Trang

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

320. Hà Nội nỗi nhớ .1-

 

HÀ NỘI NỖI NHỚ. I

           Viết nhân kỷ niệm 66 năm giải phóng thủ đô- 10 tháng 10 năm 1954 – 10 tháng 10 năm 2020.

TÔI NGƯỠNG MỘ TOÀN QUYỀN PAUL DOUMER.

Trước hết tôi xin tỏ lòng biết ơn Nhà Xuất bản Thế giới đã ấn hành cuốn Hồi ký Xứ Đông Dương ( L’ Indochine Francaise) và cảm ơn Nhóm dịch Lưu Đình Tuấn, Hiệu Constant, Lê Đình Chỉ, Hoàng Long và Vũ Thúy; cảm ơn những vị hiệu đính Nguyễn Thừa Hỷ và Nguyễn Việt Long.

Thứ đến xin trân trọng cảm ơn Ngài Jean – Noel Poirier, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đã có Lời tựa cho lần xuất bản này với những câu có cánh: “…Tôi rất lấy làm sung sướng về việc Alpha Books đã cho xuất bản cuốn Hồi ký Xứ Đông Dương bằng tiếng Việt. Chắc hẳn ông Doumer sẽ ngậm cười nơi chin suối vì cuốn hồi ký của ông được xuất bản ở Việt Nam vào thời điểm mà quan hệ Pháp – Việt đang có những bước phát triển mới đầy hứa hẹn. Tôi cũng tin tưởng cuốn sách đặc biệt này sẽ tạo cơ hội cho độc giả Việt Nam khám phá them về lịch sử Việt Nam qua một góc nhìn khác lạ hơn, góc nhìn của một nhân vật vĩ đại của nước Pháp, liêm khiết và không chút vụ lợi ( intègre et désintéressé)…”

Cầu Long Biên năm 1926.

1. Cầu Long Biên và bài thơ Đưa em lên cầu Long Biên

Năm 1955, tôi về Hà Nội học. Với phụ cấp it ỏi lúc đó, những học sinh sinh viên chỉ đủ tiền ăn bếp tập thể, ngủ nghỉ ký túc xá và còn rất ít để mua khăn mặt, xà phòng giặt (loại cục 72% dầu). Xà phòng thơm được coi là thứ xa xỉ phẩm nên chẳng bao giờ chúng tôi mơ tưởng đến.Thuốc đánh răng và bàn chải, khăn mặt, mấy thứ này khi nào hết mới mua. Để giải trí, chúng tôi chỉ đi xem cinéma ban ngày, vé đồng hạng 2 hào/vé. Có chủ nhật chúng tôi cuốc bộ từ rạp này đến rạp khác, mỗi rạp chiếu một bộ phim khác nhau. Cho nên được xem đủ 4 phim trong một ngày. Tối đến, đôi chân mỏi dừ. Có tối còn đi xem chiếu bóng ngoài trời ở các bãi Lương Yên, Yên Phụ…Phim chiếu để nâng cao đời sống văn hóa cho dân vào ban đêm và không mất tiền mua vé. Các món kịch nói, chèo, cải lương, ca múa nhạc thì năm thì mười họa, dành dụm được món tiền kha khá lại rủ nhau canh-ty mua vé đi xem. Còn các môn nhạc giao hưởng, thính phòng thì không bao giờ dám mơ tưởng tới. Phần lớn được tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Lớn, giá vé rất đắt.

Nhờ đi bộ mà chúng tôi thuộc từng con đường, góc phố của Hà Nội. Đặc biệt, chúng tôi thường đi lên cầu Long Biên, đi từ bên này sang bên kia rồi quay lại vừa đúng 3 cây số 6, mất gần tiếng đồng hồ, đếm được 19 nhịp, 9 nhịp dài, 10 nhịp ngắn, sử dụng 130.000 thanh thép lớn nhỏ nặng 5.300 tấn với 20 trụ cầu cả thảy. Cầu được khởi công ngày 12-9-1898 và sau gần 36 tháng thì hoàn thành.. Với tổng kinh phí là hơn 6 triệu 200 nghìn franc, so với dự trù ban đầu là 5.390.794 franc thì số tăng không đáng kể.

8 giờ 35 phút sáng một ngày đầu năm 1902, cầu được khánh thành. 8 toa xe khởi hành từ ga Hàng Cỏ sang ga Gia Lâm. Có những yếu nhân ngồi trên tàu là Vua Thành Thái, Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur genéral de l’Indochine francaise) Joseph Athanase Paul Doumer, Vua Mã Lai, Hoàng gia Cao Mên, Đô trưởng Vientiane (Lào) và đại diện triều đình Mãn Thanh (Trung Hoa). Như thế, nhờ chiếc cầu này, hệ thống đường sắt Đông Dương thu về một mối mà Hà Nội là trung tâm.

Đứng trên cầu tha hồ ngắm con sông Hồng Hà quanh năm đỏ ngầu phù sa. Những lúc chiều xuống thì nơi đây là địa điểm lý tưởng cho ai muốn ngắm nhìn hoàng hôn Hà Nội. Khi mới tiếp quản thủ đô, Hà Nội chỉ có một ngôi nhà 6 tầng. Đó là Nhà in IDEO, sau này là Nhà in Báo Nhân Dân ở phố Tràng Tiền. Tôi tỷ mỷ ghi lại những chữ đúc nổi vào các thanh sắt dầm cầu. “Daydé & Pillé-Paris” là nhà cung cấp thép cho công trình này. Lại có dòng chữ số: “1899-1902”, ghi lại thời điểm chính thức khởi công và hoàn thành cầu.

Người Hà Nội thời trước thường gọi tên cầu một cách dân dã là cầu Sông Cái hay còn gọi là cầu Bồ Đề và dân Hà thành cho đến khi ta vào tiếp quản thủ đô quen gọi tên cầu này là “Pont Doumer”. Pont tiếng Pháp là cầu. Và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer là người đưa ra ý tưởng làm cây cầu này. Trong Hồi ký của mình Paul Doumer viết: “Có một sự khẩn thiết xuất hiện ngay trong đầu tôi là việc xây dựng một cây cầu bắc ngang qua sông Hồng trước mặt Hà Nội. Thành phố bị ngăn cách với các tỉnh phía tả ngạn bởi dòng sông rộng 1.700 mét bị tắc nghẽn bởi những bãi cát lúc lở, lúc bồi rất nhanh. Đối với người bản xứ, việc vượt sông rất khó khăn, tốn kém có khi nguy hiểm. Đường sắt Lạng Sơn phải dừng lại ở bờ tả ngạn, cách Hà Nội 3 km. Ý tưởng của tôi là xây dựng cho Bắc Kỳ một mạng đường sắt hội tụ ở Hà Nội, một đầu nối với biển, đầu kia với Trung Kỳ và một chạy sang Trung Hoa. Không thể hình dung được là hai nửa của mạng đường lại bị ngăn cách bởi một con sông”…

Theo thiển nghĩ của tôi, nên chăng ở hai đầu cầu Long Biên hiện nay gắn tấm biển ghi lại dấu tích của người đầu tiên có ý tưởng và sau đó đã bảo vệ thành công đề án xây dựng cầu Long Biên. Tấm biển đó chỉ ghi ngắn gọn: Tên người đề xuất, tên người làm dự án, tên công trình sư thiết kế, tên đơn vị thi công và ngày, tháng năm khởi công, ngày tháng năm hoàn thành.

***

2.Tôi làm bài thơ đưa em lên cầu Long Biên.

Sau này, khi có người yêu, tôi thường cùng nàng đi dạo chơi trên cầu Long Biên.Vào những năm năm chín, sáu mươi, có những đêm chúng tôi lai nhau trên chiếc xe đạp để đi vòng quanh Hà Nội, bao giờ cũng từ điểm xuất phát đầu tiên là chân cầu Long Biên, lên Yên Phụ, Chèm Vẽ, vòng qua Diễn, xuống Tây Tựu, ra Văn Điển, về Giáp Bát rồi dọc theo Làng Tám về Mai Động leo lên đê Vĩnh Tuy, Lương Yên, dọc theo đường Trần Qung Khải, Trần Nhật Duật và điểm dừng đúng vào nơi xuất phát ban đầu: chân cầu Long Biên.

Có một đêm Trung thu chúng tôi đi từ lúc trăng rằm mọc từ phía bên kia cầu, phía Gia Lâm và kết thúc hành trình dạo quanh Hà Nội thì trăng đã dần lặn ở phía Hồ Tây.Hà Nội ngày ấy sao yên ả và thanh bình đến thế!

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cầu Long Biên đã từng chứng kiến những đoàn tàu ngày đêm chở những người con thân yêu của hậu phuơng ra trận.

Trên nóc cầu Long Biên những khẩu pháo cao xạ 12ly7, 14ly5 vươn thẳng lên trời cao. Cao xạ 100ly đặt ở thôn Gia Thượng và những ụ pháo Bãi Giữa ngày đêm căng mắt, chờ đón lũ giặc trời. Những chàng trai, cô gái của thủ đô, đầu đội mũ sao vuông, tay lăm lăm khẩu súng trường sẵn sàng nhả đạn vào máy bay Mỹ.

 Đợt 1, từ năm 1965 đến năm 1968, Mỹ trực tiếp ném bom 10 lần làm sây sứt nhẹ 7 nhịp và 4 trụ lớn. Tuy nhiên, cầu Long Biên vẫn sừng sững hiên ngang, gần như cầu vẫn nguyên vẹn con rồng thép thủ đô. Lần 2, năm 1972, chúng đánh phá cầu 4 lần, phá hỏng hơn 1.500 mét, cắt đứt 2 trụ lớn ở phía bờ bắc. Chúng dùng cả bom laser và tên lửa. Mặt trận trên cao này đã hạ gục hàng chục máy bay “thần sấm, con ma” Mỹ!

Cho đến hôm nay, tức là lúc tôi lại cùng người yêu năm xưa đi lên chiếc cầu đầy ắp kỷ niệm của những năm tuổi trẻ thì cầu Long Biên đã được hơn trăm tuổi, vắt sang hai thế kỷ và đọng lại trong tâm trí người Hà Nội bóng dáng con Rồng thời Lý. Hà Nội sắp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Đông Đô – Hà Nội. Tôi da diết nhớ tiếng búa gõ cạo rỉ ngày nào của những người thợ sơn cầu và nhớ, chao ôi nhớ những ngày xưa thân ái khi lần đầu tôi về Hà Nội!

Xin tạm dừng bài viết kể về chuyện tôi đã làm bài thơ Đưa em lên cầu Long Biên, để một dịp khác, viết tiếp. Dưới đây là bài thơ ấy:

Đưa em lên cầu Long Biên

Năm xưa

Anh cùng em

Đứng trên cầu Long Biên

Nhìn lên Bãi Giữa

Nương ngô mút mắt trời Chèm

Mạn Lương Yên, ca-nô, tàu thủy

Tấp nập vào ra chật bến Phà Đen

Con rồng thép uốn mình qua đôi bờ Hà Nội

Chở tuổi thanh xuân những cô gái, chàng trai

Đi vào cuộc trường chinh đánh Mỹ

Còn đây những nhịp cầu gãy

Chứng tích thương đau

Ta muốn nghe tiếng búa cạo rỉ

Của những người thợ sơn cầu

Như bản hòa tấu âm vang thế kỷ

Thao thiết chảy vào dòng sâu Nhĩ Hà

Chiều nay trời trở lạnh

Ta lại đưa em lên cầu Long Biên

Để nhớ về kỷ niệm

Nụ hôn đầu giữa trời đất mênh mang.

Đầu Ô Quan Chưởng, một chiều rét ngọt 3 -4 -2007

Nhà thơ Xuân Bảo.

Viết thêm: Bài thơ này đã được nhà thơ Vũ Xuân Hoát, tổng biên tập tờ Người Hà Nội (thuộc Hội Nhà văn Hà Nội) đăng.  Và đã in vào tập thơ Trăng Giêng của tôi, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành nam 2007. Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long bài thơ đã được Ban Tổ chức Festival Cầu Long Biên cho viết thư pháp trên giấy dó trình bày trong lễ hội.

Bên bờ Phước Long Giang, ngày 8 tháng 10 năm 2020.

Nhà thơ Xuân Bảo.

 

Kỳ tới . HÀ NỘI NỖI NHỚ .2

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét