Trang

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

196. Mẹ tôi dắt tôi đi hái lá mùng 5.

196.MẸ TÔI DẮT TÔI ĐI HAÍ LÁ MÙNG 5 TẾT ĐOAN NGỌ.
                                                          Hồi ức của nhà thơ Xuân Bảo.
Vacance niên khóa 1943-1944, sau khi thi Sơ học yếu lược xong, tôi được Mạ tôi vô Huế đón về quê Quảng Trị nghỉ hè. Quê nội tôi ở làng Đại Hào, tổng An Cư, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Quê ngoại tôi là phường Xuân Sơn, còn gọi là Phường Sãi (thuộc làng Xuân An), tổng An Đôn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Hai làng cách nhau khỏang non 15 cây số. Phường Sãi là miền duyên sơn, còn Đại Hào là vùng đồng bằng.
Tôi được nghỉ hè vào dịp mà quê Mạ tôi cũng như nhiều nơi khác rộn rịp đón Tết Đoan Ngọ, mùng 5 tháng 5 âm lịch. Tôi còn nhớ hồi học môn Quốc văn, thầy giáo cũng đã nhắc tới câu ca dao: Tháng giêng là tháng ăn chơi/ Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè/ Tháng tư đong đậu nấu chè/ Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm…
Quê Mạ tôi, trước mặt là dòng sông Thạch Hãn, quanh năm nước trong xanh, trừ vài ngày lụt lội, phía sau là độông, hác, đồi có rất nhiều loại cây rừng, phần lớn là sim, mua, muồng muồng… Mọc xen vào đấy là nhiều loại cây thuốc nam, thuốc bắc như đậu khấu, thiên niên kiện, hà thủ ô, kim ngân, mạch môn…
Trước Đoan Ngọ vài hôm, Ông ngoại tôi vốn là một nhà Nho và là một thấy thuốc bắc rất giỏi nghề đã bảo chú Đáo chuẩn bị giã gạo nếp để làm bánh cúng. Mệ ngoại thì lo cỗ bàn. Còn mấy Dì và chị Thản thì được phép vào độộng để hái lá về phơi khô làm thức uống thay trà. Mạ tôi cho tôi đi theo hái lá mùng 5.
Tốp người đi hái lá rất đông vì nhà nào cũng có người tham gia. Tôi được Mạ tôi chỉ dẫn rất tỷ mỷ từng loại lá. Đây là lá vằng, thứ lá chủ yếu trong các thứ lá hái cho ngày Đoan Ngọ. Cây vằng quê Mạ là một cây thuốc quý. Trong nhân dân, khi người trong nhà có người mang thai thì phải hái lá vằng nguyên dây, nguyên lá và bông (hoa). Từng bó lá vằng được cuộn tròn lại, đủ cho một nồi nước lá, đem về phơi khô rồi xâu vào một con sào treo lên giàn bếp. Người sản phụ chỉ dùng nước lá vằng trong thời 
hạn 3 tháng 10 ngày. Sau hết giai đoạn “phòng long” thì được dùng thêm các loại thức uống khác. Lá vằng còn trở thành một địa danh nổi tiếng ở Quảng Trị. Đó là nhà thờ Thiên Chúa Giáo La Vang, khi những nhà truyền đạo phương Tây đến nước ta và đã xây nên. Vùng đất có nhiều lá vằng nhất là xã Hải Đạo, có những làng như Long Hưng, Đại Nại, Tích Tường, Như Lệ, phía trên đường cái quan, sau này là Đường số 1. Thực dân Pháp thường gọi là Rút – oong (Route No.1) gần thị xã. Chữ viết phương Tây không có dấu nên họ đã phiên âm “lá vằng” ra là “la vang”.
Lá vằng hiện nay còn lại rất ít vì rừng núi bị chất độc hóa học tàn phá nặng nề. Thêm nữa là nạn phá rừng vô tội vạ. Tuy nhiên, người dân quê tôi thấy tác dụng của cây lá vằng là rất to lớn nên đã canh tác chuyên vùng cây lá vằng. Ở thành phố Đông Hà có một công ty mang tên là Công ty TNHH LAVA, địa chỉ tại 21 Nguyễn Thiện Thuật, phường Đông Lương chuyên sản xuất cao chè vằng và chè vằng túi lọc. Thành phần gồm 100% được chiết xuất từ thân cây “vằng sẻ”, không có phụ gia. Cao chè vằng kích thích tuyến sữa, giúp sản phụ có nhiều sữa đồng thời giảm câvln cho sản phụ giảm cân sau khi sinh. Ngoài ra, cây lá vằng còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, ngăn ngừa mụn nhọt, tốt cho người béo phì, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ; hỗ trợ điều trị bệnh nhân tiểu đường, trị chứng mất ngủ, hết mệt mỏi do giấc ngủ không trọn vẹn.
 Các thứ lá “mùng 5”này đem về thái nhỏ, phơi khô rồi dùng làm thức uống cho cả nhà.
Tôi được Ông ngoại rất thương nên thường cho tôi đi theo vào độộng để hái thuốc. Ông cũng chỉ dẫn rất tỷ mỷ các loại cây rừng để dùng làm thuốc chữa bệnh. Trong nương của Ông bà ngoại có những cây mang tên thường dùng như trái bồ quân xanh thì gọi là thanh tra, vỏ quýt thì gọi là trần bì…Những cây thuốc như tôi đã trình bày phần trên là tôi học được từ Ông ngoại. Ông còn giảng giải cho tôi biết vì sao có ngày gọi là tết Đoan Ngọ. Ông dạy rằng: Đoan nghĩa là mở đầu. Ngọ là giờ Ngọ (theo lịch Tàu – đêm có 5 canh, ngày có 6 khắc) thì giờ Ngọ ứng vào thời gian từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều. Đoan Ngọ là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất, trùng với ngày hạ chí. Theo triết lý y học phương Đông thì hỏa khí thuộc “dương” của vũ trụ và trong cơ thể con người ở ngày này cũng lên đến tột bậc nên Tết Đoan Ngọ còn có tên là Tết Đoan Dương.
Lúc đầu, Đoan Ngọ chỉ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng quang đãng. Vào hạ, trời thường oi bức, thường xuất hiện nhiều bệnh tật nên cúng bái để cầu yên, tránh mọi bệnh tật thời khí. Sau này, khi văn hóa giao lưu giữa ta và Tàu thêm sâu sắc thì Tết  Đoan Ngọ lại thêm một ý nghĩa mới. Đó là ngày Khuất Nguyên, tự là Bình – một vị trung thần đã được Sở Hoài Vương phong đến chức Tả đồ và Tam lư đại phu và là một nhà văn hóa, nhà thơ vĩ đại đã bị gian thần hãm hại, bị nhà vua ruồng bỏ, thậm chí còn bị bắt đi đày (gần 20 năm). Khuất Nguyên đã làm ra Ly Tao nổi tiếng. Ly Tao là một bài phú trữ tình, lãng mạn, tự thuật đầu tiên và lớn nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Ly Tao nguyên là một điệu dân ca nước Sở, thích hợp với việc thể hiện những nỗi uất ức, bất bình. Khuất Nguyên đã dùng Ly Tao làm đề để trữ phát những nỗi đau buồn day dứt uất kết trong lòng khi bị Sở Hoài Vương đày ải. Và kết cục thật bi thảm, ngày mùng 5 tháng 5 ông đã trầm mình xuống dòng Mịch La.
 Ôi  thân phận của một cô thần! Thương thay một tài thơ vĩ đại đã chết một cách oan uổng!
                                       ***
Gia đình chúng tôi về quê nội. Đúng lúc có trát sức về làng tôi đã đậu Yếu lược. Ông nội tôi đã mổ bò khao làng, mừng đứa cháu đích tôn được phong là Ấm sinh.
 Ba Mạ tôi lại đưa tôi vô Huế, chuẩn bị cho ngày tựu trường niên khóa 1944-1945. Tôi vào học lớp Nhì nhất niên (cours moyen 1) tại trường Queignec. Học nửa niên khóa thì Nhật đảo chính Pháp. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Việt Nam thôi là nước thuộc địa của “mẫu quốc Đại Pháp” đô hộ.
Và nước  Việt Nam đang bước vào một trang sử mới. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Ba Đình vang lên Tuyên ngôn Độc lập!
Bên bờ Phước Long Giang, đúng Ngọ, mùng 5 tháng 5 năm Đinh Dậu, nhằm ngày 30/5/2017.

Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét