Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

97.NƠI ĐÂY-HÀNG GÒN.


NƠI ĐÂY – HÀNG GÒN
Bút ký
Trong Trường ca Âm vang một dòng sông của tôi viết chào mừng Kỷ niệm 310 năm vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai, xuất bản năm 2009 có một đoạn như sau:
…Cự Thạch Hàng Gòn đỉnh cao chế tác
Ngôi mộ hoa cương thử thách thời gian
Bưng Bạc ngủ yên tiền sử nhà sàn
Đã thức dậy một công trình cổ đại

Nghe đâu đây tiếng người xưa vọng lại
Đưa ta về thời hái lượm thuở nào
Bộ qua đồng trong lòng phễu Long Giao
Miền đất cổ ẩn chứa nhiều dấu tích…


    ***
Thật là duyên may, trong những ngày Tháng 5 lịch sử này tôi lại có dịp trở về miền đất mà đúng 38 năm về trước Cánh cửa thép phía đông Sài Gòn của  tướng Lê Minh Đảo bị phá tung bởi những người lính Giải phóng quân,sau 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường khốc liệt để rồi chúng ta có ngày toàn thắng 30 Tháng Tư!
Hồi đó trên con đường Liên tỉnh lộ 2, nay là Quốc lộ 56 từ ngả ba Tân Phong về Bà Rịa có rất nhiều những đồn diền cao-su. Trong đó có Plantation de Hang Gon, chỉ cách ngả ba Tân Phong không đầy bốn cây số.Tấm biển này những ngày tháng 4 năm 1975 bị đổ nghiêng và lỗ chỗ vết đạn.
Bây giờ đây bên cạnh Nông trường Cao su Hàng Gòn có thêm trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Hàng Gòn. Xã Hàng Gòn thuộc thị xã Long Khánh, cách Trung tâm thị xã về phía nam khoảng 8 cây số. Xã được thành lập từ năm 1994 trên cơ sở chia tách từ xã Xuân Tân, có diện tích tự nhiên 3412 hecta, trong đó đất nông nghiệp có đến 3161 hecta, chủ yếu là đất đỏ ba-zan, với số dân là 12383 khẩu của 2567 hộ.
Sau khi nghe nữ Chủ tịch xã Lương Ngọc Hồng báo cáo những nét chính của việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới của xã, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Nam, bí thư Đảng ủy xã trực tiếp dẫn xuống các ấp..
 Điểm đến đầu tiên là ấp Hàng Gòn để thăm ngôi mộ cổ Cự thạch Hàng Gòn ,dân dã thì thường gọi là Mả Ông Đá.Ngôi mộ này là niềm tự hào của không riêng Hàng Gòn, riêng Long Khánh, riêng Đồng Nai mà là của cả nước Việt Nam! Đây là ngôi mộ có niên đại từ 150 năm trước công nguyên đến 240 năm sau công nguyên.Mộ được nhà khảo cổ học Pháp J.Bouchet phát hiện năm1927, khi được tin báo từ những người phu lục lộ Nam Kỳ làm đường Liên tỉnh lộ 2. Họ đào bới những thước đất để san lấp mặt bằng,làm nền hạ đã nhặt được những mảnh gốm cũ của những chiếc hũ,chén bát có chân… và cả những chiếc qua đồng.Vị trí của mộ nằm trên vùng đất ba-zan, chung quanh còn sót lại nhiều miệng núi lửa, có độ cao 250 mét so với mực nước biển.Và sau khi thực dân Pháp ổn định được xứ Nam Kỳ thuộc địa,đồn điền cao su đầu tiên được thành lập trên đất Đồng Nai là Công ty Cao su Suzannah ở mạn Dầu Dây và tên thực dân W.Bazé mở đồn điền cao su ở ngay mảnh đất Hàng Gòn này. Người phu cạo mủ thường gọi tên này bằng cái tên đáng khinh bỉ là Băng-đit ( bandit, tiếng Pháp có nghĩa kẻ cướp, là côn đồ).
 Các văn nghệ sĩ, trong đó có nhiều người là họa sĩ, điêu khắc gia thật sự kinh ngạc về trình độ chế tác và kiến trúc của ngôi mộ.Tôi chỉ có thể thốt lên rằng đây là một công trình hết sức lạ lẫm, kỳ vĩ, siêu phàm, riêng biệt.Cũng có thêm một cảm tưởng nữa là hoành tráng và quyền uy. Tôi tự đặt cho mình câu hỏi: Ai là người đã làm nên kỳ tích này? Một người khổng lồ hay một cộng đồng cư dân? Chỉ riêng phần quan tài hình hộp chữ nhật ghép bởi 5 tấm đá hoa cương (granite) với kích thước 4,2mét x 2,7mét x 1,6 mét, kết liền lại với nhau bằng những cái rãnh dọc, đã có trọng tải lên hàng chục tấn.Tấm ván thiên làm bằng đá hoa cuơng được đặt phía trên cũng nặng tới cả chục tấn. Vậy thì khi đóng mở nắp quan tài người xưa dùng cách nào để dở ra, đậy lại?Mộ có 10 trụ đá. 8 trụ được làm từ sa thạch hay đá cát (grès) cao từ 2,5 mét đến 3 mét, mặt cắt ngang hình bầu dục, một đầu có vệt lõm hình yên ngựa. 2 trụ còn lại làm bằng đá hoa cương có kích thước cao tới hơn 7,2 mét, rộng 1,10 mét, dày 0,35 mét.Phần dưới có  một đoạn lồi ra hai bên.Những cái trụ này dùng vào việc gì thì giờ đây vẫn chưa có lời giải. Mặc dù trước năm 1975, các nhà khảo cổ học tầm cỡ của nước Pháp như Parmentier. H, Gaspardone. E, Malleret. L, Saurin. Ed, Fontaine.H đã đến Hàng Gòn khảo sát và tìm lời giải mà vẫn chưa tìm ra. Sau 1975, các nhà khảo cổ học của nhiều nước như Liên Xô cũ,Đức,Bulgari,Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và cả Mỹ cũng đã đến tham quan, nghiên cứu giải mã nhưng chưa có câu trả lời xác đáng. Bí mật ngôi mộ cổ vẫn là bí mật.Quá khứ vẫn nằm yên trong lòng mộ!
Tôi còn nhớ hồi sang Siem-Riệp để viết cái ký sự Angkor.Tôi đã đến thăm Angkor-Thơm, Angkor-Vat và nhiều nơi khác của vương triều Kh-mer thịnh vượng một thuở, cách đây hơn một thiên niên kỷ (năm 889)  và chỉ tồn tại được khoảng 500 năm. Angkor -Vat không gì khác hơn là một lăng mộ đền khổng lồ. Theo nhận xét của Henri Mouhot, người châu Âu đầu tiên đã đặt chân đến đây từ năm 1861 rằng: Đây là một trong những ngôi đền – đối thủ của Salomon – chiếm một vị trí đáng tôn kính bên cạnh những công trình đẹp nhất của chúng ta. Ngôi đền còn hùng vĩ hơn tất cả những gì còn lại giành cho chúng ta ở Hy Lạp hay La Mã. Angkor -Vat thông báo cho thần dân biết về sự huy hoàng và uy thế của vua Suryavarman II và tính cách thần thánh trong cá nhân nhà vua.
Vậy thì ngôi mộ cổ Cự Thạch Hàng Gòn này ai xây và xây để chôn cất ai? Vua hay tù trưởng một bộ tộc hay liên bộ tộc của thời kỳ đồ đá cũ? Làm thế nào để đưa được những khối đá khổng lồ này từ nơi khác đến. Loại đá hoa cương này chỉ có thể có ở Phan Rang hay Lâm Viên mà thôi. Dù là chế tác xong mới vận chuyển hay là chở nguyên khối về đây mới đục đẽo thì cũng khó khăn lắm. Địa hình nơi đây lại không có con sông nào để có thể đóng bè?Tôi lại tưởng tượng ra thần dân của một quốc gia nào đó trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta từ ngày xửa ngày xưa đã có một vị thủ lĩnh (có thể là vua) cai trị miền đất Hàng Gòn. Quốc gia này không những hùng mạnh về kinh tế có đủ sức người, sức của để xây dựng thành công ngôi mộ Cự thạch mà chắc chắn vị vua này và thần dân của ông ta cũng rất thông thạo binh nghiệp.
Nhà báo Lại Văn Long, trong truyện ngắn Chiến binh khổng lồ của mình kể về sự tích mộ cổ Hàng Gòn đã tưởng tượng ra chi có ngưởi khổng lồ mới làm nên kỳ tích này. Tôi cũng tin như vậy. Truyện thần thoại Việt Nam có Bà Nữ Oa đội đá vá trời kia mà. Đây là đề tài cho những nhà văn chuyên viết truyện thiếu nhi tha hồ khai thác!
Giờ đây, con cháu đang tiếp tục phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước và không quên bảo tồn những giá trị văn hóa mà cha ông đã để lại.Năm 1992 thế kỷ trước con cháu đã trùng tu tôn tạo ngôi mộ này trên phạm vi rộng đến 4 hecta, cả phần mộ va khu chế tác.Khách trong và ngoài nước ngày có nhiều người hành hương về đây mà ngắm nhìn, mà bái phục, mà ngưỡng vọng công trình có một không hai này.
Khi trở về cơ quan Ủy ban, bí thư Nguyễn Văn Nam còn chỉ cho chúng tôi thấy 2 cái trụ cổng to đùng dựng phía ngoài, cạnh Quốc lộ 56, một khoảnh đất rộng hơn trăm mẫu tây,trên những quả đồi thoai thoải. Anh nói rằng nơi đây đã được quy hoạch làm công viên nghĩa trang. Tôi nghĩ: Có lẽ Hàng Gòn là chỗ đất sẽ có nhiều mộ kết chăng?
***

HÀNG GÒN - GIỜ ĐÂY.
Xã Hàng Gòn có 3 ấp: ấp Hàng Gòn, ấp Tân Phong và ấp Đồi Rìu.Gọi là Đồi Rìu vì quả đồi này có hình dáng như cái lưỡi rìu.Xe chúng tôi bon bon trên con đường nhựa phẳng lỳ từ tổ 5 đến tổ 7 của ấp.Đường nông thôn mà như thế này thì thật là tuyệt.Chả bù cho mấy năm về trước, dân thường kêu là con đường khổ ải.Phó chủ tịch xã Đinh Sĩ Nghĩa khoe: Con đường này có chiều dài 1,3km.Tổng kinh phí là 3 tỷ rưỡi, trong đó ông Lê Văn Thành, người ở huyện Long Thành, có vườn cao su tiểu điền ở ấp này ủng hộ 1 tỷ 200 triệu đồng.Bây giờ việc vận chuyển nông sản do các loại xe tải nhẹ, xe kéo, xe cày từ rẫy về nhà, từ nhà đến sân kho, từ sân kho tỏa đi các nơi vô cùng thuận tiện. Các cháu đi học cũng được đi lại dễ dàng, nhanh chóng, sạch sẽ.Toàn xã có 208 hộ dân tộc ít người với  hơn một nghìn khẩu thì phần lớn ở ấp Đầu Rìu.Khi tan trường người ta khó có thể phân biệt cháu nào là người Kinh, cháu nào là con em dân tộc vì chúng đã hòa nhập vào đời sống cộng đồng khối đại đoàn kết toàn dân..
Chúng tôi vào thăm một “nhà máy nước” của xã, đóng tại ấp Đồi Rìu.Ông Nguyễn Quang Tường, một người dân ở đây tự nguyện hiến 200 mét vuông đất để xây dựng công trình.Tấm biển ghi rõ: Công trình giếng khoan số 1.Công suất 10 m3/h.Tầng chứa nước 41 m3. Mực nước tĩnh 85,5. Mực nước động 95,. Khởi công ngày 31-8-2012.Hoàn thành ngày 17-1-2013. Đây là một trong công trình cấp nước tập trung với kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Cho đến nay xã Hàng Gòn đã có 2 công trình nước sạch phục vụ cho 98% số hộ dân.
Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết xã Hàng Gòn có tới 52 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 47 trang trại chăn nuôi gia công và 5 trang trại tư nhân. 100% hộ chăn nuôi sử dụng hầm chứa biogas, bảo đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn quy định. Hệ thống thoát nước mưa phù hợp với quy hoạch. 96% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh.
          Theo bí thư xã Nguyễn Văn Nam: 5 năm qua, cơ sở hạ tầng nông thôn ở Hàng Gòn đã có bước phát triển mạnh mẽ.Đường giao thông đã 100% nhựa hóa, cứng hóa. 99,8% hộ dân đã sử dụng điện quốc gia; máy điện thoại đạt  80 máy/100 dân. Mạng Internet đã phủ sóng tới trung tâm các ấp, đến nhiều hộ gia đình và một số tuyến đường khu vực đông dân cư trong xã.Anh cũng cho biết thêm về tình hình sản xuất nông nghiệp của xã tiếp tục được ổn định và phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Tôi lật trang tài liệu ( Biểu số 01/CX) thấy ghi: Đất nông nghiệp có 3154 hecta,trồng lúa nước chỉ vẻn vẹn 3,77 hecta, lúa nương thì không có sào nào. Nhưng đất trồng cây lâu năm (đất bazan mầu mỡ)thì có đến 3062 hecta.Đây chính là thế mạnh của Hàng Gòn.Trong các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân đều có  nhắc tới việc nâng cao thu nhập  (ý nghĩa rộng là làm cho dân giàu lên), cải thiện đời sống nhân dân theo tiêu chí Nông thôn mới thì cần phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như sử dụng cơ giới hóa khâu làm đất,tưới tiêu, chăm sóc bảo quản và sơ chế nông sản; khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao,sản xuất theo quy trình GAP,sản phẩm hướng về thị trường xuất khẩu; góp phần quảng bá và nâng cao uy tín thương hiệu trái cây Long Khánh ( chôm chôm và sầu riêng) trên thị trường trong và ngoài nước…
Để hiểu sâu về đề tài này, tôi tìm đọc cái Báo cáo Kết quả tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.Người viết là ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Ở Biểu thống kê kết quả số xã đạt từng tiêu chí (theo Quyết định 3461/QĐ-UBND) trong Nhóm 1 đạt chuẩn Nông thôn mới đủ 19 tiêu chí thì cả tỉnh có 6 xã: huyện Xuân Lộc có 5 xã đạt, Thị xã Long Khánh có 1 xã đạt. Đây chính là xã Hàng Gòn.
Tôi còn nhớ, đã lâu lắm rồi.khi nhà văn đi thực tế để sáng tác thường thường là nếu ngắn ngày thì cũng phải mất hàng tháng, còn muốn có tác phẩm dài hơi thì thời gian đi xâm nhập it ra cũng vài ba tháng trở lên.Tiếng là về Hàng Gòn để viết nhưng thời gian không đầy một buổi chiều, cho nên không thể hiện được hết, được toàn diện, kể cả những mong muốn tối thiểu của người viết.
Những điều tôi kể ra trong bút ký này chẳng qua là những nét chấm phá về những đổi thay cơ bản của một xã được coi là xã miền núi. Một xã trong 136 xã của Đồng Nai và là một trong 9051 xã của toàn quốc đạt được tất cả19 tiêu chí của hai Bộ tiêu chí Quốc gia và của địa phương. Quyết định 491/QĐ của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3461/QĐ-UBND của tỉnh Đồng Nai.
Bài học lớn được rút ra là “Việc xây dựng nông thôn mới phải có sự đồng thuận của dân”.Có như thế mới huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân!
 “…Dễ trăm lần không dân cũng chịu
                 Khó vạn lần dân liệu cũng xong…”
Xin mượn hai câu thơ trên của nhà thơ quân dội đã quá cố Thanh Tịnh viết từ năm 1952 trong bài thơ Dân no thì lính cũng no để kết thúc bút ký này.

                              Hàng Gòn-Biên Hòa, ngày10 tháng 6 năm 2013
                                                  
                                             Xuân Bảo

Đây là tác phẩm thứ 5 dự Trại viết Chương trình mục tiêu
Quốc gia xây dựng nông thôn mới . Mong rằng lãnh đạo Hội
VHNT Đồng Nai lần sau có tổ chức những đợt đi thực tế hãy
chu đáo hơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét