149.VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG
Ký
sự
1.CON ĐƯỜNG THIÊN LÝ.

Đường cao tốc Sài Gòn -Trung Lương

Đường cao tốc Sài Gòn -Trung Lương
Con
đường thiên lý là mục tiêu của chuyến đi này để tác giả thực mục sở thị cái câu
nói của cha ông ta từ xưa: Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất từ Mục Nam
Quan đến Mũi Cà Mau. Cho nên từng chặng trong Ký sự này sẽ được viết ra với cảm
xúc trước thiên nhiên hùng vĩ, trước những địa danh mang đậm dấu ấn một thời,
những số phận của từng nhân vật nổi tiếng, cà những trang bi thương và oanh liệt
của những con dân nước Việt trên mảnh đất mới được khai phá trên ba trăm năm:
vùng Thủy Chân Lạp – nơi dòng sông Mê-kông hùng vĩ đổ về Biển Đông – để hình
thành chin nhánh Cửu Long trù phú.
Cách đây đúng hai mươi năm (1995) tôi đã có
chuyến đi về Cà Mau, ra tận chót mũi để viết cái ký sự Đường về Đất Mũi. Nay
tôi cùng nhà tôi và con gái Nguyễn Thúy Ngọc
làm chuyến hành hương về miền sông nước Cửu Long.
10
giờ sáng ngày 12 tháng 6 năm 2015 chiếc
xe bảy chỗ Ford Everet của kỹ sư P.Toản đón vợ chồng chúng tôi xuất phát từ
Biên Hòa, ghé qua Sài Gòn đón Thúy Ngọc.11 giờ lên đường trực chỉ miền Tây.
Trên con đường này hơn hai chục năm trước – khi tôi cộng tác với tạp chí Người
Đại biểu Nhân dân, sau này thành tờ báo của Văn phòng Quốc hội – tôi đã về hầu
hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để viết bài. Lần đi này tôi nhận thấy con
đường xưa thật sự có nhiều thay đổi. Quốc lộ 1A được mở rộng. Đoạn từ cuối huyện
Bình Chánh đến Trung Lương đã trở thành đường cao tốc cho phép xe chạy tối đa
120 km/giờ.
Quá
ngọ,chúng tôi ghé quán cơm Hiếu Giang, nằm ở đoạn đường dẫn cao tốc ngã ba
Trung Lương và được thưởng thức món cá hú kho tộ, một món ăn truyền thống của đồng
bào miền Tây. Tôi nhớ trước đây khi tôi với nhà báo Trần Mộng Cẩn đi miền Tây,
anh Cẩn rất ưa thích món cá kho tộ này. Anh Cẩn quê ở Thái Bình di cư vào nam
năm 1954 và làm việc ở Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa. Sau giải phóng anh cộng
tác với nhiều tờ báo, trong đó có tờ Công an Nhân dân và Người Đại biểu Nhân
dân.Tôi có một kỷ niệm xót xa với anh Cẩn. Đúng như lời cha ông ta nói “ cái
khó bó cái khôn”. Có lần tôi và anh ra Hà Nội họp báo, Anh Nguyễn Ngọc Thọ, tổng
biên tập Người Đại biểu Nhân dân có nhã ý tạo điều kiện (bố trí xe ôtô) cho anh
về thăm Thái Bình, nhưng anh từ chối. Anh tâm sự với tôi: Xa quê lâu ngày trở lại,
trong tay không có tiền để mua quà biếu bà con nên rất ngại ngùng. Hồi đó đất
nước đang trong thời kỳ khó khăn. Lương nhà báo không là bao nên không có điều
kiện. Giờ đây, ngồi nghĩ lại mà thấy thương anh Cẩn vô cùng. Anh ra đi khi tuổi
đời bước sang thất thập mà trong lòng đau đáu nỗi quê hương!
Xe
qua Ấp Bắc, nơi có chiến thắng tuyệt vời của quân dân Mỹ Tho những năm đánh Mỹ.
Sau giải phóng cơ quan báo của Tỉnh Đảng bộ Tiền Giang đã lấy tên Ấp Bắc cho tờ
báo tỉnh nhà. Đây rồi Cai Lậy và Cái Bè. Có lần nhà thơ Xuân Diệu thắc mắc
không hiểu sao đất Nam Kỳ lục tỉnh có nhiều cái tên mang chữ Cái đầu. Ông nói rằng
Cái Bè, Cái Sắn, Cái Khế… thì có thể hiểu được, còn Cái Răng, Cái Vồn (lại có đến
hai Cái Vồn: Cái Vồn Lớn Cái Vồn Nhỏ) thì nên hiểu như thế nào đây?
Vẫn
là Quốc lộ 1A nhưng nay thì hoàn toàn thay đổi. Những chiếc cầu xi măng thực
dân Pháp xây dựng vào thập kỷ 30 thế kỷ trước đã được xây mới bằng bê tông dự ứng
lực, to và rộng hơn. Có chiếc cầu cũ giữ lại làm chứng tích một thời nô lệ. Cạnh
thân cầu có con số 1935. 1935 là năm tôi được sinh ra tại cố đô Huế, năm mà Nam
Phương hoàng hậu sinh quý tử Bảo Long, được lập làm Đông cung thái tử khi mới lọt
lòng mẹ. Bất giác tôi nhớ về Nam Phương hoàng hậu – người con gái miệt Gò Công
– nổi tiếng nhan sắc một thời. Gò Công và Mỹ Tho là hai tỉnh trong thời Pháp đô
hộ, sau này sáp nhập thành tỉnh Tiền Giang đến bây giờ.
2.
HỒNG NHAN BẠC MỆNH.

Nam Phương hoàng hậu trong triều phục
Nam
Phương hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, bố là Nguyễn Hữu Hào, mẹ là Lê
Thị Bình – con của cụ Lê Phát Đạt, tín đồ Kitô giáo (tục gọi là Huyện Sỹ) – một
trong 4 người giàu có nhất Nam Kỳ thời đó. Huyện Sỹ học ở Pháp về, mở đồn điền
trà và cà phê ở cao nguyên Trung phần, là người đã bỏ tiền xây dựng ngôi nhà thờ
công giáo ở đường Bùi Chu cũ, nay là đường Tôn Thất Tùng, tên thường gọi là nhà
thờ Huyện Sỹ. Cụ còn xây dựng nhà thờ Hạnh Thông Tây và nhà thờ Chí Hòa. Nguyễn
Hữu Hào chỉ có 2 người con gái. Chị cả Agnès Nguyễn Hữu Hào, lấy chồng người
Pháp là bá tước Didelot. Nguyễn Hữu Thị Lan , tên thánh là Marie Thérèse. Năm
12 tuổi được gia đình cho sang Pháp học ở trường Couvent des Oiseaux. Năm 1932,
Nguyễn Hữu Thị Lan 18 tuổi, đậu tú tài toàn phần. Marie về nước trên con tàu D’
Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Vua Bảo Đại hồi loan cũng đi chuyến tàu
này, tuy nhiên hai người chưa hề biết nhau.
Cuộc tình giữa vua Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan là do sự dàn xếp của Pasquier, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương nhằm mục đích chính trị để lôi kéo vị vua trẻ này đi theo Pháp. Trong một buổi dạ tiệc ở khách sạn La Palace tại Đà Lạt, hai người đã gặp nhau. Bảo Đai say mê Marie ngay tử buổi gặp đầu tiên này. Trong hồi ký Con rồng Việt Nam, Bảo Đại có nhắc: “Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế tổ Cao hoàng đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam”…
Nhưng
khi hỏi cưới thì gia đình Nguyễn Hữu Thị Lan đưa ra 4 điều kiện: 1/Nguyễn Hữu
Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu chính cung ngay trong ngày cưới. (Đây là một biệt lệ đối với nhà Nguyễn. Có 3
điều bất khà là Không có danh hiệu Hoàng hậu, không có tể tướng và không có trạng
nguyên. NV). 2/Được giữ nguyên đạo Công giáo và các con khi sinh ra phải được
rửa tội theo Giáo luật Công giáo và giữ đạo. 3/Riêng Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ
là Phật giáo. 4/Phải được Tòa Thánh cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ
hai tôn giáo khác nhau.
Trong
triều đình có nhiều người phản đối cuộc hôn phối này. Trước Hoàng tộc, Bảo Đại
đã tuyên bố: “Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu
phải cưới vợ cho cụ Tôn Thất Hân và triều đình”.
Năm
1934, Nguyễn Hữu Thị Lan tròn 20 tuổi. Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy 21 tuổi. Hôn lễ được
tổ chức ngày 20 tháng 3 năm 1934 tại Huế. Đoàn đưa dâu đi bằng ô tô từ Sài Gòn
đến đỉnh đèo Hải Vân. Đến đỉnh đèo hai họ hoan hỷ gặp nhau. Pháo và sâm-banh
thi nhau nổ.. Hai bên đàng trai và đàng gái chạm cốc chúc mừng tân lang và tân
giai nhân. Ngay hôm sau, lễ tấn phong Hoàng hậu được long trọng tổ chức tại điện
Dưỡng Tâm. Hoàng đế phong hoàng hậu tước vị Nam Phương hoàng hậu. Nam Phương có
nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud). Như vậy nhà Nguyễn duy nhất
có 2 vị hoàng hậu được tấn phong khi tại vị. Đó là Thừa Thiên Cao hoàng hậu,
chính thất của Nguyễn Thế Tổ Gia Long, người lên ngôi hoàng đế đầu triều 1802
và Nam Phương hoàng hậu, người vợ chính của Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, tức Bảo Đại
- vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn, kết thúc 387 năm trị vì của 9 chúa và
13 vua của một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam, (1558 – 1945).
Nam
Phương hoàng hậu đã sinh cho nhà Nguyễn 5 người con, 2 trai và 3 gái. Đó là
Nguyễn Phúc Bảo Long, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936, Phương Mai công chúa, sinh
ngày 1 tháng 8 năm 1937, Phương Liên công chúa, sinh ngày 3 tháng 11 năm 1938,
Phương Dung công chúa, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1942 và Nguyễn Phúc Bảo Thắng,
sinh ngày 9 tháng 12 năm 1943.

Hoàng đế Bảo Đại Bảo Đại là một ông vua có đến 6 người vợ và người tình, có 2 người ngoại quốc là bà Monique Baudot (Pháp) và Hoàng Tiểu Lan (Tàu).
Hoàng
hậu Nam Phương là một con người thiết tha với đất nước. Theo sử gia Pháp Jean
Renaud:
“Sau khi
quân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh quốc để gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái
chiếm thuộc địa Việt Nam. Lúc đó vua Bảo Đại đã thoái vị, bà Nam Phương đang ở
tại An Định cung bên bờ sông An Cựu. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền
Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu hoàng hậu Nam Phương đã gửi
một Thông điệp cho bạn bè ở Á Châu, yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm
lăng của thực dân Pháp với lời lẽ như sau;
“Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt
Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số
thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân
dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành
động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại
là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến
tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh
đang ngày đêm tàn phá đất nước chúng tôi.
Thay mặt cho hàng chục triệu phụ
nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và của nước Việt Nam hãy bênh
vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền
hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa
của tất cả đồng bào của chúng tôi”.
Những
năm cuối đời Nam Phương hoàng hậu sống trong lẻ loi. Bà sống lặng lẽ cùng các
con tại Perche - một ngôi làng cổ của nước Pháp ở Chabrignac, tỉnh Corrèze. Bao
nhiêu năm ở đây cựu hoàng Bảo Đại chỉ đến thăm hoàng hậu mấy lần. Trái tim người
đẹp Gò Công ngừng đập khi ở độ tuổi 49, vào ngày 14 tháng 9 năm 1963. Không có
một người ruột thịt nào của bà trong giờ
phút lâm chung của cựu hoàng hậu, ngoại trừ 2 người giúp việc. Đám tang
của bà tổ chức một cách sơ sài, thưa thớt vắng vẻ, không tiếng khóc than, không
lời ai điếu. Chỉ có 5 người con của bà đi cạnh linh cữu. Nấm mộ đơn sơ của bà đặt
trong nghĩa trang của nhà thờ công giáo tại Chabrignac, kém cả những ngôi mộ
khác ở ngay bên cạnh.
Than ôi! Thân phận một hoàng hậu nước Nam!
Còn tiếp. 3. GÁI ĐẸP NHA MÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét