG TRIỆU HẢI.

Chiếc Toyota bốn chỗ của Phan Quang Kỳ, bạn của cháu Tuân con anh Hậu đưa tôi và anh Hậu xuất phát từ Phường Sãi xuôi những chặng đường làng còn thi công dang dở. Con đường này là con đường quốc phòng sẽ chạy suốt từ cầu Thạch Hãn – nơi có tượng đài 19 giọt máu của trung đội anh hùng Mai Quốc Ca – chạy tới biên giới Việt Lào do Binh đoàn Thống Nhất thi công.
Qua cầu xe băng qua thị xã Quảng Trị nơi có 81 ngày đêm máu và hoa trong “ Mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Rẽ phải đi về quốc lộ 49 C qua các làng Thâm Triều, Phương Lang, Ngô Xá Đông, Ngô Xá Tây, rồi đến  Chợ Cạn. Đây là vùng đất sinh ra những người con làm rạng danh tổ tiên dòng họ. Đó là gia đình cố bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê. Đó là làng Thượng Trạch, quê nội của nhà văn Trần Công Tấn. Đó là quê hương của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba và nhà thơ Lương An…
Tôi muốn thăm lại những nơi mà trong kháng chiến chống Pháp tôi đã từng đặt chân tới. Đó là làng Ngô Xá – nơi  năm 1952 có sự kiện đập vỡ cây đàn ghi ta. Bộ đội địa phương  đại đội 2, tiểu đoàn 320 hành quân qua làng thì nghe có tiếng hát: Rằng kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ. Chính trị viên đại đội ra lệnh cho một chiến sĩ tìm nơi phát ra tiếng đàn và người hát. Ông cho phép đập vỡ cây đàn và cấm không được hát bài hát này. Đây là bài hát có tựa đề Lời người ra đi của nhạc sĩ Trần Hoàn. Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, con cụ Cố Cả làng Câu Nhi. Hồi đó bài hát này cũng đã được đưa ra phân tích tại Hội nghị Văn nghệ Bình Trị Thiên. Nhà thơ Chế Lan Viên đọc báo cáo tình hình văn nghệ Liên khu Bốn. Có ý kiến cho rằng lời bài hát ủy mị làm mất tinh thần chiến đấu của quân đội. Sau đó một thời gian dài bài hát không được lưu truyền trong nhân dân.
Tôi muốn thăm lại Chợ Cạn, nơi có bài thơ “Cây dương Mỹ Thủy” của nhà thơ Dương Tường khá nổi tiếng lúc bấy giờ. Trận Chợ  Cạn là trận đánh xáp lá cà của bộ đội ta do đại đội trưởng  Hoạt chỉ huy. Ông Hoạt ra lệnh: Cách địch 20 mét bốc cát quăng! Chả là đang trong mùa gió Lào (Dân Quảng Trị gọi gió Lào là gió Nam) cát bay mù mịt.Bộ đội ta chiến đấu nhiều giờ liền và hết đạn. Lợi dụng ở trên chiều gió, ông Hoạt ra lệnh bốc cát quăng (ném) để cát chui vào nòng súng đối phương không nhả đạn được.Trận này Bùi Hữu T, người làng Thượng Phước học cùng lớp với tôi, mới nhập ngũ chưa đầy sáu tháng và hy sinh trong trận đánh đầu tiên này. Ông Hoạt thì bị thương ở hạ bộ, may mà không bị đứt lìa cái của quý.
 Chưa tới chin giờ thì chúng tôi đến bờ nam cầu Hiền Lương. Nơi đây năm 1956 tôi đã được bác Hồ Sĩ Thản, bí thư Đặc khu ủy Vĩnh Linh cho ra thăm cầu. Sự kiện này tôi đã nhắc tới trong cái Bút ký Đường Vào và đã xuất bản thành sách.Chúng tôi đang đứng trên chiếc cầu lịch sử, cầu Hiền Lương! Lòng bỗng thấy rưng rưng.

                                                           ***



Nhà thơ Xuân Bảo và ông Nguyễn Ngọc Hoát, Trưởng chi I họ Nguyễn 8 phái làng Đại Hào trong ngày việc Họ (3/6 Ất Mùi)


Theo Ô Châu cận lục của Sùng Nham Hầu Dương Văn An thì  châu Minh Linh phía tây có núi Cổ Trai, phía đông có ngọn Thần Phù tức đảo Cồn Cỏ. Giờ đây Cồn Cỏ đã thành một huyện của Quảng Trị. Có cửa biển Tòng Luật, ngày nay thường gọi là Cửa Tùng. Cửa Tùng đón nhận nguồn nước từ hai con sông: Sông Hiền Lương chảy từ thượng nguồn về khoảng 60 cây số thì hợp lưu với sông Sa Lung từ hướng tây bắc đổ vào thành ngả ba sông. Đứng trên cầu Hiền Lương nhìn  theo hướng tây thấy rất rõ cái bán đảo này. Cả hai con sông này đều chảy qua làng Minh Lương nằm ở bờ bắc và làng Xuân Hòa ở bờ nam. Sông Hiền Lương thực ra có tên là Minh Lương. Thời vua Minh Mạng, do kiêng húy chữ Minh nên cả tên làng, tên sông đều đổi thành Hiền Lương. Sông dài hơn 70 cây số, chỗ rộng nhất 200 mét, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy dọc vĩ tuyến 17 từ tây sang đông, ranh giới giữa 2 huyện Vĩnh Linh và Do Linh rồi đổ ra biển Đông tại cửa Tùng Luật. Con sông này còn có tên là Bến Hải. Thực ra chữ Bến Hải là do người Pháp đọc chệch ra tử địa danh Bến Hai, bến thứ hai từ thượng nguồn sông.Ngoài ra, sông còn có nhiều tên gọi khác. Đoạn thượng nguồn có tên là Rào Thanh, đoạn cuối có tên là sông Cửa Tùng hay Tùng Luật. Hồi chúng tôi tập kết ra Bắc qua đoạn sông rất hẹp mà ở đó có một cây rừng đổ ngang từ bờ nam sang bắc, bộ đội leo lên thân cây sang sông thì gọi là sông Hói Cụ. Sông còn có tên gọi là sông Hồi. Trong kháng chiến chống Mỹ nhà văn Nguyễn Tuân sáng tạo ra cái tên mới là sông Tuyến khi  đất nước bị chia cắt bởi Hiệp định Genève năm 1954.


Cột cờ giới tuyến bờ Bắc Hiền Lương   (Ảnh tác giả Xuân Bảo và Nguyễn Hậu)


2. DÒNG SÔNG ĐAU THƯƠNG VÀ HÙNG VĨ MÁU XƯƠNG.


Những năm mới ra Hà Nội tôi thường được nghe và được hát bài hát Câu hò bên bến Hiền Lương. Lời bài hát như cào xé tâm can của những người con miền Nam đang sống trên đất Bắc. Một thời khi mà chúng tôi nghĩ là chỉ xa quê hương trong vòng hai năm để rồi sẽ có ngày tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, sẽ có ngày đoàn tụ gia đình. Bài hát của một thời chia cắt đứt ruột đứt gan. Thời của Bắc di cư – Nam tập kết -  Mẹ xa con – Anh lạc em – Vợ lìa chồng. Thời của hận thù – nồi da xáo thịt. Tôi lại hồi tưởng hơn mấy trăm năm trước cũng tại dải đất hẹp Quảng Bình nơi có con sông Gianh đã là nơi chia cách trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh.Như vậy khúc ruột miền trung náy đã hai lần bị xẻ làm đôi. Trước là hận Sông Gianh nay là hận sông Hiền Lương! Đêm đến lòng bồi hồi da diết nhớ quê tôi đã làm bài thơ có nhan đề 


Nhớ nhà:

Quạnh quẽ đêm nay ta với bóng
Bồi hồi nhớ mẹ nơi quê nhà
Đầu non sương lạnh trăng mờ khuất
Eo óc thôn xa mấy tiếng gà.


Tượng đài Thống nhất ở bơ Nam sông Hiền Lương


Hiệp định Genève quy định giới tuyến quân sự tạm thời là vĩ tuyến 17 chạy từ biển lên nguồn. Đoạn này là khúc  eo trên bản đồ Tổ quốc ta, chỉ rộng có 70 cây số. Nói như nhà thơ Nguyễn Duy “đất nước ta hình củ khoai củ sắn” thì đây là mảnh đất hẹp có số đo nhỏ nhất trên cơ thể Việt Nam mà dòng sông Bến Hải giông giống sợi dải rút thắt ngang như người buộc bụng thắt lưng (ôi thân hình Tổ quốc tôi/ như người buộc bụng như người thắt lưng – (Thơ Nguyễn Duy ghi chép ở Trường Sơn)
Hiệp định đình chiến quy định thành lập vùng phi quân sự (DMZ – Demilitaire Zone) thiết lập dọc hai bên bờ sông, mỗi bên nơi rộng nhất không quá 5 km. DMZ là khu đệm để tránh xung đột có thể làm cho chiến sự xẩy ra. Tuy nhiên trên thực địa  DMZ có độ rộng hẹp khác nhau như tại cầu Trìa chỉ cách cầu Hiền Lương 2,5 km nhưng cột mốc ở phía nam Cao Xá thì cách cầu 4,5 km, còn ở cột mốc làng Tân Trại thì cách sông đến hơn 6 km. Đường giới hạn vùng phi quân sự có cắm hệ thống cột mốc bằng gỗ sơn trắng. Trên tấm biển này ghi hai dòng chữ tiếng Việt và tiếng Pháp:

                  Giới tuyến quân sự tạm thời
                  Ligne de décramation militaire proviso ire

Tại khu vực DMZ, hai bên không được bố trí quân đội, chỉ có những nhân viên của  Tổ 76, Ủy ban Quốc tế (gồm 3 nước Ấn Độ, Ba Lan và Canada) giám sát thực hiện hiệp nghị mới được trang bị nhà binh và ở đây cũng quy định rất nghiêm ngặt những ai có thể đi lại trong vùng này. Đó là các Đội Thị sát của Ủy ban Quốc tế, Ủy ban Liên hợp Đình chiến Trung ương, Ủy ban Liên hợp DMZ, các Tổ Liên hợp, các nhân viên dân chính cứu tế và những người được phép của Ban Liên hợp Đình chiến Bình Trị Thiên.
Tôi còn nhớ, tối 19 tháng 8 năm 1954 sau khi tổ chức mittinh và liên hoan văn nghệ với đổng bào các xã Triệu Sơn, Triệu An và có cả nhân dân trong thị xã Quảng Trị ra dự. Trước đó mấy ngày tôi được đại đội trưởng Lê Trường Lữ gọi lên truyền đạt ý kiến của Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Trị phân công tôi vào Ban Văn nghệ và dàn dựng bản đồng ca bài hát Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam. Ngay khuya hôm đó bộ đội chúng tôi phải hành quân cấp tốc ra khỏi giới tuyến vì ngày 20 tháng 8 đã khóa tuyến.
Mỹ hất cẳng thực dân Pháp và tiến hành một cuộc chiến tranh đẫm máu tại Nam Việt Nam kéo dài 21 năm. Quốc trưởng Bảo Đại trước sau chỉ là một ông vua bù nhìn. Ngô Đình Diệm từ Mỹ về và tuyên bố biên giới Hoa Kỳ kéo dài đên tận vĩ tuyến 17 Việt Nam. Sau đó là Luật 10.59 của Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam với chiến dịch tố cộng vô cùng dã man, trả thù những người tham gia chống Pháp, những người kháng chiến cũ.
Sông Hiền Lương là nỗi đau chia cắt của dân tộc!

3.     LỊCH SỬ CHIẾC CẦU CŨ, CHỨNG TÍCH MÔT THỜI.

Tôi nói với Phan Quang Kỳ cho xe chạy thẳng sang bờ Bắc và dừng lại bên công viên Cột cờ giới tuyến. Từ bên này nhìn về nam, hai chiếc cầu, một cũ, một mới nằm tại vị trí bờ bắc, cách nhau 20 mét, tạo thành hình chữ V.
Cầu cũ vẫn là chiếc cầu cách đây gần trăm năm khi nó mới ra đời và giữ lại những nét cổ xưa như vốn có. Còn cầu mới thì mới khánh thành thông xe vào lúc 9 giờ sáng ngày 15 tháng 4 năm 1999 ở thiên niên kỷ trước, sau 46 tháng thi công với tổng kinh phí là 42 tỷ đồng tiền Việt Nam.
 Cầu mới  có chiều dài 230 mét, rộng 11 mét 5, do Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông IV (Cienco IV) thi công theo công nghệ Nga vừa đúc vừa đẩy dầm bê-tông cốt thép dự ứng lực liền nhịp.
Cầu Hiền Lương trước đây bắc qua sông Tuyến tại Km 735 trên con đường thiên lý Bắc Nam, mà ngày nay gọi là Quốc lộ 1A, nối liền thôn Hiền Lương ở bờ bắc, thôn Xuân Hòa ở bờ nam, cách cửa Tùng Luật 10 km về phía tây. Đầu năm 1928 quan phủ Vĩnh Linh huy động sức dân làm một chiếc cầu bằng gỗ, cọc sắt, rộng 2 mét chỉ để cho khách bộ hành. Năm 1932, thực dân Pháp có sửa chữa nhưng xe cộ qua sông đều phải đi phà. Năm 1943, cầu được nâng cấp, các loai xe cơ giới tải trọng nhẹ có thể lưu thông.Năm 1950, trong thời Kháng chiến Bình Trị Thiên mịt mù khói lửa, thực dân Pháp xây lại cấu. Cầu dài 163 mét, rộng 3 mét 60, trọng tải 10 tấn.Cầu chỉ tồn tại được 2 năm thì bị du kích Việt Minh đặt bộc phá giật sập. Tháng 5 năm 1952, Pháp xây lại cầu có chiều dài 178 mét, rộng 4mét, có 7 nhịp bằng bê-tông cốt thép, dầm cấu bằng thép, mặt cầu lát bằng gỗ thông, hai bên có lan can cao 1,20 mét, trọng tải tối đa là 18 tấn.
 Cho tới ngày Hiệp nghị Genève được ký kết, cấu Hiền Lương cũng nổi rõ lên sự chia cắt – một sự chia cắt đến đau lòng. Khi về thăm sông Tuyến nhà văn Nguyễn Tuân đã ghi chép tỷ mỷ những số liệu về chiếc cầu này: Cầu được cắt ra hai phần, mỗi bên dài 89 mét.Cầu có tất cả 894 tấm ván lót mặt.Bên bắc đếm được 450 tấm, bên nam có 444 tấm. Chỉ khác là giữa tâm cầu ở miếng ván mét thứ 89 có một vạch sơn màu trắng kẻ ngang rộng 1 cm làm ranh giới chia đôi.Bên nam thì màu xanh. Để nói lên nguyện vọng đất nước Việt Nam là một nên phần cầu bên bắc ta cũng sơn màu xanh như bên kia. Mỹ - ngụy lại chuyển sang sơn màu nâu. Ta cũng sơn màu nâu. Rốt cuộc chúng phải chịu thua, để lại một màu xanh thống nhất. Cầu này chỉ tồn tại được 15 năm (1952 – 1967) thì bị chính bom Mỹ đánh sập khi chúng tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam mãi tới năm 2000,để bảo tồn di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương ta xây lại chiếc cầu này đúng nguyên bản cầu cũ
Biết bao nhiêu chuyện đau lòng đã xẩy ra nơi tuyến đâu này.

Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ

  Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét