Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

93.Về làng bưởi Tân Trièu


              93.VỀ LÀNG BƯỞI TÂN TRIỀU
                                                                   Bút ký của  Xuân Bảo
Bài thơ này, trước hết, tôi muốn giành tặng cho bà con làng             Tân Triều, miền đất đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng cho trái bưởi Tân Triều.Thứ đến giành tặng cho anh Lê Văn Thanh, phó Chủ tịch xã Tân Bình và chị Nguyễn Thị Nước, phó Trưởng ấp, phó Trưởng ban Ban Phát triển xây dựng nông thôn mới ấp Vĩnh Hiệp-những con người đã giúp chúng tôi trong những ngày đi thưc tế sáng tác về đề tài Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai.
 
Làng bưởi Tân Triều
Làng bưởi Tân Triều nức tiếng xa
Đất vườn níu giữ hạt phù sa
Ngày đêm chăm chút bao công mẹ
Năm tháng cần cù bấy sức cha
Khấp khởi mừng khi cành hé lộc
Bồi hồi vui lúc nụ đơm hoa
Xuân về tỏa ngát trời hương bưởi
Tết đến trái ngon ấm mọi nhà.
                     ***
 1.Tân Triều: Đất và Nước.
       Những năm làm báo, tôi đã có may mắn đặt chân đến nhiều miền đất nước. Và cũng đã trải nghiệm và nếm thử những quả bưởi ngon nổi tiếng: Phú Thọ có bưởi Đoan Hùng. Hà Tĩnh có bưởi Phúc Trạch. Vĩnh Long có bưởi Năm Roi… Miền đất quê tôi, Quảng Trị và Thừa Thiên có bưởi Thanh Trà nổi tiếng tiến cung.
       Từ khi chọn mảnh đất “Đồng Nai khoai củ” làm quê hương thứ hai, tôi lại may mắn được biết thêm một loại trái cây cũng đã từng nổi tiếng trên hai trăm năm, kể từ năm 1778 ( theo bà Nguyễn Thị Nước, ấp Vĩnh Hiệp). Cũng có tài liệu nói là từ năm 1869 bắt đầu xây nhà thờ Tân Triều.Khi đó có người cố đạo Thiên Chúa Giáo đến quản hạt và xây nhà thờ Tân Triều. Ông mang theo một ít giống bưởi từ đất nước Brasil xa xôi về Việt Nam. Bưởi Tân Triều có từ đó cho tới ngày hôm nay đã 200 năm và ngày càng phát triển không ngừng.
        Tân Triều thuộc loại làng cổ xưa của đất Nam Kỳ. Đây là một cù lao mà dòng chảy một nửa do sông Đồng Nai khoét ôm vào đất liền, còn nửa kia là một con rạch do bàn tay con người kiến tạo qua bao năm tháng miệt mài khai hoang lập ấp làm nên quê mới.
         Tân Triều nằm trong chiếc nôi cách mạng. Ngay từ những năm 1933, tại Bến Cá thuộc xã Tân Bình ngày nay, người con ưu tú của quê hương Lưu Văn Viết (Tư Chà) đã sớm giác ngộ và vận động những thanh niên cùng chí hướng vào tổ chức đảng. Và cũng chính tại nơi này, năm 1935,Hoàng Minh Châu (Tư Vĩ) cùng Lưu Văn Viết,Lưu Văn Văn,Quách Tỷ,Quách Sanh, Huỳnh Văn Lũy ( sau này là bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa) và một số đồng chí khác, đứng ra thành lập chi bộ cọng sản đầu tiên, lấy tên là Chi bộ Bình Phước-Tân Triều. Trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và đuổi Mỹ, cái cù lao nhỏ bé này từng là nơi nuôi dấu cán bộ hoạt động bí mật, có trạm giao liên đầu tiên của huyện Vĩnh Cửu.Chính truyền thống cách mạng đó đã tạo nên thành công mọi mặt của Tân Triều để có những đổi thay kỳ diệu trong 37 năm qua, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
           Trước đây, khi chưa có Thủy điện Trị An, vào mùa nước nổi, Tân Triều thường bị ngập lụt nên không thể canh tác các loại cây khác mà chỉ có cây bưởi mới thích hợp với thổ nhưỡng nơi này.
            Khi vừa thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai được mấy tháng, đầu năm 1980, tôi được nhà văn Lý Văn Sâm phân công đi viết về làng bưởi Tân Triều. Và vào giữa hè năm đó, khi mùa sầu riêng và chôm chôm chín, anh lại bảo tôi đi viết về trái chôm chôm Long Khánh.Bài viết xong, tôi đưa cho anh xem lại để đưa in vào báo Văn nghệ Đồng Nai. Xem xong bài, anh khen: Cậu viết khá lắm. Có nghề. Đó không những là lời động viên mà còn mang ý nghĩa khuyến khích những cây bút trẻ cố gắng vươn lên.
 Tân Triều lúc bấy giờ chỉ là nhũng con đường đất nắng bụi, mưa lầy. Tôi vào thăm một bác nông dân, người đã được ông cha đưa đến vùng đất này từ những năm đầu thế kỷ trước, và được sinh ra trên mảnh đất Tân Triều. Vườn Tân Triều lúc này phần lớn trồng cây trầu không và cũng đã nổi tiếng nhờ có giống bưởi ổi. Bưởi ổi trái nhỏ,có mùi thơm đặc trưng như hương ổi nếp, càng để lâu càng ngọt,có thể để đến sáu tháng mà không hề biến chất. Nhà nào cũng có vài ba cây để dùng vào việc thờ cúng ông bà tổ tiên hoặc biếu bạn bè, người thân. Những bức vườn lúc đó trồng đủ các loại cây ăn trái, gặp đâu trồng đó, không có chọn lọc nên người ta thường bảo là vườn tạp.
         Giờ đây, sau hơn ba mươi năm trở lại, tôi đã tận mắt trông thấy những đổi thay diệu kỳ của Làng bưởi Tân Triều. Cù lao Tân Triều nay chia thành 2 ấp: Ấp Tân Triều và ấp Vĩnh Hiệp. Cù lao này có 258 hecta  đã được quy  hoạch cho trồng bưởi. Như vậy tính theo tỷ lệ đất nông nghiệp của toàn xã Tân Bình có  868 hecta thì đất trồng bưởi ở Tân Triều đã chiếm tỷ lệ tới hơn 21%.Năm ngoái, xã Tân Bình có 352 hecta bưởi đặc sản, trong đó có 338 hecta đã cho thu hoạch. Đó là các giống bưởi đường lá cam, đường hồng, đường da láng. Tân Triều có tới 20 giống bưởi khác nhau gồm bưởi đường lá cam, đường núm, thanh long, thanh dây,thanh trà, ba giăng, bưởi xiêm ruột đỏ,bưởi Bà Văn, bưởi ổi,Năm Roi, bưởi da cóc, bưởi ghè…Nhưng người sành điệu và thị hiếu người tiêu dùng, nhất là dân Sài Thành thì vẫn chuộng loại bưởi đường lá cam, giống của Tân Triều từ ngày xưa để lại. Sở dĩ gọi là bưởi lá cam vì lá của loại bưởi này nhỏ như lá cây cam, vỏ xanh mịn, ruột có vị ngọt đậm pha chút chua thanh, đặc biệt không hậu đắng. Còn bưởi đường núm thì trái to, múi màu vàng, tép to dùng để chưng ba ngày Tết rất đẹp.Tôi lại tỷ mẩn đi tìm hiểu về cây bưởi. Cây bưởi có tên khoa học là Citrus Grandis Osbeck, họ Cam Rutaceae.Cũng như cây cao su, cây phượng vĩ (còn gọi là cây điệp, cũng là những giống cây nhập ngoại) từ khi người Pháp xâm chiếm nước ta.
          Có một điều thú vị nữa là cây bưởi là một cây thuốc, một dược liệu rất quý. Tất cả các thành phần của bưởi đều có tác dụng chữa bệnh.Lá bưởi dùng để nấu lá xông, chữa cảm mạo.Cùi bưởi chữa hen.Múi bưởi chống viêm nhiệt,cải thiện thành động mạch.Hoa bưởi chữa hành khí,tiêu đờm.Than của hạt bưởi chữa trốc đầu.Vỏ bưởi chống tóc chẻ,rụng tóc, khô tóc. Nhà tôi vẫn thường mua bưởi về dùng và bao giờ cũng gọt bưởi theo kiểu xoay vòng quanh quả bưởi thành một khoanh tròn rồi phơi lên dây để dùng dần vào việc gội đầu. Trong những năm Bình Trị Thiên khói lửa,rất khan hiếm dầu hỏa để thắp sáng.Nhân dân ta thường dùng dầu thực vật như lạc(đậu phộng),vừng(mè),dầu lai, thậm chí cả hạt bông vải để ép ra dầu dùng để thắp sáng. Tôi còn nhớ lũ trẻ chúng tôi đã bóc hạt bưởi,xâu vào que tre, mảnh như cái tăm ,dài chừng hai gang tay, phơi khô để đốt thay đèn mà học bài.
          Ở Việt Nam ta thì nơi đâu mà chả trồng được bưởi! Nhưng phải tự hào mà nói rằng Đồng Nai là vương quốc của bưởi. Nó vừa đa chủng loại lại vừa ngon vào bậc nhất. Tính đến cuối năm ngoái, toàn tỉnh có 1450 hecta bưởi, cho sản lượng là 16 ngàn tấn. Người dân Vĩnh Cửu lại vô cùng tự hào huyện nhà có tới 900 hecta! Tân Triều lại chiếm một phần năm diện tích trồng bưởi toàn huyện.Những nhà lãnh đạo Đồng Nai thấy rõ thế mạnh của cây bưởi cho nên đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông xây dựng mô hình Global GAP đầu tiên vào đầu năm 2010. Năm 2011 mới chỉ có 5 người trồng bưởi đạt chứng chỉ Global GAP cho bưởi đường lá cam.Con số này sẽ nối dài ra từ nay về sau. Có chứng chỉ này, trái bưởi Tân Triều đã chu du sang tận Trời Âu xa xôi.Hành trình tiếp theo của trái bưởi Tân Triều không chỉ dừng lại ở Hà Lan, Cộng hòa Liên bang Đức mà sẽ vươn tới những lục địa khác trên khắp quả địa cầu này.Vinh dự thay là trái bưởi quê hương Tân Triều!
            Phải chăng phù sa của dòng Đồng Nai thân yêu đã hóa thân vào trái bưởi Tân Triều hay tình người mặn nồng gắn bó với đất, hay là những giọt mồ hôi của người nông dân từ đời này sang đời khác không ngừng bồi đắp cho ruộng vườn nơi đây, để ngày nay có những vườn bưởi xum xuê cây lá và trái ngọt cho đời ?!
          Tân Triều giờ đây không chỉ đơn thuần là một vùng nông thôn yên ả, thanh bình mà đã rộn ràng tiếng ầm ì xình xịch của nhũng chiếc thuyền máy chạy vòng quanh cù lao đưa du khách ngắm nhìn, thưởng ngoạn những vườn bưởi trái trĩu cành lúc mùa xuân sắp về.Con rạch Tân Triều còn gọi là rạch Bến Cá cũng đã được nạo vét khơi thông dòng chảy trước khi Nhà máy Thủy điện Trị An phát điện vào khoảng những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Những cây tràm, cây tre và những loại cây chống sạt lở khác hai bên bờ rạch giờ đây đã cao lớn, đứng vững vàng trước bão tố phong ba, giữ cho vườn tược Tân Triều không bị bào mòn.Và những con đường năm nào còn lầm bụi đỏ thì nay đã được trải nhựa phẳng lỳ.Đoạn đường tỉnh 768, chạy qua trước mặt trụ sở Ủy ban xã Tân Bình mấy tháng cuối năm 2012 còn có những tấm biển ghi “Lề lộ lở” thì nay đã được thay vào đó là những khối đất đỏ cao hơn mặt lộ từ 60 cm đến gần 1 mét. Phó chủ tịch Lê Văn Thanh giải thích:Nay mai mặt đường 768 cũng sẽ được nâng lên cao để chống ngập.Chị Nguyễn Thị Nước trao cho tôi bản Báo cáo Kết quả thực hiện công tác tuyên truyền vận động xây dựng Nông thôn mới của ấp Vĩnh Hiệp. Báo cáo ghi: Ấp Vĩnh Hiệp là khu vực trung tâm làng bưởi sinh thái vườn, được trải dài theo Hương lộ 9 với chiều dài 4 kilômet, tiếp giáp với ấp Tân Triều. Vĩnh Hiệp có diện tich là 201 hecta với số dân là 1758 người của 390 hộ. Trong đó có 91 hộ đồng bào Thiên Chúa giáo.Để ngôi làng ngày càng sạch đẹp người dân sẵn sàng nhổ rào dời vô, hiến đất để nhựa hóa đường làng mỗi bên vô một mét rưỡi. Như vậy dân đã hiến 12 ngàn mét vuông đất mà không hề đòi hỏi bồi thường.Hai đường hẻm số 3 và số 4 cũng đã nhựa hóa hoàn toàn.Đường giao thông nội đồng cũng đã dược nới rộng ra để có mặt đường là 5 mét, tạo thuận lợi cho các loại xe cày, xe kéo vận chuyển sản phẩm thu hoạch. Cây canh tác chính là lúa và bưởi.Nhưng người dân ở đây đã bắt đầu đưa cây bưởi xuống ruộng vì thu nhập từ bưởi cao hơn lúa và bắp hàng chục lần..

2.Những con người Tân Bình
Khi qua khỏi địa giới của thành phố Biên Hòa, trên tỉnh lộ 24 xưa kia, nay là Đường tỉnh 768 , chỉ cỏn khoảng 5 cây số đường chim bay,nhìn về phía tay trái du khách đã có thể nhìn thấy một ngôi nhà cao tầng lừng lững giữa ngút ngàn màu xanh của xứ bưởi Tân Triều.Đó là trụ sở của Doanh nghiệp Tư nhân Quê Hương Tân Triều. Chủ doanh nghiệp này là ông Nguyễn Thanh Sang, người chính gốc Tân Triều.Ông là một con người đầy nhiệt huyết và giàu nghị lực.Nhớ lại cách đây gần chục năm, khi ông muốn xây dựng thương hiệu cho trái bưởi quê nhà. Ông đã vấp phải biết bao trở lực và cũng quyết tâm vượt qua nó để định hình được thương hiệu Bưởi Tân Triều. Ông từng nghẹn ngào thổ lộ với người viết rằng: “Tôi là đứa con của quê hương Tân Triều.Gia đình tôi đã nhiều đời sinh sống tại đây,có trái bưởi giờ đã thành đặc sản nhưng cũng chỉ để nhà dùng. Tôi đã trở về quê hương để gây dựng bằng cả tâm huyết, dốc hết vốn liếng và cả thời trai tráng nhiệt tình , cả mồ hôi và nước mắt để tìm cho được thương hiệu BƯỞI TÂN TRIỀU, từ vô danh đến hữu danh…”. Để có trái bưởi sạch theo chứng chỉ VietGAP, ông đã lặn lội vượt mấy ngàn cây số ra Hà Nội tìm đến Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam mua máy xử lý Ôzon về để xử lý bưởi. Mãi tới giữa năm 2004 trái bưởi Tân Triều đã được bọc trong giỏ lưới,có tem dán, hạn sử dụng xuất hiện trong các siêu thị lớn: Metro,Bic C, Coopmart,Maximart,Vinatex…Thị trường tiêu thụ lớn nhất là Sài Gòn và các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Bình Dương…Nguyễn Thanh Sang là người có công lớn đưa trái bưởi Tân Triều ra nước ngoài. Anh đang lên đồ án xây dựng tại đây một nhà máy Bưởi chế biến mứt và kẹo từ bưởi.Và  Ông  Bảy Sang đang ấp ủ ý định sẽ xây dựng một trạm dừng chân có đầy đủ tiện nghi cho du khách .
Nơi đây còn có một nhà hàng nổi tiếng.Đó là cơ ngơi của ông Huỳnh Đức Huệ mà biển đề chỉ vỏn vẹn mấy chữ: Nhà hàng Năm Huệ.Ông Huệ vốn sinh ra tại đây. Ông cũng đã từng bôn ba ra nơi phố thị để mong tìm kiếm sự giàu sang. Nhưng rồi từ trong sâu thẳm tâm hồn ông, quê hương Tân Triều tha thiết vẫy gọi. Ông nhớ như in ngày còn tấm bé đã cùng với bạn bè bơi lội trong dòng nước mát nơi chôn nhau cắt rốn. Hương vị đậm đà của những trái bưởi như đang chảy trong ký ức ông.Ông quyết rời thành phố trở về quê với niềm tin mãnh liệt là đất sẽ không phụ người! Ông là người đầu tiên có ý tưởng biến khu vườn rộng hơn 2 mẫu rưỡi,với sự hiện hữu của 500 gốc bưởi của gia đình thành khu du lịch sinh thái đầy hấp dẫn.Ông là người đầu tiên nơi đây tìm cách làm cho trái bưởi thêm nhiều công năng sử dụng. Đó là những món ăn như gỏi bưởi, nem bưởi, chè bưởi..và những thức uống gồm rượu bưởi, nước ép bưởi, si-rô bưởi…được người tiêu dùng ưa chuộng.Món gỏi bưởi Tân Triều cũng mang nét đặc trưng. Đó là những con tôm được đánh bắt từ dòng sông Đồng Nai còn tươi nguyên, là những lát thịt heo ta lai rừng mà ngày nay hầu như nhà nào, xã nào cũng có nuôi,giá lại đắt hơn các giống heo ngoại như Đuy-rốc hay Yoọc-sia bởi nó ngọt thịt và thơm ngon.
 Nhìn đĩa gỏi bưởi Tân Triều, tôi bất giác nhớ về quê ngoại, miền đất tiền chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị). Vườn nhà ông ngoại tôi rất rộng và trồng nhiều loại cây ăn trái: bồ quân, vải, nhãn,mít, chuối, bứa, dâu gia, cau, cam, quýt và nhiều nhất là bưởi. Lũ trẻ chúng tôi thường nhặt những trái bưởi non, to bằng cái chén ăn cơm đem nướng sơ cho mềm để làm trái banh đá chơi với nhau.Dì Tâm của chúng tôi có sáng kiến làm món thấu ( giống như gỏi ) bưởi để cả nhà ăn cho đỡ ngán. Cách làm là thế này: bóc lấy tép bưởi, cho vào mặt trong của mo cau, trộn đều với ruốc (loại mắm làm từ con khuyếc biển),gia vị là ớt trái thái chỉ, một ít rau thơm như hành tăm, ném hay tỏi giã nhỏ. Gấp mo cau lại, lấy vật nặng như cối đá đè lên.Khoảng nửa giờ đồng hồ thì bóc ra, cho vào đĩa, đưa lên mâm. Món thấu này thật là dân dã và ngon, hấp dẫn vô cùng.
Anh Lê Ngọc Thanh,sinh ra ở ấp Bình Lục, tốt nghiệp xong Trung cấp Nông Lâm anh xin về xã, nơi anh được sinh ra và lớn lên.Anh hiểu rõ quê hương và yêu quê hương tha thiết.Hơn 10 năm lăn lộn với phong trào Tân Bình, giờ đây anh là một cán bộ được dân tin và dân yêu như người nhà. Chị Nguyễn Thị Nước (cái tên cũng nghe là lạ) cũng được cất tiếng chào đời tại cái cù lao nhỏ bé này. Có lẽ chung quanh ấp Vĩnh Hiệp chỉ có nước với nước nên cha mẹ đã đặt cho con cái tên thân thiết này chăng? Chị Nước cũng trưởng thành từ mảnh đất quê hương và nguyện gắn bó suốt đời với quê hương.
Và còn rất nhiều gương mặt của Tân Bình sẽ làm cho quê huơng mãi xanh tươi và đẹp giàu! Người dân nơi đây đang sắp xếp lại giang sơn của mình!
3.Tân Triều – diện mạo mới.
            Tôi dùng hai chữ Tân Triều để chỉ một miền quê mà giờ đây du khách trong và ngoài nước đều biết đến. Chữ Bưởi Tân Triều trên nhãn thương hiệu xứng đáng đại diện cho tất cả vùng đất Đồng Nai ra với bốn bể năm châu.Vĩnh Cửu đã được chuẩn y quy hoạch đất trồng bưởi là 1000 hecta, tập trung ở sáu xã:Tân Bình, Bình Lợi, Bình Hòa,Thiện Tân,Tân An và Trị An.
            Xác định được giá trị của thương hiệu bưởi Tân Triều, những nhà lãnh đạo Đồng Nai đã có những hoạt động nhằm xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu thông qua những chủ trương, nghị quyết, kế hoạch, quy hoạch; những dự án, những công trình nghiên cứu khoa học  để nâng cao vai trò,uy tín của giống bưởi đặc sản này. Nhiều cơ quan khoa học đã vào cuộc nghiên cứu tuyển chọn giống bưởi có triển vọng và các biện pháp thâm canh nâng cao hiệu quả vườn bưởi. Người nông dân Đồng Nai được tập huấn,chuyển giao công nghệ,khuyến cáo sử dụng giống bưởi tốt, phương pháp canh tác chăm bón tiên tiến…
            Để triển khai mô hình sản xuất bưởi sạch theo tiêu chuẩn GAP, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dich vụ Tân Triều, bước đầu vận động bà con xã viên tham gia và Nhà nước có chính sách hỗ trợ từ khâu chăm sóc đến khâu thành phẩm với mức hỗ trợ khoảng 30%. Hợp tác xã đã chính thức cấp chứng nhận cho 16 hộ tham gia với diện tích là 9,8 hecta.Hiện nay số hộ tham gia đã lên tới 49 hộ và sẽ có rất nhiều hộ nữa khi nhận thức được cái hay, cái lợi từ mô hình GAP này. Định hướng của xã Tân Bình từ nay đến năm 2015 phấn đấu có 50 hecta bưởi sạch.Và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên hàng năm. Năm 2012 Tân Bình đã đạt được 35 triệu 200 ngàn đồng/người/năm.
            Để làm phong phú và đa dạng các chủng loại,Chủ nhiệm Hợp tác xã Phan Tấn Tài đang vận động bà con phục hồi giống bưởi ổi truyền thống.Ông cũng cất công đi mời các nghệ nhân từ thành phố Hồ Chí Minh về để gầy cho được bưởi hồ lô. Tết Quý Tỵ vừa rồi Hợp tác xã đã bán ra thị trường 150 ngàn trái bưởi mang thương hiệu Tân Triều và 1 triệu 400 ngàn trái bưởi các loại. Ông Phan Tấn Tài nói rằng sẽ phát triển thêm nhiều Đại lý các vùng lân cận. Ở Hà Nội cũng đã có Đại lý Bưởi Tân Triều.Hội Làm vườn Vĩnh Cửu cũng đã tìm được và ký hợp đồng xuất khẩu bưởi sang Singapore. Và Hội cũng đang hướng mục tiêu xuất khẩu bưởi sang thị trường Hoa Kỳ, nơi có hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống.
            Trái bưởi Tân Triều đang hàng ngày làm thay da đổi thịt cho một vùng quê Nam Bộ. Cuộc sống cơm ngon áo đẹp, nhà cao cửa rộng không còn là ước mơ xa vời của người nông dân Việt Nam ở nơi này nữa.
            Tôi xin mượn câu ca đã truyền tụng bao đời nay với người dân Tân Triều để kết thúc bài bút ký viết về nông thôn mới ở Đồng Nai:
Dù ai xuôi ngược trăm chiều
Đừng quên Xứ bưởi Tân Triều quê tôi.       
                         Làng Tân Triều, những ngày đầu tháng 6 năm 2013.
                                                                      Xuân Bảo   



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét