Trang

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

208. BA TÔI ĐƯA TÔI ĐẾN TRƯỜNG.HỌC

                                     208. NHỮNG KỶ NIỆM VỀ BA TÔI.
                                        (Trích Chương Những ngày ở cố đô Huế)
.
1.     Ba tôi đưa tôi đến trường học.
          Tôi vào học cours Enfantin (Lớp Đồng ấu) niên khóa 1941-1942 tại trường Nhà Binh trong Trại Con gái – nơi ở cuả gia đình binh lính (Camp mariée) – thuộc Đồn Mang Cá khi tôi lên sáu.
`Buổi sáng tựu trường, Ba tôi xin phép được nghỉ làm việc ở cơ quan Tham mưu Lữ đoàn 5 (État Major thuộc 5è Brigate) để đưa tôi đến lớp. Ông mặc quân phục lính Pháp, cấp Sergent (Đội) rất chỉn chu.
Ông trìu mến dắt tay tôi đi vòng qua sân vận động trong trại để đến trường. Trường đóng gần bờ hào, nhìn sang bên kia là bức thành cổ của Hoàng thành Huế. Cạnh trường là một cái vườn hoa nho nhỏ, trong đó có cái trạm xá, giống như trạm y tế xã bây giờ, cũng của nhà binh.
Trường chỉ có 3 lớp: Lớp Đồng ấu (cours Enfantin), lớp Dự bị (cours Préparatoire), lớp Sơ đẳng (cours Elémentaire). Mỗi lớp có khoảng 30 học trò. Các học trò lớp Đồng ấu không mang theo sách vở, học cụ. Sau khi chào cờ xong. Cờ là một lá cờ tam tài xanh trắng đỏ được mắc vào dây kéo treo sẵn trên cái cột dựng ở sân trường. Thầy giáo Phong, (tôi không nhớ họ) cũng mặc đồ nhà binh với hàm Sergent (Đội) đọc tên từng học trò và hướng dẫn vào chỗ ngồi. Lớp có 2 dãy bàn học, mỗi bên có 5 hàng ghế, ghế có 3 chỗ ngồi. Trên bàn học phía trước có 3 cái lỗ khoét sâu xuống để vừa cái gô-đê đựng mực, thường là mực tím. Dưới mặt bàn có 3 ô ngăn cách để học trò dùng đựng cái tráp sách bằng gỗ mỏng. Bảng đen được treo trên tường, gần bàn của thầy. Góc phía dưới có để một hộp phấn trắng và một cái khăn lau bảng. Tường hai bên và phía sau treo những bức họa vẽ về đề tài trẻ con, nhiều màu sắc và vui mắt.
Có một tấm bản đồ to xứ Đông Pháp treo gần bảng đen. Xứ Đông Pháp, tên Tây là Indochine-Française. Sau này lớn lên khi có trí khôn tôi mới biết đó là xứ Đông Dương, (Indochinoise) gồm 3 nước Việt Nam, Lào và Cao-mên. Việt Nam thì có 3 kỳ: Bắc kỳ gọi là Tonkin. Trung kỳ gọi là Annam, Nam kỳ gọi là Cochinchine.
Mỗi học trò được phát một cái tráp, trong có quyển sách học vần a, b (bê) c (xê), một quyển vở kẻ ô ly để viết tập, một cái thước kẻ, một cây viết chì, một cây viết mực, một tờ giấy thấm và một cục gôm (tẩy). Học cụ, sách vở là của Tây cho không. Đặc biệt hồi đó tôi chưa bao giờ nghe 2 từ: học phí.
Sau khi vào lớp, ổn định chỗ ngồi rồi thì cha mẹ học sinh ra về. Hồi đó tôi cũng chưa từng nghe 4 từ: phụ huynh học sinh. Vào lớp, thầy hô: Tất cả lớp đứng dậy! Các trò đều răm rắp nghe theo. Thầy lại hô: Chào các trò! Cả lớp đồng thanh đáp lại: Kính chào thầy!
Và học trò bắt đầu học chữ theo quyển sách đánh vần. Thầy viết lên bảng 3 chữ a, b và c. Thầy cầm cái thước kẻ chỉ vào từng chữ. Chỉ vào chữ a, thầy nói a. Cả lớp đồng thanh aaa rõ thật to và thật dài. Cả một buổi sang chỉ học có 3 chữ a, b và c.
 Nghe tiếng còi trong thành hú 3 hồi dài. Đây là còi báo 11 giờ. Hết hồi còi thứ ba, thầy lại hô: Tất cả lớp đứng lên! Và thầy nói: Buổi học đầu tiên hôm nay kết thúc. Chào các trò!
Tất cả học trò ùa ra sân trường, ríu rít như một đàn chim non. Cha mẹ các trò đã chờ sẵn. Đứa thi được dắt tay, có đứa lại được cha hay mẹ bồng lên. Ba tôi đã thay bộ quân phục, thay vào đó là bộ đồ civil đón tôi về nhà.
Buổi học đầu đời của tôi là như vậy đó. Giờ đây, sau gần 80 năm khi Ba Mạ tôi đã về với ông bà, tổ tiên. Tôi năm nay cũng đã hơn tám chục tuổi. Và được nuôi dạy trong môi trường của một gia đình gia giáo. Tôi trưởng thành và trở thành nhà báo, nhà thơ cũng nhờ vào sự dạy dỗ của Ba Mạ tôi. Trong đó công lao lớn nhất dạy dỗ tôi để trở thành một người có văn hóa là công đầu của Ba tôi.
 Viết bài này để tưởng nhớ về người cha kính yêu nhân ngày Kỵ Ba tôi, ngày 12 tháng 9 âm lịch hàng năm.

Bên bờ Phước Long Giang, đêm 11 rạng sáng ngày 12 tháng 9 năm Đinh Dậu, tức ngày 30 tháng 10 năm 2017.
                                                                        Nhà thơ Xuân Bảo.

Kỳ sau: Ba Mạ tôi cho tôi đi thăm hoàng thành Huế.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét